Tu dưỡng tâm từ bằng thiền chánh niệm

Giới thiệu về thiền tâm từ

Tâm từ không tách rời khỏi những cảm thọ trong thân.

Khi chúng ta quán tưởng đến tâm từ và sử dụng tâm từ như một sự thiền định thì quán tưởng dựa trên nền tảng của tâm từ là điều tốt. Một trong những cách mà ngài Ajahn Sumedho mô tả, đó là “không đắm chìm trong sự ác cảm”. Đây là cách hữu ích để quan sát tâm từ.

Trong Bát Chánh đạo, có sammā-saṅkappa, có nghĩa là chánh tư duy. Trong chánh tư duy, có ba khía cạnh là: nekkhamma-saṅkappa, nghĩa là tư duy xuất ly – là tâm không bám víu vào dục; abyāpāda-saṅkappa, nghĩa là tư duy vô sân – là không khởi ý xấu xa hay ác cảm và avihiṃsa-saṅkappa, nghĩa là tư duy vô hại. Trong đó, tư duy vô sân và tư duy vô hại thường tương ứng với tâm từ và lòng bi mẫn.

Để tâm từ được phát sanh cần phải có những suy nghĩ không xấu ác, không ác cảm. Những suy nghĩ này về cơ bản là đơn giản. Chúng ta thường có suy nghĩ về bản thân mình rằng, “Tôi nên nghĩ đến những điều cao thượng về tình thương yêu cho mọi loài, mọi nơi”. Nhưng chỉ cần không có ác cảm đối với các chúng sanh khác đã là một sự khởi đầu tuyệt vời. Bắt đầu bằng cách này cũng dễ dàng hơn. Sau đó bạn có thể khuyến tấn mình trong hành trình tu dưỡng tâm từ.

Khuyến tấn bản thân là điều vô cùng quan trọng. Bản thân việc khuyến tấn chính mình là một hành vi của tâm từ, khuyến tấn mình có mặt trong sự thiện lành. Thiền sư Bhante Guṇaratana đã kể một câu chuyện dễ thương. Khi ngài sắp sửa đi hoằng pháp ở châu Âu thì đến thời điểm cận ngày đi, người thỉnh ngài thực hiện chuyến hoằng pháp đó đã gọi điện thoại và hỏi ngài: “Sư sẽ dạy gì vậy, thưa sư?”. Thiền sư đáp: “Tôi dạy sự chánh niệm. Tôi dạy thiền quán (vipassanā)”. Và người phụ nữ ấy nói: “Sư không dạy về lòng từ chứ, phải không sư? Tôi đây ghét cái gọi là lòng từ ấy!”.

Thật sự, tâm từ luôn là nền tảng quan trọng trong những lời dạy của Thiền sư Guṇaratana. Lý do người tài trợ chuyến hoằng pháp ghét bỏ tâm từ là vì bà ấy cảm thấy mình đã dành tâm từ cho mọi người rồi. Bà ấy đã đi qua cuộc Đại chiến Thế giới thứ 2, là người Do Thái, đã mất mát người thân và văn hóa của mình. Vì thế bà ấy có hy vọng rằng, “Ngài sẽ không gắn buộc tôi tu tập lòng từ”.

Tuy nhiên, khi suy ngẫm về từ tâm, bạn nhận ra rằng không đắm chìm trong sự ác ý là một hành vi của từ tâm lớn lao cho chính bản thân mình. Sự thật là, người đầu tiên nhất nên nhận được bất kỳ tâm từ nào khởi lên trong tâm bạn chính là bạn, dù cho tâm từ đó được hướng về cho chính bạn hay không. Một cách cổ điển nhất, theo cách thức mà những sự hướng dẫn thực hành được thiết lập từ thời của những bản luận đầu tiên nhất về lời dạy của Đức Phật, thiền Từ bi quán được cấu trúc và hệ thống hóa là để hướng chuyển tâm từ về cho chính bản thân mỗi người. Bạn thiết lập tâm từ cho mình trước khi tiếp tục khởi phát tâm từ cho người nào đó khác.

