Tiểu Phẩm II

Chương Tỳ Khưu Ni

Tụng Phẩm Thứ Ba

Vào lúc bấy giờ, các người nữ đã tu lên bậc trên được thấy là: không có hiện tướng (người nữ), khiếm khuyết hiện tướng (người nữ), không có kinh nguyệt, bị băng huyết, thường xuyên mang vải lót, bị rong kinh, bị dị căn, người nữ vô căn, bị lại đực, tiêu tiểu chung một khiếu, người nữ lưỡng căn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đang cho tu lên bậc trên được hỏi về hai mươi bốn pháp chướng ngại. Và này các tỳ khưu, nên hỏi như vầy: ‘Cô không phải là người không có hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người khiếm khuyết hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người không có kinh nguyệt? Cô không phải là người bị băng huyết? Cô không phải là người thường xuyên mang vải lót? Cô không phải là người bị rong kinh? Cô không phải là người bị dị căn? Cô không phải là người nữ vô căn? Cô không phải là người bị lại đực? Cô không phải là người tiêu tiểu chung một khiếu? Cô không phải là người nữ lưỡng căn? Cô có các bệnh như thế này không: Bệnh cùi? Bệnh mụt nhọt? Bệnh chàm? Bệnh lao phổi? Bệnh động kinh? Cô là loài người? Cô là người nữ? Cô là người được tự do (không phải nô lệ)? Cô không bị thiếu nợ? Cô không phải là lính của vua? Cô đã được cho phép bởi cha mẹ, bởi người chồng? Cô đã tròn hai mươi tuổi? Cô có đầy đủ y bát không? Cô tên gì? Ni sư tế độ tên gì?’”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu hỏi các pháp chướng ngại của các tỳ khưu ni. Các cô có ý muốn tu lên bậc trên bị bối rối, trở nên mắc cở, rồi không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép sự tu lên bậc trên ở hội chúng tỳ khưu đến người nữ đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, (và) được trong sạch.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni hỏi các pháp chướng ngại đến các cô có ý muốn tu lên bậc trên chưa được giảng dạy trước. Các cô có ý muốn tu lên bậc trên bị bối rối, trở nên mắc cở, không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép giảng dạy trước rồi hỏi các pháp chướng ngại sau.” Các vị giảng dạy ngay tại chổ ấy, ở giữa hội chúng. Như thế ấy, các cô có ý muốn tu lên bậc trên bị bối rối, trở nên mắc cở, rồi không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép giảng dạy ở một góc rồi hỏi các pháp chướng ngại ở giữa hội chúng.

Và này các tỳ khưu, nên giảng dạy như vầy: Trước tiên, nên bảo chọn vị thầy tế độ. Sau khi đã bảo chọn vị thầy tế độ rồi nên chỉ dẫn về y bát: ‘Đây là bình bát của cô, đây là y hai lớp, đây là thượng y, đây là y nội, đây là áo lót, đây là vải choàng tắm. Hãy đi đến đứng ở chỗ trống đàng kia.’ Các vị ni ngu dốt, thiếu kinh nghiệm giảng dạy. Được giảng dạy tồi, các cô có ý muốn tu lên bậc trên bị bối rối, trở nên mắc cở, không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, vị ni ngu dốt thiếu kinh nghiệm không nên giảng dạy; vị ni nào giảng dạy thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu ni kinh nghiệm, có năng lực được giảng dạy.” Các vị ni chưa được chỉ định vẫn giảng dạy. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, vị ni chưa được chỉ định không nên giảng dạy; vị ni nào giảng dạy thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép giảng dạy đối với vị ni đã được chỉ định.

Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Tự mình chỉ định cho chính mình, hoặc người khác chỉ định cho người khác. Và thế nào là tự mình chỉ định cho chính mình? Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni kinh nghiệm, có năng lực: ‘Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ giảng dạy cho cô ni tên (như vầy).’ Như vậy là tự mình chỉ định cho chính mình. Và thế nào là người khác chỉ định cho người khác? Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni kinh nghiệm, có năng lực: ‘Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, vị ni tên (như vầy) sẽ giảng dạy cho cô ni tên (như vầy).’ Như vậy là người khác chỉ định cho người khác.

