Nội Dung Chính
Tu dưỡng tâm từ bằng thiền chánh niệm
Quy Y và Giới Luật
Quy y Tam bảo – Quy y Phật, Pháp, Tăng
kiến tạo nền tảng cho những phẩm chất thiện lành
trong tâm được sinh khởi và được vun bồi.
Tôi xin được chào đón quý vị đã tề tựu về đây và muốn bày tỏ sự cảm kích đối với Susan, Karen và Cassidy đã mang đến cơ hội này cũng như ủng hộ tôi tổ chức khóa tu này. Đây là khóa tu thứ hai mà tôi thực hiện ở California trong vòng 12 năm. Chủ đề của khóa tu là về tâm từ (mettā) và phạm vi để thực hành tâm từ chính là trong khóa tu này. Chúng ta đang có cơ hội để khám phá những biểu hiện, tiến triển và những hàm ý khác nhau của tâm từ.
Theo hiểu biết của tôi, chúng ta không thể tách biệt tâm từ ra khỏi lời dạy của Đức Phật, như hình ảnh đứa trẻ mồ côi đứng một mình. Không phải như vậy. Chúng ta nhặt ra một góc trong những lời pháp của Đức Phật và tất cả mọi thứ, mọi sự thực hành nằm trong vòng liên hệ với giáo nghĩa đó, trong đó có tâm từ. Cũng giống như khi chúng ta túm lấy núm tua rua nhỏ này, tất nhiên mọi vật nằm trong mối tương quan về mặt vị trí với nó đều sẽ bị dịch chuyển vì mọi thứ đều có sự dính kết với nhau. Và chẳng bao lâu, cái bồ đoàn, chiếc chuông và mọi thứ khác sẽ bị kéo đi theo cùng với nó.
Sự giáo huấn về tâm từ cũng nằm trong khuôn khổ của tổng thể một tình huống và bối cảnh. Tất nhiên, một trong những nền tảng cơ bản nhất của mọi lời dạy chính là xác định rõ được yếu nghĩa của quy y và tiếp nhận, thọ trì giới. Đây không phải là một nghi lễ kỳ lạ để chúng ta bắt đầu khóa tu rồi chỉ dừng lại ở đó. Quy y Tam bảo – quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng cho chúng ta nền tảng để làm sinh khởi và vun bồi những phẩm chất thiện lành trong tâm mình. Giới luật giúp chúng ta thiết lập một khung sườn vững chắc về lòng chánh trực, đức hạnh cũng như khả năng nuôi dưỡng lòng chánh trực và những phẩm chất đạo đức tốt đẹp đó cả ở phương diện cá nhân và trong bối cảnh tập thể; còn về niềm tin: đó là niềm tin đối với chính mình và niềm tin vào cộng đồng mà mình là một cá thể bên trong đó.
Suy ngẫm và tưởng nhớ đến Phật, Pháp, Tăng như là nơi nương tựa luôn là sự nhắc nhở quan trọng cho mỗi người chúng ta. Trên thực tế, chúng ta luôn quy y dưới tác động nào đó hoặc trong trạng thái tinh thần bất ổn như khi quẫn bách hay khi quá lo lắng, sợ hãi. Cái tâm của chúng ta sẽ “đi” đến đó và chúng ta “tạo ra” sự quy y của mình. Và chúng ta sẽ phụ thuộc vào sự quy y đó, xây dựng cuộc sống của mình chung quanh sự quy y đó.
Như chúng ta biết, đó không phải là sự quy y thật sự và mỹ mãn nhưng rất nhiều người trong chúng ta quy y với tâm thế như vậy. Giống như định nghĩa của Thiền sư Ajahn Chah về con người: “Con người là thể sống với nhiều các vấn đề”. Mỗi con người đều có một vấn đề với ai đó hay với điều gì đó. Chính điều này làm cho chúng ta cứ luôn bận bịu và tạo ra cái mà chúng ta gọi là mục đích trong cuộc sống của mình. Và sau đó, chúng ta chết đi – cứ như vậy mà tiếp tục, tiếp tục…
Chính vì thế, chúng ta cần định hướng lại để mình có được sự quy y đúng với giá trị đích thực của quy y: Đức Phật là một nhân vật lịch sử và là biểu tượng của những đức hạnh cốt lõi tốt đẹp như trí tuệ, từ bi và thanh tịnh. Dòng đầu tiên trong thời kinh buổi sáng chúng ta tụng đọc là Buddho, susuddho karuṇāmahaṇṇavo. Buddho là người hiểu biết, người có trí tuệ. Susuddho là sự thanh tịnh và karuṇāmahaṇṇavo là đại từ bi.
