QUY Y TAM BẢO – BÀI THUYẾT PHÁP TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Ngày 12/04/2023)
Thuyết giảng: Ngài Tam Tạng thứ 15 Bhaddanta Paññāvaṃsābhivaṃsa
Chuyển ngữ: Sư Thiện Đức – Kusalaguṇa Bhikkhu
Trong thời hiện đại cũng tương tự như vậy, nếu nhìn xung quanh, chúng ta sẽ thấy nhiều người do có sự sợ hãi, nên đi tìm những nơi để nương tựa, để được bảo vệ. Vào thời xưa, khi chưa có nhiều nhà cửa hay những lâu đài như thời đại bây giờ, chỉ có cây cối, núi rừng. Vì vậy, khi gặp sợ hãi người ta thường tìm đến các khu rừng, đồi núi, cây cối để nương tựa. Họ đã xem những cây cối, núi rừng là những vật bảo vệ họ, nên họ đã cung kính, cúng dường.
Khi đó, Đức Phật đã dạy rằng, những sự nương tựa vào cây cối, núi rừng, sông biển hay nương tựa Thần linh là những sự nương tựa không chắc chắn, không bảo đảm, không phải là sự nương tựa chân thực, sự nương tựa tối thắng. Ngài cũng dạy các cư sĩ nam nữ, đệ tử của ông Đạo sĩ Antipasta rằng, chỉ có sự nương tựa ở ba ngôi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) mới thật sự là sự nương tựa cao thượng, sự nương tựa tối thắng, là sự nương tựa thật sự.
Ở chỗ này, Ngài Tam Tạng thứ 15 muốn giải thích từ Pāḷi là Saraṇa và Gamana. Saraṇa nghĩa là sự nương tựa, nơi nương tựa, nơi nương nhờ, còn Gamana nghĩa là sự đi đến. Trong Tiếng Việt chúng ta thường dịch là Quy Y, nghĩa là trở về nương tựa. Nương tựa ai, nương tựa gì? Là nương tựa Phật, nương tựa Pháp, và nương tựa Tăng. Vì sao Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) gọi là nơi nương nhờ, nương tựa? Bởi vì Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) có thể giúp con người thoát khỏi sự sợ hãi, có thể giúp con người và các chúng sinh khác, kể cả Chư Thiên, Phạm Thiên thoát khỏi những cảnh đau khổ. Vì vậy, Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) gọi là nơi nương nhờ tối thượng.
Bây giờ, nếu hỏi mỗi Phật tử, thiện nam, tín nữ: Vì sao chúng ta quy y Tam Bảo? Chúng ta có thể trả lời: Bởi vì, Tam Bảo có thể giúp chúng ta thoát khỏi sự sợ hãi, thoát khỏi những cảnh khổ, thoát khỏi tử sanh luân hồi. Vì vậy, Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) được gọi là nơi nương nhờ tối thượng (Saraṇa).
Những sự nương tựa núi rừng, cây cối, sông biển hay Thần linh chỉ là sự nương tựa tạm thời. Những sự nương tựa đó không thể giúp con người thoát khỏi những cảnh khổ, đọa vào bốn ác đạo, không thể giúp con người thoát khỏi sự sợ hãi ở trong tâm và cũng không thể giúp con người, các chúng sinh khác giải thoát khỏi cảnh khổ luân hồi. Vì vậy, Đức Phật dạy rằng, chỉ có Quy y Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) mới là sự Quy y, sự nương nhờ đích thực.
Bởi vì, khi các Phật tử, thiện nam tín nữ, kể cả Chư Thiên, Phạm Thiên, đến thân cận, nương tựa, nương nhờ nơi Đức Phật, sẽ nghe Đức Phật thuyết Pháp. Ngài thuyết Pháp để hướng dẫn các chúng sinh tránh xa những điều ác, làm những điều lành. Nhờ vậy, họ có thể thoát khỏi cảnh khổ trong bốn ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la), có thể đạt đến sự giải thoát cảnh khổ luân hồi. Vì vậy, Quy y hay nương nhờ Đức Phật là sự nương nhờ tối thượng.
Pháp là những lời dạy của Đức Phật. Khi Quy y Pháp, nghĩa là chúng ta thực hành những lời dạy của Đức Phật, để tránh xa những điều ác, làm những điều lành. Nhờ vậy, mới có thể thoát khỏi bốn cảnh khổ, cũng như thoát khỏi tử sanh luân hồi ở trong Tam giới. Vì vậy, nương tựa Pháp là sự nương nhờ tối thượng.
