Tu dưỡng tâm từ bằng thiền chánh niệm

Tâm từ và sự buông xả

Để cho tâm từ biểu hiện một cách đầy đủ và đi đến quả vị,

chúng ta cần làm suy yếu đi những gốc rễ căn bản

của sự dính mắc, sự nhiễm ô và chấp thủ.

Một số người chú ý một cách nhanh nhạy rằng tôi đã lướt qua vài dòng của Kinh Tâm từ. Tôi đã làm điều đó một cách có ý thức bởi vì tôi muốn tận dụng thời gian để nhận diện chúng. Tôi đã dành ra gần như cả giờ đồng hồ để nói về Kinh Tâm từ, tối đa là chừng ấy, và tôi nghĩ rằng, “Tôi không muốn mở ra điều rối rắm này và tiếp tục kéo dài hơn”.

Kinh Tâm từ đặt cơ sở và nền tảng cho sự tu dưỡng tâm từ xét về mặt đạo đức, phát ngôn và cách chúng ta sống trong thế giới này. Tiếp đó nó đi vào sự tu dưỡng tâm từ đích thực, mang lại nhiều tham số, sự hướng dẫn khác nhau; và sự khuyến tấn rằng chúng ta nên duy trì sự quán tưởng về tâm từ – điều “được nói đến như là sự vĩnh hằng cao quý”.

Bài kinh kết thúc với, “Bằng việc không bám vào những định kiến, một người với trái tim trong sạch, có được sự sáng rõ của tri kiến, được giải thoát khỏi tất cả những tham dục, không phải sinh ra lần nữa vào thế giới này”. Chỉ với cái nhìn thoáng qua, chúng ta có thể nghĩ rằng, “Làm thế nào điều đó được cộng thêm vào? Điều đó chẳng ăn nhập gì với tâm từ”. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta thật sự mang tâm từ để hoàn thành quả vị bằng cách có được sự hiểu biết sâu sắc và thấu hiểu, không để dính mắc trong những tri kiến, những quan điểm và sự dính mắc với các góc nhìn của chúng ta.

“Được giải thoát khỏi tất cả những tham dục” là một sự buông xả dính mắc một cách triệt để. Để tâm từ thể hiện một cách đầy đủ và đi đến quả vị, chúng ta cần làm suy yếu đi những gốc rễ căn bản của sự dính mắc, sự nhiễm ô và chấp thủ.

Vì vậy điều này cần sự thực hành tâm từ để nâng nó lên một mức độ khác, đưa nó trở thành một sự thực hành giải thoát sâu sắc. Khi chúng ta tu dưỡng tâm từ, con tim trở nên hòa hợp hơn với những cử động của chính nó. Chúng ta bắt đầu cảm nhận được những cử động bên trong con tim một cách rõ ràng hơn.

Việc muốn có một định kiến hay có một lập trường liên quan đến cảm thọ của sự ganh đua và xung đột, cảm thọ của việc phản đối lại điều gì đó hay ai đó? Chúng ta xử lý điều đó như thế nào? Có phải chúng ta chỉ che lấp nó bằng tâm từ và làm cho nó biến mất đi? – Đó là một cách.

Hoặc là chúng ta nói rằng, “À, căn nguyên của điều đó là gì? Căn nguyên của cảm thọ đó, của việc phải dính đến tri kiến của đúng hoặc sai… tốt hay xấu… điều này đúng… điều này không đúng… nó phải như thế này?”. Căn nguyên của điều đó là gì? Căn nguyên chính là ý niệm về cái ngã, về cái “tôi là”. Sự thực hành tâm từ là một phương tiện rất thiện xảo và cởi mở con tim, để nó có thể hòa vào và nói rằng, “À, đó là khổ đau”. Thậm chí nếu tri kiến của bạn là đúng, giữ lấy nó với một ý niệm về cái ngã thì vẫn là khổ đau!.

