Video (17) Cách Quan Sát Đề Mục Hiệu Quả – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Video (17) Cách Quan Sát Đề Mục Hiệu Quả – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

 

 

Cách Quan Sát Đề Mục Hiệu Quả – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Ngày 21/05/2007 tại Như Lai Thiền Viện, California

Hôm qua, Sư Cả giải thích kệ ngôn “bhūtaṁ bhūtato passati” với ý nghĩa hãy quán sát và ghi nhận sự vật như thật sự nó là vậy.

Muốn ghi nhận kịp lúc đề mục vừa sinh khởi, hành giả cần phải vận dụng tối đa sức mạnh của sự hướng tâm, tức là tầm, và nỗ lực tinh cần. Khi sát na định trở nên mạnh mẽ, hành giả thấy được đặc tướng riêng của đề mục sabhāvalakkhanā, hành giả sẽ thấy được bản chất sự vật như nó là. Hành giả thấy được đặc tướng riêng của sự vật. Và cũng thấy rằng đặc tướng riêng của sự vật cũng không tồn tại lâu, mà chỉ trong khoảnh khắc rồi lại biến mất. Thấy sự vật không tồn tại lâu nên hành giả thấy không dính mắc vào. Hành giả thấy sự vật không tốt đẹp, sự vật là khổ. Hành giả hiểu được đặc tướng khổ của sự vật. Nếu có vật gì đó dễ hư hoại, phẩm chất xấu thì vật này được xem không phải là đồ tốt. Tương tự, khi thấy các hiện tượng nơi thân chỉ tồn tại trong khoảnh khắc, không kéo dài lâu. Hành giả hiểu tất cả các hiện tượng chỉ tồn tại trong khoảnh khắc. Hành giả hiểu sự sinh diệt của hiện tương. Và như vậy, hiểu được đặc tướng vô thường, khổ, vô ngã của tất cả sự vật. Hành giả hiểu rằng, không có 1 linh hồn, hay Thượng Đế nào. Hành giả không tin có linh hồn hay Thượng Đế kiểm soát chúng sinh, hành giả không còn tà kiến. Hành giả thấy không có thể kiểm soát được sự vật, và do vậy, hành giả hiểu vô ngã. Vô thường, khổ và vô ngã là đặc tướng không phải thuộc chân đế. Thế nhưng, vô thường, khổ, vô ngã biểu hiện trong đề mục thuộc chân đế. Là những gì có thật. Do đó không thể phủ nhận sự hiện diện của 3 đặc tướng này. Vô thường, khổ, vô ngã chỉ là dấu hiệu, cách thức biểu hiện của sự vật. Thí dụ, giả sử có 1, 2, 3 chỗ rách trên chiếc áo, câu hỏi là 3 chỗ rách ấy ở đâu? Trả lời: chúng nằm trong chiếc áo, chứ không nằm ở đâu trên trời. Hỏi: có phải 3 chỗ rách ấy và chiếc áo là 2 sự vật giống nhau? Trả lời: không phải, 3 chỗ rách và chiếc áo là 2 sự vật khác nhau, nhưng 3 chỗ rách nằm trong chiếc áo. Danh, sắc thuộc chân đế, danh, sắc có đặc tướng chung là vô thường, khổ, vô ngã. Khi niệm đúng lúc ngay khi sự vật sinh khởi, hành giả hiểu đặc tướng riêng, hành giả cũng thấy rằng sự vật sinh và diệt mất, thấy khổ do sự sinh diệt, và thấy sự vật diễn tiến theo đường lối riêng nên hiểu vô ngã. Đây là đặc tướng chung của sự vật sāmaññalakkhanā. Chỉ đến khi hành giả hiểu được đặc tướng chung thì sự hiểu biết này mới được xem là minh sát tuệ, vì lẽ đó, hành giả được khuyên là phải luôn luôn giữ chánh niệm, ghi nhận mọi hiện tượng cho dù là cử động nhỏ nhặt như là mở mắt hay chớp mắt. Nếu niệm đúng cách, hành giả sẽ hiểu bản chất thật sự của sự vật, giống như khi hành giả biết được vị riêng của thức ăn. Đó là tại sao hành giả phải niệm vào mọi hiện tượng, ngay cả sự đóng mắt, mở mắt cũng phải được niệm 1 cách kỹ lưỡng. Hành giả sẽ thấy được đặc tướng riêng và đặc tướng chung của chúng, dù đó chỉ là 1 cử động nhỏ nhặt. 

