Video (40) Ý Nghĩa Của Minh Sát Niệm Xứ – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Video (40) Ý Nghĩa Của Minh Sát Niệm Xứ – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

 

 

Ý Nghĩa Của Minh Sát Niệm Xứ – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Bài giảng ngày 13/06/2007 tại Như Lai Thiền Viện, California.

Hôm qua, Sư Cả giải nghĩa về chữ satipaṭṭhāna, ý nghĩa chứ sati, pa và thāna, Đức Phật không chỉ nói sati mà satipaṭṭhāna. Sư Cả đã giải thích ý nghĩa chánh niệm trong mọi lĩnh vực. Chánh niệm không bao giờ sợ dư, mà chỉ có sợ thiếu chánh niệm, chánh niệm càng mạnh càng tốt. Chánh niệm phải thuộc loại ngoại hạng, đó là ý nghĩa chữ satipaṭṭhāna, trong đó pa có nghĩa (1:04) ussatha hay visesa, ussa có nghĩa ngoại hạng, satipaṭṭhāna có nghĩa chánh niệm khít khao, thiết lập chặt chẽ và duy trì liên tục trên đề mục. Chữ paṭṭhāna có nghĩa (1:26) pavatthana, có nghĩa liên tục, không khoảng hở. Bất kỳ đề mục gì sinh khởi, hành giả đừng bỏ sót đề mục mà không niệm, đừng để có khoảng trống giữa 2 niệm, đề mục sinh khởi liên tục thì chánh niệm cũng theo sát đề mục liên tục, và thiết lập chặt chẽ và duy trì liên tục trên đề mục.

Muốn có được loại chánh niệm có phẩm chất cao, cần có sự hỗ trợ từ các yếu tố khác. Khi chánh niệm được giữ liên tục, phiền não không thể xâm nhập tâm, nhờ chánh niệm bảo vệ tâm, ngăn chặn không cho phiền não sinh khởi, tâm được trong sạch không bị ô nhiễm bởi phiền não. Hiểu được lợi ích của Thiền Minh Sát hành giả có sự tự tin nơi cá nhân, và niềm tin nơi pháp hành. Hành giả sẽ giữ chánh niệm liên tục và làm cho tâm trong sạch.

Chỉ khi nào hành giả có ý chí tu tập mạnh mẽ, hành giả mới có thể vận dụng tinh tấn trong sự tu tập. Muốn hưởng được lợi lạc của sự tu tập nên hành giả vận dụng tinh tấn. Sư Cả cho thí dụ, nếu một người có được vật quý báu cần phải trả giá rất cao, không thể nào mua được vật quý báu với giá rẻ, tương tự, hành giả phải vận dụng loại tinh tấn dũng mãnh (ātāpa) trong sự tu tập. Ātāpa là loại tinh tấn dũng mãnh, ātāpi là người vận dụng được loại tinh tấn dũng mãnh. Loại tinh tấn thông thường không thể làm được việc, hành giả cần phải có loại tinh tấn dũng mãnh. 

Ngoài ra cần phải có tín tâm và tự tin, cùng ý chí (chanda) mạnh mẽ để hỗ trợ cho sự phát triển chánh niệm. Do đó, tấn, tín, tự tin cùng ý chí là các yếu tố hỗ trợ cho sự phát triển chánh niệm. Để niệm vào đề mục một cách chặt chẽ, không sơ sót, không thất bại, hành giả cần phải vận dụng tinh tấn liên tục, sao cho tâm chánh niệm gắn chặt vào đề mục. 

