TÔNG PHÁI VÀ KẾT TẬP TAM TẠNG

Đề tài buổi giảng pháp hôm nay không phải đề tài về Giáo Pháp. Đề tài hôm nay nói về những cuốn sách qua đó chúng ta hiểu biết Giáo Pháp về phần lý thuyết. Chúng ta hãy tìm hiểu về sự phân loại và hệ thống những lời dạy của Đức Phật, và các thời kỳ kết tập kinh điển.

Đức Phật dạy đạo trong bốn mươi lăm năm và những lời dạy của Ngài đã được Đại Đức Ānanda và các đệ tử khác của Đức Phật học thuộc lòng và truyền thừa từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đức Phật tịch diệt năm 544 trước công nguyên. Ba tháng sau khi Đức Phật tịch diệt, kỳ Kết Tập Tam Tạng lần thứ nhất được diễn ra tại thành phố Rajagaha. Ngài Māha Kassapa đã chủ tọa cuộc kết tập Tam Tạng này. Trong thời kỳ kết tập, tất cả những lời dạy của Đức Phật đều được thu góp lại và tụng đọc lại. Đại đức Ānanda, thị giả thân cận của Đức Phật trong suốt hai mươi lăm năm, đã trình bày và tụng đọc lại những lời dạy của Đức Phật. Điều này có nghĩa là Đại Đức Ānanda đã đọc tụng lại phần Kinh (tức những lời giảng dạy của Đức Phật ) và Vi Diệu Pháp cho toàn thể đại hội, và Đại Đức Upāli – Người được Đức Phật ban danh hiệu là Đệ Nhất Giới Luật đã đọc tụng lại phần Luật. Tất cả những điều mà Đại Đức Ānanda và Đại Đức Upali đọc tụng lại đều được đại hội thẩm định và xác nhận đây chính là những lời dạy của Đức Phật. Trong đại hội, nhiều câu hỏi đã được nêu lên để thẩm định xem những lời dạy của Đức Phật có chính xác không? Chỉ khi nào tất cả chư tăng trong đại hội xác nhận đây chính là những lời dạy đích thực của Đức Phật thì những lời dạy đó mới được đại hội chấp thuận. Sau khi đã được đại hội chấp thuận, những lời dạy đã được chấp thuận đó được toàn thể đại hội cùng tụng đọc lên. Điều này có nghĩa là sau khi đại hội đã đồng ý về một bài giảng nào của Đức Phật thì tất cả đại hội đều cùng tụng đọc để xác nhận đó là những lời dạy đích thực của Đức Phật. Đó là lý do tại sao sự kết tập lại những lời dạy của Đức Phật được gọi là “Sangāyana”. “Sangāyana” có nghĩa là cùng nhau tụng đọc.

Phân chia theo Tạng:

Tất cả những lời dạy của Đức Phật được tụng đọc trong thời kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ nhất được chia làm ba tạng. Ba tạng này được gọi là Piṭaka. Piṭaka có nghĩa những gì đã học hỏi được hay lời dạy của Đức Phật. Piṭaka còn có nghĩa là một sự chấp nhận hay “cái rỗ đựng”. Ngày nay người ta thường dùng chữ Tam Tạng hay ba cái rỗ đựng. Tôi nghĩ nên dùng chữ “ba cái rỗ” để dễ hiểu hơn. Thật ra, Kinh điển của Đức Phật được chia làm ba phần hay ba Tạng. Đó là:

  • Luật Tạng
  • Kinh Tạng
  • Vi Diệu Tạng
  1. Luật Tạng bao gồm những luật lệ và những qui điều cho Tăng, Ni, và các người tập tu (sa di, sa di ni)
  2. Kinh Tạng gồm có những bài giảng của Đức Phật giảng cho các vị Tăng lẫn người không phải là Tăng. Tôi gọi những người không phải là Tăng bởi vì tôi muốn nói những người không phải là Tăng này bao gồm cả những vị trời, những vị phạm thiên.
  3. Vi Diệu Tạng là tạng trình bày phân tích, diễn giải về nhiều loại sự việc đã được giảng giải trong tạng Trong Vi Diệu Pháp bạn không thể tìm thấy những đề tài mới. Những tài này đã được dạy trong tạng kinh rồi, nhưng trong Vi Diệu Pháp những đề tài này được nghiên cứu, phân tích một cách đặc biệt, chặt chẽ với nhiều chi tiết hơn.

Trong ba tạng thì tạng thứ hai – Tạng Kinh – là tạng được nhiều người biết đến nhất; bởi vì tạng kinh đã được cả hai giới xuất gia và không xuất gia dùng để tu tập, Tạng Kinh lại được giảng giải bằng ngôn ngữ chế định nên dễ hiểu, dễ học.

Phân Chia Theo Bộ:

Cách phân chia thứ hai là phân chia theo bộ (Nikāya). Nếu phân theo bộ thì những lời dạy của Đức Phật được chia làm năm bộ.

  1. Trường Bộ Kinh: Tập hợp những bài kinh dài (Dīgha Nikāya)
  2. Trung Bộ Kinh: Tập hợp những bài kinh trung bình (Majjhima Nikāya)
  3. Tương Ưng Bộ Kinh: Tập hợp những bài kinh Đức Phật thuyết cho vài hạng thính chúng riêng biệt (Saṁyutta Nikāya)
  4. Tăng Chi Bộ Kinh: Tập hợp những bài kinh xếp đặt theo từng chi pháp (Aṅguttara Nikāya) từ ít đến nhiều.
  5. Tiểu Bộ Kinh: Tập hợp những bài kinh nhỏ hay những bài kinh không nằm trong các bộ trên (Khuddaka Nikāya).

Tôi muốn các bạn hiểu hai loại phân chia này một cách thật rõ ràng và đúng đắn.

