Tiểu Phẩm II

Chương Sàng Toạ

Tụng Phẩm Thứ Nhì

Vào lúc bấy giờ, gia chủ Anāthapiṇḍika có người vợ là em gái của nhà đại phú ở thành Rājagaha. Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika đã đi đến thành Rājagaha vì công việc cần làm nào đó. Vào lúc bấy giờ, nhà đại phú thành Rājagaha đã thỉnh mời hội chúng có đức Phật đứng đầu vào ngày hôm sau. Khi ấy, nhà đại phú thành Rājagaha đã sai bảo đám tôi tớ và các người làm công rằng: – “Này các người, chính vì việc ấy các người phải thức dậy thật sớm, nấu cháo, nấu thức ăn, chuẩn bị các món canh, chuẩn bị các món ăn ngon.”

Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika đã khởi ý điều này: “Trước đây mỗi khi ta đến, gia chủ này bỏ hết mọi công việc và đã trò chuyện với mình ta thôi. Sao hôm nay ông ta có vẻ khẩn trương đã sai bảo đám tôi tớ và các người làm công rằng: ‘Này các người, chính vì việc ấy các người phải thức dậy thật sớm, nấu cháo, nấu thức ăn, chuẩn bị các món canh, chuẩn bị các món ăn ngon.’ Không lẽ vào ngày mai gia chủ này có đám rước dâu, hay là có đám đưa dâu, hay là sắp xếp cho buổi đại lễ cúng tế, hay là có mời thỉnh đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha cùng với đội quân binh?”

Sau đó, khi đã sai bảo đám tôi tớ và các người làm công xong, nhà đại phú thành Rājagaha đã đi đến gặp gia chủ Anāthapiṇḍika, sau khi đến đã chào hỏi gia chủ Anāthapiṇḍika rồi ngồi xuống một bên. Khi nhà đại phú thành Rājagaha đã ngồi xuống một bên, gia chủ Anāthapiṇḍika đã nói với nhà đại phú thành Rājagaha điều này: – “Này gia chủ, trước đây mỗi khi ta đến, ông bỏ hết mọi công việc và đã trò chuyện với mình ta thôi. Sao hôm nay ông có vẻ khẩn trương đã sai bảo đám tôi tớ và các người làm công rằng: ‘Này các người, chính vì việc ấy các người phải thức dậy thật sớm, nấu cháo, nấu thức ăn, chuẩn bị các món canh, chuẩn bị các món ăn ngon.’ Này gia chủ, không lẽ vào ngày mai ông có đám rước dâu, hay là có đám đưa dâu, hay là sắp xếp cho buổi đại lễ cúng tế, hay là có mời thỉnh đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha cùng với đội quân binh?”

– “Này gia chủ, không phải tôi có đám rước dâu, cũng không có đám đưa dâu, cũng không có mời thỉnh đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha cùng với đội quân binh, nhưng mà tôi sắp xếp cho buổi đại lễ cúng dường. Hội chúng có đức Phật đứng đầu đã được thỉnh mời vào ngày mai.”

– “Này gia chủ, có phải ngươi nói: ‘Đức Phật’?”

– “Ồ gia chủ, tôi nói là: ‘Đức Phật.’”

– “Này gia chủ, có phải ngươi nói: ‘Đức Phật’?”

– “Ồ gia chủ, tôi nói là: ‘Đức Phật.’”

– “Này gia chủ, có phải ngươi nói: ‘Đức Phật?”

– “Ồ gia chủ, tôi nói là: ‘Đức Phật.’”

– “Này gia chủ, cái âm này thật khó được nghe ở thế gian, đó là từ: ‘Đức Phật.’ Này gia chủ, vào giờ này tôi có thể đi đến để diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy không vậy?”

– “Này gia chủ, giờ này không phải là lúc để đi đến để diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy. Để đến sáng sớm ngày mai, dượng sẽ đi đến để diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy vậy.”

Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika (nghĩ rằng): ‘Sáng sớm ngày mai, ta sẽ đi đến để diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy vậy,’ rồi đã nằm xuống với niệm tưởng về đức Phật, và đã thức giấc trong đêm ba lần, nghĩ rằng trời đã sáng. Sau đó, gia chủ Anāthapiṇḍika đã đi đến cổng thành dẫn đến khu rừng Sīta. Các phi nhân đã mở cổng thành. Khi ấy, trong lúc gia chủ Anāthapiṇḍika đang đi ra khỏi thành thì ánh sáng đã biến mất, bóng tối đã xuất hiện. Nỗi sợ hãi, run rẩy, lông tóc dựng đứng đã sanh khởi đến gia chủ Anāthapiṇḍika, chính vì thế đã có ý muốn quay trở lui.

Khi ấy, dạ xoa Sīvaka không có hiện hình đã nói lời rằng:

– “Một trăm con voi, một trăm con ngựa, một trăm xe kéo bởi lừa, một trăm ngàn thiếu nữ (trang điểm) với ngọc trai, ngọc ma-ni, và các bông hoa tai, mười sáu lần như thế không giá trị bằng một bước chân đi tới.”

“Này gia chủ hãy bước tới, này gia chủ hãy bước tới. Đối với người, việc bước tới thì tốt hơn, không có việc quay lui.”

Khi ấy, bóng tối đã biến mất và ánh sáng đã hiện ra. Nỗi sợ hãi, run rẩy, lông tóc dựng đứng đã sanh khởi đến gia chủ Anāthapiṇḍika đã được lắng xuống.

