Tu dưỡng tâm từ bằng thiền chánh niệm

Hỏi và đáp

Hỏi: Thưa sư, từ ngữ Pali sử dụng cho buông bỏ hay buông xả là gì? Mong sư hoan hỷ đánh vần từ ngữ đó.

Đáp: À, có một vài từ ngữ khác nhau thỉnh thoảng được dùng có liên quan đến ngữ “buông bỏ”. Nālaṃ abhinivesāya: tất cả các pháp đều không được bám víu vào. Paṭinissagga trực tiếp có nghĩa là buông xả hay buông bỏ. Vossagga là sự buông xả, đặc biệt là xung quanh ý niệm của cái ngã – sự buông bỏ ý niệm của cái ngã hay cái “tôi”.

Nó xuất hiện trong nhiều bài kinh mà trong đó Đức Phật đã chỉ ra một tiến trình của sự thực hành. Mỗi bước của sự thực hành được đồng hành bởi sự quán chiếu về vô thường hay sự tĩnh lặng; và sau đó là vô tham và sự đoạn diệt, tăng triển đến cao nhất trong sự buông xả. Sự tu dưỡng về quán niệm hơi thở, ānāpānasati, sự chánh niệm của hơi thở, dẫn đến những sự quán chiếu về vô thường, sự đoạn diệt và buông xả, là những thuật từ quan trọng để quán tưởng.

Hỏi: Thưa sư, có phải sự buông xả, buông bỏ này đối lập với thủ, upādāna?

Đáp: Đúng vậy, điều đó sẽ đối lập với sự bám víu đó.

Hỏi: Thưa sư, có phải ngã chấp thủ, attavādupādāna bám víu vào thân kiến, sakkāya-diṭṭhi?

Đáp: Có bốn loại chấp thủ khác nhau. Cái cuối cùng là ngã chấp thủ, là sự bám víu và niềm tin vào cái ngã. Sakkāya-diṭṭhi là một trong những kiết sử; nó chính là sự đồng nhất của cấu trúc thân – tâm. Chấp thủ thì rộng hơn nhiều. Nó vẫn sẽ “rong chơi” với chính nó trong nhiều dạng bám víu tinh tế hơn vào cái ngã và tăng thượng mạn. Nó hình thành cơ sở của thân kiến nhưng nó rộng hơn. Sự khác biệt giữa chấp thủ và kiến thủ – diṭṭhupādāna là kiến thủ bám víu vào các tri kiến, trong khi chấp thủ thì bám víu niềm tin vào cái ngã. Điều thú vị là cấu trúc của ngôn ngữ thì không “bám víu vào cái ngã” vì cái ngã vốn không tồn tại. Hơn thế, đó là sự bám víu vào niềm tin vào cái ngã.

Hỏi: Thưa sư, sư có nghĩ rằng sự yêu thích đối với Phật giáo đã hướng ngài đến đời sống thiền định tĩnh lặng hay là ngài sẽ trở thành một tu sĩ thuộc bất kỳ truyền thống nào? Mong sư hoan hỷ chia sẻ một chút về câu chuyện của mình.

Đáp: Tất nhiên là đã có một sự cuốn hút để đến với hình thức đời sống thiền định tĩnh lặng. Khi tôi còn trẻ, tôn giáo không thu hút tôi, dù đó có thể là biểu hiện của sự bướng bỉnh và đối nghịch. Nhưng điều gì đó đã cộng hưởng ngay lập tức với Phật giáo và điều gì đó đã lôi cuốn tôi và sự rèn luyện cái tâm. Tôi đã tìm kiếm nhiều phương cách để làm điều đó.

Tôi nhớ khi còn ở trường đại học. Tôi đi về phương Đông, thăm cậu và dì của tôi. Tôi đã yêu thích Phật giáo và chúng tôi đang trò chuyện thì xuất hiện điều gì đó về tôn giáo, Phật giáo và thiền định. Dì tôi nói rằng bà nhớ đã chăm sóc tôi khi tôi còn là một đứa bé – bà đã hỏi tôi muốn làm gì khi lớn lên, và tôi đã nói rằng tôi muốn trở thành một tu sĩ. Tôi nhớ mình đã rất bối rối. Tôi có một người bạn khác cùng đi với tôi lúc đó; và tôi nhớ mình đã nghĩ, “Ôi trời ạ!”. Nhưng tôi có thể quan sát thấy điều gì đó đã cộng hưởng, thậm chí dù nó không được nhận biết. Điều gì đó hoàn toàn lôi kéo tôi đến với truyền thống và sự rèn luyện tâm linh.

