Tiểu Phẩm Ii – Chương Phận Sự: Phận Sự Đối Với Đệ Tử

Tiểu Phẩm II

Chương Phận Sự

Phận sự đối với đệ tử 

Vào lúc bấy giờ, các vị thầy tế độ không thực hành phận sự đúng đắn đối với các người đệ tử. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các vị thầy tế độ lại không thực hành phận sự đúng đắn đối với các người đệ tử?”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, nghe nói các vị thầy tế độ không thực hành phận sự đúng đắn đối với các người đệ tử, có đúng không vậy?”

– “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định phận sự đối với các người đệ tử cho các vị thầy tế độ, các vị thầy tế độ đối với các người đệ tử nên thực hành như thế.

Này các tỳ khưu, vị thầy tế độ nên thực hành phận sự đúng đắn đối với người đệ tử. Đây là phận sự đúng đắn trong trường hợp này:

Này các tỳ khưu, thầy tế độ nên quan tâm đến người đệ tử, nên giúp đỡ bằng sự đọc tụng, bằng sự vấn hỏi, bằng sự giáo huấn, bằng sự giảng dạy. Nếu thầy tế độ có bình bát và người đệ tử không có bình bát, thầy tế độ nên cho bình bát đến người đệ tử, hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để bình bát có thể phát sanh đến đệ tử?’ Nếu thầy tế độ có y và người đệ tử không có y, thầy tế độ nên cho y đến người đệ tử, hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để y có thể phát sanh đến đệ tử?’ Nếu thầy tế độ có vật dụng và người đệ tử không có vật dụng, thầy tế độ nên cho vật dụng đến người đệ tử, hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để vật dụng có thể phát sanh đến đệ tử?’

Nếu người đệ tử bị bệnh, (vị thầy tế độ) nên thức dậy vào lúc sáng sớm. Nên trao gỗ chà răng. Nên trao nước súc miệng. Nên sắp xếp chỗ ngồi. Nếu có cháo, nên rửa tô rồi đem cháo lại. Khi người đệ tử đã uống cháo xong, nên trao nước (rửa), nên nhận lại tô, để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không làm trầy, rồi đem cất. Khi người đệ tử đã đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nếu khu vực ấy có rác bẩn thì nên quét khu vực ấy.

Nếu người đệ tử có ý định đi vào làng, nên trao y lót trong, nên nhận lại y lót trong (đã thay đổi), nên trao dây thắt lưng, nên gấp y hai lớp thành nếp rồi trao cho. Nên trao bình bát còn đẫm nước sau khi đã rửa sạch. (Nghĩ rằng): ‘Đến lúc vị ấy sắp trở về,’ nên sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Sau khi đi ra đón tiếp, nên rước y và bình bát. Nên trao y lót trong (trước đây), nên nhận lại y lót trong (mặc lúc đi). Nếu y bị thấm mồ hôi, nên phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Và không nên để luôn y ở chỗ nắng. Nên gấp y lại. Trong khi gấp y nên lùi phần góc vào bốn ngón tay rồi gấp y lại (nghĩ rằng): ‘Không nên để nếp gấp ở phần chính giữa.’ Nên đặt dây thắt lưng ở phần y đã gấp lại.

Nếu có đồ ăn khất thực và người đệ tử có ý muốn thọ dụng thì nên trao nước (rửa) rồi đem đồ ăn khất thực lại. Nên hỏi ý người đệ tử về nước uống. Khi người đệ tử ăn xong nên trao nước (rửa). Nên nhận lại bình bát, để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không làm trầy, nên làm ráo nước, rồi đem phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Và không nên để luôn bình bát ở chỗ nắng. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Và không nên đặt bình bát trên mặt đất không được trải lót.

Trong khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn phần gấp lại ở bên này, rồi máng y xuống. Khi người đệ tử đã đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nên dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nếu khu vực ấy có rác bẩn thì nên quét khu vực ấy.

Nếu người đệ tử có ý muốn tắm, nên chuẩn bị việc tắm. Nếu có nhu cầu về nước lạnh, nên chuẩn bị nước lạnh; nếu có nhu cầu về nước nóng, nên chuẩn bị nước nóng. Nếu người đệ tử có ý muốn đi vào nhà tắm hơi, nên trộn bột tắm. Nên tẩm ướt đất sét. Nên lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi, đi đến, trao ghế ngồi của nhà tắm hơi, nhận lấy y, rồi nên đem để ở một bên. Nên trao bột tắm. Nên trao đất sét. Nếu có nỗ lực, nên đi vào nhà tắm hơi. Trong khi đi vào nhà tắm hơi, nên thoa đất sét lên mặt, nên che kín cả phía trước lẫn phía sau rồi đi vào nhà tắm hơi.

