Tứ Thanh Tịnh Giới Phần I – Ājīva Pārisuddhisīla – Giới Nuôi Mạng Chân Chánh (thanh Tịnh)

Ājīva pārisuddhisīla – Giới nuôi mạng chân chánh (thanh tịnh)

Vị tỳ khưu thực hành theo giới nuôi mạng chân chánh phải ráng tinh tấn dứt bỏ cách nuôi mạng tà vạy và tinh tấn trong sự nuôi mạng chân chánh. Sự tinh tấn dứt bỏ cách tà mạng do nơi thân và khẩu là phải xa tránh năm pháp ác (pāpadhamma) và 21 pháp tà vạy (anesana).

  1. Năm pháp ác (pāpadhamma):

Giả dối (làm bộ cao thượng) (kuhanā), nói bợ đỡ (lapanā), giả dạng (do thân và khẩu) (nemittikatā), nói hăm dọa (nippesikalā), lấy lợi câu lợi (lābhena lābhaṃ nijjigiṃsanata).

– Giả dối, có ba cách: giả dối trong cách thọ tứ vật dụng, giả dối cách dịu ngọt xa gần và giả dối bằng cách dùng oai nghi.

Paccayappatisevana – giả dối trong cách thọ tứ vật dụng. Có vị tỳ khưu khi thí chủ thỉnh mời thọ lãnh tứ vật dụng, dầu cho mình muốn cần dùng các vật ấy lắm nhưng cũng giả bộ như mình là bậc tri túc cao thượng không muốn cần dùng đến vật quí báu ấy, chỉ cần dùng vật thấp hèn xấu xa cũng được. Khi biết được thí chủ họ càng trong sạch với mình, sau lại họ chở vật dụng đến cả xe mới thọ lãnh và nói rằng: Tôi không mấy gì cần dùng các món vật dụng này đâu, nhưng nếu tôi không thọ lãnh thì bà con không được phước, vì vậy mà tôi mới lãnh để tế độ bà con vậy thôi. Không phải chỉ giả bộ lời nói mà thôi, có khi làm bộ như người thu thúc, nghiêm trang im lặng như người có pháp bậc cao nhơn trong mình đặng cho người phát đức tin trong sạch mà lễ bái cúng dường đến mình.

Sāmantajappana – giả dối cách dịu ngọt xa gần. Vị tỳ khưu vì muốn người cung kính, khen ngợi, lễ bái cúng dường mới làm bộ nói cách dịu ngọt xa gần muốn ám chỉ mình như vầy: “Bà con coi vị nào mặc y dùng bát như thế này, thầy tế độ như vầy, ở nơi chùa kiểu này, vị ấy là một bậc đại sa-môn, có chức phận lớn, có pháp của bậc cao nhơn như vầy, như vầy”. Hoặc nói bậy nói bạ khoe khoang hình như mình đã đắc thánh pháp, hoặc tự khoe rằng: “Bà con coi, tôi đây người ta khen ngợi nhiều lắm”. Nói như thế là nói dối bằng cách xảo ngôn.

Iriyāpatha sannissita – giả dối bằng cách dùng oai nghi. Vị tỳ khưu vì muốn được danh lợi, làm bộ tề chỉnh, thu thúc trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi hình như có đầy đủ sự ghi nhớ và biết mình như các bậc cao nhơn, có khi làm như mình nhập định trong giữa đám đông, hoặc làm như người gớm ghiếc chán nản pháp thế gian.

– Nói bợ đỡ: vị tỳ khưu vì muốn được danh lợi, khi thấy thí chủ đến chùa làm bộ vui vẻ kêu hỏi trước, nếu họ nói: “Ðến thỉnh chư tăng”, thì tự mình bước ra nói để đi thỉnh thế cho, hoặc nói khoe khoang rằng: “Tôi đây vua chúa quan quyền nhỏ lớn ở đó đó đều trong sạch với tôi hết thảy”, hoặc nói nịnh bợ, nói xa gần, nói bắt buộc, nói giễu cợt, nói sắp nói giữa v.v… đặng người cúng dường vật dụng.

– Giả dạng do thân hoặc khẩu: cũng như vị tỳ khưu vì muốn được lợi danh khi thấy thí chủ đem cầm vật thực mặn ngọt, dầu cho mình biết rõ vật ấy lắm, nhưng giả bộ hỏi cầm cái chi đặng cho họ biết mình muốn vậy ấy, hoặc nói than van ngay vật ấy với thiện tín, hoặc nói mánh lới xa gần cho người biết mình cần dùng vật ấy, hoặc nói bắt buộc cho người không thể dám tránh khỏi được, hoặc giả cách như người có thần thông.

– Nói dọa dẫm: vị tỳ khưu vì muốn được danh lợi mới dùng lời hăm dọa, đè nén, mắng nhiếc thí chủ, hoặc bắt lỗi phải, biếm nhẻ cho rằng họ không có đức tin, hoặc nói nịnh hót, giễu cợt, hoặc đem chuyện xấu nhà này nói với nhà kia để bươi móc lợi lộc.