Hành giả cũng cần vận dụng các chi thiền sao cho việc ghi nhận trở nên hữu hiệu. Hành giả cần vận dụng chi thiền tầm để hướng tâm về đề mục, và vận dụng tinh tấn sao cho sự ghi nhận được hữu hiệu. Tầm và tấn là 2 yếu tố giúp phát triển chánh niệm, nếu không có 2 yếu tố này, chánh niệm sẽ không phát triển. Hành giả phải tự biết hành giả có niệm một cách hiệu quả không, có vận dụng tinh tấn trong việc niệm không. Nếu hành giả chỉ niệm giống như đọc thuộc lòng thì việc niệm trở thành giả tạo, nếu không có hướng tâm đến đề mục, tâm không tiến được đến đề mục thì không phát triển được chánh niệm. Chánh niệm không phát triển, hành giả sẽ không thấy được tương quan nhân quả và vô thường, khổ và vô ngã. Nếu không có tầm và tấn, hành giả không thể nào phát triển được chánh niệm, và do vậy không thể hiểu được nhân quả, vô thường, khổ và vô ngã.

Nếu không vận dụng được các yếu tố tầm và tấn trong sự thực hành, dù hành giả có học với bất kỳ vị thầy nào, hành giả không bao giờ phát triển được trí tuệ. Muốn niệm vào đề mục sinh khởi trong hiện tại, hành giả phải hướng tâm đến đề mục, sao cho tâm ghi nhận giáp mặt với đề mục. Nhờ vận dụng tầm làm cho tâm trở nên tươi tỉnh, năng động. Không có yếu tố tầm, tâm sẽ trở nên co rút. Yếu tố tầm rất cần thiết lúc giai đoạn đầu mới hành thiền, hành giả cần hướng tâm đến đề mục bằng tinh tấn dũng mãnh. Nhờ sức mạnh của loại tinh tấn dũng mãnh, hành giả chế ngự được sự biếng nhác (kusīta).

Do đó, nhờ 2 yếu tố tầm và tấn, hành giả đẩy lui sự biếng nhác. Cũng nhờ tầm và tấn, làm cho tâm ghi nhận chà sát được đề mục. Khi tâm chà sát đề mục thì sự ghi nhận trở nên hữu hiệu. Tâm ở trên sự căng, dãn, chuyển động, hành giả hiểu được bản chất của sự căng, dãn, chuyển động. Tâm ở trên sự phồng, hành giả thấy sự căng và chuyển động, tâm ở trên sự xẹp, hành giả thấy sự dãn và chuyển động. Khi kinh hành, tâm ở trên dở-bước-đạp, hành giả cũng hiểu được bản chất thật sự của sự dở, bước, đạp, không cần suy nghĩ đây là gì, hay tại sao như vậy. Khi niệm một cách hiệu quả, hành giả hiểu bản chất thật sự của đề mục, mà không cần phải suy nghĩ. Nếu hành giả suy nghĩ tại sao, cái gì, hay thế nào là hành giả phí thì giờ quý báu và tâm thiền (bhāvanācitta) sẽ bị mất đi, suy nghĩ 1 phút, hành giả sẽ mất tâm thiền 60 lần. Với sự tự tin và niềm tin nơi pháp hành, cũng như vì muốn có được lợi lạc trong sự tu tập, hành giả hướng tâm đến đề mục bằng tinh tấn, sao cho tâm chà sát được đề mục. Khi tâm chà sát đề mục, hành giả hiểu rõ đề mục nên không còn hoài nghi, thắc mắc hay suy nghĩ. Hành giả có được sự hiểu biết qua kinh nghiệm trực tiếp, nếu hành giả lo suy nghĩ về nguyên nhân nào phát sinh, hành giả chỉ phí thì giờ. Ngoài đời, suy nghĩ có thể đem lợi lạc, nhưng trong thiền tập suy nghĩ làm cản trở cho sự tiến bộ. Suy nghĩ, hay suy tưởng sâu xa, gọi là sức mạnh tư duy (paṭisaṅkhāna bala). Sức mạnh của tâm qua thiền tập là thiền lực (bhāvanā bala). Nếu hành giả phí thì giờ cho việc suy nghĩ, phân tích, hành giả chỉ có được sức mạnh tư duy mà mất đi sức mạnh của tâm thiền, do đó hành giả hãy cẩn thận. Hành giả nên niệm vào đề mục đang sinh khởi trong hiện tại như đã được chỉ dẫn, sao cho việc niệm có hiệu quả để hành giả thấy được bản chất thật sự của đề mục. Nếu có điều gì đó đáng tin, hành giả nên chấp nhận, nếu hành giả không có đức tin và sự tin tưởng vào những gì đáng tin thì hành giả chỉ phí thì giờ và sẽ có suy nghĩ, hồi tưởng. Nếu hành giả không phân biệt được chân đế là sự thật mà hành giả phải hiểu thì hành giả sẽ có khuynh hướng suy nghĩ, và sự suy nghĩ này sẽ gia tăng. Nếu hành giả suy nghĩ chuyện vô nghĩa, hay suy nghĩ xuông, suy nghĩ mông lung sẽ làm cho hành giả phí thì giờ trong khi thiền tập. Muốn phát triển được trí tuệ trong thiền tập, hành giả nên tránh 2 loại suy nghĩ trên trong khi quan sát đề mục. Khi hành giả suy nghĩ, hành giả sẽ đánh mất thiền lực, nếu tiếp tục suy nghĩ sẽ khơi dậy sự ngã mạn, tiếp tục suy nghĩ với tự mãn sẽ đưa đến tà pháp là điều rất đáng sợ. Suy tư không dựa trên suy tư chân chánh hay trên thiền lực là suy tư xuông, suy tư vô nghĩa. Suy tư xuông và lâu dài sẽ đưa đến đại ngã mãn (atimāna) cho rằng tôi thuộc kinh giỏi, tôi là thiên tài, tôi là khoa học gia, tôi là thiền sư. Sự ngã mạn phát sinh từ sự cho rằng “tôi là” rất đáng sợ. 

