Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa.

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn ấy, Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Vòng Tử Sinh Luân-Hồi

(SAṂSĀRAVAṬṬA)

Tử Sinh Luân-Hồi 

– Tử (cuti) đó là tử-tâm (cuticitta) là quả-tâm cuối cùng làm phận sự chuyển kiếp tử (chết) kết thúc kiếp hiện-tại của mỗi kiếp chúng-sinh. 

– Sinh (paṭisandhi) đó là tái-sinh-tâm (paṭi-sandhicitta) là quả-tâm đầu tiên làm phận sự tái-sinh kiếp sau sinh bắt đầu mỗi kiếp chúng-sinh. 

– Luân-hồi là vòng luân-hồi, bởi vì tử rồi lại tái-sinh cứ tiếp diễn như vậy do năng lực của vô-minh và tham-ái là nhân sinh khổ-đế đối với chúng-sinh còn tham-ái, bởi vì tham-ái dắt dẫn nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong ba giới, bốn loài. 

Tất cả mọi chúng-sinh trong tam-giới dù lớn như chư phạm-thiên trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên, trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên, dù nhỏ nhất như kiến, con thiêu thân; sau khi đã sinh ra rồi, sống theo tuổi thọ thời gian lâu hoặc mau, cuối cùng cũng đều phải chuyển kiếp tử (chết) cả thảy. Tất cả mọi chúng-sinh đã sinh ra rồi, ắt có tử, không ngoại trừ một ai cả. 

 Nguyên-nhân của sự tử (maraṇa) 

Trong bộ Abhidhammatthasaṅgaha: Vi-Diệu-Pháp Yếu-Lược, chương V, phần Maraṇuppatti-catuka trình bày sự chết (maraṇa) của tất cả chúng-sinh do 4 nguyên-nhân: 

1- Āyukkhayamaraṇa: Tuổi-thọ-tận-tử là sự chết do hết tuổi thọ, nhưng còn sinh-quả-nghiệp. 

2- Kammakkhayamaraṇa: Nghiệp-tận-tử là sự chết do hết sinh-quả-nghiệp, nhưng còn tuổi thọ. 

3- Ubhayakkhayamaraṇa: Tuổi-thọ và nghiệp đồng-tận-tử là sự chết do hết tuổi thọ và hết sinh-quả-nghiệp. 

4- Upacchedakamaraṇa: Nghiệp-đoạn-tử là sự chết do bị nghiệp khác cắt đứt sinh-mạng, dù cho tuổi thọ và sinh-quả-nghiệp vẫn còn. 

Giảng giải 4 sự chết (maraṇa) của chúng-sinh 

1- Āyukkhayamaraṇa: Tuổi-thọ-tận-tử là sự chết do hết tuổi thọ, nhưng còn sinh-quả-nghiệp như thế nào? 

Āyu: Tuổi thọ đó là sắc-mạng-chủ (jīvitarūpa) có tính chất duy trì sinh-mạng chúng-sinh. 

– Tuổi thọ của chư vị thiên-nam, thiên-nữ trên 6 cõi trời dục-giới, mỗi cõi trời có tuổi thọ nhất định. 

– Tuổi thọ của chư vị phạm-thiên trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên, trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên, mỗi tầng trời sắc-giới phạm-thiên, mỗi tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên có tuổi thọ lâu dài nhất định. 

– Tuổi thọ của con người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu (cõi người của chúng ta đang sinh sống) có tuổi thọ không nhất định, trong thời-kỳ tuổi thọ tăng đến tột đỉnh là a-tăng-kỳ năm, và trong thời-kỳ tuổi thọ giảm đến tột cùng chỉ còn 10 năm, … 

– Tuổi thọ của chúng-sinh trong 4 cõi ác-giới là địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh không có tuổi thọ nhất định, … 

Như vậy, mỗi chúng-sinh sinh ra trong mỗi cõi-giới nào đều có tuổi thọ theo cõi-giới ấy, số chúng-sinh có tuổi thọ nhất định, số chúng-sinh có tuổi thọ không nhất định. 

Ví dụ chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, đến khi sắp hết tuổi thọ, thường có hiện tượng báo trước (pubbanimitta). 

Pubbanimitta: Hiện tượng báo trước có 5 là: 

– Mālā milāyanti: Những vòng hoa héo. 

– Vatthāni kilissanti: Những y phục phai màu. 

– Kacchehi sedā muccanti: Mồ hôi chảy ra từ 2 bên nách. 

– Kāye dubbaṇṇiyaṃ okkamati: Sắc thân không còn xinh đẹp. 

– Devo devasāne nābhiramati: Chư-thiên không còn hài lòng cõi trời dục-giới đang sống. 

Nếu vị thiên-nam, vị thiên-nữ nào có 5 hiện tượng báo trước, thì vị thiên-nam, vị thiên-nữ ấy biết mình sắp hết tuổi thọ tại cõi trời dục-giới ấy, phải cuti: chuyển kiếp (chết), nghiệp của vị ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của mỗi vị.  

Đối với loài người có tuổi thọ không nhất định, nên khó biết trước được sẽ chết lúc nào. 

Nếu chúng-sinh chết do hết tuổi thọ thì gọi là chết do hết tuổi thọ, nhưng còn năng lực của sinh-quả-nghiệp. 

2- Kammakkhayamaraṇa: Nghiệp-tận-tử là sự chết do hết sinh-quả-nghiệp, nhưng còn tuổi thọ. 

Kamma: Nghiệp trong trường-hợp này chỉ có 2 loại nghiệp là: 

– Janakakamma: Sinh-quả-nghiệp là nghiệp có phận sự cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) kiếp hiện-tại. 

– Upathambhakakamma: Hỗ-trợ-nghiệp là nghiệp có phận sự hỗ trợ ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp sinh từ sinh-quả-nghiệp được phát triển và bảo tồn kiếp chúng-sinh ấy. 

Nếu chúng-sinh nào chết do hết 2 loại nghiệp này, thì gọi là chết do hết sinh-quả-nghiệp, nhưng còn tuổi thọ. 

Đối với số chúng-sinh nào sinh do quả của ác-nghiệp hoặc do quả của đại-thiện-nghiệp, trong số chúng-sinh ấy, có chúng-sinh chết trong bụng mẹ, có chúng-sinh chết khi sinh ra khỏi bụng mẹ, có chúng-sinh chết khi sinh ra được 1- 2 tháng, 1- 2 năm, v.v… các chúng-sinh ấy chết đều do hết sinh-quả-nghiệp, nhưng còn tuổi thọ. 