Những lời dạy của Đức Phật được phân chia ra làm Ba Tạng (Piṭaka) hay Năm

Bộ (Nikāya). Như vậy, Nikāya hay “Bộ” không phải là những “Phân Tạng” hay “Tiểu Tạng” nằm trong Tạng Kinh. Điều này rất quan trọng; bởi vì nhiều người hiểu lầm rằng: Các Bộ hay Nikāya chỉ là những “Phân Tạng” hay “Tiểu Tạng” nằm trong Tạng Kinh.

Tạng Luật (Vināya Piṭaka) nằm trong Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya) Tạng Kinh (Suttanta Piṭaka) nằm trong Năm Bộ.

Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka) cũng nằm trong năm bộ, đó là nằm trong Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya)

Đó là theo quan điểm xếp loại những lời dạy của Đức Phật theo Tạng.

Theo quan điểm những người xếp loại những lời dạy của Đức Phật theo Bộ thì: Tất cả Tạng Kinh đều nằm trong các Bộ: Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ.

Tạng Luật, Tạng Vi diệu Pháp và một phần Tạng Kinh thì nằm trong Tiểu Bộ Kinh.

Như vậy, một cuốn sách có thể được phân loại hai tên khác nhau tùy theo nằm trong hệ thống phân chia theo Tạng hoặc theo Bộ.

Có năm cuốn sách – cuốn đầu tiên có thể gọi là tạng Luật. Nhưng theo sự phân chia theo Tạng – cuốn sách đầu tiên nằm trong tạng Luật. Nếu phải chia theo Bộ thì cuốn sách đầu tiên nằm trong Tiểu Bộ – Cũng như vậy mỗi cuốn sách đếu có thể nằm trong bộ hay trong Tạng tùy theo lối phân chia.

Những điều tôi nói trên đây là căn cứ vào bộ Chú Giải cổ do Ngài Buddhaghosa viết. Đặc biệt là Chú Giải về Luật. Trong phần dẫn nhập của cuốn Luật thì ba thời kỳ kết tập Tam Tạng đầu tiên được phân chia ra từng pháp môn một, hai, ba, bốn, năm, sáu. bảy, tám, chín… và tám mươi bốn ngàn pháp môn. Trong bộ Chú Giải về Luật ở Sri Lanka cũng quan niệm như vậy.

Chúng ta biết nhiều ba kỳ kết tập Tam Tạng đầu tiên và chúng ta cũng được biết lý do tại sao những lời dạy của Đức Phật được truyền tới đảo Sri Lanka. Chúng ta cũng biết lý do tại sao nhà vua và dân chúng đảo này trở thành tín đồ Phật Giáo. Như vậy, có nhiều chi tiết chúng ta học được từ Chú Giải tạng Luật.

Khi diễn giải về Tiểu Bộ (Khuddaka Nikāya) Ngài Buddhaghosa viết: Tiểu Bộ Kinh là gì? Là những lời dạy còn lại của Đức Phật bao gồm trong toàn thể tạng Luật, tạng Vi Diệu Pháp và mười lăm cuốn khởi đầu bằng cuốn Khud-dakapatha, đã được đánh số trước đây, không nằm trong bốn Bộ (Nikāya) kia. Như vậy, ngoài bốn bộ kia Tiểu Bộ Kinh bao gồm tất cả phần Luật, Vi Diệu Pháp và mười lăm cuốn sách khởi đầu là cuốn Cuddhapatha. Ngài Buddhaghosa viết thành bài thơ nói rằng:

“Những lời dạy của Đức Phật ngoài bốn bộ kia đều nằm trong Tiểu Bộ Kinh”

Như vậy, sự phân chia theo Tạng là một loại phân chia theo cách khác những lời dạy của Đức Phật, chứ không phải Tạng là phần phụ hay “Phân Bộ” nằm trong Bộ

Có một điều lạ lùng trong sự phân chia theo Bộ (Nikāya) đó là Bộ cuối cùng, Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya). Chữ Khuddaka tức là “Tiểu” hay “Nhỏ”, nhưng Tiểu Bộ Kinh bao gồm tất cả Tạng Luật gồm cả năm cuốn Luật và tất cả Tạng Vi Diệu Pháp gồm 12 cuốn – Mà hai Tạng này chẳng nhỏ chút nào. Tạng Luật gồm có năm cuốn, mỗi cuốn khoảng 500 trang. Điều lạ lùng này cũng chẳng được Chú Giải giải thích: Tại sao Tạng Luật và Tạng Vi Diệu Pháp nằm trong Khuddaka Nikāya (Tiểu Bộ Kinh)?

Nhưng trong một Phụ Chú Giải mới của Trường Bộ Kinh được viết bởi một vị sư người Miến nói rằng: Khi các nhà Chú Giải Trường Bộ Kinh và các nhà Chú Giải khác dùng chữ những bài kinh dài, những bài kinh trung bình v.v… nhưng khi họ nói về Tiểu Bộ Kinh họ không dùng chữ là bài kinh ngắn. Như vậy, nhà Chú Giải này dùng chữ Khuddaka Nikāya không có nghĩa là những bài kinh ngắn. Đó chỉ là tên của những bài giảng mà không được nằm trong bốn bộ kia. Đó là lý do tại sao trong Khuddaka Nikāya bao gồm cả Tạng Luật và Tạng Vi Diệu Pháp.

Những lời dạy của Đức Phật cũng có thể phân loại theo cách khác.