Điều này có một cơ sở tâm lý vững mạnh. Bạn thật sự không thể chia sẻ bất cứ gì cho đến khi chiếc cốc của bạn đã đầy, hay chí ít là khi đã có chút gì đó trong chiếc cốc của bạn. Do vậy, bạn nên điều hướng sự chú tâm của mình đối với việc nuôi dưỡng và mang những suy nghĩ về tâm từ cho chính bản thân mình. Chúng ta có thể phức tạp hóa những cảm giác này với sự không chắc chắn, nghi ngờ hay tội lỗi: “Có lẽ tôi không nên hướng chuyển tâm từ cho chính bản thân mình vì tôi không xứng đáng”.

Một trong những vị tăng ở Australia – Thiền sư Ajahn Brahmavaṃso, đã dạy mọi người rằng, nếu bạn không thể bắt đầu với chính mình, hãy bắt đầu với bất cứ điều gì có thể khơi gợi cảm thọ của tâm từ – như một chú chó con, một chú mèo con hay bất cứ đối tượng nào đó – bởi vì trên thực tế, sự nuôi dưỡng tâm từ không phải là sự lặp đi lặp lại các cụm từ ngữ. Mà đó là sự trải nghiệm thật sự về tâm từ, sự ấm áp, sự chấp nhận, sự cởi mở, cảm giác của con tim – bao gồm sự quan tâm đến hạnh phúc của bản thân và của người khác. Nó có liên quan đến việc khởi phát cảm thọ đó.

Về phương diện thiền tập, đó chính là điều hướng sự chú tâm đến cảm thọ hay cảm xúc của sự tử tế và những ước muốn tốt đẹp; sau đó tìm cách để hỗ trợ và nâng đỡ, làm cho chúng trở nên ổn định, hòa quyện bản thân mình với nó và lan tỏa nó ra bên ngoài. Điều này đòi hỏi bạn phải có sự chánh niệm và chú tâm, đây là một trong những lý do vì sao tôi chỉ giới thiệu về tâm từ vào buổi chiều ngày thứ hai của khóa tu.

Điều quan trọng cần được nhìn nhận là tâm từ được thực hành trong bối cảnh của quy y, giới, chánh niệm và sự chú tâm đến thân cũng như niềm tin, sự tự tin và nỗ lực. Tu dưỡng và phát triển những năng lực tâm linh này là điều cần thiết. Sau đó, một phẩm chất thiện xảo và lành thiện đặc biệt nào đó sẽ được phát sanh, phẩm chất mà bạn có thể hướng tâm đến trong khi làm cho nó được tỏa sáng.

Khi tâm từ đã có được nền tảng vững chắc, bạn có thể để cho nó tỏa sáng hơn nữa. Và sau đó, nếu vì duyên cớ gì đó mà cảm thọ này bị phai nhạt đi, bạn cũng đừng tự nói với mình rằng, “Ồ, tôi đã hoàn toàn thổi bay nó đi rồi. Tôi tham gia khóa tu về tâm từ mà không thể duy trì được tâm từ”. Vấn đề thật sự không phải ở chỗ này. Vấn đề là thực có một con đường tâm linh toàn diện để tu dưỡng. Tâm từ chính là một cơ hội hay một sự lựa chọn mà chúng ta có thể điều hướng sự chú tâm của mình đến và quan sát diễn tiến của nó. Chúng ta dành sự chú tâm cho các năng lực khác nhau để tu dưỡng tâm linh trong thiền tập và khi xây dựng được nền tảng đó rồi, kế đến chúng ta có thể nhận thấy rằng có cơ hội an trú trong một loại xúc cảm trưởng thành đặc biệt và để cho nó được hiển hiện.

