Tu dưỡng tâm từ bằng thiền chánh niệm

Hỏi và đáp

Hỏi: Có nhiều người đạt được sự chứng ngộ trong những ngày gần đây. Có cần quan tâm và bàn luận hay không? Khi các duyên đã chín muồi và sự đòi hỏi là nghiêm túc, vậy thì có thể “giác ngộ” một cách nhanh chóng không, thưa sư?

Đáp: Tôi nhớ lúc Thiền sư Ajahn Chah đến Hoa Kỳ để hoằng pháp. Vì ngài đã từng thực hiện một số chuyến đi trước đó và đã hoằng pháp ở nhiều nơi khác nhau, ngài được hỏi, “Cho đến bây giờ, ngài đã ở Hoa Kỳ được một thời gian, ngài cảm thấy như thế nào về việc đạo Phật đang đi đến Hoa Kỳ?”. Ngài Ajahn Chah với cái nhìn trống rỗng trên gương mặt và nói rằng đạo Phật đã chưa đến Hoa Kỳ: “Tôi chưa thấy đạo Phật nào cả”. Đôi lúc có thể là ngài Ajahn Chah bướng bỉnh.

Tất nhiên, khi các duyên đã hội đủ và sự đòi hỏi là nghiêm túc thì có thể giác ngộ một cách nhanh chóng, nhưng tìm thấy những nhân duyên đầy đủ và có được sự đòi hỏi nghiêm túc đó thật không dễ dàng chút nào. Bạn thật sự phải duy trì sự đòi hỏi đó và phải tập trung, điều này không dễ dàng chút nào.

Phần nhiều trong lời dạy của Thiền sư Ajahn Chah là xung quanh sự chịu đựng bởi vì đó là điều được đòi hỏi. Tất cả chúng ta đều có xu hướng thiết lập chủ ý để giác ngộ một cách nhanh chóng ngay từ lần đầu tiên chúng ta bắt đầu thực hành. Tôi đã xuất gia với ý tưởng rằng tôi sẽ xuất gia tạm thời, học hành thiền (tôi đã có đến ba hay bốn tháng rảnh rỗi) và thành tựu ít nhất là quả Dự lưu. Sau đó tôi có thể đi làm điều mình muốn. Tôi sẽ không phải bị tái sanh một lần nữa vào các cõi thấp kém hơn. Nó hoàn toàn không dễ dàng như vậy; nhưng tất nhiên, sự chú tâm đến các duyên đã hội đủ và tính nghiêm túc của sự đòi hỏi là thật sự quan trọng.

Hỏi: Những kinh nào mô tả con đường và quả vị tu tập, thưa sư?

Đáp: Có hai thể thức khác nhau. Một là con đường như tôi đã mô tả vào đêm trước. Cũng có một thể thức khác, đó là sự mô tả của Thất Giác chi về con đường và sự chứng đắc. Đó là trong Kinh Trung Bộ 70, bài Kinh Kīṭāgiri. Con đường và quả vị là khá phổ biến, nhưng tôi không có được sự tham chiếu hay theo hiểu biết có được trong trí nhớ của mình.

Hỏi: Mong sư hoan hỷ nói đôi điều về những lợi ích của việc an trú trong tâm từ trong suốt quá trình lâm chung? Cả cho người chăm sóc và người đang chết đi.

Đáp: Lợi ích tức thì cho người đang chết đi là tâm không bị lôi kéo vào các trạng thái tâm tiêu cực. Điều đó làm cho toàn bộ quá trình chết đi được dễ chịu. Có một sự dễ chịu về mặt thể chất và giảm bớt sợ hãi. Người đó có thể qua đời và để cho thân ra đi cùng với sự sáng rõ bởi vì nó được giữ lấy ở bên trong môi trường của tâm từ. Đó là lợi ích to lớn.

