Nội Dung Chính
Maraṇa: Sự tử
Tất cả mọi chúng-sinh trong ba giới bốn loài dù lớn dù nhỏ đã có sự sinh (jāti), rồi cuối cùng của mỗi kiếp đều phải có sự tử (maraṇa) là thường không ngoại trừ một ai cả.
Maraṇa: Sự tử có 9 loại:
1- Sammutimaraṇa: Chế-định-tử là sự chết do ngôn ngữ chế định gọi nhau để biết, ví dụ: ông A chết, Thật ra, sau khi ông A chết tại cõi người này, nghiệp của ông A cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác.
2- Āyukkhayamaraṇa: Tuổi-thọ-tận-tử là sự chết do hết tuổi thọ, nhưng còn sinh-quả-nghiệp.
3- Kammakkhayamaraṇa: Nghiệp-tận-tử là sự chết do hết sinh-quả-nghiệp, nhưng còn tuổi thọ.
4- Ubhayakkhayamaraṇa: Tuổi-thọ và nghiệp đồng-tận-tử là sự chết do hết tuổi thọ và hết sinh-quả-nghiệp cùng một lúc.
5- Upacchedakamaraṇa: Nghiệp-đoạn-tử là sự chết do bị nghiệp khác cắt đứt sinh-mạng, dù cho tuổi thọ và sinh-quả-nghiệp vẫn còn.
6- Jātikkhayamaraṇa: Kiếp-tận-tử là sự chết cuối cùng mỗi kiếp chúng-sinh.
7- Khaṇikamaraṇa: Sát-na-tử là sự chết từng mỗi sát-na-diệt của sắc-pháp, danh-pháp.
8- Santatiamaraṇa: Liên-tụ-tử là sự sinh sự diệt liên tục của sắc-pháp, danh-pháp.
9- Samucchedamaraṇa: Đoạn-tuyệt-tử gọi là khandhaparinibbāna: ngũ-uẩn Niết-bàn của chư Thánh A-ra-hán, nghĩa là bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết-bàn, không còn tái-sinh kiếp sau nữa, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Trong 9 loại maraṇa: Sự tử chỉ có samuc-chedamaraṇa: đoạn-tuyệt-tử đó là tịch diệt Niết-bàn của chư bậc Thánh A-ra-hán mới gọi là chết thật mà thôi. Còn lại các hạng chúng-sinh khác có sự tử là cuối cùng của mỗi kiếp chỉ là chết giả mà thôi, bởi vì sau khi chúng-sinh ấy chết, nghiệp của chúng-sinh ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác, tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.
Trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài trải qua vô số kiếp, có khi gặp lại nhau, đó là điều bình thường.
Đức-Phật dạy rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài từ vô thủy không sao biết được, người mà chưa từng là mẹ của ta, chưa từng là cha, chưa từng là anh, chưa từng là chị, chưa từng là con trai, chưa từng là con gái của ta, v.v… không sao có được.
Điều ấy tại sao? Bởi vì trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài của mỗi chúng-sinh từ vô thủy trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện-tại này không sao biết được …
Người Thân Chết, Người Sống Thế Nào
Đối với mọi người trong đời, ai cũng có ông bà, mẹ cha, anh chị em, bà con thân bằng quyến thuộc, thầy cô, chồng vợ, bạn bè thân thiết, v.v. … đó là những người thân.
Nếu khi có người thân nào chết, thì người sống thường phát sinh nỗi khổ tâm sầu não khóc than thương tiếc đến người thân ấy, đó là chuyện thường tình đối với số hạng người phàm-nhân trong đời.
Hạng phàm-nhân là người có đủ 12 loại bất-thiện-tâm (ác-tâm) đó là 8 tham-tâm, 2 sân-tâm, 2 si-tâm, và có 8 đại-thiện-tâm, mà mỗi tâm nào phát sinh đều có đối-tượng của mỗi tâm ấy.
Sở dĩ người nào phát sinh nỗi khổ tâm sầu não khóc than thương tiếc đến người thân của mình đã chết là vì người ấy có tham-tâm muốn người thân của mình sống mãi, thế mà người thân ấy lại chết, đó là đối-tượng xấu không hài lòng của người ấy, nên phát sinh sân-tâm làm khổ tâm sầu não khóc than thương tiếc đến người thân ấy.
Người cha khổ vì người con đã chết
Một thuở nọ Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthī. Đức-Phật ngự đi đến gia đình khá giả có người con trai đã chết.
Đức-Phật truyền hỏi người gia chủ rằng:
– Này cận-sự-nam! Con có nỗi khổ tâm có phải không?
Người gia chủ bạch với Đức-Thế-Tôn rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, thật vậy, con có nỗi khổ tâm cùng cực từ khi đứa con trai yêu quý của con đã chết.
Đức-Phật truyền dạy rằng:
– Này cận-sự-nam! Vật nào có trạng-thái tan rã thì vật ấy tan rã là thường, vật nào có trạng-thái tiêu diệt thì vật ấy tiêu diệt là thường. Sự chết không phải chỉ có trong một gia đình, cũng không phải chỉ có trong một xóm làng. Thật ra, sự chết đến với tất cả chúng-sinh trong tam-giới, trong toàn cõi-giới chúng-sinh, chư-thiên, chư phạm-thiên cả thảy, chắc chắn không có chúng-sinh nào không chết, sự chết là cuối cùng của mỗi chúng-sinh. Thật vậy, dù một vật nhỏ (saṅkhāra) cũng không thể thường tồn được.
Tất cả các pháp-hữu-vi có trạng-thái vô-thường, bị tan rã là thường, tất cả chúng-sinh đều có sự chết là thường.
Trong thời quá-khứ, bậc thiện-trí có đứa con yêu quý chết, nên suy nghĩ rằng:
“Ngũ-uẩn này có trạng-thái vô-thường, nên bị diệt là thường”, bậc thiện-trí không phát sinh nỗi khổ tâm sầu não.
Nghe Đức-Phật truyền dạy như vậy, người gia chủ kính thỉnh Đức-Phật thuyết giảng về tích bậc thiện-trí quá-khứ ấy.
Người sống không khóc khi người thân chết
Tích Uragajātaka
Đức-Phật thuyết giảng tích Uragajātaka được tóm lược như sau:
Trong thời quá-khứ, Đức-vua Brahmadatta ngự tại kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi.
Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh trong dòng bà-la-môn trong xóm nhà gần cửa thành Bārāṇasī, sống bằng nghề nông, gia đình Đức-Bồ-tát có một người vợ, một con trai, một con gái, một con dâu và một người tớ gái, gồm có 6 người sống hòa thuận thương yêu nhau được hạnh phúc an-lạc. Đức-Bồ-tát thường khuyên bảo 5 người thân rằng:
“Này các người thân! Các ngươi nên tạo phước-thiện bố-thí tùy theo khả năng của mình, nên giữ gìn ngũ-giới cho được trong sạch và giữ gìn bát-giới uposathasīla vào những ngày giới hằng tháng, nên thực-hành đề-mục niệm-niệm sự chết của mình (maraṇānussati) rằng: Sinh-mạng của ta là không bền vững, sự chết của ta là điều chắc chắn, ta phải chết là điều không sao tránh khỏi, sinh-mạng của ta có sự chết là cuối cùng, sinh-mạng của ta là vô thường, sự chết là thường.
Các ngươi không nên dể duôi suốt ngày đêm.”
Năm người thân trong gia đình nói lên lời hoan hỷ “sādhu” vâng theo lời khuyên bảo của Đức-Bồ-tát, nên họ đều là người không dể duôi, thực-hành đề-mục niệm-niệm sự chết.
Một hôm, Đức-Bồ-tát cùng với con trai đi ra đồng, Đức-Bồ-tát đang cày ruộng, còn con trai gom rác lại một chỗ rồi đốt. Gần chỗ ấy, có con rắn độc nằm trong hang, khói bay đến làm mắt của nó khó chịu, nó giận dữ bò ra thấy người con trai đang đốt rác, liền bò đến cắn người con trai, chất độc cực mạnh làm cho người con trai đau điếng, hét thất thanh, rồi chết ngay tại chỗ.
Nghe tiếng hét thất thanh của con trai, người cha ngưng cày, chạy đến thấy con trai đã chết, Đức-Bồ-tát thản nhiên ẵm thi thể con trai đến nằm dưới cội cây, đắp tấm vải lên thi thể, rồi Đức-Bồ-tát vẫn tự nhiên không có khổ tâm sầu não, trở lại tiếp tục cày ruộng, đồng thời niệm-niệm sự chết rằng:
Ngũ-uẩn có trạng-thái vô-thường, ngũ-uẩn có trạng-thái tan rã là thường, thì đã tan rã rồi; ngũ-uẩn có trạng-thái diệt là thường, thì đã diệt rồi, các pháp-hữu-vi có trạng-thái vô-thường.
Sinh-mạng của mỗi người là không bền vững, sự chết của mỗi người là điều chắc chắn, mỗi người phải chết là điều không sao tránh khỏi, sinh-mạng của mỗi người có sự chết là cuối cùng, sinh-mạng của mỗi người là vô thường, sự chết là thường.
Khi ấy, Đức-Bồ-tát nhìn thấy người bạn thân từ xa đến gần, bèn hỏi rằng:
– Này bạn thân! Bạn có đến nhà tôi không?