Sư cũng đã giải thích mỗi thức ăn mang vị riêng, dù miếng ăn có lớn, vừa, hay nhỏ vẫn có vị riêng của nó. Cùng thế ấy, các hiện tượng sinh khởi dù thô, trung, hay tế cũng mang đặc tướng riêng và đặc tướng chung. Ngay trong sự mở mắt hay chớp mắt, nếu hành giả niệm hời hợt hành giả sẽ cho rằng sự mở mắt hay chớp mắt không có mang đặc tướng riêng và đặc tướng chung. Trái lại, nếu niệm cẩn thận, hành giả sẽ thấy có sự căng cứng ở mắt, vì có sự căng cứng ở mắt nên hành giả thấy khó chịu, vì hành giả thấy sự khó chịu nên hành giả muốn thấy cảm giác về mắt, vì muốn cảm giác khó chịu này mất, nên mới có ý định muốn nháy mắt, vì muốn có tác ý muốn nháy mắt nên có sự nháy mắt theo sau, vì có sự nháy mắt nên hành giả thấy thoải mái, không còn thấy khó chịu nữa. Tác ý muốn nháy mắt là tâm, sự nháy mắt hình thành là vật chất. Hành giả thấy được đặc tướng riêng của danh, sắc trong sự nháy mắt. Tương tự như hành giả thấy được vị riêng của thức ăn trong khi ăn. Đó là tại sao hành giả luôn được dặn phải giữ chánh niệm, niệm vào tất cả, dù đó là sự cử động nhỏ nhặt, cũng đừng để thất niệm. Sự chớp mắt là cử động nhỏ nhặt, nhưng nếu niệm kịp thời hành giả sẽ hiểu được danh, sắc xuất hiện trước sau như cặp đôi, cùng với sự liên hệ nhân quả giữa tâm và vật chất. Ngoại trừ ngủ nghỉ suốt ngày hành giả phải giữ chánh niệm liên tục cho đến khi đi ngủ, hành giả nên niệm vào tất cả mọi hiện tượng sinh khởi trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi. Hành giả có thể nghĩ niệm vào tất cả các hiện tượng, và niệm liên tục thì quá vất vả. Nếu chia làm 3 thời, khi ngồi niệm phồng xẹp, phồng xẹp là đề mục chính giống cũng như các đề mục khác khi sinh khởi, khi đi kinh hành, hành giả hay biết, ghi nhận vào chuyển động của chân trong khi dở bước đạp, và thời thứ 3, trong sinh hoạt hàng ngày, hành giả hãy niệm vào mọi sinh hoạt. Nếu hành giả giữ chánh niệm trong 3 thời, niệm cẩn thận, niệm đúng phương pháp như được chỉ dẫn, thì hành giả niệm được tất cả các hiện tượng 1 cách kỹ lưỡng và sâu sắc. Giữ chánh niệm liên tục, có nghĩa hành giả có sự hay biết và ghi nhận được mọi hiện tượng. Hành giả hãy hạ quyết tâm không để thất niệm cho dù trong cử động nhỏ nhặt, nếu hạ quyết tâm như vậy, thì hành giả sẽ không bị thất niệm. Hành giả hãy niệm một cách cẩn thận, và khi hành giả thất niệm, hành giả biết mình thất niệm.