Thậm chí câu trích dẫn Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa (trong Kệ Lễ bái Phật) cũng biểu đạt cho những phẩm chất cao quý nói trên. Bhagavato là bậc cao thượng, là bậc phát tỏa ra phước lành và lòng từ bi. Arahato là người đã xa rời sự nhiễm ô nên vì vậy rất thanh tịnh. Sammāsambuddhassa là sự tự giác ngộ, trí tuệ Phật.
Khi tưởng tri về Đức Phật, người ta luôn nhắc đến các phẩm chất cao quý của Ngài như trí tuệ, lòng từ bi và sự thanh tịnh. Và tất nhiên đây không phải là những phẩm chất chỉ duy thuộc về Đức Phật, nhưng Ngài là hình mẫu của sự hội tụ những gì tinh hoa nhất để chúng ta tu dưỡng, hướng đến và nương dựa vào đó để tạo ra sự cân bằng trong tâm của mình.
Trí tuệ, từ bi và sự thanh tịnh là những đức hạnh mà chúng ta cần tu dưỡng và chú ý đến khi suy ngẫm về sự thực hành, tu tập cũng như về diễn tiến cuộc sống của bản thân mình. Những phẩm chất này hiện đang có mặt hay không? Tôi có đang mất cân bằng hay bỏ sót, quên lãng điều gì đó hay không? Nếu có, làm sao tôi có thể tái định hình chúng được? – Câu trả lời chính là quay về những phẩm chất tôn quý của Đức Phật.
Pháp là những lời dạy trong ý thức thế gian và cũng chỉ ra chân lý về sự hiện hữu của vạn vật. Có nhiều chân lý mang tính nền tảng mà chúng ta cần nhận thức, thấu hiểu và thể nhập; và khi những chân lý này được nhận thức và được thấu hiểu, chúng sẽ mang đến tác dụng chuyển hóa. Bản thân Đức Phật từng nói rằng dù có hay không sự xuất hiện của Ngài thì vẫn tồn tại chân lý về bản chất của vạn vật. Sự tụ hợp của vạn vật là vô thường và nằm ngoài ước muốn chủ quan của chúng sanh. Vạn pháp, tất cả mọi thứ đều là vô ngã.
Thật là ân đức khi Đức Phật đến và chỉ ra chân lý này nhưng đây cũng là một chân lý tất nhiên, là cách mà vạn vật được biểu hiện. Chúng ta có thể định hướng sự chú ý của mình và nhận thức rõ các chân lý này.
Quy y Tăng, ở mức độ thế gian là bao gồm những vị xuất sĩ đã rời bỏ cuộc sống thế tục, có tâm nguyện tu tập và thực hành tâm linh. Những gương mẫu nàylà nơi nương tựa hữu ích. Đây là một khóa tu diễn ra ở tu viện với sự hiện diện của chư tăng thuộc tăng đoàn. Mỗi người chúng ta đều có những quan điểm khác biệt nhau. Có người nhận thấy điều này là hữu ích nhưng số khác lại cho là không. Dù vậy, đây là dịp may để chúng ta lĩnh hội được tinh hoa của chư tăng tu tập ở gần đây.
Tuy nhiên, khi Đức Phật nói về Tăng đoàn vượt ngoài ý thức thế gian, Ngài đã một lần nữa chỉ đến các phẩm chất của tâm. Trong thời tụng kinh sáng, khi quán tưởng đến ngôi Tăng bảo, chúng ta tụng: Supaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho. Tăng sĩ là những bậc phạm hạnh cao thượng và có sự thực hành miên mật; ujupaṭipanno là trực tiếp thực hành; ñāyapaṭipanno là thực hành để vượt qua khổ đau, để có được sự hiểu biết và tri thức; sāmīcipaṭipanno là thực hành đúng Chánh pháp và luôn chánh trực. Đây cũng là các phẩm hạnh cao quý của những bậc đã và đang tiến vào quả vị của con đường tu tập của mình như: con đường Nhập lưu (quả vị Tu-đà-hoàn), con đường Nhất lai (quả vị Tư-đà-hàm), con đường Bất lai (quả vị A-na-hàm) và con đường A-la-hán (quả vị A-la-hán).