Còn đối với người chăm sóc thì có được khả năng để tiếp tục và an trú bên trong những góc độ của tâm từ. Rất mệt mỏi khi chăm sóc cho một thân thể đang chết dần, vì thế liên tục có những điều chán nản và bất định. An trú trong tâm từ là một cách giúp cải thiện một số những điều chán nản, lo lắng, sợ hãi và những sự dự đoán khởi sanh. Đôi khi chúng ta dàn trải quá mức bản thân mình, cố gắng trở thành một người chăm sóc lý tưởng. Có thể nói bằng tâm từ, “Tôi thật sự như bị ‘chiên’ lên vậy. Tôi cần nhờ ai đó giúp đỡ”, bản thân điều này là một hành vi của tâm từ.

Những cơ thể này cần đến nhiều sự quan tâm khi chúng không hoạt động. Trong chín năm cuối đời của Thiền sư Ajahn Chah, ngài không thể tự chăm sóc mình. Ngài nằm liệt giường và không thể nói chuyện hay sử dụng chân tay của mình. Đó là một cơ hội tuyệt vời để chư tăng có thể chăm sóc cho ngài. Họ thu xếp mọi thứ vô cùng tốt đẹp. Có bốn vị tăng và một vị Sa-di vào ban ngày và bốn vị tăng cùng một vị Sa-di vào ban đêm, chăm sóc ngài một cách toàn diện. Có một vị tăng rất giàu kinh nghiệm là người chăm sóc trưởng, bao quát mọi thứ.

Cứ mỗi hai tuần sẽ có một sự thay đổi. Mọi người sẽ đến tu viện của Thiền sư Ajahn Chah và xếp hàng chờ để chăm sóc ngài. Họ sẽ không làm bất cứ gì cho ngài Ajahn Chah nếu họ không thành thạo việc đó. Đến giai đoạn sau, với ống truyền thức ăn qua đường mũi, các vị tăng đã phải rèn luyện và thực hành với chính bản thân mình trước khi họ được cho phép đến gần ngài Ajahn Chah. Thiền sư Ajahn Chah nằm một chỗ trong chín năm mà không hề có một vết lở người nào, đây là điều vô cùng kỳ lạ. Sự chăm sóc đó được thực hiện bởi lòng biết ơn và từ tâm. Thật sự là điều vinh dự khi được chăm sóc cho ngài.

Nhưng hầu hết mọi người không có một tăng đoàn lớn với nhiều tăng sĩ. Đó là một công việc khó khăn khi chăm sóc những cơ thể đang phân hoại đi. Một trong những công dụng của tâm từ là trở nên thực tế như cách chúng ta cần tử tế với chính bản thân mình và đưa những người khác vào bên trong đó. Chúng ta thường cảm thấy rằng mình nên làm tất cả mọi thứ. Giống như chú ngựa trong Animal Farm7 của George Orwell, “Tôi sẽ làm việc chăm chỉ hơn. Tôi sẽ làm việc chăm chỉ hơn”. Và tất nhiên những con lợn – trong câu chuyện này cứ chất chồng ra cả núi việc. Chú ngựa quỵ ngã, chết đi và được vận chuyển tới nhà máy. Thật sự quan trọng để có được tâm từ dành cho những sự giới hạn và để tìm thấy những nguồn tài nguyên khác.

Hỏi: Thưa sư, nếu mọi thứ về tôi, thân, những suy nghĩ, cảm thọ và thức uẩn của tôi là vô thường; và thậm chí nếu cái “ngã” là ảo tưởng, thì tôi đang chú tâm đến ai hay cái gì khi tôi ước nguyện an lành cho chính mình?

Đáp: Nó không giống như là không có một nơi trú ngụ. Cái ngã cố hữu này là một trọng điểm, dẫn đến sự tái sanh, có một cái tâm và có những quả đang chín từ trong quá khứ. Những thứ này không phải là ảo tưởng theo ý nghĩa rằng chúng không có một ý nghĩa hay tác dụng nào. Chúng ta trải nghiệm và cảm nhận được những quả ấy. Một phần của những phương tiện gỡ rối cho chính chúng ta và ngừng đau khổ từ những điều phức tạp mà chúng ta tạo nên cái ngã đó là tâm từ. Đó là một trong những phương tiện cải thiện thiện xảo.