Vị tỳ khưu ni đã được chỉ định ấy nên đi đến gần cô có ý muốn tu lên bậc trên và nên nói như vầy: – ‘Này cô tên (như vầy), hãy lắng nghe. Đối với cô, bây giờ là thời điểm của sự thật, là thời điểm của bản chất. Trong khi được hỏi ở giữa hội chúng, điều gì được đề cập đến, nếu điều ấy là đúng thì nên nói: ‘Đúng;’ nếu không đúng, nên nói: ‘Không đúng.’ Chớ nên bối rối, chớ nên mắc cở. Các vị sẽ hỏi cô như vầy: ‘Cô không phải là người không có hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người khiếm khuyết hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người không có kinh nguyệt? Cô không phải là người bị băng huyết? Cô không phải là người thường xuyên mang vải lót? Cô không phải là người bị rong kinh? Cô không phải là người bị dị căn? Cô không phải là người nữ vô căn? Cô không phải là người bị lại đực? Cô không phải là người tiêu tiểu chung một khiếu? Cô không phải là người nữ lưỡng căn? Cô có bị các bệnh như thế này hay không: Bệnh cùi? Bệnh mụt nhọt? Bệnh chàm? Bệnh lao phổi? Bệnh động kinh? Cô là loài người? Cô là người nữ? Cô là người được tự do (không phải nô lệ)? Cô không bị thiếu nợ? Cô không phải là lính của vua? Cô đã được cho phép bởi cha mẹ, bởi người chồng? Cô đã tròn hai mươi tuổi? Cô có đầy đủ y bát không? Cô tên gì? Ni sư tế độ tên gì?’”

Họ đi đến chung (cùng một lúc). – “Không nên đi đến chung (cùng một lúc). Vị ni giảng dạy nên đi đến trước và thông báo cho hội chúng: ‘Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Tôi đã giảng dạy cho cô ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, cô tên (như vầy) có thể đi đến.’ Và nên nói rằng: ‘Cô hãy đi đến.’

Nên bảo (cô ấy) đắp thượng y một bên vai, bảo đảnh lễ ở chân các tỳ khưu ni, bảo ngồi chồm hổm, bảo chắp tay lên, và bảo thỉnh cầu sự tu lên bậc trên: ‘Bạch chư đại đức ni, tôi thỉnh cầu hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót. Bạch chư đại đức ni, lần thứ nhì tôi thỉnh cầu hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót. Bạch chư đại đức ni, lần thứ ba tôi thỉnh cầu hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót.’

Hội chúng nên được thông báo bởi vị tỳ khưu ni kinh nghiệm, có năng lực: ‘Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ hỏi cô ni tên (như vầy) về các pháp chướng ngại. Này cô tên (như vầy), hãy lắng nghe. Đối với cô, bây giờ là thời điểm của sự thật, là thời điểm của bản chất. Trong khi được hỏi ở giữa hội chúng, điều gì được đề cập đến, nếu điều ấy là đúng thì nên nói: Đúng; nếu không đúng, nên nói: Không đúng. Cô không phải là người không có hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người khiếm khuyết hiện tướng (người nữ)? ―(như trên)― Cô tên gì? Ni sư tế độ tên gì?’

Hội chúng nên được thông báo bởi vị tỳ khưu ni kinh nghiệm, có năng lực: ‘Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy) là người trong sạch về các pháp chướng ngại. Cô này có đầy đủ y bát. Cô ni tên (như vầy) thỉnh cầu hội chúng sự tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy) là người trong sạch về các pháp chướng ngại. Cô này có đầy đủ y bát. Cô ni tên (như vầy) thỉnh cầu hội chúng sự tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đại đức ni nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì. ―(như trên)― Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba. Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy) là người trong sạch về các pháp chướng ngại. Cô này có đầy đủ y bát. Cô ni tên (như vầy) thỉnh cầu hội chúng sự tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đại đức ni nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên.

Cô ni tên (như vầy) đã được hội chúng cho tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’

Ngay sau khi hoàn tất việc ấy, nên đưa (cô ni ấy) đi đến hội chúng tỳ khưu, nên bảo (cô ấy) đắp thượng y một bên vai, bảo đảnh lễ ở chân các tỳ khưu, bảo ngồi chồm hổm, bảo chắp tay lên, và bảo thỉnh cầu sự tu lên bậc trên: ‘Bạch chư đại đức, tôi tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Tôi đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Bạch chư đại đức, tôi thỉnh cầu hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót. Bạch chư đại đức, tôi tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Tôi đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Bạch chư đại đức, lần thứ nhì tôi thỉnh cầu hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót. Bạch chư đại đức, tôi tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Tôi đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Bạch chư đại đức, lần thứ ba tôi thỉnh cầu hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót.’

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực: ‘Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy). Cô này đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ni tên (như vầy) thỉnh cầu hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy). Cô này đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ni tên (như vầy) thỉnh cầu hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì. ―(như trên)― Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba. Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Cô này đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ni tên (như vầy) thỉnh cầu hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Cô ni tên (như vầy) đã được hội chúng cho tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’

Ngay khi ấy, bóng nắng cần được đo đạc, việc xác định mùa tiết nên được chỉ dạy, việc phân chia ngày (giờ) nên được chỉ dạy, điều đã được kết tập lại nên được chỉ dạy, các tỳ khưu ni nên được nói rằng: – ‘Nên chỉ dạy cô ni này ba điều nương nhờ[4] và tám điều không nên làm.’” [5]

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni trong khi xác định chỗ ngồi trong nhà ăn đã bị quá giờ (thọ thực). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (chỗ ngồi) của tám tỳ khưu ni tính theo thâm niên, (chỗ ngồi) của các vị còn lại tính theo thứ tự đi đến.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni (nghĩ rằng): ‘Đức Thế Tôn đã cho phép (chỗ ngồi) của tám tỳ khưu ni tính theo thâm niên, (chỗ ngồi) của các vị còn lại tính theo thứ tự đi đến’ nên ở khắp mọi nơi chừa lại đúng tám chỗ cho các tỳ khưu ni tính theo thâm niên, các chỗ còn lại thì theo thứ tự đi đến. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép trong nhà ăn (chỗ ngồi của) tám tỳ khưu ni tính theo thâm niên và (chỗ ngồi) của các vị còn lại tính theo thứ tự đi đến, còn ở những nơi khác không nên chừa lại theo thứ tự thâm niên; vị nào chừa lại thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni không hành lễ Pavāraṇā. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên không hành lễ Pavāraṇā; vị ni nào không hành lễ Pavāraṇā nên được hành xử theo Pháp.”[6] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni sau khi hành lễ Pavāraṇā nơi hội chúng tỳ khưu ni rồi không hành lễ Pavāraṇā nơi hội chúng tỳ khưu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni sau khi hành lễ Pavāraṇā nơi hội chúng tỳ khưu ni rồi không nên không hành lễ Pavāraṇā nơi hội chúng tỳ khưu; vị ni nào không hành lễ Pavāraṇā nên được hành xử theo Pháp.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni trong khi hành lễ Pavāraṇā chỉ một phía với các tỳ khưu đã tạo nên sự lộn xộn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên hành lễ Pavāraṇā chỉ một phía với các tỳ khưu; vị ni nào hành lễPavāraṇā (chỉ một phía) thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni trong khi hành lễ Pavāraṇā trước bữa thọ trai nên đã bị quá giờ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu ni hành lễ Pavāraṇā sau bữa thọ trai.” Sau bữa thọ trai, các vị trong khi còn hành lễ Pavāraṇāđã bị trời tối. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép hành lễ Pavāraṇā nơi hội chúng tỳ khưu ni ngày hôm nay và hành lễ Pavāraṇā nơi hội chúng tỳ khưu vào ngày kế.”

Vào lúc bấy giờ, toàn bộ hội chúng tỳ khưu ni trong lúc hành lễ Pavāraṇā đã gây nên sự lộn xộn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định một vị tỳ khưu ni kinh nghiệm, có năng lực để thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu vì lợi ích của hội chúng tỳ khưu ni. Và này các tỳ khưu, nên được chỉ định như vầy: Trước tiên, vị tỳ khưu ni nên được yêu cầu; sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni kinh nghiệm, có năng lực: ‘Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) để thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu vì lợi ích của hội chúng tỳ khưu ni. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) để thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu vì lợi ích của hội chúng tỳ khưu ni. Đại đức ni nào đồng ý việc chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) để thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu vì lợi ích của hội chúng tỳ khưu ni xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên. Tỳ khưu ni tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định để thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu vì lợi ích của hội chúng tỳ khưu ni. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’