– Thưa anh, tôi sẽ đến nhà anh.
– Này bạn thân! Nếu như vậy thì bạn báo cho vợ tôi biết rằng: “Hôm nay, không cần phải đem 2 phần ăn như mọi ngày, chỉ cần đem một phần ăn là đủ. Trước đây, chỉ có người tớ gái đem vật thực đến, nhưng mà hôm nay, tất cả 4 người đều mặc bộ quần áo màu trắng, cầm hoa và vật thơm đến đây.”
Người bạn thân nhận lời, rồi đến nhà gặp vợ của Đức-Bồ-tát, báo tin cho bà biết đúng như lời của Đức-Bồ-tát.
Sau khi nghe báo tin như vậy, người vợ của Đức-Bồ-tát cám ơn người bạn thân, liền biết rõ rằng: Đứa con trai yêu quý đã chết rồi.
Người mẹ của đứa con trai yêu quý chết vẫn thản nhiên, đại-thiện-tâm trong sạch của người mẹ, không hề tỏ vẻ khổ tâm sầu não, bởi vì bà hằng ngày đêm thực-hành đề-mục niệm-niệm sự chết.
Vâng theo lời phu quân, bà báo tin này cho 3 người thân trong gia đình, cả 3 người thân đều có đại-thiện-tâm trong sạch, nên không có người nào tỏ vẻ khổ tâm sầu não khóc than, bởi vì hằng ngày họ thực-hành đề-mục niệm-niệm sự chết.
Bốn người thân trong gia đình mặc bộ đồ màu trắng thản nhiên tay cầm hoa, vật thơm và một phần ăn cùng nhau đi ra đám ruộng. Khi ấy, Đức-Bồ-tát đang ngồi bên cạnh thi thể của con trai, chờ đợi 4 người thân trong gia đình đến.
Đức-Bồ-tát nhận phần ăn, rồi ngồi dùng vật thực, sau khi dùng vật thực xong, cả 5 người thân trong gia đình cùng nhau đi tìm củi đem về làm giàn thiêu.
Tất cả 5 người thân cùng nhau khiêng thi thể người chết đặt lên trên giàn thiêu, cúng dường vật thơm và hoa, rồi châm lửa làm lễ hỏa-táng thi thể người thân. Đức-Bồ-tát cùng với 4 người thân trong gia đình đều có đại-thiện-tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền-não, nên không có một ai rơi một giọt nước mắt, bởi vì họ thực-hành đề-mục niệm-niệm sự chết (maraṇā-nussati) hằng ngày đêm.
Do năng lực của giới và pháp-hành đề-mục niệm-niệm sự chết (maraṇānussati) của Đức-Bồ-tát và người thân trong gia đình làm cho chỗ ngồi của Đức-vua-trời Sakka phát nóng, Đức-vua-trời Sakka xem xét thấy rõ, biết rõ nguyên-nhân đó là do năng lực của giới và pháp-hành đề-mục niệm-niệm sự chết (maraṇānussati) của Đức-Bồ-tát và người thân trong gia đình của Ngài, nên Đức-vua-trời phát sinh đức-tin trong sạch nghĩ rằng:
“Trẫm sẽ ngự đến chỗ Đức-Bồ-tát và 4 người thân của Ngài, Trẫm sẽ được nghe lời nói hùng hồn như sư tử rống, rồi ban cho gia đình đầy thất báu.”
Đức-vua-trời Sakka liền hiện xuống biến hóa thành người đứng gần chỗ làm lễ hỏa-táng, truyền hỏi Đức-Bồ-tát rằng:
– Này quý vị! Quý vị đang thiêu đốt gì vậy?
* Đức-Bồ-tát thưa với người ấy rằng:
– Thưa Ngài, gia đình chúng tôi đang làm lễ hỏa-táng thi thể người thân.
* Đức-vua-trời Sakka truyền bảo rằng:
– Này quý vị! Quý vị không phải hỏa-táng thi thể người thân, dường như quý vị giết con nai, rồi đang nướng chín nó.
* Đức-Bồ-tát thưa với người ấy rằng:
– Thưa Ngài, điều mà Ngài nói không phải vậy, sự thật gia đình chúng tôi đang làm lễ hỏa-táng thi thể người thân.
* Đức-vua-trời Sakka truyền bảo rằng:
– Này quý vị! Nếu quý vị nói như vậy thì thi thể người ấy là người thù của quý vị.
* Đức-Bồ-tát thưa với người ấy rằng:
– Thưa Ngài, người ấy chính là đứa con trai ruột của tôi, không phải là người thù của gia đình chúng tôi.
* Đức-Vua-Trời Sakka truyền hỏi rằng:
– Thưa ông! Nếu ông nói như vậy thì đứa con trai ấy là đứa con ngỗ nghịch, không phải là đứa con yêu quý của ông phải không?
* Đức-Bồ-tát thưa với người ấy rằng:
– Thưa Ngài, đứa con trai ấy là đứa con yêu quý nhất của tôi.
* Đức-vua-trời Sakka truyền hỏi rằng:
– Thưa ông! Sự thật như vậy, do nguyên nhân nào mà ông không khóc than thương tiếc đứa con yêu quý nhất của ông?
* Đức-Bồ-tát thưa với người ấy nguyên nhân không khóc than bằng câu kệ rằng:
Uragova tacaṃ jiṇṇaṃ, hitvā gacchati saṃ tanuṃ.
Evaṃ sarīre nibbhoge, pete kālakate sati.
Ḍayhamāno na jānāmi, ñātīnaṃ paridevitaṃ.
Tasmā etaṃ na socāmi, gato so tassa yā gati.
– Thưa Ngài, như con rắn lột da cũ, rồi bỏ đi,
Cũng như vậy, con trai của tôi bỏ thân của nó, rồi đi tái-sinh kiếp sau.
Sau khi nó chết, tái-sinh kiếp sau, còn lại thi thể không có cảm giác.
Thi thể con trai bị thiêu đốt không biết sự khóc than thương tiếc của những người thân quyến.
Con trai của tôi có cõi-giới nào thì tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới ấy.
Vì vậy, tôi không khóc than đứa con trai ấy.
Sau khi nghe Đức-Bồ-tát thưa bằng câu kệ hùng hồn như sư tử rống như vậy, tiếp theo Đức-vua-trời Sakka truyền hỏi phu nhân của Đức-Bồ-tát rằng:
– Thưa bà! Người ấy là gì của bà vậy?
* Phu nhân của Đức-Bồ-tát thưa rằng:
– Thưa Ngài, người ấy là đứa con trai mà tôi đã mang thai 10 tháng, sinh ra đời được nuôi bằng sữa mẹ, được tôi nuôi nấng trưởng thành.
* Đức-vua-trời Sakka truyền hỏi rằng:
– Này bà! Người cha không khóc than thương tiếc đứa con trai yêu quý của mình, bởi vì đàn ông có tâm dũng cảm, còn bà là người mẹ có tình thương yêu đứa con yêu quý nhiều. Do nguyên nhân nào mà bà cũng không khóc than thương tiếc đứa con yêu quý của bà?
* Phu nhân của Đức-Bồ-tát thưa với người ấy nguyên nhân không khóc than bằng câu kệ rằng:
Anavhito tato āgā, ananuññāto ito gato.
Yathā’gato tathā gato, tattha kā paridevanā.
Ḍayhamāno na jānāmi, ñātīnaṃ paridevitaṃ.
Tasmā etaṃ na socāmi, gato so tassa yā gati.
– Thưa Ngài, đứa con trai này tôi không mời từ cõi-giới khác, nó tự đến sinh trưởng trong gia đình chúng tôi, nay tôi không cho phép mà nó tự từ bỏ cõi người đi tái-sinh kiếp sau. Con trai của tôi đến cõi người thế nào, nay nó đi tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác thế ấy. Tôi khóc than thương tiếc đứa con trai trong cõi-giới ấy, có ích lợi gì cho tôi.
Thi thể con trai bị thiêu đốt không biết sự khóc than thương tiếc của những người thân quyến. Con trai của tôi có cõi-giới nào thì tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới ấy.
Vì vậy, tôi không khóc than đứa con trai ấy.
Sau khi nghe phu nhân của Đức-Bồ-tát thưa bằng câu kệ hùng hồn như sư tử rống như vậy, tiếp theo Đức-vua-trời Sakka truyền hỏi người con gái của Đức-Bồ-tát rằng:
– Này cô bé! Người ấy là gì của cô vậy?
* Con gái của Đức-Bồ-tát thưa rằng:
– Thưa Ngài, người ấy là anh trai ruột của tôi.
* Đức-vua-trời Sakka truyền hỏi rằng:
– Này cô bé! Theo lẽ thường em gái thương yêu anh trai của mình. Do nguyên nhân nào mà cô bé cũng không khóc than thương tiếc người anh trai yêu quý của cô?
* Con gái của Đức-Bồ-tát thưa với người ấy nguyên nhân không khóc than bằng câu kệ rằng:
Sace rode kisā assaṃ, tassā me kiṃ phalaṃ siyā.
Ñātimittasuhajjānaṃ, bhiyyo no aratī siyā.
Ḍayhamāno na jānāmi, ñātīnaṃ paridevitaṃ.
Tasmā etaṃ na socāmi, gato so tassa yā gati.
