Nội Dung Chính
Tu dưỡng tâm từ bằng thiền chánh niệm
Hỏi và đáp
Như vậy, chúng ta sẽ bắt đầu thời gian dành cho câu hỏi tối nay. “Những khoảng trống sẽ được nhanh chóng lấp đầy” và chúng ta đã giải quyết hết những câu hỏi được đặt ra tối qua. Rổ chứa câu hỏi lại đầy rồi, là một dấu hiệu tốt đẹp.
Hỏi: Thưa sư, một trong những người thầy cư sĩ dạy thiền quán của tôi nói rằng, “Hành giả cư sĩ phương Tây là một sự thử nghiệm trong Phật giáo”. Sư nghĩ gì về điều này? Đối với tôi, dường như những người thầy cư sĩ đó cũng là một sự thử nghiệm.
Đáp: Có lẽ có sự thành kiến nào đó ở đây. Tất nhiên, ở phương Tây cho đến nay, phương thức thực hành chiếm ưu thế chính là sự thực hành của người cư sĩ và những người hướng dẫn là cư sĩ. Mặc dù có mức gia tăng về sự quan tâm ở những người muốn học tập với các bậc thầy đã xuất gia và tất nhiên cũng có sự quan tâm mạnh mẽ đối với sự thực hành trong tu viện, sự có mặt của tu viện vẫn còn khá nhỏ bé; thật sự là như vậy.
Ở tu viện Abhayagiri, chúng tôi gần như luôn luôn có một danh sách chờ của những người mong muốn đến và thực hành.
Mô hình cổ điển là tăng đoàn thuộc tu viện đặt nền tảng cho sự giảng dạy, dẫn dắt thực hành và là ví dụ cho sự thực hành. Tôi nghĩ rằng, đôi khi có sự lưỡng phân sai lầm trong sự tri nhận ở phương Tây, bởi vì sự hiện diện của tu viện vô cùng mạnh mẽ ở châu Á. Thi thoảng, ở châu Á người ta xem nhẹ sức mạnh của truyền thống thực hành của cư sĩ và người hướng dẫn là cư sĩ. Tất nhiên, ở Thái Lan, đó là trường hợp rất điển hình. Có những người cư sĩ nam và cư sĩ nữ là những học giả, những người hướng dẫn xuất sắc. Và đó không phải là sự biểu hiện đơn sắc như mọi người tri nhận.
Chúng ta hãy nhìn vào mô hình mà chính Đức Phật đã đưa ra. Có một bài pháp rất thú vị lúc Ma vương đến, ngay sau khi Đức Phật giác ngộ – và nói rằng, “Ngài đã làm xong việc của mình rồi; đã đến lúc Ngài kết thúc mọi thứ ở đây. Ngài có thể nhập diệt ngay bây giờ”. Và Đức Phật nói, “Chức năng và mục đích của ta là hoằng hóa và ta sẽ không nhập diệt cho đến khi chư Tăng, chư Ni, những nam cư sĩ và những nữ cư sĩ đã thiết lập vững chắc trong con đường tu tập và có được những quả vị tu tập, có thể dẫn dắt và giải quyết các bất ổn, có thể tự mình đứng vững, vì thế Pháp và Giới này có thể tồn tại dài lâu”. Đó là chuẩn mực của Đức Phật về sự sắp đặt cân bằng và mạnh mẽ: khi chư Tăng, chư Ni, những nam cư sĩ và những nữ cư sĩ tất cả đều thông tuệ và thực hành tốt đẹp (Kinh Trường Bộ 16).
Hỏi: Đây là một viễn cảnh phổ biến: Tôi bị dính mắc vào trong câu chuyện của sự tán thưởng và quy trách nhiệm. Tôi chú ý có một giọng nói, “Điều đó sẽ rất nhanh thôi. Ngươi đang trở nên giỏi giang với việc này”. Tôi tỉnh thức một lần nữa. “À, ta biết ngươi, Ma vương à”. Lại có một giọng nói, “Xuất sắc, ngươi đang dần trở thành một kẻ thực hành yoga thiện xảo”. Ma vương dường như bám bấu vào mỗi thời khắc bất kỳ của sự tỉnh thức để tiếp dưỡng cho cái ngã. Tôi có nên chịu đựng một cách kiên nhẫn, và điều này sẽ làm hao phí thời gian và sự thực hành hay có giải pháp nào khác mà sư có thể gợi ý không, thưa sư?