Vị tỳ khưu ni đã được chỉ định ấy nên đưa hội chúng tỳ khưu ni đi đến gặp hội chúng tỳ khưu, nên đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy: ‘Bạch các ngài, hội chúng tỳ khưu ni xin thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu do được thấy, hoặc do được nghe, hoặc vì nghi ngờ. Bạch các ngài, vì lòng thương xót đối với hội chúng tỳ khưu ni xin hội chúng tỳ khưu hãy nói lên; khi thấy (lỗi) rồi sẽ sửa đổi. Đến lần thứ nhì, bạch các ngài, hội chúng tỳ khưu ni xin thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu do được thấy, hoặc do được nghe, hoặc vì nghi ngờ. Bạch các ngài, vì lòng thương xót đối với hội chúng tỳ khưu ni xin hội chúng tỳ khưu hãy nói lên; khi thấy (lỗi) rồi sẽ sửa đổi. Đến lần thứ ba, bạch các ngài, hội chúng tỳ khưu ni xin thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu do được thấy, hoặc do được nghe, hoặc vì nghi ngờ. Bạch các ngài, vì lòng thương xót đối với hội chúng tỳ khưu ni xin hội chúng tỳ khưu hãy nói lên; khi thấy (lỗi) rồi sẽ sửa đổi.’”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni đình chỉ lễ Uposatha, đình chỉ lễ Pavāraṇā, làm công việc khuyên bảo, khởi xướng việc cáo tội, thỉnh ý (để buộc tội), quở trách, nhắc nhở đối với các tỳ khưu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên đình chỉ lễ Uposatha của tỳ khưu, dầu đã bị đình chỉ cũng như không bị đình chỉ; vị ni đình chỉ phạm tội dukkaṭa. Không nên đình chỉ lễ Pavāraṇā, dầu đã bị đình chỉ cũng như không bị đình chỉ; vị ni đình chỉ phạm tội dukkaṭa. Không nên làm công việc khuyên bảo, dầu đã được làm cũng như không được làm; vị ni làm phạm tội dukkaṭa. Không nên khởi xướng việc cáo tội, dầu đã được khởi xướng cũng như không được khởi xướng; vị ni khởi xướng (việc cáo tội) phạm tội dukkaṭa. Không nên thỉnh ý (để buộc tội), dầu đã được thỉnh ý cũng như không được thỉnh ý, vị ni thỉnh ý phạm tội dukkaṭa. Không nên quở trách, dầu đã được quở trách cũng như không được quở trách, vị ni quở trách phạm tội dukkaṭa. Không nên nhắc nhở, dầu đã được nhắc nhở cũng như không được nhắc nhở, vị ni nhắc nhở phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đình chỉ lễ Uposatha đình chỉ lễ Pavāraṇā, làm công việc khuyên bảo, khởi xướng việc cáo tội, thỉnh ý (để buộc tội), quở trách, nhắc nhở đối với các tỳ khưu ni. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu được đình chỉ lễ Uposatha của tỳ khưu ni, khi đã đình chỉ thì đã đình chỉ đúng đắn; vị đình chỉ vô tội. Được đình chỉ lễ Pavāraṇā; khi đã đình chỉ thì đã đình chỉ đúng đắn; vị đình chỉ vô tội. Được làm công việc khuyên bảo, khi đã làm thì đã làm đúng đắn; vị làm vô tội. Được khởi xướng việc cáo tội, khi đã khởi xướng thì đã khởi xướng đúng đắn; vị khởi xướng vô tội. Được thỉnh ý (để buộc tội), khi đã thỉnh ý thì đã thỉnh ý đúng đắn; vị thỉnh ý vô tội. Được quở trách, khi đã quở trách thì đã quở trách đúng đắn; vị quở trách vô tội. Được nhắc nhở, khi đã nhắc nhở thì đã nhắc nhở đúng đắn; vị nhắc nhở vô tội.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư di chuyển bằng xe được kéo bởi các con bò cái với người nam đánh xe ngồi ở giữa, hoặc được kéo bởi các con bò đực với người nữ đánh xe ngồi ở giữa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Giống như lễ hội ở vùng Gaṅgā và Mahī vậy?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên di chuyển bằng xe; vị ni nào di chuyển nên được hành xử theo Pháp.”[7]Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ bị bệnh, không thể bước đi bằng chân được. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) xe đối với vị ni bị bệnh.” Khi ấy, các tỳ khưu ni đã khởi ý điều này: “Vậy được kéo bởi con cái, hay được kéo bởi con đực?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) toa xe được kéo bởi con cái, được kéo bởi con đực, (và cho phép) xe kéo bằng tay.” Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ đã bị khó chịu dữ dội vì xe bị dằn xóc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) kiệu khiêng, ghế khiêng.”

