Tu dưỡng tâm từ bằng thiền chánh niệm

Hỏi và Đáp

Hỏi: Thưa sư, đối với tôi, có một lằn ranh ở giữa sự chú tâm đến hơi thở và sự kiểm soát hơi thở. Nó giống như một định mức của vật lý: chỉ sự nhận thức làm thay đổi hiện tượng?

Đáp: Điều đó đúng một cách tuyệt đối trong ý nghĩa rằng, vì chúng ta chú tâm đến hơi thở, cũng giống như khi chúng ta thật sự nhận thức một suy nghĩ hay một cảm xúc thì một sự thay đổi đã được bắt đầu rồi. Điều này đòi hỏi một mức độ kỹ năng trong việc rèn luyện một cách chính xác rằng chúng ta chú tâm như thế nào. Đôi khi, chúng ta chú tâm theo cách chúng ta có ý tưởng rất kiên cố về điều mình muốn. Tất nhiên sau đó chúng ta thiết lập bản thân mình để xác nhận ý tưởng đó.

Đúng là chúng ta có thể chú tâm đến hơi thở với ý nghĩ rằng chúng ta muốn được trở nên bình yên, nhưng cũng cần có sự buông bỏ nhất định, một sự sẵn lòng không để hành giả bị dính vào và cố gắng làm cho mọi thứ trở thành những điều chúng ta đã mường tượng về chúng. Ý nghĩ về việc làm đó chuyển biến thành một sự bận rộn, sự căng thẳng và thất vọng hay chuyển biến thành sự hài lòng: chúng ta có được điều chúng ta mong muốn, nhưng sau đó chúng ta nhận ra rằng điều chúng ta đã mong muốn không phù hợp với điều chúng ta sẽ mong muốn nếu chúng ta có thể đạt được nó. Chúng ta cột chặt chính mình bằng những gút thắt theo cách đó.

Vì thế, chúng ta cần hướng chuyển sự chú tâm của mình đến điều gì đó thật sự hữu ích ngay lúc này. Có hữu ích không để nuôi dưỡng một đối tượng của sự hài lòng? Có hữu ích không khi dồn hết sự quyết tâm nào đó, “cố thủ” trong đó và nói, “Tôi phải bám chặt lấy lằn ranh này?”. Hay có phải đang nhận diện rằng, “Tôi thật sự phải buông bỏ để đi vào sự thoáng đãng?”.

Vì thế, có sự chú tâm và hơi thở là chiếc neo chúng ta có thể sử dụng để duy trì nuôi dưỡng sự tỉnh thức và chánh niệm. Nhưng một khi chúng ta đắm vào việc kiểm soát hơi thở hay cố gắng để kiểm soát những gì thoát ra bên ngoài quá nhiều, chúng ta sẽ cảm thấy bị căng thẳng, chật chội và thất vọng. Có một lằn ranh mong manh xuất hiện thông qua sự trải nghiệm. Tất nhiên, sự chịu đựng luôn là một người thầy vĩ đại.

Hỏi: Thưa sư, điều gì xảy ra khi một người thiết lập một ngọn lửa thật cẩn thận nhưng thình lình nó trở thành một đám cháy rừng, vô phương kiểm soát và người đó trải qua sự điên cuồng, si dại và hoang tưởng? Đâu là sự trị liệu tâm linh cho trường hợp này, thưa sư?

Đáp: Một trong những trị liệu tâm linh đầu tiên là dừng sự hành thiền lại ngay. Khi không có chiếc neo vô cùng vững chắc và điều như thật, khi một người dính vào si dại thì quan trọng là không nên nuôi dưỡng ham muốn hành thiền hay sự phấn khích trong si dại, trạng thái vui buồn thất thường hay hoang tưởng.