Nếu chúng-sinh nào chết do hết sinh-quả-nghiệp, thì gọi là chết do hết sinh-quả-nghiệp, nhưng còn tuổi thọ. 

3- Ubhayakkhayamaraṇa: Tuổi thọ và nghiệp đồng-tận-tử là sự chết do hết tuổi thọ và hết sinh-quả-nghiệp cùng một lúc. 

Chúng-sinh nào chết do hết tuổi thọ và hết sinh-quả-nghiệp nghĩa là chúng-sinh ấy chết do hết tuổi thọ và đồng thời hết năng lực quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) hoặc hết năng lực quả của thiện-nghiệp cùng một lúc không trước không sau, như chư phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên hoặc vô-sắc-giới phạm-thiên. 

Ví dụ: Ông A chết do hết tuổi thọ đúng 75 tuổi và đồng thời hết năng lực quả của đại-thiện-nghiệp, gọi là sinh-quả-nghiệp, cùng một lúc không trước không sau. 

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác và Đức-Phật Độc-Giác tịch diệt Niết-bàn đều thuộc về ubha-yakkhayamaraṇa: tuổi thọ và nghiệp đồng-tận-tử là tịch diệt Niết-bàn do hết tuổi thọ và hết sinh-quả-nghiệp cùng một lúc không trước không sau. 

4- Upacchedakamaraṇa: Nghiệp-đoạn-tử là sự chết do bị nghiệp khác cắt đứt sinh-mạng, dù cho tuổi thọ và sinh-quả-nghiệp vẫn còn. 

Chúng-sinh nào bị chết do nghiệp khác cắt đứt sinh-mạng, dù cho tuổi thọ và sinh-quả-nghiệp vẫn chưa hết, sự chết của chúng-sinh ấy gọi là upacchedakamaraṇa. 

Như trường-hợp chúng-sinh ấy bị chết do tai nạn, bị chết do lửa thiêu, bị chết do nước cuốn trôi, bị chết do bị bom đạn, v.v… đều gọi là upacchedakamaraṇa: nghiệp-đoạn-tử là sự chết do bị nghiệp khác cắt đứt sinh-mạng, dù cho tuổi thọ và sinh-quả-nghiệp vẫn còn có năng lực. 

Chúng-sinh chết do 1 trong 4 nguyên-nhân, cũng ví như ngọn đèn dầu tắt do 1 trong 4 nguyên nhân như sau: 

– Ngọn đèn dầu tắt do hết tim, nhưng mà dầu vẫn còn. 

– Ngọn đèn dầu tắt do hết dầu, nhưng mà tim vẫn còn. 

– Ngọn đèn dầu tắt do hết tim và hết dầu. 

– Ngọn đèn dầu bị tắt do gió thổi. 

Ngọn đèn dầu ví như sinh-mạng của chúng-sinh, ngọn đèn dầu tắt do 1 trong 4 nguyên-nhân, ví như mỗi chúng-sinh chết do 1 trong 4 nguyên-nhân như sau: 

– Chúng-sinh chết do hết tuổi thọ, nhưng mà năng lực của sinh-quả-nghiệp vẫn còn, ví như ngọn đèn tắt do hết tim, nhưng mà dầu vẫn còn. 

– Chúng-sinh chết do hết năng lực của sinh-quả-nghiệp, nhưng mà tuổi thọ vẫn còn, ví như ngọn đèn tắt do hết dầu, nhưng mà tim vẫn còn. 

– Chúng-sinh chết do hết tuổi thọ và đồng thời hết năng lực của sinh-quả-nghiệp cùng một lúc không trước không sau, cũng ví như ngọn đèn tắt do hết tim và đồng thời hết dầu cùng một lúc không trước không sau. 

– Chúng-sinh chết do bị nghiệp khác cắt đứt sinh-mạng, dù cho tuổi thọ và sinh-quả-nghiệp vẫn còn năng lực, cũng ví như ngọn đèn bị tắt do gió thổi, hoặc do bị vỡ. 

Tất cả chúng-sinh chết do 4 nguyên nhân, trong 4 nguyên nhân ấy, nếu chúng-sinh nào chết do hết tuổi thọ (āyukkhayamaraṇa), chết do hết sinh-quả-nghiệp (kammakkhayamaraṇa), chết do hết tuổi thọ và hết sinh-quả-nghiệp (ubhayak-khayamaraṇa), thì gọi là chúng-sinh ấy chết hợp thời (kālamaraṇa). 

Nếu chúng-sinh nào chết do bị nghiệp khác cắt đứt sinh-mạng (upecchedakamaraṇa), dù cho tuổi thọ và sinh-quả-nghiệp vẫn còn, thì gọi là chúng-sinh ấy chết phi thời (akālamaraṇa). 

Thật ra, chúng-sinh nào bị chết do tai nạn, v.v… thuộc về upecchedakamaraṇa cũng đều do nghiệp của chúng-sinh ấy. 

Như vậy cho nên, tất cả mọi chúng-sinh dù nhỏ dù lớn gồm có tất cả mọi chúng-sinh trong 4 cõi ác-giới, mọi người trong cõi người, chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ trên 6 cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên, trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên và kể cả 3 bậc Thánh-nhân là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai cũng đều chết giả, bởi vì kiếp này chết tại cõi-giới này, rồi liền tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới kia, tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy, nhưng mà duy nhất chỉ có bậc Thánh A-ra-hán đến khi hết tuổi thọ là chết thật mà thôi gọi là tịch diệt Niết-bàn, không còn tái-sinh kiếp sau nữa, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. 

* Maraṇāsannavīthicitta: Cận-tử lộ-trình-tâm 

Tất cả mọi chúng-sinh trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới, trong bốn loài là thai-sinh, noãn-sinh, thấp-sinh, hóa-sinh dù nhỏ bé như con kiến, con thiêu thân, dù to lớn như chư phạm-thiên trên các tầng trời sắc-giới phạm-thiên, vô-sắc-giới phạm-thiên, đến phút giây lâm chung cuối cùng đều có cận-tử lộ-trình-tâm (maraṇāsanna vīthicitta), là lộ-trình-tâm cuối cùng gần chết, đối với mỗi kiếp chúng-sinh còn có vô-minh và tham-ái. 

