Nội Dung Chính
Tu dưỡng tâm từ bằng thiền chánh niệm
Kinh từ bi
Đức Phật đã chỉ ra điều này một cách khá rõ ràng.
Có một sự an lành bên trong, bắt nguồn từ việc
hướng chuyển bản thân chúng ta đến sự thiện xảo.
Hôm qua, tôi đã giới thiệu một phương pháp tu dưỡng tâm từ bằng việc sử dụng các cụm: “Tôi mong được an lành, hạnh phúc, bình yên. Tôi mong không có điều tai hại nào xảy đến với mình. Tôi mong không có khó khăn nào xảy đến với mình. Tôi mong không có bất ổn nào xảy đến với mình. Tôi mong luôn có được sự thành tựu tâm linh. Tôi mong luôn có được lòng nhẫn nại, sự tinh tấn, thấu hiểu và quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn, bất ổn cũng như những thất bại không thể tránh khỏi trong cuộc đời”.
Sau đó, chúng ta đã sử dụng những cụm tương tự như vậy để khởi phát sự quán tưởng tâm từ đến cho cha mẹ, những người thầy, gia đình, bạn bè, những người không thân thiện với chúng ta và sau đó là cho tất thảy chúng sanh. Tôi nghĩ rằng công dụng của các ngữ này là một sự nhắc nhở hữu ích để nỗ lực điều chuyển sự chú tâm của mình đến một cảm giác đặc biệt. Cảm thọ của tâm từ là đối tượng của thiền tập trong sự thực hành này: cảm giác như thật, một cảm xúc bên trong tâm. Đó là những gì chúng ta cố gắng làm phát sanh, khuyến khích và duy trì. Khi chúng ta điều chuyển sự chú tâm của mình, cũng giống như chúng ta bước vào và ở lại bên trong cảm thọ đó, cho phép tự nó được thiết lập.
Tôi nghĩ điều này cũng khá quan trọng, xét về sự tu dưỡng tâm từ, cái mà chúng ta gọi là mettā-nimitta, biểu hiện hay dấu hiệu đạt được của tâm từ. Hãy tìm một nơi mà cảm thọ của tâm từ tự thân nó bắt đầu thiết lập và sau đó bảo vệ nó. Kế đến, sử dụng các ngữ khác nhau để cố gắng khuyến khích, nuôi dưỡng và duy trì tâm từ một cách thiện xảo để cho tâm từ có thể tăng trưởng và mở rộng ra.
Đôi khi cũng có bất ổn với ngôn ngữ: điều chuyển sự chú tâm đến cha mẹ và những người thầy không giống như nắm lấy tâm từ rồi tỏa phát nó ra lối này và lối kia, phóng xuất nó ra ngoài rồi tỏa chiếu nó. Nó thiên về ý nghĩa bắt đầu với điều gì đó như một tia sáng nhỏ và cho phép con tim của chúng ta trở thành mạch dẫn của tâm từ. Điều chúng ta cần làm tiếp đến là mở rộng mạng mạch đó ra, mở rộng phạm vi của tâm từ để nó bao gồm cha mẹ, gia đình, những người thầy, những người bằng hữu và đồng thời tất cả chúng sanh trong đó.
Như một sự lựa chọn, chúng ta đang thiết lập cứ địa của tâm từ, biểu hiện của tâm từ, ổn định nó, trưởng dưỡng nó và sau đó mời cha mẹ, những người thầy và bạn bè của chúng ta đi vào bên trong đó. Hãy để cho họ đi vào trong phạm vi ấy, hãy dung chứa họ trong đó để cứ địa của tâm từ được có mặt ở ngay đây, trong thân và tâm, trong giây phút hiện tại. Đây chính là nơi cứ địa của tâm từ hiện diện – sau đó hãy cho phép nó dung chứa những chúng sanh khác, mời gọi và trải rộng nó ra để nó không loại trừ bất cứ gì cả.