Sư Cả giải thích về 3 sự thành tựu an toàn – thành tựu (siddha), loại thành tựu thứ nhất là thành tựu bằng Minh Sát Tuệ hay Tri Tuệ Trực Giác (paccakkhasiddha) , loại thành tựu thứ 2 là thành tựu bằng Minh Sát Suy Diễn hay Trí Tuệ Suy Diễn (anumānasiddha), và loại thành tựu thứ 3 là thành tựu bằng Chánh Tín (okappanāsiddha). 

Thí dụ trong trường hợp từ đứng sang ngồi, khi hành giả hạ người xuống, hành giả niệm một cách cẩn thận, sẽ thấy hàng loạt tác ý muốn ngồi là tâm, sự hiểu biết này thành tựu bằng kinh nghiệm trực tiếp hay Trí Tuệ Trực Giác, trong lúc hạ người cũng có hàng loạt sự nặng gia tăng là vật chất, sự hiểu biết này là trí tuệ trực giác. Do sự niệm liên tục, sát na định hình thành và phát triển mạnh mẽ nên hành giả thấy được hàng loạt tác ý và hàng loạt sự nặng diễn ra trong khi hạ người xuống từ từ. Hành giả còn thấy sự liên hệ nhân quả giữa tác ý ngồi và chuyển động ngồi, hành giả thấy liên hệ nhân quả trong từng cặp, tác ý và chuyển động diễn ra liên tục như dòng nước, hành giả hiểu rõ tương quan nhân quả giữa tâm và vật chất. Khi sát na định ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, hành giả sẽ thấy sự sinh diệt của đề mục. Hành giả thấy rằng, trong tiến trình ngồi, có hàng loạt tác ý sinh diệt, tác ý cũ diệt đi và thay thế bằng tác ý mới, cũng như hành giả thấy sự sinh diệt của vật chất trong tiến trình ngồi, vật chất cũ diệt mất nối tiếp bằng vật chất mới sinh ra, thấy như vậy hành giả hiểu vô thường, hành giả hiểu bằng kinh nghiệm thực chứng, hành giả hiểu không cần phải suy nghĩ, tại sao, thế nào, cái gì, không cần tìm nguyên nhân mà chỉ là sự hiểu biết trực tiếp qua kinh nghiệm thực chứng cá nhân, hành giả thấy rõ danh, sắc, nhân, quả, vô thường, khổ và vô ngã. 

