Nội Dung Chính
Tu dưỡng tâm từ bằng thiền chánh niệm
Tâm Từ
MỘT XÚC CẢM TRƯỞNG THÀNH
Hỏi: Người hàng xóm của tôi – một nhà hoạt động xã hội sắp sửa đến tiểu bang Nevada (Hoa Kỳ) để đăng ký cử tri. Thật sự khó khăn khi thuyết phục bản thân rằng mình đang tọa thiền ở đây vì lợi ích của tất thảy chúng sanh (việc tu tập này không chỉ là “quà tặng” cho chính mình) và giải thích cho cô ấy hiểu về sự thực tập này của mình trong một tuần lễ ở đây. Sư nghĩ gì về điều này, thưa sư?
Đáp: Câu hỏi này sẽ được trả lời với hai tầng nghĩa khác nhau. Điều chính yếu đầu tiên nhất là tôi nghĩ bạn không cần giải thích về bản thân mình với tất thảy mọi người, đặc biệt là dưới sự soi dẫn của tâm từ. Thông thường, cố gắng so sánh và sau đó giải thích về bản thân mình với người khác không phải là hành động của tâm từ mà đó chính là đang huân tập sự phán xét, một việc làm tốn công nhưng không ích lợi gì cả. Điều thật sự thôi thúc chúng ta phải giải thích về bản thân mình với người khác hầu như xuất phát từ ý nghĩ, “Chắc là tôi đã làm điều gì đó sai trái, và vì vậy tôi cần phải giải thích”. Và thật sự là bạn đang phí sức vì điều này.
Một câu hỏi hay cần được hỏi là: “Đây có phải là hành động tử tế dành cho tôi không?”. Và kế đó là: “Giải thích về bản thân mình với người khác có thật sự là hành động của tâm từ hay không? Người khác có thật sự cần biết điều bạn muốn giải thích không?”. Điều này ít nhiều liên quan đến cách ứng xử buộc phải giải thích điều gì đó với người khác trong văn hóa của người Hoa Kỳ.
Tôi còn nhớ năm đầu tiên đến Hoa Kỳ để hỗ trợ kiến thiết tu viện Abhayagiri. Khi đó, chúng tôi được mời đến nhà một người hàng xóm thọ thực, cách tu viện khoảng 11 km. Tôi trì bình xuống đường Tomki Road và East Road để đến nhà họ. Đó là một quãng đường dài. Một người phụ nữ dừng lại và hỏi: “Thưa sư, sư đang đi đâu vậy? Sư có cần quá giang không, thưa sư?” – Vì đã liệu nhầm thời gian và chúng tôi đã sắp muộn giờ, vì thế được cho đi nhờ là một điều thật tốt trong hoàn cảnh này. Ngay thời điểm ấy, nhà người phát tâm cúng trai còn cách đó khoảng hơn một cây số. Trên quãng đường thật sự không quá xa đó, tôi đã được biết nhiều điều về cuộc đời của người phụ nữ cho quá giang ấy, nhiều hơn so với những gì tôi muốn biết. Trước giờ tôi chưa từng gặp bà ấy. Có một điều bắt buộc trong tâm lý người Hoa Kỳ là họ luôn nỗ lực giải thích mọi thứ với tất thảy mọi người. Tôi không hiểu làm như vậy thì biểu đạt được từ tâm của mình với người khác nhiều như thế nào.
Vì thế, đây là những ý nghĩ cơ bản khi quán chiếu tâm từ: “Đó có phải là điều tử tế cho chính mình không? Đó có phải là điều tử tế cho người khác không?”.
Trong sự thực hành thiền định và trong sự nhìn nhận tích cực, chúng ta có thể tự hỏi: “Điều gì là tốt hơn? Tôi nên làm gì đây?”. Có một xu hướng của tâm là nghĩ về cái này hoặc cái kia. Hoặc là tôi nên làm cái này, hoặc tôi nên làm cái kia. Hoặc là điều này đúng và điều kia sai, hoặc là điều kia sai và điều này đúng.