Do vậy, đây là sự tiếp cận khác trên phương diện ổn định sự tập trung và sử dụng nó như một sự thiền tập để mang đến chiếc neo vững chắc trong tâm. Điều này khá quan trọng, sự chuyển biến này của góc nhìn chính là để có được mạng mạch ổn định của tâm từ; để sau đó mở rộng nó ra, để cho nó dung chứa tất cả những chúng sanh khác nằm trong vòng liên hệ với chúng ta. Điều đó không bao giờ bị chia cắt hay tách biệt khỏi tâm từ mà được thiết lập dành cho chính bạn. Đó là cứ địa mà bạn luôn quay về và nương vào: “Tôi mong được an lành, hạnh phúc, bình yên. Tôi mong không có điều tai hại nào xảy đến với mình. Tôi mong không có khó khăn nào xảy đến với mình. Tôi mong không có bất ổn nào xảy đến với mình. Tôi mong luôn có được sự thành tựu tâm linh. Tôi mong luôn có được lòng nhẫn nại, sự tinh tấn, thấu hiểu và quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn, bất ổn cũng như những thất bại không thể tránh khỏi trong cuộc đời”.
Điều này luôn được an cứ trong sự tôn trọng, tử tế và những ước nguyện tốt đẹp hướng về cho bản thân chúng ta. Đó không phải là ích kỷ. Đó là một sự thực tập thiết thực, để có thể tự chăm sóc bản thân mình, để bạn có được những nguồn tài nguyên mà giúp đỡ người khác.
Trong những ngày này, tôi sẽ giới thiệu một vài phương pháp, lựa chọn khác nhau và các ngữ để thực hành tâm từ. Cái nào phù hợp với bạn? Cái nào bạn cảm thấy ý nghĩa?
Hôm nay chúng ta sẽ nhận diện những lời dạy của Đức Phật về tâm từ, là một trong những bài kinh chúng ta tụng đọc. Đó có lẽ là sự biểu đạt nổi tiếng nhất về tâm từ mà Đức Phật đã dạy. Mô thức của sự hướng chuyển tâm từ đến cho bản thân bạn, cha mẹ, những người thầy và bạn bè có lẽ là cấu trúc phổ biến nhất. Tuy nhiên, bài kinh đặc biệt này là sự giáo huấn nổi tiếng nhất về tâm từ trong kinh điển.
Tôi đã nghe một số học giả Pali khác nhau, những người thông thạo tiếng Pali, các vị Tỳ-kheo Bodhi và Bhante Gunaratana, nói rằng đây chính là bài pháp mỹ lệ nhất trên phương diện văn tự Pali. Không thừa một từ nào ở bất kỳ chỗ nào; tất cả đều hoàn hảo. Tất nhiên, trong nỗ lực chuyển dịch mọi thứ sang tiếng Anh, bạn cố gắng hết khả năng của mình và có nhiều bản dịch khác nhau. Nét đẹp của internet chính là bạn có thể tìm thấy khá nhiều các bản dịch khác nhau của Kinh Từ bi.
Một trong những điều hết sức ấn tượng, thể hiện ở chỗ đây chính là bài pháp về tâm từ của Đức Phật được biết đến nhiều nhất và chiếm khoảng 1/3 chiều dài dẫn dắt vào kinh, trước khi Đức Phật đề cập đến tâm từ. Tôi nghĩ điều này thật tuyệt vời, trong ý nghĩa rằng tâm từ phải được tu tập nhưng chúng ta cũng nên làm điều gì đó để đạt đến cột mốc đó. Chúng ta cần phải thiện xảo trong điều tốt lành và biết được lộ trình của bình yên. “Hãy làm cho chúng khả dĩ, chánh trực, thẳng thắn và hòa dịu trong lời nói”.
Đây không chỉ là một hiện tượng của tâm. Chúng ta không thể chỉ chộp lấy cảm thọ của tâm từ trong thinh không của các trạng thái tâm và sau đó nắm giữ nó. Không phải như vậy. Tâm từ sanh khởi qua những hành động và lời nói của chúng ta. Đây là nền tảng mà chúng ta cần thâm nhập vào: ý thức về hành động là khả dĩ và chánh trực hay lời nói phải thẳng thắn và trực tiếp.