Sự phủ nhận cái ngã cũng là một tri kiến sai lầm như việc đang phát triển niềm tin vào cái ngã. Có một sự cân bằng nho nhỏ mà chúng ta cần thực hiện để hiểu được những lời giáo huấn. Đây không phải là lời dạy vô nghĩa. Đó là một trong những tri kiến sai lầm cơ bản mà Đức Phật chỉ ra như là một nguồn gốc của khổ đau: bị dính mắc trong cái ngã và vào trong cái mà chúng ta suy tưởng như là cái ngã, nhưng cũng không phải là sự phủ nhận và không phải xu hướng vô nghĩa hóa cái ngã. Đó là một tri kiến sai lầm dẫn đến khổ đau.

Có một quá trình nhân – quả thật sự đang diễn tiến. Chúng ta cảm nhận và trải nghiệm những kết quả của các hành động và sự ứng dụng thiện xảo của điều gì đó tích cực, thiện lành và dẫn đến bình yên, sự sáng rõ và an lành. Những điều này vô cùng hữu ích.

Hỏi: Với hầu hết thời gian trong khóa tu này, tôi có nhiều điều suy nghĩ và lo lắng về một vấn đề mà tôi đang phải đối diện trong cuộc sống hàng ngày cũng như điều tôi phải tiếp tục đối diện sau khóa tu. Tôi đã cố gắng “làm việc” với nó một cách thiện xảo, mở rộng tâm từ cho bản thân mình và những người khác có liên quan và thực hành chánh niệm, “làm việc” với sự bất an, sân giận, ác cảm và “rong chơi” với tất cả những viễn cảnh khả dĩ và quay trở về với thân. Điều này chỉ làm mọi thứ dữ dội hơn và cảm thấy ám ảnh. Tôi nhận diện ra được trạng thái này từ nhiều khóa tu trước dù nội dung tu tập có thay đổi. Tôi đang cảm thấy mất tinh thần. Thưa sư, sư có gợi ý gì cho tôi không?

Đáp: Tôi nghĩ rằng một trong những việc cần làm là nhận diện rằng đây là cách mà tâm có xu hướng đi tới. Nó túm lấy một viễn cảnh hay một khó khăn đặc biệt và sau đó ám ảnh vào đó. Có sự bất an và sợ hãi xung quanh nó. Là điều tốt khi nói rằng, “Được rồi, đó là một trạng thái tốt đẹp được thiết lập một cách hợp lý”, và có thể nhận diện điều đó. Tốt hơn nên tiếp cận nó bằng cách hỏi rằng, “Tôi có thể có tâm từ để xu hướng đó đi theo và ở bên trong trạng thái đó không?”, hơn là cố gắng nghĩ rằng, “Tôi cần tâm từ cho chính mình; Tôi cần tâm từ cho người kia” và phân chia nó ra như vậy.

Điều lý tưởng là mang ý niệm về sự tử tế và ước muốn tốt đẹp đến trạng thái đó và quan sát xem tâm tham gia vào những phản ứng đó như thế nào. Điều này giúp cho nó có một ít không gian, nhìn thấy cấu trúc hay thói quen đặc biệt và sau đó bước lùi lại khỏi sự đồng nhất với nó và nhận diện rằng nó là một đối tượng xứng đáng với ước nguyện tốt đẹp.

Khi chúng ta liên hệ với chính bản thân mình, với những cấu trúc thói quen của chúng ta, với tính khí và cá tính của mình, chúng ta thường không thật sự tử tế một cách đúng mức. Chúng ta có xu hướng có những sự kỳ vọng cao hơn và có một mức độ nhẫn nại thấp hơn. Nếu bạn là người bạn thân của mình, bạn sẽ phản hồi theo một cách tương tự không? Hãy nắm bắt một viễn cảnh tương tự nhưng hãy đặt một người bạn tốt vào vị trí nơi mà bạn tri nhận về chính bản thân mình. Với cùng một viễn cảnh và những tình huống tương tự, sự phản hồi của bạn sẽ là gì?