Hỏi: Mong sư hoan hỷ nói thêm về tư thế. Ví dụ, tôi lưu ý thấy rằng thân của tôi nghiêng về phía bên trái và nếu tôi có chủ ý đặt trọng lượng về phía phải thì điều này dường như dừng lại. Đây có phải là một chiến thuật đúng? Trong sự rèn luyện võ thuật thì mục tiêu là để thư giãn và làm cho việc hít thở dễ dàng hơn. Điều đó có đúng với thiền quán – vipassanā hay không, thưa sư?

Đáp: Tôi đã không nói nhiều đến tư thế trong khóa tu này; ở một chừng mực nào đó tôi đã nói lướt qua. Tư thế là một chiếc neo rất hữu ích cho sự nhận thức: có thể hòa vào tư thế, chú tâm đến một sự cân bằng của tư thế và nguồn năng lượng mà chúng ta mang vào bên trong tư thế. Nó rất hữu ích về phương diện thực hành: nhận diện được nơi nào thân của chúng ta sụp xuống, nghiêng hay chuyển dịch. Nó hữu ích cho việc cân bằng nguồn năng lượng bên trong cấu trúc thân – tâm, nhưng bạn cũng bắt đầu có sự hồ nghi về điều gì đó đang diễn ra trong thân – tâm.

Điều quan trọng là thư giãn trong tư thế đó, và sau đó cho phép việc hít thở lưu thông một cách hoàn toàn dễ dàng. Nếu bạn đang ngồi mà bị sụp xuống thì rất khó thở. Tâm có xu hướng trở nên u ám; thân sẽ có xu hướng bị đau đớn. Nếu có một tư thế tốt đẹp và được cân bằng, thân có thể ngồi yên trong những khoảng thời gian dài hơn.

Bạn không thể thúc ép thân ngồi yên. Ngồi thẳng, bạn chỉ bị căng tức mà thôi, nhưng nếu bạn tiếp tục thư giãn, hãy để cho việc hít thở làm dịu và cân bằng; và để cho tư thế cân bằng nguồn năng lượng, khi đó bạn nhận thấy rằng có một sự nhẹ nhàng bên trong thân và tâm.

Một trong những điều mà tôi cố gắng chú tâm đến là bất cứ khi nào bạn đi vào bên trong chánh điện, nơi có tôn tượng Đức Phật, bạn hầu như lúc nào cũng quan sát thấy rằng có một tư thế rất đẹp. Đó là biểu trưng nguyên thủy của sự cân bằng và điềm tĩnh.

Tôi nhớ lần đầu tiên nhất mà ngài Ajahn Sumedho từ Anh quốc quay trở về. Ngài ấy đã đến Anh để thiết lập một tu viện và ở đó nhiều năm. Ngài quay về để thăm và đảnh lễ Thiền sư Ajahn Chah. Một trong những món quà mà ngài mang về là một bức tượng Đức Phật do một sinh viên người Anh điêu khắc. Bức tượng rất thẳng. Thiền sư Ajahn Chah trông thấy bức tượng, ngài yên lặng một lúc và thi thoảng lại nhìn bức tượng. Trong ngôn ngữ Thái, từ ngữ chỉ cho “người Tây phương” là farang. Cuối cùng, ngài Ajahn Chah nói, “Trông giống như một ông Phật người Tây phương. Trông bức tượng rất là căng thẳng”.