Chúng ta chống đỡ những tri kiến và các lập trường và sau đó “đáp hạ” xuống những nơi của khổ đau. “Tôi đã có tâm từ đang tiến triển. Làm sao tôi lại quay trở lại nơi của sự khổ đau này?”. Đó chính là cách nó hoạt động khi vẫn còn có tham, sân và si; khi vẫn còn có những gốc rễ cơ bản của những lậu hoặc, āsavas. Để cho tâm từ đi đến quả vị, chúng ta cần soi rọi đến những xu hướng thâm căn hơn.

Chúng ta “làm việc” với chúng bằng cách nào? Tất nhiên, một trong những cách “làm việc” với chúng là bằng tâm từ, với ý nghĩa rằng nếu chúng ta thiết lập chính mình đối lập với tâm của chúng ta, sau đó chúng ta ở vào trạng thái xung đột không ngừng. Vì thế, hành vi tử tế nhất mà chúng ta có thể làm là buông bỏ sự nhiễm ô và sự dính mắc. Đó là điều tử tế nhất mà chúng ta có thể làm cho chính mình và cho người khác. Chúng ta sử dụng sự tu dưỡng tâm từ như một phương tiện để làm nổi bật nơi mà chúng ta tạo ra sự đối nghịch và xung đột, nơi mà chúng ta dính vào một tri kiến đặc biệt và làm thế nào các tri kiến quan trọng đang khuyến khích các xu hướng tiêu cực cơ bản bên trong tâm.

Đức Phật đã chỉ ra ba lậu hoặc (āsavas) như là dục lậu (kāmāsava), hữu lậu (bhavāsava) và vô minh lậu (avijjāsava – không hiểu biết, không có tri kiến đúng đắn). Rất nhanh ngay sau khi Đức Phật nhập diệt, các nhà luận học đã thêm vào tà kiến lậu (diṭṭhāsava) bởi vì nó dường nhưng cũng mang tính căn bản. Đây là một nguồn gốc của khổ đau và cũng làm kéo dài bất tận vòng tròn tái sinh.

Tri kiến cũng bám rễ sâu sắc trong tâm. Thậm chí nếu chúng không phải là các tri kiến gây tranh cãi, chúng vẫn có dính dáng đến việc phải có một lập trường, phải là đúng hay sai. Vào thời Đức Phật, có một danh sách toàn bộ các tri kiến chuẩn mực mà có lẽ không ý nghĩa lắm với chúng ta. Nhưng vào thời của Đức Phật, đó là những lập trường triết học của thời đó. Có các trường học dành cho những người đi tìm tôn giáo và các triết gia với những lập trường khác nhau. Vũ trụ là vĩnh hằng hay không vĩnh hằng? Bản chất của thân và của tâm là gì? Những bậc giác ngộ có tồn tại sau khi chết không? Họ không tồn tại sau khi chết? Có phải họ tồn tại và không tồn tại sau khi chết? Hay là họ không tồn tại mà cũng không tồn tại sau khi chết?

Có những cuộc tranh luận và xung đột triết học lớn về điều này. Trong bối cảnh hiện đại hơn, à, hãy cho tri kiến của bạn sự lựa chọn.

Có một bài pháp (Kinh Tăng Chi Bộ 10:96), trong đó ngài A Nan Đà đi vào một công viên dành cho người đi lang thang và đi đến một con suối nước nóng. Ngài gặp một kẻ lang thang, người đó ngay tức thì đã bắt đầu chất vấn ngài:

“Ngài đang theo học vị thầy nào?

“Ta theo học với người con trai của dòng họ Thích Ca, ngài Cồ Đàm”.

“Ngài đang giữ tri kiến gì? Là thế giới vĩnh hằng, điều này duy đúng, có bất kỳ điều gì là sai không?”.

“Tôi không giữ tri kiến như vậy, người bằng hữu à”. “Thế giới không vĩnh hằng; điều này duy đúng,

có bất kỳ điều gì là sai không?”.