Bạn sẽ nhận thấy rằng sự phản hồi hầu như sẽ tử tế hơn nhiều, nhẫn nại, thoáng đãng, tha thứ và rộng lượng hơn nhiều. Đó là sự rèn luyện hữu ích trong sự tưởng tượng hay hình dung: chỉ để thay thế chính bản thân bạn bằng một ai đó khác. Hãy nhận diện rằng bạn có thể sẽ phản hồi theo một cách hoàn toàn khác.

Hỏi: Có phải Thiền sư Ajahn Chah là một vị thánh Bất lai – anāgāmi không khi ngài giận dữ với vị Sa-di, thưa sư? Tôi nghĩ rằng gốc rễ của cơn giận đã bị đánh bật ở giai đoạn đó. Mong sư hoan hỷ giải thích.

Đáp: Hoàn toàn không, với sự giận dữ đó. Một vị thánh Bất lai hoàn toàn đoạn tận được sân giận và tham dục. Đó là dấu hiệu cho thấy ngài thật sự đã không đạt được mục tiêu của mình và ngài vẫn còn những sự nhiễm ô quan trọng khác để “làm việc” với chúng, và đó là điều mà ngài dành năng lượng của mình vào để “làm việc” với nó.

Hỏi: Mong sư hoan hỷ giải thích ý nghĩa của những phước lành bằng tiếng Pali mà sư tụng sau bữa ăn. Tôi không thể nhớ toàn bộ phần dịch nghĩa nhưng nhớ rằng nó rất đẹp và bổ sung cho ý niệm về tâm từ.

Đáp: Thành thật mà nói, tôi cũng không nhớ nữa. Một trong những lý do chúng ta không tụng bằng tiếng Anh là vì chúng ta không có một sự dịch nghĩa thật sự tốt cho nó. Chúng tôi đã thử trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nó hoặc là kỳ cục hoặc là không thật sự đúng nghĩa, vì thế chúng tôi không thể chuyển ngữ sang tiếng Anh. Nhưng điều cần thiết là bài tụng là một sự nhận diện về điều tốt lành đã làm được. Một trong những hình ảnh đó là như nước được khơi mạch và tuôn chảy, điều tốt lành lan tỏa ra khắp mọi nơi. Nhận diện rằng điều tốt lành đã làm được và bằng sức mạnh của điều tốt lành đó, mong cho bạn được giải thoát khỏi khó khăn và bệnh tật. Mong cho bạn nhận được phước lành của điều tốt đẹp đó. Thông qua sức mạnh của điều tốt lành đã được tạo tác, mong cho bạn có được sức khỏe tốt, sống thọ, hạnh phúc và an lành.

Phần cuối cùng của bài tụng là: “Nương nhờ sức mạnh của Đức Phật, nương nhờ sức mạnh của Pháp, nương nhờ sức mạnh của Tăng đoàn, mong chư thiên bảo vệ bạn bằng sức mạnh của những điều tốt lành và mong cho bạn được sống hạnh phúc”.

Vì thế đó là một bài tụng rất đẹp, và không may là chúng ta vẫn chưa tụng cùng nhau bằng tiếng Anh được. Chúng được gọi là những bài tụng tùy hỷ công đức, anumodana và cũng có một vài bài tụng khác. Anumodana nghĩa đen là “phấn khởi trong điều tốt lành đã làm được”. Đó là ý nghĩa chính yếu của nó.

Hỏi: Mong sư hoan hỷ nói về sự khác biệt giữa sự nhận thức và ý thức. Có phải sự nhận thức là một trạng thái có điều kiện, là cách mà ý thức biểu hiện? Làm thế nào chúng ta có thể nhận thức nếu không thông qua ý thức?

Đáp: Chính xác. Bạn thật sự không thể tách bạch các uẩn, khandhas, ngũ uẩn của chúng sanh. Bạn có thể bằng việc sử dụng ngôn ngữ và các khái niệm, nhưng trên thực tế chúng được cột lại với nhau, nương dựa vào nhau và phụ thuộc lẫn nhau. Sự khác biệt giữa sự nhận thức và ý thức là ý thức là chức năng cơ bản của khả năng nhận thức thông qua các cánh cửa giác quan như: ý thức về mắt, ý thức về tai, ý thức về mũi, ý thức về lưỡi, ý thức về thân và ý thức về tâm. Khả năng ý thức được sự tiếp xúc giác quan – đó là một chức năng cơ bản. Nếu bạn sống, hiện hữu, có thân và có tâm thì bạn có chức năng cơ bản của ý thức.

Sự nhận thức là một chức năng của hành uẩn, saṅkhārā. Đặc điểm khu biệt của hành uẩn là sự tác ý, cetanā (sự mong muốn và chủ ý) để chúng ta điều hướng sự nhận thức. Khả năng điều hướng sự nhận thức và mang sự nhận thức vào bên trong là một chức năng của sự ứng dụng bởi sự tác ý và sự chú ý. Vì thế chúng ta có thể trở nên tinh tế trong việc sử dụng sự nhận thức, hay chúng ta có thể lãng quên trong việc sử dụng sự nhận thức. Điều này cần được nuôi dưỡng, chăm sóc và phát triển. Ý thức, tiếp nhận sự tiếp xúc giác quan, chỉ là một chức năng cơ bản.

Đó là sự khác biệt căn bản. Cả hai đều là có điều kiện. Chúng ta cũng điều chuyển sự nhận thức trong ý thức. Bằng cách tăng trưởng dần dần sự nhận thức đối với những gì chúng ta ý thức về, chúng ta có thể đưa ra các quyết định rõ ràng hơn và nhìn thấy được một cách rõ ràng hơn những gì thật sự đang xảy đến với mình.

Hỏi: Mong sư hoan hỷ chia sẻ đôi điều về hành trình cá nhân của sư, có sự mô tả nào đó về cuộc đời của sư trước khi sư trở thành một nhà sư? Vì sao sư chọn trở thành một nhà sư? Mong sư làm sáng tỏ cách mà một đời sống cao quý có thể giúp con người tăng trưởng và thay đổi?

Đáp: Tôi có một lịch sử cuộc đời rất ngắn. Tôi lớn lên tại một thị trấn nhỏ lẻ ở Canada và đã rời khỏi đó ngay khi tôi có thể. Tôi bắt đầu quan tâm đến Phật giáo khi học đại học vào thập niên những năm 1960. Tôi sinh trưởng ở tỉnh Manitoba. Thị trấn nơi tôi lớn lên cách phía bắc biên giới Hoa Kỳ hơn 965 km. Khi ấy, Phật giáo không có mặt nhiều ở nơi đó và cho đến giờ thì vẫn vậy. Sau đó, tôi đi học đại học ở Winnipeg, một thành phố xinh đẹp nhưng nhỏ bé, thuộc vùng trung tây Canada. Vì thế tôi đã không tiếp xúc được với bất kỳ giáo pháp hay vị thầy nào cả.

Nhưng tôi đã có một sự yêu thích. Tôi “săn tìm” thật nhiều sách về Phật giáo trong khả năng của mình. Và kế đến, sau khi hoàn thành đại học và làm việc một thời gian đủ dài để có được một ít tiền, tôi bắt đầu đi đây đi đó. Nhiều người làm như vậy vào thời đó. Tôi đi khắp châu Âu, vùng Trung Đông và Ấn Độ. Tôi có một ý tưởng mơ hồ rằng tôi sẽ đến Nhật Bản để học Phật. Vào những ngày ấy, đa số các sách bạn có thể đọc về Phật giáo đều nói về thiền Zen.

