Tu dưỡng tâm từ bằng thiền chánh niệm

Năm triền cái

Hòa quyện thân và tâm

hoàn toàn trong tâm từ, chúng ta có thể

vượt qua chướng ngại của năm triền cái.

Khi phát triển sự thiền tập, dù là thiền tâm từ (mettā-bhāvanā) hay bất kỳ phương thức thiền nào khác, chúng ta luôn phải phát triển kỹ năng đối diện và xử lý năm triền cái (ngũ triền cái) – nīvaraṇa, theo tiếng Pali. Đó là điều chúng ta cần chú tâm vào, không chỉ trong thiền tập mà còn trong đời sống thường nhật và trong các tương tác với người khác. Dù là đang đi, đang ngồi, đứng hay nằm chúng ta đều cần nhận thức được cách mà các triền cái này vây phủ hay ngăn che tâm của chúng ta.

Năm món chướng ngại và ngăn che mà Đức Phật đã chỉ ra là tham dục, sân nhuế, thùy miên, trạo hối và nghi. Năm triền cái này làm suy yếu đi sự tốt đẹp, sự kiên cố và sự sáng rõ của tâm chúng ta; vì thế điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức được biểu hiện của những triền cái này trong bối cảnh của sự tu tập tâm từ bằng hành thiền. Khi sự sân nhuế, giận dữ, ác cảm, bực tức và sự tiêu cực khởi lên thì trong tâm của chúng ta ngay lập tức nên phất lên một ngọn cờ lệnh rằng, “À há, đây là một cái ngăn che”. Chứ không phải là phản ứng, “Thật đáng ghét. Làm sao chúng lại trỗi lên như vầy chứ?”. Đó là niềm tin tức thì xây tạo nên sự tiêu cực, hơn là ý niệm, “À, đây là một món ngăn che; và bây giờ tôi ứng phó với nó thế nào đây?”.

Ở các phương diện khác của thiền tập, một trong những cơ sở quan trọng để ứng phó với các triền cái là hòa vào thân của chúng ta. Nhận diện rằng, cơ thể cảm thấy như thế nào khi có mặt của tham dục? Bạn cảm thấy nó ở nơi nào trên thân? Nó làm cho thân chúng ta cảm giác ra làm sao: hứng khởi, mong chờ hay chạy theo mong mỏi có được sự hài lòng?

Thân chúng ta cảm thấy như thế nào với sân nhuế, với sự tiêu cực và sân giận: có phải là cảm giác lo âu và căng tức trùm phủ lên chúng ta? Tất nhiên đây không phải là loại năng lượng tuyệt vời, nhưng đôi khi sự xuất hiện của dòng năng lượng này một cách tạm thời còn tốt hơn là chẳng có bất cứ gì nếu như bạn đang tìm kiếm điều gì đó để hướng chuyển nguồn năng lượng của mình đến. Có khi dường như là không có gì tốt đẹp hơn là sự khuếch trương muốn làm sạch bong mọi thứ nhưng điều đó để lại tàn tích khắp mọi nơi.

Thùy miên: bạn cảm thấy nó như thế nào trong thân của mình? Trạng thái chung nhất là gì – lờ đờ, u ám? Bồn chồn và lo lắng: sự bất an mà bạn cảm nhận được không chỉ là trạng thái của tâm mà cũng có liên quan đến thân của chúng ta nữa. Nghi hoặc: sự không chắc chắn, do dự, không có khả năng tiến lên phía trước, cảm giác bị kéo lùi về phía sau.