Điều này rất mạnh mẽ, hữu ích và có tác dụng chữa lành nhưng nó cũng chỉ là một trong nhiều khía cạnh của thiền tập. Đây không phải là sự quy kết thành công hay thất bại: đó chính là nhìn thấy được cơ hội mà chúng ta có được để tu dưỡng và sau đó quan sát xem điều gì sẽ xảy đến khi chúng ta hướng chuyển sự chú tâm của mình đến tâm từ. Chúng ta có thể thiết lập chủ ý tu dưỡng tâm từ và kế đến bắt đầu bị “ngập lụt” trong những ký ức về điều gì đó vô cùng đau đớn. Có lẽ có nhiều nỗi sợ hãi, ác cảm đan xen nhưng chúng ta có thể điều chuyển sự chú tâm của mình theo hướng không có sự ác cảm: “Tôi có thể không đắm vào sự ác cảm và ác ý không?”. Bất kỳ sự thực hành nào mở cánh cửa đi vào tâm cũng đều có thể dẫn đến kết quả không chắc chắn rằng bạn sẽ tìm thấy gì ở đó nhưng chúng là những cánh cửa của riêng bạn. Học hỏi được gì ở đằng sau những cánh cửa này mới thật sự là điều quan trọng.

Một lần nữa, đây chính là một trong những lý do vì sao có được nền tảng về giới, sự độ lượng, sự kiềm chế, quán chiếu và điều nghiên là quan trọng cho sự thực hành này. Điều này cho bạn sự vững chắc và ổn định để có thể không bị suy suyển bởi những gì xuất hiện ở ngay các cửa ngõ dẫn vào tâm. Một trong những ảnh dụ được yêu thích từ lời dạy của Thiền sư Ajahn Chah là cái hồ trong rừng và có rất nhiều loài sinh vật tuyệt vời tìm đến cái hồ này để uống nước. Đó là hình ảnh hiền lành, dễ thương của chú thỏ con cùng các loài có lông khác; nhưng đến uống nước ở hồ này còn có những loài khác nữa. Những con vật hiếu chiến với bộ răng to khỏe cũng thích đến hồ uống nước. Đây là điều tự nhiên, như nó vốn dĩ như vậy và tâm của chúng ta là tự nhiên. Hãy nhận diện rằng tất cả đều chỉ là một phần của tự nhiên, không có gì là bất ổn cả.

Đây cũng chính là quả thiện lành của việc thực hành tâm từ. Khi chúng ta tu dưỡng tâm từ càng nhiều và trở nên an trụ trong nó thì sự tri nhận “không có gì bất ổn” sẽ càng trở nên rõ ràng hơn và chúng ta luôn được thiết lập trong ước muốn tốt đẹp.

Không phải là chúng ta cần ao ước cho hạnh phúc và an lành cho người khác. Đây chỉ là sự thể hiện ở cấp độ cơ bản. Đây là cách tâm chúng ta phản hồi khi nó không đang ở trạng thái tự bảo vệ, khi tâm chúng ta không dính mắc vào những điều rắc rối của chính nó. Chúng ta có được sự tin tưởng ở đó. “Đối đãi” với tâm từ như một sự thực hành làm cho điều này sáng rõ. Và khi được nuôi dưỡng, tâm từ sẽ trở thành bản chất thứ hai.

Tôi nghĩ về Thiền sư Ajahn Chah như một hình ảnh soi sáng về tâm từ. Người ta muốn được ở gần ngài vì từ tâm nơi ngài. Tôi nhớ có lần cùng đi bộ với ngài Ajahn Liem quanh tu viện Pah Pong của Thiền sư Ajahn Chah sau khi ngài viên tịch hay lúc ngài sắp viên tịch gì đó tôi không nhớ rõ. Sư Ajahn Liem, vị giáo thọ sư xuất sắc đã nói rằng, “Thiền sư Ajahn Chah có tâm từ như thế. Đó là lý do vì sao rất nhiều người muốn được ở bên cạnh ngài, muốn được đến gần ngài. Nhờ đó mà tôi hành được tâm xả”. Tâm từ của Thiền sư Ajahn Chah đã kiến tạo nên nhiều “công trình”! Những ai hữu duyên gặp gỡ ngài Ajahn Liem đều cảm nhận được tâm xả nơi ngài. Ngài luôn luôn ở trạng thái trung dung và thái độ của ngài là, “À, thế giới này là như vậy đấy”.