Khi tụng đọc sự quán tưởng về Tăng bảo, từ ngữ tương tự như vậy xuất hiện: uju – trực tiếp, thẳng thắn, chánh trực, thực hành một cách trực tiếp. Hãy thẳng thắn trong phát ngôn, trực tiếp nhưng cũng phải nhã nhặn. Có một thành ngữ sống động trong kinh văn: “Tấn công nhau bằng những con dao ngôn từ”. Đây là một câu khác: “Có người được sinh ra với cái rìu ở trong miệng”. Lời nói cũng khắc nghiệt, gây sát thương và cũng tàn phá như hành động; vì vậy điều quan trọng là cần phải hòa dịu cũng như thẳng thắn trong lời nói.
Phẩm chất “khiêm tốn và không tự phụ”: có sự mềm dịu và phẩm chất của sự hài hòa khởi sanh trong điều kiện khi ai đó có sự khiêm nhường và không mang trong mình sự kiêu mạn về tầm quan trọng và giá trị của bản thân mình. “Cảm thấy thỏa mãn và dễ hài lòng”: tương tự như vậy, để có thể hòa hợp trong cộng đồng con người với nhau, ý niệm về sự thỏa mãn và dễ hài lòng là phẩm chất cho phép chúng ta hòa nhập được với nhau. Nếu chúng ta thấy bất mãn và khó hài lòng, cộng với các nhu cầu liên tục được phát sinh, dù là nhu cầu về vật chất hay cảm xúc thì cũng như chúng ta đang luôn đi trên vỏ trứng vậy. Sẽ khó hòa hợp. Một lần nữa, có một thành ngữ trong kinh văn là: “hòa nhau như nước với sữa”.
Có một bài pháp lóe ngay lên trong tâm tôi (Kinh Trung Bộ 128). Trong thời điểm Đức Phật tạm rời khỏi cộng đồng tăng chúng vì Ngài cảm thấy chán ngán. Các vị tăng tranh cãi với nhau và không chịu nghe lời khuyên dạy của Ngài. Ngài đi vào một khu rừng, nơi có một số vị tăng đang sinh sống. Một trong số đó là em họ của Đức Phật, Tôn giả Anuruddha (A Nậu Lâu Đà).
Đức Phật đến và hỏi chư tăng, “Các người có chung sống một cách hòa hợp không? Các người có chung sống hòa hợp như nước với sữa không?”. Đó là hình ảnh được sử dụng để chỉ rằng ý niệm về sự thỏa mãn và dễ hài lòng là nguồn căn của sự an lành nội tại cũng như an lành bên ngoài.
“Không cảm thấy bị gánh nặng bởi trách nhiệm và sống thanh đạm”: không có quá nhiều món trên đĩa của chúng ta, không lấy nhiều hơn số thức ăn có thể ăn. Sống một cách giản dị: đây là những cách giúp chúng ta có được sự dễ chịu trong tâm và sau đó có thể được chuyển dịch để trở thành sự tu tập cho xúc cảm trưởng thành như tâm từ. “Bình yên và định tĩnh, sáng suốt và thiện xảo”: đây là những phẩm chất chúng ta nên nhắc nhở mình hướng đến, trong ý nghĩa rằng nên mang chúng vào trong đời sống hàng ngày của chúng ta, những phẩm chất của sự định tĩnh và sáng suốt. Khi đưa ra các quyết định, không y theo sở thích của chúng ta, điều chúng ta lý tưởng, mà hãy hỏi rằng: “Cái gì thật sự thiện xảo, lành thiện và có lợi ích? Cái gì không mang lại lợi ích cũng không thiện xảo, cái gì bị thúc đẩy bởi những thành kiến của cá nhân bạn hay những định kiến của xã hội xung quanh bạn?”.
Đức Phật định nghĩa rằng, điều gì là thiện xảo thì luôn thiết thân với việc dẫn tới hạnh phúc, bình yên và một sự giải thoát khỏi những sự nhiễm ô và những điều ngăn che. Cái gì là phi thiện xảo, đối lập với thiện xảo, là điều có liên quan đến khổ đau, dukkha. Nó nhiễu loạn tâm, gây bất an và gắn liền với tham, sân, si.
Việc hỏi rằng, “Cái gì thật sự là thiện xảo và mang lại lợi ích?” thì hữu ích trong việc đưa ra các quyết định, hơn là “Tôi có thích điều đó không? Tôi không thích điều đó chăng? Người nọ sẽ nghĩ gì? Quan niệm phổ biến của nhóm người đặc biệt này là gì?”. Đức Phật đã chỉ ra điều này một cách khá rõ ràng. Có một sự an lành bên trong, bắt nguồn từ việc hướng chuyển bản thân chúng ta đến sự thiện xảo.
