Nội Dung Chính
Video (13) Kỹ Thuật Hành Thiền Tứ Niệm Xứ – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007
Kỹ Thuật Hành Thiền Tứ Niệm Xứ – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007
(Bài giảng ngày 17/05/2007, tại Như Lai thiền viện, California)
Hôm qua, Sư Cả đã giảng về 2 loại Thiền Chỉ và Thiền Minh Sát. Các hành giả ở đây trực tiếp hành Thiền Minh Sát nên Sư Cả không cần giảng nhiều về Thiền Chỉ. Dù hành giả hành Thiền Chỉ, hay Thiền Minh Sát, điều cần thiết là phát triển sự định tâm.
Trong Thiền Chỉ, bắt đầu bằng sự phát triển cận định và sau đó là toàn định – hành giả đắc thiền. Trong Thiền Minh Sát, bắt đầu bằng sự phát triển sát-na định. Đề mục quán sát trong Thiền Chỉ thuộc tục đế, vốn không có thật. Đề mục quán sát trong Thiền Minh Sát là danh, sắc, thuộc chân đế, là những gì có thật.
Hành giả quán sát đặc tướng riêng sabhāva lakkhaṇa và đặc tướng chung sammañña lakkhana của các hiện tượng danh, sắc. Sát-na định là sự định tâm phát triển trong khi quán sát các đặc tướng này.
Đối tượng quán sát trong Thiền Minh Sát bao gồm ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Trong đó thọ, tưởng, hành, thức thuộc về danh (hay tâm). Hành giả phải quán sát các uẩn liên tục, sinh khởi trong từng thời điểm hiện tại. Nhóm chữ bhūtaṃ bhūtato passati trích từ kinh Itivuttaka, kệ ngôn này có nghĩa: thấy sự vật như là. Bhūtato có nghĩa quán sát như thế nào, bhūta là đối tượng quán sát, bhūta có nghĩa gồm 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Sắc uẩn thuộc vật chất, 4 uẩn còn lại thuộc danh (hay tâm). Tại sao ngũ uẩn lại được gọi là bhūta còn gọi là (3:07) caka vijjamāna, caka có nghĩa được sinh ra hay mới thành. Trong chúng sinh, danh sắc sinh diệt không ngừng, khiến cho chúng ta có cảm tưởng luôn luôn đổi mới. Đó là tại sao danh, sắc được gọi là caka, có nghĩa là được sinh ra luôn luôn. Danh, sắc được sinh ra theo trình tự như thế nào? Chúng sinh ra theo liên hệ nhân quả, và thật sự hiện hữu. Danh, sắc thuộc chân đế, và có thể được cảm nhận thật sự. Làm thế nào để quán sát các hiện tượng này? Bhūtato hành giả cần phải quán sát sự vật như nó là. Trước nhất hành giả thấy đặc tướng riêng của sự vật, kế đến đặc tướng chung của sự vật, sự vật như là là sự biểu hiện đặc tướng riêng và đặc tướng chung. Hành giả được chỉ dẫn niệm hay ghi nhận sự phồng xẹp của bụng. Bụng phồng niệm “phồng”, bụng xẹp niệm “xẹp”. Có nghĩa thấy sao niệm vậy. Khi có cảm giác cứng trong thân, niệm “cứng”. Khi có cảm giác mềm, niệm “mềm”. Khi dính, niệm “dính”; khi ướt, niệm “ướt”; khi có cảm giác nặng, niệm “nặng”; nhẹ, niệm “nhẹ”; nóng, niệm “nóng”; lạnh, niệm “lạnh”; chuyển động, niệm “chuyển động”. Có nghĩa thấy sự vật như thế nào thì niệm như thế ấy, thấy sao niệm vậy yathāsabhāvato .
Hành giả niệm “phồng, xẹp” khi ngồi, “dở, bước, đạp” khi đi, từ đứng sang ngồi niệm “hạ xuống, hạ xuống”. Tuy nhiên lúc mới hành thiền, hành giả không dễ niệm vào chân đế vì tâm luôn có khuynh hướng đi theo tục đế, hành giả vẫn còn thấy hình tướng tức đặc tính tục đế của sự vật. Ngoài ra, lúc đầu hành giả vẫn còn niệm vào sự vật bằng cách đặt tên labeling cho sự vật. Sự đặt tên này cũng là 1 khái niệm, hay tục đế, tuy nhiên hành giả cần phải niệm bằng cách đặt tên lúc mới ban đầu, để thiết lập sát na định. Từ từ theo thời gian, sát na định sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Khi có sự định tâm, hành giả bắt đầu có sự thanh tịnh nơi tâm, gọi là tâm tịnh Citta Visuddhi vì bấy giờ tâm không bị phiền não xâm nhập, tâm vắng bóng phiền não. Danh, sắc liên hệ với nhau qua nhân quả, nếu không có nhân sẽ không có quả. Sắc hay vật chất sinh ra từ 4 yếu tố: nghiệp trong quá khứ, tâm, thời tiết (hay nhiệt độ) và thực phẩm. Thể xác, tứ chi, tai, mắt, mũi… hình thành từ 4 nhân: nghiệp, tâm, thời tiết và thực phẩm.