“Tôi không giữ tri kiến như vậy, người bằng hữu à”.

Kẻ lang thang ấy cứ tiếp tục như một “bài kinh cầu nguyện” về lập trường và ngài A Nan Đà đáp lại chỉ bằng một câu, “Tôi không giữ tri kiến như vậy, người bằng hữu à”.

Kẻ lang thang ấy bị bối rối với điều này và hỏi, “Có thể là ngài không biết hay không nhìn thấy chăng?”. Ngài A Nan Đà khẳng định với ông ta rằng ngài có biết và có nhìn thấy (một thành ngữ cho sự hiểu biết sâu sắc). Điều ngài biết và thấy là tất cả những tri kiến khác nhau này chỉ là những tri kiến được hình thành do suy đoán. Bằng việc hiểu được nền tảng của tri kiến, sự ám ảnh bởi các tri kiến, sự khởi thủy của các tri kiến, và sự bật rễ của các tri kiến, có một sự biết và thấy đúng đắn.

Đó là một góc nhìn tuyệt vời về các tri kiến, các quan điểm và những điều dính mắc. Để được thành tựu trong việc không sở hữu tri kiến, người đó không phải trở thành một dạng người “xa rời thực tại”, hoàn toàn ở bên ngoài thực tại, không có khả năng trả lời một câu hỏi. Nhưng bằng việc nhận diện rằng bằng cách nào một người bắt đầu cố định chính mình vào trong một lập trường; và nhìn thấy rằng, “Ồ, tôi đang đặt chính mình vào trong sự đối nghịch với người đó hay với tình huống đó bằng cách giữ lấy tri kiến đó và điều đó sẽ dẫn đến đau khổ”, tiếp đến người đó có thể bước lùi lại từ lập trường của sự bám dính với các tri kiến. Điều này cho phép người đó quay trở lại một nơi của sự chánh niệm và thấu hiểu rõ ràng hay hiểu biết sáng rõ. Đó là điều mà một người tiếp nhận như một nơi an trú của chính mình.

Chúng ta nhận thức rằng cho dù bất cứ điều gì xuất hiện thì chỉ là hành uẩn bên trong tâm, chỉ là một suy nghĩ hay chỉ là một tưởng uẩn. Chúng ta có thể có một tưởng uẩn về điều gì đó và nhận thức được rằng nó là vô thường, bất như ý và vô ngã. Đôi khi chúng ta có thể hành động dựa trên các tri kiến hay các tưởng uẩn nếu chúng có một sự hữu ích tại một thời điểm đặc biệt mà chúng ta đang không xây dựng ngôi nhà của mình hay ý thức về cái ngã bên trong đó.

Để cột chặt điều đó vào bên trong bằng tâm từ một lần nữa: thật vô cùng tử tế đối với bản thân bạn và những người khác bởi vì không mất thời gian quá lâu để quán tưởng về lần cuối cùng bạn đã bất hòa với ai đó vì một tri kiến đặc biệt. Sau đó bạn nghĩ về điều ấy và tự hỏi, “Tại sao tôi thậm chí đã đi đến mức đó? Ý nghĩa của biểu hiện đó là gì?”.

Nếu chúng ta không bị mắc bẫy bởi các tri kiến, thông thường chúng ta có thể hồi đáp một cách khá thiện xảo, và điều này vô cùng hữu ích. Quán tưởng trên ý niệm về sự không đố kỵ như là một nền tảng của tâm từ. Có một thành ngữ trong ngôn ngữ kinh điển mô tả trạng thái tâm dính mắc trong tri kiến: “Chỉ duy điều này là đúng, bất kỳ cái nào khác là sai”. Nó không giống như thể chúng ta đã suy nghĩ một cách có ý thức về điều này hay thậm chí có phát âm nó rõ mồn một bên trong tâm, nhưng nó cũng không có mặt ở đó. Chúng ta có thể thay đổi tri kiến của mình nhưng thời khắc đặc biệt đó cảm giác giống như là, “Điều này đúng và mọi thứ khác là sai”.

