Tứ Thanh Tịnh Giới Phần I – Indriya Saṃvarasīla – Giới Thu Thúc Lục Căn (thanh Tịnh)

Indriya saṃvarasīlaGiới thu thúc lục căn (thanh tịnh)

Giới thu thúc lục căn gồm có sáu phần là: thu thúc nhãn căn (cakkh’indriya saṃvara); thu thúc nhĩ căn (sot’indriya saṃvara); thu thúc tỷ căn (ghān’indriya saṃvara); thu thúc thiệt căn (jivih’indriya saṃvara); thu thúc thân căn (kāy’indriya saṃvara); thu thúc ý căn (man’indriya saṃvara). 

Vị tỳ khưu trong Phật pháp, khi thấy rõ tội lỗi của sự không thu thúc và quả báo của sự thu thúc, thì mỗi khi mắt tiếp xúc với sắc trần, tai tiếp xúc với thinh trần, mũi tiếp xúc với các mùi, lưỡi tiếp xúc với các vị, thân tiếp xúc với các sự đụng chạm, tâm tiếp xúc với các pháp1, dầu tốt, dầu xấu, thì ráng thu thúc không nên lưu luyến đến các cơ thể và hình ảnh hoặc chi tiết và toàn thể của các trần ấy và hai pháp là vui thích theo trần ấy hoặc bất bình, buồn bực trong trần nào mà mình không ưu thích.

Ðức Phật có giải trong Paṭhama saṅgeyya sutta rằng: “Nếu vị tỳ khưu không thu thúc, gìn giữ lục căn thì thường phải chịu những điều khổ não vô lượng, nhất là sự khổ trong các cảnh địa ngục. Còn tỳ khưu nào huấn luyện, dạy dỗ, gìn giữ lục căn cho thanh tịnh thì thường hưởng được sự an vui vô lượng không lẫn lộn với phiền não, nhất là sự an vui trong thiền định và quả báo Niết-bàn”. Hơn nữa, trong Āditta pariyāya sutta (kinh giải về lửa) Ðức Phật có dạy rằng: “Nếu vị tỳ khưu lấy dao thật bén đã đốt đỏ, khoét con mắt, ngoáy lỗ tai, cắt mũi, cắt lưỡi, lóc thịt còn tốt hơn là khi tiếp xúc với sắc, thinh, hương, vị, xúc mà vui thích, lưu luyến, bám víu theo chi tiết của các cơ thể hoặc hình ảnh toàn thể của trần ấy. Tại sao vậy? Vì nếu trong khi tâm đang quyến luyến theo các trần ấy mà mạng chung thì thế nào cũng phải sa đọa vào hai đường dữ là súc sanh và địa ngục không sai. Một lẽ nữa, sự ngủ quên còn quí hơn, vì sự ngủ quên chỉ làm cho mất lợi ích trong sự sanh sống hoặc sự hành đạo vậy thôi, chớ tư tưởng sái quấy, xấu xa, mà vị tỳ khưu nuôi nấng trong tâm có thể hướng dẫn vị ấy làm điều tội lỗi lần lần cho đến tội chia rẽ tăng chúng và nhiều khi cũng bị hư hỏng, tai hại trong kiếp hiện tại”.

Bởi vậy cho nên, vị tỳ khưu khi tiếp xúc với lục trần phải ráng thu thúc lục căn cho thanh tịnh đừng cho hai pháp là vui thích hoặc bất bình phát sanh lên trong tâm. Chỉ biết rằng: “Các trần này chỉ để tiếp xúc vậy thôi”.

Sự thu thúc lục căn được tròn đủ nhờ có sự ghi nhớ (sati).

(Dứt giới thu thúc lục căn)

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app