Tu dưỡng tâm từ bằng thiền chánh niệm
Lan tỏa tâm từ đến tứ phương
Chú tâm đến tâm từ và chầm chậm xây dựng đà,
cho phép nó được nắm giữ bên trong con tim.
Khi chúng ta làm việc với sự tu dưỡng tâm từ, một nhân cho sự khởi sanh của tâm từ là không tham gia vào những điều gây bực tức hay dẫn đến sự ác cảm. Như một sự tu dưỡng có ý thức, chúng ta chú tâm đến điều mình tri nhận là tốt đẹp hoặc đưa đến niềm hạnh phúc và sự an lành.
Chúng ta đang tiến hành một sự lựa chọn tỉnh giác. Điều này không có nghĩa rằng mọi thứ tuyệt vời và xinh đẹp. Nhưng: “Tôi có thật sự muốn tham gia vào những điều gây khuấy động biểu hiện của sự ác cảm và ác ý không?”. Bằng cách tỉnh giác tham gia vào những điều chúng ta tri nhận sẽ đưa đến sự an lành và khuyến khích cho ước muốn về sự an lành, sẽ có một sức mạnh của chủ ý hình thành trong tâm, và chúng ta có thể duy trì được dòng ước muốn tốt đẹp đó.
Dưới ánh sáng này, tôi nghĩ điều quan trọng là cần nhận diện rằng chúng ta không cần gạt bỏ hay xua đuổi khả năng về sự nhận thức sâu sắc, vì đây là điều làm cho chúng ta có khả năng nhận diện được rằng có những điều đưa đến sự ác cảm và ác ý. Nó làm chúng ta có khả năng không để cho sự ác cảm đó có thời gian “chơi đùa” quá nhiều trong tâm.
Trên thực tế, nếu chúng ta muốn tạo danh mục tất cả mọi thứ mà chúng ta bị xúc phạm hay làm chúng ta bất bình thì danh sách này có thể bắt đầu lớn dần lên. Nhưng có một sự lựa chọn có ý thức khi không dành cho nó sự chú tâm đó. Trong sự nhận diện những lợi ích của tâm từ, cảm giác dễ chịu của thân và tâm mà chúng ta trải nghiệm, chúng ta khuyến khích bản thân điều chuyển sự chú tâm đến điều có thể dẫn đến sự tuôn trào bên trong sự nhận thức về những suy nghĩ và cảm thọ của tâm từ.
So sánh điều này với thức ăn, có nhiều loại thức ăn lôi kéo sự chú ý của chúng ta, nhưng nếu chúng ta có chế độ ăn toàn bánh phô-mai và thức ăn vặt, chúng ta sẽ đi đến kết quả là không thật khỏe mạnh. Tôi có một người bạn ở Australia đã gửi cho tôi một bức ảnh với dòng ghi chú, “David của Michelangelo trở về sau hai năm ở Hoa Kỳ”. Đó là một bức ảnh rất vui của David đang bị béo phì. Cũng giống như vậy, tâm cần được nuôi dưỡng bằng những suy nghĩ tích cực để làm cho tâm và con tim được sáng rõ, theo đó mang lại cảm giác của sự an lành.
Sự nuôi dưỡng tâm từ một cách tỉnh giác là một cách thiện xảo để điều chuyển sự chú tâm. Khi chúng ta làm điều đó, nó có tác dụng như một dung môi để làm phân hủy và cuốn trôi đi những suy nghĩ tủn mủn và những trạng thái của sự ác cảm và ác ý. Điều đó có một sức mạnh bên trong đối với sự tỉnh giác bởi vì khi chúng ta nhìn thấy mọi thứ dưới sự soi dẫn của ác cảm, ác ý và bực tức thì mọi thứ là một sự xâm hại và là nguồn gốc của sự bực tức. Mọi thứ được đọc biết thông qua lăng kính của sự bực tức.