Trong sự nuôi dưỡng tâm từ một cách có ý thức, chúng ta cần sử dụng các cụm từ ngữ. Một trong những cách thiền tập là sử dụng một cụm từ và sau đó tạo ra sức mạnh cộng hưởng – như một ngữ để chia sẻ lòng từ “Tôi mong được an lành, hạnh phúc và bình yên”. Thiết lập chủ ý về những ước muốn tốt đẹp và sau đó để cho nó được cộng hưởng và được định ở thân. Tâm từ không tách rời khỏi những cảm thọ nơi thân. Hãy thư giãn và an định. Bạn đang sử dụng các ngữ này như một công cụ hành thiền – parikamma, nghĩa là sự lặp đi lặp lại giúp cho tâm tập trung.

Sự luân chuyển của tâm từ trong suy nghĩ hay việc cụ thể hóa thành lời giúp bạn thấy rằng: đây chính là giây phút hiện tại. Nếu đây là ý nghĩ, thì cảm thọ là gì? Sau đó, bạn có thể chú ý đến tâm của mình. Cảm thọ đó là gì? Hãy thư giãn, quan tâm đến thân và sử dụng hơi thở để làm dịu các cảm thọ.

Đây là cách tôi hướng dẫn thiền cho các bạn. Sau đó, các bạn có thể ứng dụng nó để thực hành, với tốc độ của riêng mình. Tôi sẽ ở tốc độ mà tôi cảm thấy thoải mái khi hướng dẫn thực hành cho một nhóm người và không nhất thiết đó là tốc độ riêng của chính tôi khi tôi thực hành. Để thực hành, hãy hòa vào thân, chú tâm đến tư thế và thả lỏng tư thế của bạn, để cho việc hít thở được định sâu – hòa vào nhịp thở và gieo hạt giống trong môi trường của sự thư giãn. Sau đó chú ý đến cảm thọ.

Tôi không thể dùng ngôn ngữ để biểu đạt đầy đủ sự nhấn mạnh rằng mettā-bhāvanā, sự phát triển, tu dưỡng hay tạo ra tâm từ, không chỉ là sự thuần thục trong việc nằm lòng các ngữ thực hành giúp khởi phát, tu dưỡng tâm từ hay luôn phải chạy theo các ngữ mới mẻ: “nghệ thuật mang tính cách mạng trong tu dưỡng tâm từ, mới mẻ và được cải tiến”. Hãy chú tâm đến cảm thọ, để cho cảm thọ ngấm vào thân, lan tỏa khắp thân, tâm và con tim.

Ban đầu sẽ chỉ có những biểu hiện nho nhỏ thoáng qua của tâm từ và cảm giác rằng chúng ta có liên hệ với ý thức về sự ấm áp, tử tế hay quan tâm trìu mến. Vậy là tốt rồi. Hãy nhận diện rằng bằng cách nào chúng ta có thể trưởng dưỡng nó. Cách làm cho nó được tăng trưởng lên là sử dụng các ngữ ý nghĩa. Khi Ni sư Jayantā hỏi ý tôi xem có thể mang đến khóa tu bản sao các ngữ thực hành khác nhau về tâm từ hay không, tôi đã đồng ý. Một số ngữ có thể tạo ra được sự cộng hưởng với bạn nhưng một số khác thì không. Có rất nhiều sự thành lập các ngữ khác nhau. Hãy quen thuộc với ngữ nào thật sự tạo ra được sự cộng hưởng trong tim bạn.

Bản chất của tâm là một khi điều gì đó vận hành khá tốt đẹp trong bạn và bạn sử dụng phương thức đó trong một thời gian thì tâm của bạn sẽ quen thuộc với điều đó. Sau đó sẽ hữu dụng khi tiếp cận nó từ góc độ khác và sử dụng các ngữ khác, duy trì cho sự thực hành luôn tươi mới.

Sự tăng trưởng trong việc sử dụng các ngữ thực hành chính là một biểu hiện của chánh niệm; chú tâm và đi theo một mô thức mang tính lặp đi lặp lại đòi hỏi một sự chánh niệm nhất định, sự chuyên nhất và sự chuyên cần của tâm. Đó là một phần của sự tu dưỡng. Trưởng dưỡng và duy trì tâm từ cần có sự kiên nhẫn trong việc sử dụng và lặp đi lặp lại các ngữ về tâm từ và các kỹ thuật.