Vào lúc bấy giờ, cô kỹ nữ Aḍḍhakāsī đã xuất gia nơi các tỳ khưu ni. Cô ấy có ý định đi đến Sāvatthi (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ tu lên bậc trên trong sự chứng minh của đức Thế Tôn.’ Những kẻ bất lương đã nghe rằng: “Nghe nói kỹ nữ Aḍḍhakāsī có ý định đi đến Sāvatthi.” Bọn họ đã bao vây các ngõ đường. Cô kỹ nữ Aḍḍhakāsī đã nghe rằng: “Nghe nói những kẻ bất lương đã bao vây các ngõ đường” nên đã phái sứ giả đến gặp đức Thế Tôn (thưa rằng): “Bởi vì con có ước muốn tu lên bậc trên, con nên tiến hành như thế nào?”

Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện.” Các vị cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là tỳ khưu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là tỳ khưu; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa.” Các vị cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là cô ni tu tập sự. ―(như trên)― Các vị cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là sa di. ―(như trên)― Các vị cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là sa di ni. ―(như trên)― Các vị cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là cô ni ngu dốt thiếu kinh nghiệm. – “Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là cô ni ngu dốt thiếu kinh nghiệm; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là vị tỳ khưu ni kinh nghiệm, có năng lực. Vị tỳ khưu ni đại diện ấy nên đi đến hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, rồi nên nói như vầy:

‘Bạch các ngài, cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Cô ấy đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ấy không đi đến chính vì có sự chướng ngại. Bạch các ngài, cô ni tên (như vầy) thỉnh cầu hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy tế độ cô ấy vì lòng thương xót.

Bạch các ngài, cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Cô ấy đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ấy không đi đến chính vì có sự chướng ngại. Bạch các ngài, lần thứ nhì cô ni tên (như vầy) thỉnh cầu hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy tế độ cô ấy vì lòng thương xót.

Bạch các ngài, cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Cô ấy đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ni không đi đến chính vì có sự chướng ngại. Bạch các ngài, lần thứ ba cô ni tên (như vầy) thỉnh cầu hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy tế độ cô ấy vì lòng thương xót.’

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực: ‘Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy). Cô ấy đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ấy không đi đến chính vì có sự nguy hiểm. Cô ni tên (như vầy) thỉnh cầu hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy). Cô ấy đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ấy không đi đến chính vì có sự nguy hiểm. Cô ni tên (như vầy) thỉnh cầu hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì. ―(như trên)― Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba. Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy). Cô ấy đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ấy không đi đến chính vì có sự nguy hiểm. Cô ni tên (như vầy) thỉnh cầu hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Cô ni tên (như vầy) đã được hội chúng cho tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’

Ngay khi ấy, bóng râm cần được đo đạc, việc xác định mùa tiết nên được chỉ dạy, việc phân chia ngày (giờ) nên được chỉ dạy, điều đã được kết tập lại nên được chỉ dạy. Các tỳ khưu ni nên được nói rằng: – ‘Hãy chỉ dạy cô ni này ba điều nương nhờ và tám điều không nên làm.’”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni cư ngụ ở trong rừng. Những kẻ bất lương làm nhơ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên cư ngụ ở trong rừng; vị ni nào cư ngụ thì phạm tội dukkaṭa.” Vào lúc bấy giờ, kho chứa đồ đạc đã được nam cư sĩ nọ dâng đến hội chúng tỳ khưu ni. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) kho chứa đồ đạc. Kho chứa đồ không đáp ứng (nhu cầu). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) căn nhà. Căn nhà không đáp ứng (nhu cầu). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (xây dựng) công trình mới.” Công trình mới không đáp ứng (nhu cầu). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép xây dựng theo cá nhân.”

Vào lúc bấy giờ, một người phụ nữ nọ, có bào thai đã đậu, xuất gia nơi các tỳ khưu ni. Khi cô ấy đã xuất gia, cái thai đã chào đời. Khi ấy, vị tỳ khưu ni ấy đã khởi ý điều này: “Ta nên thực hành như thế nào liên quan đến đứa bé trai này?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép nuôi dưỡng cho đến khi đứa bé trai ấy đạt được sự hiểu biết.”[8]

Sau đó, vị tỳ khưu ni ấy đã khởi ý điều này: “Ta không thể sống mỗi một mình, và tỳ khưu ni khác không thể sống với đứa bé trai, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định một tỳ khưu ni và cho làm người cộng sự với tỳ khưu ni kia. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước tiên, vị tỳ khưu ni cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni kinh nghiệm, có năng lực: ‘Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy). Đại đức ni nào đồng ý sự chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy) xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên.

Tỳ khưu ni tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy). Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”

Khi ấy, tỳ khưu ni cộng sự ấy đã khởi ý điều này: “Ta nên thực hành như thế nào liên quan đến đứa bé trai này?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hành liên quan đến đứa bé trai này tương tợ như là thực hành liên quan đến người đàn ông khác ngoại trừ việc ngụ chung nhà.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ bị phạm tội nặng và là vị đang thực hành hình phạt mānatta. Khi ấy, tỳ khưu ni ấy đã khởi ý điều này: “Ta không thể sống mỗi một mình, và vị tỳ khưu ni khác không thể sống với ta, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định một tỳ khưu ni và cho làm người cộng sự với tỳ khưu ni kia. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước tiên, vị tỳ khưu ni cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni kinh nghiệm, có năng lực: ‘Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy). Đại đức ni nào đồng ý việc chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy) xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên.

Tỳ khưu ni tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy). Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ sau khi xả bỏ sự học tập đã hoàn tục. Cô ấy đã quay trở lại và thỉnh cầu các tỳ khưu ni sự tu lên bậc trên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không có việc xả bỏ sự học tập đối với tỳ khưu ni; chính khi cô ấy hoàn tục thì chính khi ấy cô ấy không còn là tỳ khưu ni nữa.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ vẫn mang y ca-sa đã chuyển sang (tu tập ở) lãnh vực của ngoại đạo. Cô ấy đã quay trở lại và thỉnh cầu các tỳ khưu ni sự tu lên bậc trên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni nào mang y ca-sa chuyển sang (tu tập ở) lãnh vực của ngoại đạo, khi cô ấy quay trở lại thì không nên cho tu lên bậc trên nữa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni trong khi ngần ngại không ưng thuận việc đảnh lễ, việc cạo tóc, việc cắt móng, việc băng bó vết thương bởi những người nam. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép ưng thuận (những việc ấy).”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni ngồi kiết già. Các vị ưa thích sự xúc chạm của gót chân. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên ngồi kiết già; vị ni nào ngồi thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ bị bệnh. Không xếp chân thế kiết già, vị ni ấy không được thoải mái. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thế bán già đối với tỳ khưu ni.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni đại tiện ở nhà vệ sinh. Các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư trục bỏ bào thai ngay tại chỗ ấy. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên thực hiện việc đại tiện ở trong nhà vệ sinh; vị ni nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện việc đại tiện ở chỗ trống trải phần bên dưới và che kín phần bên trên.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tắm với bột phấn thoa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên tắm với bột phấn thoa; vị ni nào tắm thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cám thô, đất sét.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tắm với đất sét có mùi thơm. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên tắm với đất sét có mùi thơm; vị ni nào tắm thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) đất sét loại bình thường.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư trong khi tắm ở nhà tắm hơi đã gây nên sự lộn xộn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên tắm ở nhà tắm hơi; vị ni nào tắm thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tắm ở luồng nước chảy, ưa thích sự xúc chạm của giòng nước. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên tắm ở luồng nước chảy; vị ni nào tắm thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tắm ở chỗ không phải là bãi tắm. Những kẻ bất lương làm nhơ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên tắm ở chỗ không phải là bãi tắm; vị ni nào tắm thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tắm ở bãi tắm dành cho người nam. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên tắm ở bãi tắm dành cho người nam; vị ni nào tắm thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép tắm ở bãi tắm dành cho phụ nữ.”

Tụng phẩm thứ ba.

Chương Tỳ Khưu Ni là thứ mười.

*****

Trong chương này có một trăm lẻ sáu sự việc.

Tóm lược chương này

Bà Gotamī đã thỉnh cầu việc xuất gia, đức Như Lai đã không cho phép. Vị Lãnh Đạo đã rời Kapilavatthu đi đến Vesāli.

Với (thân hình) phủ đầy bụi, ở cổng ra vào, bà đã cho vị Ānanda biết, vị đã yêu cầu bằng cách thức: ‘Có khả năng không?’ Là người mẹ,’ và ‘Là người nuôi dưỡng.’

Một trăm năm, và vào ngày hôm ấy, (nơi) không có tỳ khưu, sự mong mỏi, lễ Pavāraṇā, các tội nghiêm trọng, hai năm, việc không được mắng nhiếc.

Bị ngăn cấm, và tám pháp, việc hành theo cho đến trọn đời, việc thọ nhận tám Trọng Pháp, chính điều ấy là sự tu lên bậc trên đối với bà.