Điều đó không có nghĩa là không có sự trị liệu tâm linh nào cho trạng thái si dại nói trên vì tôi nghĩ rằng một trong những cách trị thương tâm linh hiệu quả nhất có thể được tiến hành xung quanh việc giữ giới, thân cận người đức hạnh và gần gũi giáo pháp và những bậc thầy. Đây là điều rất nền tảng.

Ngoài ra, cũng có nhiều khía cạnh của lòng khoan dung, bố thí và làm công quả. Đây là những phẩm chất vô cùng tích cực giúp trưởng dưỡng ý thức về sự ổn định trong tâm và cảm giác tốt đẹp về bản thân chúng ta. Thông thường, người ta rơi vào trạng thái vui buồn bất thường, si dại và hoang tưởng vì họ không cảm thấy tốt đẹp về chính bản thân họ. Họ muốn trở thành cái gì đó khác và họ làm điều đó thông qua hành thiền. Sau đó họ thúc ép tâm mình, đẩy nó ra xa khỏi cách mà họ tri nhận về bản thân mình, cố gắng trở thành cái gì đó khác. Chúng ta, những người được gọi là người bình thường cũng làm điều đó. Chúng ta cần phải chú tâm.

Khi còn là một vị tăng trẻ và sau đó là một vị trụ trì trẻ, tôi đã nghĩ rằng thiền tập là một phương thuốc chữa bách bệnh, một liệu pháp cho mọi thứ. Sự trải nghiệm đã cho tôi thấy không phải như vậy. Đôi lúc dùng thuốc men là điều hữu ích. Khi tôi ở Thái Lan, liên tục trong vài năm, ở tuổi trung niên – lần đầu tiên tôi trụ trì tu viện Nanachat, khi đó ít nhất là cứ một hay hai lần mỗi năm, đều có người bị mất kiểm soát như vậy.

Một phần của thực tế này là chỉ do ở trong môi trường văn hóa khác nhau. Thật sự có một loại rối loạn tâm thần phát sanh do sự mất phương hướng khi ở trong một môi trường văn hóa khác lạ. Ở trong một môi trường văn hóa khác lạ, trong một tu viện và sự thực hành… đủ để nói rằng vào những ngày đầu tiên của những người có sự quan tâm đến đạo Phật ở châu Á, có khá nhiều người ở trong trạng thái hoang dại và mơ hồ. Nhiều người trong số họ là bạn bè của tôi trong tu viện.

Ở Thái Lan – một xã hội truyền thống, khi ai đó trong tu viện trở nên “ồn ào” một chút thì vị trụ trì thường sẽ bố trí để họ làm việc, để họ quay về với thân của mình. Họ sẽ lao tác trong bối cảnh luôn được bao bọc xung quanh và luôn được kết nối với những vị tăng có đức hạnh và lòng bao dung. Đừng bắt họ ngồi thiền. Hãy đưa cho họ cái xẻng và để cho họ làm việc. Điều này thật sự có tác dụng.

Hỏi: Thiện được định nghĩa như thế nào, thưa sư? Từ ngữ này hàm ý những vở hài kịch tình huống của chương trình truyền hình Ozzie và Hariet4 những năm 1950.

Đáp: Tôi nghĩ tôi đã đề cập vào đầu thời khóa ngày hôm nay; trong tiếng Pali kusala có nghĩa là: thiện lành, thiện xảo, mang lại lợi ích.

Thực chất gắn với trạng thái thiện hay kusala- citta – tâm thiện, tâm vui vẻ và dễ chịu, an lành, sukha. Có cảm giác về sự bình yên và ổn định, và sau đó là có mặt sự giải thoát khỏi tham – sân – si, một sự thanh khiết nhất định hay sự vắng mặt các dấu vết của những tâm thức nhiễm ô. Đối lập với điều này là akusala. Với akusala, có cảm giác của khổ đau – dukkha: không hài lòng, chịu đựng, bệnh tật theo cách nào đó. Với akusula-citta, tâm bất thiện – luôn tồn tại mức độ nhất định của sự bồn chồn không yên hay lo âu, không có khả năng an định và bình yên do sự có mặt của các gốc rễ cơ bản của sự nhiễm ô. Tham, sân và si là những sự biểu hiện khác nhau của nó. Là một sự nhìn nhận hữu ích khi thấy rằng đây chính là bản chất bên trong gắn liền với những trạng thái tâm đó.