Khi tâm từ xuất hiện, điều quan trọng tất yếu là không nên “túm lấy” nó. Đừng kềm giữ cảm thọ này của tâm từ và đừng cố làm cho nó ổn định, kiên cố một cách khổ sở. Điều đó giống như bạn giữ một chú chim nhỏ trong tay mình và bóp chặt nó. Cũng như với bất kỳ đối tượng nào của thiền, bạn phải nắm giữ nó một cách thật nhẹ nhàng và nếu nó ở lại thì tốt. Điều đó giống như nâng đỡ hay dựng nó lên và để cho nó được tăng trưởng. Thúc ép cảm thọ đó là rất khó khăn.

Khi bạn điều hướng sự chú tâm của mình đến những ý nghĩ tích cực về niềm hạnh phúc và ước nguyện tốt đẹp, điều quan trọng là không cố sức rào chặn các ý nghĩ tiêu cực phát sanh trong tâm mình. Nếu các ý nghĩ tiêu cực như sự bực tức, ác cảm xuất hiện thì hãy thiết lập tâm mình ở trạng thái vô sân với chúng. Có một chuỗi các bài pháp kể về lúc Đức Phật đang tọa thiền trong rừng, Ma vương – Māra (biểu trưng của các thế lực đen tối trong Phật giáo) đã đến và thì thầm vào tai Đức Phật: “Ngài chưa thật sự giác ngộ đâu. Đó chỉ là sự trốn tránh trách nhiệm mà thôi” hay “Thật sự Ngài nên gánh vác nhiều trách nhiệm hơn nữa”.

Câu hồi đáp của Đức Phật là, “Ta biết ngươi, Ma vương à”. Đó là cách đối trị để làm Ma vương tan biến đi. Tâm của chúng ta cũng tương tự như vậy. Các thế lực của Ma vương đến và thầm thì, “Ngươi không thể chịu nổi điều này đâu…”. Câu phản hồi là, “Ta biết ngươi, Ma vương à”. Chúng ta không phải hủy hoại, thủ tiêu hay trừ bỏ sự ác ý. Ngay khi nó được nhận diện một cách rõ ràng, các thế lực của Ma vương sẽ không còn “sự vũ trang” hay không còn sức lôi kéo nữa. Chúng không thể làm gì được nữa.

Đây là sự nhân cách hóa của những gì diễn tiến trong tâm chúng ta. Nếu có gì đó xuất hiện trong tâm, dù đó là điều chúng ta thật sự bị lôi cuốn, làm chúng ta bị phân tán hay nghi hoặc thì sẽ có ích khi nói rằng, “Ta biết ngươi, Ma vương à”. Và sau đó, hãy làm cho việc tu dưỡng tâm từ được liên tục hoặc quay lại bất cứ hình thức thiền tập nào mà bạn đang thực hành. Hôm nay chúng ta đang sử dụng tâm từ nhưng điều này thật sự có thể được áp dụng vào sự thực hành chung của chúng ta.

Khi bạn sử dụng các ngữ này, hãy trải nghiệm cùng với chúng. Khi bạn tiếp tục sự thực hành, hãy trải nghiệm và quan sát tác dụng của việc duy trì ước nguyện thiện lành trong tâm. Sự thực hành này tương tự như việc thắp lên một ngọn lửa vậy. Có trong tay cái bật lửa, hay chiếc que diêm và sau đó bạn có một đốm lửa nhỏ. Đốt một ít giấy, bạn có một nhúm lửa và khi đốt thêm một ít gỗ bạn có thể vun bồi cho ngọn lửa lớn hơn, mỗi lúc một lớn hơn.

Bạn hãy làm điều tương tự như vậy trong tâm của mình. Bạn có một đốm lửa nhỏ “Tôi mong được an lành”. Hãy chú tâm vào đốm lửa nhỏ này, trưởng dưỡng và bảo vệ đốm lửa khỏi những cơn gió. Chầm chậm tiếp thêm nhiên liệu cho cảm thọ tích cực đó. Hãy bắt đầu với một tia sáng be bé và sau đó tạo đà cho nó tăng triển.