Đến lần thứ nhì, ―(như trên)― Đến lần thứ ba, ánh sáng đã biến mất, bóng tối đã xuất hiện. Nỗi sợ hãi, run rẩy, lông tóc dựng đứng đã sanh khởi đến gia chủ Anāthapiṇḍika, chính vì thế đã có ý muốn quay trở lui. Đến lần thứ ba, dạ xoa Sīvaka không có hiện hình đã nói lời rằng:

– “Một trăm con voi, một trăm con ngựa, một trăm xe kéo bởi lừa, một trăm ngàn thiếu nữ (trang điểm) với ngọc trai, ngọc ma-ni, và các bông hoa tai, mười sáu lần như thế không giá trị bằng một bước chân đi tới.”

“Này gia chủ hãy bước tới, này gia chủ hãy bước tới. Đối với người, việc bước tới thì tốt hơn, không có việc quay lui.”

Đến lần thứ ba, bóng tối đã biến mất và ánh sáng đã hiện ra. Nỗi sợ hãi, run rẩy, lông tóc dựng đứng đã sanh khởi đến gia chủ Anāthapiṇḍika đã được lắng xuống. Sau đó, gia chủ Anāthapiṇḍika đã đi đến khu rừng Sīta. Vào lúc bấy giờ, sau khi thức dậy trong đêm vào lúc hừng sáng, đức Thế Tôn đi kinh hành ở ngoài trời. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy gia chủ Anāthapiṇḍika từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đức Thế Tôn đã rời đường kinh hành đi đến ngồi ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn.

Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã nói với gia chủ Anāthapiṇḍika điều này: – “Này Sudatta, hãy đến.” Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika (nghĩ rằng): ‘Đức Thế Tôn gọi ta bằng tên’ nên đã mừng rỡ, phấn chấn đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế tôn và đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, chắc hẳn rằng đức Thế Tôn đã nghỉ ngơi được thoải mái?”

– “Đúng thế, vị Bà-la-môn đã chứng ngộ Niết Bàn luôn luôn nghỉ ngơi được thoải mái, là người không bị vấy nhơ trong các dục, có trạng thái mát mẻ, không còn mầm tái sanh.

Sau khi đoạn lìa các sự vướng mắc, vị ấy có thể điều phục nỗi khổ trong tâm, được an tịnh, nghỉ ngơi được thoải mái, sau khi tâm đã đạt được Niết Bàn.”

Sau đó, đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến gia chủ Anāthapiṇḍika. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự tai hại sự thấp kém sự ô nhiễm của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của gia chủ Anāthapiṇḍika đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tịnh tín, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được Chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải đã được làm sạch, không còn vết nhơ, có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến gia chủ Anāthapiṇḍika: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, gia chủ Anāthapiṇḍika đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;’ tương tợ như thế Pháp đã được đức Thế Tôn giảng rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, con đây xin đi đến nương nhờ đức Thế Tôn ấy, Giáo Pháp, và Hội Chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn và hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Nhà đại phú thành Rājagaha đã nghe rằng: “Nghe nói gia chủ Anātha-piṇḍika đã thỉnh mời hội chúng có đức Phật đứng đầu vào ngày mai.” Khi ấy, nhà đại phú thành Rājagaha đã nói với gia chủ Anāthapiṇḍika điều này: – “Này gia chủ, nghe nói dượng đã thỉnh mời hội chúng có đức Phật đứng đầu vào ngày mai và dượng lại là khách vãng lai. Này gia chủ, hãy để tôi cho dượng tài chánh; nhờ đó dượng có thể thực hiện buổi trai phạn dâng đến hội chúng có đức Phật đứng đầu.” – “Này gia chủ, thôi đi. Tôi có tài chánh, với số đó tôi sẽ thực hiện buổi trai phạn dâng đến hội chúng có đức Phật đứng đầu.”

Vị thị trưởng thành Rājagaha đã nghe rằng: “Nghe nói gia chủ Anāthapiṇḍika đã thỉnh mời hội chúng có đức Phật đứng đầu vào ngày mai.” Khi ấy, vị thị trưởng thành Rājagaha đã nói với gia chủ Anāthapiṇḍika điều này: – “Này gia chủ, nghe nói ông đã thỉnh mời hội chúng có đức Phật đứng đầu vào ngày mai và ông lại là khách vãng lai. Này gia chủ, hãy để ta cho ông tài chánh; nhờ đó ông có thể thực hiện buổi trai phạn dâng đến hội chúng có đức Phật đứng đầu.” – “Thưa ngài, thôi đi. Tôi có tài chánh, với số đó tôi sẽ thực hiện buổi trai phạn dâng đến hội chúng có đức Phật đứng đầu.”

Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nghe rằng: “Nghe nói gia chủ Anāthapiṇḍika đã thỉnh mời hội chúng có đức Phật đứng đầu vào ngày mai.” Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với gia chủ Anāthapiṇḍika điều này: – “Này gia chủ, nghe nói khanh đã thỉnh mời hội chúng có đức Phật đứng đầu vào ngày mai và khanh lại là khách vãng lai. Này gia chủ, hãy để trẫm cho khanh tài chánh; nhờ đó khanh có thể thực hiện buổi trai phạn dâng đến hội chúng có đức Phật đứng đầu.” – “Tâu bệ hạ, thôi đi. Thần có tài chánh, với số đó thần sẽ thực hiện buổi trai phạn dâng đến hội chúng có đức Phật đứng đầu.”

Sau đó, khi trải qua đêm ấy gia chủ Anāthapiṇḍika đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm tại tư gia của nhà đại phú thành Rājagaha rồi cho thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: – “Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.” Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, đi đến tư gia của nhà đại phú thành Rājagaha, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu.

Sau đó, gia chủ Anāthapiṇḍika đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, gia chủ Anāthapiṇḍika đã ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, gia chủ Anāthapiṇḍika đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời con về việc an cư mùa mưa tại thành Sāvatthi cùng với hội chúng tỳ khưu.”

– “Này gia chủ, các đức Như Lai chỉ thỏa thích ở trú xứ thanh vắng.”

– “Bạch Thế Tôn, con đã biết được. Bạch Thiện Thệ, con đã được biết.”

Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho gia chủ Anāthapiṇḍika bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Vào lúc bấy giờ, gia chủ Anāthapiṇḍika có nhiều bạn bè, có nhiều cộng sự, có lời nói uy tín. Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika sau khi hoàn tất công việc cần làm ấy ở thành Rājagaha đã ra đi trở về thành Sāvatthi. Sau đó, trên đường đi gia chủ Anāthapiṇḍika đã bảo với dân chúng rằng: – “Quý vị ơi, hãy xây dựng các tu viện, hãy cho thiết lập các trú xá, hãy chuẩn bị các vật cúng dường. Giờ đây, đức Phật đã xuất hiện ở trên đời. Và đức Thế Tôn ấy được tôi thỉnh mời sẽ đi đến bằng con đường này.” Khi ấy, đám người ấy được cổ vũ bởi gia chủ Anāthapiṇḍika đã xây dựng các tu viện, đã cho thiết lập các trú xá, và đã chuẩn bị các vật cúng dường.

Sau đó, khi đã về đến thành Sāvatthi gia chủ Anāthapiṇḍika đã xem xét quanh thành Sāvatthi (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn nên ngụ ở nơi nào đây? Đối với ngài, chỗ ấy không nên xa làng mạc lắm, cũng không quá gần, thuận tiện cho việc tới lui, dân chúng có thể đi đến mỗi khi có ước muốn, ban ngày không đông đảo, ban đêm ít âm thanh, ít tiếng ồn, có bầu không gian vắng vẻ, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh.”

Gia chủ Anāthapiṇḍika đã nhìn thấy khu vườn của vương tử Jeta là không xa làng mạc lắm, cũng không quá gần, thuận tiện cho việc tới lui, dân chúng có thể đi đến mỗi khi có ước muốn, ban ngày không đông đảo, ban đêm ít âm thanh, ít tiếng ồn, có bầu không gian vắng vẻ, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp vương tử Jeta, sau khi đến đã nói với vương tử Jeta điều này: – “Thưa công tử, hãy cho tôi khu vườn để xây dựng tu viện.”

– “Này gia chủ, khu vườn không thể cho, ngay cả với việc trải ra mười triệu.”

– “Thưa công tử, khu vườn đã được bán.”

– “Này gia chủ, khu vườn chưa được bán.”

(Họ đã cãi nhau): “Đã được bán, chưa được bán,” rồi đã hỏi các viên đại thần lo việc xử án. Các viên quan đại thần đã nói như vầy: – “Thưa công tử, bởi vì giá cả đã được ngài quy định nên khu vườn đã được bán.”

Sau đó, gia chủ Anāthapiṇḍika đã bảo chở tiền vàng lại bằng các xe kéo và cho trải ra mười triệu tiền vàng ở Jetavana (khu rừng của Jeta). Tiền vàng chở lại một lần ấy còn thiếu cho khoảng trống nhỏ xung quanh chỗ cổng ra vào. Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika đã bảo dân chúng rằng: – “Này các người, hãy đi, hãy đem tiền vàng lại. Tôi sẽ trải lên khoảng trống này.”

Khi ấy, vương tử Jeta đã khởi ý điều này: “Việc này sẽ không là tầm thường bởi vì vị gia chủ này hy sinh nhiều tiền vàng đến chừng nầy,” nên đã nói với gia chủ Anāthapiṇḍika điều này: – “Này gia chủ, được rồi, ông không cần phải trải lên khoảng trống này nữa. Hãy cho ta khoảng trống này. Việc bố thí ấy sẽ là của ta.”

Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika (nghĩ rằng): ‘Vương tử Jeta này nổi tiếng, là người nổi danh. Niềm tin trong Pháp và Luật này của những người nổi tiếng như thế quả có lợi ích lớn lao!’ nên đã nhường khoảng trống đó cho vương tử Jeta. Sau đó, vương tử Jeta đã cho dựng lên cổng ra vào ở khoảng trống đó.

Sau đó, gia chủ Anāthapiṇḍika đã cho xây dựng ở Jetavana các trú xá, đã cho xây dựng các căn phòng, đã cho xây dựng các nhà kho, đã cho xây dựng các phòng hội họp, đã cho xây dựng các nhà để đốt lửa, đã cho xây dựng các nhà làm thành được phép, đã cho xây dựng các nhà tiêu, đã cho xây dựng các nhà tiểu, đã cho xây dựng các đường kinh hành, đã cho xây dựng các gian nhà ở các đường kinh hành, đã cho xây dựng các giếng nước, đã cho xây dựng các gian nhà ở các giếng nước, đã cho xây dựng các phòng tắm hơi, đã cho xây dựng các gian nhà ở các phòng tắm hơi, đã cho xây dựng các hồ trữ nước, đã cho xây dựng các mái che.

Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích đức Thế Tôn đã lên đường đi về phía thành Vesāli. Trong khi tuần tự du hành ngài đã ngự đến thành Vesāli. Tại nơi đó ở Vesāli, đức Thế Tôn ngự tại Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra. Vào lúc bấy giờ, dân chúng thực hiện công trình mới một cách tươm tất. Ngay cả các tỳ khưu phụ trách công trình mới cũng được phục vụ một cách chu đáo với vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh.

Khi ấy, có người thợ may nghèo nọ đã khởi ý điều này: “Theo như cách những người này thực hiện công trình mới một cách tươm tất như vầy thì việc này sẽ không là tầm thường; hay là ta cũng nên thực hiện công trình mới vậy?”

Sau đó, người thợ may nghèo ấy đã đích thân trộn hồ, chồng chất các viên gạch, rồi xây lên bức tường. Các viên gạch được ông ta chồng chất không khéo léo nên bức tường bị cong rồi đổ xuống. Đến lần thứ nhì, ―(như trên)― Đến lần thứ ba, người thợ may nghèo ấy đã đích thân trộn hồ, chồng chất các viên gạch, rồi xây lên các bức tường. Các viên gạch được ông ta chồng chất không khéo léo nên bức tường bị cong rồi đổ xuống.

Khi ấy, người thợ may nghèo ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Người ta cúng dường vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh đến các Sa-môn Thích tử này nên các vị chỉ bảo, hướng dẫn họ, và phụ trách công trình mới của họ. Trái lại, tôi thì nghèo nên không ai chỉ bảo, hướng dẫn tôi, hay phụ trách công trình mới (của tôi).”

Các tỳ khưu đã nghe được người thợ may nghèo ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

– “Này các tỳ khưu, ta cho phép giao công trình mới. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu là vị phụ trách công trình mới sẽ thể hiện sự tích cực (suy nghĩ rằng): ‘Có cách gì để trú xá có thể đạt đến việc hoàn thành nhanh chóng?’ và sẽ sửa chữa chỗ bị đổ vỡ và hư hỏng. Và này các tỳ khưu, nên giao như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu. Sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:

‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên giao công trình mới là trú xá của gia chủ tên (như vầy) đến vị tỳ khưu tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng giao công trình mới là trú xá của gia chủ tên (như vầy) đến vị tỳ khưu tên (như vầy). Đại đức nào đồng ý việc giao công trình mới là trú xá của gia chủ tên (như vầy) đến vị tỳ khưu tên (như vầy) xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Công trình mới là trú xá của gia chủ tên (như vầy) đã được giao đến vị tỳ khưu tên (như vầy). Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”

Sau đó, khi đã ngự tại thành Vesāli theo như ý thích đức Thế Tôn đã lên đường đi về phía thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đệ tử của các tỳ khưu nhóm Lục Sư đi vượt lên phía trước hội chúng có đức Phật dẫn đầu rồi giành phần các trú xá, giành phần các chỗ nằm (nói rằng): “Chỗ này sẽ dành cho các thầy tế độ của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho các thầy dạy học của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho chúng ta.”

Khi ấy, đại đức Sāriputta đi theo phía sau[4] hội chúng có đức Phật dẫn đầu, vì các trú xá đã bị giành phần và các chỗ nằm đã bị giành phần, trong lúc không có chỗ nằm đã ngồi xuống ở gốc cây nọ. Sau đó, đức Thế Tôn trong đêm vào lúc hừng sáng, sau khi thức dậy đã đằng hắng. Đại đức Sāriputta cũng đã đằng hắng. – “Ai ở nơi này vậy?”

– “Bạch ngài, con là Sāriputta.”

– “Này Sāriputta, vì sao ngươi lại ngồi ở đây?”

Khi ấy, đại đức Sāriputta đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu đệ tử của các tỳ khưu nhóm Lục Sư đi vượt lên phía trước hội chúng có đức Phật dẫn đầu rồi giành phần các trú xá, giành phần các chỗ nằm (nói rằng): ‘Chỗ này sẽ dành cho các thầy tế độ của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho các thầy dạy học của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho chúng ta,’ có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy lại đi vượt lên phía trước hội chúng có đức Phật dẫn đầu rồi giành phần các trú xá, giành phần các chỗ nằm (nói rằng): ‘Chỗ này sẽ dành cho các thầy tế độ của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho các thầy dạy học của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho chúng ta.’ Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này các tỳ khưu, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.” Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi hỏi các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, vị nào xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất?”

Một số tỳ khưu đã nói như vầy: – “Bạch Thế Tôn, vị nào xuất gia từ dòng dõi vua chúa vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.”

Một số tỳ khưu đã nói như vầy: – “Bạch Thế Tôn, vị nào xuất gia từ dòng dõi Bà-la-môn vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.”

Một số tỳ khưu đã nói như vầy: – “Bạch Thế Tôn, vị nào xuất gia từ dòng dõi gia chủ vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.”

Một số tỳ khưu đã nói như vầy: – “Bạch Thế Tôn, vị nào chuyên về Kinh vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.”

Một số tỳ khưu đã nói như vầy: – “Bạch Thế Tôn, vị nào rành rẽ về Luật vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.”

Một số tỳ khưu đã nói như vầy: – “Bạch Thế Tôn, vị nào là Pháp sư vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.”