Không nên chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống. Không nên xua đuổi các tỳ khưu mới tu khỏi chỗ ngồi. Ở trong nhà tắm hơi nên kỳ cọ cho người đệ tử. Trong khi rời khỏi nhà tắm hơi, nên cầm lấy cái ghế ngồi của nhà tắm hơi, nên che kín cả phía trước lẫn phía sau rồi rời khỏi nhà tắm hơi. Lúc ở trong nước nên kỳ cọ cho người đệ tử. Khi đã tắm xong nên đi ra (khỏi nước) trước tiên, nên lau khô nước ở thân thể của mình, quấn y lại, rồi nên lau khô nước ở thân thể của người đệ tử. Nên trao y lót trong. Nên trao y hai lớp. Nên cầm lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi, đi về trước, và sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên hỏi ý người đệ tử về nước uống. Ở trú xá nào người đệ tử cư ngụ, nếu trú xá ấy có rác bẩn, nếu có nỗ lực thì (vị thầy) nên làm sạch sẽ. Trong khi làm sạch sẽ trú xá, trước tiên nên đem y và bình bát ra ngoài rồi để xuống ở một góc. ―(như trên)― Nếu hũ nước súc miệng không có nước, nên đổ nước vào hũ nước súc miệng. Nếu sự bực bội sanh khởi ở người đệ tử, vị thầy tế độ nên làm cho dịu đi, hoặc nhờ vị khác làm cho dịu đi, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị ấy. Nếu nỗi nghi hoặc sanh khởi ở người đệ tử, vị thầy tế độ nên làm cho tan biến, hoặc nhờ vị khác làm cho tan biến, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị ấy. Nếu tà kiến sanh khởi ở người đệ tử, vị thầy tế độ nên phân giải, hoặc nhờ vị khác phân giải, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị ấy.

Nếu người đệ tử bị phạm tội nặng xứng đáng hình phạt parivāsa, vị thầy tế độ nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể ban hình phạt parivāsa cho đệ tử?’ Nếu người đệ tử xứng đáng việc đưa về lại (hình phạt) ban đầu, vị thầy tế độ nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể đưa đệ tử về lại (hình phạt) ban đầu?’ Nếu người đệ tử xứng đáng hình phạt mānatta, vị thầy tế độ nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể ban hình phạt mānatta cho đệ tử?’ Nếu người đệ tử xứng đáng sự giải tội, vị thầy tế độ nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể giải tội cho đệ tử?’

Nếu hội chúng có ý định thực hiện hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với người đệ tử, vị thầy tế độ nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể khỏi thực hiện hành sự đối với đệ tử, hoặc đổi thành nhẹ hơn?’ Khi hội chúng đã thực hiện hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với người đệ tử, vị thầy tế độ nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để đệ tử có thể làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, và hội chúng có thể thâu hồi hành sự này?’

Nếu y của người đệ tử cần phải giặt, vị thầy tế độ nên chỉ dẫn: ‘Ngươi nên giặt như vầy,’ hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để y của đệ tử được giặt?’ Nếu y của người đệ tử cần phải may, vị thầy tế độ nên chỉ dẫn: ‘Ngươi nên may như vầy,’ hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để y của đệ tử được may?’ Nếu thuốc nhuộm của người đệ tử cần phải nấu, vị thầy tế độ nên chỉ dẫn: ‘Ngươi nên nấu như vầy,’ hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để thuốc nhuộm của đệ tử được nấu?’ Nếu y của người đệ tử cần phải nhuộm, vị thầy tế độ nên chỉ dẫn: ‘Ngươi nên nhuộm như vầy,’ hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để y của đệ tử được nhuộm?’ Trong khi nhuộm y, nên đảo tới đảo lui cho khéo léo. Không nên bỏ đi khi nước nhỏ giọt chưa ngừng. Nếu người đệ tử bị bệnh, nên phục vụ cho đến trọn đời. nên chờ đợi (đến khi) vị ấy có sự hồi phục.

Này các tỳ khưu, đây là phận sự đối với các người đệ tử của các vị thầy tế độ. Các vị thầy tế độ đối với các người đệ tử nên thực hành như thế.” 

Dứt tụng phẩm thứ nhì.

*****

* Thuộc TIỂU PHẨM II - HỢP PHẦN - TẠNG LUẬT - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Tỳ Khưu Indacanda | Nguồn: Tamtangpaliviet.net
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app