Hỏi: Mong sư hoan hỷ giải thích cho chúng tôi được rõ về chư thiên. Tôi đã có một sự trải nghiệm ngày hôm qua sau buổi pháp thoại, lúc đó tôi nhìn thấy một nhóm các chúng sanh ở bên trên chúng ta, đặc biệt là ở bên trên ngài. Đây không phải là lần đầu tiên tôi trải nghiệm việc đã tri nhận được các chúng sanh ở cõi khác, nhưng đây là lần đầu tiên các vị mới lạ đã giao tiếp với tôi. Họ dường như ngụ ý rằng họ đặc biệt muốn tôi được giải thoát khỏi sự bất an. Hôm nay, họ cũng dẫn dắt tôi để phát tỏa lòng bi mẫn khi sử dụng các ngữ từ đoạn thứ hai của bài tụng cao quý mà chúng ta đã tiến hành trưa nay. Mỗi khi tôi tập trung vào điều này được một lúc, họ dường như bình tĩnh hơn và tôi không còn cảm nhận sự hiện diện của họ nữa. Tôi không nghĩ rằng mình khùng điên nhưng tôi rất yêu thích những gì mà kinh điển nói về các chúng sanh không có thân thuộc cõi khác.

Đáp: Thật không may mắn, tôi là một trong những người sau cùng nói về bất kỳ trải nghiệm trực tiếp như thế này. Tôi không nhìn thấy các cõi khác hay các chúng sanh khác. Khi tôi sống ở tu viện Nanachat, có một nền đất hỏa thiêu, vì thế có nhiều ma quỷ cũng như chư thiên. Hơn một lần, hoặc những người cư sĩ tại gia hoặc những vị tăng am tường về điều này đã đến bên tôi và nói, “Những chư thiên như thế ở nơi đó và linh hồn họ ở nơi đó muốn ngài hồi hướng công đức và ban phước lành”. Họ luôn luôn phải sử dụng một người trung gian. Tôi thật nặng vía, nặng vía, nặng vía. Tôi không hiểu được điều đó.

Trải nghiệm của chính bản thân tôi, khi sống ở Thái Lan trong một thời gian dài, một nơi có tri kiến về thế giới hoàn toàn khác biệt, đó là những người khác – những người mà tôi tin tưởng đã có những trải nghiệm này. Tất nhiên dường như họ cũng là một phần khác của thực tại.

Có thể nói rằng, đó có khi cũng là một dấu hiệu của chứng rối loạn tâm thần. Một khi bạn gặp gỡ một ai đó, người đang giao tiếp với những chúng sanh khác ở các cõi khác, bạn có thể cần gọi cho một bác sĩ tâm thần hay một nhà trị liệu tâm lý. Vì thế đòi hỏi phải có sự thận trọng, nhưng tôi đã gặp nhiều người rất ổn định và tâm thần khỏe mạnh, nói rằng có những cảnh giới khác của chư thiên; đặc biệt là ở một nơi như thế này, là một môi trường tự nhiên. Ở một nơi được bảo vệ, sẽ có nhiều chúng sanh, thần cây, thần rừng, thần đất và họ sẽ đặc biệt bị thu hút bởi tâm từ. Nó thu hút một đám đông; nó cảm thấy tốt đẹp. Đây là một hiện tượng tự nhiên. Tôi nhìn nhận nó như một phần của tự nhiên.

Một trong những vị tăng viếng thăm chúng tôi hồi năm ngoái, ngài Luang Por Plien, có một sự kết nối rất rõ ràng với những cõi khác, điều này rất hữu ích. Casa Serena thuộc tu viện Abhayagiri – nơi ở và thực hành dành cho người nữ, được cúng dường bởi người nào đó đã qua đời trong chính ngôi viện này. Nhiều phụ nữ Thái Lan ở đó bị làm cho hoảng sợ như thể có ma quỷ ở đó; vì vậy khi đến tu viện Abhayagiri, ngài được đề nghị, “Ngài Luang Por Plien, mong ngài hoan hỷ ghé qua khu Casa Serena tọa thiền và cho lời cảm nhận thẳng thắn.