Một trong những hình ảnh Đức Phật sử dụng để mô tả các triền cái là nước (Kinh Tăng Chi Bộ 5.163). Khi nước được chứa trong các vật chứa của mình, nước sạch sẽ, tinh khiết, mát mẻ, mang lại sự hài lòng và tươi mới. Chúng ta có thể nhìn xuyên qua nó một cách rõ ràng. Nhưng hình ảnh Đức Phật đưa ra khi so sánh nước với triền cái của sân nhuế và ác cảm là nước đang sôi. Nó đang sôi và đang có bong bóng nước; và chúng ta không thấy được sự phản ánh của chúng ta bên trong nó hay nhìn thấy xuyên qua nó một cách rõ ràng. Nếu nước bắn bong bóng ra khỏi cái nồi và bắn trúng chúng ta, nó làm chúng ta bỏng. Ác cảm và ác ý cũng có sự biểu hiện tương tự như vậy.
Khi chúng ta định được tâm, hãy mang tâm quay trở lại với trạng thái tự nhiên của nó mà không thêm vào đó sự ác cảm và ác ý; và hãy làm mát nó bằng sự phát triển của tâm từ, sau đó nó sẽ trở lại trạng thái rõ ràng và trong trẻo. Nó đang làm mới để có thể nhìn vào được, để làm sạch, để uống được. Bạn có thể làm bất cứ gì bạn muốn với nó khi tâm được đưa đến trạng thái đó.
Khi quán tưởng cuộc đời của Đức Phật như một tấm gương về tâm từ, có những sự biến mà Ngài đã dựa vào sự ứng dụng của tâm từ và nó mang lại tác dụng mạnh mẽ. Một câu chuyện đó là, vào lúc cuối đời của Đức Phật, có người em họ của Ngài – Devadatta (Đề Bà Đạt Đa), cũng là một tu sĩ nhưng rất thèm thuồng vị trí của Đức Phật và muốn tiếp quản vị trí đó. Đức Phật không dành cho người này nhiều sự khuyến khích về ham muốn này và Đề Bà Đạt Đa đã nuôi lớn sự thù hận đối với Đức Phật và âm mưu giết hại Ngài.
Một cách để ông ta làm điều đó là mua chuộc quần thần của nhà vua, những người canh giữ voi Nālāgiri – con voi của quốc gia nhưng cũng là một con voi dữ, đảm trách công việc như một đao phủ hành hình. Họ kích động con voi dữ bằng rượu và thả nó ra khi Đức Phật đi đến, để con voi đã bị làm cho điên tiết này sẽ giẫm chết Đức Phật. Ngài A Nan Đà – người thị giả đáng tin cậy của Đức Phật, đã trông thấy con voi dữ tiến đến và vượt lên phía trước Đức Phật để bảo vệ Ngài. Đức Phật bảo ngài A Nan Đà bước sang một bên và sau đó phát tỏa tâm từ. Ngay khi việc này được tiến hành, con voi dữ tiến tới chỗ Đức Phật nhưng sau đó đã dừng lại, khá gần chỗ Đức Phật, bị ảnh hưởng bởi sức mạnh của tâm từ. Sau đó, con voi cúi đầu và dùng chiếc ngà của nó cào gom ít bụi từ bàn chân của Đức Phật và rải lên trên đầu nó (Tạng Luật, Tiểu phẩm 7.10-12). Đó là một câu chuyện dễ thương và có lẽ đã diễn ra rất tốt đẹp. Thậm chí nếu không diễn ra, nó cũng vẫn là một câu chuyện ý nghĩa.
Hiếm khi chúng ta phải đối mặt với những con voi dữ đang tiến đến gần chúng ta, nhưng Đức Phật đã chọn thực tập niềm tin của Ngài vào sức mạnh của tâm từ. Tôi nghĩ rằng, trong việc tương tác với những tình huống thường nhật, thật hữu ích để nuôi dưỡng những hình ảnh như thế: “Nếu Đức Phật có thể dựa vào tâm từ trong những tình huống khắc nghiệt như vậy, tại sao chúng ta không thử nó trong tình huống này và xem chuyện gì xảy ra?”. Nói chung, bạn sẽ thấy có tác dụng. Điều gì đó sẽ thay đổi. Đó là một trật tự tự nhiên: tất cả chúng sanh đều hồi đáp lại lòng từ.
