NGHIỆP CHỨA Ở ĐÂU?

Một lần nọ, vua Milanda hỏi Đại đức Nāgasena rằng:

“Bạch Ngài,  Ngài có thể chỉ cho tôi biết Nghiệp  chứa đựng ở đâu không?”. Ngài Nagasena trả lời:

“Không thể nào, nói một cách chính xác, Nghiệp được tồn trữ ở đâu. Nhưng Nghiệp tùy thuộc vào luồng bhavanga (luồng tồn sinh, luồng hộ kiếp), tùy thuộc vào Vật Chất và Tâm. Khi luồng tồn sinh gặp những điều kiện thuận lợi thì Nghiệp sẽ trổ quả”.

Mặc dầu chúng ta không thể nói một cách chính xác Nghiệp đã được tích chứa ở đâu, nhưng khi có điều kiện thuận tiện để cho Nghiệp tốt trổ sinh thì sẽ có quả. Như vậy, Nghiệp này, sự cố ý này, khi biến mất thì nó còn để lại một cái gì đó, để lại tiềm năng trong luồng tồn sinh (bhavanga) của chúng sinh, khi có điều kiện thuận tiện thì chúng sinh sẽ nhận chịu hậu quả.

Ngài Nāgasena đã đưa ra một ví dụ về cây xoài: “Chúng ta không thể nào nói rằng: trái xoài đã chứa ở đâu trong cây xoài: ở trong rễ, trong thân, hay trong cành, nhưng khi đến mùa, khi có đủ độ ẩm, khi có thời tiết thích hợp, khi có điều kiện thuận lợi… thì quả sẽ hình thành và cây sẽ trổ quả. Cũng vậy, mặc dầu không thể nói Nghiệp cất chứa ở đâu, nhưng khi có đủ điều kiện thuận tiện thì chúng ta sẽ nhận được quả của Nghiệp.

Sau khi đã hiểu thế nào là Nghiệp, chúng ta cũng cần nên hiểu những gì không phải là Nghiệp.

NHỮNG GÌ KHÔNG PHẢI LÀ NGHIỆP?

Một số học thuyết quan niệm rằng: con người bị chi phối bởi Số Phận hay Tiền Định.   Và Số Phận hay Tiền Định là cái gì được áp đặt lên chúng sinh bởi quyền lực kỳ diệu khó biết được, hoặc bởi thần thánh, bởi Thượng Đế, bởi Phạm Thiên… Nghiệp không phải là số phận hay Tiền Định theo quan niệm đó.

Mỗi khi chúng ta đau khổ về chuyện gì hay mỗi khi chúng ta đạt được cái gì ta muốn, chúng ta nói:

“Đây là quả của Nghiệp”

Hay là chúng ta chỉ đơn giản nói:

“Đây là Nghiệp của ta”.

Nhưng nếu gọi hay định nghĩa Nghiệp là số phận hay là tiền định đã được đặt định lên kẻ khác thì Nghiệp ta nói đây không phải là số phận hay tiền định đó.

Kamma (Nghiệp) là những gì chúng ta đã cố ý làm trong quá khứ, và ta nhận chịu hậu quả của Nghiệp mà ta đã tạo, nhưng quả của Nghiêp đã tạo có thể xảy ra trong hiện tại hay trong tương lai.
  • Quả của Nghiệp là hậu quả đương nhiên của Nghiệp.
  • Quả của Nghiệp tốt hay xấu không phải do Thánh Thần, Thượng Đế, Phạm Thiên tạo
  • Quả của Nghiệp, không phải là sự ban thưởng hay sự trừng phạt của Thần Linh, Thượng Đế v.v…
  • Quả tốt chúng ta gặt được không phải là phần thưởng của Thánh Thần, Thượng Đế.
  • Quả xấu chúng ta gặt được không phải là hình phạt của Thánh Thần, Thượng Đế.

Những gì chúng ta gặt được đó là quả của những gì chúng ta đã làm. Quả của Nghiệp là của chính chúng ta, là kết quả của những gì chúng ta đã làm với sự cố ý.  Như vậy, Nghiệp không phải là số phận hay tiền định do một quyền năng nào đó đặt định lên chúng ta mà Nghiệp là của sở hữu của chúng ta.  Chúng ta nhận quả tốt hay quả xấu đều do chúng ta làm.

Tóm lại, quả của Nghiệp không do ai tạo ra mà là kết quả đương nhiên của Nghiệp mà ta đã tạo.

Có người nghĩ rằng: chấp nhận Nghiệp chẳng khác nào “chủ bại” hay Nghiệp là chủ thuyết “chủ bại”. Người theo chủ nghĩa “chủ bại” chấp nhận tất cả những gì đến với họ, và không thể làm gì để cải thiện chính mình. Đây là một quan niệm sai lầm. Nghiệp không phải như thế.

Do tạo Nghiệp tốt ta sẽ nhận quả tốt ngay trong kiếp sống hiện tại. Như vậy, Nghiệp không phải là lý thuyết chủ bại. Nghiệp không phải là chủ bại, chấp nhận hay cam chịu với những gì xảy đến cho mình, mà không tìm cách tránh né hay cải thiện. Chúng ta chấp nhận rằng: những gì tốt xấu xảy ra cho ta là do quả của Nghiệp, nhưng chúng ta cải thiện hoàn cảnh của chúng ta bằng cách tạo ra những Nghiệp thiện mới. Như vậy, Kamma không phải là thuyết “chủ bại” như một số người hiểu lầm.

 

 

Bài viết trích từ cuốn Phật Pháp Căn Bản, Ngài U Sīlānanda giảng, Tỳ Khưu Kim Triệu hiệu đính, Tỳ Khưu Khánh Hỷ soạn dịch.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app