Muốn niệm được mọi đề mục liên tục, hành giả phải ghi nhận đề mục kịp thời, đưa tâm hướng đến đề mục bằng tất cả nổ lực tinh cần sao cho tâm ghi nhận, bám chặt vào đề mục. Trong lúc ngồi, hành giả niệm vào đề mục chính phồng xẹp. Khi đề mục phụ sinh khởi, vượt trội hơn đề mục chính, hành giả niệm đề mục phụ cho đến khi đề mục biến mất, và sau đó quay lại phồng xẹp. Chẳng hạn như khi phóng tâm, hạnh giả niệm vào sự phóng tâm cho đến khi phóng tâm biến mất hành giả trở về tiếp tục niệm phồng xẹp. Trong khi kinh hành, hành giả chỉ chú tâm đến chuyển động ở chân và niệm “dở, bước, đạp” mà không niệm gì khác hơn. Khi niệm “dở, bước, đạp” hành giả hãy hướng tâm đến đề mục bằng nỗ lực tinh cần, sao cho tâm ghi nhận nằm trên đề mục. Từng giai đoạn dở, bước, đạp phải được niệm theo cách như vậy. Nếu hành giả chỉ thấy hình dáng của sự dở chân, sự đưa chân tới, hay sự đặt chân xuống cũng có ích cho hành giả. Nếu hành giả thấy cách thức diễn biến của sự dở chân, đưa tới hay đặt chân xuống thì hành giả hiểu được lợi ích hơn nữa. Tuy nhiên, sự hiểu biết đạt được trong kinh hành không phải là sự hiểu biết về hình dáng, hay cách thức diễn tiến của các chuyển động chân, mà vượt xa hơn nữa, hành giả hiểu được bản chất thật sự của chuyển động dở, bước, đạp của chân. Trong sự dở, hành giả kinh nghiệm cảm giác đẩy lên và cảm giác nhẹ. Cảm giác đẩy lên là biểu hiện đặc tướng riêng của yếu tố gió, cảm giác đẩy và nhè là đặc tướng riêng của yếu tố gió, giống như ngọt là vị riêng của đường. Trước khi dở chân, hành giả thấy hàng loạt tác ý muốn dở chân, và cũng vì có hàng loạt tác ý muốn dở chân nên có sự dở chân. Trong khi chân dở lên, hành giả kinh nghiệm có sự đẩy lên cùng cảm giác nhẹ. Sự đẩy lên cùng cảm giác nhẹ cũng là đặc tướng riêng biệt biểu hiện của yếu tố gió. Sự đẩy lên cùng cảm giác nhẹ dường như sinh khởi theo từng cặp đôi. Khi đặt chân xuống, hành giả thấy được cảm giác nặng trong khi hạ chân. Khi đặt chân xuống, hành giả thấy cảm giác cứng mềm. Do đó, muốn thấy được đặc tướng riêng của gió biểu hiện trong khi dở, bước, đạp hành giả phải dùng tinh cần, nỗ lực hướng tâm đến chuyển động của chân trong khi dở bước đạp. Khi đi đến cuối đường kinh hành, hành giả ngừng lại, hành giả niệm “đứng, đứng”, vì có tác ý muốn đứng nên có sự đứng, hành giả đứng thẳng, hành giả nên giữ sự hay biết cả toàn thân. Vì được nâng đỡ bởi yếu tố gió do đó thân được giữ thẳng, hành giả chú tâm vào toàn thân và niệm “đứng, đứng”, đừng niệm vào 2 bàn chân hoặc 2 ống chân mà là niệm vào thế đứng của toàn thân. 

Hãy thực hành theo tinh thần kệ ngôn “bhūtaṁ bhūtato passati”. Có nghĩa, muốn thấy bản chất thật sự của sự vật, cần phải niệm ngay lúc sự vật sinh khởi. Hành giả niệm “đứng, đứng” ngay khi hành giả đứng, hành giả thấy được tương quan nhân quả trong sự đứng, vì có tác ý đứng nên có sự đứng tiếp theo.