Đây là phẩm chất tốt đẹp chúng ta đưa vào sự thực hành, ý muốn nuôi dưỡng, bảo vệ và lan tỏa vào trong bản thân mình điều gì đó là rất thiện lành, tích cực và quý giá. Hãy lưu tâm để bản thân mình có được sự thực hành này. Đôi khi chúng ta không tự dành cho bản thân mình thời gian hay không gian, đơn giản là chỉ để cảm nhận hơi ấm, sự nhạy cảm, sự chăm sóc hay sự bảo hộ được thiết lập trong tâm mình. Đây là điều kỳ lạ nhưng thực có ở con người chúng ta. Là món quà vĩ đại khi chúng ta có thể dành tặng cho chính mình thời gian và không gian đó.

Tôi sẽ hướng dẫn hành thiền, sử dụng các ngữ đặc biệt để chia sẻ tâm từ. Đây là phương thức thực hành khá cổ điển. Các ngữ được hướng dẫn có thể không phải cổ điển nhưng cách tiếp cận thì cổ điển, trong yếu nghĩa hướng chuyển tâm từ đến cho bản thân bạn, đến cho cha mẹ bạn và cho những người thầy của bạn – những người quan trọng trong những giềng mối gần gũi theo biểu hiện nghiệp của chúng ta. Sau đó, bắt đầu lan tỏa tâm từ đến cho gia đình bạn, bạn bè và tiếp đó thậm chí cho những người không thân thiện với bạn bởi vì tâm từ ngay từ khởi điểm đã là không có sự phân biệt. Kể cả những người không thân thiện với chúng ta – họ đang khổ đau và chúng ta mong ước cho họ có được hạnh phúc. Sau đó mở rộng tâm từ ra bên ngoài, đến cho tất thảy chúng sanh mà không có sự phân biệt nào.

 

Thiền tập với sự hướng dẫn

Một lần nữa, hãy bắt đầu bằng việc làm cho tư thế được định, thư giãn bất kỳ sức ép nào bạn cảm nhận được ở vai, xung quanh vùng mắt, phần hàm.

Hãy để cho hơi thở được định ở phần bụng, để cho mình được thật sự thoải mái. Hãy để cho tâm mình có sự thoáng đãng. Sau đó, hãy nghĩ rằng, “Tôi mong được an lành, hạnh phúc, bình yên và tăng trưởng”. Ý thức về ước nguyện tốt đẹp cho bản thân mình, cả về mặt thể chất lẫn cảm xúc: “Tôi mong không có điều tai hại nào xảy đến với mình. Tôi mong không có khó khăn nào xảy đến với mình. Tôi mong không bất ổn nào xảy đến với mình”.

Ở một mức độ nhất định, chúng ta biết rằng luôn có khó khăn và bất ổn nào đó trong đời sống. Đó là cách mà mọi thứ biểu hiện. Nhưng hãy thiết lập ước muốn, “Tôi mong không có sự tai hại nào, không có khó khăn nào, không có bất ổn nào”. Hãy để cho ý thức về sự dễ chịu và an lành có mặt khi bạn không phải đối diện với bất cứ chướng ngại nào ngay trong phút giây hiện tại này.

“Tôi mong mình luôn có được thành tựu”. Tôi nghĩ rằng tôi muốn thêm vào một từ, “Tôi mong mình luôn có được thành tựu tâm linh”. Ý nghĩa là, “Tôi có mong ước nuôi dưỡng điều đó, đây thật sự là điều tốt đẹp”. Đó chính là khát vọng tâm linh. “Tôi mong mình luôn có được thành tựu trong những nỗ lực tâm linh của mình”. Đó chính là niềm khát khao chân chính.

“Tôi mong có được lòng nhẫn nại, sự tinh tấn, thấu hiểu và quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn, bất ổn cũng như những thất bại không thể tránh khỏi trong cuộc đời”. Ước nguyện tốt đẹp chứa đựng một thực tế là vẫn luôn có nhiều khó khăn và bất ổn. Dù luôn luôn có những điều thất bại nhưng tôi mong mình có được những phẩm chất để có thể nhìn thấu rõ được chúng. Tôi mong có được sự nhẫn nại.