Cận-tử lộ-trình-tâm cuối cùng này rất yếu, nên tác-hành-tâm (javanacitta) chỉ có 5 sát-na-tâm đặc biệt có 2 sát-na-tâm là: 

– Cuti đó là tử-tâm (cuticitta), là quả-tâm cuối cùng của kiếp hiện-tại làm phận sự chuyển kiếp tử (chết) 1 sát-na-tâm kết thúc kiếp hiện-tại cũ, liền tiếp theo sau sát-na-tâm: 

 – Paṭisandhi đó là tái-sinh-tâm (paṭisandhi-citta) là quả-tâm nào bắt đầu kiếp sau (kiếp hiện-tại mới bắt đầu) sinh chỉ có 1 sát-na-tâm mà thôi, liền tiếp theo sau cũng chính quả-tâm ấy chuyển biến trở thành hộ-kiếp-tâm (bhavaṅga-citta) làm phận sự hộ kiếp, bảo hộ giữ gìn kiếp chúng-sinh ấy cho đến lúc lâm chung sắp chết. 

Đối-tượng của maraṇāsannavīthicitta 

Đối-tượng của cận-tử lộ-trình-tâm (maraṇā-sannavīthicitta) có 1 trong 3 loại đối-tượng: 

– Kamma: Đối-tượng nghiệp đó là thiện-nghiệp hoặc bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp). 

– Kammanimitta: Đối-tượng hiện-tượng tạo thiện-nghiệp hoặc bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp). 

– Gatinimitta: Đối-tượng hiện-tượng sẽ dắt dẫn tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới hoặc cõi ác-giới. 

Giảng giải kamma, kammanimitta, gatinimitta 

* Đối-tượng kamma đó là đối-tượng thiện-nghiệp hoặc đối-tượng ác-nghiệp có cơ hội hiện rõ trong cận-tử lộ-trình-tâm (maraṇāsannavīthi-citta) như thế nào? 

Kamma đó là tác-ý tâm-sở (cetanācetasika). 

– Nếu tác-ý tâm-sở đồng sinh với thiện-tâm gọi là thiện-nghiệp. 

– Nếu tác-ý tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm (ác-tâm) gọi là bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp). 

Thiện-nghiệp và bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) thuộc về đối-tượng pháp (dhammārammaṇa) chỉ hiện rõ trong ý-thức-tâm mà thôi. 

Nếu người nào phát sinh đại-thiện-tâm nghĩ muốn tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện hành-thiền nào,… trong thời-kỳ pubbacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm trước khi tạo phước-thiện ấy, người ấy nghĩ trong tâm với thời gian lâu, nhưng mà chưa có cơ hội tạo phước-thiện ấy, cho đến khi lâm chung gần chết, nên đối-tượng đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội hiện rõ trong cận-tử lộ-trình-tâm (maraṇāsannavīthicitta). 

Nếu người nào phát sinh ác-tâm nghĩ muốn tạo ác-nghiệp như sát-sinh, trộm-cắp, tà-dâm, nói-dối, uống rượu, bia và các chất say nào, … trong thời-kỳ pubbacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm trước khi tạo ác-nghiệp ấy, người ấy nghĩ trong tâm với thời gian lâu, nhưng mà chưa có cơ hội tạo ác-nghiệp ấy, cho đến khi lâm chung gần chết, nên đối-tượng ác-nghiệp ấy có cơ hội hiện rõ trong cận-tử lộ-trình-tâm (maraṇāsannavīthicitta). 

* Đối-tượng kammanimitta: Đối-tượng hiện tượng tạo thiện-nghiệp, tạo ác-nghiệp có cơ hội hiện rõ trong cận-tử lộ-trình-tâm (maraṇā-sannavīthicitta) như thế nào? 

Kammanimitta đó là 6 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), là nhân có liên quan tạo thiện-nghiệp, tạo ác-nghiệp bằng thân, khẩu, ý; nên đối-tượng kammanimitta: hiện tượng tạo thiện-nghiệp, tạo ác-nghiệp này hiện rõ trong 6 môn: nhãn-môn, nhĩ-môn, tỷ-môn, thiệt-môn, thân-môn, ý-môn tùy theo mỗi đối-tượng. 

Như vậy, người thiện nào tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện hành-thiền, … cùng với các pháp hỗ trợ bằng thân, bằng khẩu, bằng ý với đại-thiện-tâm. 

Hoặc người ác nào tạo ác-nghiệp sát-sinh, ác-nghiệp trộm-cắp, ác-nghiệp tà-dâm, ác-nghiệp nói-dối, ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say, v.v… cùng với các pháp hỗ trợ bằng thân, bằng khẩu, bằng ý với bất-thiện-tâm. 

Nếu người ấy đến lúc lâm chung gần chết, không có nghiệp nào đặc biệt thì đối-tượng kammanimitta: hiện tượng tạo nghiệp này có cơ hội hiện rõ trong maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm. 

* Đối-tượng gatinimitta: Đối-tượng hiện-tượng sẽ dắt dẫn tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới, cõi ác-giới có cơ hội hiện ra trong maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm như thế nào? 

Đối-tượng gatinimitta đó là 6 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) sẽ dắt dẫn tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới, cõi ác-giới, người ấy sẽ nhận biết và sẽ thụ hưởng trong kiếp kế-tiếp, nên đối-tượng gatinimitta này sẽ hiện rõ trong 6 môn. Nhưng thật ra, đối-tượng gati-nimitta này phần nhiều hiện rõ trong nhãn-môn và ý-môn, trong nhãn-môn cận-tử lộ-trình-tâm và trong ý-môn cận-tử lộ-trình-tâm. 

– Người thiện nào tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện hành-thiền nào, … trong thời-kỳ muñcacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm có nhiều năng lực đang khi tạo phước-thiện ấy. 

– Người ác nào tạo ác-nghiệp như sát-sinh, trộm-cắp, tà-dâm, nói-dối, uống rượu, bia và các chất say nào, … trong thời-kỳ muñcacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm có nhiều năng lực đang khi tạo ác-nghiệp ấy. 

Đối với người ấy đến lúc lâm chung, đối-tượng gatinimitta có cơ hội hiện rõ trong cận-tử lộ-trình-tâm (maraṇāsannavīthicitta). 

Hoặc người nào tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện hành-thiền nào,… trong thời-kỳ pubbacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm trước khi tạo phước-thiện ấy, và trong thời-kỳ aparacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm sau khi đã tạo phước-thiện ấy, người ấy thường niệm tưởng đến phước-thiện ấy, phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ trong phước-thiện ấy. 