“Không kiêu hãnh và đòi hỏi về bản chất. Đừng để chúng dẫn dắt điều nhỏ nhặt nhất mà người có trí sẽ khiển trách sau đó”. Nếu chúng ta mong muốn để tâm và lo lắng về điều người khác sẽ suy nghĩ, hãy căn cứ trên những chuẩn mực của người nào đó thật sự có trí và sử dụng điều đó như một bảng tham chiếu.
“Ước muốn được ở trong niềm hân hoan và trong sự bảo hộ, mong cho mọi loài đều được dễ chịu”. Trong tiếng Pali là Sukhino vā khemino hontu, sabbe sattā bhavantu sukhitattā. Sukhino là hạnh phúc, với niềm hân hoan và an lành: mong cho họ được hạnh phúc; mong cho họ trải nghiệm được sự an lành. Khemino là sự an toàn, sự bảo hộ, sự ổn định, giải thoát khỏi bất kỳ mối đe dọa nào. Sabbe sattā bhavantu sukhitattā: mong tất cả chúng sanh đều mang hạnh phúc và an lành vào trong bản thể; mong họ được dễ chịu.
Hãy thiết lập ước nguyện đó, suy nghĩ đó và khát vọng đó. Kế đến, Đức Phật đã khuyến khích chúng ta trải rộng nó ra. “Bất cứ chúng sanh nào có mặt; dù họ ốm yếu hay mạnh khỏe, không loại bỏ một ai; kẻ vĩ đại hay quyền thế, vừa, thấp hay nhỏ bé”. Yếu hay mạnh không chỉ là thuộc tính về thể chất. Nó cũng có thể là thuộc tính xã hội, dù họ mạnh mẽ hay là người khuyết tật. Đó không chỉ dù họ là những người yếu đuối, thể trọng chưa đầy 45 ký hay là nam vương. Nó được xét đến nhiều hơn trong sự biểu hiện về thể chất, xã hội hay cảm xúc.
Dù yếu hay mạnh, mỗi chúng sanh đều xứng đáng với ước muốn “Mong cho họ được dễ chịu”, vì dù họ yếu hay mạnh, họ cũng khổ đau. Thiền sư Ajahn Chah nói: “Người nghèo khổ đau theo kiểu người nghèo, người giàu khổ đau theo kiểu người giàu; người thông minh khổ đau theo kiểu người thông minh; và người không được thông minh khổ đau theo kiểu người không được thông minh”. Đó là sự bình đẳng của vũ trụ này: chúng ta tất cả đều khổ đau.
Tôi nhớ Thiền sư Ajahn Chah từng trêu chúng tôi – những người phương Tây vì nhìn chung chúng tôi được học hành nhiều hơn so với hầu hết các vị tăng Thái Lan – những vị đến học pháp, rèn luyện và thọ giới với ngài. Khi ngài được nhiều người biết đến hơn, có nhiều vị sư Thái Lan ở Bangkok đến học pháp với ngài hơn, những vị có học vấn tốt. Đó luôn là điều thích thú với ngài. Ngài sẽ nói, “Các người biết đó, con người ta đi và học rồi họ lấy bằng cử nhân, nhưng sự nhiễm ô của họ cũng ngang mức cử nhân. Sau đó, họ lấy bằng thạc sĩ và sự nhiễm ô của họ cũng đạt mức thạc sĩ. Họ nói rằng, à, điều này chưa làm hài lòng; vì thế họ quyết định lấy bằng tiến sĩ, nhưng sau đó sự nhiễm ô của họ cũng đạt đến tầm tiến sĩ”.
Đó là bản chất tự nhiên của con người – bị đắm chìm trong tham, sân và si mà không có được sự giải thoát tri kiến. Chúng ta thảy đều khổ đau. Việc khởi phát tâm từ làm cắt ngang “biểu đồ” đó.