Một ngàn năm chỉ còn năm trăm, với các ví dụ về kẻ trộm, bệnh mốc trắng, bệnh rệp cây, các việc làm tổn hại Chánh Pháp là tương tợ.

Với các ví dụ về người nên củng cố bờ đê, hơn nữa là sự tồn tại của Chánh Pháp, được ban phép tu lên bậc trên, bà (chưa được tu lên bậc trên), việc đảnh lễ tính theo thâm niên.

Các (ngoại đạo) không thực hành, điều gì vậy, (được quy định) chung và không (được quy định) chung, việc giáo giới, và giới bổn pātimokkha, bởi vị nào, ni viện.

Các vị ni không biết, và đã chỉ dạy, và các vị ni không làm, bởi các tỳ khưu, được ghi nhận tội bởi các tỳ khưu, việc ghi nhận tội bởi các tỳ khưu ni.

Vị đã chỉ dẫn, hành sự, bởi các tỳ khưu, họ phàn nàn, hoặc bởi các tỳ khưu ni, được chỉ dạy, và sự xung đột, sau khi bàn giao lại, và vị Uppalavaṇṇā.

Ở thành Sāvatthi, nước bùn, không đảnh lễ, (phô bày) thân, và đùi, và chỗ kín, việc trò chuyện, các vị giao lưu, các vị nhóm Lục Sư.

Không nên đảnh lễ, hình phạt, các vị tỳ khưu ni cũng tương tợ, và việc ngăn cấm, việc giáo giới, được phép không, vị đã ra đi.

Các vị ngu dốt, (không có) sự việc, sự phán xét, việc giáo giới, hội chúng, với năm vị ni, hai vị ni, ba vị ni, không nhận lãnh, các vị ngu dốt, các vị bị bệnh, và các vị xuất hành.

Các vị ở rừng, các vị không thông báo, và các vị không đi đến, (dây thắt lưng) dài, (sợi) tre chẻ mỏng, và da thú, vải dệt tết đuôi sam, và thắt bím, vải coḷa tết đuôi sam, và thắt bím, chỉ tết đuôi sam, và thắt bím.

Khúc xương đùi, với xương hàm con bò, mu bàn tay, bàn chân là tương tợ, phần đùi, khuôn mặt, nướu răng, việc thoa dầu, chà xát, và đánh phấn.

Các vị đắp (ở mặt), và việc tô màu ở cơ thể, việc tô màu ở mặt, hai việc là tương tợ, việc kẻ mí mắt, làm dấu ở trán, (nhìn) qua cửa sổ, (đứng) tựa cửa, và với việc nhảy múa.

Gái điếm, quán bán rượu, tiệm bán thịt, cửa hiệu, lấy lãi, việc thương mãi, trong khi nuôi tôi trai, tớ gái, trai làm mướn, gái làm thuê.

(Nuôi) thú vật, (buôn bán) rau xanh, các vị tự mang mảnh da mài dao cạo, các y màu xanh đậm, màu vàng, màu đỏ (máu), màu tím, màu đen.

Màu đỏ tía, màu hồng, không được cắt, và (đường viền) quá rộng, (có vẽ) bông hoa, trái cây, và áo choàng, và các vị đã mặc vải dệt bằng sợi vỏ cây tirīṭaka.

Về việc từ trần của tỳ khưu ni, của vị ni tu tập sự, của vị sa di ni, về các vật dụng được để lại, các tỳ khưu ni là người chủ.

Của vị tỳ khưu, của vị sa di, của nam cư sĩ, của nữ cư sĩ, và của những người khác, về vật dụng được để lại, các tỳ khưu là người chủ.

Vị ni người xứ Malla, cái bào thai, phần dưới của bình bát, vật biểu tượng (nam tánh), và với vật thực, và được dồi dào, nhiều hơn trước nữa, vật thực được làm để tích trữ.

Đối với các vị tỳ khưu, phần tương tợ bên dưới, nên thực hiện như vậy đối với các tỳ khưu ni, sàng tọa, các vị có kinh nguyệt, bị lấm lem, mảnh vải và kim gài.

Chúng bị đứt, vào mọi lúc, các vị ni được thấy là không có hiện tướng (người nữ), v.v… và còn (khiếm khuyết) hiện tướng, không có kinh nguyệt nữa, tương tợ y như thế là vị bị băng huyết.

Thường xuyên mang vải lót, bị rong kinh, bị dị căn, người nữ vô căn, và bị lại đực, (tiêu tiểu) chung một khiếu, và cả người nữ lưỡng căn.