Đáp: À, là cả hai, trong ý nghĩa rằng thật sự khó khăn để đánh giá quá cao sự kiên nhẫn chịu đựng quan trọng như thế nào đối với sự thực hành – sự sẵn lòng để chịu đựng bản chất thê thống của tâm. Nhưng sau đó cũng sẽ có những sự thử nghiệm, những sự quán tưởng chúng ta có thể sử dụng để làm suy yếu đi những sự suy tưởng về cái ngã và cái tôi – sự quán tưởng về vô thường, về sự bất định và sự thay đổi. “Đây là những trạng thái tâm sanh khởi lên và dừng lại”. Đó là việc hòa vào nó như cách mà các pháp sanh khởi lên và dừng lại, trái với tôi đấu tranh với Ma vương, tôi là người chiến thắng Ma vương, tôi bị đánh bại bởi Ma vương một lần nữa: câu chuyện “cái tôi và Ma vương” đó.
Vì thế, nhìn thấy các pháp sanh khởi lên và dừng lại, đó là tất cả những gì cần thiết. Không có cái “tôi” ở trong đó. Đó thật sự là một khía cạnh quan trọng của sự hiểu biết sâu sắc để chuyển sự tập trung đến. Ngoài ra, chúng ta có thể phát triển sự phá vỡ quá trình các suy nghĩ sanh khởi và dừng lại: nhận biết được ý niệm của cảm thọ, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, sự tham muốn, sự dính mắc và sự chấp thủ, quá trình của lý Duyên khởi – “Đó chính là ngũ uẩn đang khởi sanh và đang dừng lại” – và có thể nghỉ ngơi trong sự tỉnh thức của ngũ uẩn, trái với việc tham gia vào câu chuyện của “tôi và ngũ uẩn của tôi”.
Hỏi: Bài tụng tâm từ có nội dung “Tôi mong được cứ ngụ trong sự giải thoát khỏi sự phiền não”. Tại sao sự phiền não không được bao gồm trong ước muốn cho tất cả các chúng sanh; trong khi đó sự thù nghịch, ác ý và lo lắng, bất an lại ở trong cả hai? Mong sư hoan hỷ nói rõ thêm về điều này.
Đáp: Lý do là vì trong bài tụng đó, thật sự là câu đó được nằm ở gần phía dưới. Tôi không thể nhớ nó được dịch như thế nào, nhưng bài tụng đặc biệt đó là bài tụng cho tất cả bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ và xả. Ước muốn “Mong cho tất cả chúng sanh được cứ ngụ trong sự giải thoát khỏi sự phiền não” là một biểu hiện của lòng bi mẫn và nó thật sự được diễn đạt là, “Mong cho tất cả chúng sanh được giải thoát khỏi khổ đau”. Đó là cách nó được diễn đạt, vì đó là sự biểu đạt cơ bản của tâm bi. Khát khao của tâm từ là ước muốn cho niềm hạnh phúc và an lành, còn biểu hiện của tâm bi là ước muốn cho sự giải thoát khổ đau. Vì lý do nào đó, trong bài tụng đó, nó bị bao hàm bên trong tâm từ. Đôi khi thật khó để tìm thấy sự tương phản bất di bất dịch giữa hai tâm này. Để trải nghiệm sự an lành, tất nhiên sau đó mỗi người cần phải được giải thoát khỏi khổ đau.
Hỏi: Sáng nay sư đã nói về việc đưa sự biểu hiện của tâm từ (mettā nimitta), đối tượng của tâm từ vào trong tâm của mình. Tôi hiểu đôi chút về cảm thọ của tâm từ nhưng không hiểu gì về sự biểu hiện của tâm từ. Mong sư hoan hỷ giải thích thêm.