Hoặc người nào tạo ác-nghiệp như sát-sinh, trộm-cắp, tà-dâm, nói-dối, uống rượu, bia và các chất say,… trong thời-kỳ pubbacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm trước khi tạo ác-nghiệp ấy, và trong thời-kỳ aparacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm sau khi đã tạo ác-nghiệp ấy, người ấy mỗi khi nhớ đến ác-nghiệp ấy, phát sinh sân-tâm làm khổ tâm hối hận, bởi vì không tạo đại-thiện-nghiệp mà tạo ác-nghiệp ấy. 

Đối-tượng gatinimitta: Đối-tượng hiện-tượng chỉ hiện rõ đối với riêng người ấy trong lúc lâm chung mà thôi, như người nằm ngủ thấy trong mộng mà người ấy có cảm giác như thật. 

Đối-tượng hiện-tượng gatinimitta này hiện rõ đối với số người trước 1-2 phút trước khi chết, hoặc 1-2 giờ trước khi chết, thậm chí có số người 1-2 ngày trước khi chết. 

Đối-tượng gatinimitta có cơ hội hiện rõ trong maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm cuối cùng đối với người lúc lâm chung gần chết. 

Như vậy, đối với tất cả chúng-sinh gồm có chúng-sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), loài người, chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ trên 6 cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trên 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên (trừ chư phạm-thiên trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên), trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên thuộc về phàm-nhân, thậm chí cả 3 bậc Thánh-nhân là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai, đến lúc lâm chung đều có maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm, có 1 trong 3 đối-tượng kamma, kammanimitta, gatinimitta, bởi vì những hạng chúng-sinh ấy còn tái-sinh kiếp sau. 

Tuy nhiên đối với chư bậc Thánh A-ra-hán đến lúc lâm chung, cũng có cận-tử lộ-trình-tâm (maraṇāsannavīthicitta), nhưng mà không có 1 trong 3 đối-tượng (kamma, kammanimitta, gati-nimitta), bởi vì chư bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận được mọi vô-minh, mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, kiếp này là kiếp chót. Cho nên, chư bậc Thánh A-ra-hán đến lúc lâm chung, dù có maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm vẫn có 1 trong 6 đối-tượng tùy theo mỗi bậc Thánh A-ra-hán, các tâm tuần tự sinh rồi diệt đến cuti đó là cuticitta là quả-tâm cuối cùng của bậc Thánh A-ra-hán có 1 trong 3 đối-tượng cũ (kamma, kammanimitta, gatinimitta) kiếp trước diệt gọi là khandhaparinibbāna: ngũ-uẩn Niết-bàn nghĩa là ngũ-uẩn tịch diệt rồi không còn ngũ-uẩn nào khác sinh nữa, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. 

Giảng giải chi tiết về kamma, kammanimitta, gatinimitta 

1- Đối-tượng kamma 

Kamma đó là tác-ý tâm-sở (cetanācetasika). 

– Nếu tác-ý tâm-sở đồng sinh với thiện-tâm thì gọi là thiện-nghiệp (kusalakamma). 

– Nếu tác-ý tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm thì gọi là bất-thiện-nghiệp (akusalakamma) (ác-nghiệp). 

Mỗi chúng-sinh từ vô thủy trải qua vô số kiếp quá-khứ cho đến kiếp hiện-tại đã tạo và tích lũy, lưu trữ đầy đủ trọn vẹn ở trong tâm sinh rồi diệt liên tục, có vô số đại-thiện-nghiệp và vô số bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp). 

* Thiện-nghiệp và quả của thiện-nghiệp 

– Người thiện nào biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, giữ gìn các điều-giới của mình trong sạch trọn vẹn, tạo đại-thiện-nghiệp giữ-giới, tạo mọi phước-thiện. 

Sau khi người thiện ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm nào có nhiều năng lực thì có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm ấy gọi là dục-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm người trong cõi người hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên 6 cõi trời dục-giới, hưởng an-lạc cho đến hết tuổi thọ tại cõi thiện-giới ấy. 

– Hành-giả nào là hạng người tam-nhân có giới-hạnh trong sạch làm nơi nương nhờ, rồi thực-hành pháp-hành thiền-định có khả năng chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào, rồi giữ gìn cho đến lúc lâm chung. 

Sau khi hành-giả ấy chết, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp trong thiền sắc-giới thiện-tâm bậc cao nào có quyền ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có bậc thiền sắc-giới quả-tâm ấy gọi là sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên tương xứng với bậc thiền sắc-giới quả-tâm ấy. Vị phạm-thiên hưởng an-lạc cho đến hết tuổi thọ tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy. 

– Hành-giả nào là hạng người tam-nhân có giới-hạnh trong sạch làm nơi nương nhờ, rồi thực-hành pháp-hành thiền-định có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và các bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, rồi giữ gìn cho đến lúc lâm chung. 

Sau khi hành-giả ấy chết, chắc chắn vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong thiền vô-sắc-giới thiện-tâm bậc cao nào có quyền ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), có bậc thiền vô-sắc-giới quả-tâm ấy gọi là vô-sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên tương xứng với bậc thiền vô-sắc-giới quả-tâm ấy. Vị phạm-thiên hưởng an-lạc cho đến hết tuổi thọ tại tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên ấy. 

* Ác-nghiệp và quả của ác-nghiệp 

– Người ác nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, phạm điều-giới nào tạo ác-nghiệp ấy. 

Sau khi người ác ấy chết, nếu ác-nghiệp trong 11 bất-thiện-tâm nào (trừ si-tâm hợp với phóng-tâm) có nhiều năng lực thì có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là ác-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy. 

Đối-tượng thiện-nghiệp, ác-nghiệp thuộc về đối-tượng pháp (dhammārammaṇa) chỉ hiện rõ trong manodvāramaraṇāsannavīthicitta: ý-môn cận-tử lộ-trình-tâm mà thôi. 

2- Đối-tượng kammanimitta 

Kammanimitta là đối-tượng hiện-tượng làm nhân của sự tạo nghiệp, có 6 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp liên quan đến việc tạo nghiệp bằng thân, khẩu, ý của mỗi người. 

– Người thiện có tác-ý thiện-tâm tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện hành-thiền, v.v … thuộc về đại-thiện-nghiệp. 