Đây là những điều chúng ta cảm nhận được trong thân của mình. Chúng ta học cách lưu tâm đến sự trải nghiệm các triền cái như là một quá trình của thân, tâm. Khi chúng ta tu dưỡng sự chánh niệm bằng hơi thở và sự chánh niệm về thân thì mọi thứ bắt đầu trở nên sáng rõ hơn một chút. Bạn cảm giác rằng đây là điều chướng ngại hơn là cảm thấy quẫn bách và khó chịu; và sau đó tìm kiếm điều gì đó để đổ thừa, điều gì đó bên ngoài hay bằng cách đổ lỗi cho tự thân chúng ta. Bạn hãy phản hồi rằng: “Ồ, đây là những gì tôi đang cảm nhận được”. Hãy “làm việc” với nó; hãy hít thở, chú tâm vào cảm giác đó bằng sự nhận thức rõ ràng.

Hãy nuôi dưỡng điều gì đó thiện xảo và lành thiện để “làm việc” với các chướng ngại này. Một trong những thời pháp Đức Phật bắt đầu với Tôn giả Ānanda (A Nan Đà) khi đến thăm một đoàn thể ni và các vị này đang có sự tiến bộ đặc biệt trong tu tập thiền và rèn luyện. Tôn giả A Nan Đà đã bạch với Đức Phật và Đức Phật đã ban một bài pháp, Ngài tán dương sự thực hành đó và nói thêm rằng trong sự tu tập chánh niệm và hành thiền, điều cần thiết là phải điều chuyển tâm mình đến điều gì đó mang tính hướng thượng (Kinh Tương Ưng Bộ 47.10).

Khi tâm bị phân tán, dàn trải hay chìm đắm bởi sự mê mệt, hãy chú tâm đến điều gì đó cao thượng và hỷ lạc. Từ pasādaniya-nimitta, tiếng Pali có nghĩa là dấu hiệu của niềm hỷ lạc hay toại ý.

Chúng ta đang điều hướng tâm đến thiền tâm từ. Đó là dấu hiệu và đối tượng hỷ lạc cụ thể để chú tâm đến. Sự thực hành này không chỉ để vượt qua sự sân nhuế và ác cảm. Mà còn rất hữu ích với thùy miên, khi tâm mờ mịt. Khi chúng ta điều hướng tâm đến điều gì đó hỷ lạc, tâm của chúng ta có thể sẽ thích thú với điều đó. Thường thường chúng ta hay bị mắc bẫy trong thùy miên bởi chúng ta không đủ sự thích thú dành cho điều gì đó trung lập như hơi thở, nhưng đối tượng của tâm từ thì rất hỷ lạc. Hay với trạo hối, tâm chúng ta có thể ở trạng thái luôn đứng ngồi không yên, lo lắng hay bất an chuyện nọ, chuyện kia. Tâm chúng ta sẽ đeo đuổi bất cứ điều gì đó bởi vì nó khá “vui vẻ” khi lo lắng về bất kỳ điều gì đó. Nhưng hãy cho tâm điều gì đó hỷ lạc và nó có thể hài lòng mà “rong chơi” với điều đó. Hãy “rong chơi” với tâm từ và để cho nó được khuấy lên. Nếu tâm sắp sửa khuấy động, hãy để nó khuấy động với điều gì đó thiện xảo.

Đôi khi, có người chọn cách giải quyết mang tính đối nghịch mạnh mẽ để xử lý các trạng thái tâm bất thiện, không mong muốn. Trong lời dạy của Đức Phật, ngôn ngữ mà Ngài dùng hay mang sắc thái giống như của người chiến sĩ vậy. Đức Phật xuất thân từ giai cấp Sát Đế Lợi3 và Ngài đã dùng những hình ảnh đó, thi thoảng chứ không phải xuyên suốt.

Đây là một ví dụ rất hay về những cách khác nhau mà Đức Phật tiếp cận sự thực hành này. Có khi duy nhất chỉ là sự chánh niệm. Tất cả đâu rồi sẽ vào đấy, chúng ta chỉ việc giữ chánh niệm. Tất cả những gì chúng ta cần làm là nhẹ nhàng đưa tâm của mình quay trở lại với đối tượng như một người quan sát vô tư, không thiên vị. Cũng nên lưu ý rằng, người quan sát trung lập cũng thường là một sự ngụy biện. Chúng ta lúc nào cũng có các vấn đề và những lịch trình tiếp nối dù cho chúng ta có nhận thức về chúng hay không. Một phần chức năng trong sự thực hành của chúng ta là hiểu được những lịch trình ấy.