Có ma quỷ nào ở đây không?”. Chúng tôi ghé qua đó và tụng đọc các bài tụng phước lành và ngài ấy ngồi xuống, sau đó ngài nói, “Không có ma quỷ nào ở đây hết. Họ đã được tái sanh ngay tức thì bởi lực đẩy của những phước lành của họ. Không có gì cả ngoại trừ những vong hồn tốt đẹp ở đây”. Khi không có sự trải nghiệm trực tiếp, có thể nương vào ngài Ajahn Plien là rất hữu ích.

Hỏi: Đâu là sự khác biệt giữa thiền tập và suy tư hay suy nghĩ về điều gì đó? Mong sư đưa ra các ví dụ về người nào đó thiền tập một cách thiện xảo so với thiền tập một cách phi thiện xảo? Và hành, saṅkhāra có nghĩa là gì, thưa sư?

Đáp: “Thiền tập” là một thuật từ chung. “Suy tư” hoàn toàn có ý nghĩa là sự quán tưởng, xem xét và suy nghĩ. Sự thiền tập có thể dùng đến quá trình tư duy nhưng cũng như vậy, quá trình tư duy có thể đứng yên. Chúng ta sử dụng sự suy tư và quán tưởng để giúp cho quá trình thiền tập, trong ý nghĩa nuôi dưỡng một ý niệm về sự cấp bách hay nuôi dưỡng những trạng thái tâm tích cực; nhưng chung quy, thiền tập, một cách lý tưởng, chuyển biến thành một sự đứng yên, một sự yên lặng, một sự giải thoát khỏi quá trình tư duy.

Điều này không có nghĩa rằng chúng ta không thể nhận thức sáng suốt bất cứ gì nhưng sự tư duy không ngừng nghỉ đó, sự bắt buộc để ngẫm nghĩ, ổn định và tâm trở nên định tĩnh và sáng rõ. Có một sự ổn định và sáng rõ cho phép chúng ta nhìn thấy mọi thứ trong một ánh sáng khác, ánh sáng của sự buông xả, ánh sáng của sự vượt thoát và đoạn diệt, nhận diện được những điều đang đi đến sự đoạn diệt, ổn định.

Vì thế, chúng ta không đang suy nghĩ về nó. Đó sẽ là một sự trải nghiệm rất trực tiếp bởi vì tâm định tĩnh. Đó sẽ là một ví dụ về việc thực tập thiền một cách thiện xảo. Sẽ là phi thiện xảo khi ám ảnh vào một quá trình tư duy hay một kinh nghiệm đặc biệt nào đó. Thậm chí nếu một sự trải nghiệm là sự bình yên và định tĩnh thì người đó có thể vẫn ám ảnh vào nó. Có thể có những giả định của cá nhân hay sự ngoại suy của một người về sự đáng giá và giá trị, giống như người đó có một sự thiền tập tốt đẹp, vì thế người đó cảm thấy mình là một người tốt đẹp. Hay người đó đã từng có một sự thiền tập không tốt đẹp, và vì vậy người đó là một người hành thiền chưa tốt đẹp hay là một người chưa tốt đẹp. Điều đó không thiện xảo. Hãy nhận diện rằng đó chỉ là một sự trải nghiệm vô thường, đang sanh khởi và đang đoạn diệt; vì thế có không gian xung quanh nó.

Hành – saṅkhāra, có lẽ có một trong những định nghĩa dài nhất trong từ điển Pali – Anh ngữ. Đó là một từ và một khái niệm phức tạp, và nó được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Về nghĩa đen, nó là điều gì đó được xây dựng nên, được kết hợp lại hay được tạo ra. Vì thế trong bài tụng mà chúng ta tụng, Sabbe saṅkhārā aniccā có nghĩa là, “Tất cả mọi thứ của một bản thể được hợp thành là vô thường”. Nhưng ngữ này cũng được sử dụng trong rūpaṃ aniccaṃ, vedanā aniccā và saññā aniccā cũng như saṅkhārā aniccā. Nó được sử dụng trong bối cảnh của ngũ uẩn của chúng sanh. Và có một ý nghĩa đặc biệt của hành khi ám chỉ đến các trạng thái tinh thần, các hành uẩn được kết hợp và đang kết hợp, khía cạnh ý chí của các hoạt động tinh thần.