– Người ác có tác-ý ác-tâm tạo ác-nghiệp sát-sinh, ác-nghiệp trộm-cắp, ác-nghiệp tà-dâm, ác-nghiệp nói-dối, ác-nghiệp uống rượu, bia, và các chất say, v.v … thuộc về ác-nghiệp. 

Đối-tượng kammanimitta có 6 đối-tượng làm nhân của sự tạo đại-thiện-nghiệp, tạo ác-nghiệp bằng thân, khẩu, ý. 

Phân tích kammanimitta có 2 loại như sau: 

– Upaladdhakammanimitta: Đó là 6 đối-tượng có liên quan trực-tiếp làm phần chính trong khi tạo nghiệp. 

– Upakaraṇakammanimitta: Đó là 6 đối-tượng có liên quan gián-tiếp làm phần phụ hỗ trợ trong khi tạo nghiệp. 

Phân tích 6 đối-tượng gọi là upaladdhakam-manimitta và upakaraṇakammanimitta như sau: 

A-Phần phước-thiện 

* Lễ phước-thiện bố-thí cúng dường vật thực đến chư tỳ-khưu-Tăng: 

– Chư tỳ-khưu-Tăng gọi là upaladdhakamma-nimitta. 

– Vật thực, những vật dụng cúng dường, mọi người hỗ trợ làm lễ phước-thiện bố-thí cúng dường, … gọi là upakaraṇakammanimitta. 

* Lễ phước-thiện bố-thí cúng dường chỗ ở đến chư tỳ-khưu-Tăng: 

– Chỗ ở cúng dường đến chư tỳ-khưu gọi là upaladdhakammanimitta. 

– Chư tỳ-khưu-Tăng, mọi người đến dự lễ, những thứ vật dụng cúng dường đến chư tỳ-khưu, v.v… gọi là upakaraṇakammanimitta. 

* Phước-thiện giữ-giới 

– Ngài Trưởng-lão hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì bát-giới uposathasīla, và những người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đồng lặp theo Ngài Trưởng-lão, gọi là upaladdhakammanimitta. 

– Trong chánh điện có tượng Đức-Phật, trên bàn thờ có đèn hoa cúng dường Đức-Phật, … gọi là upakaraṇakammanimitta. 

* Phước-thiện hành-thiền 

– Mọi hành-giả ngồi thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp, gọi là upaladdhakammanimitta. 

– Trong chánh điện, nơi thiền đường, nơi rừng núi, v.v… gọi là upakaraṇakammanimitta. 

B-Phần ác-nghiệp: 

* Ác-nghiệp sát-sinh 

– Loài súc vật như con gà, con vịt bị giết, … gọi là upaladdhakammanimitta. 

– Dụng cụ dùng để giết như dao, thớt gỗ, nồi nước sôi, v.v… gọi là upakaraṇakammanimitta. 

* Ác-nghiệp trộm-cắp 

– Của cải tài-sản của người khác, hành vi kẻ trộm-cắp, … gọi là upaladdhakammanimitta. 

– Địa điểm trộm-cắp, dụng cụ đồ dùng để trộm-cắp, v.v… gọi là upakaraṇakammanimitta. 

* Ác-nghiệp tà-dâm 

– Người đàn bà không phải là vợ của mình, người đàn ông không phải là chồng của mình, … gọi là upaladdhakammanimitta. 

– Địa điểm phạm điều-giới tà-dâm, v.v… gọi là upakaraṇakammanimitta. 

* Ác-nghiệp nói-dối 

– Lời nói không đúng sự thật, câu chuyện không đúng sự thật, … gọi là upaladdhakamma-nimitta. 

– Người nghe tin theo cho là sự thật, đem lại sự thiệt hại, v.v… gọi là upakaraṇakammanimitta. 

* Ác-nghiệp uống rượu, bia, các chất say 

– Rượu, bia, các chất say, người uống rượu, sử dụng các chất say, … gọi là upaladdhakamma-nimitta. 

– Chai rượu, chai bia, các chất say, đồ nhắm, bạn uống rượu, v.v … gọi là upakaraṇakamma-nimitta. 

Có 2 loại kammanimitta: 

– Nếu các đối-tượng có liên quan trực tiếp làm phần chính tạo đại-thiện-nghiệp, ác-nghiệp thì gọi là upaladdhakammanimitta. 

– Nếu các đối-tượng có liên quan gián-tiếp làm phần phụ hỗ trợ tạo đại-thiện-nghiệp, ác-nghiệp thì gọi là upakaraṇakammanimitta. 

3- Đối-tượng gatinimitta 

Gatinimitta là 6 đối-tượng được thụ hưởng trong kiếp kế-tiếp (kiếp thứ nhì) (sau khi kết thúc kiếp hiện-tại), nên đối-tượng gatinimitta có 6 loại không phải là đối-tượng trong kiếp hiện-tại. Thật ra, 6 loại đối-tượng này sẽ được biết, sẽ được thụ hưởng trong kiếp kế-tiếp mà thôi. 

Đối-tượng gatinimitta có 2 loại: 

– Upalabhitabbagatinimitta là 6 đối-tượng của kiếp kế-tiếp được biết. 

– Upabhogabhūtagatinimitta là 6 đối-tượng của kiếp kế-tiếp được thụ-hưởng. 

Cho nên, 6 đối-tượng gatinimitta của kiếp kế-tiếp được biết, được thụ hưởng, phân tích 6 đối-tượng theo upalabhitabbagatinimitta, upabhoga-bhūtagatinimitta như sau: 

– Nếu những chúng-sinh nào sẽ tái-sinh kiếp sau làm chúng-sinh trong cõi địa-ngục thì đến lúc lâm chung gần chết maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm phát sinh, chúng-sinh ấy thấy các dụng cụ hành phạt tội nhân, chúa địa-ngục hung dữ, chó dữ, quạ, diều hâu, các chúng-sinh địa-ngục, các cõi địa-ngục, v.v… gọi là upalabhitabbagatinimitta. 

Chúng-sinh ấy cảm nhận rằng: Mình đang bị hành hạ đau khổ, bị chó dữ cắn xé, bị xiềng xích gông cùm, bị thiêu đốt nóng nảy, v.v… gọi là upabhogabhūtagatinimitta. 

– Nếu những chúng-sinh nào sẽ tái-sinh kiếp sau làm loài ngạ-quỷ hoặc loài a-su-ra thì đến lúc lâm chung gần chết, maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm phát sinh, chúng-sinh ấy thấy rừng sâu, núi non hiểm trở, vực sâu, biển, con sông lớn, nơi hẻo lánh đáng ghê sợ, nơi ở của loài ngạ-quỷ, loài a-su-ra, v.v… gọi là upalabhitabbagatinimitta. 