Đáp: Chúng hoàn toàn giống nhau. Nimitta là một thuật từ chung cho đối tượng. Chúng ta thường liên hệ nimitta, sự biểu hiện với một loại ánh sáng hay hình ảnh nào đó. Với sự chánh niệm trong hít thở và sự tập trung, sẽ có sự khuyến khích để phát triển một dấu hiệu của ánh sáng hay hình tượng. Nhưng từ nimitta thật sự chỉ có nghĩa là dấu hiệu. Do đó, dấu hiệu của tâm từ là cảm thọ, cảm thọ thật sự, xúc cảm bên trong con tim, bên trong sự trải nghiệm. Đó chính là dấu hiệu.
Tham gia vào điều đó là quan trọng. Nếu một người đang tìm kiếm điều gì đó khác, hay chỉ lặp đi lặp lại các ngữ, nghĩ rằng, “Đây chính là dấu hiệu của tâm từ”, hay cố gắng gợi lên hình ảnh chính mình đang lan tỏa với tâm từ theo cách nào đó thì người đó có thể mất phương hướng. Cảm thọ bản thân nó là một dấu hiệu, đối tượng hữu hình – là cơ sở cho sự chuyên nhất, điều mà một người có thể hấp thu vào. Khi một người trải nghiệm và nuôi dưỡng điều đó, người đó có thể để cho tâm chuyên nhất với cảm thọ và đó là cách mà nó mở rộng và ổn định.
Hỏi: Mong sư hoan hỷ nói về cách “làm việc” với sự sợ hãi và sự mất mát của cái ngã, sự sợ hãi và cái chết.
Đáp: Đó là một trong những nơi mà tâm từ chính là sự thiền tập và rèn luyện thiện xảo, bởi vì ý niệm về sự sợ hãi dễ dàng xuất hiện cùng với sự mất mát điều quen thuộc, với sự bất định của nơi mà một người đặt sự chú tâm vào đó. Một người có thể tin vào điều gì khi người đó bắt đầu nhìn thấy? Thân: không thể dựa vào đó. Các cảm thọ, những sự suy tưởng, các ý nghĩ: hoàn toàn không đáng tin cậy. Thức uẩn: không phải là sự lựa chọn tốt. Bạn nhìn vào thế giới xung quanh và…
Vì thế dễ dàng bị lung lay bởi sự bất ổn và bất định của mọi thứ, và có thể có một sự sợ hãi ở đó, sự bất định, một sự hoang mang và lúng túng nhất định. Thật tốt khi có thể nhận diện được rằng, thậm chí nếu sự trải nghiệm của chúng ta là hoàn toàn bất định và bất ổn, “Cảm thọ đặc biệt này của tâm từ là đáng tin cậy. Tôi đã trải nghiệm điều đó. Tôi đã trông thấy điều đó. Đó là cảm thọ chân thật trong con tim”.
Cũng có sự tin tưởng khởi sanh ngay trong đạo đức, tất cả những điều Đức Phật khuyến khích. Không có bất cứ điều gì Đức Phật khuyến khích mà lại là cái được nhìn thấy bằng sự ngờ vực, như thể nó không đáng tin cậy.
Ở một mức độ nhất định, khi một người lần đầu tiên tiếp cận với những lời dạy có thể nghĩ rằng, “À, đây là một sự giáo huấn khốn khổ”. Giống như trong thời tụng kinh buổi sáng: Sự ra đời là đau khổ, già đi là đau khổ, bệnh tật là đau khổ, cái chết là đau khổ, biệt ly là đau khổ, sự ràng buộc là đau khổ: mọi thứ đều là khổ đau.
Nhưng sau đó, khi người đó xem xét rằng: “À, Đức Phật thật sự khuyến khích bạn làm gì? Cái gì mà Ngài đã chỉ ra như là con đường của sự thực hành và rèn luyện?” – Bát Chánh đạo. Chánh kiến, chánh tư duy: có liên quan đến trí tuệ. Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng: đạo đức. Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định: bình yên, trạng thái tâm tĩnh lặng. À, tất cả đều tốt đẹp. Con đường này hoàn toàn có liên quan tới sự thiện lành, thiện xảo và hướng thượng.