Cách giải quyết này dễ gây chia rẽ và làm mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Một lần nữa, câu hỏi cần đặt ra là nghĩ theo cách đó có phải là biểu hiện của tâm từ? Một nghi vấn cho thấy rõ ràng sự liên hệ của chúng ta với thế giới xung quanh, chính là: đâu là hiệu quả của khung sườn ý niệm đúng/sai, hoặc cái này/ hoặc cái kia. Điều này rất quan trọng trong thực hành tâm linh, nhất là ở góc độ của tâm từ – để nhận diện rõ lợi, hại của việc phân tách mọi thứ theo các hướng đối lập nhau.
Tôi nghĩ phản ánh dựa trên kinh nghiệm thật sự không hữu hiệu vì cách Đức Phật nhận định sự việc không dựa trên ý niệm đúng – sai mà an cứ nhiều hơn trên sự xác tín về thiện xảo hay không thiện xảo, thiện hay bất thiện. Chúng ta nhận thức rằng một người hoạt động xã hội sẽ đăng ký cử tri là đang làm điều gì đó có thể được coi là thiện lành và thiện xảo. Đó là điều tốt nên làm.
“Đó có phải là điều tôi cần làm không? Đó có phải là điều tôi muốn làm ngay lúc này không? Tôi có cảm thấy bị lôi cuốn để làm điều đó không?” – Có thể có hoặc có thể không. Điều này còn liên quan đến khả năng nhìn thấy được sự thiện xảo hay thiện nghiệp và niềm vui trong hành vi của người khác hay không, đến khả năng khởi phát ý niệm khuyến tấn hành vi thiện lành của người khác mà không “tự đe dọa” chính bản thân mình, rằng: “Người khác có thể làm điều đó và làm điều đó một cách vui vẻ. Thật tuyệt vời. Những gì tôi muốn làm trong tuần lễ này là biết mình có cơ hội có được khoảng thời gian tu tập – đó là định tâm, để tạo ra nơi an trú nội tại cho chính mình. Đó là điều thiện, là điều tốt, là thiện xảo cần làm”. Nhưng không có nghĩa vì chúng ta đã lựa chọn tham gia khóa tu nên chúng ta đúng đắn còn những người còn lại ngoài kia là những kẻ dại khờ. Đây là những lĩnh vực tách biệt nhau.
Chúng ta có thể khuyến khích bản thân mình đưa ra những lựa chọn không làm mình bị thoái đọa, không làm tổn hại chính mình. Đó là hành vi của tâm từ. Chúng ta cũng có thể quán sát cách người khác lựa chọn sử dụng thời gian và năng lượng của họ, khuyến khích và ủng hộ họ hay chí ít là tùy hỷ với điều tốt đẹp họ đang làm. Đó cũng là một khía cạnh của sự thiện lành và chúng ta đều được lợi lạc từ điều đó.
Có một biệt từ Phật giáo trong tiếng Pali là puñña, trong tiếng Thái là boon. Chắc chắn người Thái ở phương Tây hoặc khi gặp người phương Tây học Phật, họ đều hỏi: “Bạn dịch nghĩa của từ boon như thế nào?”. Đây là một trong những thuật từ rất khó chuyển ngữ. Nhưng Đức Phật đã nói rằng, “Puñña là một từ khác để chỉ cho hạnh phúc” (Kinh Tăng Chi Bộ, 7.62). Đây là kết quả của hành động thiện xảo: các hành động hoặc cách ứng xử tốt đẹp, thiện lành mang lại hạnh phúc, mang lại trạng thái hạnh phúc cho bạn và cho người khác.