Một số tỳ khưu đã nói như vầy: – “Bạch Thế Tôn, vị nào đạt sơ thiền vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.”

Một số tỳ khưu đã nói như vầy: – “Bạch Thế Tôn, vị nào đạt nhị thiền ―(như trên)― – “Bạch Thế Tôn, vị nào đạt tam thiền ―(như trên)― – “Bạch Thế Tôn, vị nào đạt tứ thiền vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.”

Một số tỳ khưu đã nói như vầy: – “Bạch Thế Tôn, vị nào là bậc Nhập Lưu vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.”

Một số tỳ khưu đã nói như vầy: – “Bạch Thế Tôn, vị nào là bậc Nhất Lai ―(như trên)― – “Bạch Thế Tôn, vị nào là bậc Bất Lai ―(như trên)― – “Bạch Thế Tôn, vị nào là bậc A-la-hán vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.”

Một số tỳ khưu đã nói như vầy: – “Bạch Thế Tôn, vị nào là bậc có ba Minh vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.”

Một số tỳ khưu đã nói như vầy: – “Bạch Thế Tôn, vị nào là bậc có sáu Thắng Trí vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.”

Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, trước đây ở sườn núi của Hy Mã Lạp Sơn có cây đa cổ thụ. Có ba bạn hữu là con chim đa đa, con khỉ, và con long tượng đã sống nương tựa vào cây ấy. Chúng sống không có sự kính trọng, không có sự phục tùng, không có thái độ quan tâm lẫn nhau. Này các tỳ khưu, sau đó ba bạn hữu ấy đã khởi ý điều này: ‘Này, chúng ta nên biết ai trong chúng ta là lớn nhất tính theo sự sinh ra để chúng ta có thể trọng vọng, có thể cung kính, có thể sùng bái, có thể cúng dường vị ấy, và chúng ta có thể tồn tại trong sự giáo huấn của vị ấy.’

Này các tỳ khưu, khi ấy con chim đa đa và con khỉ đã hỏi con long tượng rằng: – ‘Này bạn, bạn nhớ gì về thời xa xưa?’

– ‘Hai bạn à, khi tôi còn nhỏ tôi thường để cây đa này ở giữa hai chân rồi bước qua, ngọn cây chạm vào bụng của tôi. Hai bạn à, đó là điều tôi nhớ được về thời xa xưa.’

Này các tỳ khưu, sau đó con chim đa đa và con long tượng đã hỏi con khỉ rằng: – ‘Này bạn, bạn nhớ gì về thời xa xưa?’

– ‘Hai bạn à, khi tôi còn nhỏ tôi thường ngồi trên mặt đất nhai đọt non của cây đa này. Hai bạn à, đó là điều tôi nhớ được về thời xa xưa.’

Này các tỳ khưu, sau đó con khỉ và con long tượng đã hỏi con chim đa đa rằng: – ‘Này bạn, bạn nhớ gì về thời xa xưa?’

– ‘Hai bạn à, ở khu vực kia đã có cây đa cổ thụ. Tại đó, tôi đã ăn trái cây rồi đại tiện ở chỗ này, từ đó cây đa này đã được sanh ra. Hai bạn à, như thế tính theo sự sinh ra thì tôi là lớn nhất.’

Này các tỳ khưu, sau đó con khỉ và con long tượng đã nói với con chim đa đa điều này: – ‘Bạn à, bạn là lớn nhất tính theo sự sinh ra. Chúng tôi sẽ trọng vọng, sẽ cung kính, sẽ sùng bái, sẽ cúng dường bạn, và chúng tôi sẽ sinh tồn trong sự giáo huấn của bạn.’

Này các tỳ khưu, sau đó con chim đa đa đã cho con khỉ và con long tượng thọ trì năm giới, và bản thân nó cũng thọ trì và thực hành theo năm giới. Chúng đã sống có sự kính trọng, có sự phục tùng, có thái độ quan tâm lẫn nhau, đến khi hoại rã thân này chết đi, chúng đã sanh về chốn an vui là cõi trời. Này các tỳ khưu, con chim đa đa ấy đã nổi danh là bậc hành Phạm hạnh.

Những người nào tôn kính bậc cao niên những người rành rẽ về Pháp, được khen ngợi ngay trong kiếp này, và có cảnh giới an lạc trong kiếp sau.

Này các tỳ khưu, ngay cả các chúng sanh là các con thú ấy còn sinh sống có sự kính trọng, có sự phục tùng, và có thái độ quan tâm lẫn nhau. Này các tỳ khưu, ở đây các ngươi hãy làm rạng rỡ việc các ngươi xuất gia làm Sa-môn trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy, các ngươi nên sống có sự kính trọng, có sự phục tùng, và có thái độ quan tâm lẫn nhau. Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này các tỳ khưu, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.” Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép việc đảnh lễ, việc đứng dậy, hành động chắp tay, hành động thích hợp, chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất tính theo thâm niên. Này các tỳ khưu, việc liên quan đến hội chúng được tính theo thâm niên không được xâm phạm; vị nào xâm phạm thì phạm tội dukkaṭa.”