– Thưa Ngài, anh trai của tôi đã chết, nếu tôi khóc than thương tiếc thì thân hình của tôi bị gầy yếu, có kết quả gì đối với tôi và anh trai của tôi.
Thật ra, chỉ có sự buồn rầu khổ tâm sẽ phát sinh đối với thân quyến, bạn bè, người thân của tôi nhiều hơn mà thôi.
Thi thể anh trai bị thiêu đốt không biết sự khóc than thương tiếc của những người thân quyến. Anh trai của tôi có cõi-giới nào thì tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới ấy.
Vì vậy, tôi không khóc than người anh trai ấy.
Sau khi nghe con gái của Đức-Bồ-tát thưa bằng câu kệ hùng hồn như sư tử rống như vậy, tiếp theo Đức-vua-trời Sakka truyền hỏi người con dâu của Đức-Bồ-tát rằng:
– Này cô nương! Người ấy là gì của cô vậy?
* Con dâu của Đức-Bồ-tát thưa rằng:
– Thưa Ngài, người ấy là phu quân của tôi.
* Đức-Vua-Trời Sakka truyền hỏi rằng:
– Này cô nương! Theo lẽ thường người vợ thương yêu tha thiết chồng của mình. Do nguyên nhân nào mà cô nương cũng không khóc than thương tiếc người chồng yêu quý của cô nương?
* Con dâu của Đức-Bồ-tát thưa với người ấy nguyên nhân không khóc than bằng câu kệ rằng:
Yathāpi dārako candaṃ, gacchantam’anurodati.
Evaṃ sampadamevetaṃ, yo petamanusocati.
Ḍayhamāno na jānāmi, ñātīnaṃ paridevitaṃ.
Tasmā etaṃ na socāmi, gato so tassa yā gati.
– Thưa Ngài, như đứa bé thơ nhìn thấy mặt trăng tròn trên không trung, khóc đòi xin cho được mặt trăng như thế nào, người nào khóc than thương tiếc đến người chết, đã tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác cũng như thế ấy. (không có khác gì nhau).
Thi thể người chồng bị thiêu đốt không biết sự khóc than thương tiếc của những người thân quyến. Chồng của tôi có cõi-giới nào thì tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới ấy.
Vì vậy, tôi không khóc than người chồng ấy.
Sau khi nghe con dâu của Đức-Bồ-tát thưa bằng câu kệ hùng hồn như sư tử rống như vậy, tiếp theo Đức-vua-trời Sakka truyền hỏi người tớ gái của gia đình Đức-Bồ-tát rằng:
– Này bà! Người ấy là gì của bà vậy?
* Người tớ gái của gia đình Đức-Bồ-tát thưa:
– Thưa Ngài, người ấy là cậu chủ của tôi.
* Đức-vua-trời Sakka truyền hỏi rằng:
– Này bà! Có phải bà thường bị cậu chủ ấy sai khiến hành hạ, hay bị cậu chủ ấy rầy la, nên bà không khóc than thương tiếc cậu chủ ấy, có phải vậy không?
* Người tớ gái thưa rằng:
– Thưa Ngài, Xin Ngài không nên nói như vậy, cậu chủ của tôi là người có đức tính nhẫn-nại, tâm-từ, thương yêu tất cả mọi người. Tôi thương yêu cậu chủ như là đứa con ruột của mình.
* Đức-Vua-Trời Sakka truyền hỏi rằng:
– Này bà! Nếu là như vậy thì tại sao bà không khóc than thương tiếc cậu chủ của bà vậy?
* Người tớ gái của gia đình Đức-Bồ-tát thưa với người ấy nguyên nhân không khóc than bằng câu kệ rằng:
Yathā ca udakakumbho, bhinnno appaṭisandhiyo.
Evaṃ sampadamevetaṃ, yo petamanusocati.
Ḍayhamāno na jānāmi, ñātīnaṃ paridevitaṃ.
Tasmā etaṃ na socāmi, gato so tassa yā gati.
– Thưa Ngài, như nồi nước bằng đất bị vỡ ra từng mảnh vụn rồi, không thể gắn liền lại như xưa được như thế nào, người khóc than thương tiếc người chết, đã tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác rồi, không sao sống trở lại được cũng như thế ấy.
Thi thể cậu chủ bị thiêu đốt không biết sự khóc than thương tiếc của những người thân quyến. Cậu chủ của tôi có cõi-giới nào thì tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới ấy.
Vì vậy, tôi không khóc than cậu chủ ấy.
Sau khi Đức-Vua-Trời Sakka lắng nghe câu kệ của 5 người trong gia đình của Đức-Bồ-tát, nên phát sinh đức-tin trong sạch, rồi truyền bảo rằng:
– Kính thưa quý vị! Quý vị đều là những người không dể duôi, thực-hành đề-mục niệm-niệm sự chết (maraṇānussati). Kể từ nay, xin quý vị không cần làm lụng công việc gì, Trẫm là Đức-vua-trời Sakka có đức-tin trong sạch nơi quý vị, Trẫm ban tặng 7 thứ báu nhiều vô hạn trong ngôi nhà của quý vị. Xin quý vị tạo phước-thiện bố-thí, giữ gìn giới trong sạch, thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, thực-hành đề-mục niệm-niệm sự chết (maraṇānussati).
Sau khi truyền bảo như vậy, Đức-vua-trời Sakka ban tặng 7 thứ báu nhiều vô hạn trong ngôi nhà của Đức-Bồ-tát, rồi hồi cung ngự trở về cung trời Tam-thập-tam-thiên.
Sau khi nghe Đức-Phật thuyết giảng tích Uragajātaka xong, người cận-sự-nam gia chủ có người con trai chết, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Tích Uragajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại
Tích Uragajātaka này, Đức-Bồ-tát là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama trong kiếp quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Uraga-jātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại như sau:
– Phu-nhân của Đức-Bồ-tát, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Khemā. – Đứa con trai của Đức-Bồ-tát, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Rāhula. – Đứa con gái của Đức-Bồ-tát, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā. – Người tớ gái của gia đình Đức-Bồ-tát, nay kiếp hiện-tại là cận-sự-nữ pháp-sư Khujjuttarā.
– Đức-Bồ-tát, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.
Nhận xét về tích Uragajātaka
Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama truyền dạy những người thân trong gia đình không nên dể duôi hằng ngày đêm nên thực-hành đề-mục niệm-niệm sự chết (maraṇānussati), đó là 1 trong 40 đề-mục thiền-định.
Sự chết (maraṇa) là cuối cùng của tất cả chúng-sinh nói chung, mỗi người nói riêng, chắc chắn không có một ai tránh khỏi được.
* Nếu người nào hằng ngày đêm thường thực-hành đề-mục niệm-niệm sự chết (maraṇānussati):
– Trong cuộc sống hằng ngày, nếu người ấy nghe hoặc thấy người thân nào chết, thì người ấy vẫn có đại-thiện-tâm bình tĩnh không khóc than, bởi vì sự khóc than không có lợi ích gì cho người thân đã chết, cũng không có lợi ích cho mình cả, thậm chí sự khóc than còn làm cho những người thân trong gia đình bà con thân quyến thêm khổ tâm mà thôi.
– Nếu người ấy đến lúc lâm chung thì có đại-thiện-tâm tỉnh táo không sợ chết, sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là paṭi-sandhicitta: tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc cho đến hết tuổi thọ trong cõi thiện dục-giới.
* Nếu người nào hằng ngày đêm không thường thực-hành đề-mục niệm-niệm sự chết:
– Trong cuộc sống hằng ngày, nếu người ấy nghe hoặc thấy người thân nào chết, thì đó là điều mà người ấy không muốn nghe, không muốn thấy, bởi vì người ấy có tham-tâm muốn người thân ấy sống, nhưng mà người thân ấy đã chết, đó là điều mất mát, nên người ấy phát sinh sân-tâm khổ tâm sầu não, khóc than thương tiếc người thân ấy đã chết.
– Nếu người ấy đến lúc lâm chung thì có bất-thiện-tâm (ác-tâm) hoảng hốt sợ chết mà phải chết, sau khi người ấy chết, nếu bất-thiện-nghiệp trong 11 bất-thiện-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng tâm) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là paṭisandhicitta: ác-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới là (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp trong cõi ác-giới ấy.
Cho nên, sự chết là cuối cùng của mỗi kiếp chúng-sinh lớn nhỏ trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới chúng-sinh nói chung, mỗi kiếp người nói riêng, chắc chắn không có ai tránh khỏi được. Đức-Phật dạy các hàng thanh-văn đệ-tử hằng ngày đêm nên thực-hành đề-mục niệm-niệm sự chết (maraṇānussati) rằng:
“Addhuvaṃ me jīvitaṃ, dhuvaṃ me maraṇaṃ, avassaṃ mayā maritabbameva, maraṇapariyosānaṃ me jīvitaṃ, jīvitameva aniyataṃ, maraṇaṃ niyataṃ.”
“Sinh-mạng của ta là không bền vững, sự chết của ta là chắc chắn, ta phải chết là điều không sao tránh khỏi, sinh-mạng của ta có sự chết là cuối cùng, sinh-mạng của ta là vô thường, sự chết là thường.”