Trong sự phồng xẹp, chúng ta thấy có sự căng, dãn, cứng, mềm… Sự phồng xẹp của bụng có liên hệ với sự thở ra, thở vô. Vì có thở vô nên có sự phồng. Vì có thở ra nên có sự xẹp. Và cũng vì có tác ý muốn thở vô, thở ra nên mới có hơi thở vô, ra. Và như vậy có sự phồng xẹp. Khi nín thở cũng chỉ được một lúc sẽ có tác ý muốn thở ra, và sau đó là tác ý thở vô, nín thở lâu cảm thấy khó chịu ở bụng nên muốn thở ra. Và vì thở ra nên bụng xẹp. Do đó, sự phồng xẹp sinh khởi bởi nhiều nguyên nhân có liên hệ lẫn nhau. Đó là ý nghĩa của câu danh sắc luôn luôn được sinh ra do nhiều nguyên nhân có liên hệ nhau. Tưởng chừng như chúng luôn luôn mới. Danh, sắc hiện hữu thật sự trong hiện tại. Muốn thấy các hiện tượng tâm và vật chất, hành giả cần phải quán sát chúng ngay lúc vừa mới sinh khởi. Có nghĩa muốn thấy sự căng dãn, cứng mềm trong sự phồng xẹp, hành giả phải quán sát khi phồng vừa xuất hiện, hay lúc phồng mới bắt đầu, hay lúc xẹp mới bắt đầu. Muốn vậy hành giả phải có nỗ lực hướng tâm đến đề mục hay còn gọi là tầm vitakka là 1 chi thiền, vì có sự chú tâm hoàn toàn nơi đề mục. Muốn đưa tâm đến đề mục cần có nỗ lực hay tinh tấn. Với sự tinh tấn thông thường không đủ sức mạnh. Cần phải vận dụng loại tinh tấn có phẩm chất cao ātāpa. Loại tinh tấn đòi hỏi sự năng động, tỉnh giác và sẵn sàng nơi hành giả. Hành giả không thể dể duôi, thụ động. Hành giả phải ghi nhận đề mục bằng sự năng động, tỉnh giác. Chi thiền tầm có ảnh hưởng quyết định cho sự ghi nhận đề mục sao cho sự hướng tâm đến đề mục, kịp thời ghi nhận chính xác đề mục. Hành giả phải đưa tâm kịp thời và giữ được tâm ghi nhận trực diện với đề mục. Tâm ghi nhận trực diện và chà sát đề mục hình thành chi thiền tứ vicāra.
Lúc mới bắt đầu quán sát đề mục, hành giả chưa phải thật sự hành Thiền Minh Sát, chỉ đến khi thành tựu được 2 chi thiền tầm và tứ thì mới xem là thật sự hành Thiền Minh Sát. Nhờ 2 chi thiền tầm và tứ, tâm ghi nhận hay chánh niệm gắn chặt nơi đề mục. Tâm không còn phóng chạy đây đó, tâm an trụ trên đề mục hình thành sự định tâm. Sự định tâm trong từng khoảng khắc gọi là sát na định khaṇika samādhi.
Khi phồng xẹp xuất hiện, hành giả phải lập tức ghi nhận quán sát khi chúng vừa sinh khởi, trong lúc hành giả hướng tâm đến đề mục, tâm lúc đó không có tư tưởng ái dục, sân hận hay chiếm đoạt, hãm hại. Tâm không nghĩ đến các đối tượng ngũ dục như nhớ đến vật đẹp, mùi thơm… Hay không nghĩ đến sự ghen ghét, ganh tị hay mưu toan chiếm đoạt, hay có ý tưởng hãm hại. Tâm vắng bóng dục tưởng, sân tưởng và hại tưởng. Tâm không còn vuột khỏi đề mục vì những suy nghĩ bất thiện. 3 yếu tố tấn, niệm, định cùng lúc có mặt trong lúc ghi nhận đề mục. 3 yếu tố này có phẩm tính riêng biệt. Khi dùng tinh tấn để hướng tâm đến đề mục làm hình thành yếu tố tầm, tầm giúp cho tâm không bị co rút. Tâm trở nên tươi mát, năng động.
Lúc mới hành thiền, buồn ngủ dễ phát sinh trong lúc hành giả quán sát đề mục. Hành giả niệm lơ là thì sẽ có khuynh hướng buồn ngủ. Muốn hưởng thụ cảm giác được ngủ. Khi tầm có mặt, tâm trở nên tươi tỉnh, năng động. Hành giả cảm thấy tỉnh táo không còn buồn ngủ. Nhờ ảnh hưởng của tinh tấn giúp chế ngự được sự biếng nhác.