Chúng-sinh ấy cảm nhận rằng: Mình đang ở nơi rừng sâu, núi non hiểm trở, đang chịu cảnh đói khát đi tìm vật thực, hoặc có thân hình kỳ dị đáng ghê sợ, v.v… gọi là upabhogabhūta-gatinimitta. 

– Nếu những chúng-sinh nào sẽ tái-sinh kiếp sau làm loài súc-sinh thì đến lúc lâm chung gần chết, maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm phát sinh, chúng-sinh ấy thấy các loài súc-sinh khác nhau như chó, mèo, trâu, bò, chim, chỗ sinh sống của các loài súc-sinh, v.v… gọi là upalabhitabbagatinimitta. 

Chúng-sinh ấy cảm nhận rằng: Mình đang là loài súc-sinh nào trong các loài súc-sinh, hoặc đang chơi với loài súc-sinh ấy, v.v … gọi là upabhogabhūtagatinimitta. 

– Nếu những chúng-sinh nào sẽ tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người, thì đến lúc lâm chung gần chết, maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm phát sinh, chúng-sinh ấy thấy bụng mẹ, nhà cửa, xã, huyện, tỉnh, thành phố, xứ sở, v.v. … gọi là upalabhitabbagatinimitta. 

Chúng-sinh ấy cảm nhận rằng: Mình đang đi dạo chơi một nơi, hoặc đang ở một nơi, hoặc đang chuyện trò thân mật với người nào, hoặc đang được đầu thai vào trong lòng mẹ, v.v … gọi là upabhogabhūtagatinimitta. 

– Nếu những chúng-sinh nào sẽ hóa-sinh lên cõi trời dục-giới, thì đến lúc lâm chung gần chết, maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm phát sinh, chúng-sinh ấy thấy chiếc xe trời đến rước, lâu đài, chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ, đồ trang sức của chư-thiên, vườn hoa trời, v.v… gọi là upalabhitabbagatinimitta. 

Chúng-sinh ấy cảm nhận rằng: Mình đang ngồi trong chiếc xe trời, đang đi du ngoạn thưởng thức cảnh đẹp trong vườn hoa trời, v.v … gọi là upabhogabhūtagatinimitta. 

– Tuy nhiên, nếu những hành-giả nào đã chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm sẽ hóa-sinh lên tầng trời sắc-giới phạm-thiên, thì đến lúc lâm chung gần chết, maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm phát sinh không có 2 loại đối-tượng gatinimitta ấy, mà chỉ có đối-tượng paññattikammanimitta: hiện-tượng của nghiệp chế-định-pháp mà thôi. 

– Nếu những hành-giả nào đã chứng đắc đến bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm sẽ hóa-sinh lên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên, thì đến lúc lâm chung gần chết, maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm phát sinh không có 2 loại đối-tượng gatinimitta ấy, mà chỉ có đối-tượng paññatti-kammanimitta: hiện-tượng của nghiệp chế-định-pháp hoặc đối-tượng mahaggatakammanimitta: hiện-tượng của nghiệp thiền vô-sắc-giới-tâm. 

Tóm lại, maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm có 1 trong 3 đối-tượng là đối-tượng kamma, đối-tượng kammanimitta, đối-tượng gatinimitta. 

– Đối-tượng kamma đó là thiện-nghiệp, ác-nghiệp thuộc về đối-tượng pháp hiện rõ trong ý-thức-tâm trong manodvāramaraṇāsannavīthicitta: ý-môn cận-tử lộ-trình-tâm. 

– Đối-tượng kammanimitta đó là 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) làm nhân tạo thiện-nghiệp, ác-nghiệp bằng thân, khẩu, ý, hiện rõ trong pañcadvāramaraṇāsannavīthicitta: ngũ-môn cận-tử lộ-trình-tâm. 

Tuy đối-tượng gatinimitta có 6 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) hiện ra trong maraṇāsannavīthicitta: lục-môn cận-tử lộ-trình-tâm sẽ dắt dẫn tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi-giới; nhưng mà thật ra, phần nhiều đối-tượng gatinimitta này thường có đối-tượng sắc và đối-tượng pháp hiện rõ trong nhãn-môn cận-tử lộ-trình-tâm và ý-môn cận-tử lộ-trình-tâm. 

Đối-tượng gatinimitta có khi hiện ra trước khi chết 1-2 phút, 1-2 giờ, thậm chí 1-2 ngày tùy theo mỗi chúng-sinh. 

Đối-tượng kamma, kammanimitta, gatinimitta 

Đối-tượng của maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm có 1 trong 3 đối-tượng là kamma: đối-tượng thiện-nghiệp, ác-nghiệp; kamma-nimitta: đối-tượng hiện-tượng tạo thiện-nghiệp, ác-nghiệp; gatinimitta: đối-tượng hiện-tượng sẽ dắt dẫn tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới hoặc trong cõi ác-giới, phát sinh do năng lực của 4 loại nghiệp cho quả theo tuần tự. 

Nghiệp cho quả theo tuần tự có 4 loại: 

1- Garukakamma: Trọng-yếu-nghiệp là nghiệp nặng có quyền ưu tiên cho quả tái-sinh kiếp sau. 

Trọng-yếu-nghiệp có 2 loại nghiệp: 

– Trọng-yếu ác-nghiệp đó là ác-nghiệp tà-kiến cố-định hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp, và ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội có 5 loại là giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, làm bầm máu bàn chân của Đức-Phật, chia rẽ tỳ-khưu-Tăng. 

– Trọng-yếu thiện-nghiệp đó là sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, và vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm. 

Sau khi người nào chết, nếu người ấy có trọng-yếu ác-nghiệp nào, thì chắc chắn chỉ có trọng-yếu ác-nghiệp ấy có quyền ưu tiên cho quả tái-sinh kiếp sau mà thôi. 

– Nếu người ấy không có trọng-yếu ác-nghiệp mà có trọng-yếu thiện-nghiệp nào, thì chắc chắn chỉ có trọng-yếu thiện-nghiệp ấy có quyền ưu tiên cho quả tái-sinh kiếp sau mà thôi. 

2- Āsannakamma: Cận-tử-nghiệp là nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung gần chết. 

Cận-tử-nghiệp có 2 loại nghiệp: 

– Cận-tử ác-nghiệp là ác-nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung gần chết. 