Hỏi: Khi chúng ta nghĩ về những người với trái tim thanh thoát, rộng mở và độ lượng, họ tràn ngập tâm từ, tâm bi – karuṇā và tâm tùy hỷ – muditā, nhưng dường như không phải là sự thản nhiên. Tâm xả, upekkhā có thể đến một cách tự nhiên không, cũng như được tu dưỡng không, thưa sư?

Đáp: Tôi nghĩ nó thật sự thiên nhiều về kết quả của một sự tu dưỡng bởi vì nó không ngay tức thì biểu lộ trong trải nghiệm của con người nhưng sự buông xả có giá trị. Chúng ta quan sát thấy rằng giá trị trong tâm từ, tâm bi (upekkhā) và tâm tùy hỷ (sự giải thoát khỏi sự đố kỵ), nhưng nó không ngay tức thì biểu lộ điều tốt đẹp về tâm xả.

Những tâm khác thì có liên quan nhiều hơn với sự xứng đáng và tất cả những ý nghĩa tích cực mà chúng ta liên hệ với một con người tốt đẹp. Chúng ta không đánh giá cao ý niệm về tâm bi, tâm xả, sự đối trọng và sự cân bằng cho đến khi chúng ta bắt đầu quán tưởng và xem xét, quan sát nó thật sự khó duy trì như thế nào: hiện diện với điều gì đó, không bị dịch chuyển bởi hoàn cảnh, không bị dịch chuyển trong nội tại với những trạng thái hay ấn tượng bên trong tâm.

Khi chúng ta nói “không bị dịch chuyển”, nó không có nghĩa là u ám, đóng tắt hay khóa chặt lại mà là hoàn toàn hòa vào, rất rõ ràng và không bị dao động bởi bất cứ điều gì. Cần một ít thời gian để biết trân trọng điều đó và kế đến là nhận diện rằng điều đó sẽ cần có sự tu dưỡng và “làm việc” nào đó. Tất nhiên, khi chúng ta nhận diện được những lợi ích của việc không bị lôi kéo vào những mức phản ứng nội tại hay bên ngoài của chính chúng ta hay những điều kỳ vọng của thế giới xung quanh chúng ta, có một sự giải thoát lớn lao trong phẩm chất của sự buông xả.

Khi chúng ta tu dưỡng và tham gia vào các phẩm chất của tâm từ, tâm bi và tâm hỷ; khi chúng ta trở nên hòa hợp hơn với bản chất cao quý của những phẩm chất thiện lành này thì chúng ta cũng bắt đầu nhận diện được bản chất của tâm, trong ý nghĩa rằng những khát khao của chúng ta luôn luôn bỏ xa sự trải nghiệm của chúng ta. Vì thế, bạn có thiết bị tân tiến nhất và nó có nhiều dung lượng bộ nhớ hơn và nó hoạt động nhanh hơn: “Tôi muốn một trong những điều đó”.

Chúng ta làm những điều tương tự như vậy trong sự thực hành tâm linh. Nó có thể dày vò chính mình, nhưng đó cũng là điều hoàn toàn tự nhiên. Khi nó được khơi hướng, chúng ta có thể cố gắng đặt nó vào việc sử dụng thiện xảo. Khi chúng ta tu dưỡng tâm từ và tâm bi, chúng ta có thể nghĩ rằng, “À, điều đó khá tốt đẹp, nhưng tôi đoan chắc rằng có gì đó hơn thế nữa”. À, thật ra là có. Buông xả là sự tinh xảo cho phép chúng ta được đưa về sự bình yên đích thực.

Hỏi: Thưa sư, đâu là sự khác biệt giữa hỷ – pīti và lạc – sukha?

Đáp: Những phẩm chất này thường khởi sanh trong hành thiền khi chúng ta phát triển sự tỉnh giác một cách liên tục và tâm trở nên ngày càng được an định, bình tĩnh và chuyên nhất. Sự mô tả về tầng thiền đầu tiên – jhāna hay giai đoạn đầu của sự chuyên chú, gồm có tầm – tứ (vitakka-vicāra) hay suy nghĩ và sự đánh giá được điều hướng, tâm hỷ – pīti, lạc – sukha và định tâm – ekaggatā, là sự chuyên nhất của tâm.