Tôi nhớ đến một trường hợp khi tôi vẫn còn đang sống ở Thái Lan. Tôi còn khá trẻ trong vai trò là một vị trụ trì và đang có một mâu thuẫn với vài vị tăng. Tôi thường xuyên có cảm thọ về sự bất an và tự hỏi tại sao những “kẻ ngu ngốc” này lại không tuân theo sự “đúng đắn” của mình. Sau một thời gian sử dụng phương pháp đó và không thành công lắm, tôi nghĩ rằng tôi sẽ thử dụng đến tâm từ.
Một nhóm nhỏ các vị tăng đã kết phe với nhau và đang tạo ra nhiều sự phân chia trong cộng đồng tăng chúng. Tôi đã quyết định đi khất thực trong một khoảng thời gian dài hơn, gần một giờ rưỡi đồng hồ, đó là lộ trình mà họ đã và đang thực hành lúc đó. Trong suốt quãng thời gian đó là trong sự im lặng. Mỗi buổi sáng, chỉ trước khi bình minh ló dạng, bạn đi ngang qua vùng quê và các ngôi làng và quay trở lại tu viện.
Vì thế, tôi sẽ bắt đầu ngày hôm đó đi khất thực cùng với họ, dành toàn bộ thời gian để hình dung, khởi phát và lan tỏa tâm từ về phía họ. Tôi đã cố giữ cho nó càng rõ ràng trong khả năng của tôi trong suốt ngày hôm đó, nhưng tôi sẽ làm cho nó trở thành một sự tập trung đặc biệt mạnh mẽ trong suốt thời gian khất thực. Điều đó thật sự thú vị. Khoảng ngày thứ ba, những vị tăng đó đã bắt đầu đi về phía tôi. Trong khi trước đó, sự giao tiếp hoàn toàn bị đóng chặt, họ đã đến, chúng tôi giao tiếp và tất cả đã được cởi mở từ đó. Chúng tôi có thể thảo luận và hiểu ra chúng tôi bị lệch hướng ở chỗ nào. Điều đó được giải quyết chỉ trong một vài ngày. Tôi hoàn toàn bị kinh ngạc và được khơi gợi cảm hứng.
Nếu bạn thật sự thiết lập tâm của mình với tâm từ, nó có tác dụng tạo ra sự thay đổi. Tất nhiên, tác dụng lớn nhất là ở bản thân tôi, không bám vào những định kiến. Điều đó giúp ích nhiều. Dường như nó khá trần tục chứ không mãn nhãn như những câu chuyện của Đức Phật. Nếu bạn trải nghiệm với tâm từ, bạn sẽ nhận thấy rằng bạn có một câu chuyện hay biết đến ai đó, người có một câu chuyện về cách mà tâm từ thật sự đã mang lại tác dụng như thế nào. Điều này hoàn toàn tự nhiên. Ý niệm về tâm từ là một phẩm chất phổ quát mà tất cả mọi người đều hồi đáp.
Hôm nay, tôi muốn giới thiệu một mô thức khác của thiền tâm từ, được dựa trên điều mà chúng ta tụng sáng nay: “Tôi sẽ an trú trong sự lan tỏa một phương bằng cái tâm…” Quyển sách tụng nói là “con tim” (heart) nhưng nó thường được dịch là “tâm” (mind). Đối với tôi, dường như thú vị hơn để tụng với từ “tâm”.
Đây là mô thức phổ biến nhất của tâm từ và các tâm vô lượng trong các thời pháp. Nó xuất hiện ở nhiều nơi: “Tôi sẽ an trú trong sự lan tỏa một phương…” – đây là tính phương hướng trong ý nghĩa rằng nó được hình thành xét về các phương hướng, bốn phương – “bằng cái tâm thấm đẫm từ tâm; tương tự như vậy với phương thứ hai, tương tự như vậy với phương thứ ba, tương tự như vậy với phương thứ tư; tương tự như vậy bên trên và phía dưới và chung quanh rồi mọi nơi; và đến cho tất cả cũng như đến cho bản thân tôi”. Ý thức lan tỏa tâm từ ra các hướng khác nhau – bắc, nam, đông, tây, bên trên và phía dưới, tất cả chung quanh – để chúng ta đang cho cảm thọ của tâm từ mở rộng ra.
