Tu dưỡng tâm từ bằng thiền chánh niệm
Tư duy thiện xảo trong thiền tập
Điều hướng suy nghĩ đến tâm từ là cách làm thiện xảo
trong việc sử dụng và ứng dụng tâm, cho phép chúng ta
thiết lập đà của sự thiện lành.
Trong thiền tập, khi chúng ta nỗ lực để bình tĩnh và an định tâm, tôi nghĩ rằng đó là một xu hướng phổ biến khi cố gắng loại bỏ việc suy nghĩ và từ bỏ cái tâm hay suy nghĩ. Một phương trình phổ biến xuất hiện: “Tôi suy nghĩ, vì thế tôi đau khổ. Nếu tôi không suy nghĩ, tôi đã không đau khổ. Đạo Phật là để vượt thoát đau khổ, vì thế tôi phải thủ tiêu suy nghĩ”.
Thường thường điều xảy ra sau đó là, hoặc việc suy nghĩ bùng nổ hoặc chúng ta trói cột bản thân mình vào những nút thắt của sự cố công không suy nghĩ. Chúng ta có thể khá thành công trong việc đẩy lùi và kềm nén suy nghĩ, nhưng không bao giờ cảm thấy tốt đẹp.
Điều hướng suy nghĩ đến tâm từ là cách làm thiện xảo trong việc sử dụng và ứng dụng suy nghĩ theo cách cho phép tâm xây dựng đà của sự thiện xảo và lành thiện. Những suy nghĩ đang tăng dần lên theo hướng của thiện. Bản chất của tâm thiện chính là bình yên, an định và có sự vững chãi với điều đó.
Một cách hữu dụng khác để điều hướng suy nghĩ là hướng đến các khía cạnh mà trong tiếng Pali gọi là saṃvega: sự cấp bách, ý thức rằng không có thời gian để mà phung phí hay để làm chuyện vớ vẩn. Một trong những sự quán tưởng mà người xuất gia được khuyến khích để tu dưỡng hàng ngày là: “Ngày và đêm đang không ngừng nghỉ trôi qua. Tôi đang sử dụng thời gian của mình tốt đến mức nào?”. Đó là sự quán tưởng rất hữu ích bởi vì nó thực đúng là như vậy: ngày và đêm đang không ngừng nghỉ trôi qua. Chúng trôi qua một cách không nhân nhượng. Mỗi ngày trôi qua, chúng ta già thêm và càng gần hơn với cái chết. Đó là thực tế: Tôi đã nỗ lực để có thêm một ngày ý nghĩa, nhưng tôi vẫn phải chết đi như một thực tế mà tôi sẽ phải đối diện.
Vì thế, đó là ý niệm về sự cấp bách. Để thời gian trôi qua một cách phù phiếm, trống rỗng hay chỉ là đang chống đỡ những cấu trúc thói quen cũ kỹ, phục hồi “những bạn đồng hành” tin cậy của tham, sân và si: điều đó tiếp cận chúng ta ở nơi nào? Chúng ta đều đã làm như vậy. Tất cả chúng ta đều thấy rằng nó không mang lại hiệu quả lắm.
Trưởng dưỡng những động lực đó cho sự cấp bách – sự già đi, bệnh tật và cái chết; sự vô thường, bất định của tâm và các trạng thái của tâm – là bài thuốc giải hữu hiệu để tiêu trừ tính tự mãn. Đó không phải là để trừng phạt bản thân mình và biến nó thành một sự ám ảnh tinh thần, nhưng nó là điều thiết yếu xét về nhu cầu tự thúc đẩy bản thân và không bỏ phí các cơ hội.
Sự cấp bách không phải là biểu hiện điên cuồng trong tâm. Ý thức về sự cấp bách là ý thức của động lực: “Vâng, tôi muốn thức dậy và di chuyển, thức dậy và có cơ hội sử dụng thời gian một cách thiện xảo, để phát triển phẩm hạnh, để rèn luyện trong sự bình yên và để thiết lập chính mình trong trí tuệ và sự nhận thức sáng suốt”. Đây là những động lực. Một lần nữa, không phải chuyển sự cấp bách trở thành điều gì đó cuồng loạn hay tình trạng buồn vui thất thường; điều đó đặc biệt không hữu ích. Nhưng sẽ hữu ích khi có được ý thức về sự cấp bách.