Thiền sư Ajahn Chah từng nói, “Tôi thật sự không dạy gì nhiều cả. Tôi chỉ dạy người ta sự nhẫn nại”. Nhẫn nại là sự tinh tấn, là sự sẵn lòng để hiện diện với mọi thứ, dù chúng có dễ chịu hay không. Có một sự hiếu kỳ trong mong muốn hiểu, thấy thấu suốt mọi sự, một sự quyết tâm và sẵn lòng để kiên trì với mọi thứ.

Tôi nghĩ tất cả chúng ta nếu có sự thực hành tâm linh và thiết thân với sự thực hành đó trong một thời gian đủ dài – tất nhiên tôi đang dẫn chứng về các vị tu sĩ, tất cả họ đều khá ngang bướng, thật sự là như vậy. Chúng ta cần để cho sự ngang bướng này trở thành sự quyết tâm sâu sắc. Chúng ta có cơ hội làm điều gì đó thật sự thiện xảo và lành thiện và chúng ta kiên trì với thiện nghiệp này. Đây là những phẩm chất cho phép chúng ta để cho mọi thứ được đi qua. Đó chính là một hành vi của tâm từ. Hãy để cho nó được cố kết trong tâm từ.

Tôi muốn lặp lại các ngữ này thêm một lần nữa. Điều quan trọng là chúng ta không chỉ đọc lướt qua “Tôi mong mọi người khác đều nhận được tâm từ”. Điều thật sự quan trọng là chúng ta sẵn lòng dành thời gian để điều chuyển tâm từ cho bản thân mình và để cho tâm từ được thiết lập bên trong tâm của chúng ta. “Tôi mong được an lành, hạnh phúc, bình yên và tăng trưởng. Tôi mong không có điều tai hại nào xảy đến với mình. Tôi mong không có khó khăn nào xảy đến với mình. Tôi mong không có bất ổn nào xảy đến với mình. Tôi mong luôn có được sự thành tựu tâm linh. Tôi mong luôn có được lòng nhẫn nại, sự tinh tấn, thấu hiểu và sự quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn, bất ổn cũng như những thất bại không thể tránh khỏi trong cuộc đời”.

Sau đó, hướng chuyển những suy nghĩ về các ước nguyện tốt đẹp này về với ý thức biết ơn, dành cho cha mẹ mình, đặc biệt là nếu họ còn tại thế hay ngay cả khi họ đã qua đời. Thậm chí nếu bạn có những nghịch duyên với cha mẹ mình, bạn cũng nên làm điều này. Đây là điều tốt đẹp. “Tôi mong cha mẹ được an lành, hạnh phúc, bình yên và tăng trưởng. Tôi mong không có sự tai hại nào xảy đến với họ. Tôi mong không có khó khăn nào xảy đến với họ. Tôi mong không có bất ổn nào xảy đến với họ. Tôi mong họ luôn có được sự thành tựu tâm linh. Tôi mong họ luôn có được lòng nhẫn nại, sự tinh tấn, thấu hiểu và sự quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn, bất ổn cũng như những thất bại không thể tránh khỏi trong cuộc đời”.

Bây giờ hãy hướng chuyển tâm từ đến cho những người thầy của bạn, dù là những người thầy truyền dạy tri thức thế gian hay những vị thầy tâm linh. Chúng ta có thể nuôi dưỡng con đường hướng thượng tâm linh nhờ sự kết nối với những vị thầy mà chúng ta từng có và đang có. Đó là sự nối kết quan trọng cần phải biết ơn, trân trọng và cảm thấy vui sướng. “Tôi mong những người thầy của mình được an lành, hạnh phúc, bình yên và tăng trưởng. Tôi mong không có sự tai hại nào xảy đến với họ. Tôi mong không có khó khăn nào xảy đến với họ. Tôi mong không có bất ổn nào xảy đến với họ. Tôi mong họ luôn có được sự thành tựu tâm linh. Tôi mong họ luôn có được lòng nhẫn nại, sự tinh tấn, thấu hiểu và sự quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn, bất ổn cũng như những thất bại không thể tránh khỏi trong cuộc đời”.