Các nhà Chú Giải, giải thích rằng: Những lời dạy đầu tiên của Đức Phật chỉ là “một” –  “Một” ở đây có nghĩa là chỉ có một hương vị, đó là hương vị giải thoát.  Cũng giống như nước trong biển cả, dầu bạn nếm giọt nào thì cũng có vị mặn giống nhau. Như vậy, biển cả chỉ có một vị là vị mặn.   Cũng vậy, đọc bất kỳ nơi đâu trong kinh điển, bạn cũng đều đạt được một hương vị là hương vị giải thoát – giải thoát phiền não.  Như vậy, theo những lời dạy của Đức Phật, thì chỉ có một, đó là hương vị của giáo pháp, hương vị giải thoát, không phân chia theo Bộ hay Tạng gì cả.   Tóm lại, những lời dạy Đức Phật chỉ có một hương vị là hương vị giải thoát.

Nhưng nếu chia Phật pháp hay những lời dạy của Đức Phật thì có thể chia làm hai phần chính; đó là Dhamma (pháp) và Vinaya (luật). Đôi lúc tất cả những lời dạy của Đức Phật được gọi là Pháp và Luật. Trong trường hợp này, Pháp có nghĩa là tạng Kinh và Tạng Vi Diệu Pháp, và Luật có nghĩa là Tạng Luật.

Giáo Pháp của Đức Phật cũng có thể phân chia làm ba tùy theo thời kỳ Đức Phật thuyết giảng; có nghĩa là thời kỳ đầu, thời kỳ giữa, và thời kỳ cuối.

Thời kỳ đầu là những lời hoan hỷ của Đức Phật thốt lên ngay sau khi Ngài Giác Ngộ Đạo Quả cao thượng. Như vậy, thời kỳ đầu là những lời nói của Đức Phật phát ra lần đầu tiên sau khi Ngài đắc quả Phật.

Thời cuối cùng là những lời khuyên nhủ chúng đệ tử vào lúc Ngài trên giường bệnh, vào tuổi tám mươi. Đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ Khưu, Như Lai nhắn nhủ các con, các pháp hữu vi đều tan biến, (biến đổi, Vô Thường) hãy tinh tấn chánh niệm, hoàn thành trọn vẹn việc thực hành giáo pháp của mình “. Đó là những lời dạy cuối cùng Đức Phật đã thốt ra trước khi Ngài Niết Bàn.

Thời giữa là những lời dạy của Đức Phật giữa hai thời trên. Có nghĩa là những lời dạy sau khi Đức Phật Giác Ngộ và trước khi Đức Phật Niết Bàn. Đó là những lời dạy trong suốt bốn mươi lăm năm hoằng dương giáo pháp của Đức Phật.

Như vậy, tùy theo thời kỳ giảng dạy của Đức Phật mà chia những lời dạy của Đức Phật làm ba thời kỳ: thời kỳ đầu, thời kỳ giữa, và thời kỳ cuối.

Những lời dạy của Đức Phật hay Giáo Pháp của Đức Phật cũng được chia làm Ba Tạng hay Năm Bộ.

Giáo pháp của Đức Phật cũng được chia làm 8,400 “đơn vị giáo pháp” (pháp môn).   Chữ “đơn vị giáo pháp” hay “pháp môn” cũng rất khó giảng giải về ý nghĩa. Chẳng hạn như toàn thể Kinh Đại Niệm Xứ chỉ tính là một pháp môn bởi vì Đức Phật chỉ thuyết trong một thời pháp, nhưng kinh Đại Niết Bàn – nói đến Những Ngày và Những Lời Dạy Trước Khi Đức Phật Niết Bàn, gồm rất nhiều pháp môn bởi vì bản kinh này giống như những đoạn tường thuật vào nhiều dịp giảng giải khác nhau của Đức Phật, tập hợp lại trong ba tháng trước khi Đức Phật Niết Bàn nên tính ra nhiều pháp môn. Mặc dầu Kinh Đại Niết Bàn không dài lắm nhưng chứa rầt nhiều pháp môn, trong khi đó Kinh Đại Niệm Xứ cũng là một kinh dài nhưng chỉ có một pháp môn. Như vậy, vấn đề phân định pháp môn trong những lời dạy của Đức Phật thật là bất định. Thật là khó khăn để có thể tính bao nhiêu pháp môn trong Tạng Luật bao nhiêu pháp môn trong Tạng Kinh.

Tôi hy vọng các bạn đã nghe câu chuyện về vua Asoka xây dựng các bảo tháp thờ xá lợi. Sau khi vua Asoka trở thành một Phật Tử, nhà vua rất quan tâm và nhiệt thành đến sự truyền bá và bảo tồn Giáo Pháp của Đức Phật. Một hôm, vua hỏi các vị Trưởng Lão A La Hán là “Những lời dạy của Đức Phật có thể chia ra làm bao nhiêu “đơn vị giáo pháp” hay “Pháp môn”. Các Ngài trả lời là có tám mươi bốn ngàn pháp môn. Vua Asoka bèn thưa với các Ngài: “Đệ tử sẽ cúng dường mỗi pháp môn một ngôi chùa”. Theo Chú Giải của Tạng Luật, thì vua Asoka đã xây dựng tám mươi bốn ngàn ngôi chùa ở Ấn Độ. Ở Miến Điện thì chư tăng nói rằng: Không những tám mươi bốn ngàn ngôi chùa mà luôn cả tám mươi bốn ngàn bảo tháp, tám mươi bốn ngàn hồ chứa nước, tám mươi bốn ngàn giếng v.v… được kiến tạo.

Bây giờ chúng ta trở về với Tam Tạng.