– Dùng lợi câu lợi: vị tỳ khưu vì muốn được danh lợi mới đem vật dụng được ở nhà này đem đi cho nhà kia, được nhà kia đem cho nhà nọ, lấy lợi nhỏ ấy đặng câu lợi to cho càng nhiều thêm. Vị tỳ khưu nào được lợi lộc như cách kể trên thì gọi là sự nuôi mạng theo năm pháp ác không trong sạch.

     2. Hai mươi mốt pháp tà mạng (asesana).

Vị tỳ khưu nào sanh sống bằng cách suy tính thế nọ thế kia hoặc cho vật chi đến kẻ thế mà không nên cho, cố ý đổi lấy vật dụng khác để nuôi mạng mình, tất cả các vật phát sanh lên bằng cách ấy đều gọi là tà mạng cả.

Có 21 pháp tà mạng. Veḷudānaṃ: cho tre (của chùa hoặc của tăng đến người thế tục mà không nên cho), nếu tre sau khi làm công việc xong còn dư cho người làm ấy không sao. Pattadānaṃ: cho lá cây (như lá chuối v.v…). Pupphadānaṃ: cho bông hoa, tự mình cho hoặc sai vị khác cho đến gia quyến không nên cho đều phạm tội tác ác, nếu cho cha mẹ, hoặc cho để đem đi cúng Tam bảo một nơi nào đều vô tội. Phaladānaṃ: cho trái cây (như cách cho bông hoa). Dantakaṭṭhadānaṃ; cho cây đánh răng1. Mukh’odakadānaṃ: cho nước rửa mặt v.v.. Sinānadānaṃ: cho vật để tắm gội. Cuṇṇadānaṃ: cho vật thoa mình (như phấn sáp v.v…). Mattikadānaṃ: cho đất sét (để thoa mình khi vào nhà khói để hơ) hoặc để trét vách. Cāṭukamyatā: giả bộ hạ mình kiêng nể người. Như thế có thí chủ đến chùa hoặc mình đến nhà người làm tuồng như kiêng nể sợ sệt hỏi han người hết sức ngọt dịu cung kính hạ mình như tôi tớ kính chủ đặng người trong sạch. Muggasūpatā: nói khi thiệt khi giả (như đậu nửa chín nửa sống). Pāribhaṭyatā: giúp đỡ người (là ẵm bồng con, cháu người làm như cha mẹ của đứa trẻ ấy). Jaṅghapesanikaṃ: tiếp làm công việc cho người đủ thứ, công việc chi của người thế cũng lãnh làm hết thảy, hoặc đem tin tức thơ từ cho người. Vejjakammaṃ: làm thầy thuốc chữa bịnh cho người, không phải hạng người Ðức Phật cho phép, như bậc xuất gia hoặc thân quyến của mình. Dūtakammaṃ: đem tin cho người, như đem tin từ nhà này đến nhà kia, trừ ra đem tin cho năm hạng đồng đạo và cha mẹ, giới tử sắp vào tu và người giúp phụ sự cho mình. Pahiṇagamanaṃ: lãnh làm tay sai cho người (ngoài sự đem tin tức) như người thế họ sai đem vật này đến chỗ kia hoặc đem vật ở chỗ kia đem về chỗ này. Piṇḍappaṭipiṇḍikaṃ: đem vật thực đi bát cho người thế ăn trước, rồi đi bát sau mới ăn; trừ ra những hạng Phật cho phép như cha mẹ, vua chúa, tướng cướp, người hầu, chư tăng, người sắp tu. Dān’ūpadānaṃ: cho qua cho lại; như thí chủ họ dâng cúng cho mình món chi, mình cho lại một món bằng hay hơn giá món ấy để mua lòng họ sẽ cúng dường mình lâu dài. Vatthuvijjā: làm thầy coi địa lý; như vị tỳ khưu biết coi địa lý nói chỗ này nên cất nhà, chỗ này không nên, thứ cây này dùng cất nhà có lợi, thứ cây này có hại v.v… Nakkhatta vijjā: làm thầy xem thiên văn như coi ngày tháng, sao hạng, tốt hay xấu, có lợi hoặc có hại, bàn nguyệt thực, nhựt thực. Aṅga vijjā: coi tướng, coi tay, như coi tướng nam, nữ có nhiều của cải hoặc phước đức v.v… hoặc xem tướng ngọc ngà, voi ngựa, gươm giáo, vải hàng v.v…

Vị tỳ khưu nào vì muốn được danh lợi hoặc sự cung kính làm theo 21 pháp tà mạng đã kể, những vật dụng mà phát sanh lên do cách tà mạng ấy đem nuôi mạng sống đều không trong sạch. Còn như vật riêng của mình hoặc những vật sau khi làm công việc còn dư, hoặc cho với sự không cố ý muốn được tư lợi, vì sự buộc lòng, hoặc người đi lỡ đường đến chùa, hoặc các vị vua chúa cần dùng đến mình cho đều vô tội. Các vị tỳ khưu đều phải xa lánh 21 pháp tà mạng này và phải tinh tấn đi khất thực xin ăn, hoặc nguyện các pháp đầu đà, hoặc vật thực phát sanh lên do đức hạnh thanh cao của mình, hoặc do chư tăng thì đều gọi là vật dụng trong sạch cả.

Giới nuôi mạng được thanh tịnh do nhờ sự tinh tấn “viriya”.

(Dứt phần nuôi mạng chân chánh)

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời