CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

Khi đề cập đến con đường tiến bộ tâm linh, chúng ta đã nói đến những hạng người đã đi trên con đường tiến bộ tâm linh, bây giờ chúng ta nói thẳng vào sự tiến bộ tâm linh hay tìm hiểu thế nào là con đường tiến bộ đó. Con đường tiến bộ tâm linh thật sự có nghĩa là sự thực hành để tiến bộ tâm linh.

Chúng ta tự nhận mình là người con Phật, vậy thì chúng ta phải làm gì để đúng nghĩa với danh từ này. Chúng ta rất may mắn là học trò của Đức Phật, và đã được Đức Phật chỉ cho con đường tâm linh. Để trở thành người học trò của Đức Phật, điều trước tiên chúng ta phải làm là nương tựa vào Đức Phật hay còn gọi là Quy Y. Bây giờ chúng ta hãy bắt đầu con đường tiến bộ tâm linh bằng sự Quy Y hay tìm nơi nương tựa, nơi trú ẩn an toàn.

QUY Y

Khi còn bé, những lúc sợ hãi chúng ta thường chạy đến cha mẹ để tìm sự che chở. Một khi đã ở trong vòng tay của cha mẹ thì sự sợ hãi chấm dứt. Những khi chúng ta gặp điều nguy hiểm, chúng ta thường cố gắng chạy đến một nơi nào đó để tránh nguy hiểm. Khi khí hậu bên ngoài quá nóng, chúng ta chạy vào nhà để tìm sự mát mẻ. Ngôi nhà trở thành chỗ trú ẩn của chúng ta để tránh cái nóng bên ngoài. Cũng vậy khi trời lạnh lẽo chúng ta cũng phải vào nhà để tránh cái lạnh giá bên ngoài. Nhà cửa là nơi trú ẩn để chúng ta tránh nóng, lạnh, thú dữ và những hiểm nguy của thời tiết như: mưa, gió, bão bùng.

Trên hành trình dài đăng đẵng của vòng luân hồi, đôi lúc chúng ta cảm thấy sợ hãi, đôi lúc chúng ta cảm thấy nguy hiểm. Khi gặp cảnh sợ hãi hay nguy hiểm, chúng ta cần một nơi nào đó để trú ẩn. Chúng ta cần có một người nào hay một cái gì giúp chúng ta thoát khỏi sự sợ hãi hay hiểm nguy. Qui Y cũng có ý nghĩa tương tự.

Thế nào là trú ẩn, Nương Tựa hay Qui Y? Theo Chú Giải xưa, chữ Qui Y hay Nương Tựa có nghĩa là dựa vào người hay cái gì đó để làm tan biến tình trạng sợ hãi, kinh khiếp, đau khổ, những nghịch cảnh, những sự bất an, nhất là những đau khổ trong vòng luân hồi sinh tử. Trong ý nghĩa này thì Phật, Pháp, Tăng hay Tam Bảo được gọi là nơi trú ẩn, nương tựa hay Quy Y.

Đức Phật được gọi là Nơi Nương Tựa hay Qui Y; bởi vì Ngài xoa dịu nỗi sợ hãi của chúng ta, của chúng sinh. Điều này có nghĩa là Đức Phật giúp chúng ta tránh được nỗi hiểm nguy, bằng cách đưa chúng ta đến chỗ an toàn, lợi ích, tốt đẹp. Đức Phật chẳng khác nào một vị thầy tài ba, giỏi giang. Đức Phật luôn luôn dạy chúng ta: “Hãy làm điều tốt, tránh xa điều xấu”. Khi Đức Phật nói hãy làm điều tốt nghĩa là Đức Phật cam kết nếu chúng ta làm điều thiện, điều tốt thì chúng ta sẽ đạt được nhiều lợi ích. Khi Đức Phật dạy đừng làm những hành vi bất thiện, xấu xa có nghĩa là Đức Phật đưa chúng ta ra khỏi nơi nguy hiểm, không tốt đẹp.

Pháp cũng là nơi nương tựa. Khi một người thấu hiểu Giáp Pháp thì họ sẽ Giác Ngộ. Khi đã Giác Ngộ thì người này có đủ khả năng để vượt qua biển khổ sinh tử luân hồi, đến bờ bên kia một cách an toàn. Dù chỉ đạt được những tầng mức Giác Ngộ thấp hơn thì người thấu hiểu Giáp Pháp, ít nhất, cũng đã bước một chân ra khỏi vòng luân hồi. Trong ý nghĩa này Pháp Bảo được gọi là Nơi Nương Tựa, Pháp Bảo cũng làm dịu đi nỗi sợ hãi hay hiểm nguy cho chúng sinh.