Một phương thức khác cũng là để mang sự chú tâm một cách có ý thức đến điều gì đó lành thiện, thiện xảo, hỷ lạc và làm tâm hài lòng. Ở một mức độ nhất định, bạn biết rằng nghi hoặc, dao động và bất định là phi thiện xảo nhưng khó có thể thuyết phục cái tâm nghi hoặc và dao động rằng tâm từ là điều tốt đẹp. Bạn phải “làm việc” với điều này.

Tuy nhiên, chúng ta cần thận trọng một chút. Nuôi dưỡng tham dục bằng những đối tượng hỷ lạc không phải là một ý tưởng hay; bản thân chúng ta đã làm điều này khá giỏi rồi. Một cách thích hợp hơn để nhận diện được xu hướng của tham dục chính là tiếp nhận nó ở một cấp độ khác. Thay vì để tâm lưu luyến điều gì đó làm chúng ta thấy hài lòng và hỷ lạc, hãy nhận thức rằng, “Ồ, có quá nhiều sự khổ đau ở nơi đây”. Hãy tập trung vào tâm từ và nhận diện rằng điều tử tế nhất không phải là bị mắc kẹt trong cái bẫy của ảo tưởng về tham dục trong sự hỷ lạc và thỏa mãn.

Ngũ triền cái là lĩnh vực rất phong phú chúng ta cần thâm nhập; và vượt qua những điều trói buộc, ngăn che này là cơ sở cần thiết để tạo nền tảng cho sự thực hành của chúng ta. Khi duy trì sự tu tập này, chúng ta cần mỗi lúc một tinh tế hơn nữa và phải thật nhanh chóng lưu ý rằng: “Đó có phải là triền cái? Đó có phải là sự cản trở những điều thiện xảo chân chính hay không?”.

Trong một thời pháp khác, Đức Phật đã chỉ rõ rằng ngũ cái cũng giống như nguồn năng lượng hay sự nuôi dưỡng cho sự vô minh, avijjā. Vô minh, hay không hiểu biết đúng bản chất của các pháp, chính là mảnh đất nơi mà khổ đau được sinh khởi. Nhưng sự vô minh đó không phải là điều hằng hữu, không phải không thể bị chia chẻ ra, hay là một khía cạnh cố định của tâm. Sự vô minh cũng được “tiếp thực” và trưởng dưỡng bởi một số điều kiện nhất định; những điều kiện giúp “tiếp thực” và nuôi lớn cho sự vô minh chính là năm triền cái. Nếu chúng ta “làm việc” với các triền cái này, chúng ta đang trực tiếp làm yếu đi mầm mống căn cơ dẫn đến sự vô minh, thiếu chánh tri kiến và thiếu sự tỉnh thức.

Vì chúng ta thực hành cả ngày, tọa thiền và thiền hành, hãy nhận diện nếu có sự xuất hiện của bất kỳ triền cái nào. “Đây là ý nghĩ, trạng thái, sự tri nhận hay là cảm giác đặc biệt – nó có phải là triền cái không?”.

Nếu đó đúng là triền cái thì hãy “làm việc” với nó. Hãy cố trụ nó bằng sự tỉnh giác của thân. Khi Đức Phật mô tả các triền cái, Ngài đã chỉ ra rằng khi chúng ta có thể buông lơi và buông bỏ chúng, tâm chúng ta có thể trở nên bình yên hơn và an định hơn. Khi chúng ta có thể buông bỏ các triền cái, sự hỷ lạc, cảm giác về sự an lành và mãn ý sẽ xuất hiện trong tâm.

Đức Phật đã dùng các ảnh dụ để minh họa cho điều này. Ngài so sánh người bị phủ vây bởi triền cái tham dục với người đang mắc nợ. Với tâm tham dục, luôn có gì đó lơ lửng trên người bạn. Một người mắc nợ luôn có cảm giác của sự lo ngại, vì thế tâm chẳng thể nào đạt đến sự dễ chịu. Nhưng khi người đó đã trả hết số nợ của mình thì sẽ có cảm giác hạnh phúc, an lành và có niềm hỷ lạc phát sanh một cách hoàn toàn tự nhiên. Tôi nghĩ, bất kỳ một ai sau khi đã giải quyết được món cầm cố đều nghĩ rằng, “À, thật là tốt đẹp”. Cảm giác về sự an lành và hạnh phúc phát sanh khi tham dục bị từ bỏ và buông bỏ.

Sân nhuế được so sánh với người đang bệnh mà còn bị sốt. Cơ thể người này không dung chứa nổi thức ăn; ăn uống gì cũng chẳng thấy ngon. Miễn là khi bị sốt hay bệnh hoành hành, người ta luôn cảm thấy nóng nảy và khó chịu nhưng khi cơn bệnh dứt hẳn thì ăn uống thấy ngon miệng trở lại và thế giới trước mắt lại trông có vẻ tươi đẹp hơn. Cảm giác hạnh phúc và an lành phát sanh. Buông bỏ và từ bỏ sân nhuế và ác cảm mang lại cảm giác tốt đẹp.

Thùy miên, sự u ám và uể oải bao phủ trong tâm, Đức Phật ví như người đang bị cầm tù. Khi ai đó bị giam cầm trong tù, người này không thể tiếp cận với gia đình hay các nguồn tài nguyên khác. Trong họ sẽ xuất hiện ý niệm to lớn về sự mất mát và khổ đau, nhưng nếu người này được phóng thích khỏi cảnh tù ngục, tài sản được bảo tồn, sự kết nối với gia đình được tái thiết lập thì người này sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Trong họ sẽ có cảm giác dễ chịu và an lành. Tương tự như vậy, cảm giác dễ chịu và an lành sẽ xuất hiện nơi người có thể từ bỏ và buông bỏ được thùy miên.

Đức Phật so sánh trạo hối và lo lắng với sự nô dịch. Kẻ nô lệ không thể đi đến nơi mình muốn đến, không thể làm điều mình muốn làm; họ không phải là chủ nhân của chính mình. Nếu người nô lệ được cho tự do đi đến nơi mình muốn đến và làm điều mình muốn làm thì họ sẽ cảm thấy hạnh phúc và an lành. Đó cũng giống như trạng thái đạt được khi buông bỏ được trạo hối và bất an. Cảm giác an lành lớn lao sẽ có mặt nếu chúng ta nhận diện được rằng, là nô lệ của sự bồn chồn, bất an và lo lắng chúng ta không thể lo lắng về bất cứ gì cả và đặc biệt là chúng ta không cần lo lắng về điều mình sẽ lo lắng tiếp theo là gì. Hãy đặt hết những thứ đó xuống và nói rằng, “Chỉ có thân này và tâm này. Có bình yên và tỉnh thức” – đó là một thế giới khác biệt.

Người với tâm nghi hoặc, Đức Phật ví người này với người có của cải và tài sản phải đi ngang sa mạc hay vùng hoang dã khô cằn với nhiều nguy hiểm và cướp bóc rình rập. Nếu người đó chọn con đường an toàn băng qua sa mạc hay vùng hoang dã đó và đến được nơi cần đến mà tài sản còn nguyên vẹn, người đó sẽ trải nghiệm được sự hỷ lạc và an lành. Tương tự như vậy, khi chúng ta bị mắc kẹt trong sự nghi hoặc, mọi thứ đều khô hạn với điều nguy hiểm, khó khăn và vô định; chúng ta luôn phân vân không biết điều sẽ xảy ra tiếp theo sau đó. Nếu chúng ta từ bỏ được sự nghi hoặc đó, cảm giác của sự an toàn, được nương tựa và cảm giác về sự chắc chắn sẽ xuất hiện.