“Đến cho tất cả cũng như đến cho bản thân tôi” thiết lập cảm thọ của tâm từ bên trong con tim, sau đó để cho nó lan tỏa và mở rộng ra. Đó là phần tiếp theo của bài tụng, “Tôi sẽ an trú trong sự lan tỏa toàn bộ thế giới bao bọc chung quanh bằng cái tâm thấm đẫm từ tâm” – xuyên suốt sự rộng mở của thế giới và cuối cùng là tất cả các thế giới, không chỉ cách chúng ta hình thành cho hành tinh nhỏ bé của chúng ta, đang trôi nổi trong không gian. Hãy để cho ý thức về sự mở rộng đó được trở nên quảng đại, cao quý và vô lượng vô biên.
“Không có sự thù nghịch và không có sự ác ý”: đây là sự tinh tấn. Không có bất cứ sự thù nghịch nào, không có sự cho phép của ác ý, là chìa khóa để gửi đi hay để chiếu lộ tâm từ, như trong phần giới thiệu về bài tụng, “Bây giờ chúng ta hãy làm cho bốn phẩm chất vô biên này được tỏa lộ”. Chúng ta để cho con tim và tâm được thiết lập bên trong những phẩm chất cao quý đó. Hãy để cho nó được tỏa lộ, không cản trở nó bằng sự ác cảm, ác ý, lo lắng hay sợ hãi, tất cả các xu hướng mà chúng ta có thể thêm vào bên trong nó.
Khi làm điều này, chúng ta cho phép con tim cảm nhận được sự quảng đại, cao quý và vô lượng vô biên. Chúng ta thấy rằng những phẩm chất này là chân mỹ. Khi chúng ta nghĩ về nét đẹp trên phương diện lý tính trong thế giới này, nó không sánh được với vẻ đẹp của một phẩm chất cao quý như tâm từ. Đó là một hình ảnh mà Đức Phật sử dụng. Trong sự so sánh với các vì sao, không có bất cứ gì có thể tỏa sáng như mặt trời. Cũng tương tự như vậy, không có bất kỳ phẩm chất nào tỏa sáng như tâm từ. Hay về đêm, không có bất cứ gì tỏa sáng như trăng tròn. Cũng tương tự như vậy, không có bất kỳ phẩm chất nào tỏa sáng như tâm từ.
Đức Phật đưa ra những ảnh dụ phù hợp và khác nhau: nuôi dưỡng chính bản thân mình bằng những phẩm chất đó của tâm từ, lan tỏa lên trên, xuống dưới, ra xung quanh và khắp mọi nơi, đến cho tất cả cũng như đến cho bản thân tôi. Có ý thức về việc thiết lập bên trong bản thân chúng ta cảm thọ quảng đại, cao quý và vô lượng vô biên này.
Không quá lâu sau khi chúng ta dịch nghĩa những bài tụng này và bắt đầu tụng chúng thì có ai đó nói rằng, “Khi chúng ta tụng những bài tụng này, chúng ta được cho là cảm thấy quảng đại, cao quý và vô lượng vô biên và tất cả những gì tôi cảm thấy là bị ruồng bỏ, kiệt quệ và khổ sở”. Nhưng điều cần làm là thu kéo sự chú tâm đến phẩm chất này và một cách chậm rãi xây dựng đà, cho phép nó được nắm giữ trong con tim.
Tôi nghĩ chúng ta cũng cần có “một lượng lớn” sự tử tế và ước muốn tốt đẹp cho những thói quen của tâm chúng ta. Chúng được bám rễ thật sâu. Đừng để bị đe dọa bởi điều đó. Có thể làm được; tất cả đều khả thi. Đó là từng giọt, từng giọt và từng chút, từng chút. Chúng ta có thể thiết lập những phẩm chất này và mang chúng vào trong tâm, gieo những hạt giống này. Theo thời gian, nó chắc chắn sẽ tăng trưởng.