Sự cấp bách là một trạng thái tâm và là một động lực vô cùng tích cực. Khi chúng ta sử dụng suy nghĩ được hướng chuyển, sẽ hữu ích trong thiền tập hay trong các tình huống thường ngày để có thể ôn lại năm triền cái. Các xu hướng đặc biệt này của tâm chính là những đặc trưng cơ bản đưa chúng ta đến một nơi không có sự bình yên và thiếu sự sáng rõ.
Vì thế, để ôn lại năm triền cái: tham dục, sân nhuế, thùy miên, trạo hối và lo lắng và nghi: Với suy nghĩ được điều hướng, hãy quan sát xem các triền cái có mặt hay không, làm thế nào để xử trí chúng và chúng sanh khởi như thế nào.
Nếu có tham dục, chúng ta sẽ hướng chuyển suy nghĩ của mình đến điều gì? Chúng ta thường hướng chuyển suy nghĩ về điều gì đó chúng ta tri nhận là thích thú, hứng khởi và có khả năng đưa đến sự hài lòng. Vì thế, suy nghĩ được điều hướng đó tiếp đến bị nắm giữ bởi các triền cái và những sự nhiễm ô rồi kết thúc là sự khuấy động tâm.
Khi suy nghĩ được điều hướng đến sự ác ý, ác cảm, bực tức, giận dữ và không hài lòng; sau đó nó “tiếp thực” cho triền cái này. Sự “tiếp thực” đó làm cho triền cái đó khỏe và mạnh lên. Chúng ta không muốn các triền cái khỏe và mạnh; tốt hơn hết chúng ta nên “bỏ đói” chúng. Đừng “tiếp thực” cho chúng.
Tôi nhớ Thiền sư Ajahn Chah có lần nói, “Bạn thấy một con mèo đi lòng vòng kêu meo meo – và bạn nghĩ rằng, ‘Con mèo này thật tội nghiệp!’. Và bạn cho nó ăn. Chắc chắn rằng nó sẽ quay trở lại lần nữa, ngoài hành lang mỗi buổi sáng”. Tại tu viện Abhayagiri, người ta thắc mắc tại sao chúng tôi không có bất kỳ con chó hay con mèo nào. Nếu bạn cho chúng ăn, chúng chỉ quanh quẩn và thường chúng còn “thông tin” cho bạn bè chúng biết nữa.
Nếu những gì chúng ta làm với các triền cái của mình là “tiếp thực” cho chúng thì chúng ta sẽ lâm vào cảnh bị nhiều triền cái tấn công. Thay vào đó, hãy chú ý rằng: “Nếu tôi không ‘tiếp thực’ cho nó, nếu tôi không điều chuyển suy nghĩ đến sự kích thích của triền cái, sau đó nó mờ nhạt đi”. Điều đó mở ra một không gian, và chúng ta có thể điều chuyển sự chú tâm một cách tích cực. Đặc biệt với sân nhuế, việc điều hướng suy nghĩ tích cực về tâm từ là một sự áp dụng của suy nghĩ được hướng chuyển vô cùng thiện xảo.
Thùy miên xảy ra khi chúng ta điều chuyển suy nghĩ về sự no bụng sau bữa ăn. Chúng ta cảm thấy một sự uể oải và thiếu hứng thú nhất định. Điều đó “tiếp thực” cho thùy miên. Vì thế, như là một sự rèn luyện, đừng để cho tâm nghỉ ngơi ở những điều có xu hướng đưa tới thùy miên, tới sự âm u. Nếu chúng ta chú tâm đến nó, sau đó tâm hấp thu vào bên trong đó; vì thế sự uể oải hay âm u bắt đầu “tiếp quản”. Rút sự chú tâm và suy nghĩ ra khỏi những khu vực bị ngăn che, u ám và vô định. Đặc biệt trong thiền tập, các trạng thái tâm khác nhau dịch chuyển vào và dịch chuyển ra khỏi tâm. Nếu chúng ta để cho tâm của mình cứ ngụ trong các trạng thái tâm bị ngăn che, vô định và trôi dạt thì đó là nơi mà chúng ta kết thúc, với cái tâm rất u ám. Vì thế, điều quan trọng là cần hướng chuyển sự chú tâm đồng thời tiếp thực khả năng của tâm để tập trung và đặt trọng tâm vào điều gì đó sáng sủa, nhạy bén và rõ ràng.