Ngay khi chúng ta ở trong lập trường đó, đó là cơ sở của sự đố kỵ và xung đột. Đó là cơ sở cho việc cảm thấy bực tức và ác cảm, dù ngắn ngủi hay bị kéo dài ra. Sự ác ý sẽ tham gia vào việc nắm giữ tri kiến đặc biệt đó.

Hãy nỗ lực để làm cho điều này vô cùng tỉnh thức thông qua sự tu dưỡng tâm từ để không cho phép sự hình thành quá mạnh mẽ của các tri kiến. Có một ý niệm về tâm từ và ước muốn tốt đẹp đối với chính bạn bởi vì bạn thường là người đầu tiên chịu đau khổ khi bạn bị khóa chặt trong một tri kiến đặc biệt nào đó. Tất nhiên, sau đó những người khác cũng đau khổ.

Sự ứng dụng của tâm từ một cách chủ động không chỉ là một cảm xúc tốt đẹp mà chúng ta thi thoảng có thể khởi phát khi đang ngồi trên những chiếc gối của mình. Đó là một sự ứng dụng rất thực tế trong cách chúng ta tương tác với thế giới xung quanh mình và không bị sụp bẫy bởi các định kiến. Nó tạo cơ sở cho sự bình yên và sáng rõ.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của Pháp mà Đức Phật đã chỉ ra là khía cạnh này của sự buông bỏ, buông xả và buông xuống. Chúng ta có thể buông bỏ: chúng ta có thể buông bỏ một trạng thái, sự bực tức hay sự ác cảm; chúng ta có thể buông bỏ một tri kiến đang bắt đầu sanh khởi; chúng ta có thể buông bỏ một góc nhìn đặc biệt về cách chúng ta nghĩ nó sẽ là; chúng ta có thể buông bỏ những tham dục; và chúng ta có thể buông bỏ toàn bộ sự xây tạo của cái “tôi là”. Chính sự buông bỏ đó cho phép chúng ta tiếp cận và trải nghiệm một sự bình yên đích thực.

Có một số chỗ trong các bài pháp mà Đức Phật được hỏi về cách công thức hóa những lời dạy một cách vô cùng súc tích. Trong kinh điển, Đức Phật nói rằng tất cả các pháp – sabbe dhammā – không được bám víu vào, tất cả các pháp không đáng để nắm giữ, tất cả các pháp không được dính mắc vào. Tất cả mọi thứ, vạn pháp đều có chứa một ký tự “d” nhỏ (dhamma), đều không đáng để bám víu vào. Đó là một ngữ rất đơn giản hữu ích cho sự thực hành; đặc biệt là xét về thiền tâm từ. Nếu chúng ta bị vướng vào những sự cản trở xuất hiện trong tâm hay cố sức để phân tích và tìm hiểu về chúng quá nhiều, chúng sẽ bám lấy chúng ta.

Câu trả lời có thể đến từ nơi của “Tất cả mọi thứ đều không được bám víu vào”. Có lẽ có một trạng thái của sự xao nhãng, bực tức hay hoang mang, nhưng tất cả các pháp đều không được bám víu vào. Sau đó chúng ta cần mang vào bên trong sự tu dưỡng tâm từ, vốn là một phẩm chất thiện lành và rộng mở mà cuối cùng chúng ta phải buông bỏ. Nhưng một lần nữa, đó là chiếc cầu nối hữu ích để đặt nỗ lực và sự chú tâm của chúng ta vào những điều giúp thiết lập và duy trì ý niệm về sự bình yên và sáng rõ. Vì thế, hành động buông bỏ là một công cụ rất hữu ích.