Hình ảnh mà các nhà sư Thái Lan sử dụng khi chúng ta đang tu dưỡng các phẩm chất tốt đẹp và điều gì đó thiện xảo là chúng ta phải sẵn lòng giống như một người nông dân gieo lúa. Người nông dân chỉ mới đang rải hạt giống ra xa, khắp nơi trên những cánh đồng. Chúng ta không hoàn toàn chắc chắn liệu các hạt giống sẽ mọc lên hay không. Điều gì sẽ xảy ra? Nhưng đó là bản chất của mọi thứ khi các duyên chín muồi, theo đó mặt trời, nước và đất đều tốt thì những hạt giống mà chúng ta rải đi mọc thành cây. Chúng đi theo chu kỳ đó.
Tương tự, với sự thực hành gieo những hạt giống của tâm từ trong tim, kết nối chúng đi vào sự tỉnh giác, chúng ta nhận thấy chúng quay trở lại lần nữa. Điều khởi sanh là cảm giác về sự thoáng đãng, ấm áp và tử tế.
Chúng ta có thể sử dụng bài tụng đặc biệt này như một đề mục khi ngồi và mang những ý nghĩ về tâm từ vào bên trong mình. “Đến cho tất cả cũng như đến cho bản thân tôi”: mang sự chú tâm của mình đến cho chính mình. Hình dung ai đó đang ngồi ở đây. Hình dung ai đó khi hạnh phúc, như một người đang nhìn vào một tấm gương lúc người đó đang rất hạnh phúc, cảm thấy an lành, thoải mái và dễ chịu. Hãy mang điều đó vào trong tâm, vào trong sự tỉnh giác. “Tôi đang ngồi ở đây, hạnh phúc, dễ chịu, được giải thoát khỏi sự sợ hãi, ác ý và bất an”. Hãy chỉ để cho điều đó tự nó thiết lập.
Sau đó sử dụng các ngữ: “Tôi mong được an lành và hạnh phúc; tôi mong duy trì được cảm thọ của niềm hạnh phúc và sự an lành”. Hãy để cho nó an định và lan tỏa trong thân. Hít nó vào để nó lan tỏa từ đỉnh đầu đi xuống. Cũng trong cùng một ý nghĩa rằng hơi thở tiếp năng lượng cho thân, cảm thọ của tâm từ tiếp năng lượng, làm sáng rõ, làm thư giãn và làm dịu phần đầu, phần đỉnh đầu, cổ và hai vai.
Thở ra, thư giãn bất kỳ sự căng thẳng nào, bất kỳ cảm thọ nào của sự xung đột hay khó khăn. Hãy để cho nó được phóng thích. Hít vào, cho phép sự ấm áp của tâm từ lan tỏa đến hai vai, hai cánh tay, thư giãn và làm dịu toàn bộ phần ngực, lưng và bụng. Làm dịu nhưng tiếp năng lượng và làm sáng rõ: đó là bản chất của năng lượng tâm từ. Phần lưng dưới, các chi, các đầu gối và đi xuống các lòng bàn chân: sử dụng nguồn năng lượng của tâm từ để thiết lập nó bên trong bản thân mình.
Một lần nữa, chúng ta sử dụng những ý nghĩ hay những sự nhắc nhớ đó, xem nó có đang gieo hạt giống chỉ bằng một từ là tâm từ hay một mô thức nào đó khác có thể đánh động tâm từ, “Mong có được sự hân hoan và sự an toàn: Mong tất thảy chúng sanh đều được dễ chịu. Tôi mong được an lành và hạnh phúc”. Cái nào cũng có tác dụng cả. Chúng ta không đang cố để làm đúng về mặt kỹ thuật. Thay vào đó, điều gì sẽ thật sự có tác dụng và hữu ích?