Khi vân tập về một khóa tu để cùng nhau thực hành giáo pháp, chúng ta sẽ giữ tám giới trong suốt thời gian tu tập. Ở đây, dù có sự đơn giản hóa nhưng tám giới vẫn được xem là căn cứ nền tảng. Có một thời pháp hay mà Đức Phật đã thuyết cho Thánh nữ Visākhā, một trong những nữ đệ tử lỗi lạc của Ngài. Khi đó, Đức Phật đã tán dương những cư sĩ tại gia duy trì việc thực hành giữ tám giới một ngày một đêm (tu Bát quan trai giới), mỗi tuần một lần. Tiếng Pali gọi là Uposatha. Theo truyền thống, cư sĩ tại gia thọ tám giới vào buổi sáng và giữ tám giới trong một ngày và một đêm.
Theo lời Đức Phật, A-la-hán là những bậc giác ngộ hoàn toàn, sống cuộc đời không gây nhiễu hại, không lấy đi sinh mệnh của bất kỳ chúng sanh nào. Người cư sĩ tại gia có thể sống như các vị A-la-hán trong một ngày một đêm và không sát sanh. Các bậc A-la-hán sống cả đời không lấy bất cứ cái gì không phải của mình hoặc không được cúng dường, cả đời không trộm cắp và luôn luôn thành thật. Trong một ngày một đêm, bạn sống như một bậc giác ngộ, kiềm chế mình không lấy, không chạm những vật không được cho phép,… thông qua việc thọ giữ tám giới.
Đó là cách những bậc giác ngộ sống; đó là sự cấu trúc chặt chẽ của những bậc giác ngộ. Đối với chúng ta, tập trung và dành ra một tuần lễ cho khóa tu này là một cơ hội rất đặc biệt. Đôi khi, sự chú tâm và tập trung sẽ không được nhiều khi ta hỏi một ai đó trong thời gian tham dự khóa tu. Sẽ có người đáp, “Ồ, tâm của tôi rất lộn xộn; tôi đau chỗ này, tôi đau chỗ kia; có cái này, có cái kia”. Sẽ không có ai trả lời rằng: “À, tôi đã trải qua một tuần trong sự giản dị, sống như những bậc cao quý”. Và mọi thứ sẽ kết thúc bằng sự dính mắc vô vọng vào “cái tôi”, vào “cái tâm của tôi”.
Không phải dễ dàng để có thể nói rằng: “Tôi đã có cơ hội sống thật đơn giản trong suốt một tuần nay. Và điều này thật tuyệt vời”. Những ai nói được câu này là đã có được kết quả tốt đẹp từ khóa tu. Chúng ta cũng đang trải nghiệm tu học trong một môi trường vô cùng lý tưởng – cõi trời thanh tịnh ở ngay đây, nơi có khu rừng xinh đẹp bao quanh.
Chúng ta có được cơ hội để đến và thực tập ngồi thiền, kinh hành cùng nhau, được quy y, thọ và giữ giới. Chủ đề của khóa tu là tâm từ và tôi sẽ khuyến khích để mọi người làm được điều này trong suốt thời gian tu tập cùng nhau, trong môi trường của tâm từ. Thực hành thiền định và đi kinh hành là để nuôi dưỡng tâm từ.
Theo thông lệ, trong các phương thức cố hữu giúp nuôi dưỡng tâm từ, người đầu tiên bạn cần phát khởi tâm từ của mình đến là chính bản thân mình. Vì vậy, hãy tử tế với chính mình trong thời gian diễn ra khóa tu. Đây chính là cơ hội tuyệt vời để dành thời gian cho sự vắng lặng và yên tĩnh, nuôi dưỡng sự chánh niệm và duy trì sự tỉnh thức một cách liên tục. Hãy tận hưởng những điều này. Đừng tự đưa mình vào những điều phiền toái không đáng có.
Tôi nghĩ chúng ta không thể tách rời tâm từ ra khỏi pháp Phật hay bất cứ điều gì khác. Những sự thực tập như buông xả, không tranh chấp – tị hiềm chính là nơi mà từ đó tâm từ được khởi sanh. Khi chúng ta buông xả các trạng thái cảm xúc, sự ám ảnh, những mối lo lắng và sự sợ hãi thì sẽ còn lại điều gì? – Cái còn lại chính là tâm từ. Chúng ta không ganh đua, không tranh đấu, không phản kháng, không cảm thấy đối nghịch với thời tiết, với hoàn cảnh, với con người xung quanh chúng ta hay với chính bản thân mình, trong nội tại của chính mình thì sẽ không có sự tranh chấp, không có sự tranh đấu, phản kháng và sẽ không có sự bất như ý. Theo đó, tâm từ có thể được khởi phát một cách tự nhiên như là kết quả của những “cái không” vừa nói trên.