Một điều khác mà Thiền sư Ajahn Chah đã nói – tôi không thể kháng cự – ngài trêu những người phương Tây chúng tôi vì chúng tôi đến từ một xã hội giàu có và có học vấn: “À, người phương Tây các vị giàu có và có học thức. Hãy nhìn những con chim kền kền kia – chúng bay thật sự cao nhưng hãy nhìn thứ mà chúng đáp xuống để ăn”. Điều này luôn là điều vui thích với ngài.
Bài kinh tụng hàm chứa thông điệp về sự trải phát tâm từ đến cho tất cả chúng sanh, “loài hữu hình và vô hình”. Một lần nữa, chúng ta nhận thức rằng thậm chí nếu chúng ta không nhìn thấy hay không biết đến họ bằng nhãn quan thông thường, chúng ta biết rằng tất cả chúng sanh đều xứng đáng và đều sẽ hồi đáp lại lời ước nguyện được sống trong sự bảo hộ và hạnh phúc. “Sống ở gần hay ở nơi xa xôi, những chúng sanh đã sinh ra và sắp được sinh ra”. Trong tiếng Pali, đó là sambhavesī vā – trạng thái thân trung ấm, là những chúng sanh đang tìm kiếm sự ra đời: Họ không biết họ đang lâm vào cảnh gì. Họ nghĩ rằng, “Trời ơi, tôi không thể chờ để được sinh ra”. Họ chán nản với điều gì đó, bất cứ cõi nào nơi họ hiện diện và họ nghĩ, “Tôi muốn được sanh ra, tôi muốn được tái sanh”. Tất nhiên, đó là một cái vòng – nó cứ xoay vòng, xoay vòng.
Vì thế khi có được nhận thức sâu sắc về sự tử tế và từ bi đối với mọi chúng sanh -Sabbe sattā sukhitā hontu, “Mong tất cả chúng sanh đều được dễ chịu”. Sabbe sattā bhavantu sukhitattā, “Mong tất cả chúng sanh đều mang hạnh phúc vào trong bản thể” – sau đó quay trở lại cách mà chúng ta chung sống với nhau, sống với tâm từ.
“Đừng để người dối gạt người”: cam kết với điều chân thật và thẳng thắn thật sự trong đối đãi với nhau; một lần nữa, hãy nhận diện rằng để chúng sanh có thể có được ý niệm về sự bảo hộ và hạnh phúc là bằng cách có được ý thức về sự tin tưởng dành cho nhau. “Đừng để người lừa dối người”. Hãy cam kết một cách vững chắc với điều gì đó đúng đắn và cố gắng càng chánh trực và càng minh bạch với nhau càng tốt.
Cũng thật tốt để hướng chuẩn đến điều đó, cũng hãy mang phẩm chất đó quay trở lại với ý thức về sự hòa dịu trong lời nói, vì đôi khi chúng ta có thể tiếp nhận chân lý như một điều lý tưởng và quên đi ảnh hưởng của nó những người xung quanh. Sự thiện xảo là rất quan trọng trong cách chúng ta đối đãi với nhau.
“Cũng không khinh miệt bất cứ ai ở bất kỳ trạng thái nào”: có một xu hướng phổ biến ở con người là tâng bốc mình lên bằng cách hạ bệ một người khác. “Khinh miệt” là từ ngữ rất mạnh, nhưng nó mang trường nghĩa xem thường một ai đó, làm ngơ với họ hay xem nhẹ họ theo cách nào đó. Là con người, chúng ta dễ dàng làm điều đó vì có ý niệm rằng chỉ trích hay có thể hạ bệ ai đó xuống để nâng mình lên một chút. Đó là một trạng thái tâm không đẹp đẽ chút nào.
Trước lúc đến Thái Lan, tôi đã đi một vòng khắp thế giới trong khoảng một năm và sau đó thọ giới thành tu sĩ Phật giáo. Sau khi trở thành tu sĩ được khoảng 16 năm, tôi quay trở lại thăm Canada lần đầu tiên. Sau thời gian lưu trú tại các tu viện ở vùng nông thôn đông bắc Thái Lan – nơi có nền văn hóa khá hòa dịu, tôi nhận thấy khá xót xa khi nhìn cách người ta phát ngôn, trò chuyện và hạ bệ nhau. Bị phơi bày bởi truyền thông và sự mỉa mai, những chỉ trích nhằm hạ bệ nhau và những lời bình luận đầy ác ý: Tôi cảm thấy thật xót xa.