Có nhiều công cụ có thể sử dụng để đối trị các triền cái này, nhưng đặc biệt là trong suốt khóa tu này, xin hãy thử nghiệm áp dụng tâm từ. Hãy quan sát xem bằng cách nào tâm từ có thể vận hành như một phương tiện để làm suy yếu các triền cái. Ý thức về sự thiện lành cứ ngụ bên trong tâm từ. Đây là những trạng thái tâm thức đẹp đẽ. Chúng ta có thể chuyển hướng sự tập trung của mình về với tâm từ và tự tin rằng đây chính là trạng thái tâm thiện lành.

Trong sự tu tập các trạng thái tâm được chắt lọc hơn, khi chúng ta buông bỏ các triền cái, tâm chúng ta sẽ có ý niệm về sự sáng rõ và ổn định. Trong mô tả của kinh điển về tầng thiền định đầu tiên, tâm của chúng ta rút khỏi sự tham dục và không còn các trạng thái tâm bất thiện. Thông qua đó, an vui trong sự xa lánh khỏi sự tham dục, khỏi các trạng thái bất thiện của ác cảm, sân nhuế, nghi hoặc, thùy miên và trạo hối thì tâm của chúng ta có thể an định.

Chúng ta cần phải “làm việc” với chúng ở một chừng mực nhất định nào đó. Một trong những sự mô tả mà Đức Phật sử dụng là về hình ảnh người tắm rửa hay hình ảnh của người thực hành sự tắm rửa. Vào thời Phật tại thế, người ta sử dụng một loại đất sét thay cho xà phòng. Bạn cầm viên đất sét có hình tròn lên và làm ướt nó, xoa nhẹ nó, làm cho viên đất sét đó ngấm nước và mềm ra để nó không quá ướt nhưng vừa đủ ẩm độ. Vừa phải giữ làm sao cho nó luôn ẩm ướt nhưng không nhỏ thành giọt vì bị ngấm quá nhiều nước. Đó là cách để chà xà phòng lên người khi tắm rửa vào thời Đức Phật.

Người hành thiền cũng làm công việc tương tự như vậy với thân và tâm của mình. Điều thú vị là Đức Phật đã chỉ đến phần thân. Người hành thiền lan tỏa và ngấm quyện thân mình trong sự hân hoan khi xa lánh khỏi sự tham dục và các trạng thái tâm bất thiện. Hòa vào cảm giác của sự xa lánh đó để tâm có thể hiện diện cùng hơi thở khi hơi thở đi vào và đi ra khỏi cơ thể, khi thân đang ngồi và thư giãn. Với sự quyện ngấm và lan tỏa, tràn ngập và lấp đầy một cách hoàn toàn hơi thở, thân và tâm với phẩm chất của tâm từ, vượt thoát và buông bỏ năm triền cái.

Đây là sự thực hành trong giây phút hiện tại. Khi bạn hít vào, có cảm giác của sự quyện ngấm và lan tỏa, tràn ngập và được lấp đầy. Khi bạn thở ra, hãy để cho tâm từ, các ý nghĩ và cảm giác về những ước muốn tốt đẹp, sự tử tế và sự ấm áp lấp đầy thân và tâm.

Nếu có bất cứ sự xuất hiện nào của các triền cái, nếu đó là tham dục, là sân nhuế, thùy miên, trạo hối hay nghi, thay vì nhìn nhận nó như là kẻ thù đến để tấn công và sau đó “lấy hết sức bình sinh” để “thủ tiêu” nó, hãy xuất phát từ cứ địa của tâm từ: “Tôi ứng phó với nó thế nào đây? Điều này không mang đến lợi ích hay sự an lành cho tôi. Đâu là cách thiện xảo để từ bỏ nó? Đâu là cách thiện xảo để buông bỏ nó?”. Từ đó, bạn có thể có được sự chuyển hóa như mình mong muốn.