Sau đó, có những thuộc tính tâm linh khác mà chúng ta có thể tin cậy; đó là, các phẩm chất dẫn đến sự bỏ qua, vượt lên trên và đi qua đau khổ: các ba-la- mật, pāramīs. Sự rộng lượng, đạo đức, sự nhất tâm, sự nhẫn nại, nỗ lực, sự quyết tâm, sự chân thật, tâm từ, tâm xả, trí tuệ: tất cả mọi điều thật sự tốt đẹp mà một người có thể hình thành cho mình. Đó là điều mà Đức Phật khuyến khích chúng ta và đó là điều hình thành nền tảng cho khả năng vượt thoát khổ đau. Con tim tràn đầy sự an lành và ổn định. Quán tưởng và nhắc nhớ bản thân mình về điều Đức Phật khuyến khích chúng ta để tu dưỡng và phát triển: đó là tất cả những trạng thái tâm sáng rõ, mang lại lợi ích vượt bậc.
Khi các khía cạnh của sự sợ hãi xuất hiện, điều hữu ích là có thể nhận diện được chúng từ đâu đến. Tất nhiên, chúng đến từ sự đồng nhất với cái ngã, từ sự đồng nhất với cái tôi, từ sự đồng nhất với thân, từ sự đồng nhất với tâm, từ sự đồng nhất với thế giới và tất cả mọi thứ mà chúng ta thật sự không thể kiểm soát được. Vì thế khi một người nhìn thấy điều này khá rõ ràng, người đó nhận diện rằng, “À, tôi thật sự có rất ít sự kiểm soát”. Đây là lời dạy vô cùng thực tế để chúng ta giải quyết điều này. Khá tự nhiên đối với con người khi suy sụp tinh thần trước những sự mất mát, trước những mối đe dọa, trước cái ngã và cái tôi của mình. Có một câu trích dẫn tuyệt vời của ngài Ajahn Mahā Boowa, nói về ngài Ajahn Mun. Ngài Ajahn Mun từng dạy, “Thông thường, là con người, chúng ta phản hồi những lời dạy về sự giải thoát và về Niết-bàn với ý nghĩ tò mò về sự sợ hãi và bối rối. Tôi không muốn đi đến đó. Tôi không muốn làm điều đó. Có gì ở đó đâu. Cha mẹ và ông bà của chúng ta đã dạy chúng ta rất rõ phải luôn cố kết với gia đình, cố kết với tài sản và cố kết với danh vị”. Đó là sự hình thành nên chúng ta. Khi sự hình thành này thay đổi, tất yếu có một sự chuyển biến diễn ra, và tôi nghĩ quan trọng là cần quán tưởng điều mà Đức Phật thật sự khuyến khích chúng ta làm. Đây là sự thực hành tốt đẹp.
Hỏi: Thưa sư, tôi không chắc trong bối cảnh của khóa tu này khi nào nên an trú một cách đơn giản với bốn nền tảng của sự chánh niệm và khi nào nên “ngân nga” các ngữ về tâm từ. Mong sư hoan hỷ đưa ra lời khuyên bằng cách nào và khi nào để di chuyển một cách thiện xảo từ sự thực hành này sang sự thực hành kia?
Đáp: Trong bối cảnh của nội dung mà tôi đang trình bày được “yết thị” là một khóa tu tâm từ, có một sự nhận diện theo cách tâm từ là một phần của một tổng thể các sự thực hành vốn là những lời dạy của Đức Phật. Tất nhiên, bốn nền tảng của sự chánh niệm là một khung sườn bao quát toàn bộ để tham gia vào.
Có một bài pháp Đức Phật nói về việc thiết lập sự chánh niệm đối với những suy nghĩ thiện xảo và lành thiện đặc biệt, và khả năng duy trì điều đó một cách chuyên biệt trong một ngày, hay một đêm, hay một ngày và một đêm: thiết lập trong tâm điều đó, nhận thức rõ ràng điều gì là thiện xảo và phi thiện xảo, và sau đó cam kết với các suy nghĩ thiện lành (Kinh Trung Bộ 19). Nhưng sau đó, tâm trở nên mệt mỏi, vì thế tiếp đến cần quay về một nơi của sự định tĩnh hay ổn định.
Mỗi người phải nhận diện một cách rõ ràng và tham gia một cách thiện xảo vào việc đọc thuộc các ngữ tâm từ. Nó sử dụng một quá trình tư duy và một cách rất tự nhiên, nó dễ trở nên lặp đi lặp lại và cảm giác mệt mỏi đối với tâm. Một lần nữa, điều quan trọng là nhận thức được rằng việc đọc thuộc các ngữ được sử dụng như một sự quán tưởng và nhắc nhớ chúng ta về cảm thọ thật sự đó. Khi thiết lập cảm thọ đó, một cách không gián đoạn thì tâm của chúng ta có thể lưu lại bên trong đó. Nhưng sự đọc thuộc cũng là một công cụ hữu ích giữ cho tâm ở bên trong những giềng mối của tâm từ, của sự tri nhận về tâm từ.
Nhưng nếu một người tiếp tục thực hành và cảm thọ không đủ mạnh mẽ để làm cho bản thân an trú bên trong đó một cách mạnh lành thì điều quan trọng là nên an định tâm ở một đối tượng bên trong bốn nền tảng của sự chánh niệm – thân, cảm thọ, tâm và các đối tượng của tâm – theo một cách nào đó. Tất nhiên, thân là đối tượng liên tục tức thời mà tâm chúng ta có thể an trú bên trong đó, thư giãn bên trong đó, mang lại phẩm chất của sự an định xuyên suốt thân và tâm. Khi tâm được làm cho tươi mới rồi thì nó có thể quay trở lại với sự thực hành các ngữ tâm từ để tiếp tục phát triển và ổn định sự tri nhận về cảm thọ. Vì thế, mỗi người có thể “làm việc” với chúng một cách tuần tự như vậy. Không có một nguyên tắc bất di bất dịch. Mà phần nhiều là: Kết quả đạt được là gì? Trạng thái của tâm là gì? Điều gì sẽ hữu ích cho việc an và định tâm?
Hỏi: Dường như là tâm từ sẽ dễ dàng hơn nếu không có cái ngã để bảo vệ. Vậy làm thế nào một người nhận diện được vô ngã – anattā, thưa sư?
Đáp: Đây là một câu hỏi xuất sắc, theo ý nghĩa rằng, như một sự hiểu biết sâu sắc, một người bắt đầu bằng việc nhận thức rằng điều chướng ngại của tâm từ thật sự không phải là sân giận và ác ý mà chính là ý thức về cái ngã. Đó là một chướng ngại to lớn, và khi chúng ta quán tưởng, xem xét cũng như bắt đầu có sự sâu sắc, rõ ràng về bản chất của Pháp, bản chất của những lời dạy cùng điều mà Đức Phật trao cho chúng ta là một cơ hội cho sự giải thoát, kế đến tâm từ chính là sự biểu hiện tự nhiên của khía cạnh vô ngã đó của Pháp. Vâng, sự tu dưỡng tâm từ sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu không có sự tri nhận về cái ngã.
Hỏi: Mong sư hoan hỷ giải đáp, tâm xả – upekkhā là gì và cách thực hành tâm xả?
Đáp: Upekkhā là tâm xả và sự bình thản của tâm, tâm ở trong sự cân bằng hoàn hảo, ý thức về sự nhận diện bản chất của nghiệp – kamma. Sự thực hành và nền tảng của tâm xả được mô tả một cách truyền thống như là sự thấu hiểu bản chất của nghiệp. Những bài tụng chúng ta tụng nói rằng: Tất cả chúng sanh đều là chủ nhân của nghiệp của mình, là người thừa tự nghiệp của mình, được sinh ra bởi nghiệp của mình, nằm trong giềng mối với nghiệp của mình, luôn chịu sự thúc đẩy của nghiệp. Dù là nghiệp gì do họ tạo tác, tốt đẹp hay xấu ác thì chính họ sẽ là người thừa tự của nó”. Ý thức về tâm xả có thể nhận diện rằng dù bất cứ gì mà một người nào đó đang trải qua là bởi vì những nhân duyên đã được gieo xuống.
Vết nhơ hay “kẻ thù thân cận” của tâm xả là sự hờ hững. Tâm xả là khả năng có thể trở nên rất vững chãi và rõ ràng, và ở trong một nơi của sự thăng bằng và cân bằng. Người ta nhận diện cách mà mọi thứ vận hành là thông qua các nhân duyên, và không có một cái “ngã” có liên quan bên trong nó, không có một cá nhân nào, đó chỉ là những sự quán tưởng về các nhân duyên.
Thói quen của tâm là đi đến người này, cá nhân kia, cá tính này, sở thích của chúng ta, điều chúng ta yêu thích và không yêu thích. Nhưng bước lùi lại một nơi của tâm xả là có thể nhìn thấy các nhân duyên, để người đó không bị lung lạc bởi bất cứ điều gì. Nhưng điều quan trọng là nhận diện rằng sự hờ hững không phải là xả.
Ngoài ra, bốn tâm vô lượng không tách biệt, không phải những điều riêng lẻ, giống như bạn chỉ có tâm xả vì bạn đã từ bỏ đối với tâm từ, tâm bi và tâm hỷ. Bởi vì tâm từ và tâm bi là vô cùng mạnh mẽ và ổn định, một người đã có sự hiểu biết và hiểu biết sâu sắc tăng triển; vì thế người đó có thể an trú trong một nơi có sự ổn định hoàn toàn và không bị dao động bởi bất cứ điều gì, bởi vì người đó nhìn thấy được rằng bản chất của tất cả mọi thứ sanh khởi thông qua các nhân duyên.
Sự quán tưởng về nghiệp là: tất cả các chúng sanh thừa tự những kết quả của nghiệp của mình. Không có một cá tính nào, một cái “tôi” hay cái “của tôi”. Nó không cố định. Nó không theo kiểu như điều gì đó xảy ra và sau đó trạng thái không thể tránh khỏi, không thể thay đổi sẽ tồn tại vĩnh viễn. Mọi thứ đều ở trong trạng thái của sự thay đổi. Các cấu trúc và hoàn cảnh, tất cả đều có thể thay đổi. Khi một người nhận diện được điều đó và có sự thấu hiểu rõ ràng hơn về bản chất của những gì mà các nhân duyên đang hoạt động thì người đó có cơ hội đặt sự chú tâm vào nơi sẽ tạo ra sự khác biệt nhiều nhất.
Hỏi: Thưa sư, phần thú vị nhất của việc trở thành một tu sĩ là gì?
Đáp: Tôi có thể chắc chắn với bạn rằng đó không phải chuyện vui đùa. Nó giống như ăn và ngủ. Nó rất bình thường. Có lẽ xét về điều vui thích hay hỷ lạc nhất có được là cơ hội được gặp gỡ những bậc thật sự thành tựu và thanh tịnh. Niềm vui với một người xuất sĩ là cơ hội được đến gần những vị ấy và phục vụ những vị ấy hay được ở trong những tình huống được tiếp xúc với các ngài. Bạn được gặp những bậc xuất chúng.
Hỏi: Thưa sư, “tứ song (bốn cặp) và bát bối (tám hạng người)” trong phần Niệm Tăng nghĩa là gì?
Đáp: Đó là một cách phân chia xét về sự đi vào sự chứng ngộ. Có bốn giai đoạn của sự chứng ngộ: bậc thánh Nhập lưu (stream-enterer), bậc thánh Nhất lai (once-returner), bậc thánh Bất lai (non-returner) và bậc Giác ngộ đầy đủ hay A-la-hán. Sotāpanna, sakadāgāmi, anāgāmi, arahant. Vì vậy, có bốn sự chứng ngộ.
Kế đó có con đường và quả vị. Vì có những bậc đang trên con đường đến dòng Nhập lưu và những bậc đã đạt đến quả vị của nó, có những bậc đang trên con đường Nhất lai và những bậc đã đạt đến quả vị của nó, có những bậc đang trên con đường Bất lai và những bậc đã đạt đến quả vị của nó và những bậc đang trên con đường đến A-la-hán quả và quả vị của nó. Đó là bốn cặp và tám hạng người cao quý.
Trong truyền thống luận, cách họ sắp xếp nó là con đường và quả vị đi kèm với nhau. Có một sự chứng ngộ về con đường và bên trong những sát-na tâm, có một sự chứng ngộ về quả vị. Có một vài bài kinh trong tạng Kinh; tuy nhiên, cần nói rõ là, với một vị đang trên con đường, nó có thể là một khoảng thời gian dài, thậm chí là nhiều năm, trước khi có được một quả vị. Đối với tôi, điều đó có ý nghĩa.
Truyền thống kinh điển có một sự mô tả rõ ràng rằng có những vị có sự hiểu biết sâu sắc về: con đường là gì, sự thực hành là gì, mục tiêu thật sự là gì; nhưng có những vị vẫn chưa có sự chứng ngộ đầy đủ về điều đó. Đó có thể là một sự hiểu biết sâu sắc và sự chứng ngộ rất nhanh chóng, hoặc có thể mất thời gian để cho điều đó trở thành quả vị. Đó là bốn cặp, tám hạng người cao quý. Có hơi huyền bí khi chúng ta tụng nó.
Hỏi: Thưa sư, khi nghi được đề cập theo các triền cái, có phải chủ yếu là ám chỉ đến sự nghi hoặc về những lời dạy của Đức Phật? Có hàm ý nào khác nữa không, thưa sư?
Đáp: Thường thường, khi một người đọc các bản kinh và các bài luận, không tránh khỏi họ sẽ nói đến sự nghi hoặc về những lời dạy của Đức Phật. Tôi và hầu hết những vị thầy mà tôi biết đều không thu hẹp nó như vậy.
Xét về một triền cái – nīvaraṇa, một biểu hiện của tâm làm cản trở sự tốt đẹp nền tảng của tâm thì nó không chỉ là sự nghi hoặc về những lời dạy của Đức Phật. Đó là xu hướng nghi ngờ, dao động. Tất nhiên, khi bạn nghi ngờ, dao động hay bất định thì sự tập trung sẽ đặt vào những lời dạy của Đức Phật nhưng bạn sẽ có xu hướng cũng nghi ngờ mọi thứ khác.
Vì thế điều tốt là “nắm được phần cán” của nghi, bất định, dao động: cách nó “rong chơi” trong cuộc sống hàng ngày. Thật sự thú vị để quan sát mỗi ngày. Nó “rong chơi” như thế nào? “Tôi có nên có hai trong số những quả vị đó không hay tôi chỉ nên có một? Nó có thể trở thành một thời khắc khi mà mọi thứ dừng lại: tôi nên làm điều này hay tôi nên làm điều kia; tiến về trước hay bước lùi lại?”. Chúng ta bắt đầu nghi ngờ mọi thứ, sự nghi ngờ có thể len lỏi vào trong mọi thứ và sau đó nó cũng biểu hiện trong những lời dạy: nghi hoặc những lời giáo huấn, nghi ngờ sự thực hành, nghi ngờ chính bản thân mình. “Tôi có thể làm được hay không? Tôi có thể không làm được không? Làm điều này có mang lại lợi ích nào không? Tôi không chắc chắn tôi có thể làm được điều này?”. Tất cả chúng là sự nghi hoặc. Vì thế, có thể nhận diện đó là nghi, và tất cả đó là nghi thì người đó có khả năng tiến triển.
Đây cũng là một tình huống mà sự chánh niệm về thân là thật sự hữu ích, trong ý nghĩa rằng, bạn sẽ không bao giờ thuyết phục chính mình tham gia vào sự nghi ngờ thông qua tâm. Bạn sẽ không bao giờ hiểu mọi thứ đủ rõ để không nghi ngờ, nếu nghi là lập trường rút lui mang tính nền tảng. Hãy nhận diện rằng bằng cách nào sự nghi hoặc biểu hiện như là một cảm thọ của sự không chắc chắn, một cảm thọ của sự do dự, một cảm thọ của sự khó chịu xung quanh một quyết định hay một hành động đặc biệt. Sau đó, bằng cách sử dụng sự chánh niệm về thân, bạn có thể xẻ đường đi qua và tiến về phía trước. Đôi khi cũng hữu ích để thực hiện một quyết định sai lầm và làm điều gì đó, ít nhất là không bị mắc kẹt vào bên trong sự dao động và bất định, như là một phần của sự rèn luyện. Ý thức muốn được đúng tuyệt đối trước khi thực hiện nó làm tê liệt và cột chặt bạn vào những gút thắt. Vì thế, hãy sẵn lòng xẻ đường đi qua và tiến về phía trước. Một người có thể cảm thấy trong thân rằng thật hữu ích khi chỉ tiến về phía trước, hành động và không bị mắc kẹt trong sự nghi hoặc.