Một số ý nghĩa các Tạng

*Tạng Luật cũng được gọi là Ānādesanā có nghĩa là “những lời dạy có thẩm quyền”. Sở dĩ được gọi như thế bởi vì trong tạng Luật, Đức Phật đã ban hành các luật lệ để áp dụng cho Chư Tăng. Bởi vì Đức Phật có thẩm quyền để ban hành luật lệ nên Tạng Luật được gọi là Ānādesanā “những lời dạy có thẩm quyền”

**Tạng Kinh cũng được gọi là Vohāra Desanā. Vohara có nghĩa là ngôn ngữ chế định.   Như vậy tạng, Kinh là “những lời dạy theo ngôn ngữ chế đnh” hay tục đế. Trong tạng Kinh Đức Phật dùng những từ chế định như chúng sinh, người, đàn ông, đàn bà v.v…nên được gọi là Vohāra Desanā “những lời dạy theo ngôn ngữ chế định”.

***Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) cũng được gọi là Paramattha Desanā. Paramattha Desanā có nghĩa là “những lời dạy về chân lý tuyệt đối hay chân đế”. Trong Tạng Vi Diệu Pháp không dùng ngôn ngữ chế định (tục đế). Trong Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) những từ, những thuật ngữ được dùng theo “sự thật tuyệt đối” (chân đế) như: Ngũ Uẩn, Mười Hai Xứ, Mười Tám Giới, Tứ Diệu Đế, Tứ Như Ý Túc, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo…

Tạng Luật giống như một cuốn sách viết về Luật.

**Tạng Kinh giống như một cuốn sách về các đề tài tổng quát.

*** Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) cũng giống như một cuốn sách đi sâu về chuyên môn hơn. Đó là lý do tại sao Tạng Kinh được phổ biến đến nhiều người hơn.

*Tạng Luật còn được gọi là Yatha Aparādha Sāsana có nghĩa là “những lời dạy y theo s vi phạm.  Nếu Vị Tỳ Khưu làm như thế này thì sẽ vi phạm điều này, làm như thế kia thì sẽ vi phạm điều kia.  Và “khi vị Tỳ Khưu đã vi phạm điều nào thì vị Tỳ Khưu phải từ bỏ làm điều đó bằng cách làm những điều khác như sau… ” Bởi vậy Tạng Luật được gọi “những lời dạy tùy theo sự vi phạm”.

**Tạng Kinh cũng được gọi là Yatha Anuloma Sasanā- những lời dạy tùy duyên v.v… Điều này có nghĩa là: khi Đức Phật giảng dạy về một điều gì thì Đức Phật dạy tùy theo Duyên hay điều kiện”, chẳng hạn như: điều này người nghe thích hay không thích, điều này thích hợp với người này hay thích hợp với người kia, người này nên thuyết pháp gì người kia nên thuyết pháp gì. Đó là lý do tại sao những lời dạy của Đức Phật uyển chuyển khác biệt nhau. Đôi khi Đức Phật chỉ nói đến Vật Chất và Tâm; đôi khi Đức Phật nói đến Ngũ Uẩn, đôi khi Đức Phật nói đến Mười Hai Xứ ….

Cùng là một vấn đề, cùng là một sự kiện nhưng nhiều khi Đức Phật dùng nhiều danh từ khác nhau, đó là bởi vì nhiều người quen thuộc với một số danh từ này, một số vấn đề này, một số người khác quen thuộc một số ngôn từ khác, một số vấn đề khác… Chẳng hạn như đối với người này thì Đức Phật dùng những danh từ, ngôn ngữ này cho họ dễ hiểu. Đối với người khác thì Đức Phật dùng những danh từ, ngôn ngữ khác cho họ dễ hiểu. Như vậy, trong tạng Kinh những lời dạy của Đức Phật tùy theo từng người, từng hoàn cảnh, tùy theo sự thích hay sự không thích, tùy theo kiến thức, sự chuyên môn hay trình độ của từng người mà Đức Phật có những lời dạy khác nhau trong cùng một đề tài như nhau.

***Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) cũng được gọi là Yatha Dhamma Sasanā. Dhamma ở đây có nghĩa là “sự thật hay là chân lý tuyệt đối. Như vậy Abhidhamma được dạy theo chân lý tuyệt đối hay chân đế. Khi dạy về Abhidhamma Đức Phật không chú ý đến người nghe là ai? Thích hay không thích, thích hợp hay không thích hợp v.v… Như vậy, “Tạng Abhidhamma được trình bày theo chân lý tuyệt đối hay chân đế”.

Tóm lại, Tạng Luật được giảng tùy theo sự vi phạm. Tạng Kinh được giảng tùy theo người. Và Tạng vi Diệu Pháp tùy theo sự thật tuyệt đối.

*Tạng Luật còn được gọi là Samvara Samvara Katha. Có nghĩa là “những lời dạy về những sự cấm chế khác nhau”. Có những sự cấm chế nhỏ, có những sự cấm chế lớn hơn. Như vậy, tạng Luật chỉ là những sự cấm chế, cấm chỉ, thu thúc… Nếu bạn đọc về Tạng Luật, bạn sẽ hiểu điều này. Trong tạng Luật ghi: không được làm điều này, không được làm điều kia v.v… Sự cấm chỉ được dạy trong Tạng Luật. Do đó, Tạng Luật cũng được gọi là Samvara Samvara Katha,“những lời dạy về những sự cấm chế khác nhau”

Sự chế chỉ có nghĩa là chế chỉ những tác động về thân và khẩu.  Chế chỉ cũng có nghĩa là ngăn ngừa sự phạm giới luật, ngăn ngừa sự vượt qua giới luật. Tạng Luật nói đến những giới luật của Chư Tăng, Giới Luật bao gồm sự cấm chế. Chế chỉ hay cấm chế là sự ngược lại của sự vi phạm hay là đứt giới luật.

**Tạng Kinh cũng được gọi là Ditthi Vinihana-katha, có nghĩa là những lời dạy về sự từ chối hay loại trừ Tà Kiến. Trong cuốn sách đầu tiên của Trường Bộ Kinh, Đức Phật nói đến 62 loại Tà Kiến. Bởi vì chúng là Tà Kiến, nên tất cả chúng đều có đặc tính từ chối hay loại trừ những sự hiểu biết sai lầm. Như vậy, Tạng Kinh được gọi là “sự từ chối hay loại trừ Tà Kiến”.