Cách chúng ta hướng chuyển sự chú ý và suy nghĩ cũng tương tự như với trạo hối và nghi. Vì vậy, năm triền cái là phạm vi quán tưởng rất hữu ích, xét về phương diện làm thế nào để nuôi dưỡng và thiết lập sự chú ý một cách tốt nhất. Vì khi chúng ta thật sự hướng chuyển sự chú ý theo cách nó không bị tiêu mòn bởi sự xao nhãng của năm triền cái thì tâm thật sự trở nên vững chãi và mạnh mẽ.
Có một sức mạnh ở đó. Đức Phật so sánh nó với dòng thác trên núi (Kinh Tăng Chi Bộ 5:51). Nếu dòng thác chảy từ trên núi xuống và sau đó rẽ nhánh vào các con lạch và các con suối nhỏ hơn, thì sức mạnh của dòng suối bị suy yếu đi. Nó không thể cuốn trôi nổi bất cứ thứ gì. Điều này được so sánh với nguồn năng lượng và dòng chảy của tâm khi nó bị suy yếu vào năm triền cái. Khi nguồn năng lượng bị chia tách cho những triền cái khác nhau này, sức mạnh của dòng chảy hay dòng suối đó không còn mạnh mẽ nữa. Tất nhiên, điều ngược lại là đúng. Khi dòng suối chảy xuống và nó không bị suy yếu, nó có sức mạnh lớn lao và có thể được sử dụng cho điều gì đó mang lại lợi ích.
Ở tu viện Abhayagiri, chúng tôi đang nỗ lực thiết lập hệ thống thủy lực. Nếu dòng suối chia chẻ ra làm nhiều hướng chảy khác nhau thì tất cả những gì chúng ta thu được là một lượng vô cùng “tủn mủn”. Cái tua- bin thì ì ạch và bạn không có chút điện năng hay năng lượng nào. Trong khi đó, nếu bạn có thể hướng chuyển dòng chảy về cùng một hướng, bạn có thể kích hoạt được nhiều điện năng và bạn không phải chi trả cho công ty điện.
Điều này là tự nhiên. Đây là những thuộc tính của tự nhiên. Đó chỉ là cái tâm. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải chú tâm và nhận diện được cách các cấu trúc và xu hướng này hoạt động.
Kế đến, điều gì xảy ra khi chúng ta hướng chuyển suy nghĩ một cách đặc biệt đến các triền cái? Kết quả là gì khi chúng ta có thể cải thiện và đặt năm triền cái sang một bên và cho phép sự chú tâm được định và tập trung? Vì chủ đề của khóa tu này là tâm từ, khi năm triền cái bị bế tỏa, chúng ta có thể mang nhiều sự chú tâm hơn đến biểu hiện của tâm từ (mettā-nimitta) và để cho nó được chiếu tỏa ra. Tiếp đến chúng ta có thể điều chuyển suy nghĩ theo cách khuyến khích cảm thọ của ước muốn tốt đẹp, sự mềm mại bên trong tâm và sự sáng sủa dành cho bản thân mình và những người thân yêu khác. Hãy để cho suy nghĩ được hướng chuyển đến cảm thọ của tâm từ.
Những suy nghĩ có mặt ở đó là để nhắc nhở chúng ta. Ẩn bên dưới chúng là cảm thọ đặc biệt của sự thoáng đãng và ấm áp trong tâm và trong tim. Hãy để cho chính điều đó được thiết lập thông qua thân, điều chuyển nó đến cho chính bạn. Tâm có thể liên tục bảo hộ cho sự ứng dụng bền vững của những suy nghĩ hay cảm thọ của tâm từ.