Khi xoay người, hành giả xoay chầm chậm và niệm “xoay, xoay”. Sư Cả thấy có hành giả trong khi kinh hành mắt nhìn lên, nhìn ngang, nhìn dọc suốt cho đến cuối đường kinh hành. Sư nhắc cho hành giả, khi hành thiền, dù có mắt tốt hãy giả vờ như là người mù, người mù không nhìn đây đó. Khi đi, hành giả chỉ nên nhìn xuống trong vòng chừng 6 feet, trong khi đi đừng cúi đầu, hãy giữ đầu thẳng, mắt nhìn xuống. Do đó, trong khi đi, hành giả sẽ thất niệm khi ngẩng đầu lên nhìn đây đó. Hành giả thuộc loại tu tập lơ mơ. Cũng như trong khi nghe đừng chú tâm lắng nghe, hãy giả như 1 người điếc, đừng để tâm đến âm thanh hay tiếng động. Dù hành giả là người hiểu biết nhiều về thiền tập hay có học vấn cao ngoài đời, hành giả có khuynh hướng hay tự hỏi “Đây là gì? Tại sao vậy? Như thế nào?”. Trong khi tu tập, hành giả đừng thắc mắc, đừng hồi tưởng vì khi đó hành giả đã mất cơ hội ghi nhận đề mục trong thời điểm hiện tại. Điều quan trọng là hành giả phải ghi nhận kịp thời khi đề mục vừa sinh khởi. Hành giả hãy làm như 1 người khờ, không thắc mắc, không đánh giá. Trong khi đứng lên hay ngồi xuống hành giả cũng phải làm chầm chậm trong chánh niệm. Trong lúc tu tập, hành giả như là 1 người bệnh, hãy đứng lên, ngồi xuống 1 cách chậm chạp, đừng đứng lên hay ngồi 1 cách đột ngột, mau lẹ như người bình thường. Cũng như khi co duỗi hay làm các động tác khác, hành giả hãy làm chậm lại sao cho hành giả có sự chú tâm theo dõi kịp thời diễn tiến của các cử động hay các động tác. Hành giả đừng nghĩ nếu làm chậm và giữ chánh niệm liên tục trong các động tác sẽ không đủ thì giờ cho việc ngồi thiền, đừng nghĩ làm chậm lại không đem lợi ích chi hết, hành giả đừng nên nghĩ vậy. Các hiện tượng xảy ra nơi thân rất vi tế và sâu sắc, do đó làm chậm lại để có thể theo dõi, ghi nhận được đề mục. Hành giả cần phải làm các động tác chậm lại để có thể giữ chánh niệm, ghi nhận được 1 cách khít khao. Sự ghi nhận phải nhanh chóng, kĩ lưỡng và bắt kịp đề mục. Có những động tác nếu làm nhanh sẽ không có lợi trong thiền tập. Có những động tác khác, hành giả cần phải làm vừa không nhanh không chậm. Thí dụ như ở nhà thương, có loại bệnh nhân cần phải săn sóc nhẹ nhàng, nếu mạnh tay có thể làm bệnh nhân chết. Trong trường hợp băng ngang đường cần phải đi nhanh, nếu đi chậm có thể bị tai nạn. Tùy theo trường hợp hành giả làm nhanh hay chậm. Trong khi tu tập hành giả hãy làm như 1 người bệnh, không thể làm nhanh. Hành giả cần phải niệm một cách tích cực, mau lẹ, không chậm trễ. Vài hành giả vẫn còn nhìn đây đó, không giữ sự thu thúc nơi mắt. Khi đi, hành giả không cần phải gục đầu, hãy giữ đầu thẳng, người thẳng và giữ mắt nhìn xuống trong vòng 6 feet trước mặt. 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

BỘ VIDEOS 39 BÀI GIẢNG | THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ | KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app