Nếu người nào hằng ngày đêm thường thực-hành đề-mục niệm-niệm sự chết (maraṇānussati) thì khi nghe hoặc thấy người thân nào đã chết, người ấy vẫn có đại-thiện-tâm bình tĩnh sáng suốt biết làm tròn bổn phận của mình đối với người thân đã chết ấy. Hoặc người ấy đến lúc lâm chung, vẫn có đại-thiện-tâm tỉnh táo không sợ chết, nên sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới.
Tích người cha khóc than đứa con đã chết
Một thuở nọ Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthī, đề cập đến tích Maṭṭhakuṇḍalīvatthu được tóm lược như sau:
Trong kinh-thành Sāvatthī, có vị bà-la-môn không từng bố-thí cho ai vật gì, nên mọi người đặt tên là Adinnapubbaka, gia đình ông bà-la-môn có một đứa con trai duy nhất được thương yêu quý mến nhất có tên là Maṭṭhakuṇḍalī.
Khi Maṭṭhakuṇḍalī được 16 tuổi bị mắc chứng bệnh gầy còm da vàng, người mẹ đến gặp ông chồng, rồi thưa rằng:
– Này phu quân! Đứa con trai của chúng ta bị mắc bệnh gầy còm da vàng, xin ông mời thầy thuốc đến nhà chữa bệnh cho con.
Nghe người vợ thưa như vậy, ông bà-la-môn bảo với bà vợ rằng:
– Này phu nhân! Nếu ta mời thầy thuốc đến nhà chữa bệnh cho con thì ta tốn tiền thầy và tốn tiền thuốc nữa. Bà không thấy sự hao tốn tiền của chúng ta hay sao!
– Này ông bà-la-môn! Nếu như vậy thì ông có cách nào chữa bệnh cho con?
Ông bà-la-môn nói rằng: Tôi có cách chữa bệnh cho con ít hao tốn tiền của.
Ông bà-la-môn đi đến gặp thầy thuốc, rồi hỏi ông thầy thuốc rằng:
– Thưa thầy, nếu người mắc chứng bệnh gầy còm da vàng như vậy, thì thầy cho người bệnh uống thứ thuốc gì? Thưa thầy.
Nghe ông bà-la-môn hỏi như vậy, ông thầy thuốc chỉ bảo những thứ thuốc chung chung. Ông bà-la-môn trở về nhà đi tìm những thứ thuốc ấy rồi sắc cho con uống, nhưng bệnh của đứa con trai không giảm, càng ngày càng nặng thêm. Ông bà-la-môn biết rõ đứa con suy kiệt trầm trọng, nên mới đi mời thầy thuốc đến nhà chữa bệnh cho con. Ông thầy thuốc đến khám bệnh cho Maṭṭhakuṇḍalī, biết không thể chữa khỏi bệnh, nên từ chối khéo, rồi xin từ giã ra về.
Ông bà-la-môn biết đứa con sắp chết, nên nghĩ rằng: “Nếu để đứa con nằm chết trong nhà, những người khác vào nhà thăm, thì họ nhìn thấy của cải tài sản của ta. Vậy, ta nên đem đứa con ra nằm ngoài mái hiên phía trước nhà”.
Ông bà-la-môn ẵm đứa con nằm trên chiếc giường ngoài mái hiên phía trước nhà nhìn ra mặt đường.
Đức-Phật nhìn thấy đứa bé Maṭṭhakuṇḍalī
Canh chót đêm ấy, Đức-Phật xả đại-bi định, sử dụng Phật-nhãn quan sát trong toàn cõi-giới chúng-sinh, có chúng-sinh nào có duyên lành nên tế độ, Đức-Phật nhìn thấy đứa bé Maṭṭha-kuṇḍalī đang nằm ngoài mái hiên phía trước nhà hiện ra trong màng trí-tuệ của Đức-Phật.
Đức-Phật xem xét thấy rõ rằng: Đứa bé Maṭṭhakuṇḍalī nhìn thấy kim thân của Như-Lai, sẽ phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch nơi Như-Lai lúc lâm chung. Sau khi đứa bé chết, đại-thiện-nghiệp có đức-tin trong sạch nơi Như-Lai cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trong lâu đài nguy nga tráng lệ trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, có 1.000 cô thiên-nữ hầu hạ. Còn ông bà-la-môn làm lễ hỏa-táng thi thể đứa con yêu quý của mình tại nghĩa địa, rồi ra nghĩa địa khóc than thương tiếc đứa con yêu quý của mình.
Vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī hiện xuống tế độ cha, nên biến hóa ra đứa bé Maṭṭhakuṇḍalī ngồi khóc gần chỗ nghĩa địa, v.v …
Như-Lai thuyết-pháp xong, có 84.000 chúng-sinh chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, trở thành bậc Thánh-nhân, vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, và ông bà-la-môn Adinna-pubbaka cũng trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Đức-Phật xem xét thấy rõ biết rõ những sự việc xảy ra như vậy. Sáng hôm ấy, Đức-Phật ngự vào kinh-thành Sāvatthī cùng với số đông chư tỳ-khưu-Tăng đi khất thực, Đức-Phật ngự đi đến trước cổng nhà ông bà-la-môn Adinna-pubbaka rồi dừng lại.
Đức-Phật tế độ đứa bé Maṭṭhakuṇḍalī
Khi ấy, đứa bé Maṭṭhakuṇḍalī nằm quay mặt vào vách tường không nhìn thấy Đức-Phật, nên Đức-Phật phóng tia hào quang vào chỗ nằm, đứa bé Maṭṭhakuṇḍalī nhìn thấy tia hào quang, liền quay mặt ra đường, nhìn thấy Đức-Phật.
Đứa bé Maṭṭhakuṇḍalī nghĩ rằng: “Từ lâu ta sinh sống trong gia đình không có chánh-kiến, nên ta không có cơ hội đến đảnh lễ Đức-Phật, tạo phước-thiện bố-thí, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật. Bây giờ, dù ta có đôi tay cũng không thể chắp tay lễ bái Đức-Phật được.
Nay, ta chỉ còn hướng đại-thiện-tâm trong sạch thành kính đảnh lễ Đức-Phật mà thôi.”
Đức-Phật biết rõ đứa bé Maṭṭhakuṇḍalī đã phát sinh đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật rồi, nên Đức-Phật ngự đi khất thực cùng với chư tỳ-khưu-Tăng.
Đứa bé Maṭṭhakuṇḍalī phát sinh đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật trong lúc lâm chung, nên sau khi đứa bé chết, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là paṭi-sandhicitta: tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam Maṭṭha-kuṇḍalī có thân hình to lớn trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên trong lâu đài nguy nga tráng lệ cao 30 do tuần, có 1.000 thiên-nữ hầu hạ.
Vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī suy xét rằng: Ta hưởng được quả-báu như thế này do nhờ đại-thiện-nghiệp nào vậy?
Vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī nhớ lại tiền-kiếp của mình là con của gia đình ông bà-la-môn Adinnapubbaka. Khi ta lâm bệnh, cha ta không mời thầy thuốc đến nhà chữa bệnh cho ta, bởi vì sợ tốn tiền của nhiều, ông đi tìm những thứ thuốc đem về sắc thuốc cho ta uống, bệnh của ta không giảm mà lại càng thêm trầm trọng. Ông biết bệnh của ta không thể khỏi được, nên ông ẵm ta ra nằm ngoài mái hiên phía trước nhà.
Sáng hôm ấy, Đức-Phật ngự vào kinh-thành Sāvatthī cùng với chư tỳ-khưu-Tăng đi khất thực. Đức-Phật dừng lại trước cổng nhà, ta đã nhìn thấy kim thân của Đức-Phật, nên phát sinh đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật. Sau khi ta chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên như thế này.
Còn cha của ta là ông bà-la-môn đem thi thể của ta ra nghĩa địa, làm lễ hỏa-táng, rồi than khóc thương nhớ đến ta. Mỗi ngày, cha của ta đến nghĩa địa khóc than kêu la rằng: “Maṭṭhakuṇḍalī đứa con trai một của cha ở đâu rồi? Maṭṭhakuṇḍalī đứa con trai một của cha ở đâu rồi?”
* Vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī nghĩ rằng:
“Bây giờ, ta nên hiện xuống cõi người, biến hóa ra đứa bé giống như Maṭṭhakuṇḍalī đứng 2 tay úp vào mặt khóc gần chỗ nghĩa địa.”
Ông bà-la-môn và vị thiên-nam vấn đáp nhau
Ông bà-la-môn nhìn thấy đứa bé đứng hai bàn tay úp vào mặt khóc, nên nghĩ rằng:
“Ta khóc vì thương nhớ đứa con trai một của ta chết, còn đứa bé này khóc vì cần vật gì vậy? Ta nên đến hỏi nó cho biết.”
* Ông bà-la-môn hỏi đứa bé bằng câu kệ rằng:
– Này cậu bé! Cậu trang sức rất đẹp đẽ, có hương trầm thơm ngát, có hình dáng giống như Maṭṭhakuṇḍalī hai bàn tay úp vào mặt khóc trong nghĩa địa này. Cậu có nỗi khổ gì vậy?
* Vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī đáp bằng câu kệ rằng:
– Thưa ông bà-la-môn! Tôi đã tạo khung chiếc xe ngựa bằng vàng sáng ngời, tôi tìm cặp bánh xe xứng với chiếc xe ấy chưa được, tôi không thể duy trì sinh-mạng được, bởi vì nỗi khổ ấy. Thưa ông.