Trong giai đoạn đầu mới ngồi thiền, buồn ngủ là kẻ thù số 1, hành giả phải khắc phục cơn buồn ngủ bằng sự tinh tấn, nỗ lực ghi nhận đề mục. Nếu hành giả không đưa tâm kịp thời đến đề mục, hành giả sẽ có sự phân vân hoài nghi. Khi tâm trực diện và chà sát đề mục, hành giả thấy đề mục 1 cách rõ ràng nên không còn phân vân, hoài nghi. Khi tâm gắn chặt đề mục hình thành chánh niệm, chánh niệm có mặt nên phiền não không chen vào tâm. Chánh niệm giúp bảo vệ tâm khỏi phiền não. Đây là phẩm tính bảo vệ tâm ngăn chặn phiền não không cho xâm nhập tâm. Tâm được bảo vệ an toàn không còn dao động bởi tham sân si. Tâm trở nên an tịnh, hình thành sát na định. Với sự có mặt của tấn, niệm, định giúp bảo vệ tâm thoát khỏi phiền não. Mỗi yếu tố riêng rẽ không đủ bảo vệ tâm, nhưng khi cả 3 tấn – niệm – định liên kết thành 1 nhóm thì trở nên bảo vệ tâm 1 cách hữu hiệu. Ở giây phút này, hành giả có loại hạnh phúc từ khước phiền não hay hạnh phúc giải thoát khỏi phiền não nekkhammasukha bắt đầu có mặt. Khi tấn, niệm, định có mặt, phiền não không có mặt nơi tâm, tâm không còn có ý tưởng về dục lạc. Tâm không phát sinh ái dục qua những ý nghĩ muốn thấy cảnh đẹp, nghe âm thanh hay, hay ngửi mùi thơm… Cũng như tâm không phát sinh sân hận, bất mãn, hay có ý tưởng muốn chiếm đoạt, hay hãm hại. Nhờ tấn và tầm nên chế ngự được dễ duôi, buồn ngủ, tâm trở nên tỉnh táo, năng động. Nhờ niệm và định làm cho tâm an tịnh, không còn dao động bởi phiền não. Tâm không còn phân vân, hoài nghi, tâm vắng bóng ái dục, sân hận, dã dượi buồn ngủ, bất an, dao động và hoài nghi. Hỷ lạc phát sinh, hành giả cảm thấy hạnh phúc. Hành giả bắt đầu kinh nghiệm hương vị Pháp bảo, hạnh phúc do sự phỷ lạc đem lại có thể so sánh với cảm giác vui sướng, thỏa thích của người chơi trò đánh đáo – khi ném trúng mục tiêu người này cảm thấy vui sướng, thỏa thích. Tương tự, khi hành giả niệm kịp thời, sát na định hình thành, thì hành giả cảm thấy vui sướng, thỏa thích. Đây là sự phỉ lạc, loại hạnh phúc giải thoát khỏi phiền não. Loại hạnh phúc này có được trong khi thực hành giáo pháp. Phỉ pīti, lạc sukha là 2 chi Thiền Minh Sát. Hành giả tự so sánh hạnh phúc giáo Pháp đến bằng sự giải thoát khỏi phiền não, và hạnh phúc ngũ dục để thấy sự khác biệt giữa 2 loại hạnh phúc. Giữ chánh niệm liên tục nơi sự vật được 1 phút, hành giả có 60s hạnh phúc, hành giả nhận ra sự giá trị quý giá của Pháp hành. Nhờ hiểu được giá trị của Pháp hành, hành giả trở nên tu tập nghiêm túc, cẩn thận và tinh cần.
Thế nhưng, Sư Cả vẫn còn thấy vài hành giả còn nhìn đây, nhìn đó trong khi kinh hành, hành giả ngó chỗ này, chỗ kia. Sư Cả nghĩ rằng hành giả bỏ hạnh phúc thế tục phía sau để đến đây tu tập, nếu tu tập 1 cách lơ là, hành giả sẽ không hưởng được hạnh phúc giáo Pháp. Và như vậy, hành giả mất cả 2: hạnh phúc thế tục và hạnh phúc giáo Pháp. Và chỉ làm phí công sức của hành giả. Hành giả bỏ công sức để đến đây, hành giả nên tu tập nghiêm chỉnh, liên tục và siêng năng để có cơ hội hưởng được hạnh phúc giáo Pháp. Sư Cả không muốn làm khó hành giả, nhưng chỉ muốn cho hành giả hưởng được lợi lạc từ sự tu tập. Nếu tu tập lơ là, dể duôi dù có ở đây 1 tháng hay 6 tuần, hành giả cũng không hưởng được nhiều lợi lạc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
BỘ VIDEOS 39 BÀI GIẢNG | THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ | KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007