***Tạng Vi Diệu Pháp (Abbhidhamma) cũng được gọi là Namarūpa– Paricchedakatha, “những lời dạy về sự phân biệt Vật Chất và Tâm “. Phân biệt Vật Chất và Tâm là điều quan trọng trong việc hành Thiền Minh Sát. Phân biệt Vật Chất và Tâm giúp cho thiền sinh loại trừ phiền não. Như vậy, Tạng Vi Diệu Pháp được gọi là “những lời dạy về sự phân biệt Vật Chất và Tâm”. Khi bạn hiểu về Vi Diệu Pháp, bạn biết cái gì là Vật Chất cái gì là tâm; bạn biết rằng: chỉ có Vật Chất và Tâm, ngoài Vật Chất và Tâm chẳng có một cái gì khác gọi là tôi, ta, chúng sinh, người, tự ngã, linh hồn v.v…

*Trong Tạng Luật, dạy về “Tăng Thượng Giới”. Giới luật mà các vị Tỳ Khưu phải giữ được gọi là Tăng Thượng Giới, hay những giới cao… giới của Chư Tăng cao hơn giới của cư sĩ. Cư sĩ giữ năm giới, tám giới và cao nhất là mười giới, nhưng Chư Tăng giữ hai trăm hai mươi bảy giới căn bản và các giới phụ khác. Như vậy, những giới luật mà Chư Tăng phải giữ được gọi là những sự huấn luyên hay “tu tập Tăng Thượng Giới”.

Tóm lại, Tạng Luật được dạy về Tăng Thượng Giới.

**Trong Tạng Kinh, sự tu tập Tăng Thượng Tâm hay Tăng Thượng Định được dạy. Tăng thượng Tâm hay Tăng thượng Định ở đây có nghĩa là tám tầng Thiền Định.

***Trong Tạng Vi Diệu Pháp sự tu tập Tăng Thượng Huệ được dạy. Tăng Thượng Huệ ở đây có nghĩa là các Tuệ Minh Sát, Đạo và Quả.

Khi chúng ta nói trong Tạng Kinh Tăng Thượng Giới được dạy thì chúng ta phải hiểu rằng: Tăng Thượng Giới được dạy một cách ưu tiên hay là vượt trội. Điều này có nghĩa là những sự tu tập khác cũng được dạy nhưng Đức Phật nhấn mạnh đến sự tu tập Tăng Thượng Giới.

Trong Tạng Kinh sự tu tập Tăng Thượng Tâm hay Tăng Thượng Định được dạy ưu tiên, vượt trội còn Tạng Vi Diệu Pháp là sự tu tập về Tăng Thượng Huệ dạy vượt trội.

*Trong Tạng Luật sự tránh vi phạm được dạy.           giới luật luôn luôn ngăn ngừa chư tăng vi phạm.

**Trong Tạng Kinh ngăn  ngừa,  tránh hay  loại trừ  bị  phiền não tâm chi  phối được dạy.

***Trong Tạng Vi Diệu Pháp ngăn ngừa, tránh hay loại trừ phiền não ngũ ngầm được dạy.

  • Đức Phật dạy như thế bởi vì Giới có thể ngăn ngừa sự vi phạm.

**Định có thể ngăn ngừa sự khởi sinh tư tưởng phiền não, và

***Huệ có thể loại trừ những phiền não tiềm ẩn hay ngủ ngầm.

*Trong Tạng Luật, sát na loại trừ phiền não được dạy. 

**Trong Tạng Kinh, tạm thời loại trừ phiền não trong Tâm được dạy.

***Trong tạng Vi Diệu Pháp loại trừ phiền não hoàn toàn được dạy.

Loại trừ phiền não hoàn toàn giống như cắt đứt hay nhỗ tận rễ hay một cái cây, nên toàn thể các phiền não đều được loại trừ.

Khi thực hành giới, chúng ta có thể ngăn ngừa các phiền não trong tâm ngay khi chúng ta giữ giới. Nghĩa là chúng ta chỉ có thể ngăn ngừa phiền não trong tâm khi chúng ta đang thực hành Giới. Ở sát na này phiền não không xuất hiện, nhưng ở sát na kế tiếp phiền não có thể đến.

Nhưng khi chúng ta thực hành Định; chúng ta đạt được các tầng Định thì chúng ta có thể ngăn ngừa phiền não trong tâm khởi sinh trong thời gian tạm thời dài hơn.

Khi chúng ta Giác Ngộ, chúng ta có thể loại trừ hoàn toàn các phiền não trong Tâm.

Đó là lý do tại sao trong tạng Luật, sát na loại trừ được dạy, trong tạng kinh tạm thời loại trừ được dạy và Trong Tạng Vi Diệu Pháp hoàn toàn loại trừ được dạy.

*Trong Tạng Luật, sự loại trừ phiền não về những hành vi sai lầm được dạy. Có nghĩa là khi bạn giữ giới bạn có thể tránh được những hành vi sai lầm. Bạn không làm bất kỳ hành vi sai lầm nào.  Như vậy, trong tạng Luật, sự tránh xa các hành vi sai lầm được dạy.

**Trong Tạng Kinh sự tránh xa hay loại trừ ái dục được dạy

***Trong tạng Vi Diệu Pháp, sự tránh xa hay loại trừ các phiền não và Tà Kiến được dạy.

Khi học Abhidhamma thì bạn sẽ hiểu một cách rõ ràng rằng: chỉ có Vật Chất và Tâm hay chỉ có Ngũ Uẩn… Ngoài Vật Chất và Tâm chẳng có cái gì gọi là một thực thể trường tồn, hay linh hồn, tự ngã v.v…gì cả.