– Cận-tử đại-thiện-nghiệp là đại-thiện-nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung gần chết. 

Sau khi người nào chết, nếu người ấy không có trọng-yếu-nghiệp thì cận-tử ác-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau. 

– Nếu người ấy không có cận-tử ác-nghiệp mà có cận-tử đại-thiện-nghiệp nào, thì chắc chắn chỉ có cận-tử đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau. 

3- Āciṇṇakamma: Thường-hành-nghiệp là nghiệp thường hành hằng ngày đêm. 

Thường-hành-nghiệp có 2 loại nghiệp: 

– Thường-hành ác-nghiệp là ác-nghiệp thường hành hằng ngày đêm. 

– Thường-hành đại-thiện-nghiệp là đại-thiện-nghiệp thường hành hằng ngày đêm. 

Sau khi người nào chết, nếu người ấy không có cận-tử-nghiệp thì thường-hành ác-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau. 

– Nếu người ấy không có thường-hành ác-nghiệp mà có thường-hành đại-thiện-nghiệp nào, thì chắc chắn chỉ có thường-hành đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau. 

4- Kaṭattākamma: Bình-thường-nghiệp là nghiệp bình thường kém thua 3 loại nghiệp trên, hoặc nghiệp đã từng tạo trong kiếp quá-khứ. 

Bình-thường-nghiệp có 2 loại nghiệp: 

– Bình-thường ác-nghiệp là ác-nghiệp bình thường kém thua 3 loại nghiệp trên, hoặc ác-nghiệp đã từng tạo trong kiếp quá-khứ. 

– Bình-thường đại-thiện-nghiệp là đại-thiện-nghiệp bình thường kém thua 3 loại nghiệp trên, hoặc đại-thiện-nghiệp đã từng tạo trong kiếp quá-khứ. 

Sau khi người nào chết, nếu người ấy không có thường-hành-nghiệp thì bình-thường-ác-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau. 

– Nếu người ấy không có bình-thường ác-nghiệp mà có bình-thường đại-thiện-nghiệp nào, thì chắc chắn chỉ có bình-thường đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau.  

Ví dụ: Trường hợp nếu thai-nhi nào chết trong bụng mẹ, hoặc thai-nhi đã sinh ra đời được ít ngày, ít tháng rồi chết, thì thai-nhi ấy chỉ có bình-thường-nghiệp đã từng tạo trong kiếp quá-khứ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau mà thôi. 

– Trường-hợp vị phạm-thiên nào trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên hết tuổi thọ 500 đại-kiếp trái đất, sau khi vị phạm-thiên ấy chết, chỉ có đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm kể từ kiếp thứ 3 trở lui về kiếp quá-khứ, có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới. 

Maraṇāsannavīthicitta: Cận-tử lộ-trình-tâm 

* Maraṇāsannavīthicitta: Cận-tử lộ-trình-tâm của các chúng-sinh thuộc về hạng phàm-nhân và 3 bậc Thánh-nhân là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai, trong lúc lâm chung gần chết. 

– Nếu có đối-tượng sắc được thấy bằng nhãn-thức-tâm, đối-tượng thanh được nghe bằng nhĩ-thức-tâm, đối-tượng hương được ngửi bằng tỷ-thức-tâm, đối-tượng vị được nếm bằng thiệt-thức-tâm, đối-tượng xúc được xúc-giác bằng thân-thức-tâm thì maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm ấy gọi là pañcadvāramaraṇā-sannavīthicitta: ngũ-môn cận-tử lộ-trình-tâm. 

– Nếu các đối-tượng ấy chỉ được nghĩ bằng ý-thức-tâm bên trong thì maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm ấy gọi là manodvāramaraṇāsanna-vīthicitta: ý-môn cận-tử lộ-trình-tâm. 

 Cho nên, maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm có 2 loại lộ-trình-tâm: 

– Pañcadvāramaraṇāsannavīthicitta: Ngũ-môn cận-tử lộ-trình-tâm. 

– Manodvāramaraṇāsannavīthicitta: Ý-môn cận-tử lộ-trình-tâm. 

1- Pañcadvāramaraṇāsannavīthicitta

Ngũ-môn cận-tử lộ-trình-tâm 

– Nếu chúng-sinh nào trong lúc lâm chung gần chết, có 1 trong 5 đối-tượng là sắc, thanh, hương, vị, xúc hiện ra, thì maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm thuộc về pañcadvāramaraṇā-sannavīthicitta: ngũ-môn cận-tử lộ-trình-tâm phát sinh đối với chúng-sinh ấy. 

Ngũ-môn cận-tử lộ-trình-tâm có các tâm sinh rồi diệt liên tục theo tuần tự như sau: 

Đồ-biểu pañcadvāramaraṇāsannavīthicitta 

  – Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm viết tắt (bha)

1- Atītabhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm quá-khứ (ati) 

2- Bhavaṅgacalana: Hộ-kiếp-tâm rung động (na) 

3- Bhavaṅgupaccheda: Hộ-kiếp-tâm bị cắt đứt (da) 

4-Pañcadvāravajjanacitta: Ngũ-môn-hướng-tâm vt (pañ)

5- Pañcaviññāṇacitta: Ngũ-thức-tâm: (nhãn-thức-tâm, nhĩ-thức-tâm, tỷ-thức-tâm, thiệt-thức-tâm, thân-thức-tâm). vt (viñ)

6- Sampaticchanacitta: Tiếp-nhận-tâm vt (sam) 

7- Santīraṇacitta: Suy-xét-tâm vt (san)

8- Voṭṭhabbanacitta: Quyết-định-tâm vt (vot)

9-13- Javanacitta: Tác-hành-tâm vt (ja) 

14-15- Tadārammaṇacitta: Tiếp đối-tượng-tâm vt (ta) 

 16- Cuticitta: Tử-tâm (kiếp hiện-tại) vt (cu)

17- Paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm (kiếp sau) (paṭi)

– Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm vt (bha) 

Giảng giải ngũ-môn cận-tử lộ-trình-tâm 

– Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm có 1 trong 3 đối-tượng kamma, kammanimitta, gatinimitta cũ của kiếp trước. 

1- Atītabhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm quá khứ cũng có 1 trong 3 đối-tượng kamma, kamma-nimitta, gatinimitta cũ của kiếp trước. 

2- Bhavaṅgacalana: Hộ-kiếp-tâm rung động cũng có 1 trong 3 đối-tượng kamma, kamma-nimitta, gatinimitta cũ của kiếp trước. 