Hãy để sự chú tâm được hướng chuyển về cho gia đình, dù đó là người phối ngẫu, con cái, cô dì, chú bác, anh em họ, cháu trai, cháu gái hay bất cứ ai trong giềng mối của biểu hiện nghiệp. “Tôi mong gia đình mình được an lành, hạnh phúc, bình yên và tăng trưởng. Tôi mong không có sự tai hại nào xảy đến với họ. Tôi mong không có khó khăn nào xảy đến với họ. Tôi mong không có bất ổn nào xảy đến với họ. Tôi mong họ luôn có được sự thành tựu tâm linh. Tôi mong họ luôn có được lòng nhẫn nại, sự tinh tấn, thấu hiểu và sự quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn, bất ổn cũng như những thất bại không thể tránh khỏi trong cuộc đời”.

Hãy để cho sự chú tâm đó được mở rộng ra, bao gồm cả những người bằng hữu và các quan hệ thân thiết: “Tôi mong những người bạn của mình luôn được an lành, hạnh phúc, bình yên và tăng trưởng. Tôi mong không có sự tai hại nào xảy đến với họ. Tôi mong không có khó khăn nào xảy đến với họ. Tôi mong không có bất ổn nào xảy đến với họ. Tôi mong họ luôn có được sự thành tựu tâm linh. Tôi mong họ luôn có được lòng nhẫn nại, sự tinh tấn, thấu hiểu và sự quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn, bất ổn cũng như những thất bại không thể tránh khỏi trong cuộc đời”.

Sau đó, chúng ta có thể đưa vào tâm mình những người có mối quan hệ trung tính với mình. Chúng ta có sự kết giao với họ nhưng không có cảm xúc mạnh mẽ với quan hệ đó. “Tôi mong những người dù không thân tín với mình được an lành, hạnh phúc, bình yên và tăng trưởng. Tôi mong không có sự tai hại nào xảy đến với họ. Tôi mong không có khó khăn nào xảy đến với họ. Tôi mong không có bất ổn nào xảy đến với họ. Tôi mong họ luôn có được sự thành tựu tâm linh. Tôi mong họ luôn có được lòng nhẫn nại, sự tinh tấn, thấu hiểu và sự quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn, bất ổn cũng như những thất bại không thể tránh khỏi trong cuộc đời”.

Và bây giờ hãy để cho sự chú tâm của bạn được dung chứa cả những người mà chúng ta cảm thấy họ không hề thân thiện với mình, những người mà giữa ta và họ có sự chướng ngại hay những người mà trong hoàn cảnh bình thường chúng ta không nghĩ về họ bằng sự tử tế. Hãy nhận diện rằng tất cả chúng ta đều ở cùng nhau trên con thuyền của sinh, già, bệnh, chết và rằng họ xứng đáng với những ước nguyện tốt đẹp, với sự tử tế của chúng ta. “Tôi mong những người dù không thân thiện với mình được an lành, hạnh phúc, bình yên và tăng trưởng. Tôi mong không có sự tai hại nào xảy đến với họ. Tôi mong không có khó khăn nào xảy đến với họ. Tôi mong không có bất ổn nào xảy đến với họ. Tôi mong họ luôn có được sự thành tựu tâm linh. Tôi mong họ luôn có được lòng nhẫn nại, sự tinh tấn, thấu hiểu và sự quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn, bất ổn và những thất bại không thể tránh khỏi trong cuộc đời”.

Hãy để cho tâm của mình không có sự phân biệt, để cho tâm của mình được mở rộng ra, không giới hạn trong những ước muốn tốt đẹp dành cho tất cả chúng sanh. “Tôi mong tất thảy chúng sanh luôn được an lành, hạnh phúc, bình yên và tăng trưởng. Tôi mong không có sự tai hại nào xảy đến với tất cả chúng sanh. Tôi mong không có khó khăn nào xảy đến với tất cả chúng sanh. Tôi mong không có bất ổn nào xảy đến với tất cả chúng sanh. Tôi mong tất cả chúng sanh đều có được sự thành tựu tâm linh. Tôi mong tất cả chúng sanh đều có được lòng nhẫn nại, sự tinh tấn, thấu hiểu và sự quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn, bất ổn cũng như những thất bại không thể tránh khỏi trong cuộc đời”.

Thời khóa tiếp theo bạn có thể ngồi và tiếp tục sự thực hành của mình, một cách thoải mái, ý nghĩa và hữu ích cho chính mình.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app