Này các tỳ khưu, đây là mười hạng không nên được đảnh lễ: Vị tu lên bực trên sau không nên được đảnh lễ bởi vị tu lên bậc trên trước, vị chưa tu lên bậc trên không nên được đảnh lễ, vị thâm niên hơn thuộc nhóm cộng trú khác nói sai Pháp không nên được đảnh lễ, phụ nữ không nên được đảnh lễ, người vô căn không nên được đảnh lễ, vị thực hành hình phạt parivāsa không nên được đảnh lễ, vị xứng đáng việc đưa về lại (hình phạt) ban đầu không nên được đảnh lễ, vị xứng đáng hình phạt mānatta không nên được đảnh lễ, vị thực hành hình phạt mānatta không nên được đảnh lễ, vị xứng đáng sự giải tội không nên được đảnh lễ. Này các tỳ khưu, đây là mười hạng không nên được đảnh lễ.

Này các tỳ khưu, đây là ba hạng nên được đảnh lễ: Vị tu lên bực trên trước nên được đảnh lễ bởi vị tu lên bậc trên sau, vị thâm niên hơn thuộc nhóm cộng trú khác nói đúng Pháp nên được đảnh lễ, này các tỳ khưu, trong thế gian gồm có chư Thiên, Ma vương, Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, các hạng chư Thiên và loài người, đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác nên được đảnh lễ. Này các tỳ khưu, đây là ba trường hợp nên được đảnh lễ.”

Vào lúc bấy giờ, dân chúng chuẩn bị mái che, chuẩn bị thảm trải, chuẩn bị chỗ trống dành riêng cho hội chúng. Các tỳ khưu đệ tử của các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): ‘Chính việc liên quan đến hội chúng mới được đức Thế Tôn cho phép tính theo thâm niên, chứ không phải việc được làm để dành riêng (cho hội chúng),’ rồi đi vượt lên phía trước hội chúng có đức Phật dẫn đầu và giành phần các mái che, giành phần các thảm trải, giành phần các chỗ trống (nói rằng): “Chỗ này sẽ dành cho các thầy tế độ của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho các thầy dạy học của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho chúng ta.”

Khi ấy, đại đức Sāriputta đi theo phía sau hội chúng có đức Phật dẫn đầu, vì các mái che đã bị giành phần, các thảm trải đã bị giành phần, các chỗ trống đã bị giành phần, trong lúc không có chỗ trống đã ngồi xuống ở gốc cây nọ. Sau đó, đức Thế Tôn trong đêm vào lúc hừng sáng, sau khi thức dậy đã đằng hắng. Đại đức Sāriputta cũng đã đằng hắng. – “Ai ở nơi này vậy?” – “Bạch Thế Tôn, con là Sāriputta.” – “Này Sāriputta, vì sao ngươi lại ngồi ở đây?”

Khi ấy, đại đức Sāriputta đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu đệ tử của các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): ‘Chính việc liên quan đến hội chúng mới được đức Thế Tôn cho phép tính theo thâm niên, chứ không phải việc được làm để dành riêng (cho hội chúng),’ rồi đi vượt lên phía trước hội chúng có đức Phật dẫn đầu và giành phần các mái che, giành phần các thảm trải, giành phần các chỗ trống (nói rằng): ‘Chỗ này sẽ dành cho các thầy tế độ của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho các thầy dạy học của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho chúng ta,’ có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ngay cả việc được làm dành riêng (cho hội chúng) cũng được tính theo thâm niên không được xâm phạm; vị nào xâm phạm thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, dân chúng sắp xếp ở trong phòng ăn, ở trong nhà các chỗ ngồi cao và các chỗ ngồi rộng như là: ghế trường kỷ, ghế nệm lông thú, thảm lông cừu dài sợi, thảm lông nhiều màu, thảm lông cừu màu trắng, thảm thêu bông hoa, thảm bông gòn, thảm dệt có nhiều hình thú, thảm có lông mặt trên, thảm có lông một bên góc, thảm dệt sợi vàng, thảm lụa, thảm lớn để nhảy múa, thảm ở mình voi, thảm ở mình ngựa, thảm lót xe, thảm da beo, thảm da nai giống quý, thảm có che phủ ở bên trên và có màu đỏ ở hai đầu. Các tỳ khưu trong khi ngần ngại không ngồi lên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, ngoại trừ ba thứ là ghế trường kỷ, ghế nệm lông thú, thảm bông gòn, ta cho phép ngồi lên chỗ đã được trưng bày bởi gia chủ nhưng không được nằm lên.”

Vào lúc bấy giờ, dân chúng sắp xếp ở trong phòng ăn, ở trong nhà loại giường và ghế độn bông gòn. Các tỳ khưu trong khi ngần ngại không ngồi lên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, ta cho phép ngồi lên chỗ đã được trưng bày bởi gia chủ nhưng không được nằm lên.”

Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi đó trong thành Sāvatthi, đức Thế Tôn ngự tại Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, gia chủ Anāthapiṇḍika đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai.” Đức Thế tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng.

Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, khi trải qua đêm ấy gia chủ Anāthapiṇḍika đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm rồi đã cho thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: – “Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.”

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y cầm y bát đi đến tư gia của gia chủ Anāthapiṇḍika, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, gia chủ Anāthapiṇḍika đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, gia chủ Anāthapiṇḍika đã ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, gia chủ Anāthapiṇḍika đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, con tiến hành như thế nào về Jetavana?”

– “Này gia chủ, chính vì điều ấy ngươi hãy cho thiết lập Jetavana dành cho hội chúng bốn phương hiện tại và vị lai.”