Những từ ngữ Pali là vitakka (tâm tầm) và vicāra (tâm tứ)5. Vitakka là suy nghĩ hay suy nghĩ được điều hướng nhưng đó là cả suy nghĩ và việc mang suy nghĩ, cảm xúc hay sự tri nhận vào trong tâm. Tất cả đều là tâm tầm. Sự khởi sanh của suy nghĩ về tâm từ và điều chuyển sự chú tâm đến tâm từ; dù là ở cấp độ suy nghĩ, cảm thọ hay sự suy tưởng, tất cả đều là tâm tầm. Vicāra – tâm tứ, là sự duy trì hay sự tiếp tục của điều đó. Nhưng cũng có một sự đánh giá tiếp diễn: “Tôi đang nắm giữ nó bằng cách nào? Làm thế nào tự thân nó có thể duy trì? Nó cảm giác ra sao? Kết cấu của nó là gì?”.
Có sự trưởng dưỡng ban đầu đối với sự chú ý đưa vào trong tâm. Tiếp đến có sự duy trì điều đó. Có một sự đánh giá nhưng nó không phải là sự đánh giá tri thức. Nó đang có được một cảm thọ đối với kết cấu của suy nghĩ đó và cảm thọ bên trong tâm để nó được duy trì và chúng ta có thể nhìn thấy nó theo một cách khác.
Tâm tầm đang trưởng dưỡng điều đó vào trong ý nghĩ bên trong tâm, giống như cách tôi vừa nâng cái búa chuông lên. Tâm tứ thì đang nhìn thấy nó từ nhiều góc độ khác nhau. Có một điều thú vị ở đó để có thể duy trì nó. Chúng ta bị phân tán. À, không sao, tâm tầm sẽ lại trưởng dưỡng nó.
Đó là điều chúng ta đang làm với các suy nghĩ của tâm từ hay đối tượng của thiền tập bất cứ lúc nào. Chúng ta đang sử dụng quy trình đó của suy nghĩ được hướng chuyển và của sự đánh giá để có được đà cho sự hứng thú và chú tâm đối với đối tượng đó. Với đối tượng của tâm từ, đó chính là cảm thọ.
Điều này sẽ không thuần nhất hay nhất quán. Nhưng đó là cách chúng ta sử dụng tâm tầm và tâm tứ. Chúng ta không cố gắng để làm cho nó nhất quán một cách tuyệt đối. Suy nghĩ được điều chuyển và sự đánh giá nhận diện được các kết cấu khác nhau và duy trì đề mục căn bản của tâm từ.
Tất nhiên, sự tương đồng là đúng khi xét về bất kỳ đối tượng nào của thiền tập mà chúng ta đang sử dụng, chẳng hạn như hơi thở. Đó là điều làm cho hơi thở thú vị. Chúng ta có thể quyết tâm để làm cho hơi thở này thú vị chỉ bằng cách tập trung. Đó là thông qua việc nhìn thấy nó, nâng nó lên và nhìn nó từ các góc độ khác nhau mà chúng ta có thể nhìn. Sau đó, tâm có thể định lâu hơn một chút và có thể lưu lại ở đó một cách kiên cố.
Sau đó, vai trò của sự đánh giá chính là nhận diện được rằng đang bắt đầu cảm thấy tốt đẹp: “Thân của tôi đang cảm thấy dễ chịu và an định hơn”. Do vậy, có một sự nhận thức về hiệu quả.
Với tâm từ như là đối tượng của thiền tập, chúng ta khuyến khích bản thân mình bằng sự cấp bách. Chúng ta chú tâm đến năm triền cái và sau đó điều chuyển suy nghĩ và sự đánh giá đến đối tượng của tâm từ.
Một trong những khía cạnh rất mạnh mẽ của tâm từ là: khi tâm từ trở nên mạnh mẽ hơn thì xu hướng đối với sự ác ý và ác cảm giảm xuống. Nó không thể “đáp hạ” trong tâm một cách quá dễ dàng. Có một lực vô cùng mạnh mẽ, tích cực sau đó giúp cải thiện các triền cái bất thiện khác. Đó là chiếc cầu nối thật sự tốt đẹp đối với sự vững chãi của tâm mà chúng ta tu dưỡng cùng với sự chánh niệm của việc hít thở và sự tỉnh giác của thân. Tâm từ cho phép tâm tạo ra chiếc cầu nối giữa vị trí nơi mà các triền cái vẫn đang tấn công vào một chút và một nơi duy chỉ dành riêng cho sự thiện lành và an định. Các trạng thái tâm thiện lành và sáng rõ phụ thuộc vào tâm từ.
