Tu dưỡng tâm từ bằng thiền chánh niệm

Các bản kinh đọc (tiếp theo)

Tôi sẽ tiến hành một vài bài kinh đọc từ Kinh Tăng Chi Bộ, Aṅguttara Nikāya. Điều này được tuyên thuyết cho chư tăng nhưng có thể áp dụng cho tất cả mọi người.

“Này chư tăng, nếu chỉ trong khoảnh khắc của cái búng ngón tay, một vị tăng khởi tạo ra một ý nghĩ về tâm từ, phát triển nó, chú tâm đến nó, vị ấy đáng được gọi là một vị tăng. Vị này chuyên tâm thiền tập. Vị này hành xử phù hợp với lời dạy của bậc thầy, vị này nghe theo lời khuyên dạy, và thu nạp một cách xứng đáng với phẩm vật trì khất được nơi đất ấy. Còn gì hơn thế nữa nếu vị ấy rèn luyện như vậy”.

(Kinh Tăng Chi Bộ 1:53)

Vì thế, điều chúng ta đang tiến hành có giá trị. Bài kinh tiếp theo mà ai cũng biết – Kinh Kālāma, nhưng hầu như chưa bao giờ kinh này được trích dẫn để đề cập về tâm từ. Vì thế, tôi nghĩ mình sẽ đọc đầy đủ bài pháp này.

Tôi nghe như vầy, một thời Đức Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala, cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đi đến Kesaputta, thị trấn của người Kālāma (Kiết Lạp Ma). Người Kālāma ở Kesaputta được nghe, “Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích Ca đã đến Kesaputta. Và tiếng đồn tốt đẹp như sau được truyền đi về Sa-môn Gotama: ‘Ngài là Đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác…’. Lành thay, nếu chúng tôi được yết kiến một vị A-la-hán như vậy’”.

Rồi người Kālāma ở Kesaputta đi đến Đức Thế Tôn. Khi đến nơi, có người đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên. Có người nói với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi, sau khi nói những lời chào đón thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Có người chắp tay vái chào Thế Tôn, tay chắp trước ngực rồi ngồi xuống một bên. Có người xưng tên và dòng họ rồi ngồi xuống một bên. Có người im lặng rồi ngồi xuống một bên.

Sau khi ngồi xuống một bên, người Kālāma ở Kesaputta bạch Thế Tôn, “Có một số Sa-môn, Bà-la- môn, bạch Thế Tôn, đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Bạch Thế Tôn, và một số Sa-môn, Bà-la-môn khác cũng đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Ðối với họ, bạch Thế Tôn, chúng con có những nghi ngờ, phân vân: Trong những Sa-môn này, ai nói sự thật, ai nói láo?”.

“Ðương nhiên, này các Kālāma, các ông có những nghi ngờ! Ðương nhiên, này các Kālāma, các ông có những phân vân. Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các ông đương nhiên khởi lên phân vân. Này các Kālāma, chớ có tin vì nghe theo truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe theo người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng này các Kālāma, khi nào tự mình biết rõ như sau: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là có tội; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh, khổ đau’ – thì này các Kālāma, hãy từ bỏ chúng.

“Các ông nghĩ thế nào, này các Kālāma? Lòng tham khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?”.

“Bất hạnh, bạch Thế Tôn”.

“Người này có tham, này các Kālāma, bị tham chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy làm cho người ấy bất hạnh, đau khổ lâu dài”.

“Thưa có, bạch Thế Tôn”.

“Bây giờ, các ông nghĩ thế nào, này các Kālāma, lòng sân khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?”.

“Bất hạnh, bạch Thế Tôn”.

“Và người này có sân, này các Kālāma, bị sân chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy làm cho người ấy bất hạnh, đau khổ lâu dài”.

“Vâng, bạch Thế Tôn”.

“Bây giờ, các ông nghĩ thế nào, này các Kālāma, lòng si khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?”.

“Bất hạnh, bạch Thế Tôn”.

“Và người này có si, này các Kālāma, bị si chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy làm cho người ấy bất hạnh, đau khổ lâu dài”.

“Vâng, bạch Thế Tôn”.

“Vậy các ông nghĩ thế nào, này các Kālāma: Các pháp này là thiện hay bất thiện?”.

“Là bất thiện, bạch Thế Tôn”. “Có tội hay không có tội?”. “Có tội, bạch Thế Tôn”.

“Bị người có trí quở trách hay không bị người có trí quở trách?”.

“Bị người có trí quở trách, bạch Thế Tôn”.

“Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến bất hạnh, đau khổ hay là không?”.

“Ðược thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến bất hạnh, đau khổ. Ở đây, đối với chúng con là vậy”.

“Như vậy, này các Kālāma, điều ta vừa nói với các ông: ‘Chớ có tin vì nghe theo truyền thống; chớ có tin vì nghe theo người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng này các Kālāma, khi nào tự mình biết rõ như sau: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là có tội; các pháp này bị người có trí quở trách; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh, khổ đau” – thì này các Kālāma, hãy từ bỏ chúng’. Ðiều này đã được nói lên như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên.

“Bây giờ, này các Kālāma, chớ có tin vì nghe theo truyền thống; chớ có tin vì nghe theo người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng này các Kālāma, khi nào tự mình biết như sau: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này không bị người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc, an lạc’ – thì này các Kālāma, hãy tự đạt đến và an trú bên trong chúng.

“Các ông nghĩ thế nào, này các Kālāma, không tham, khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy, là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?”.

“Hạnh phúc, bạch Thế Tôn”.

“Và người này không tham, này các Kālāma, không bị tham chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy làm cho người ấy hạnh phúc, an lạc lâu dài”.

“Vâng, bạch Thế Tôn”.

“Các ông nghĩ thế nào, này các Kālāma, không sân, khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?”.

“Hạnh phúc, bạch Thế Tôn”.

“Và người này không sân, này các Kālāma, không bị sân chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho người ấy”.

“Vâng, bạch Thế Tôn”.

“Các ông nghĩ thế nào, này các Kālāma, không si khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?”.

“Hạnh phúc, bạch Thế Tôn”.

“Và người này không si, này các Kālāma, không bị si chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho người ấy”.

“Vâng, bạch Thế Tôn”.

“Như vậy các ông nghĩ thế nào, này các Kālāma, các pháp này là thiện hay bất thiện?”.

“Là thiện, bạch Thế Tôn”.

“Các pháp này là có tội hay không có tội?”. “Không có tội, bạch Thế Tôn”.

“Bị người có trí quở trách hay được người có trí tán thán?”.

“Ðược người trí tán thán, bạch Thế Tôn”.

“Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến hạnh phúc, an lạc hay không?”.

“Ðược thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến hạnh phúc, an lạc. Ở đây, đối với chúng con là vậy”.

“Như vậy, này các Kālāma, điều ta vừa nói với các ông: ‘Chớ có tin vì nghe theo truyền thuyết; chớ có tin vì nghe theo truyền thống, chớ có tin vì nghe theo người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình”. Nhưng này các Kālāma, khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này được người trí tán thán; các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc, an lạc” – thì này các Kālāma, hãy chứng đạt và an trú bên trong chúng’. Ðiều này đã được nói lên như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên.

“Bây giờ, này các Kālāma, vị thánh đệ tử nào ly tham, ly sân, ly si như vậy, tỉnh giác, chánh niệm – biến mãn phương thứ nhất [phương đông] – cũng như vậy phương thứ hai, phương thứ ba và phương thứ tư – với sự tỉnh giác câu hữu với thiện ý. Vì thế người này an trú biến mãn bên trên, phía dưới và hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với sự tỉnh giác câu hữu với thiện ý: quảng đại vô biên, giải thoát khỏi sự đối nghịch, giải thoát khỏi sự ác ý. [Và tương tự như vậy với tâm bi, tâm hỷ và tâm xả].

(Kinh Tăng Chi Bộ 3:66)12

Điều thú vị là lời dạy của Đức Phật thường được trích dẫn như một tuyên bố về cách đưa ra quyết định sau đó được tiến hành một bước xa hơn và được sử dụng để vạch ra một nền tảng mạnh mẽ cho sự thực hành.

Bài kinh tiếp theo là một bài kinh ngắn có thể nghe hơi mơ hồ một chút khi tôi đọc lên. Về cơ bản, điều có liên quan tới nó là kết quả của nghiệp – kamma, dựa trên những lời dạy được ghi chép lại. Một trong những cách truyền thống trong đối diện với các quả của nghiệp xấu – đối diện với các chướng ngại hay khó khăn nào đó do nghiệp – là sự cam kết với thiện nghiệp, xây dựng một “tài khoản ngân hàng” nghiệp tốt đẹp. Đây là bài kinh đưa ra một góc nhìn về điều này và tất nhiên cũng khuyến khích cho điều này.

“Này chư Tỳ-kheo, ta không nói rằng có một sự chấm dứt của nghiệp theo ý chí đã được tiến hành và được tích lũy; miễn là người đó đã không trải nghiệm [các kết quả của nó], và rằng có thể là ở ngay trong đời này, hay ở trong sự tái sinh [tiếp theo], hay vào một dịp nào sau đó nữa. Nhưng ta không nói rằng đang có sự đi đến chấm dứt của khổ đau; miễn là người này không trải qua [các kết quả của] nghiệp theo ý chí đã được tiến hành và được tích lũy.

“Người đệ tử cao quý này, này chư Tỳ-kheo, người này vì thế không có sự nóng lòng, không có ác ý, sáng rõ, hiểu biết rõ ràng, luôn chánh niệm, an trú trong sự lan tỏa một phương bằng cái tâm thấm đẫm từ tâm, tương tự như vậy với phương thứ hai, tương tự như vậy với phương thứ ba và phương thứ tư. Cũng như vậy, bên trên và phía dưới, chung quanh và mọi nơi, và đến cho tất cả cũng như đến cho bản thân người này, người này an trú lan tỏa toàn bộ thế giới bằng một cái tâm thấm đẫm tâm từ, rộng lớn, cao quý, không thể đo lường, không có sự thù hận, không có sự ác ý. Người này hiểu rằng: ‘Trước kia, tâm của tôi bị giới hạn và không được phát triển, nhưng bây giờ nó không thể đo lường, và được phát triển một cách tốt đẹp. Không có nghiệp có thể tính đếm nào còn duy trì hay tồn tại ở đó cả’”.

(Kinh Tăng Chi Bộ 10:219)

Điều được ám chỉ đến là không có nghiệp có thể tính đếm nào sẽ xuất hiện ở đây. Không có bất cứ điều gì còn tồn tại. Với sự giải thoát của cái tâm bởi từ tâm, tiềm năng mang tính nghiệp của sự chứng đạt được đó sẽ vượt lên trên bất cứ nghiệp nào và làm sanh khởi những kết quả và sự tái sinh may mắn.

Đây thật sự là cái được gọi là “trọng nghiệp”, nhưng đó chính là nghiệp vượt lên trên nghiệp phi thiện xảo. Lấy đi sinh mạng của cha mẹ và giết hại một vị A-la-hán: đây được gọi là “trọng nghiệp” về khía cạnh phi thiện xảo.

Tuy nhiên, về khía cạnh thiện xảo, trọng nghiệp như là sự chứng đắc thiền định và sự chứng đạt sự giải thoát của cái tâm bởi các vô lượng tâm. Những trọng nghiệp này cao hơn. Con đường Nhập lưu, các con đường và các quả vị, là những trọng nghiệp vì các nghiệp này vượt lên trên các dạng thức khác của nghiệp.

“Các ông nghĩ thế nào, này chư tăng. Nếu một người, từ thời niên thiếu của người này cho đến về sau, đã phát triển được sự giải thoát tâm bởi tâm từ, người này sau này sẽ có làm điều bất thiện không?”.

“Người này sẽ không, thưa Đức Thế Tôn”.

“Và không làm bất kỳ điều bất thiện nào, khổ đau có gây phiền não cho người này không?”.

“Sẽ không có, thưa Đức Thế Tôn”. Làm sao khổ đau có thể gây phiền não cho người không làm bất cứ điều bất thiện nào!”.

“Thật vậy, này chư tăng, sự giải thoát tâm bởi tâm từ nên được phát triển bởi người nam hoặc người nữ. Người nam hay người nữ không thể mang theo thân của mình và chết đi; con người có ý thức như là những mối liên hệ có kết nối.

“Nhưng bậc thánh biết rằng: ‘Bất cứ hành động bất thiện nào tôi đã tạo tác trước đây bằng thân này, các quả của chúng sẽ được trổ sanh ở đây và chúng sẽ đi theo cùng với tôi’.