– “Bạch ngài, xin vâng.” Rồi gia chủ Anāthapiṇḍika nghe theo đức Thế Tôn đã thiết lập Jetavana dành cho hội chúng bốn phương hiện tại và vị lai.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói lời tùy hỷ với gia chủ Anāthapiṇḍika bằng những lời kệ này:

“Từ nơi ấy, chúng (các trú xá) ngăn ngừa sự nóng, sự lạnh, và các loài thú dữ, các loài rắn, và các muỗi mòng, và luôn cả luôn các cơn mưa lạnh.

Từ nơi ấy, cơn gió nóng dữ dội đã sanh lên bị dội lại. Với mục đích về sự nương náu, với mục đích về sự an lạc, để thiền định, và để hành minh sát.

Sự bố thí trú xá đến hội chúng đã được đức Phật ngợi khen là tối thắng. Vì thế người sáng trí, trong khi nhìn thấy lợi ích cho mình …

… nên cho xây dựng trú xá đẹp, nên thỉnh các bậc nghe nhiều (học rộng) ngụ tại nơi ấy. (Nên cúng dường) cơm, nước, vải vóc, và chỗ nằm ngồi đến các vị ấy.

Với tâm ý trong sạch, nên cúng dường ở các bậc có bản chất ngay thẳng. Các vị ấy thuyết Pháp đến người (thí chủ) ấy, là Pháp có sự xua tan tất cả khổ đau. Sau khi biết được Pháp ấy, người (thí chủ) ấy trong đời này chứng ngộ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”

Sau đó, khi đã nói lời tùy hỷ với gia chủ Anāthapiṇḍika bằng những lời kệ này đức Thế Tôn đã rời chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Vào lúc bấy giờ, có bữa trai phạn dâng đến hội chúng của vị quan đại thần nọ là đệ tử đạo lõa thể. Đại đức Upanananda con trai dòng Sakya đi đến trễ và đã làm cho vị tỳ khưu ngồi kế cận có sự thọ thực chưa xong phải đứng dậy. Nhà ăn đã có sự xáo động. Khi ấy, vị quan đại thần ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Tại sao các Sa-môn Thích tử đi đến trễ lại còn làm cho các vị tỳ khưu ngồi kế cận có sự thọ thực chưa xong phải đứng dậy khiến nhà ăn đã có sự xáo động? Ngay cả khi được ngồi chỗ khác, không lẽ không thể thọ thực theo như nhu cầu hay sao?” Các tỳ khưu đã nghe vị quan đại thần phàn nàn, phê phán, chê bai.

Các tỳ khưu nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao đại đức Upananda đi đến trễ lại còn làm cho vị tỳ khưu ngồi kế cận có sự thọ thực chưa xong phải đứng dậy khiến nhà ăn đã có sự xáo động?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này Upananda, nghe nói ngươi đi đến trễ còn làm cho vị tỳ khưu ngồi kế cận có sự thọ thực chưa xong phải đứng dậy khiến nhà ăn đã có sự xáo động, có đúng không vậy?”

– “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi đi đến trễ lại còn cho vị tỳ khưu ngồi kế cận có sự thọ thực chưa xong phải đứng dậy khiến nhà ăn đã có sự xáo động vây? Này kẻ rồ dại, việc ấy không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

– “Này các tỳ khưu, không nên bảo vị tỳ khưu ngồi kế cận có sự thọ thực chưa xong đứng dậy; vị nào bảo đứng dậy thì phạm tội dukkaṭa. Nếu bảo đứng dậy, nên nói với vị được yêu cầu (đứng dậy) rằng: ‘Hãy đi lấy nước đem lại.’ Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được như vậy, (vị đang ăn) nên nuốt xuống các hạt cơm một cách khéo léo rồi nhường lại chỗ ngồi cho vị tỳ khưu thâm niên hơn. Này các tỳ khưu, nhưng ta không nói rằng: ‘Chỗ ngồi của vị tỳ khưu thâm niên hơn có thể bị xâm phạm bởi bất cứ phương thức nào;’ vị nào xâm phạm thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư bảo các tỳ khưu bị bệnh phải đứng dậy. Các vị bị bệnh nói như vầy: – “Này các đại đức, chúng tôi không thể đứng dậy, chúng tôi bị bệnh.” – “Chúng tôi sẽ làm cho các đại đức đứng dậy.” Rồi họ đã nắm lấy, lôi đứng dậy, và buông ra để cho các vị ấy đứng. Các vị bệnh bị ngất xỉu ngã xuống. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, không nên bảo các vị bị bệnh phải đứng dậy, vị nào bảo đứng dậy thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (bảo rằng): ‘Chúng tôi bị bệnh, không nên bảo chúng tôi đứng dậy’ rồi chiếm chỗ nằm tốt nhất. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, ta cho phép nhường chỗ nằm thích hợp cho vị bị bệnh.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư dùng mánh lới xâm chiếm chỗ trú ngụ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, không nên dùng mánh lới xâm chiếm chỗ trú ngụ; vị nào xâm chiếm thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư sửa chữa ngôi trú xá lớn nọ ở vùng lân cận (nghĩ rằng): “Chúng ta sẽ an cư mùa mưa ở chỗ này.” Các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã nhìn thấy các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư đang sửa chữa ngôi trú xá, sau khi nhìn thấy đã nói như vầy: – “Này các đại đức, các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư này sửa chữa ngôi trú xá. Giờ chúng ta sẽ bảo họ tránh ra.” Một số vị đã nói như vầy: – “Này các đại đức, hãy chờ đợi trong lúc họ sửa chữa. Khi đã được sửa chữa xong, chúng ta sẽ bảo họ tránh ra.”