Hãy cảm nhận sự trải nghiệm của riêng bạn thông qua nó. Hãy để cho cảm giác về tâm từ của bạn thiết lập chính nó bên trong tâm và bên trong thân này. Sau đó, hãy để cho cảm thọ đó mở rộng ra, lan tỏa và tràn ngập. Điều hữu ích là không quá tham vọng lúc mới bắt đầu. Nếu bạn đang sử dụng các phương khác nhau, hãy lan tỏa một phương bằng cái tâm thấm đẫm tâm từ. Bạn có thể chỉ thực hiện nó đến năm, mười hay hai mươi bước chân (tương ứng khoảng một mét rưỡi, ba mét hay sáu mét) xung quanh mình.
Hãy lan tỏa về một phương: phương bắc. Trước mặt bạn là gì? Phía đông của bạn, bên tay phải của bạn là gì? Ở phía nam, ở sau lưng bạn là gì? Ở phía tây, bên tay trái thì thế nào? “Bên trên, phía dưới, xung quanh và khắp mọi nơi, và đến cho tất cả cũng như đến cho bản thân mình”. Hãy để cho điều đó ổn định và cảm thấy thoải mái. Hãy hít thở vào bên trong không gian đó. Hãy để cho năng lượng của hơi thở và năng lượng của tâm từ lan tỏa trong không gian đó, tuy nhiên bạn hình thành nó trong tâm mình – bắt đầu một chút nhỏ, gần cạnh và xung quanh bạn.
Hãy để cho cảm thọ đó không bị cản trở bởi suy nghĩ lan man hay ý niệm rằng “Tôi đang tiến hành sai rồi? Tôi làm có đúng không?”. Đừng phân tích hay suy nghĩ về nó. Đây là một bài tập về cảm thọ. Hãy để cho cảm giác của không gian lan tỏa bằng cái tâm thấm đẫm từ tâm, cho dù bất cứ điều gì và tuy nhiên bạn hình thành nó, một mét rưỡi hay ba mét xung quanh bạn.
“Quảng đại, cao quý, vô lượng vô biên và đến cho tất cả cũng như đến cho bản thân tôi, không có sự thù nghịch và không có sự ác ý”. Đây là những sự nhắc nhớ để giữ cho tâm sáng sủa và rõ ràng. Hãy để cho nó ổn định. Sau đó sử dụng ngữ này một lần nữa: “Tôi sẽ an trú lan tỏa đến một phương bằng cái tâm thấm đẫm từ tâm”.
Mở rộng cảm thọ này đến bất cứ điều gì cảm thấy thoải mái. Chúng ta ở trong một thung lũng, vì thế hãy lan tỏa thung lũng này bằng tâm từ, khi đang ngồi ở đây. Trước mặt là gì? Tất cả mọi người, tất cả chúng sanh, dù họ là con người, mọi người trong nhóm của chúng ta, mọi người là cư dân ở đây; các động vật sống ở đây; các chúng sanh không có thân mạng, bất kỳ chư thiên nào, bất kỳ chúng sanh nào khác có mặt ở đây. Hãy mở rộng tâm từ, bao gồm tất cả mọi chúng sanh trong đó.
Phương thứ hai về phía đông hay hướng về phía tay phải của mỗi người: tất cả những chúng sanh ở phương đó; tất cả những chúng sanh ở phương nam, những chúng sanh ở phía dưới; những chúng sanh ở phía tay trái của mỗi người. Hãy cho phép điều đó mở rộng ra, trở nên rộng mở hơn và làm cho sáng rõ hơn.
Có một ý niệm rằng tất cả chúng sanh đều xứng đáng với tâm từ của chúng ta. Tất cả chúng sanh đều trân quý nó. Khi chúng ta gặp gỡ ai đó, người đó trao cho chúng ta một cử chỉ của sự tử tế, điều đó luôn được trân quý. Điều đó là tự nhiên. Vì thế, chúng ta ngồi và phát khởi, trải rộng, làm cho tràn ngập và lan tỏa không gian xung quanh bốn phương, bên trên, phía dưới, xung quanh và khắp mọi nơi. Hãy để cho điều đó trở nên sáng rõ hơn, và sáng rõ hơn.