Điều này là bình thường. Tôi không cho rằng gia đình tôi tốt đẹp hơn bất cứ ai khác. Thật ra, họ khá tốt. Đó chỉ là tập tục văn hóa. Tôi nghĩ thật quan trọng để nhận thức được điều đó, để chúng ta không dấn thân vào việc hạ bệ bất kỳ một ai theo bất cứ cách nào – chế giễu họ, chỉ trích hay châm chọc họ.
“Đừng để bất cứ gì, sự sân hận hay ác ý, ước muốn bất thiện đến cho người khác”: điều này có nghĩa là bảo vệ và duy trì những suy nghĩ về tâm từ và về những ước nguyện tốt đẹp, hay ít nhất là sự trung lập. Và sau đó có hình ảnh:
“Như tấm lòng người mẹ,
Đối với con của mình,
Trọn đời lo che chở,
Con độc nhất mình sanh”
Đức Phật sử dụng một cách rất có ý thức hình ảnh nguyên mẫu của một người mẹ, người đã trở nên đồng nhất với con mình. Đó là đứa con duy nhất của bà và vì vậy, có một ước nguyện tốt đẹp không ngơi nơi bà. Thậm chí nếu một người mẹ không ở ngay bên cạnh con mình, không có sự kết nối với con mình. Âm thanh yếu ớt nhất cũng kéo người mẹ quay trở lại để xác chứng và chắc chắn rằng con bà vẫn đang an lành, vì vậy hình ảnh này rất phù hợp.
Sau đó, Đức Phật nói rằng, “Chúng ta nên yêu thương tất cả chúng sanh bằng một trái tim rộng mở không giới hạn”. Ý nghĩa là, trong cách người mẹ không hề nghĩ về bản thân mình và suy nghĩ đầu tiên nhất của bà là dành cho con mình; chúng ta, cũng như vậy, cũng có phẩm chất vô biên ấy thể hiện qua việc chúng ta không đang nghĩ đến bản thân mình nữa, chúng ta đang đặt bản thân mình qua một bên. Chúng ta thiết lập phẩm chất của yêu thương tất thảy chúng sanh và tỏa phát sự tử tế, để cho ý nghĩ và cảm thọ của sự tử tế, của tâm từ được quyện chảy: “Mở rộng đến khắp các phương trời cao bao la và đến thẳm tận các lòng đất sâu cùng, mở rộng ra bên ngoài và vô biên, giải thoát khỏi mọi sự sân hận và ác ý”.
Có ý niệm về sự phát tỏa không bị chướng ngại và không có sự phân biệt. Không nói rằng, “Tôi sẽ phát tỏa tâm từ lên trên, xuống dưới, ra ngoài mọi phương hướng khắp nơi nơi, trừ người đó ra”. Chúng ta không nên có sự giới hạn đó.
Điều này nhấn mạnh giá trị của sự giải thoát khỏi thù ghét và ác ý và rằng nền tảng của tâm từ là sự an trú trong vô sân. Nó không bị sập bẫy bởi sự tiêu cực, ác cảm, ác ý hay sự bực bội. Quan trọng là cần nhận diện được rằng dù những suy nghĩ về sự bực bội có thể xuất hiện trong tâm, miễn là bạn không “tiếp thực” cho chúng, không trưởng dưỡng hay khuyến khích chúng thì chúng chỉ là những suy nghĩ mà thôi. Hay nếu có một ký ức hay sự suy tưởng, miễn là chúng ta không “đầu tư” vào nó, tin vào nó hay khuyến khích nó thì nó sẽ không có “chỗ đáp hạ”. Nó không có một nơi nào để thiết lập chính nó. Miễn là chúng ta không “đồng cảm” với nó, nó tự khắc dừng lại.
Bản chất của tâm con người giống như chúng ta có cả một “ngân hàng” của sự trải nghiệm trong tâm mình, cả nội tại, bên trong chúng ta lẫn bên ngoài, từ xã hội; chúng đều tác chạm đến chúng ta. Tất cả những điều đó có thể trồi lên trong tâm dưới dạng những suy nghĩ vì đó là chức năng của tâm, cung cấp các suy nghĩ. Nhưng là người hành thiền, chúng ta phải dụng đến sự sáng suốt. Chúng ta sẽ “đầu tư” vào cái gì? Chúng ta sẽ đặt năng lượng của mình vào cái gì?