Nghe cậu bé bày tỏ nỗi khổ như vậy, ông bà-la-môn hứa bằng câu kệ rằng:
– Này cậu bé đáng yêu! Xin cậu nói cho tôi biết, cặp bánh xe ấy sẽ làm bằng vàng, hoặc làm bằng ngọc, hoặc làm bằng bạc, hoặc làm bằng đồng thau, hoặc bất cứ bằng loại gì, tôi xin hứa chắc chắn sẽ làm cho cậu cặp bánh xe ấy.
Nghe ông bà-la-môn hứa chắc chắn như vậy, vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī nghĩ rằng: Ông bà-la-môn này không muốn tốn tiền thầy thuốc chữa bệnh cho đứa con trai một của ông. Nay nhìn thấy ta hình dáng giống như đứa con trai Maṭṭhakuṇḍalī của ông đang khóc, ông dám hứa chắc chắn rằng: “Tôi xin hứa chắc chắn sẽ làm cho cậu cặp bánh xe ấy bằng vàng, v.v …”
Nếu như vậy, thì ta nên nói khích làm cho người cha thức tỉnh, nên hỏi ông rằng:
– Thưa ông bà-la-môn! Ông hứa chắc chắn sẽ làm cho tôi cặp bánh xe lớn cỡ nào?
Ông bà-la-môn hỏi rằng: Cậu muốn lớn cỡ nào? Cậu nói cho tôi biết.
* Vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī đáp bằng câu kệ rằng:
– Thưa ông bà-la-môn! Tôi muốn được mặt trăng và mặt trời cả 2 thứ ấy, tôi đã nói rồi, xin ông cho tôi mặt trăng và mặt trời ấy. Thưa ông.
Thật ra, chỉ có mặt trăng và mặt trời tỏa ra ánh sáng đêm và ngày làm cặp bánh xe ráp vào chiếc xe ngựa của tôi làm bằng vàng sáng ngời, mới thật là xứng đáng mà thôi.
Nghe cậu bé muốn được mặt trăng và mặt trời để làm cặp bánh xe như vậy, ông bà-la-môn nói với cậu bé bằng câu kệ rằng:
– Này cậu bé đáng yêu! Cậu muốn được 2 thứ ấy không thể được, cậu đúng là người ngu si thật!
Tôi biết chắc chắn rằng: Cậu sẽ chết thôi! Cậu không thể có được mặt trăng và mặt trời cả 2 thứ ấy bao giờ!
Nghe ông bà-la-môn chê trách mình như vậy, vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī nói với ông bà-la-môn rằng:
– Người khóc để muốn được mặt trăng và mặt trời đang hiện hữu trên không trung, người ấy gọi là người ngu si. Hoặc người khóc than để muốn người đã chết rồi không còn thấy trong đời, được sống lại, thì người ấy có gọi là người ngu si hay không?
Vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī hỏi ông bà-la-môn bằng câu kệ rằng:
– Thưa ông bà-la-môn! Tôi khóc muốn được mặt trăng và mặt trời đang hiện hữu trên không trung; còn ông khóc than người con trai đã chết rồi không còn trên đời này, được sống lại.
Vậy trong 2 người chúng ta, ai là người ngu si hơn?
Nghe cậu bé hỏi như vậy, ông bà-la-môn thức tỉnh biết rõ rằng: Cậu bé nói rất đúng.
Ông bà-la-môn khẳng định bằng câu kệ rằng:
– Này cậu bé đáng yêu! Cậu nói đúng sự thật. Tôi và cậu, thì tôi là người ngu si thật sự, bởi vì tôi khóc than muốn đứa con trai đã chết rồi, được sống trở lại như xưa, giống như đứa trẻ con khóc đòi cho được mặt trăng vậy.
Ông bà-la-môn tán dương cậu bé
Ngay khi ấy, ông bà-la-môn phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ câu kệ của cậu bé, nên không còn khổ tâm sầu não khóc than nữa.
Ông bà-la-môn nói lên câu kệ tán dương ca tụng cậu bé rằng:
– Này cậu bé yêu quý! Cậu đã dập tắt được sự sầu não than khóc thương tiếc đứa con trai một của tôi làm nóng nảy trong tâm, bằng pháp chân thật, như người dập tắt đám lửa cháy bằng nước; cậu đã làm lắng dịu được nỗi đau khổ thân tâm của tôi; cậu đã nhổ được mũi tên đó là nỗi khổ tâm rồi; nay tôi là người an tịnh.
– Này cậu bé yêu quý! Tôi không còn sầu não khóc than thương tiếc đứa con trai của tôi nữa là nhờ nghe câu kệ của cậu.
Ông bà-la-môn hỏi về cậu bé
Khi ấy, ông bà-la-môn hỏi về cậu bé bằng câu kệ rằng:
– Này cậu bé yêu quý! Cậu là chư-thiên hay Đức-vua-trời Sakka? Cậu có tên gọi là gì? Cậu là con của người nào? Tôi muốn biết cậu bằng cách nào?
Khi ấy, vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī trả lời cho ông bà-la-môn bằng câu kệ rằng:
– Thưa ông bà-la-môn! Ông đã làm lễ hỏa-táng đứa con trai nào trong nghĩa địa. Hằng ngày đêm ông thường khóc than thương tiếc đứa con trai nào? Đứa con trai ấy chính là tôi đây.
Tôi là đứa con trai ấy đã tạo đại-thiện-nghiệp lúc lâm chung, nên sau khi tôi chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên. Nay tôi hiện xuống chỗ này, để tế độ ông là cha của tôi trong tiền-kiếp.
Ông bà-la-môn hỏi vị thiên-nam Maṭṭha-kuṇḍalī bằng câu kệ rằng:
– Thưa vị thiên-nam kính yêu! Khi con còn sống trong gia đình, cha không thấy con tạo phước-thiện bố-thí ít hoặc nhiều lần nào, cha cũng không thấy con giữ gìn bát-giới uposatha-sīla lần nào. Thế mà sau khi con chết, đại-thiện-nghiệp nào cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên như thế này vậy con?
Vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī trả lời bằng câu kệ rằng:
– Thưa ông bà-la-môn! Khi tôi lâm bệnh nặng trầm trọng, ông ẵm tôi ra nằm ngoài mái hiên phía trước nhà.
Sáng hôm ấy, Đức-Phật ngự vào kinh-thành Sāvatthī cùng với chư tỳ-khưu-Tăng đi khất thực. Đức-Phật dừng lại trước cổng nhà, tôi đã nhìn thấy kim thân của Đức-Phật, nên phát sinh đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, hướng tâm cung-kính đảnh lễ Đức-Phật, tôi đã tạo đại-thiện-nghiệp ấy lúc lâm chung. Sau khi tôi chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên như thế này.
Khi lắng nghe vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī thuật lại đại-thiện-nghiệp tạo lúc lâm chung, làm cho toàn thân tâm của ông bà-la-môn phát sinh hỷ lạc chưa từng có bao giờ. Ông bà-la-môn thốt lên rằng:
– Acchariyaṃ vata! Abbhutaṃ vata!
Thật là lạ thường chưa từng có!
Thật là phi thường chưa từng có!
Quả-báu của tâm cung-kính đảnh lễ Đức-Phật mà có được như thế ấy.
Chính tôi cũng có đại-thiện-tâm trong sạch nơi Đức-Phật. Con hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức-Phật từ ngày hôm nay.
Maṭṭhakuṇḍalī khuyên ông bà-la-môn
Biết ông bà-la-môn có đức-tin nơi Đức-Phật, nên vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī khuyên rằng:
– Thưa ông bà-la-môn! Ông nên có đại-thiện-tâm trong sạch nơi Đức-Phật, nơi Đức-Pháp, nơi Đức-Tăng; ông nên đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật, đem hết lòng thành kính xin quy-y Pháp, đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng.
Ông nên thọ-trì ngũ-giới là tránh xa sự sát-sinh, tránh xa sự trộm-cắp, tránh xa sự tà-dâm, tránh xa sự nói-dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp, rồi giữ gìn ngũ-giới cho được trong sạch trọn vẹn.
Ông bà-la-môn vô cùng hoan hỷ chấp nhận nói lên lời “sādhu!” Khẳng định bằng câu kệ rằng:
– Thưa vị thiên-nam kính yêu! Ngài là người mong sự lợi ích, sự an-lạc đến cho tôi. Ngài là ân sư khả kính của tôi. Tôi xin làm theo lời khuyên của Ngài. Tôi thành kính xin quy y Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo rằng:
“Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật, con đem hết lòng thành kính xin quy-y Pháp, con đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng.”
“Con xin thọ-trì ngũ-giới là tránh xa sự sát-sinh, tránh xa sự trộm-cắp, tránh xa sự tà-dâm, tránh xa sự nói-dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp.”
Nghe ông bà-la-môn đã quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới xong, vị thiên-nam Maṭṭha-kuṇḍalī khuyên ông bà-la-môn rằng:
– Này ông bà-la-môn! Trong nhà ông có nhiều của cải, ông nên kính thỉnh Đức-Phật cùng với chư tỳ-khưu-Tăng đến nhà để tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật cùng với chư tỳ-khưu-Tăng, rồi lắng nghe Đức-Phật thuyết-pháp, và hỏi những câu hỏi.
Sau khi khuyên ông bà-la-môn xong, vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī biến khỏi nơi ấy, trở về cung trời Tam-thập-tam-thiên.