Hỏi: Thưa sư, nếu một người muốn trở thành tu sĩ tại tu viện Abhayagiri thì người đó nên làm thế nào để được như vậy? Những hoạt động mỗi ngày của một vị tu sĩ? Những bổn phận và trách nhiệm của một người tu sĩ là gì? Và điều này thay đổi như thế nào theo các mùa trong năm và theo từng năm? Tôi cần biết và cân nhắc gì trước khi có sự cam kết như thế?

Đáp: Bạn phải biết rằng đây không phải là chuyện vui đùa. Nhìn chung, thông thường thì người đó sẽ đến tu viện, thích thú với sự thực hành, rèn luyện và trở thành người tu sĩ rồi sau đó người này sẽ lưu lại tu viện một vài tháng. Người này đến và lần lưu trú đầu tiên khoảng một tuần, và sau đó quay trở lại xin phép được ở lại lâu hơn. Nếu hòa hợp được với cộng đồng thì người này có thể sẽ được chấp nhận ở lại tu viện trong khoảng thời gian dài hơn.

Người này sẽ ở trong tu viện khoảng ba hay bốn tháng và sau đó xin phép được rèn luyện giống như anagārika, người tập sự để trở thành tu sĩ; giống như anh chàng da trắng Louis ở đây. Anh ấy đã chính thức thọ trì tám giới và cam kết giữ các giới này trong một năm. Anh ấy có thể rời tu viện bất cứ lúc nào nhưng chúng tôi khuyến khích tất cả mọi người thực hiện cam kết đó. Sau khi người đó ở trong tu viện được vài tháng thì sẽ không khó để nói rằng, “Vâng, tôi muốn được lưu lại trong một năm”. Nhưng chúng tôi không ký khế ước hay bất cứ gì cả.

Sau đó, khi gần được một năm, giả sử rằng người này muốn đi xa hơn với sự rèn luyện, người này sẽ xin xuất gia thọ giới Sa-di, là sự thọ giữ 10 giới và đắp y nâu.

Sāmanera Kaccāna hiện là Sa-di. 10 giới này cũng có đôi chút khác biệt. Người đó không được sử dụng tiền bạc. Điều này làm thay đổi cuộc sống của một người. Khi một người khoác y nâu, chúng tôi cố gắng tách biệt người này khỏi nhà bếp nhiều hơn và bên cạnh đó, cũng không được lái xe. Tất nhiên, Sāmanera Kaccāna cũng không thể lái xe, vì nhiều lý do khác nhau! Louis cũng không lái xe, cũng vì nhiều lý do khác nhau.

Tương tự như vậy, trong khoảng một năm, nếu muốn tiến xa hơn, tiếp đến người đó có thể xin thọ giới xuất gia đầy đủ và cam kết ở năm năm bên cạnh thầy bổn sư của mình. Những quyết định này thuộc về cộng đồng tăng chúng, do vậy người này có thể là người tập sự hay Sa-di trong thời gian dài hơn, nhưng thường là khoảng một năm cho mỗi giai đoạn. Điều này không có nghĩa là người này sẽ ở suốt trong tu viện vì thường thường chúng tôi sẽ gửi chư tăng đi học ở một nơi khác ít nhất là một năm trong suốt quãng thời gian đó. Cũng giống như Tan Sampajāno: vị này đang hoàn thành năm thứ ba của mình ở đây và cuối mùa an cư này, vị này sẽ đi học ở Thái Lan trong khoảng một năm.

Về hoạt động thường nhật ở tu viện, như một quy định chung, chúng tôi bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng để tụng kinh và hành thiền. Sau đó là thời gian ngắn cho những sinh hoạt cá nhân và vào lúc 7 giờ, dùng điểm tâm nhẹ, cà phê và trà. Lúc 7 giờ rưỡi sẽ có cuộc họp chúng để chúng tôi phân chia công tác trong ngày. Chúng tôi thường giữ thời gian lao tác chỉ trong buổi sáng. Một số vị được phân công làm các việc xây dựng, trong khi số khác có thể vào làm việc trong rừng, làm đường sá, công việc trong nhà và bất kỳ công việc nào liên quan đến hoạt động của một tu viện.

Mọi người quay trở lại sinh hoạt chúng lúc 11 giờ để thọ trai. Chúng tôi cùng nhau dùng ngọ, dọn rửa và sau đó mọi người có thể quay trở lại liêu cốc của mình, các ngôi cốc nhỏ nằm rải rác khắp trong khu rừng. Mọi người tự thực hành vào buổi trưa. Một số vị quay trở lại trai đường lúc 5 giờ 30 chiều để dùng trà, một số vẫn ở lại trong rừng. Sau đó chúng tôi có cuộc họp chúng vào lúc 7 giờ 30 tối.

Hiện thời đang là mùa hè nên chúng tôi tập trung chúng vào buổi sáng và buổi tối ở khu hành thiền trong rừng. Nơi đó không có mái che, vì thế một khi trời bắt đầu chuyển tiết quá lạnh hay quá ẩm ướt thì chúng tôi sẽ tập trung ở sảnh trong nhà bên dưới kia.

Những vị tăng khác nhau sẽ có những bổn phận và trách nhiệm khác nhau. Cả tu viện được vận hành bởi mỗi cá nhân trong cộng đồng tăng chúng, vì thế bạn phải có trách nhiệm trông coi mọi thứ trong tu viện, công tác bảo trì hàng ngày, lau chùi, xây dựng những hạng mục mới. Bạn học một số kỹ năng cũng như học cách may y áo cho chính mình.

Sa-di Kaccāna đang sẵn sàng cho việc thọ giới tu sĩ, vì thế vị ấy đã may thuần thục y áo của mình. Lễ xuất gia của vị này là vào ngày 26 tháng 10 và song thân của vị ấy cũng có mặt ở đây trong khóa tu này. Nhưng không may là người cha bị bệnh và phải rời khóa tu. Gần đây ông ấy được phẫu thuật nhưng kết quả không mấy khả quan, do đó họ đã rời khỏi đây. Họ rất thất vọng. Họ là người đã giới thiệu Sa-di Kaccāna biết tới đạo Phật. Bất kỳ một ai cũng có thể đến tu viện.

Hỏi: Làm thế nào tôi biết được là mình đang trải nghiệm tâm từ, thưa sư?

Đáp: Một lần nữa, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta tham gia vào trải nghiệm của sự không ác ý, “không đắm chìm trong sự ác cảm”. Đó là dấu chỉ ổn định hay vững chắc hơn nhiều trong việc xây bồi tâm từ – ác ý, ác cảm và sự bực bội không đang tràn ngập tâm mình. Chúng ta không đang cứ ngụ bên trong nó; chúng ta có thể buông bỏ nó; chúng ta có thể nhận diện được sự suy hoại của nó.

Hỏi: Mong sư hoan hỷ giải thích cách tu dưỡng tâm tùy hỷ, muditā? Tôi đã nghe điều này được mô tả như là “hạnh phúc của người nghèo”.

Đáp: Thật ra, ngày Ưu-bà-di (Upāsikā) vừa qua, ngày học pháp ở tu viện hồi tháng trước, được gọi là “Các tâm vô lượng khác” vì tâm từ có xu hướng nhận được tất cả sự quan tâm và các tâm khác có xu hướng dễ bị bỏ sót. Muditā nghĩa là tâm tùy hỷ, niềm hỷ lạc được đồng cảm, vui thích với sự an lành hay hạnh phúc hoặc thành công của người khác. Đối lập với nó, tất nhiên là đố kỵ, so sánh bản thân với người khác và khởi sanh những cảm giác tiêu cực đối với những gì người khác có được. Trong phạm vi con người, đó là sự tác động quan trọng, khá mạnh mẽ khi chúng ta so sánh bản thân mình với người khác và sau đó nhận thấy rằng bản thân chúng ta đang thất bại.

Thật không dễ dàng chút nào để có thể trải nghiệm cảm giác của niềm hỷ lạc đối với sự an lành, thành công, những khả năng và trí thông minh của người khác và không bị đe dọa hoặc không cạnh tranh với người khác. Sự tác động của chúng ta khá mạnh mẽ nhưng nếu chúng ta có thể điều chuyển sự chú tâm theo cách đó và tiếp cận điều đó, sau đó cơ hội có được hạnh phúc của chúng ta được tăng lên một cách to lớn.

Nhìn chung, hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào sự thành công của chính chúng ta: đạt được điều chúng ta mong muốn, trải nghiệm điều gì đó vui thú mà chúng ta thích. Vì thế, nó tập trung nhiều hơn chung quanh cái “tôi”. Trái lại, tâm tùy hỷ dung chứa tất cả mọi người và nếu hạnh phúc của chúng ta có thể phát sanh bởi điều tốt đẹp hay niềm hân hoan của một ai đó khác – và có tám tỷ con người khác trên hành tinh này – các cơ hội của chúng ta tăng lên một cách lớn lao. Nếu bạn là người thích cá cược, tôi sẽ đặt cược điều đó.

Hỏi: Mong sư hoan hỷ chỉ ra sự khác biệt giữa taṇhā – tham ái và lobha – tham dục?

Đáp: Chúng là cả hai dạng thức của ham muốn, tiếng Pali để chỉ cho ham muốn; nhưng lobha, khá cụ thể hơn về sự tham lam: sự thèm khát, khao khát xuất phát từ tham. Taṇhā là tên gọi thể hiện đặc điểm chung hơn của ham muốn. Trong bài pháp đầu tiên nhất mà Đức Phật thuyết, Ngài đã chỉ ra tham ái như là nguồn gốc của khổ đau và sau đó Ngài cụ thể hóa là kāma-taṇhā – là dục ái; bhava-taṇhā – là hữu ái; ham muốn được trở thành, là cái gì đó, ý thức về cái ngã cố gắng thiết lập chính nó và vibhava-taṇhā – là đoạn ái, ham muốn không là, không trở thành cái gì đó; đó chính là xô đẩy đi, bác bỏ, sự sợ hãi, sự ác cảm.

Vì thế, tham ái là thuật từ rộng hơn cho ham muốn và nó có thể biểu hiện trong sự ác cảm, ác ý, sợ hãi cũng như ái dục. Tham dục thiên nhiều hơn về ý niệm của tham và không nhất thiết phải nói đến sự ái dục nhưng đó là ham muốn nền tảng dẫn dắt việc tìm kiếm đối tượng làm thỏa mãn mình.

Hỏi: “Không đố kỵ” là một từ ngữ khoa trương. Nó có nghĩa là gì, thưa sư?

Đáp: Chúng ta luôn cố gắng sử dụng ngôn ngữ để gói gọn điều gì đó. Đố kỵ được dựa trên sự ác cảm, một ý nghĩ về sự cạnh tranh và được phát sanh thông qua ý niệm không ưa thích. Có một sự ác ý nhất định ở đó. Khi ai đó đố kỵ, thường tràn đầy ác cảm hay sự bức bối. Vì thế, không đố kỵ là nơi mà chúng ta không đang tiếp cận thế giới, người khác hay các trạng thái tâm bên trong của chúng ta từ cứ địa của ác cảm, sợ hãi hay sự lôi kéo. Nó thiên về thái độ: “Đây chính là hành trạng của nó. Tôi không phải lôi kéo nó. Tôi không phải ép buộc nó là điều gì đó khác. Nó chỉ có thể là chính nó mà thôi”. Đây chính là phẩm chất cơ bản của không đố kỵ. Chúng ta chỉ có thể để cho mọi thứ biểu hiện như đúng hành trạng của chúng, điều này không dễ dàng chút nào.

Hỏi: Mong sư hoan hỷ nói thêm về cách xử lý triền cái nghi.

Đáp: Một trong những điều cần lưu ý với nghi là nhận diện xu hướng của sự không chắc chắn và dao động xuất hiện khi có sự nghi hoặc trong tâm. Có sự bất định, dao động và không chắc chắn. Sau đó, làm thế nào chúng ta có thể lấp đầy khoảng trống này? Chúng ta thường có xu hướng lấp đầy nó bằng sự phản kháng của sợ hãi và ác cảm hoặc với một sự xao lãng nào đó, như ăn uống chẳng hạn: “Hãy chỉ cho tôi cái gì đó để ăn, vì vậy tôi không phải đối đầu với sự nghi hoặc này”.

Đây chính là lúc mà sự chánh niệm về thân thật sự giúp ích. Hãy hòa vào đồng thời nhận diện cảm thọ thật sự của thân, rằng sự chuyển động của nghi và sự bất định đi vào trong tâm và thân và sau đó thúc ép chúng ta theo hướng che đậy sự nghi hoặc đó. Nghi là một trạng thái tâm đau khổ khi rơi vào, vì thế chúng ta muốn cải thiện nó theo một cách nào đó.

Nhận diện và có thể thư giãn xung quanh sự nghi hoặc đó: đây là lúc thân có thể thật sự hữu ích. Chúng ta có thể bắt đầu thư giãn xung quanh sự nghi hoặc và sự bất định đó, phóng thích sự chật chội và căng tức đang bắt ép chúng ta “di chuyển” vào điều gì đó chỉ để thoát ra khỏi trạng thái nghi. Hãy bắt đầu hòa vào: “Nó làm cho tim tôi, tâm tôi và thân tôi cảm thấy thế nào? Tôi thật sự cảm thấy gì khi có sự nghi hoặc?”.

Có ý niệm về sự dao động và bất định, khi chúng ta lùi lại. Có thể bước vào bên trong nó và không bị tê liệt hay bị áp đảo – không phản ứng một cách mù quáng – làm cho mình có khả năng thoát ra khỏi cảm thọ của nghi và bất định. Vì vậy, đây là một vài cách thiện xảo đối trị nghi. Điều cần nhận diện và đưa vào trong ánh sáng của sự tỉnh thức: “Đây là nghi”.

Một trong những hình ảnh mà Đức Phật đưa ra cho triền cái nghi chính là cái đĩa nước bùn và sau đó được đặt trong tủ chén tối tăm (Kinh Tăng Chi Bộ 5.193). Tính chất tối tăm của nước không được nhìn thấy, không được hiểu một cách rõ ràng và không được nhận diện, vì nó được đặt trong một cái tủ chén và được giấu đi. Điều đầu tiên chúng ta cần làm là mang nó ra ngoài, đưa nó vào trong ánh sáng của sự tỉnh thức và nói rằng: “Đây là nghi; điều này không rõ ràng với tôi. Tôi không chắc chắn về nó. Tôi không biết”.

Thật thú vị khi chú ý có bao nhiêu lần trong một cuộc hội thoại, khi ai đó hỏi bạn về điều gì đó và bạn đưa ra câu trả lời, bạn đáp lại không phải vì bạn thật sự biết được câu trả lời nhưng vì bạn không muốn bất kỳ người nào khác nhận ra rằng bạn không biết. Bạn cố chống đỡ cho sự ảo tưởng về điều chắc chắn. Vì thế, khi ai đó hỏi bạn điều gì đó, là một tiến bộ vượt bậc khi có được tự tin mà nói rằng, “Tôi thật sự không biết”, hơn là nghĩ rằng, “Tốt hơn mình nên nhanh chóng nói ra điều gì đó bằng không họ sẽ nghĩ là mình câm”. Chỉ cần nói rằng, “À, tôi không biết”. Điều này thật sự khá dễ dàng nhưng sẽ thật kinh ngạc khi quan sát tâm chúng ta cứ liên tục, liên tục dựng nên sự ảo tưởng về điều chắc chắn, khi thực chất bạn đang nghi ngờ về hành trạng của cái gì đó. Đây là một vài cách nhìn về nghi.

Hỏi: Tôi có một bất ổn đang diễn ra là có những sự dao động nhất định. Điều nan giải nhất ở đây là “thiết bị ghi nhận” (thân). Thân người tôi có cảm thọ như đang rung lắc khi nó di chuyển vào phòng, giống như tiếng rền rền của cái máy vậy. Khi tập trung được một chút thì tôi quan sát thấy sự sợ hãi, nghi hoặc và các suy nghĩ khởi lên; đôi khi tôi có thể xử lý chúng một cách thiện xảo, nhưng có lúc tôi đánh mất phương tiện thiện xảo. Mong sư cho tôi vài sự gợi ý để khắc phục tình trạng này, tôi vô cùng biết ơn sư.

Đáp: Một cách xử lý là sẽ hòa vào trong chính thân của mình, nhận diện rằng chúng ta có thể ảnh hưởng đến các cảm xúc xung quanh chúng ta, đặc biệt là ở bên trong, nếu có gì đó bất an. Chúng ta có thể quan tâm đến điều gì đó như hơi thở hay cảm thọ ở nơi nào đó trong thân – chọn ra một điểm nơi cảm thấy thoải mái, mang sự chú tâm của chúng ta đến nơi cảm thấy dễ chịu.

Dễ dàng hơn khi tâm được nương trú trong điều gì đó làm chúng ta bực tức hay cảm thấy không thoải mái. Đó là điều chiếm lấy sự chú tâm. Nhưng việc điều chuyển sự chú tâm một cách có ý thức đến điều gì đó dễ chịu và thoải mái hơn là một phần cần thiết của con người đang sống bởi vì chúng ta liên tục bị bao vây bởi những điều mình thích hoặc không thích, những điều vui thú hoặc khó chịu, những điều có thể đồng thuận hoặc bất đồng.

Nếu tâm dịch chuyển vào và trú ngụ trong sự bất đồng, khó chịu, những điều chúng ta không thích thì sau đó tâm của chúng ta sẽ cứ lẩn quẩn xung quanh đó. Tất nhiên, định nghĩa của tâm từ mà tôi sử dụng trong một vài bối cảnh – an trú trong vô sân, thật sự là một công cụ hữu dụng. Thực hành tâm từ, tức an trú trong vô sân, là cứ địa hữu ích vì bản chất của thế gian.

Một trong những cấu trúc hay các khía cạnh cổ điển trong lời dạy là các pháp thế gian: sự ca tụng và khiển trách, danh thơm và tiếng xấu, hạnh phúc và khổ đau, được và mất. Đây là những điều cơ bản diễn ra liên tục theo thời gian. Chúng ta dễ dàng bị cuốn vào hay bị sợ hãi vì lời nói, vì sự chỉ trích: phấn khởi khi chúng ta có được chút ít sự tán dương và cố gắng “thao túng” các duyên này để có thêm được nhiều sự tán dương hơn, ít sự chỉ trích hơn, nhiều cái được hơn và ít cái mất hơn. Điều này là tự nhiên, nhưng nó cũng đòi hỏi nguồn năng lượng. Đôi khi, nó có tác dụng và đôi khi không.