Sau đó, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã nói với các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư điều này: – “Này các đại đức, hãy tránh ra. Trú xá thuộc về chúng tôi.”

– “Này các đại đức, không phải là điều cần phải được báo trước hay sao? Và chúng tôi đã có thể sửa chữa cái khác.”

– “Này các đại đức, không phải trú xá thuộc về hội chúng hay sao?”

– “Này các đại đức, đúng vậy. Trú xá thuộc về hội chúng.”

– “Này các đại đức, hãy tránh ra. Trú xá thuộc về chúng tôi.”

– “Này các đại đức, trú xá thì lớn, các vị ở được, chúng tôi cũng sẽ ở được.”

– “Này các đại đức, hãy tránh ra. Trú xá thuộc về chúng tôi.” Rồi (các tỳ khưu nhóm Lục Sư) nổi giận, bất bình nắm (các vị kia) ở cổ lôi kéo ra ngoài. Trong khi bị lôi kéo ra ngoài, các vị kia khóc lóc. Các tỳ khưu đã nói như vầy: – “Này các đại đức, vì sao các vị khóc?”

– “Thưa các đại đức, những tỳ khưu nhóm Lục Sư này nổi giận, bất bình rồi lôi kéo chúng tôi ra khỏi trú xá thuộc về hội chúng.”

Các tỳ khưu nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư này nổi giận, bất bình lại lôi kéo các tỳ khưu ra khỏi trú xá thuộc về hội chúng?”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc lên đức Thế Tôn. ―(như trên)― – “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Lục Sư nổi giận, bất bình rồi lôi kéo các tỳ khưu ra khỏi trú xá thuộc về hội chúng, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

– “Này các tỳ khưu, vị nổi giận, bất bình không nên lôi kéo các tỳ khưu ra khỏi trú xá thuộc về hội chúng; vị nào lôi kéo ra thì nên hành xử đúng theo Pháp.[5] Này các tỳ khưu, ta cho phép phân phối chỗ trú ngụ.”

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Chỗ trú ngụ nên được phân phối bởi vị nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị phân phối chỗ trú ngụ là vị tỳ khưu có năm yếu tố: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết (chỗ trú ngụ) đã được nhận hoặc chưa được nhận. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy:

Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu, sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân phối chỗ trú ngụ. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân phối chỗ trú ngụ. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân phối chỗ trú ngụ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị phân phối chỗ trú ngụ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”

Khi ấy, các tỳ khưu là các vị phân phối chỗ trú ngụ đã khởi ý điều này: “Chỗ trú ngụ nên được phân phối như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, ta cho phép trước tiên đếm số lượng tỳ khưu; sau khi đếm số lượng tỳ khưu rồi đếm số lượng chỗ nằm; sau khi đếm số lượng chỗ nằm thì phân phối theo chỗ nằm.”

Trong khi phân phối theo chỗ nằm, các chỗ nằm đã được thừa ra.

– “Này các tỳ khưu, ta cho phép phân phối theo trú xá.”

Trong khi phân phối theo trú xá, các trú xá đã được thừa ra. ―(như trên)―

– “Này các tỳ khưu, ta cho phép phân phối theo phòng ở.”

Trong khi phân phối theo phòng ở, các phòng ở đã được thừa ra.

– “Này các tỳ khưu, ta cho phép phân phối luôn cả phần còn lại. Khi phần còn lại đã được nhận, có vị tỳ khưu khác đi đến, nếu (các vị) không sẵn lòng thì không cần phải cho.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu phân phối chỗ trú ngụ cho vị đứng ở ngoài ranh giới. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, không nên phân phối sàng tọa cho vị đứng ở ngoài ranh giới; vị nào phân phối thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu sau khi nhận chỗ trú ngụ rồi chiếm giữ luôn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, sau khi nhận chỗ trú ngụ không nên chiếm giữ luôn; vị nào chiếm giữ thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép chiếm giữ trong ba tháng của mùa mưa, mùa khác không được chiếm giữ.”

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Có bao nhiêu thời điểm phân phối chỗ trú ngụ?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, đây là ba thời điểm phân phối chỗ trú ngụ: thời điểm trước, thời điểm sau, thời điểm trung gian. Vào ngày kế ngày rằm của tháng Āsāḷhā[6] là thời điểm trước nên được phân phối, một tháng kế sau ngày rằm của tháng Āsāḷhā là thời điểm sau nên được phân phối, một ngày sau lễ Pavāraṇā cho đến lần an cư mùa mưa kế là thời điểm trung gian nên được phân phối. Này các tỳ khưu, đây là ba thời điểm phân phối chỗ trú ngụ.”

Dứt tụng phẩm thứ nhì.

[4] Ngài Buddhaghosa giải thích về việc đi chậm ở phía sau của ngài Sāriputta như sau: “Nghe nói vị trưởng lão trong khi quan tâm các vị bị bệnh, trong khi giúp đỡ các vị già cả yếu đuối nên đi đến sau tất cả. Đây là pháp thực hành của vị ấy” (VinA. vi, 1221).

[5] Liên quan đến tội pācittiya 17 (ND).

[6] Tương đương ngày 16 tháng sáu âm lịch, tức là ngày đầu tiên của thời kỳ an cư mùa mưa đợt đầu (ND).

 

* Thuộc TIỂU PHẨM II - HỢP PHẦN - TẠNG LUẬT - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Tỳ Khưu Indacanda | Nguồn: Tamtangpaliviet.net
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app