Bởi vì đây là một loạt bài giảng căn bản về Phật Giáo Nguyên Thủy cho nên tôi muốn các bạn hiểu một cách đầy đủ. Muốn các bạn hiểu một cách đầy đủ, nên tôi đã hướng dẫn các bạn nhiều chi tiết, và những dữ kiện về Tam Tạng mà chúng tôi đã tìm thấy trong Chú Giải. Các bạn đừng lo lắng nếu các bạn không nhớ những gì tôi đã nói, bởi vì ngay các nhà sư cũng khó mà nhớ hết những điều này.

Bây giờ chúng ta hãy nói đến các kỳ kết tập Tam Tạng. Các Kỳ Kết Tập Tam Tạng Trước khi nói đến các kỳ kết tập Tam Tạng, chúng ta cần phải biết rằng: bên cạnh Tam Tạng còn có Chú Giải và Phụ Chú Giải.

Khi nói đến văn học Phật Giáo, ngoài những lời dạy của Đức Phật trong Tam Tạng Kinh Điển chúng ta phải nói đến Chú Giải và Phụ Chú Giải. Chú Giải, giảng giải rộng thêm ý nghĩa của của bản kinh. Đôi khi ngay cả Chú Giải cũng có nhiều người chưa hiểu thấu đáo nên phải có Phụ Chú Giải giảng giải rộng thêm.

Vì các bản kinh thường dùng từ ngữ thời Đức Phật nên không phải dễ dàng để hiểu. Chúng ta khó trở về với thời kỳ của Đức Phật để tìm hiểu nên chúng ta cần có sự hỗ trợ của những vị thầy uyên thâm giáo pháp giải thích cho chúng ta; bởi vậy nên mới có những bộ Chú Giải ra đời. Không phải những bộ Chú Giải này về sau này mới có, ngay cả thời kỳ Đức Phật, khi Ngài giảng giải một bài pháp, có người hiểu ngay nhưng có người cần phải được giảng giải rộng thêm. Rồi thời gian trôi qua, ngay cả Chú Giải cũng trở thành khó hiểu đối với hàng hậu tấn, cũng vì lý do đó nên Phụ Chú Giải ra đời. Phụ Chú Giải giải thích, bổ nghĩa cho Chú Giải.

Như vậy, kinh điển Phật Giáo có ba từng mức: từng mức đầu tiên là chính những lời dạy của Đức Phật,

Tầng mức thứ hai là Chú Giải. Chú Giải giải thích những điều Phật dạy, Tầng mức thứ ba là Phụ Chú Giải. Phụ Chú Giải giải thích Chú Giải.

Chú Giải đã giảng giải một cách chính xác, cặn kẻ, giúp cho người đọc trở về ngay với thời kỳ của Đức Phật để hiểu rõ những lời dạy của Ngài. Chính Đức Phật cũng phải giải thích cho những nhà sư thời kỳ Phật còn tại tiền những điều Ngài đã dạy nhưng Chư Tăng chưa hiểu thấu đáo. Những lời giải thích này được các nhóm Tỳ Khưu riêng rẻ bảo trì bằng cách tụng đọc, và truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong kỳ kết tập Tam Tạng lần đầu tiên, các Chú Giải không được kết tập. Nhưng Chú Giải được truyền thừa từ thầy đến trò qua nhiều thế hệ, cuối cùng được kết tập lại thành những bộ Chú Giải, viết trên lá buông, rồi in thành sách.

Tóm lại, trong văn học Phật Giáo, kinh điển được xếp loại theo ba mức độ: đầu tiên là chính những lời dạy của Đức Phật, thứ hai là Chú Giải, giải thích những điều Phật dạy, thứ ba là Phụ Chú Giải, giải thích Chú Giải và những gì Chú Giải chưa giải thích. Tất cả Chú Giải và Phụ Chú Giải phải phù hợp với tinh thần của những lời dạy của Đức Phật.

Từ lúc Đức Phật Niết Bàn cho đến nay đã có sáu kỳ kết tập Tam Tạng.

1.    Kết tập Tam Tạng lần thứ nhất

Kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ nhất được triệu tập ở Rājagaha, chỉ ba tháng sau khi Đức Phật Niết Bàn. Chắc các bạn đều biết kỳ kết tập này. Kỳ kết tập này do Ngài Kassapa chủ trì. Ngài Ānanda tụng đọc phần Kinh và Vi Diệu Pháp. Ngài Upāli tụng đọc phần Giới Luật.

2.    Kết tập Tam Tạng lần thứ hai

Kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ hai được triệu tập tại thành Vesāli, một trăm năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn.

3.    Kết tập Tam Tạng lần thứ ba

Kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ ba được triệu tập tại Pataliputta, hai trăm ba bốn năm sau khi Đức Phật Niết Bàn. Kỳ kết tập này đã được triệu tập vào thời vua A dục. Vua A Dục đã hỗ trợ tích cực cho cuộc kết tập này.

Ba cuộc kết tập kinh điển đầu tiên đều được tổ chức tại Ấn Độ vào thời kỳ Phật Giáo chưa chia thành tông phái, chưa chia thànhPhật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Đại Thừa.

Về sau mới có sự phân chia tông phái.  Rồi hai tông phái chính tổ chức các kỳ kết tập Tam Tạng riêng. Phật Giáo Nguyên Thủy tổ chức các kỳ kết tập Tam Tạng riêng, và Phật Giáo Đại Thừa cũng tổ chức các kỳ kết tập Tam Tạng riêng. Bởi vì chúng ta đang học về Phật Giáo Nguyên Thủy, nên tôi chỉ nói với các bạn các kỳ kết tập của Phật Giáo Nguyên Thủy mà thôi.