Độ lượng và bố thí cũng là hạnh phúc. Hộ trì giới và đạo đức là hạnh phúc. Thiền tập là hạnh phúc. Thính pháp là hạnh phúc. Thí pháp là hạnh phúc. Mang đến cơ hội cho người khác được tiếp cận giáo lý là hạnh phúc. Tương trợ người khác, phục vụ người khác là hạnh phúc. Tùy hỷ với điều thiện mà người khác làm được là hạnh phúc. Hồi hướng phước lành có được từ điều lành bản thân làm được cho người khác là hạnh phúc.
Có nhiều cấp độ khác nhau, nhưng đây là những lộ trình kiến tạo hạnh phúc. Chúng ta nhận thức được rằng mình đều có thể liên kết những điều này vào đề mục của tâm từ. Nhận diện được đó là thiện xảo, là điều lành cũng như tâm nguyện làm những điều như vậy chính là hành trạng của tâm từ. Và cần nhận thức được rằng, suy nghĩ “Nếu tôi không hành thiền là tôi đang phung phí thời gian của mình” cũng không phải là điều bất di bất dịch.
Có nhiều con đường để đạt được thiện xảo và hành vi thiện lành. Quan trọng là cũng cần có cái nhìn phổ quát để có thể nắm bắt được các cơ hội huân tập thiện nghiệp cho mình, ví dụ như khi thấy người khác hành thiện ta cũng cảm thấy hoan hỷ. Ý nghĩa này được diễn đạt là anumodana trong tiếng Pali – tức tâm tùy hỷ, cảm thấy hoan hỷ với phước báo của người khác. Và thậm chí bạn không cần phải làm bất cứ gì cả.
Nếu bạn thấy ai đó làm việc gì thiện xảo, không cần phải kinh hoảng mà thốt lên rằng: “Tôi không làm tốt được như họ”; cũng đừng đố kỵ “Họ thật sự không tốt lành vậy đâu”. Trên thực tế, có những sự bình phẩm như vậy. Đây là cách kéo lôi con người ta xuống sự thấp kém, thoái đọa. Đó là biểu hiện của cái tâm hẹp hòi, không có tâm từ cho chính mình và cho người khác.
Trái lại, sẽ có một sự bao la không ngằn mé trong tâm khi bạn không “bị đe dọa” bởi người khác, hoặc khi bạn không hành hạ chính mình vì bản thân không chánh nghiệp, không có sự đối đãi thích đáng trong hành xử. Cảm giác tội lỗi đó cứ tiếp tục và tiếp tục tồn tại trong tâm bạn. Tất thảy những điều này cũng là không có từ tâm cho mình và cho người.
Tôi nhớ về chuyến đi đến Thái Lan làm phiên dịch và diện kiến Hòa thượng Paññānanda – một vị sư tôn quý được nhiều người kính ngưỡng. Một số người trong phòng này đã được gặp ngài trước đó. Khi đưa phái đoàn đến Thái Lan, chúng tôi đến để đảnh lễ ngài. Đây là một bậc xuất sĩ với niềm hạnh phúc thật sự, ngài đã sống cả đời mình bằng sự cho đi. Khi chúng tôi đến nơi, ngài bệnh và đang trong bệnh viện, nhưng đó chính là bệnh viện ngài đã xây dựng nên. Lúc ấy, ngài đã 96 tuổi nhưng vẫn rất tinh anh.
Tôi đã từng được tháp tùng ngài trong những chuyến hoằng pháp ở New Zealand vào những năm 80. Trong một thời tu tập buổi tối gồm có tụng kinh, thiền định, thuyết pháp và vấn đáp sau đó; một trong những câu hỏi được nêu lên từ rất sớm (sau khi các nội dung tu tập hoàn tất) lúc đó là: “Làm thế nào để vượt qua cảm giác tội lỗi?”. Tất nhiên, tôi đã quen thuộc với công việc phiên dịch của mình nhưng điều thú vị là trong lúc cố gắng dịch, tôi không biết từ “tội lỗi” trong tiếng Thái nói như thế nào. Tôi đã làm công tác phiên dịch cho các vị giáo thọ sư và học ngôn ngữ, học Phật pháp nhiều năm qua nhưng lúc đó đầu óc tôi trống rỗng, tôi phá lên cười thật to. Tôi bạch với sư nội dung câu hỏi là gì, tại sao tôi cười to như vậy và về khoảng cách trong ý niệm của ngôn ngữ và văn hóa Thái Lan. Tôi buộc giải thích với ngài diễn biến tâm của người phương Tây làm cho họ cảm thấy tội lỗi.