Tăng bảo cũng được gọi là Nơi Nương Tựa vì Tăng là những bậc đã hoàn toàn loại trừ hay loại trừ một phần nào phiền não, là gương lành trong sạch, là mẫu mực để chúng ta nương theo. Các bậc Thánh tăng đã đi theo con đường của Đức Phật, đã giải thoát Giác Ngộ, tạo niềm tin cho chúng ta, khiến chúng ta sẵn sàng đi trên con đường Đức Phật đã chỉ dẫn. Bởi vậy, mỗi khi dâng cúng cho chư Tăng, chúng ta gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp từ sự cúng dường này. Khi chúng ta tỏ lòng tôn kính hay đảnh lễ Chư Tăng, chúng ta cũng gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp do sự tôn kính đảnh lễ đó. Mặc khác, nếu chúng ta cúng dường cho những vị không xứng đáng nhận lãnh vật cúng dường thì chúng ta không gặt hái được kết quả tốt đẹp bằng cúng dường đến Chư Tăng.

Chư tăng được gọi là Nơi Nương Nhờ bởi vì chư Tăng đã làm cho của cúng dường của chúng ta, làm cho hành vi tỏ lòng kính trọng của chúng ta, đem lại kết quả tốt đẹp. Nương nhờ Tăng, Quy Y Tăng ở đây, có nghĩa là nương nhờ gương lành trong sạch của các Ngài, lấy các Ngài làm chỗ dựa trên con đường tiến đến Giác Ngộ như các Ngài. Là một người Phật Tử, thì Phật, Pháp và Tăng là Nơi Nương Nhờ của chúng ta. Để xác quyết rằng: Chúng ta là những người con Phật nương nhờ vào Tam Bảo nên chúng ta Quy Y.

Chắc các bạn đều biết thế nào là Quy Y! Làm thế nào để Quy Y? Theo Vi Diệu Pháp thì vào lúc Quy Y một thiện tâm khởi sinh trong ta. Thiện tâm này (kusala) là tâm thanh tịnh, không có phiền não. Thiện tâm này là trí tuệ hiểu rõ Tam Bảo, đặt lòng tin vào Tam Bảo. Khi thiện tâm này phát sinh, lấy Tam Bảo làm đối tượng ta đặt lòng tin vào Tam Bảo. Như vậy, Quy Y Tam Bảo thật sự có nghĩa là sự sinh khởi của loại thiện tâm lấy Tam Bảo làm đối tượng.

Khi chúng ta nói “Con xin Quy Y Phật, Quy Y Pháp, Quy Y Tăng” nghĩa là chúng ta xem Phật, Pháp, Tăng là nơi nương tựa tối thượng của mình. Ta chọn Phật, Pháp, Tăng là nơi trú ẩn Nơi Nương Tựa cao thượng nhất. Quy Y hay nương nhờ có nghĩa là sự khởi sinh trong tâm loại tâm này. Khi chúng ta nói “Con xin Quy Y Phật, Quy Y Pháp, Quy Y Tăng” thì tâm này khởi sinh trong tâm ta, không bị ô nhiễm bởi phiền não.  Loại tâm này có đặc tính là tôn kính Tam Bảo.  Đồng thời tâm này chỉ lấy Tam Bảo làm nơi nương tựa chứ không nương tựa vào nơi nào khác.

Trong Chú Giải, giải thích ai là người Quy Y? Điều này có nghĩa là hạng người nào Quy Y. Câu trả lời là người có loại tâm này hay là người có tâm này là kẻ đang Quy Y. Muốn Quy Y chúng ta chỉ đơn giản xem Phật, Pháp, Tăng là vị thầy, là người hướng dẫn của chúng ta.  Quy Quy Y không có nghĩa là chỉ có đức tin vào Phật mà chẳng làm gì cả, chỉ nghĩ rằng: chỉ cần dựa vào Phật là đạt được kết quả tốt. Quy Y có nghĩa là nhận Đức Phật làm người hướng dẫn tin thần cho mình.

 

 

Bài viết trích tử cuốn Phật Pháp Căn Bản, Ngài U Sīlānanda giảng, Tỳ Khưu Kim Triệu hiệu đính, Tỳ Khưu Khánh Hỷ soạn dịch.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app