4.    Kết tập Tam Tạng lần thứ tư

Kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ tư được triệu tập tại Aluvihāra ở Sri Lanka, 450 năm sau khi Đức Phật Niết Bàn.

Từ kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ nhất, ba tháng sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn cho đến trước kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ ba tại Aluvihāra Tích Lan, 450 năm sau khi Đức Phật Niết Bàn, Tam Tạng được truyền thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng cách truyền khẩu, có nghĩa là không được viết thành sách hay viết trên lá buông.

Vào kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ tư ở Sri Lanka này, Tam Tạng mới được viết trên lá buông. Việc viết Tam Tạng trên là buông được thực hiện tại chùa Aluvihāra, gần thành phố tân tiến Kandy ở Sri Lanka ngày nay.   Vào kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ tư này, Tam Tạng sau khi đã được Chư Tăng kết tập và tụng đọc thì được viết trên lá buông.  Tam Tạng kết tập lần thứ tư chỉ được viết trên lá buông bởi vì lúc bấy giờ sách vở bằng giấy chưa được thịnh hành.

5.    Kết tập Tam Tạng lần thứ năm

Kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ năm được tổ chức tại Miến Điện vào thế kỷ thứ mười chín, thời kỳ vua Mindon, Vua Mindon muốn vượt trội các vị vua trước kia. Nhà vua nghĩ rằng: Nếu những vị vua trước đây đã có Tam Tạng viết trên lá buông thì ta sẽ có Tam Tạng viết trên bia đá; bia đá sẽ tồn tại lâu dài hơn là những chiếc lá buông, bởi vì kinh sách viết trên lá buông sớm muộn sẽ bị mối ăn dễ dàng”. Nghĩ như thế, nhà vua quyết định yêu cầu các vị cao tăng trưởng lão kết tập Tam Tạng lần thứ năm. Kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ năm được triệu tập ở Mandalay Miến Điện vào năm 1871. Việc kết tập kéo dài nhiều năm, trong kỳ kết tập này, đầu tiên Tam Tạng được viết trên lá buông sau đó được viết lên những tấm đồng mỏng, rồi mới được khắc lên bia đá. Mỗi bia đá ghi khắc Tam Tạng được đặt trong một căn nhà nhỏ bằng gạch.  Mỗi nhà chỉ để một bia.  Bia đá được khắc kinh cả hai mặt.  Những tấm bia đá viết Tam Tạng đặt trong những căn nhà nhỏ này đều được hướng về ngôi tháp Kutadagou (Kuthotaw) ở Mandalay, dưới chân của đồi Mandalay. Nếu bạn đến viếng Miến Điện và đến thăm Mandalay thì bạn sẽ thấy những tấm bia đá viết kinh Tam Tạng này. Tất cả đều còn nguyên vẹn. Thật may mắn là trong cuộc thế chiến thứ hai, bom đạn thả khắp nơi trên nước Miến, nhưng không có một trái bom nào rớt vào mãnh đất chứa Tam Tạng bằng đá này. Bởi thế, nên những tấm bia đá này đến nay vẫn còn nguyên vẹn, những ngôi nhà chứa bia đã bị hư hoại, nhưng hiện nay tất cả đều đang được sữa chữa. Những tấm bia ghi chép Tam Tạng này chiều cao khoảng 1m5; chiều rộng khoảng 1m; bề dày khoảng 1tấc rưỡi. Các học giả Miến Điện gọi những tấm bia này là một cuốn sách bằng đá lớn nhất thế giới. Có tất cả 729 tấm bia, mỗi đấm bia đều được viết kinh điển cả hai mặt. Như vậy, có tất cả 1458 trang bia đá. Trên những tấm bia này đã ghi tất cả Tam Tạng. Như vậy, Vua Mindon đã tạo ra một cuốn sách lớn nhất thế giới. Lúc tạo nên cuốn sách lớn này tất cả đều được làm bằng tay.

Vua Mindon được con là vua Thivo kế Nghiệp, và sau đó thì đất nước Miến Điện bị rơi vào tay người Anh.   Vua Thivo bị đày đi Ấn Độ, các con của vua bị đày sang Việt Nam.  Và Miến Điện đã bị Anh lấy làm thuộc địa.

6.    Kết tập Tam Tạng lần thứ sáu

Sau thế chiến thứ hai, Miến Điện lấy lại độc lập, chính quyền Miến Điện kết tập Tam Tạng lần thứ sáu vào năm 1954 tại thủ đô Rangon Miến Điện. Và những kinh điển được kết tập trong lần thứ sáu đều được in thành sách bằng ngôn ngữ Pāḷi – Miến. Như vậy, ở Miến Điện đã có cả Tam Tạng bằng đá và Tam Tạng bằng chữ viết lần đầu tiên viết lên giấy.

Chính quyền Miến Điện muốn có được một bộ Tam Tạng kinh điển tiêu chuẩn cho Phật Giáo Nguyên Thủy. Bởi vậy, trong kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ sáu, chính quyền Miến điện đã mời các vị Trưởng Lão của các xứ có Phật Giáo Nguyên Thủy về Miến Điện để kết tập Tam Tạng lần thứ sáu, bằng cách so sánh, đối chiếu lại tất cả các bộ Tam Tạng trên thế giới, làm thành một bộ Tam Tạng tiêu chuẩn cho Phật Giáo Nguyên Thủy. May mắn thay, khi đối chiếu lại các Bộ Tam Tạng Nguyên Thủy trên thế giới thì sự sai khác rất nhỏ. Mỗi trang chỉ sai khác một, hai chữ là nhiều; nhưng sự sai khác này chỉ sai khác về các từ nhưng nghĩa vẫn không thay đổi.  Trong kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ sáu này, Tam Tạng được kết tập luôn cả Chính Kinh cùng Chú Giải và Phụ Chú Giải. Tất cả đều được hiệu đính, đọc tụng in thành sách và phổ biến đến các Phật Giáo đồ trên thế giới. Tất cả gồm có 118 cuốn đã được in ra và phổ biến trong kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ sáu.