Sư lắng nghe và sự lưu tâm hiện lên rất rõ trên nét mặt ngài khi tôi giải thích về sự vận hành của cảm giác tội lỗi. Sau khi nghe tôi giải thích xong, ngài nói: “Ồ, thế thì thật là quá đau khổ rồi. Hãy bảo họ đừng nên làm như thế”. Không phải người Thái Lan không có những cảm giác như thế này. Có một nơi khác rất lý tưởng để ăn năn sám hối, nhưng không phải là làm cho cảm giác tội lỗi diễn tiến xấu hơn – điều được biểu hiện quá dễ dàng từ ý niệm mạnh mẽ về bản ngã, về “cái tôi” và sự phán xét có mặt trong mỗi người chúng ta. Chúng ta phán xét, so sánh, chia bản thân mình ra thành nhiều cái “tôi” và trong thế giới này, chúng ta đang nỗ lực sống cho nhiều cái “tôi” đó hoặc bị những cái “tôi” đó “đe dọa”. Đây là những khổ đau đặc thù của chúng ta.
Một hành động của tâm từ có thể xuất phát từ thái độ “Đây chính là hành trạng của mọi thứ”, trong sự nhận diện rằng: “À, đó chỉ là cảm giác. Tôi sẽ dành một phần không gian cho nó nhưng không phải để đánh bại nó, không đắm chìm trong những ý nghĩ của sự so sánh và những đau khổ kéo theo”. Đây chính là sự thực hành tâm từ cho chính mình. Đây là kỹ năng hữu dụng để có thể nhận diện được ai đó có đang hành thiện nghiệp hay không và sau đó có thể không phán xét bản thân mình nữa – phán xét chính là sự trừng phạt bản thân mình.
Tôi nghĩ rằng, thi thoảng khi nói về tâm từ như một tâm trong tứ vô lượng tâm (brahmavihāra), ta đặt tâm từ ở một nơi nào đó: “Tâm từ đang lạc lối ở một chỗ nào khác rồi”. Một trong những vị tu sĩ ở Anh quốc đã bắt đầu dịch từ brahmavihāra là “xúc cảm trưởng thành” và đây là một thiện xảo để đưa sự tập trung về tứ vô lượng tâm. Chính xúc cảm trưởng thành đó hướng sự tập trung của chúng ta về với bốn tâm (từ, bi, hỷ, xả). Cánh cửa dẫn lối vào bốn tâm vô lượng này chính là phẩm chất của tâm từ. Nhận thức được điều này và sau đó mang sự tỉnh thức và tập trung để phá vỡ những điều ngăn che chúng ta đạt được tâm từ. Chúng ta có thể bắt đầu để tâm đến các cảm xúc chưa trưởng thành, vốn dễ tiếp cận hơn và nhận thức rằng: “Có sự nhức nhối của lòng đố kỵ, có sự nhức nhối của tâm so sánh, có sự khó chịu trong tâm”. Thay vào đó, để các cảm xúc này không có đà lấn tới, bạn có thể tự hỏi: “Làm thế nào tôi có thể mang tâm từ – xúc cảm trưởng thành vào bên trong những trạng thái tâm tiêu cực này?”. Làm cách nào để tôi tạo ra một khoảng không gian trong tâm của mình?”.