3- Bhavaṅgupaccheda: Hộ-kiếp-tâm bị cắt đứt cùng với đối-tượng cũ của kiếp trước, để cho ngũ-môn-hướng-tâm tiếp nhận đối-tượng mới của kiếp hiện-tại. 

4- Pañcadvāravajjanacitta: Ngũ-môn hướng-tâm làm phận sự tiếp nhận 1 trong 3 đối-tượng kamma, kammanimitta, gatinimitta mới của kiếp hiện-tại. 

5- Pañcaviññāṇacitta có 1 trong 5 thức-tâm là nhãn-thức-tâm, nhĩ-thức-tâm, tỷ-thức-tâm, thiệt-thức-tâm, thân-thức-tâm làm phận sự biết 1 trong 3 đối-tượng mới của kiếp hiện-tại giống như ngũ-môn hướng-tâm. 

6- Sampaticchanacitta: Tiếp-nhận-tâm làm phận sự tiếp nhận 1 trong 3 đối-tượng mới của kiếp hiện-tại giống như 1 trong 5 thức-tâm. 

7- Santīraṇacitta: Suy-xét-tâm làm phận sự suy xét 1 trong 3 đối-tượng mới của kiếp hiện-tại giống như tiếp-nhận-tâm. 

8- Voṭṭhabbanacitta: Quyết-định-tâm làm phận sự quyết định 1 trong 3 đối-tượng mới của kiếp hiện-tại giống như suy-xét-tâm. 

9-13- Javanacitta: Tác-hành-tâm chỉ có 5 sát-na-tâm làm phận sự tạo nghiệp có 1 trong 3 đối-tượng mới của kiếp hiện-tại giống như quyết-định-tâm. 

14-15- Tadārammaṇacitta: Tiếp-đối-tượng-tâm có 2 sát-na-tâm làm phận sự tiếp 1 trong 3 đối-tượng mới của kiếp hiện-tại giống như tác-hành-tâm. 

 16- Cuticitta: Tử-tâm đó là quả-tâm cuối cùng của kiếp hiện-tại có 1 trong 3 đối-tượng kamma, kammanimitta, gatinimitta cũ của kiếp trước giống như hộ-kiếp-tâm, làm phận sự chuyển kiếp tử (chết) kết thúc kiếp hiện-tại. 

17- Paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm đó là quả-tâm có 1 trong 3 đối-tượng kamma, kamma-nimitta, gatinimitta mới của kiếp hiện-tại giống như tác-hành-tâm, làm phận sự tái-sinh kiếp sau chỉ có 1 sát-na-tâm, liền tiếp theo hộ-kiếp-tâm. 

– Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm đó là sau khi quả-tâm nào đã làm phận sự tái-sinh 1 sát-na-tâm xong rồi diệt, liền tiếp theo sau, chính quả-tâm ấy chuyển biến trở thành hộ-kiếp-tâm cũng có 1 trong 3 đối-tượng kamma, kammanimitta, gatinimitta mới của kiếp hiện-tại giống như tái-sinh-tâm. Bhavaṅgacitta: hộ-kiếp-tâm này làm phận sự hộ kiếp, bảo hộ, giữ gìn kiếp hiện-tại của chúng-sinh cho đến lúc lâm chung phút giây cuối cùng của kiếp hiện-tại của chúng-sinh ấy. 

2- Manodvāramaraṇāsannavīthicitta

 Ý-môn cận-tử lộ-trình-tâm. 

 – Nếu chúng-sinh nào trong lúc lâm chung gần chết, có đối-tượng pháp nào hiện ra trong tâm, thì maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm thuộc về manodvāramaraṇāsannavīthicitta: ý-môn cận-tử lộ-trình-tâm phát sinh đối với chúng-sinh ấy. 

Ý-môn cận-tử lộ-trình-tâm có các tâm sinh rồi diệt liên tục theo tuần tự như sau: 

Đồ-biểu manodvāramaraṇāsannavīthicitta 

 – Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm viết tắt (bha)

1- Atītabhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm quá khứ (ati)

2- Bhavaṅgacalana: Hộ-kiếp-tâm rung động (na)

3- Bhavaṅgupaccheda: Hộ-kiếp-tâm bị cắt đứt (da)

4- Manodvāravajjanacitta: Ý-môn hướng-tâm (ma)

5-9- Javanacitta: Tác-hành-tâm (5 sát-na-tâm) (ja)

10-11- Tadārammaṇacitta: Tiếp-đối-tượng-tâm (2 sát-na-tâm) vt (ta)

13- Cuticitta: Tử-tâm (kiếp hiện-tại) vt (cu)

14- Paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm (kiếp sau) (paṭi)

12- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm. vt (bha)

Giảng giải ý-môn cận-tử lộ-trình-tâm 

– Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm có 1 trong 3 đối-tượng kamma, kammanimitta, gatinimitta cũ của kiếp trước. 

1- Atītabhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm quá khứ cũng có 1 trong 3 đối-tượng kamma, kamma-nimitta, gatinimitta cũ của kiếp trước. 

2- Bhavaṅgacalana: Hộ-kiếp-tâm rung động cũng có 1 trong 3 đối-tượng kamma, kamma-nimitta, gatinimitta cũ của kiếp trước. 

3- Bhavaṅgupaccheda: Hộ-kiếp-tâm bị cắt đứt cùng với đối-tượng cũ của kiếp trước, để cho ngũ-môn hướng-tâm tiếp nhận đối-tượng mới của kiếp hiện-tại. 

4- Manodvāravajjanacitta: Ý-môn-hướng-tâm làm phận sự tiếp nhận 1 trong 3 đối-tượng kam-ma, kammanimitta, gatinimitta mới của kiếp hiện-tại. 

Phần còn lại giảng giải tương tự như ngũ-môn cận-tử lộ-trình-tâm 

Căn cứ theo maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm cuti đó là cuticitta: tử-tâm là quả-tâm cuối cùng của kiếp hiện-tại cũ làm phận sự chuyển kiếp tử (chết) diệt, kết thúc kiếp hiện-tại, liền tiếp theo sau không có thời gian khoảng cách paṭisandhi đó là paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm là quả-tâm bắt đầu làm phận sự tái-sinh kiếp sau sinh rồi diệt trong cùng maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm nghĩa là kiếp hiện-tại diệt (chết) liền kiếp sau sinh không có thời gian khoảng cách.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app