Ông bà-la-môn làm lễ cúng-dường Đức-Phật
Ông bà-la-môn từ nghĩa địa trở về nhà gọi bà vợ đến nói rằng:
– Này phu nhân! Ta sẽ đi thỉnh Đức-Phật Gotama ngự đến nhà cùng với chư tỳ-khưu-Tăng để tạo phước-thiện bố-thí cúng dường lên Đức-Phật Gotama cùng với chư tỳ-khưu-Tăng, rồi bạch hỏi câu hỏi. Phu nhân ở nhà chuẩn bị.
Sau khi nói xong, ông bà-la-môn liền đi đến ngôi chùa Jetavana, hầu Đức-Phật, bạch rằng:
– Kính bạch Đức-Phật Gotama, con kính thỉnh Ngài cùng với chư tỳ-khưu-Tăng thọ nhận vật thực tại nhà của con hôm nay. Bạch Ngài.
Đức-Phật làm thinh nhận lời, ông bà-la-môn biết Đức-Phật đã nhận, nên ông bà-la-môn vội vàng xin phép trở về nhà. Ông truyền bảo mọi người trong nhà sửa soạn những thứ vật thực đầy đủ sẵn sàng.
Đức-Phật Gotama ngự đến cùng với chư tỳ-khưu-Tăng vào nhà ông bà-la-môn, Đức-Phật ngự ngồi trên chỗ ngồi cao quý, còn chư tỳ-khưu-Tăng ngồi theo chỗ ngồi cao thấp của mình. Ông bà-la-môn kính đảnh lễ Đức-Phật cùng với chư tỳ-khưu-Tăng, rồi kính dâng vật thực cúng dường lên Đức-Phật cùng với chư tỳ-khưu-Tăng một cách cung-kính.
Nghe tin ông bà-la-môn tà-kiến thỉnh Đức-Phật Gotama cùng với chư tỳ-khưu-Tăng đến nhà để cúng dường vật thực, nên có rất nhiều người trong thành tụ hội gồm có 2 nhóm:
– Nhóm người có tà-kiến nghĩ rằng: “Hôm nay chúng ta sẽ thấy Sa-môn Gotama bị ông bà-la-môn làm khó bằng cách hỏi các câu hỏi.”
– Nhóm người có chánh-kiến nghĩ rằng: “Hôm nay chúng ta sẽ thấy Đức-Phật Gotama thuần phục ông bà-la-môn.”
Sau khi Đức-Phật Gotama thọ thực xong, ông bà-la-môn đến đảnh lễ Đức-Phật, rồi xin phép hỏi các câu hỏi rằng:
– Kính bạch Đức-Phật Gotama, người nào không làm phước-thiện bố-thí cúng dường lên Đức-Phật, không lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, không thọ trì bát-giới uposathasīla, đến lúc lâm chung chỉ có phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch nơi Đức-Phật. Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên. Hạng người ấy có hay không? Bạch Ngài.
Nghe ông bà-la-môn bạch hỏi như vậy, Đức-Phật hỏi lại ông rằng:
– Này ông bà-la-môn! Tại sao ngươi hỏi Như-Lai. Thật ra, người nào lúc lâm chung có đại-thiện-tâm trong sạch nơi Như-Lai, sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời. Điều này, vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī mà tiền-kiếp là con trai của ngươi đã nói với ngươi rồi không phải sao?
– Kính bạch Đức-Phật Gotama, vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī nói với con khi nào?
– Này ông bà-la-môn! Sáng hôm nay, ngươi đi đến nghĩa địa khóc than, nhìn thấy đứa bé hình dáng giống như Maṭṭhakuṇḍalī hai bàn tay úp mặt khóc. Ngươi và đứa bé đã đàm thoại vấn đáp với nhau, đứa bé ấy nói cho ngươi biết rằng:
“- Thưa ông bà-la-môn! Ông đã làm lễ hoả-táng đứa con trai nào trong nghĩa địa. Hằng ngày đêm ông thường khóc than thương tiếc đứa con trai nào? Đứa con trai ấy chính là tôi đây.
Tôi là đứa con trai ấy đã tạo đại-thiện-nghiệp lúc lâm chung, nên sau khi tôi chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên. Nay tôi hiện xuống chỗ này, để tế độ ông là cha của tôi trong tiền-kiếp.”
– Kính bạch Đức-Phật Gotama, chuyện ấy đúng sự-thật như vậy. Bạch Ngài.
– Này ông bà-la-môn! Chúng-sinh nào có đại-thiện-tâm trong sạch nơi Như-Lai, sau khi chúng-sinh ấy chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới không chỉ có một người, mà còn có hằng trăm, hằng ngàn, có vô số chúng-sinh như vậy.
Trong phần đông mọi người ấy, có số người phát sinh tâm hoài-nghi về câu chuyện vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī, để làm cho số người không còn hoài-nghi, nên Đức-Phật nguyện rằng:
“Vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī trang điểm đầy đủ các đồ trang sức cõi trời cùng với lâu đài nguy nga tráng lệ hiện xuống nơi đây.”
Ngay tức thì, vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī từ lâu đài trên hư không bước xuống đến hầu Đức-Phật kính bạch rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con là Maṭṭha-kuṇḍalī thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn. Rồi đứng một nơi hợp lẽ.
Khi ấy, Đức-Phật truyền hỏi vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī bằng câu kệ rằng:
– Này vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī! Ngươi có thân hình xinh đẹp, có hào quang sáng ngời, có nhiều oai lực. Như-Lai hỏi ngươi, khi ở cõi người, ngươi đã tạo đại-thiện-nghiệp nào vậy?
Nghe Đức-Phật truyền hỏi như vậy, vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī bạch với Đức-Phật rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, khi con ở cõi người, con chỉ có phát sinh đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch hướng tâm đảnh lễ Đức-Thế-Tôn mà thôi. Bạch Ngài.
– Này vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī! Như vậy, ngươi có được những quả-báu cõi trời là do nhờ đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch nơi Như-Lai có đúng vậy không?
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, sự thật đúng vậy.
Mọi người nhìn thấy vị thiên-nam Maṭṭha-kuṇḍalī phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ tán dương ân-Đức-Phật rằng:
“Acchariyā vata bho Buddhaguṇā, Adinna-pubbakabrāhmaṇassa nāma putto aññaṃ kiñci puññaṃ akatvā satthari cittaṃ pasādetvā evarūpaṃ sampattiṃ paṭilābhi.”
– Này chư quý vị! Chín ân-đức của Đức-Phật thật là kỳ diệu! Con trai của ông bà-la-môn Adinnapubbaka không tạo phước-thiện nào, chỉ có phát sinh đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, mà có được quả-báu an-lạc cõi trời như thế ấy!
Tâm làm chủ trong mọi nghiệp
Đức-Phật truyền dạy mọi người ấy rằng:
“Đối với mọi người tạo thiện-nghiệp và bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp), có tâm dẫn đầu, có tâm làm chủ, thật vậy, đại-thiện-nghiệp được tạo với đại-thiện-tâm trong sạch thì sẽ cho quả trong cõi người hoặc trên cõi trời dục-giới, ví như bóng theo hình.
Tiếp theo Đức-Phật là Đấng Pháp-vương truyền dạy bài kệ rằng:
Manopubbaṅgamā dhammā, manoseṭṭhā manomayā.
Manasā ce pasannena, bhāsati vā karoti vā.
Tato naṃ sukhamanveti, chāyāva anapāyini.
Tất cả các pháp có thức-uẩn dẫn đầu, có thức-uẩn làm chủ quyền, được thành-tựu do thức-uẩn.
Nếu người nào nói hoặc làm với đại-thiện-tâm trong sạch, thì sự an-lạc theo người ấy như bóng theo hình như vậy.
Giảng giải bài kệ
– Manopubbaṅgamā: Mano+pubbaṅgamā:
Mano: Tâm có 89 hoặc 121 tâm chia ra 4 loại tâm như sau:
– Dục-giới tâm có 54 tâm.
– Sắc-giới tâm có 15 tâm.
– Vô-sắc-giới tâm có 12 tâm.
– Siêu-tam-giới tâm có 8 hoặc 40 tâm.
mano: tâm trong chữ ghép này chỉ giới hạn có 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ mà thôi.
Manopubbaṅgamā: Có thức-uẩn dẫn đầu.
– dhammā: Pháp đó là 3 danh-uẩn là thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn.
– Manoseṭṭhā: Có thức-uẩn làm chủ quyền.
– Manomayā: Được thành-tựu do thức-uẩn.
Tâm (citta) có 89 hoặc 121 tâm gọi là thức-uẩn.
Tâm-sở (cetasika) có 52 tâm, trong 52 tâm-sở, thọ tâm-sở gọi là thọ-uẩn, tưởng tâm-sở gọi là tưởng-uẩn, các tâm-sở còn lại gọi là hành-uẩn.
Tâm-sở (cetasika) có 52 tâm có 4 trạng-thái:
– Đồng sinh với tâm.
– Đồng diệt với tâm.
– Đồng đối-tượng với tâm.
– Đồng nơi sinh với tâm.
Trong mỗi tâm nào phát sinh chắc chắn có số tâm-sở đồng sinh với tâm ấy.