Một trong những nơi mà lời dạy này xuất hiện là trong một bài pháp vô cùng thú vị, một sự giáo huấn nổi tiếng mà hầu hết mọi người ở trong khóa tu thiền có lẽ đã nghe nói đến, được ám chỉ đến bằng cách này hay cách khác. Đó là bài pháp được thuyết cho ngài Moggallāna (Mục Kiền Liên) khi ngài đang ngồi thiền và trải qua hôn trầm (Kinh Tăng Chi Bộ 7:61). Đó là một thời gian ngắn sau khi ngài Mục Kiền Liên được thọ giới. Ngài thực hành một cách chăm chỉ nhưng đang bị mất tinh thần bởi hôn trầm và thùy miên. Đức Phật đến và hướng dẫn cho ngài Mục Kiền Liên.

Một tập hợp những lời hướng dẫn là, đầu tiên hãy làm cho đối tượng thiền tập của bạn rõ ràng. Nếu điều đó không có hiệu quả thì hãy sử dụng một hình ảnh của ánh sáng để mang sự sáng rõ đến cho tâm. Nếu điều đó cũng không có tác dụng, hãy kéo các lỗ tai của bạn, chà lên da và thu nhận nguồn năng lượng nào đó đang di chuyển theo một cách nào đó. Nếu điều đó cũng không có tác dụng nữa thì hãy đi ra ngoài và nhìn lên bầu trời. Nếu điều đó cũng không có tác dụng, hãy thiền hành một chút. Cuối cùng, nếu không có cách nào mang lại hiệu quả thì hãy nằm xuống và nghỉ ngơi, thiết lập một cách chánh niệm một thời gian để thức dậy và tiếp tục sự thực hành của bạn.

Đức Phật tiếp tục và hướng dẫn ngài Mục Kiền Liên nên cẩn thận không quá tham gia vào hay đến quá gần những người cư sĩ, bởi vì những người cư sĩ có đời sống bận bịu; và nếu bạn đang cố gắng trở thành một phần của cuộc sống của họ và họ làm lơ với bạn, sau đó bạn phân vân, “Ồ, tôi đã làm gì sai?”. Có những hàm ý bất tận. Bạn là một vị tăng, hãy làm điều mà chư tăng làm. Hãy để cho người cư sĩ làm những gì người cư sĩ làm. Đừng trở nên rối rắm trong cuộc sống của những người khác.

Sau đó, Đức Phật hướng dẫn ngài Mục Kiền Liên cách duy trì ý thức về sự thận trọng trong phát ngôn bởi vì một cách không tránh khỏi, nhiều cuộc đối thoại và trò chuyện kết thúc bằng nhiều sự xung đột. Luôn luôn có những điều hiểu lầm. Thận trọng với chính mình trong phát ngôn, chú ý duy trì sự thận trọng này và không kiêu hãnh ở bất cứ nơi nào bạn đi đến hay với bất cứ điều gì bạn làm: những sự hướng dẫn tốt đẹp cho một tân tu sĩ.

Sau đó ngài Mục Kiền Liên hỏi Đức Phật, “Cái gì là cốt lõi của những lời giáo huấn?”. Cái gì là nền tảng của chúng? Đức Phật nói rằng nền tảng của những lời giáo huấn là tất cả các pháp đều không được bám víu vào. Khi bạn không bám víu vào mọi thứ, bạn không đang xây dựng đà cho những thói quen và những sự dính mắc. Khi bạn đang không xây dựng đà cho những thói quen và những sự dính mắc, bạn không đang tạo ra một ý thức bị duy trì bởi chúng. Khi bạn không đang bị duy trì bởi tất cả những cấu trúc thói quen đó thì bạn có thể an trú một cách tự do và được duy trì bên trong thế giới và bên trong cấu trúc của thân – tâm. Đó là một sự giáo huấn tuyệt vời. Điều đó vô cùng trực tiếp.

