MỘT SỐ CÂU HỎI LIÊN QUAN ĐẾN NGHIỆP

Cây cỏ, cát đá có Nghiệp không?

Một số người nghĩ rằng: đây là câu hỏi khờ dại, nhưng có một số người, hy vọng là không có các bạn ở đây, nghĩ rằng: Cây cỏ, cát đá có Nghiệp. Theo Phật Giáo cây cỏ, cát đá không phải là chúng sinh mặc dầu chúng có đời sống, nhưng không phải là sinh vật, theo Vi Diệu Pháp thì gọi chúng là không có mạng sống, điều này có nghĩa chúng không phải là chúng sinh. Và vì không phải là chúng sinh cho nên chúng không có Nghiệp. Tuy không có Nghiệp, nhưng cây cỏ, cát đá cũng tùy thuộc vào một số điều kiện Vật Chất như độ ẩm, khí hậu, chất bổ dưỡng v.v… Mặc dầu không có Nghiệp, nhưng chúng cần có những điều kiện để khởi sinh và sống còn. Như vậy, cây cỏ cát đá cũng cần một số điều kiện mặc dầu chúng không có Nghiệp. Sự liên hệ nhân quả giữa những vật vô tri này sẽ được giảng giải sau này với những dẫn chứng về Paṭṭhāna (Duyên Hệ Duyên).

Đối với súc vật thì chúng có Nghiệp không? Tất cả súc vật đều có Ngũ Uẩn như con người; bởi thế, chúng là sinh vật hay chúng sinh, bởi vì là chúng sinh nên chúng có Nghiệp. Chúng sinh tạo Nghiệp và tích tụ Nghiệp. Loài vật sinh ra làm con vật cũng là kết quả của Nghiệp ác đã tạo trong quá khứ. Như vậy, loài vật cũng có Nghiệp và cũng có làm hay tạo ra Nghiệp, nhưng cây cỏ, đất đá và những vật vô tri khác không có Nghiệp.

Một vài đoạn trong sách Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) đề cập đến Nghiệp và quả của Nghiệp, đây là những đoạn văn rất quan trọng chúng ta cần phải ghi nhớ:

“Nghiệp và quả liên hệ làm thành một cái vòng giống như hạt giống và cây, cái này sinh ra cái kia, rồi cái kia sinh ra cái này, khó biết đâu là đầu, đâu là cái bắt đầu”. Nghiệp và quả cái này theo cái kia. Đây là Nghiệp Thiện hay Nghiệp Ác, và do hậu quả của Nghiệp Thiện và Nghiệp Ác nên có tái sinh vào bốn đường dữ hoặc tái sinh làm người hay trời. Trong suốt thời gian chúng sinh đang hiện hữu, chúng sinh tạo nên các Nghiệp mới. Tạo nên các Nghiệp mới nên phải nhận quả của Nghiệp mới này trong tương lai. Như vậy, Nghiệp và quả của Nghiệp diễn biến, diễn biến… như vậy, như vậy…

Cũng như hạt và cây, hạt mọc thành cây rồi cây lại có hạt, rồi do hạt này lại có cây mới, cây mới lại sinh ra hạt, hạt mới này lại sinh ra cây… cũng giống như trường hợp chúng ta nói “gà đẻ ra trứng, trứng nở ra gà”, khó nói cái gì đầu tiên. Chúng tiếp tục diễn biến không có cái gì đầu tiên. Không thể nào cho ta thấy cái gì khởi đầu. Nếu chúng ta có thể trở về quá khứ để tìm nhân của nó, thì dầu có trở về bao xa đi nữa, cũng không bao giờ thấy được cái khởi đầu. Như vậy, không có cái khởi đầu của Nghiệp và quả của nó mặc dầu có cái vòng luân lưu của Nghiệp và quả trong vòng luân hồi tái sinh. Không thể nào chỉ ra được trong tương lai vòng tái sinh. Nhưng trong tương lai chúng chắc chắn sẽ khởi sinh, bởi vì hể có Nghiệp hiện tại thì sẽ có quả trong tương lai.

Trong triết học của Hindu có lý thuyết Sam-khya, một trong sáu lý thuyết triết học của đạo này, tin tưởng rằng: quả có sẵn trong nhân, nhưng dưới trạng thái không hiển lộ, khi nhân hiển lộ thì nó thành quả. Theo lý thuyết triết học này thì quả đã có sẵn trong nhân. Khi nhân chín muồi và khi nhân đạt đến tầng mức cao nhất của sự chín muồi thì biến thành quả. Trong triết thuyết này Nghiệp hay nhân và quả đều là một.

Phật Giáo không chấp nhận triết thuyết đó, trong Phật Giáo được dạy rằng: Nghiệp là một chuyện, và quả là một chuyện khác. Thanh Tịnh Đạo nói:  “Không có Nghiệp trong quả, và quả không có mặt trong Nghiệp”. Như vậy, không có Nghiệp ‘trong’ quả và không có quả ‘trong’ Nghiệp.