“Tâm từ, nếu được phát triển theo cách này, sẽ dẫn đến trạng thái Bất lai, trong trường hợp một vị tăng đã được thiết lập trong trí tuệ nhận thấy ở ngay đây trong lời giáo huấn này, nhưng vị này chưa thâm nhập vào sự giải thoát cao hơn”.

(Kinh Tăng Chi Bộ 10:219)

Vì thế có một sự nhận thức về sức mạnh của tâm từ như khả năng để tiến hành các xu hướng khác bên trong sự tiềm ẩn thuộc về nghiệp.

“Nếu, này chư tăng, sự giải thoát tâm bởi tâm từ được phát triển và rèn luyện, thường xuyên được thực hành, làm thành phương tiện và nền tảng của người này, được thiết lập một cách vững chắc, được củng cố và được thực hiện một cách phù hợp, mười một điều lợi ích sau đây có thể được kỳ vọng. Thế nào là mười một?

(1) Người này ngủ ngon giấc; (2) người này tỉnh giấc một cách vui vẻ; (3) người này không có những giấc mộng xấu; (4) người này làm hài lòng các chúng sanh; (5) người này làm hài lòng các vị thần; (6) các vị thần bảo hộ cho người này; (7) lửa, thuốc độc, vũ khí không thể làm tổn thương người này; (8) tâm của người này nhanh chóng trở nên được tập trung; (9) da mặt của người này sáng sủa; (10) người này chết đi mà không bị bối rối; (11) nếu người này không thâm nhập xa hơn, người này đi vào cảnh giới phạm thiên.

(Kinh Tăng Chi Bộ 11:15)

Thậm chí nếu người đó không nhận thức được trạng thái giải thoát nào thì đó cũng là những điều tốt đẹp. Tôi không nhìn thấy bất cứ gì là hạn chế ở đây cả.

Tôi muốn gieo trồng một số hạt giống để khuyến khích các vị quay trở lại với các nguồn mạch này. Đức Phật là cội rễ. Đôi khi ngôn ngữ ít nhiều gây nản chí và sự lặp đi lặp lại nhàm chán, nhưng có vật báu phi thường là những lời dạy và sự hiểu biết để giải thoát, và khả năng to lớn của Đức Phật trong việc nhìn thấy mọi thứ một cách rõ ràng. Những lời giáo huấn về tôn giáo thật là hiếm hoi trong thế giới này và rõ ràng là hiếm hoi trong thế giới này. Có một phước đức lớn lao mới có thể hòa vào những lời dạy mà chúng ta đã thừa hưởng được qua duyên lành của mình.

Chúng ta có thể tận dụng thời thiền tới đây để ngồi, mang những ý nghĩ về tâm từ đó vào trong tâm của mình, nhắc nhớ chúng ta về sự tạo thành những mô thức khác nhau – bất cứ gì cộng hưởng được. Một trong những từ ngữ được sử dụng để mô tả các tâm vô lượng khi một người được thành tựu trong những sự thiền định này là “vô lượng vô biên”. Con tim không bị trói buộc bởi trạng thái tâm nhỏ nhặt bị đắm nhiễm và bị giới hạn. Người đó an định như vậy và cho phép con tim phát tỏa đến điều tốt đẹp.

Trong những lời giáo huấn, có điều được gọi là các thiền định, vimokkhas. Một trong những vimokkhas (những sự giải thoát hay những sự giải phóng) là sự giải thoát thông qua điều đẹp đẽ. Đó có thể là một sự chứng đắc về thiền định trên phương diện màu sắc, các đề mục biến xứ – kasiṇas, vốn vô cùng đẹp đẽ. Nhưng đó cũng có thể là một trạng thái tâm giống như tâm từ, một trạng thái tâm đẹp đẽ cho phép tâm buông bỏ sự trọng thị bản thân quá mức, buông bỏ những điều lo lắng, những nỗi sợ hãi, những điều bất an và những sự so sánh; và an trú trong điều gì đó thật sự đẹp đẽ. Đó thật sự không phải bản thân tôi là bất cứ gì hay đạt được bất cứ gì. Đó là sự đẹp đẽ của khả năng gác bỏ tất cả sang một bên. An trú trong ước muốn đó của tâm từ, để được quảng đại, cao quý và vô lượng vô biên. Chúng ta có thể tận dụng thời gian này để tu dưỡng một số những phẩm chất này.

[12] Phần dịch nghĩa này có tham khảo bản dịch Kinh Trung Bộ của Hòa thượng Thích Minh Châu.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app