Khi quán tưởng và thâm nhập, chúng ta quan sát thấy bằng cách nào các tri kiến – những sự dính mắc vào ý thức của cái ngã, ý thức của chúng ta về những gì chúng ta nghĩ là đúng và sai, cách mà mọi thứ nên là và không nên là – là sự bực dọc và khuấy động bất tận và là một nguồn gốc của khổ đau. Góc nhìn của Đức Phật không phải là chúng ta đang nỗ lực để thổi tung nó ra ngoài hết và thủ tiêu nó mà là chúng ta đang nỗ lực để thấu hiểu lý do tại sao chúng ta có một lập trường hay tri kiến. Chúng ta đang quan sát thấy động lực của sự dịch chuyển đó của tâm để phải có một lập trường về: “Tôi… tôi đúng … tôi sai… tôi tốt đẹp… tôi không tốt đẹp… tôi đúng… tôi lại sai nữa” – tất cả những lập trường mà chúng ta có.

Từ “tự phụ” trong Phật giáo có cả một trường nghĩa khác biệt với cách mà chúng ta thường sử dụng trong tiếng Anh. Theo những lời dạy, có chín cơ sở khác nhau của lòng tự phụ:

  1. thấp kém hơn và tự cho bản thân mình thấp kém hơn
  2. thấp kém hơn và tự cho bản thân mình ngang bằng
  3. thấp kém hơn và tự cho bản thân mình cao quý hơn
  4. ngang bằng và tự cho bản thân mình thấp kém hơn
  5. ngang bằng và tự cho bản thân mình ngang bằng
  6. ngang bằng và tự cho là bản thân mình cao quý hơn
  7. cao quý hơn và tự cho bản thân mình thấp kém hơn
  8. cao quý hơn và tự cho bản thân mình ngang bằng
  9. cao quý hơn và tự cho bản thân mình cao quý hơn

Tất cả những điều này là những căn bản của lòng tự phụ. Đó là hành vi của việc nỗ lực để lúc nào cũng có được một lập trường.

Bạn nhận thức được rằng tất cả những điều đó là đau khổ: cố gắng tìm hiểu “Tôi là ai? Tôi ở đâu?” trong cõi sống này có liên hệ tới chính bản thân tôi trong thế giới xung quanh tôi và trong sự so sánh với những người khác. Ngay khi bạn đi đến đó, bạn bị sập bẫy.

Vì thế một lần nữa, hãy mang nó quay trở lại với sự tử tế, với tâm từ: “Tôi mong được cứ ngụ trong sự an lành; mong tất cả chúng sanh được cứ ngụ trong sự an lành”. Đó là một lập trường an toàn hơn, có thể bỏ xuống và đặt sang một bên tất cả những cái tạo nên cái “tôi” và cái tạo nên cái “của tôi”. Cái tạo nên cái “tôi” và cái tạo nên cái “của tôi” liên tục được kiến tạo; nó không giống như cái “tôi, chính tôi và cái của tôi” có liên quan đến một thể cố định thật sự.

Đây là điều mà chúng ta lúc nào cũng đang tiến hành. Điều đó thật sự được làm rõ trong từ ngữ Pali là ahaṅkāra (ngã mạn) và mamaṅkāra (ngã sở). Kāra là động từ “làm”: cái “làm nên cái tôi” và cái “làm nên cái của tôi”. Chúng ta đang tiến hành nó và đang tạo ra nó, mặc dù nó giống như sự học việc của một phù thủy trong Fantasia6 của hãng Walt Disney. Sự học việc kết thúc với nhiều sự rắc rối hơn những gì người đó dự tính.

Những lời dạy của Đức Phật cho chúng ta các công cụ để có thể cho phép điều đó được buông xả, được đặt xuống và được bỏ xuống. Tất nhiên đó cũng là một “hành động” nhưng vai trò của sự thực hành là nghệ thuật đặt để sự chú tâm. Chúng ta đang cần tiến hành điều gì đó. Ở một mức độ nhất định, chúng ta luôn đang tiến hành điều gì đó. Đó chính là bản chất của thân và tâm. Nhưng chúng ta có thể đặt sự chú tâm vào hành vi của sự buông xả, hành vi của sự tử tế. Đó là những hành vi vô cùng tỉnh thức mang lại những quả của sự an lành và bình yên.