Năm 1956, hội nghị kết tập Tam Tạng lần thứ sáu tại Miến đã kết thúc sau hai năm làm việc. Hội nghị đã kết tập được bộ Tam Tạng gồm cả Chính Kinh, Chú Giải và Phụ Chú Giải. Trong kỳ kết tập Tam Tạng này, Tam Tạng được in ra bằng ngôn ngữ Pāḷi Miến. Vì được in ra bằng Pāḷi Miến nên các xứ Phật Giáo khác không đọc được.

7. Tam Tạng kết tập lần thứ sáu bằng Pāḷi Miến được chuyển thành Pāḷi Quốc Tế (Pāḷi Roman) và đưa vào đĩa CD ROM cùng in thành sách.

Mặc dầu mỗi quốc gia đều có Bộ Tam Tạng không sai khác bao nhiêu với Bộ Tam Tạng xuất bản lần thứ sáu. Nhưng từ lâu chư Tăng, chư Ni và Phật Tử, các học giả muốn chuyển bộ Tam Tạng kết tập lần thứ sáu, viết bằng Pāḷi Miến thành Pāḷi Quốc Tế tức bằng Pāḷi Roman để phổ biến đến tất cả các quốc gia trên thế giới.

Nhưng mãi đến năm 1995, một hội đồng mới được thành lập dưới sự hỗ trợ của Bộ Tôn Giáo Miến Điện nhằm mục đích chuyển đổi Pāḷi Miến thành Pāḷi Quốc Tế.

Hội Đồng Chỉ Đạo và Hiệu Đính Chủ Tịch

Bhaddanta Sīlānandābhivaṁsa (Aggamahā-paṇḍita)

Phó Chủ Tịch

  1. Bhaddanta Sobhana (Abhidhajamahā-raṭṭha-guru)
  2. Bhaddanta Gandamābhivaṁsa (Aggamahā-paṇdita)
  3. BhaddantaTilokasara (Aggamahāsaddham-majotikadhaja)
  4. Bhaddanta Jāgarābhivaṁsa (Dvipitaka-dhara Dvipitakakovida, Aggamahā- paṇḍita)
  5. Bhaddanta Aggasāmi Mahāsaddhamma-jotikadhaja (Tỳ Khưu Khánh hỷ)

Hội Đồng Điều Hành và Thực Hiện Chủ Tịch:

Bhaddanta Aggasāmi Mahāsaddhammajotika-dhaja (Sư Khánh Hỷ)

Phó chủ tịch

  1. Venerable Kusalaguṇa (Tỳ Khưu Thiện Đức)
  2. Sơn Từ Sīla

Ban Quản Lý

  1. Venerable Kusalaguṇa (Tỳ Khưu Thiện Đức),
  2. U  Soe Thein,
  3. U Aye Kyaing,
  4. Ma Thu Zar Than.

Ban Kỷ Thật

  1. Mr. Son Tu (USA), 2. U Tin Tun, 3. Daw Nilar, 4. U Nay Tun Thein, 5.  U  Min Tun Thein, 6. U Aye Kyaing.

Ban Bảo Trợ

  1. Ministry of Religious Affairs of Myanmar
  2. International Theravāda Buddhist Missionary University
  3. Tathāgata Meditation Center (Như lai Thiền Viện) USA
  4. Paññārāma Meditation Center (Bát Nhã Thiền Viện) CANADA
  5. Tâm Minh Trần Minh Lợi (USA)
  6. Sơn Từ Sīla (USA)

Tỳ Khưu Khánh Hỷ đã cùng một nhóm Chư Tăng, Ni và Phật tử Việt-Miến làm việc suốt mười lăm năm trời. Cuối cùng đã hoàn thành việc chuyển toàn thể Bộ Tam Tạng kết tập lần thứ sáu gồm Chính Văn, Chú Giải và Phụ Chú Giải thành Pāḷi Quốc Tế ghi bằng mẫu tự Roman chép vào đĩa CD ROM, và đã được Bộ Tôn Giáo, và hội Đồng Tăng Già Miến Điện chấp thuận và phổ biến cho toàn thể Phật Giáo Đồ trên thế giới vào tháng tư năm 2009. Chư Tăng và các Học Giả Phật Giáo xem đây là  Kỳ  Kết  Tập  Tam  Tạng  lần  thứ  bảy,  được  chép  vào  CD  ROM  và  đang  được  in thành sách bằng Pāḷi Quốc Tế.

Trên đây là tất cả các kỳ kết tập Tam Tạng và lưu giữ giáo pháp của Đức Phật qua các kỳ kết tập Tam Tạng mà hiện nay đưa vào đĩa CD ROM bằng Pāḷi Quốc Tế.

Cầu mong Tam Tạng Pháp Bảo được bền vững trên thế gian cho đến khi quả đất này bị tiêu diệt, để cho tất cả mọi người hiểu biết về Tam Tạng Phật Giáo một cách rõ ràng, đúng đắn, nhất là hiểu biết rõ ràng, đúng đắn những lời dạy thực hành của Đức Phật, đem ra thực hành hầu đạt được mục đích tối thượng là tận diệt tất cả mọi phiền não đau khổ.

 

 

Bài viết trích tử cuốn Phật Pháp Căn Bản, Ngài U Sīlānanda giảng, Tỳ Khưu Kim Triệu hiệu đính, Tỳ Khưu Khánh Hỷ soạn dịch.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app