Tăng là những đệ tử của Đức Phật, đặc biệt là những đệ tử xuất gia của Ngài. Quy y Tăng nghĩa là học hỏi Giáo pháp từ Tăng, hoặc làm những phước thiện đến Chư Tăng. Nếu bố thí cúng dường đến một người không phải là thành viên trong Tăng đoàn thì cũng có phước. Nhưng Đức Phật dạy sự bố thí cúng dường trong Tăng đoàn một vật dù rất nhỏ, cũng mang lại quả phước rất lớn. Vì vậy, khi nương tựa Tăng, Chư Thiên và loài người cũng có thể tạo những phước thiện lớn và có thể học hỏi tu tập dưới sự hướng dẫn của Tăng. Nhờ vậy có thể thoát những cảnh khổ, những cõi khổ trong bốn đường ác đạo. Nên nương tựa hay quy y Tăng là sự nương nhờ tối thượng.
Vừa rồi, Ngài đã giải thích về nơi nương nhờ tối thượng, đó là Phật, Pháp và Tăng. Sau khi nghe, chúng ta có thể hiểu vì sao nương nhờ Phật, Pháp, Tăng là sự nương nhờ tối thượng. Chữ Pāḷi thứ hai đó là Gamana, nghĩa đen là đi đến (Quy y). Gọi là Quy y (đi đến) ở đây nghĩa là sự Kính tín, sự chấp nhận với một niềm tin có trí tuệ nên gọi là Gamana. Sự Kính tín, niềm tin có trí tuệ ở trong tâm cũng gọi là Gamana.
Có bốn sự Quy y (sự nương nhờ) Tam Bảo:
Thứ nhất, đó là sự Quy y (nương nhờ) bằng cách phát tâm cúng dường thân ngũ uẩn đến Tam Bảo. Cho nên, một người có lòng kính tín với Tam Bảo phát nguyện cúng dường thân ngũ uẩn đến Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Sự cúng dường đó gọi là sự Quy y thứ nhất trong bốn loại Quy y.
Thứ hai, đó là sự chấp nhận với lòng kính tín Tam Bảo rằng, Đức Phật là nơi nương nhờ của ta, Giáo Pháp là nơi nương nhờ của ta, Tăng đoàn là nơi nương nhờ của ta. Sự chấp nhận có lòng kính tín đối với Tam Bảo như vậy là sự Quy y thứ hai trong bốn loại Quy y.
Thứ ba, đó là sự gần gũi với Đức Phật, gần gũi với Giáo Pháp và gần gũi với Chư Tăng, học hỏi những điều tốt đẹp và chấp nhận mình là những người đệ tử theo Đức Phật, Pháp và Tăng. Đó là sự Quy y thứ ba trong bốn loại Quy y.
Thứ tư, đó là sự chấp nhận mình chỉ là người đệ tử của Tam Bảo, kể từ nay về sau chỉ có Tam Bảo, đó là sự Quy y thứ tư trong bốn loại Quy y.
Cho nên, kể từ nay về sau, khi nói một Phật tử đã quy y Tam Bảo thì Phật tử đó chỉ quy y một trong bốn loại Quy y kể trên.
Sự Quy y Tam Bảo có hai loại là Quy y thế gian và Quy y xuất thế gian.
Đối với những Phật tử quy y Tam Bảo, Đức Phật, Pháp, Đức Tăng là những vị không còn phiền não, thì sự Quy y như vậy gọi là Quy y xuất thế gian. Còn Phật tử chúng ta hiện nay quy y Tam Bảo với những vị Tăng (có khi là Phàm nhân, có khi là Thánh nhân). Sự Quy y với những vị Tăng Phàm nhân là Quy y thế gian.
Cũng có nghĩa khác, đó là những bậc Thánh đã đoạn trừ phiền não thì trong tâm của những vị đó sự Quy y Tam Bảo là sự Quy y Tam Bảo xuất thế gian. Cho nên sự Quy y Tam Bảo của các bậc Thánh đã đoạn trừ phiền não, sự Quy y đó luôn luôn vững chắc, không bị hư hoại. Còn sự Quy y Tam Bảo với những người phàm hay bản thân những người phàm quy y Tam Bảo, chưa đoạn trừ phiền não thì sự Quy y đó không vững chắc và có thể bị hư hoại.
Sự hư hoại của Quy y Tam Bảo ở trong Phàm nhân cũng có hai loại:
Loại thứ nhất, Khi Phật tử đã quy y Tam Bảo qua đời, đó là sự hư hoại cuả sự Quy y Tam Bảo thứ nhất. Sự hư hoại của Quy y Tam Bảo ở trong những người qua đời là sự hư hoại tự nhiên và không có lỗi lầm.
Loại thứ hai, Sự hư hoại của Quy y Tam Bảo xảy đến với những người, những Phật tử đã quy y Tam Bảo nhưng sau đó nương nhờ, nương tựa một đối tượng khác, ngoài Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Đó là sự hư hoại Quy y Tam Bảo thứ hai và có lỗi lầm.
Ngài Tam Tạng thứ 15 sẽ tiếp tục giải thích cho chúng ta thế nào là hư hoại và không hư hoại Quy y Tam Bảo. Nếu hàng ngày, hay có lần chúng ta cung kính, đảnh lễ những người không phải là Tam Bảo, như những vị ngoại đạo sư, hay các đạo sĩ ở ngoài Phật giáo, không ở trong Tăng đoàn đệ tử của Đức Phật, hay cúng dường, đảnh lễ đến Chư Thiên. Những sự cung kính đảnh lễ này không phải khi nào cũng bị hư hoại Quy y Tam Bảo.