Lời khuyên cổ điển giúp từ bỏ tham dục là quán thân bất tịnh. Thông thường, sự quán chiếu này sẽ đi kèm với sự sân giận, hãy tập trung vào bản chất “đáng ghê sợ” của thân. Tại sao nó lại phải như thế? Với tâm từ bạn có thể nói, “Điểm thu hút thường còn của thân là gì khi mà mọi thứ luôn luôn không ngừng phân hoại? Không bao giờ dễ chịu cả. Tại sao tôi phải luôn làm cho cái thân của mình được hạnh phúc? Hãy từ bỏ nó đi”. Và ở đó có mặt của sự tử tế. “Ồ, được rồi, tôi có thể buông bỏ nó”. Sau đó, cái còn lại trong tâm sẽ rất sáng rõ.

Với sự ác cảm và sân nhuế, thay vì sợ hãi chúng thì hãy nên tiếp cận chúng với ý niệm của sự tử tế: “Sự ác cảm này, sự sân nhuế này – tại sao tôi lại đặt mình vào sự đối nghịch với mọi thứ? Tại sao tôi cứ mãi dấn thân vào những xung đột với nó?”. Thậm chí nếu bạn thật sự chiến thắng trong sự xung đột đó thì vẫn còn âm ba của sự dấn thân của chính bản thân bạn vào xung đột đó, khá là ầm ĩ mà bạn dung chứa ngay trong tâm của mình. “Tôi có thể buông bỏ nó”.

Hãy mang ý niệm của tâm từ vào sự thực hành vượt qua chướng ngại của thùy miên. Đôi khi chúng ta có thể thấy khó chịu với thùy miên, khi tâm chúng ta u ám, hay khi chúng ta quá duy tâm thì hãy nghĩ rằng chúng ta có thể ngồi xuống và không để tâm mình bị xâm nhập bởi sự u tối đó. Tôi nghĩ một trong những điều quan trọng cần thấu hiểu là tâm từ không luôn mặc nhận với mọi thứ và hãy nói rằng mọi thứ đều ổn: “Thùy miên này, chẳng phải nó không đáng yêu, không tuyệt vời chút nào hết sao?” hay là “Cái gã hiếu chiến và độc địa đó, chẳng phải hắn không có chút tử tế nào sao?”. Không, chúng ta không phải đồng thuận theo cách đó. Nhưng chúng ta cũng không cần phải chạy theo sự sân giận, không phải lọt vào bẫy bởi sự tiêu cực.

Do vậy, chúng ta bảo tồn được nhiều năng lượng bằng cách không chiến đấu với thùy miên và thay vào đó nên nhận diện rằng, “Đâu là cách thiện xảo để xử lý nó?”. Đôi khi, đó là sự tử tế thật sự, hơn là ngồi đó và đấu tranh một cách duy tâm, hãy tỉnh dậy và đứng lên. Hãy thiền hành. Ngồi và mở mắt ra. “Ngồi và mở mắt ra? Người hành thiền thực thụ có làm thế này không?”. À, sao lại không chứ? Điều rất nhỏ lại có thể mang đến nguồn năng lượng. Hãy ngồi, mở mắt ra có thể giúp tạo ra nguồn năng lượng. Chúng ta có thể vượt qua trạng thái thùy miên, điều này thật sự khá đơn giản. Nhưng chúng ta thật sự cần có sự tử tế cho chính bản thân mình để làm được điều đó, nhưng thường chúng ta có khuynh hướng không làm như vậy.