Tâm ấy gọi là thức-uẩn, trong số tâm-sở đồng sinh với tâm ấy, thì thọ tâm-sở gọi là thọ-uẩn, tưởng tâm-sở gọi là tưởng-uẩn, số tâm-sở còn lại gọi là hành-uẩn.
Như vậy, trong mỗi tâm (citta) có 4 danh-uẩn, mà thức-uẩn dẫn đầu, thức-uẩn làm chủ quyền, được thành-tựu do thức-uẩn.
– Manasā ce pasannena, bhāsati vā karoti vā.
Nếu người nào nói hoặc làm với đại-thiện-tâm trong sạch.
* Nói với đại-thiện-tâm trong sạch nghĩa là khẩu nói với 4 vacīsucarita: khẩu nói theo 4 điều thiện đó là:
– Không nói-dối, mà chỉ nói thật.
– Không nói lời chia rẽ, mà chỉ nói lời hòa hợp.
– Không nói lời thô tục, mà chỉ nói lời dịu ngọt.
– Không nói lời vô ích, mà chỉ nói lời hữu ích.
* Làm với đại-thiện-tâm trong sạch nghĩa là thân hành với 3 kāyasucarita: thân hành theo 3 điều thiện đó là:
– Không sát sinh, mà chỉ hành phóng sinh.
– Không trộm-cắp, mà chỉ hành bố-thí.
– Không tà-dâm, mà chỉ hành giữ gìn hạnh phúc gia đình của mình và của người.
* Nghĩ với đại-thiện-tâm trong sạch nghĩa là ý hành với 3 manosucarita: ý nghĩ theo 3 điều thiện đó là:
– Không tham lam của cải tài sản của người khác, mà chỉ nghĩ tạo phước-thiện bố-thí.
– Không thù hận người khác, mà chỉ có tâm từ đến mọi người, mọi chúng-sinh.
– Không có tà-kiến, mà chỉ có chánh-kiến hiểu biết nghiệp là của riêng mình, tin nghiệp và quả của nghiệp.
– Tato naṃ sukhamanveti, chāyāva anapāyini.
Thì sự an-lạc theo người ấy như bóng theo hình.
* Người nào có đại-thiện-tâm trong sạch, thân hành 3 đại-thiện-nghiệp (kāyasucarita) là:
– Đại-thiện-nghiệp không sát-sinh.
– Đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp.
– Đại-thiện-nghiệp không tà-dâm.
* Khẩu nói 4 đại-thiện-nghiệp (vacīsucarita) là:
– Đại-thiện-nghiệp không nói-dối.
– Đại-thiện-nghiệp không nói lời chia rẽ.
– Đại-thiện-nghiệp không nói lời thô tục.
– Đại-thiện-nghiệp không nói lời vô ích.
* Ý nghĩ 3 đại-thiện-nghiệp (manosucarita) là:
– Đại-thiện-nghiệp không tham lam của cải tài sản của người khác.
– Đại-thiện-nghiệp không thù hận người khác.
– Đại-thiện-nghiệp có chánh-kiến.
Người ấy có 10 đại-thiện-nghiệp bằng thân, khẩu, ý như vậy, cho quả báu an-lạc theo người ấy trong kiếp hiện-tại. Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho đến khi hết tuổi thọ trong cõi thiện dục-giới ấy.
Cho nên, sự an-lạc theo người ấy như bóng theo hình trong suốt mỗi kiếp tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Đức-Phật thuyết dạy xong bài kệ ấy, có 84.000 chúng-sinh chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân thấp cao tùy theo năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi chúng-sinh, còn vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, và ông bà-la-môn Adinnapubbaka cũng trở thành bậc Thánh Nhập-lưu. Cho nên, từ đó về sau, ông bà-la-môn Adinnapubbaka hoan hỷ tạo mọi phước-thiện nhất là phước-thiện bố-thí, không chỉ cúng-dường đến Đức-Phật và chư tỳ-khưu-Tăng, mà còn tạo phước-thiện bố-thí đến cho mọi người nghèo khổ khác nữa.
Tất cả mọi chúng-sinh dù lớn dù nhỏ khi đã sinh ra làm chúng-sinh trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới, trong bốn loài chúng-sinh, đến khi hết tuổi thọ đều phải chết cả thảy, không ngoại trừ một ai cả.
* Đối với các hạng phàm-nhân và cả 3 bậc Thánh-nhân là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai đến khi hết tuổi thọ đều tử (chết). Sau khi chết, nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau thuộc về loại chúng-sinh nào, trong cõi-giới nào tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.
* Đối với Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, chư Phật Độc-Giác, chư bậc Thánh A-ra-hán đến khi hết tuổi thọ đều tử (chết) gọi là tịch diệt Niết-bàn, không còn tái-sinh kiếp sau nữa, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Tích Đức-vua Assaka
Đức-Phật đang ngự tại ngôi chùa Jetavana, đề cập đến vị tỳ-khưu khổ tâm vì thương nhớ người vợ cũ, Đức-Phật truyền dạy rằng:
– Này tỳ-khưu! Người vợ cũ ấy không chỉ làm cho con khổ tâm trong kiếp hiện-tại này, mà tiền-kiếp của con cũng đã bị khổ tâm vì tiền-kiếp người vợ cũ ấy.
Đức-Phật thuyết dạy tích Assakajātaka được tóm lược như sau:
Trong thời quá-khứ, Đức-vua Assaka ngự tại kinh-thành Pāṭali trị vì đất nước Kāsi, Đức-vua có Chánh-cung Hoàng-hậu Uparī rất xinh đẹp tuyệt vời, nên được Đức-vua vô cùng sủng ái.
Chánh-cung Hoàng-hậu Uparī băng hà (chết) khiến cho Đức-vua Assaka vô cùng khổ tâm sầu não, bởi vì quá thương tiếc Bà, Đức-vua đem thi thể của Bà ngâm trong hòm đặt dưới long sàng, nằm khóc than kể lể, không ăn, Mẫu hậu, Thái-thượng-hoàng, hoàng gia, các quan, bà-la-môn, … đến tâu rằng:
– Muôn tâu Bệ-hạ, xin đừng khổ tâm sầu não nữa. Bệ-hạ, tất cả các pháp-hữu-vi là vô-thường.
Dù các người thân ấy tâu thế nào cũng không làm cho Đức-vua Assaka tỉnh ngộ được. Đức-vua vẫn than vãn như vậy đến ngày thứ 7.
Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ chứng đắc bát-thiền và ngũ-thông trú tại rừng núi Himavanta, nhập thiền rồi xả thiền xem xét chúng-sinh trong cõi Nam-thiện-bộ-châu với thiên-nhãn-thông thấy rõ, biết rõ Đức-vua Assaka khổ tâm than vãn như vậy, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nghĩ rằng:
Ta là nơi nương nhờ của Đức-vua Assaka.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ dùng thần-thông bay trên hư không đáp xuống vườn thượng uyển của Đức-vua, ngồi trên tảng đá như pho tượng. Khi ấy, cậu trẻ bà-la-môn trong kinh-thành đi du ngoạn vườn thượng uyển, nhìn thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, đến đảnh lễ Đức-Bồ-tát, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ bèn truyền hỏi cậu trẻ bà-la-môn rằng:
– Này cậu trẻ! Đức-vua là đấng minh quân phải không?
– Kính bạch Ngài đạo-sĩ, Đức-vua là đấng minh quân. Nhưng mà Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua giá băng (chết), Đức-vua đem thi thể của Bà ngâm trong hòm đặt dưới long sàng, nằm khóc than kể lể, không ăn đến hôm nay là ngày thứ 7. Kính xin Ngài có tâm đại bi cứu giúp Đức-vua thoát khỏi nỗi khổ tâm sầu não này. Bạch Ngài.
Nghe cậu trẻ bà-la-môn bạch như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ truyền bảo rằng:
– Này cậu trẻ! Bần đạo không quen biết Đức-vua Assaka. Nếu Đức-vua ngự đến đây hỏi bần đạo, thì bần đạo sẽ tâu với Đức-vua biết nơi sinh của Chánh-cung Hoàng-hậu Uparī, và khiến cho Bà hầu chuyện với Đức-vua nữa.
Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nói như vậy, cậu trẻ bạch rằng:
– Kính bạch Ngài đạo-sĩ, nếu như vậy thì con kính thỉnh Ngài đạo-sĩ ở tại nơi này, cho đến khi con thỉnh Đức-vua ngự đi đến gặp Ngài.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ hứa, cậu trẻ bà-la-môn đi đến diện kiến Đức-vua Assaka, tâu rõ những điều mà Đức-Bồ-tát đạo-sĩ có thiên-nhãn-thông thấy rõ, biết rõ sự-thật như vậy, rồi tâu với Đức-vua rằng:
– Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ tiện dân xin kính thỉnh Bệ-hạ ngự đi đến gặp Ngài đạo-sĩ để Bệ-hạ nghe và thấy rõ về Chánh-cung Hoàng-hậu Uparī.
Nghe cậu trẻ bà-la-môn tâu như vậy, Đức-vua vô cùng hoan hỷ vì sẽ gặp lại kiếp sau của Chánh-cung Hoàng-hậu Uparī, nên Đức-vua lên long xa ngự đi đến vườn thượng uyển, đảnh lễ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, rồi ngồi một nơi hợp lẽ, rồi truyền hỏi Ngài đạo-sĩ rằng:
– Kính thưa Ngài đạo-sĩ, nghe nói Ngài biết chỗ sinh của Chánh-cung Hoàng-hậu của Trẫm có thật vậy không?