Ví dụ:
– Có người thân tu hành làm đạo sĩ, trên phương diện vai vế trong gia đình, vị đạo sĩ đó là người lớn, đúng theo trách nhiệm, chúng ta phải đón rước, cung kính đảnh lễ. Trong trường hợp này sự Quy y Tam Bảo không bị hư hoại.
– Vào thời đại các vị Vua cai trị đất nước, tùy theo phong tục tập quán, các thần dân đến gặp Đức Vua phải cung kính đảnh lễ Nhà Vua. Nếu không cung kính, đảnh lễ nhà Vua, sẽ bị xử phạt, bị xem là tội phạm. Thì sự cung kính đảnh lễ như vậy cũng không làm cho sự Quy y Tam Bảo bị hư hoại.
– Cung kính đảnh lễ những người đã từng là cô giáo, thầy giáo của mình, thì sự cung kính đảnh lễ đó cũng không làm cho sự Quy y Tam Bảo hư hoại.
– Ở đất nước Myanmar cũng như Việt Nam, chúng ta thấy có những người cung kính đảnh lễ Chư Thiên, Phạm Thiên hay Vua trời Đế Thích, cung kính đảnh lễ các tượng của Chư Thiên, Phạm Thiên, của Vua trời với cầu nguyện cho sự làm ăn, kinh tế ổn định phát triển. Chỉ với nguyện vọng như vậy người đó cung kính đảnh lễ các tượng Chư Thiên, Phạm Thiên hay Vua trời Đế Thích, thì việc cung kính đảnh lễ đó cũng không làm cho sự Quy y Tam Bảo bị hư hoại.
– Ngài Tam Tạng thứ 15 thấy ở Việt Nam, có những gia đình vừa thờ Phật, vừa thờ Tổ tiên (gọi là bàn thờ Gia tiên). Ngài cũng thấy những hình ảnh của những người ở trong gia đình đã mất, những người trong gia đình là những Phật tử cung kính, cúng dường Gia tiên của mình, thờ cúng những người đã mất (ông, bà, cha mẹ) vì phong tục, do bổn phận. Sự cung kính, cúng dường Gia tiên cũng không làm cho sự Quy y Tam Bảo hư hoại.
Nói tóm lại, nếu chúng ta làm những điều kể trên (cung kính, cúng dường những người như Chư Thiên, những người lớn, ông bà tổ tiên) với tâm luôn tôn kính Tam Bảo, với sự hiểu biết, chấp nhận, luôn tâm niệm rằng Tam Bảo là ba ngôi cao quý, ba ngôi tối thượng, có thể giúp mình giải thoát khỏi khổ đau trong hiện tại, tương lai và cuối cùng có thể giải thoát những cảnh khổ trầm luân trong Tam Giới, thì sự Quy y Tam Bảo sẽ không bị hư hoại. Chúng ta cần ghi nhớ như vậy.
Còn nếu một người Phật tử không xem Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) là ba ngôi cao quý hơn cả, mà cung kính, đảnh lễ và xem những người thầy không phải là Tam Bảo; xem Chư Thiên, Phạm Thiên hay Vua trời Đế Thích là những đối tượng quý hơn Tam Bảo, thì sự Quy y Tam Bảo của một Phật tử sẽ bị hư hoại. Vì vậy, mỗi Phật tử chúng ta trong đời sống hàng ngày cần phải có sự thận trọng khi cung kính, đảnh lễ, cúng dường những đối tượng khác ngoài Tam Bảo. Nếu cung kính, cúng dường và xem những đối tượng ngoài Tam Bảo cao hơn Tam Bảo, thì sự Quy y Tam Bảo ở trong Phật tử sẽ bị hư hoại.
Ngài tin rằng Phật tử chúng ta đã phân biệt, hiểu được thế nào là Quy y Tam Bảo tạm thời và thế nào là Quy y Tam Bảo đích thực, hiểu biết thế nào là sự hư hoại Quy y Tam Bảo, thế nào là không hư hoại Quy y Tam Bảo. Cho nên trong đời sống hằng ngày, nếu như chúng ta có sự hiểu biết và thận trọng thì có thể không bị hư hoại Tam Bảo, khi đó sự Quy y Tam Bảo ở trong tâm của mỗi Phật tử mới bền vững lâu dài, mỗi ngày được thấm nhuần, tín tâm được tăng trưởng.
Ngài Tam Tạng thứ 15 khuyên tất cả Phật tử luôn có sự thận trọng và hiểu biết phân biệt đúng đắn sự Quy y Tam Bảo. Ngài chúc chúng ta luôn bền vững trong sự Quy y Tam Bảo./.