Chúng ta cần nhắc nhớ chính bản thân mình phải làm điều này: “Mỗi người nên duy trì sự quán tưởng này”. Nó đang nhắc nhớ chúng ta và đang quán tưởng đến sự ứng dụng của chánh niệm. Khi chúng ta buông xả, “không bám vào các định kiến, một người trong sạch, có tầm nhìn sáng rõ, được giải thoát khỏi tất cả những tham dục và không được sinh ra một lần nữa trên thế giới này”. Người nào được giải thoát khỏi tất cả những tham dục và không được sinh ra một lần nữa trên thế giới này chính là một anāgāmi hay một vị A-la-hán, một vị thánh Bất lai hay một vị Giác ngộ một cách đầy đủ. Đó là hành vi thật sự của sự tử tế, trở thành một người có thể thâm nhập một cách đầy đủ vào trong những lời dạy và hoàn toàn giải thoát khỏi những sự vướng mắc của luân hồi.

Tất nhiên, ví dụ gần nhất đối với tôi, một ví dụ hiện thời, là ngài Ajahn Chah. Hình mẫu của Đức Phật vẫn còn đang cộng hưởng sau 2.500 năm. Hành vi của sự buông xả, có thể được giải thoát khỏi tất cả những tham dục, tránh xa khỏi vòng luân hồi đã có một tác dụng mạnh mẽ phi thường đến thế giới.

Thiền sư Ajahn Chah đã nêu gương về tâm từ và có khả năng gợi cảm hứng cho mọi người thực hành. Tôi không biết chính xác có bao nhiêu tu viện ở Thái Lan được liên kết với ngài Ajahn Chah – vài trăm. Và tất nhiên, có các tăng đoàn phương Tây: Hoa Kỳ, Canada, Anh quốc, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, New Zealand, Australia và Malaysia. Các tu viện và rất nhiều những nơi khác đã tăng trưởng chỉ từ những chủ thể nhỏ bé. Giống như là ngài ấy ngồi trên một chiếc lá sen ở ngay giữa tu viện và mọi người đi về phía ngài.

Tâm từ của Thiền sư Ajahn Chah là tâm từ đạt đến quả vị thông qua cam kết đối với sự buông xả. Khi ngài được hỏi, “Điều gì dường như đã làm nên sự khác biệt với ngài?” – Ngài nói, “À, tôi đã luôn luôn muốn tìm thấy một sự kết thúc đối với mọi thứ”. Ngài không hài lòng cho đến khi ngài thật sự tìm thấy một sự kết thúc.

Ngài Ajahn Chah đã có nhiều khó khăn trong sự thực hành. Nó không dễ dàng với ngài. Ở một mức độ nào đó, điều đó có lẽ đã làm cho ngài tử tế và từ bi nhiều hơn, bởi vì ngài có thể hoàn toàn thu nhận những khiếm khuyết của tất cả chúng ta. Ngài có khả năng nhìn thấy được bản chất. Ngài tu tập tâm từ, nhưng nó không giống như là ngài không phải đối diện với sự sân giận, ác cảm hay ác ý của chính mình.

Có một câu chuyện hay về ngài Ajahn Chah. Ngài đang ngồi và thuyết giảng, như thường khi, ở phía dưới nơi ở của ngài. Một nhà chiêm tinh học đến thăm và bị say mê bởi sự hài hước và ấm áp của ngài. Cuối cùng vị ấy lấy hết can đảm để hỏi ngài Ajahn Chah rằng liệu ông ấy có thể nhìn vào chỉ tay của ngài Ajahn Chah hay không. Tất nhiên, ngài Ajahn Chah trêu ông ta và nói, “À, bộ tôi sẽ trúng số hả?”. Vị ấy nhìn vào tay ngài và nói, “Thưa Luang Por, các chỉ tay trên tay của ngài – ngài có nhiều điều sân giận!”. Thiền sư Ajahn Chah mỉm cười và nói, “Vâng, nhưng tôi không dùng đến nó”. Chính những từ ngữ đơn giản đó: bạn không phủ nhận cá tính hay tính khí của mình nhưng bạn có trí tuệ và sự sáng suốt để nói rằng: “Tôi thật sự không muốn lặp lại điều đó. Đã trải nghiệm qua rồi. Đến lúc phải buông bỏ nó”.