Với trạo hối và lo lắng, điều hữu ích là nên hòa vào thân. Khi tâm chúng ta lăng xăng, nó di chuyển lung tung, liên tục tìm kiếm điều gì đó, bất cứ điều gì. Vì thế hãy quyện ngấm và lan tỏa, tràn ngập và lấp đầy thân với phẩm chất của tâm từ. Hít vào, thở ra, hòa vào nhịp thở và cảm nhận nguồn năng lượng luân chuyển trong thân. Thậm chí nếu đó là năng lượng của trạo hối thì cũng hãy cứ để cho nó như vậy, tỉnh thức nhận diện sự quyện ngấm và lan tỏa, tràn ngập và lấp đầy. Chuyển sự tập trung đến sự vô tham, lánh xa các trạng thái bất thiện, tiêu cực và sân giận.

Hãy tìm một nơi trên thân mà bạn thật sự cảm thấy dễ chịu. Sau đó, hãy tìm một đối tượng hỷ lạc hay có thể đem đến sự hài lòng, pasādaniya-nimitta. Có lẽ phần ngực và bụng của bạn không ngừng bồn chồn. À, còn đôi tay bạn thì thế nào nhỉ? Bạn có thư giãn được đôi tay của mình không? Bạn có thể làm cho nó có cảm giác hỷ lạc không? Hãy chọn một điểm và quan sát rằng bạn có thể hòa quyện khu vực đặc biệt đó với cảm giác của sự an lành và tránh xa khỏi sự bất thiện. Từ đó bạn có một cứ địa và bạn có thể thực hành với các phần thân khác.

Chúng ta đang thực hành tương thích với hình ảnh của người thực hành sự tắm rửa. Đó là một hình ảnh đáng yêu và chủ yếu biểu thị cho thân. Và tất nhiên, chúng ta cũng đồng thời có thân và tâm. Đó chính là, chúng ta có thể tác động đến tâm một cách trực tiếp mà không bị dính mắc vào bên trong nó. Đôi khi, sự không dính mắc này bắt nguồn từ chính cái tâm.

Tâm đi lệch ra ngoài và vướng vào một đối tượng đặc biệt, chẳng hạn như nghi. Tâm chúng ta đang nghi ngờ điều này, không chắc chắn về điều nọ. À, tại sao chúng ta phải đưa ra quyết định? Tại sao thậm chí chúng ta phải có một ý kiến đặc biệt hay một quan điểm cho rằng điều gì đó là đúng hoặc sai? Chỉ có hơi thở này; chỉ có cảm giác này của thân, hít vào, thở ra. Bản thân điều này chính là hành vi tuyệt vời của tâm từ.

Hãy sử dụng đề mục năm triền cái và sự áp dụng của tâm từ, không chỉ đơn giản như là một lý thuyết hay một trạng thái của tâm. Hãy “làm việc” với nó và quan sát xem nó lan tỏa như thế nào đối với phần còn lại trong sự thực hành của bạn. Đây không chỉ về thiền tập không thôi. Không phải chỉ khi bạn bước vào thiền đường và năm triền cái khi đó mới xuất hiện. Đây là một kỹ năng sống; hãy làm quen với điều này. Ngoài ra, khi bạn càng thiện xảo trong việc nhận thức được cách vận hành của năm triền cái và cách bạn buông bỏ chúng; sau đó khi bạn ngồi thiền, tâm của bạn càng có thể an định nhanh chóng hơn. Vì thế, tôi đề nghị nội dung này cho sự quán tưởng hôm nay.

[3] Sát Đế Lợi: Theo Rg-Veda (bản kinh cổ nhất của Bà-la-môn giáo), đây là một trong bốn đẳng cấp ở Ấn Độ sinh ra từ tay của con người sơ thủy (Purusa). Ba đẳng cấp còn lại sinh ra từ miệng, từ bắp vế và từ bàn chân của Purusa tương ứng là Bà-la-môn, Phệ Xá và Thủ Đà La.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app