Tâm từ sẽ giúp tạo ra không gian ấy; đó là một cảm xúc thoáng đạt. Và không gian thoáng đạt ấy cũng sẽ rất vững chắc. Đó không phải là sự thoáng qua của niềm hỷ lạc, của các thú vui hay của sự hài lòng. Các trạng thái bực tức, ghen tỵ và ác cảm xuất hiện trong tâm nhưng chúng không cứ ngụ mãi mãi trong tâm. Chúng không phải là những cảm xúc và cảm giác có tính ổn định trong tâm chúng ta.
Với cảm xúc của từ tâm – khi chú ý và định hướng sự chú ý của mình trong tâm từ, chúng ta sẽ nhận ra tâm từ mang lại nền tảng và sự vững chắc. Khi có tâm từ, chúng ta có đế trụ vững vàng không mảy may bị lung lạc bởi sự thất thường của những cảm xúc nội tại hay những thay đổi bên ngoài, bởi sự tán dương hay đổ thừa, quy trách nhiệm. Khi nghĩ về những người có tâm từ mình từng gặp, tôi thấy ở họ có sự điềm tĩnh và vững chãi vô cùng.
Nghĩ về khóa tu được đặt tên là “Khóa tu về tâm từ”, chúng ta sẽ làm gì? Có phải chúng ta đến và thể hiện sự tử tế của mình ra bên ngoài? – Điều này làm tôi thấy ngao ngán, thật sự là như vậy. Hay là chúng ta cố gắng thật nhiều để rải phát yêu thương đến mọi nơi? – Làm như vậy thật là khá mệt mỏi. Một lần nữa, ở những người là sự biểu trưng của từ tâm mà tôi đã từng gặp, các vị ấy đều sở hữu sự vững chãi đáng kính.
Tôi nghĩ đến một trong những tình huống trong đời mình đã giúp tôi sáng ngộ ra nhiều điều và trải nghiệm này vô cùng hữu ích với tôi. Tôi từng là trụ trì Tu viện Quốc tế Trong rừng (International Forest Monastery) ở Thái Lan; dù chỉ trong vài năm nhưng tôi nhận thấy mình bị quá tải vì công việc. Tôi đã có cơ hội đến Anh quốc. Ngài Ajahn Sumedho và nhiều cao tăng phương Tây, những người bạn cũ của tôi đều có mặt ở đó. Còn tôi kẹt lại ở Thái Lan để trông coi tu viện. Tôi không chắc là mình có thể làm được hay không, không chắc có phải mình mong muốn làm điều đó không. Có nhiều mâu thuẫn hiện diện giữa các tăng sĩ và các Phật sự với chúng Phật tử. Tôi có cảm giác bị đuối sức.
Nói về lần lưu trú của tôi ở Anh quốc mà chỉ còn vài tuần nữa là kết thúc, tôi đã bước lên máy bay trong tâm trạng ngao ngán. Đó sẽ là một chuyến không hành khổ sở vì khi đó tôi nghĩ rằng: “Ồ, tôi sẽ phải quay lại tu viện, nơi đó có vị tăng này thế này, vị tăng kia thế khác…”. Lúc ấy, một trong những vị tăng cao niên ở Anh quốc, từng sống ở Thái Lan nhiều năm đưa tôi một kiện hàng nhỏ và nói: “Khi sư trở lại Bangkok, xin hãy trao giúp tôi vật phẩm này đến cho vị tăng này”. Vị tăng mà vật phẩm được nhờ trao đến là ngài Phra Payutto, được nhiều người kính trọng, nhưng cho đến thời điểm đó tôi chưa từng diện kiến ngài bao giờ. Bây giờ, ngài là vị tăng được cả thế giới biết đến.