Một câu chuyện khác về Thiền sư Ajahn Chah khi ngài đã là trụ trì của tu viện được vài năm. Ngài là một vị “đốc công” thực thụ. Nếu bạn trò chuyện với những vị tăng thật sự cao quý, bạn sẽ nhận thấy không có nhiều điều vui đùa; ngài vô cùng nghiêm túc. Một ngày nọ, sau khi thọ trai, những người khác đã thọ thực xong và rời đi. Khi ngài Ajahn Chah đi ngang qua một vị Sa-di, ngài nhìn thấy vị ấy đang đứng, cầm cái ấm nước lên và thay vì đi tìm một cái cốc để rót nước uống thì lại uống trực tiếp từ chiếc ấm nước. Ngài Ajahn Chah đã mất bình tĩnh. Trước hết, thật khiếm nhã khi một vị tăng hay một vị Sa-di đứng và uống nước. Và kế đến là làm điều đó bằng cách uống trực tiếp từ chiếc ấm nước thì thật là tệ.

Ngài Ajahn Chah nhìn một lượt và chốt cửa ở phía sau vị ấy. Ngài sẽ đánh đòn vị Sa-di này. Vị ấy nhìn thấy ngài Ajahn Chah và bỏ chạy khỏi nơi đó. Ngài Ajahn Chah đuổi theo ngay sau, cố gắng bắt vị ấy lại để đánh đòn. Vị ấy chạy nhanh hơn và đã trốn thoát. Sau đó, ngài Ajahn Chah sực tỉnh ra: ta đang làm gì vậy? Ngài quay trở lại nơi ở của mình và không đi ra ngoài trong ba ngày. Ngài đã ngồi và “làm việc” với cơn giận đó. Ngài đã không bước ra ngoài, không đi khất thực và cũng không ăn gì. Chư tăng nói rằng, sau lần đó không ai nhìn thấy ngài biểu lộ cơn giận một lần nào nữa. Điều đó vô cùng, vô cùng thú vị. Ngài chỉ nhận thức rằng, “Đây là đau đớn, đây là đau khổ và tôi thật sự phải xử lý nó”.

Những bậc thầy có trí tuệ hay lòng bi mẫn không sinh ra theo kiểu đã sẵn như thế – đó không phải cách nó hoạt động. Bạn phải “làm việc” với nó; bạn phải xử lý nó. Cần có sự nhận thức rằng: đây là khổ đau và có một cách để thoát ra khỏi điều này. Điều này cho thấy rằng tái sinh hết lần này đến lần khác, thậm chí nếu nó không dễ chịu thì không đáng để tái sinh. Đây là một món quà lớn lao của sự tử tế đối với thế giới. Đó là điều mà chúng ta có thể đang làm, mỗi người bằng cách riêng của mình. Chúng ta có thể thiết lập chủ ý đó, sự quyết tâm đó. Thiền tâm từ không chỉ là một cách thức khoan dung để làm cho chính bản thân bạn cảm thấy tốt đẹp hơn một chút. Đó chính là sự tu dưỡng các gốc rễ của sự giải thoát của bạn và nhận diện điều gì có lợi ích đối với bạn và tất cả chúng sanh. Vì thế tôi đề nghị điều đó cho sự quán tưởng sáng nay.

[6] Fantasia: một bộ phim hoạt hình do hãng Walt Disney sản xuất năm 1940.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app