Đó là nơi mà nghiệp, kamma được tạo ra; dù đó là nghiệp của ý (tâm) khi chúng ta “đầu tư” vào suy nghĩ của ác ý, của ác cảm, của tham; hay nghiệp của ý (tâm) khi chúng ta “đầu tư” vào sự buông bỏ, vào từ tâm và vào lòng bi mẫn. Chúng ta đang thực hiện sự lựa chọn đó. Đó chính là nghiệp mà chúng ta đang tạo tác.
Đôi khi người ta nghĩ rằng, có lẽ nếu họ khó chịu hay bị tổn hại, “Tôi có suy nghĩ tệ hại này về điều ác ý…”. À, bạn có hành động dựa trên nó không? Không? À, đừng tạo ra rắc rối vì điều đó.
Suy nghĩ nảy lên trong tâm giống như cách tất cả mọi thứ đang xảy ra trong thế giới xung quanh chúng ta. Chúng ta quan tâm đến cái gì? Chúng ta để cho sự quan tâm của mình nghỉ ngơi và tạo đà cho nó ở đâu?
An trú trong tâm từ là một lựa chọn có ý thức của chúng ta, cả cho chính chúng ta và lựa chọn đó ảnh hưởng đến người khác.
“Dù đang đứng hay đang đi, đang ngồi hay đang nằm”. Có bốn tư thế. Nếu chúng ta không đang triển khai một tư thế nào đó thì là một tư thế khác, xuyên suốt 24/7. Đây là cơ hội để chúng ta thực hành: dù là đang ngồi, đang đi, đang nằm hay đang đứng.
“Giải thoát khỏi sự mê mệt”: tất nhiên, sự thực hành này giúp không để cho tâm bị che mờ. Đó không chỉ là bất cứ dạng mê mệt hay trạng thái ngủ gà gật; tuy nhiên, dạng mê mệt hay mơ màng có thể xảy đến một cách vô thức. Chúng ta có thể lơ mơ trong tất cả các hình thức tương tác và hoạt động.
“Mỗi người nên duy trì sự quán tưởng này”. Từ ngữ được sử dụng trong kinh điển là sati – quán niệm: để duy trì sự chánh niệm này, sự tỉnh thức này, sự quán tưởng này. “Đây là sự an trú tuyệt vời”.
Đây là một bài kinh tụng mà nhiều hành giả tại các tu viện thuộc nằm lòng. Có sẵn những bài kinh thế này là hữu ích để khi đọc tụng, bạn có thể nhặt ra những ngữ tạo sự cộng hưởng. Mọi thứ sẽ cộng hưởng một cách khác nhau vào những thời điểm khác nhau.
Do vậy, có một ngữ hay cả một chuỗi các ngữ có thể giúp nhắc nhớ bạn là điều tốt đẹp.
Trong suốt thời gian nghỉ phép ở Thái Lan cách đây hai năm, tôi sống một mình và sử dụng các ngữ mà tôi giới thiệu ngày hôm qua rất nhiều. Điều làm tôi đồng thuận là ngữ “Tôi mong được ở trong sự hân hoan và trong sự bảo hộ, mong cho tất cả chúng sanh đều được dễ chịu” cả bằng tiếng Anh và tiếng Pali. Vì tôi lúc nào cũng tụng câu này bằng tiếng Pali, tiếng Pali rất có ý nghĩa với tôi. Do vậy, tôi luân phiên tới lui. Tôi đi khất thực và đây là câu thần chú của tôi. Không phải tôi chỉ đi và lặp lại nó thật nhanh như có thể mà phải gieo hạt giống đó và mang nó theo, gieo hạt giống đó và mang nó theo, làm phát sanh tâm từ. Tôi nhận thấy điều này mang lại kết quả tốt đẹp.
Vì thế hãy sử dụng một vài trong số các ngữ này và những sự quán niệm này đồng thời thử nghiệm với chúng. Hãy “làm việc” với chúng và xem điều gì xảy ra.