Ý thức về sự lánh xa khỏi tham dục hay các trạng thái tâm bất thiện tạo ra một sự dịch chuyển thật sự mà thông qua đó tâm có thể định vào trong đối tượng của nó. Dù đối tượng đó là biểu hiện của tâm từ hay hơi thở thì đều phụ thuộc vào những gì chúng ta cảm thấy thoải mái. Nhưng tâm từ cung cấp một chiếc cầu nối rất ổn định đi vào sự vững chãi đó của tâm, nơi mà tâm có thể hợp nhất. Sự chuyên nhất của tâm bị phá vỡ bởi những “con lạch” nhỏ đang tỏa ra các hướng chảy khác nhau như: đến tham dục, sân nhuế, thùy miên, trạo hối hay nghi.
Hãy để cho tâm kết nối với khoảng trống đó và phát triển sự hứng thú trong điều gì đó tích cực hơn. Điều này hoàn toàn tự nhiên. Là con người, chúng ta bị cố kết để yêu thích sự vui thú hơn là cơn đau. Vì vậy, nếu chúng ta có thể nhìn thấy điều gì đó thật sự vui thú thì tâm của chúng ta có thể hợp nhất với điều đó. Điều gì đó vui thú như cảm thọ của tâm từ có thể kết nối được đến các cấu trúc thói quen của trạo hối, nghi hay sự trôi dạt và đi đến sự vững chãi đó của tâm. Khi chúng ta thực hành và “làm việc” với tâm tầm và tâm tứ bằng cách nuôi dưỡng và duy trì suy nghĩ tích cực thì điều gì đó vui thú, sáng sủa và hỷ lạc sinh khởi trong tâm. Chúng ta không đang làm gì sai quấy cả. Cảm thấy điều đó là bình thường. Bạn có thể hứng khởi và bắt đầu phân tích. Thay vào đó, hãy cho phép chính mình vui hưởng sự thiền tập.
Là con người, không may là chúng ta hay “lạc bước” vào những cấu trúc cũ kỹ: “Tôi có mặt ở đây, quay lại trong đau khổ lần nữa. Ít nhất nó quen thuộc và cảm giác được bảo hộ”. Thay vì như vậy, hãy để cho tâm khám phá các “vùng miền” của sự an lành và hạnh phúc. Sự tin tưởng có mặt ở nơi đó, vì đó không phải chỉ là sự vui thú sinh khởi vì nỗ lực đạt được điều gì đó mang lại sự hài lòng dưới tác động của dục. Đó là sự hài lòng và hỷ lạc sâu sắc hơn khi được đặt nền tảng trên sự thanh tịnh của ý muốn và phẩm chất không lẫn tạp của sự thiện xảo. Đó là thiện lành.
Trong câu chuyện kể về Đức Phật, khi Ngài vẫn còn đang là Bồ-tát và đang cố gắng đạt đến sự giác ngộ, Ngài đã đấu tranh với những sự thực hành khổ hạnh đến mức Ngài trở nên gầy mòn và nản lòng. Đức Phật sau đó nhớ về một ký ức khi còn là đứa trẻ: rất bình yên, an định và tập trung khi Ngài bị bỏ lại một mình trong suốt một buổi lễ. Ngài khoảng chừng chín tuổi và tâm của Ngài đã đi vào định. Đức Phật nhớ lại ký ức đó và phân vân, “Tại sao ta lại sợ hãi niềm hạnh phúc không bị nhiễm ô bởi nhục dục và các xu hướng phi thiện xảo? Có lẽ đó chính là con đường”. Có một sự nhận thức rằng thật sự không có gì bất ổn với hạnh phúc đó. Sau đó, Đức Phật nghĩ rằng Ngài sẽ không bao giờ có thể tu dưỡng con đường đó trong tướng trạng gầy hao của mình, vì thế Ngài đã bắt đầu thọ thực trở lại. Đó là khi Đức Phật có được sự hiểu biết sâu sắc về Trung đạo (Kinh Trung Bộ 4).