Đừng để cho bản thân bạn bị kéo lùi lại phía sau bởi các cảm thọ của sự giới hạn. Chúng ta giới hạn bản thân bằng sự suy diễn của mình về sự bất khả dĩ, không xứng đáng hay không đủ tốt đẹp. Chúng ta nhận thức được rằng điều đó không cần thiết. Với tâm từ, thật sự không áp dụng như vậy. Đó là một phẩm chất vô cùng phổ quát; hãy cho phép điều đó lan tỏa. “Tôi sẽ an trú trong sự lan tỏa toàn bộ thế giới bao bọc chung quanh bằng cái tâm thấm đẫm từ tâm; quảng đại, cao quý, vô lượng vô biên, không có sự thù nghịch và không có sự ác ý”.
Hãy nhận diện rằng thậm chí điều đó chỉ là sự tủn mủn của ác ý, một tia lóe lên của sự tiêu cực, đó là một sự giới hạn của con tim, có thể được đặt sang một bên và bỏ xuống. Chúng ta có thể cho phép cảm thọ của tâm từ mở rộng ra. Chúng ta có thể tiếp tục “làm việc” với nó; chúng ta có thể trải nghiệm. Hãy để cho cảm thọ của tâm từ mở rộng xa ra ngoài, đến với càng nhiều chúng sanh hơn nữa, không phân biệt bất cứ điều gì, không phân chia thế giới ra thành chúng ta và họ hay tôi và những người khác. Hãy nhận diện rằng con tim của tâm từ không tạo ra những sự phân biệt đó. Đó là phẩm chất nền tảng của tâm từ. Đó là điều mang đến cho nó sức mạnh, khi mà chúng ta có thể không bị sa lầy vào những sự phân biệt đó. Khi chúng ta tạo ra những sự phân biệt đó – tôi và những người khác, chúng ta và họ – sự giới hạn đó và cảm thọ của sự co ép ngay lập tức được cảm thấy.
Nếu bạn cảm thấy sự lan tỏa tâm từ sụp đổ, hãy cứ bắt đầu lại lần nữa. Điều chuyển tâm từ đến cho bản thân bạn: “Và đến cho tất cả cũng như đến cho bản thân tôi”. Hãy hòa vào những ý nghĩ của tâm từ được điều chuyển cho bản thân bạn. Đó là hạt giống, là trọng tâm, là cứ địa nơi mà chúng ta “làm việc”.
Có một bậc thầy ở Thái Lan với công cụ và phương pháp giảng dạy đầu tiên nhất là sự tu dưỡng tâm từ. Đôi khi vị thầy này sẽ yêu cầu mọi người “làm việc” để thiết lập tâm từ cho chính bản thân họ và sẽ không khuyến khích họ đi xa hơn điều đó trong một năm, hai năm, ba năm. Chỉ duy trì “làm việc” với điều đó. Đó là trọng tâm. Đừng đặt tham vọng cho đến khi bạn có thể thiết lập cứ địa đó và thiết lập nó một cách vững chắc bên trong bản thân mình.
Như một sự luyện tập, thật thú vị để quan sát thấy điều gì xảy ra với tâm khi chúng ta để cho tâm từ mở rộng ra và lan tỏa. Một lần nữa, nếu bạn cảm thấy có điều gì đó cản trở đang xuất hiện thì hãy tái thiết lập rằng không phải vội vàng để đi đến bất kỳ nơi đâu cả. Đối tượng chính yếu của sự định tĩnh hay thiền tập là để thiết lập tâm từ, đối tượng của tâm từ bên trong con tim. Và đó là điều chúng ta cho phép được tăng trưởng, nuôi dưỡng và khuyến khích.
Nếu chúng ta có thể mở rộng cảm thọ đó ra bên ngoài và nhận thấy rằng điều đó hữu ích cho sự tu dưỡng của mình, tất cả đều an lành và tốt đẹp. Nhưng một lần nữa, hãy chú tâm tới sự trải nghiệm, xem xét, “Nó có hữu ích không? Nó có đang hoạt động không? Nó có giúp ích gì không?”. Tôi sẽ an trú, lan tỏa toàn bộ thế giới bao bọc chung quanh bằng cái tâm thấm đẫm từ tâm; quảng đại, cao quý, vô lượng vô biên, không có sự thù nghịch và không có sự ác ý”.