Khởi đầu từ không có hiện tướng, sau khi đã thực hiện, và cô nào là người nữ lưỡng căn, điều này là từ phần giản lược ở bên dưới, bệnh cùi, bệnh mụt nhọt, bệnh chàm.

Bệnh lao phổi, bệnh động kinh, cô là loài người, cô là người nữ, và cô là người được tự do, không thiếu nợ, không là lính của vua, đã được cho phép và hai mươi (tuổi).

Và đầy đủ (y bát), cô tên gì, ni sư tế độ của cô tên gì, sau khi hỏi về hai mươi bốn pháp chướng ngại, là việc tu lên bậc trên.

Các cô bị bối rối, khi chưa được giảng dạy, và tương tợ y như thế ở giữa hội chúng, việc chọn vị thầy tế độ, y hai lớp, thượng y, và y nội.

Áo lót, và vải choàng tắm, sau khi được chỉ dạy, nên bảo đứng (ở chỗ kia), vị ni ngu dốt, chưa được chỉ định, (đi đến) chung, và nếu đã hỏi các pháp chướng ngại.

Cô ni đã được tu lên bậc trên ở một phía, ở hội chúng tỳ khưu như thế một lần nữa, bóng nắng, mùa tiết, và (phân chia) ngày, việc kết tập, ba sự nương nhờ.

Tám điều không nên làm, (bị quá) giờ, ở mọi nơi, (đúng) tám chỗ, các tỳ khưu ni không hành lễ Pavāraṇā, và tương tợ y như thế nơi hội chúng tỳ khưu.

Sự lộn xộn, trước bữa ăn, và lúc tối trời, sự lộn xộn, (đình chỉ) lễ Uposatha, lễ Pavāraṇā, việc khuyên bảo, việc cáo tội.

Thỉnh ý (để buộc tội), quở trách, nhắc nhở đã bị ngăn cấm bởi vị Đại Ẩn Sĩ, tương tợ y như thế tỳ khưu (đối với) tỳ khưu ni được cho phép bởi vị Đại Ẩn Sĩ.

Xe, bị bệnh, và được kéo, bị dằn xóc bởi xe, chuyện Aḍḍhakāsī, vị tỳ khưu, vị ni tu tập sự, vị sa di, vị sa di ni, và vị ni ngu dốt.

Ở trong rừng, bởi vị nam cư sĩ, kho chứa đồ, căn nhà, không đáp ứng (nhu cầu), công trình mới, có bào thai đã hình thành, mỗi một mình.

Và việc ngụ chung nhà, tội nặng, sau khi xả bỏ (sự học tập), và đã chuyển sang, việc đảnh lễ, (cạo) tóc, và các móng, việc băng bó vết thương.

Với thế kiết già, và vị ni bị bệnh, việc đại tiện, với bột tắm, được tẩm hương, ở nhà tắm hơi, ở luồng nước chảy, ở nơi không phải là bãi tắm, và (tắm) với người nam.

Bà Mahāgotamī đã thỉnh cầu, và cả vị Ānanda khôn khéo, mà có được tứ chúng, việc xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.

Nhằm sự lợi ích của việc sanh khởi sự động tâm và sự phát triển của Chánh Pháp, ví như thuốc men đối với người bị bệnh, lời đã được đức Phật thuyết giảng là như vậy.

Được hướng dẫn như thế về Chánh Pháp, luôn cả các người nữ khác, các cô ấy cũng đạt đến vị thế Bất Tử, là nơi sau khi đi đến thì không sầu khổ.”

–ooOoo–

[4] Tỳ khưu ni không được ngụ ở rừng nên không có điều nương vào chỗ trú ngụ là gốc cây, trong khi tỳ khưu có bốn điều (ND).

[5] Là tám điều pārājika, trong khi tỳ khưu chỉ có bốn điều (ND).

[6] Liên quan đến tám Trọng Pháp và tội pācittiya 57 của tỳ khưu ni (ND).

[7] Liên quan đến tội pācittiya 85 của tỳ khưu ni (ND).

[8] Cho đến khi đứa bé trai ấy đạt được sự hiểu biết nghĩa là cho đến khi đứa bé có thể nhai, ăn, tắm, và trang phục đúng cách cho bản thân (VinA. vi, 1295).

 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

* Thuộc TIỂU PHẨM II - HỢP PHẦN - TẠNG LUẬT - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Tỳ Khưu Indacanda | Nguồn: Tamtangpaliviet.net
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app