Là một ý tưởng hay để xem xét chúng ta đang duy trì sự thiền tập như thế nào khi mới bắt đầu sự thực hành này. Khi chúng ta dành thời gian để thiết lập và chú tâm vào việc ngồi thiền, hãy thả lỏng cơ thể và tỉnh giác, hãy hỏi rằng: “Tôi đang duy trì sự thiền định ở đâu, tôi đang nương giữ mình ở đâu?” – Hãy đáp: “Ổn rồi, chúng ta hãy thư giãn và định tâm”. Dành ra vài phút để quét toàn bộ cơ thể, chú tâm: “Chúng ta hãy thư giãn, chúng ta hãy định tâm”. Hơi thở vào và ra, hướng chuyển sự tập trung vào hơi thở và chấp nhận các cảm thọ để định tâm. Sau đó, thiết lập sự tỉnh giác một cách liên tục với đối tượng của thiền định.
Tôi nhận thấy rằng hình như mỗi người đều có kinh nghiệm về thiền định. Mỗi người đều có cách riêng của mình mà họ cảm thấy dễ chịu hoặc quen thuộc khi hành thiền. Theo xu hướng và sự dễ chịu quen thuộc của tôi, tất cả đều được thực hiện bằng sự chánh niệm trong hơi thở. Vì vậy trong những lúc hướng dẫn, hầu như tôi sẽ luôn sử dụng điều đó – sự chánh niệm trong hơi thở, như một khung sườn trong thực hành thiền định chuẩn mực.
Nếu bạn đang sử dụng một đối tượng khác vì lý do nào đó, bạn sẽ dễ ngoại suy sự hướng dẫn về chánh niệm bằng hơi thở và chuyển nó thành bất kỳ một phương pháp hay kỹ thuật nào đó mà bạn đang sử dụng. Điều này tương tự như với thiền hành. Hãy tìm một vị trí mà bạn cảm thấy thoải mái. Nếu bạn thích bóng râm, hãy chọn nơi có bóng râm. Nếu bạn thích ánh sáng mặt trời, hãy chọn nơi có ánh sáng mặt trời. Hãy tìm một con đường xinh đẹp, bằng phẳng và đủ dài để cảm thấy thoải mái – con đường khoảng 20, 25, 30 nhịp bước hay nhiều hơn cũng được. Nếu con đường quá dài, tâm ta sẽ dễ dàng vọng tưởng. Nếu con đường quá ngắn thì ta sẽ khó định tâm, đi tới đi lui nhiều lần. Hãy tìm kiếm điều gì đó thoải mái cho bạn.
Đề mục cơ bản cần bàn đến là làm sao để sự thực hành này được thoải mái, dễ dàng đối với cả việc tọa thiền lẫn thiền hành. Hay nếu bạn muốn thiền đứng, bạn có thể thiền đứng. Xin nhắc lại một lần nữa, vấn đề không phải là tư thế hay phương pháp mà quan yếu nhất vẫn là làm sao để có thể định tâm, tập trung vào đối tượng của thiền định, thực hành và duy trì trạng thái định tĩnh đó. Tâm chúng ta đi đâu? Tâm chúng ta có đang bị buông lung? Tâm chúng ta có thiếu tỉnh thức và u mờ không? Hay tâm chúng ta đang trở về trong sự nhỏ hẹp và bị trói buộc một cách chật chội?
Hãy quan sát dòng tâm thức của mình. Duy trì trạng thái cân bằng là sự thực hành quan trọng. Làm thế nào để duy trì được sự tỉnh thức một cách liên tục? Nếu duy trì được sự tỉnh thức một cách liên tục thì đó chính là lúc tâm chúng ta được an tĩnh. Tâm chúng ta không thể trở nên tĩnh lặng được khi ta bắt ép tâm mình vào một đối tượng nào đó và kềm cột nó ở đó. Thậm chí khi bạn cột được tâm mình lại, tâm của bạn cũng không ở trạng thái định tĩnh thật sự.
Để định tâm, cần thiết phải có sự cân bằng của nguồn năng lượng và sự dễ chịu. Nếu có quá nhiều sự thúc ép, sự căng thẳng sẽ phát sinh; còn nếu quá buông lơi thì tâm của chúng ta sẽ lang thang, mờ mịt và bị trôi dạt. Chúng ta cần cân bằng tâm của mình bằng cách “làm việc” với đúng hành trạng của nó.