Thời đó, ngài trú ở một ngôi chùa tại Bangkok, nằm trong khu phố cổ của người Hoa ở trung tâm thành phố. Nơi ngài đang sống là một nơi cực kỳ nhiễu nhương. Thông thường ở Bangkok, tất cả các cửa hàng dành cho tăng sĩ sẽ tập trung ở một khu vực và trong đó có một nơi khác chuyên về y áo. Nơi tọa lạc của ngôi chùa giống như nơi sửa chữa các bộ truyền dẫn của động cơ xe hơi vậy. Dầu nhờn và các bộ phận của xe hơi vương vãi khắp nơi khi bước chân vào ngôi chùa. Một trong những việc mà chùa đảm trách là tiến hành hỏa táng cho những người cùng khổ ở vùng này. Tại đây, hình như ngày nào cũng có chuyện tang chế và người ta tụ tập rất đông đúc.
Tôi đi ra khuôn viên phía sau, nơi ngài đang ở. Từ ngài tỏa ra sự bình an và năng lượng của lòng từ ở ngay một nơi mà ngày ngày vẫn có chuyện tang ma diễn ra, dơ bẩn, nhiễm ô và lộn xộn như thế. Ngài là nơi nương náu của sự bình an, sự sáng ngộ và từ tâm. Trò chuyện cùng ngài, tôi cảm nhận được lòng từ bao la ở ngài và ngài tiếp đón tôi rất nồng hậu. Hiện nay, sư là bậc được tôn kính và được nhiều người biết đến trên khắp đất Thái. Người người thuộc mọi giai tầng xã hội đều tôn quý sư. Ngài là một trong số rất ít các nhà sư Thái Lan học thông kinh điển Phật giáo tiếng Pali từ khi còn là Sa-di. Khi đó, theo truyền thống nhà vua sẽ cúng dường cho việc thọ giới của ngài. Ngài có một trí tuệ vượt trội. Đôi khi người có sự thông tuệ không nhất thiết hòa vào cho giống người khác, nhưng trong ngài đã có một sự hoàn thiện, mọi thứ bên trong ngài đều tỏa ra bằng những biểu hiện của lòng từ.
Điều này thật sự hun đúc tôi, rằng: “À, đây chính là cách để tôi có thể ‘tồn tại’. Nếu tôi hướng chuyển tâm mình vào những đức hạnh như tâm từ và sự tử tế, tôi sẽ được bảo hộ và điều này giúp tôi có được trạng thái tâm có thể mang lại lợi ích cho mọi người. Ngoài ra, tôi cũng sẽ quay trở lại tu viện tĩnh mặc trong rừng ở vùng đông bắc Thái Lan và nếu tôi không tìm được sự bình yên ở nơi đó, có nghĩa là tôi đã làm điều gì đó sai trái trong cuộc đời tu đạo của mình”. Với tôi, ngài là một tấm gương tuyệt vời.
Vài người ở đây cũng đã được gặp ngài khi tôi đưa đoàn sang Thái Lan. Ngài đã đón tiếp chúng tôi thật ân cần. Hiện giờ sức khỏe của ngài đã kém và ngài thường hay đau yếu. Dù vậy, từ tâm phát tỏa ra nơi ngài vô cùng hiển nhiên.
Bạn thấy đó, một lần nữa, tâm từ – xúc cảm trưởng thành luôn rất vững chãi, ổn định và bền chắc. Đây không phải là những phẩm hạnh vừa sinh ra đã có. Và cũng không phải là những phẩm hạnh mà ai cũng có được. Đó chính là những phẩm chất phổ quát mà bất kỳ ai cũng có thể tu dưỡng và hình thành trong con người mình. Tôi nghĩ đây là sự quán niệm quan trọng cần phát triển: “Ồ, đây là một xúc cảm trưởng thành cần hướng đến”. Nó mang đến cơ hội, cho một người nào đó trong gia đình chúng ta, trong bối cảnh xã hội nào đó, cho một Phật tử, các cộng đồng trong xã hội hay cho chính bản thân mình để dành toàn tâm khơi mở và tu dưỡng.