Tâm hỷ – pīti thường được dịch là sự vui thích và lạc – sukha được dịch là hạnh phúc. Sự mô tả cổ điển trong Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga) là sự minh họa rất hay về sự khác biệt giữa hai trạng thái này. Đó là hình ảnh của một người đang đi băng qua một khu vực hoang dã không hề có nước hay bóng mát, để có được trải nghiệm về sự nóng bức, sự khó chịu và đau khổ. Khi bạn tiếp tục cuộc hành trình của mình, bạn nhìn thấy vài người đang đi đến. Trông có vẻ như họ được tắm gội một cách mát mẻ. Họ trông tươi mát và quần áo của họ sạch sẽ. Họ nói, “À, chính ở đằng kia, bạn có thể nhìn thấy ở nơi chân trời và một mảng rừng có cây cối. Có nước ở đó. Bạn sẽ có thể tắm gội, uống nước và nghỉ ngơi thỏa thích như bạn muốn”. Cảm giác xuất hiện đó chính là cảm giác của hỷ.

Bạn tiếp tục cuộc hành trình và đến được ốc đảo đó hay mảng rừng đó. Nơi đó mát mẻ. Nơi đó có bóng mát. Có nước ở nơi đó. Bạn có thể tắm rửa, làm tươi mới mình và uống nước cho đã khát. Cảm giác sanh khởi lúc đó là lạc hay hạnh phúc. Vì thế, hỷ là trong sự kỳ vọng và lạc là trong sự trải nghiệm.

Do đó, cũng tương tự như vậy trong sự thực hành, khi chúng ta bắt đầu có sự tỉnh giác và tập trung liên tục, tâm trở nên định tĩnh hơn và chúng ta bắt đầu có năng lượng vui thích di chuyển trong thân. Cảm giác về năng lượng vui thích mà chúng ta trải nghiệm là hỷ pīti, có thể được trải nghiệm theo nhiều cách khác nhau. Đôi lúc, trong khi bạn đang ngồi và thiền tập và tâm được an định, có thể có một sự nhột nhạt và một luồng cảm giác toàn thân. Hít thở sâu và thân đang trải nghiệm cảm giác của niềm vui thích, nhưng nó không thật sự định tĩnh.

Với lạc – sukha, chúng ta tiếp tục với sự tham gia vào và chánh niệm, và khi tâm không bị dịch chuyển hay bị phân tán bởi sự vui thích, niềm hạnh phúc trở nên quyện ngấm khắp thân nhiều hơn. Tâm và thân trở nên được thư giãn và an định. Các cảm thọ đau và khó chịu hoàn toàn biến mất, và có cảm giác của sự an vui.

Vì thế, đó là những sự khác biệt giữa hỷ và lạc. Hỷ có thể hơi hứng khởi một chút. Đôi khi lúc bạn đang hành thiền, đang quán tưởng khía cạnh nào đó của Pháp, nước mắt của hỷ xuất hiện. Thật khó để có được sự bình yên và an định với nước mắt tuôn chảy xuống khuôn mặt của bạn: bạn cần xử lý cái mũi sụt sùi của mình.

Duy trì chánh niệm và nó an định trong trạng thái lạc ổn định hơn, rất lan tỏa. Đừng cố kiểm soát hay thúc ép mọi thứ vào lúc này. Hãy để cho tâm di chuyển vào bên trong đối tượng của sự tập trung. Có một sự chuyên nhất của tâm.

Hỷ và lạc là những công cụ rất hữu ích trong thực hành, nhưng chúng cũng là một kết quả tự nhiên. Người ta trải nghiệm chúng theo nhiều cách khác nhau. Nếu bạn tạo ra một ý tưởng hay ý niệm về nó, bạn sẽ hầu như chắc chắn đóng khóa nó lại. Khía cạnh quan trọng nhất của sự thực hành là chánh niệm; đó thật sự là nền tảng hay điểm mấu chốt. Hãy duy trì việc quay trở lại với phẩm chất của sự tập trung chánh niệm và tỉnh giác.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app