Ngồi, đi lại, đứng hay nằm – sự duy trì các trạng thái này một cách liên tục sẽ giúp tâm an định. Đức Phật nói về sự tu dưỡng chánh niệm trong cả bốn tư thế này. Và cần thiết phải phát triển sự duy trì liên tục đối với các tư thế khác nhau nói trên.
Tôi còn nhớ sự tu tập của mình khi năm đầu tiên là tu sĩ. Thời công phu tối ở tu viện là một giờ tọa thiền, một giờ thiền đứng và một giờ thiền hành cùng với tụng kinh vào đầu hoặc cuối thời công phu. Đó là thời lượng của thời công phu tối, một giờ đồng hồ cho mỗi phương thức thiền. Tôi nhớ khi mới bắt đầu tôi từng nghĩ rằng: “Chà, thật tuyệt. Họ thực hành thiền. Sẽ ổn thôi mà. Đầu gối của tôi sẽ làm tôi tiêu mất khi tọa thiền”.
Sau đó tôi nhận ra rằng cơn đau đã “đi” đâu đó rồi. Điều ta đang làm với thân của mình là trải nghiệm sự không thoải mái. Và điều cần làm là thư giãn với cơn đau hay sự khó chịu của các bộ phận cơ thể và tu dưỡng tâm từ.
Tôi còn nhớ trong một mùa an cư sau khi xuất gia được 15 hay 20 năm gì đó, tôi đã thực hành thiền nằm trong suốt mấy tháng. Vì bị gãy vùng xương chậu nên tôi không thể chọn phương thức thực hành nào khác. Nhưng tôi ở trong một môi trường rất yên lặng và thanh bình. Tôi đã “vận động hành lang” một bác sĩ, vị hộ pháp của tu viện và ông ấy đã đưa tôi khỏi bệnh viện để trở về tu viện. Tôi nhớ đã nói với ông ấy rằng, “Dù tôi có ở bệnh viện hay ở tu viện thì tôi cũng chỉ phải nằm mà thôi. Tôi sẽ hạnh phúc hơn nhiều khi được ở trong tu viện”.
Chúng ta nhận thấy rằng duy trì sự tỉnh thức liên tục và chánh niệm trong mọi hoàn cảnh là điều quan trọng chứ không phải là một tư thế hay kỹ thuật đặc biệt nào đó. Kỹ thuật và tư thế là cần thiết nhưng đó chỉ là công cụ và việc chúng ta dùng các công cụ đó như thế nào mới là quan yếu. Trong suốt một tuần lễ của khóa tu, các bạn hãy chú tâm. “Làm thế nào tôi có thể duy trì sự thiền tập? Làm thế nào tôi có thể duy trì được sự nhận biết của mình? Làm thế nào để thân tôi được định? Làm thế nào để xử lý những vọng tưởng khởi lên trong tâm? Tôi nên làm gì khi những suy tưởng về những người xung quanh xuất hiện trong tâm mình? – Đây thật sự là những điều rất quan trọng.
Tâm của chúng ta trong khóa tu nuôi dưỡng tâm từ có thể khởi lên rằng, “Tất cả những người khác đều bình yên. Tại sao tôi lại không được như vậy?”. Tất nhiên mỗi người xung quanh đều có suy nghĩ giống nhau, đó là: “Trông những người này có vẻ hạnh phúc và tử tế; họ thật sự đã có được tâm từ. Còn tôi, rõ ràng là chưa có được tâm từ”.
Chúng ta có thể xem tâm từ là một đề mục và đôi khi diễn biến của thế giới xung quanh hay những điều xung quanh rất dễ làm chúng ta bức xúc. Nhưng điều đó thật sự không quan trọng. Chúng ta kiểm soát điều này bằng cách nào? Điều gì thật sự phát khởi trong tâm chúng ta và chúng ta có liên hệ như thế nào với chúng? Làm thế nào để có thể sắp xếp các tầng lớp của những sự trải nghiệm của chúng ta?
– Đó chính là nơi tâm từ hiện diện, là nơi chúng ta không có ý niệm nào về sự ganh ghét, là nơi có sự buông xả: “Đây là điều sẽ xảy ra?
– Ồ, đó có thể là sự buông xả. Tôi không phải hơn thua với nó. Quay trở lại với hơi thở, quay trở lại với những bước chân, quay trở lại với sự tỉnh giác liên tục”.
Đây là những sự quán chiếu trước khi bắt đầu khóa tu học.