Nhưng sau đó tôi đến Thái Lan. Có rất nhiều tu viện trên khắp đất nước này. Như thể nơi đây là một nền văn hóa Phật giáo. Tôi thật sự bị quyến rũ, vì vậy tôi đã ở lại. Tôi đi đến một vài tu viện khác nhau và thực hành nơi này, nơi khác. Bước đầu đến với thiền tập của tôi là một khóa tu tách biệt trong vòng một tháng của Thiền sư Mahasi Sayadaw. Đó là nhân duyên tôi học thiền, và tôi yêu thích thiền. Tôi tự hỏi, “Làm thế nào để tôi có thể thực hành thiền nhiều hơn?”.

Hơi khó khăn một chút bởi vì họ yêu cầu bạn thiền tập mỗi ngày hai mươi giờ đồng hồ và ngủ bốn giờ đồng hồ. Và với sự hướng dẫn này, tôi cảm thấy bốn giờ thì làm sao mà được chứ, vì thế tôi đã không thèm “đếm xỉa” đến điều đó. Tôi đã chẳng thèm tham gia vào; đó không phải là một phần thực tại của tôi.

Tôi hành thiền một cách chăm chỉ, nhiều như có thể và có được một số trạng thái rất thú vị. Sau đó có được một sự ổn định sau khoảng mười ngày hay hai tuần thực hành. Kế đó, vài ngày sau, thiền sư hỏi, “Hiện một ngày ông ngủ bao nhiêu giờ đồng hồ?”. Tôi nói, “Dạ có lẽ là sáu hay bảy tiếng mỗi đêm”. Tôi đã nghĩ rằng điều đó khá tốt bởi vì tôi có thể quan sát thấy việc ngủ nghỉ của mình đang giảm xuống. Và thiền sư mắng tôi rằng: “Cái ông lười nhát này! Ông đang ‘chơi ăn gian’. Ông đã tự mình đặt ra giờ giấc ngủ nghỉ này. Chỉ hai giờ mỗi đêm thôi! Đó là tất cả thời gian mà ông có để ngủ. Hãy quay trở về và hành thiền đi”. Vì thế tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm thú vị với thiền tập.

Tôi đã đi đến một tu viện khác và thọ giới tạm thời. Đó là một tu viện của thành phố nằm ở ngoại ô Bangkok. Đó là nơi tôi bắt đầu nghe nói đến truyền thống tu thiền trong rừng và Thiền sư Ajahn Chah và điều đó thật sự hấp dẫn đối với tôi. Sau khi trở thành tu sĩ được một tháng, tôi xin phép thầy mình đến thăm và đảnh lễ Thiền sư Ajahn Chah. Thầy tôi nói rằng thầy đã nghe nói về ngài Ajahn Chah và ngài là một nhà sư rất khả kính.

Vì thế tôi đã rời khỏi đó và đi đến tu viện của ngài Ajahn Chah vào buổi sáng sớm. Bạn nhìn thấy các vị sư quay về sau khi đi khất thực, trong tiết mùa đông phủ mờ những cánh đồng. Đó là một cảnh tượng vô cùng thoát tục. Tôi đến khi mọi thứ đều yên lặng và tịch tĩnh và tôi đã có cơ hội đảnh lễ Thiền sư Ajahn Chah. Tôi đã quỳ xuống và hành lễ; và ngài nhìn tôi và nói, “Nếu ông muốn ở lại đây, ông phải ở lại ít nhất năm năm”. Do vậy, tôi cảm thấy rằng, “Ồ, tôi chắc rằng điều đó không dành cho tôi”.