Nghiệp và quả là hai thứ khác nhau, mặc dầu trong cái này không có cái kia, mặc dầu chúng khác nhau, nhưng không thể nào có quả mà không có Nghiệp, và chẳng bao giờ có trường hợp có quả mà không có Nghiệp. Như vậy, quả và Nghiệp có sự liên hệ nhân và quả. Nhưng quả là một chuyện và nhân là một chuyện khác, chúng không đồng hóa với nhau.

Muốn tạo nên lửa, người ta có thể dùng một kính phóng đại để dưới ánh nắng mặt trời; rồi dưới kính phóng đại để một mãnh giấy hay một miếng bông. Ánh nắng mặt trời xuyên qua kính, hội tụ tại một điểm, tạo ra sức nóng làm cháy tờ giấy hay miếng bông và tạo ra lửa. Lửa không nằm sẵn trong ánh nắng mặt trời. Lửa không nằm sẵn trong giấy hay bông gòn. Lửa cũng không nằm ngoài ánh nắng mặt trời, giấy hay bông gòn. Nhưng khi phối hợp ba nhóm yếu tố này lại theo điều kiện nào đó thì lửa phát sinh. Chúng đã phối hợp theo điều kiện. Như vậy, lửa không hiện hữu trong ánh nắng mặt trời, không hiện hữu trong giấy, không hiện hữu trong miếng bông. Nếu lửa hiện hữu trong những tia sáng của mặt trời, trong giấy hay trong bông thì chúng đã cháy rồi, và luôn luôn lúc nào chúng cũng sẽ cháy. Lửa không ở trong chúng; bởi vậy, khi đặt chúng riêng rẽ thì chúng không thể cháy được; nhưng khi đặt chúng với nhau, trong một số điều kiện nào đó, thì lửa sẽ phát sinh. Vậy do đâu mà lửa hiện hữu. Lửa hiện hữu bên trong hay bên ngoài chúng? Chúng ta không thể nói lửa hiện hữu nơi đâu ngoài những vật đó.   Lửa chỉ khởi sinh khi có sự phối hợp của nhiều thành phần qua phương tiện “điều kiện” hay “tạo duyên”. Điều kiện hay duyên ở đây là mặt trời, giấy và bông gòn. Khi đặt các thứ ấy với nhau trong một điều kiện nào đó thì sẽ có lửa, nhưng lửa không hiện hữu trong tia nắng mắt trời, trong kiếng, trong giấy hay trong bông, nhưng nếu không có những thứ này thì không thể tạo nên lửa.

Tương tự như vậy, không có Quả trong Nghiệp và không có Nghiệp trong Quả. “Không thể nào tìm được Quả trong Nghiệp, không thể nào tìm được Quả ngoài Nghiệp. Không có Nghiệp nào còn duy trì trong Quả mà nó đã tạo”. Như vậy, không thể nào tìm được Quả trong Nghiệp cũng không thể nào tìm được Quả ngoài Nghiệp. Không có Nghiệp nào còn duy trì trong Quả mà nó đã tạo. Như vậy Nghiệp không duy trì trong Quả. Có nghĩa là Nghiệp không nằm trong Quả mà nó đã tạo. Nghĩa là trong Nghiệp không có Quả của Nghiệp. Không có Quả hiện diện trong Nghiệp, không có Quả nào ở trong Nghiệp, nhưng Quả vẫn còn sinh ra từ Nghiệp đó. Quả sinh ra từ Nghiệp và hoàn toàn tùy thuộc vào Nghiệp. Như vậy, tất cả tùy thuộc vào Nghiệp, hoàn toàn tùy thuộc vào Nghiệp mà Quả của Nghiệp phát sinh.

Không chỗ nào trong vòng luân hồi tái sinh có thể tìm thấy chúa trời, Thượng Đế hay đấng sáng tạo. “Thật vậy, vòng luân hồi tái sinh không phải do Đấng Sáng Tạo, Chúa Trời hay Thượng Đế tạo ra sự vật. Chúng là kết quả tự nhiên của luật Nghiệp Báo”.  Chỉ có hiện tượng của Nghiệp và Quả của Nghiệp trôi chảy mà thôi. Chúng tiếp tục trôi chảy. Sự trôi chảy của hiện tượng Vật Chất và Tâm này được gọi là vòng tái sinh. Chẳng có Chúa Trời, Đấng sáng tạo hay Thượng Đế hiện diện, chỉ có hiện tượng tâm vật lý tùy thuộc vào các điều kiện tiếp tục trôi chảy thôi.

 

 

Bài viết trích từ cuốn Phật Pháp Căn Bản, Ngài U Sīlānanda giảng, Tỳ Khưu Kim Triệu hiệu đính, Tỳ Khưu Khánh Hỷ soạn dịch.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app