Do vậy, sự tu dưỡng phụ thuộc vào suy nghĩ được điều hướng và phải dụng đến quá trình điều nghiên, khả năng chú tâm và cho phép tâm hướng vào những nguồn năng lượng của nó. Không tham gia vào những điều gây hủy hoại tâm, nhưng có thể duy trì sự chú tâm đến những điều đang nuôi dưỡng tâm và con tim: đó là cách mà tâm có thể hợp nhất. Điều này không xảy ra một cách tình cờ hay chỉ bằng việc ngồi trong thời gian đủ lâu, như kiểu bạn sẽ có được bình yên nếu bạn ngồi được vài tiếng đồng hồ.
Trong những năm đầu tiên là tu sĩ, tôi nhớ đến một vị tăng khác trong tu viện của mình. Vị ấy xuất gia được khoảng vài năm nhưng đối với tôi, vị ấy chưa bao giờ thật sự bình yên. Khi tôi biết vị ấy, tôi nhận thấy điều đó ngay từ lần đầu tiên vị ấy bắt đầu hành thiền; vị ấy có một quyển nhật ký và ghi chép lại mỗi thời thiền tập của mình với bao nhiêu giờ đồng hồ, bao nhiêu phút đã hành thiền. Điều đó giống như, “Nếu tôi xây dựng đủ ‘tài khoản’ của mình, bằng cách này hay cách khác, tôi sẽ được bình yên”.
À, không. Bạn phải đang thực hành nó đúng cách. Bạn phải thật sự thiện xảo. Vì vậy, hãy học các kỹ năng điều chuyển sự chú tâm đó: Bạn “tiếp thực” cho điều gì? Bạn “khát đói” điều gì? Bạn chú tâm vào điều gì? Bạn xao nhãng điều gì? Bạn khích lệ điều gì? Bạn nản lòng vì điều gì? Cần có sự sáng suốt và quán chiếu nào đó.
Sau đó, hãy nhận diện rằng có những tác động bên trong của các trạng thái tâm khác nhau như giận dữ, ác ý và bồn chồn, bất an. Chúng có tác động bên trong đến tâm; chúng đang khuấy động. Tâm từ, phẩm chất của lòng bi mẫn, tôn trọng sự thật: đây là tất cả những điều có tác động làm cho an định một cách sâu sắc bên trong tâm. Vì thế, hãy để tâm chú ý đến điều đó. Cho phép tâm duy trì sự chú tâm đó. Và kế đến, hãy nhận diện cách nào tâm có thể hợp nhất, phụ thuộc vào điều đó.
Đôi khi có nhiều gợi ý khác nhau về cách hiểu hay ý nghĩa đến từ những từ ngữ đặc biệt. Khi chúng ta nói về sự tập trung, chỉ từ “tập trung” có xu hướng mang lại cảm thọ là, “Tôi, đang tập trung, đang thúc ép tâm mình vào điều gì đó và kềm giữ nó ở đó”. Nhưng điều đó không thật sự biểu đạt cho những gì chúng ta làm trên thực tế. Sự nhất tâm, mặt khác, có liên quan đến suy nghĩ được điều hướng, sự đánh giá, niềm hỷ lạc và sự an lành. Tâm có thể được hợp nhất trong ý nghĩa rằng, nó được hợp nhất trong cảm thọ của sự an lành và bình yên, của trạng thái vô cùng an định và vững chãi. Tất cả cùng “làm việc” với nhau và xuất hiện cùng với nhau ở một nơi của sự vững chãi. Do vậy, đây là một vài điều quán tưởng sáng nay cho thiền tập.
[5] Tâm tầm và tâm tứ: hai yếu tố thiết yếu cho sự thành tựu và ổn định của sơ thiền. “Tầm đem tâm đến đối tượng, tứ gắn chặt và neo chắc nó ở đó. Tầm tập trung tâm trên đối tượng, tứ xem xét và khảo sát kỹ những gì được tập trung vào đó. Tầm đem lại một sự sâu lắng của định nhờ thường xuyên đưa tâm trở lại với cùng đối tượng, tứ duy trì sự định tâm đã thành tựu bằng cách giữ cho tâm neo chắc trên đối tượng đó” (trích từ Con đường thiền chỉ và thiền quán, Tỳ-kheo Pháp Thông dịch).