Tôi đã ở lại một lúc và sau đó xuất phát đến một tu viện khác cũng rất yên tĩnh. Tôi đang dành nhiều nỗ lực để thực hành. Việc thiền tập tiến triển rất tốt đẹp. Tôi đã rất chăm chỉ trong thực hành. Nhiều tháng trôi qua, nhưng tôi lúc nào cũng nghĩ về Thiền sư Ajahn Chah. Tôi nghĩ rằng, “À, năm năm thì năm năm. Tôi sẽ quay trở lại và cúng dường chính mình cho ngài Ajahn Chah”. Đó là câu chuyện cách đây 35 năm.

Còn như thế nào một đời sống tu hành có thể giúp con người ta tăng trưởng và thay đổi, đặc biệt là khi đắp y trong một thời gian dài như vậy và ở trong các tu viện nơi mà người ta đến và đi, một điều rõ ràng với tôi là không có cái gọi là một vị xuất gia lý tưởng hay một hành giả lý tưởng. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều dạng người đến đây. Một số người ở lại và một số người rời đi. Một số người hoàn toàn được gợi cảm hứng và dường như rất tĩnh lặng, thông tuệ và sáng rõ và sau đó họ biến mất trong đêm khuya khoắt. Một số khác đến và dù gặp hết bất ổn này đến bất ổn khác, hết khó khăn này tới khó khăn khác, họ kiên định với nó và họ thay đổi. Đó là một trong những điều như nhất: nếu ai đó ở lại với nơi này, sự thay đổi diễn ra. Con người ta thật sự tăng trưởng và thay đổi.

Hỏi: Thật hữu ích khi được nghe những câu chuyện từ chính trải nghiệm của sư. Mong sư hoan hỷ nói về một vài thời khắc thử thách trong sự thực hành của sư và sư đã “làm việc” với chúng như thế nào?

Đáp: Tôi đã chia sẻ đôi điều, đặc biệt là về khía cạnh các xung đột với những người khác trong tăng chúng. Một trong những điều có thể hữu ích là đối trị với nghi. Đó là điều mà tất cả chúng ta đều trải qua: nghi ngờ về chính bản thân mình, nghi ngờ về sự thực hành. Một điều mà tôi nhận thấy thú vị là không phải thật sự chính bản thân tôi giải quyết sự nghi hoặc đó. Điều này sẽ được sáng tỏ bằng sự thực hành hay thông qua Pháp. Điều này tương tự như bước lên chiếc xe buýt: nó sẽ đưa chúng ta đến nơi là đích đến của nó. Chúng ta thật sự không cần biết rõ hết mọi điều hay phải làm sáng tỏ nó, nhưng cần có một nền tảng cơ sở của niềm tin vào những lời dạy và sự thực hành. Chúng ta hiến tặng chính bản thân mình cho điều đó, biểu thị cho Phật, Pháp và Tăng và quan sát xem kết quả ra làm sao.

Các phẩm chất của sự độ lượng, đạo đức, chánh niệm, sự rèn luyện và quán tưởng trên những đề mục căn bản là một phương tiện đáng tin cậy. Hãy thâm nhập vào điều đó, bước lên phương tiện đó và để cho nó đưa bạn đi. Sau một thời gian, những phẩm chất này bắt đầu trưởng thành và khi bạn kiên định với sự thực hành, có một sự chứng nghiệm. Nó không giống như là bạn có được sự hiểu biết sâu sắc về cái nghi và nó tan rã ra nhưng ở một mức độ nào đó bạn nói rằng, “Tôi đã từng có sự nghi hoặc về điều đó. Tôi đã từng lo lắng về điều đó. Điều đó không còn có mặt ở đó nữa. Điều đó thú vị”. Bằng sự quán tưởng, bạn quan sát thấy rằng nghi được sáng tỏ ra bởi sức mạnh của chính sự thực hành và con đường rèn luyện. Sự tin tưởng vào kết quả của con đường cũng như sự rèn luyện tăng trưởng và tiếp tục tăng trưởng.

[7] Animal Farm: tạm dịch tiếng Việt Chuyện ở nông trại, là tiểu thuyết trào phúng của nhà văn Anh George Orwell được phát hành tại Hoa Kỳ vào năm 1946.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app