Hữu ích hơn, từ góc độ thực hành để nhận thấy rằng có điều vui thú và cũng có điều gây khó khịu, có thành công và cũng có thất bại dù là về phương diện vật chất, thế gian hay trong sự thực hành tâm linh. Hãy để cho điều đó diễn ra và để cho nó có mặt ở đó mà không bị lôi cuốn vào những điều làm phát sinh các xu hướng phi thiện xảo hoặc có xu hướng tạo ra thêm sự bất an và khổ đau trong tâm.

Khi một vị tăng trẻ quan sát Thiền sư Ajahn Chah, đó là một sự khơi gợi cảm hứng lớn lao. Giống như ngài là sự hiện diện bình yên, hạnh phúc trong trung tâm của vũ trụ vậy. Mọi thứ diễn ra liên tục xung quanh ngài. Người ta ca tụng ngài, người ta chỉ trích ngài, nhiều người bị lôi cuốn đến với ngài. Nhiều tăng sĩ thọ giới xuất gia vì niềm cảm hứng, nhiều tăng sĩ rời bỏ vì thất vọng và vỡ mộng; và Thiền sư Ajahn Chah vẫn luôn hạnh phúc, không kể đến những điều xung quanh.

Bạn nhận thức rằng điều đó thật sự có thể xảy ra ở bối cảnh con người. Bạn không cần phải có những duyên mà chúng luôn luôn hoàn hảo. Thiền sư Ajahn Chah thật sự đã không có cuộc đời của riêng mình. Ngài chỉ có mặt ở đó vì mọi người. Ngài không trông chờ để có được bất cứ điều gì đặc biệt cho riêng mình. Bản chất của thế giới là luôn luôn có những điều chói tai hay trái ý cũng như những điều vui thú. Rõ ràng chúng ta không đi loanh quanh, gắng công tìm kiếm những điều gây chói tai và nghịch ý chỉ để kiểm chứng bản thân chúng ta hay để làm cho mình mạnh mẽ. Chúng ta có đầy đủ những điều như thế trong những tình huống thường ngày. Vì thế, quan trọng hơn là cách chúng ta “làm việc” với sự buông bỏ, với tâm từ. Đây là những công cụ.

Hỏi: Mong sư hoan hỷ nhắc lại các ngữ thực hành tâm từ mà sư đã dạy ngày hôm qua và hôm nay. Ngữ duy nhất mà tôi nhớ được là “Tôi mong được tăng trưởng”.

Đáp: Các “bộ lọc” đó có tác dụng mọi lúc. Một ngữ, đó là “Tôi mong được an lành, hạnh phúc, bình yên và tăng trưởng. Tôi mong không có sự tai hại nào xảy đến với mình. Tôi mong không có khó khăn nào xảy đến với mình. Tôi mong không có bất ổn nào xảy đến với mình. Tôi mong luôn có được sự thành tựu tâm linh. Tôi mong luôn có được lòng nhẫn nại, sự tinh tấn, thấu hiểu và quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn, bất ổn cũng như những thất bại không thể tránh khỏi trong cuộc đời”.

Đây chính là các ngữ thực hành. Là điều hữu ích khi ghi nhớ các ngữ này một cách đầy đủ; vì thế bạn không đang nghĩ rằng, “Ông ấy đang nói cái ngữ quái gì vậy?”. Việc ghi nó vào trong trí nhớ biến nó thành một loại thần chú mà bạn có thể sử dụng. Điều này được gọi là parikamma trong tiếng Pali, một sự lặp lại hữu ích để thiết lập sự tập trung hay chánh niệm kiên cố. Các ngữ tâm từ này là những công cụ thiện xảo để thiết lập một “đài từ” bên trong tâm.

[4] Ozzie and Harriet: một chương trình truyền hình của Mỹ, tên đầy đủ là The Adventures of Ozzie and Harriet – được phát sóng vào những năm 1950, gồm chuỗi các vở hài kịch tình huống.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app