Từ sự hiểu biết bằng thực chứng trong hiện tại, hành giả suy diễn quá khứ và tương lai cũng có sự diễn tiến giống như vậy, và còn suy diễn cũng có sự diễn tiến như vậy ở thân của người khác, thành tựu sự hiểu biết qua suy diễn gọi là anumānasiddha. Sự thành tựu này phải bắt nguồn từ sự thành tựu bằng Trí Tuệ Trực Giác hay Minh Sát Tuệ, nếu không chỉ là sự suy luận xuông, vô căn cứ (takkavaḍḍhana). 

Sau cùng, loại thành tựu bằng chánh tín (okappanāsiddha) là sự hiểu biết qua sự chấp nhận từ những gì đáng tin, nhưng vượt ngoài khả năng hiểu biết, nếu suy nghĩ những gì vượt ngoài khả năng hiểu biết có thể đưa đến mệt mỏi hay điên cuồng.

Hành giả nên hiểu là thực hành Thiền Minh Sát để có được Trí Tuệ Trực Giác hay Minh Sát Tuệ, hành giả hành thiền để hiểu rõ qua trực giác những gì đang xảy ra trong hiện tại như nó là, Thiền Minh Sát cho hành giả hiểu biết rõ ràng về danh, sắc, nhân quả, vô thường, khổ, vô ngã, không gì khác hơn ngoài những vấn đề này. 

Lúc mới hành thiền, hành giả chưa hiểu được nhưng khi hành giả có sự hiểu biết qua kinh nghiệm thực chứng, hành giả sẽ hiểu rõ lợi lạc và thấy quý trọng pháp hành. Hành giả niệm liên tục vào bất kỳ đề mục gì sinh khởi trong hiện tại bằng sự hướng tâm và tinh tấn, tâm trở nên an trụ và gom tụ trên đề mục, tâm không còn phóng chạy đây đó, tâm không còn chạy theo các ý tưởng ái dục như muốn thấy vật đẹp, nghe âm thanh hay, ngửi mùi thơm, nếm sự ngon, sờ chạm thích thú… Tâm cũng không còn sân hận, bất mãn hay ác ý, ghen tị, các ý tưởng này không còn sinh khởi khi tâm được đưa đến đề mục bằng tầm và tấn. Nhờ tinh tấn hành giả chế ngự được sự biếng nhác. Biếng nhác vì chỉ muốn có sự dễ dãi trong sự tu tập, nhờ tầm và tấn tâm được giữ an trụ và tập trung trên đề mục, khắc phục được hoài nghi. Hành giả không còn suy nghĩ phân vân, tại sao thế này, tại sao thế kia, trái lại chỉ có sự hiểu rõ và tin chắc. Nhờ chánh niệm có mặt nên ngăn chặn phiền não, không để phiền não xâm nhập tâm. Khi tâm được an trụ, tâm định hình thành, tâm không còn dao động bởi ái dục và sân hận. 

Tóm lại, khi tâm được đưa đến đề mục bằng tầm và tấn, tâm giáp mặt với đề mục giúp hành giả hiểu rõ bản chất thật sự của đề mục như căng, dãn, chuyển động… Hành giả hiểu biết đề mục một cách rõ ràng qua kinh nghiệm thực chứng, chứ không phải từ sách vở hay từ thầy dạy. Đức Phật khuyến khích chúng sinh hãy thực hành Thiền Tứ Niệm Xứ để hiểu được sự thật, Sư Cả khuyến khích hành giả nên niệm vào bất kỳ đề mục gì sinh khởi, hãy niệm liên tục đừng bỏ sót, đừng bỏ trống giữa 2 niệm. Thời pháp đến đây đã mãn, Sư Cả sẽ tiếp tục bài giảng vào ngày mai.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

BỘ VIDEOS 39 BÀI GIẢNG | THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ | KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app