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, có thật vậy. Đại-vương.
– Kính thưa Ngài đạo-sĩ, Chánh-cung Hoàng-hậu của Trẫm sinh ở chỗ nào vậy?
– Tâu Đại-vương, Chánh-cung Hoàng-hậu say mê trong sắc đẹp tuyệt vời của mình, ỷ lại vào Đức-vua sủng ái, quá dể duôi không tạo mọi phước-thiện, nên sau khi Bà chết, ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm con dòi trong đống phân bò trong vườn thượng uyển này (imasmiṃ yeva gomayapāṇakayoniyaṃ nibbattā).
Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ tâu như vậy, Đức-vua liền truyền bảo rằng:
– Kính thưa Ngài đạo-sĩ, Trẫm không thể tin là sự-thật được!
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ tâu và Đức-vua rằng:
– Tâu Đại-vương, nếu như vậy thì bần đạo sẽ gọi con dòi ấy đến, rồi nó nói tiếng người cho Đại-vương rõ.
– Kính thưa Ngài đạo-sĩ, tốt lắm! Xin Ngài gọi Uparīdevī đến đây nói cho Trẫm nghe.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ sử dụng oai lực của mình, khiến cho hai con dòi đực và dòi cái bò ra từ đống phân bò đến chầu Đức-vua Assaka.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ tâu với Đức-vua rằng:
– Tâu Đại-vương, Uparīdevī đã từ giã Đức-vua rồi, nay kiếp hiện-tại là con dòi cái phân bò theo sau con dòi đực phân bò. Kính xin Đại-vương nhìn xem hai con dòi ấy.
Đức-vua Assaka thưa với Ngài đạo-sĩ rằng:
– Kính thưa Ngài đạo-sĩ, Trẫm không thể tin rằng: Con dòi sinh trong đống phân bò là Uparīdevī của Trẫm.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, bần đạo truyền bảo con dòi ấy nói tiếng người.
– Kính thưa Ngài đạo-sĩ, xin Ngài cho nó nói tiếng người cho Trẫm nghe.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ truyền gọi con dòi cái ấy nói tiếng người do oai lực của Đức-Bồ-tát rằng:
– Này cô Uparī!
Tiền-kiếp của con dòi cái ấy tên là Uparī, nói tiếng người bạch rằng:
– Kính bạch Ngài đạo-sĩ, Ngài gọi con có việc gì. Bạch Ngài.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ truyền hỏi rằng:
– Tiền-kiếp vừa qua của cô là gì?
– Kính bạch Ngài đạo-sĩ, tiền-kiếp vừa qua của con là Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Assaka, tên là Uparī. Bạch Ngài.
– Kiếp hiện-tại này Đức-vua Assaka là người yêu của con hay con dòi đực phân bò là người yêu của con?
– Kính bạch Ngài đạo-sĩ, Đức-vua Assaka là chồng của con trong kiếp trước, trong thời quá-khứ ấy, con với Đức-vua Assaka đi du ngoạn trong vườn thượng uyển này. Nay kiếp hiện-tại của con trở thành kiếp khác rồi, nên Đức-vua Assaka chẳng phải là gì đối với con cả. Nay kiếp hiện-tại này, nếu con có thể giết chết Đức-vua Assaka, thì lấy máu trên cổ của Đức-vua, đem rửa chân của con dòi đực là chồng yêu quý nhất của con mà thôi.
Con dòi cái phân bò ấy đọc 2 câu kệ bằng tiếng người rằng:
Kính bạch Ngài đạo-sĩ, kiếp trước con với người chồng yêu quý là Đức-vua Assaka đi du ngoạn nơi vườn thượng uyển này.
Nay kiếp hiện-tại, sự an-lạc và sự khổ cũ kiếp trước bị sự an-lạc và sự khổ mới kiếp hiện-tại che lấp. Vì vậy, con dòi đực phân bò là người chồng yêu quý hơn Đức-vua Assaka gấp trăm, gấp ngàn vạn lần.
Đức-vua Assaka nghe rõ cuộc đàm thoại giữa Đức-Bồ-tát đạo-sĩ với con dòi cái phân bò, và hai câu kệ, nên phát sinh sân tâm ghét bỏ Chánh-cung Hoàng-hậu Uparī. Tại nơi vườn thượng uyển, Đức-vua Assaka truyền lệnh đem thi thể của bà Uparīdevī ra ngoài cung điện, rồi thiêu đốt ngay.
Đức-vua Assaka đã tỉnh ngộ, thành kính đảnh lễ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, kính thỉnh Ngài cùng đi vào cung điện, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thuyết-pháp tế độ Đức-vua Assaka không còn sầu não nữa, khuyên dạy Đức-vua trị vì đất nước Kāsi bằng 10 pháp của Đức-vua, để cho thần dân thiên hạ được an lành thịnh vượng.
Sau khi thuyết-pháp tế độ Đức-vua Assaka xong, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ bay trở về rừng núi Himavanta.
Sau khi thuyết giảng tích Assakajātaka xong, Đức-Phật thuyết về tứ Thánh-đế tế độ vị tỳ-khưu khổ tâm vì thương nhớ người vợ cũ, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Tích Assakajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại
Trong tích Assakajātaka này, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama trong thời quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu-kiếp các nhân vật trong tích Assaka-jātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại như sau:
– Chánh-cung Hoàng-hậu Uparī, nay kiếp hiện-tại là vợ cũ của vị tỳ-khưu khổ tâm.
– Đức-vua Assaka, nay kiếp hiện-tại là vị tỳ-khưu khổ tâm vì thương nhớ vợ cũ.
– Cậu trẻ bà-la-môn, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.
Chồng vợ với nhau kiếp hiện-tại và kiếp vị-lai
Trong đời này, đôi chồng vợ biết tôn trọng lẫn nhau, có tâm đầu ý hợp với nhau, có pháp nhẫn nại vô sân, có tâm-từ biết giữ gìn hạnh phúc an-lạc trong kiếp hiện-tại, đôi chồng vợ hằng ngày sống chung với nhau thật là lý tưởng.
Nếu mong muốn kiếp sau cũng sẽ trở thành đôi chồng vợ như kiếp hiện-tại này, thì cần phải thực-hành các pháp như thế nào?
Nên tìm hiểu bài kinh Paṭhamasamajīvīsutta
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại khu rừng Bhesakaḷā, nơi phóng sinh nai, xứ Susumāragira trong vùng Bhagga. Vào buổi sáng, Đức-Thế-Tôn mặc y mang bát ngự đi đến ngôi nhà gia chủ Nakulapitā. Ông Nakulapitā và bà Nakulamātā thỉnh Đức-Thế-Tôn ngồi trên chỗ cao quý. Ông Nakulapitā và bà Nakulamātā đến đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi ngồi một nơi hợp lẽ.
Khi ấy, ông Nakulapitā bạch rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, từ khi con gặp bà Nakulamātā còn là cô gái trẻ cho đến nay, con một lòng chung tình với bà Nakulamātā, không hề ngoại tình dù trong ý nghĩ. Hai con có chung ý nguyện làm đôi chồng vợ cả kiếp hiện-tại lẫn trong kiếp vị-lai. Bạch Ngài.
Bà Nakulamātā cũng bạch rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, từ khi con gặp ông Nakulapitā còn là cậu trai trẻ cho đến nay, con một lòng chung tình với ông Nakulapitā, không hề ngoại tình dù trong ý nghĩ. Hai con có chung ý nguyện làm đôi chồng vợ cả kiếp hiện-tại lẫn trong kiếp vị-lai. Bạch Ngài.
Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
– “Này Nakulapitā và Nakulamātā! Nếu chồng với vợ có chung ý nguyện làm đôi chồng vợ cả kiếp hiện-tại này lẫn kiếp vị-lai thật sự, thì đôi chồng vợ đều phải có 4 pháp là đồng có đức-tin trong sạch giống nhau (samasaddhā), đồng có giới trong sạch giống nhau (samasīlā), đồng có bố-thí giống nhau (samacāgā), đồng có trí-tuệ giống nhau (samapaññā), thì mới được làm đôi chồng vợ cả kiếp hiện-tại lẫn kiếp vị-lai.”
Tương tự như vậy, có đôi bạn thân thiết trong kiếp hiện-tại này, nếu muốn kiếp vị-lai cũng sẽ làm đôi bạn thân thiết thì cần phải có 4 pháp là đồng có đức-tin trong sạch giống nhau, đồng có giới trong sạch giống nhau, đồng có bố-thí giống nhau, đồng có trí-tuệ giống nhau.
Đôi chồng vợ hẹn ước với nhau rằng:
“Kiếp sau đôi ta sẽ là đôi chồng vợ với nhau.”
Nếu không có 4 pháp đồng giống nhau này, dù người chết trước, dù người chết sau, thậm chí chết chung cùng một lúc, thì cũng khó có thể gặp lại nhau được, bởi vì mỗi người có mỗi nghiệp khác nhau, cho quả tái-sinh kiếp sau khác nhau nên không gặp lại nhau được. Trong vòng tử sinh luân-hồi trải qua nhiều đời nhiều kiếp có khi hai người gặp lại nhau, sẽ như thế nào tuỳ theo nhân duyên.