THIỀN ĐỊNH (SAMATHA)
Chúng ta đã học xong bước đầu tiên của con đường phát triển tâm linh, đó là giữ giới luật trong sạch. Nhờ giữ giới luật trong sạch, thiền sinh có thể kiểm soát được thân và khẩu của mình. Nếu một người có thể kiểm soát được hành vi của mình, có thể thu thúc để mình khỏi sát hại chúng sinh, khỏi trộm cắp v.v… thì đó là một sự thành tựu lớn lao, nhưng trên đường phát triển tâm linh, nếu chỉ giữ giới luật không thôi thì chưa đủ. Mặc dù giữ giới luật trong sạch, nhưng tâm của chúng ta còn có thể bị ô nhiễm. Đôi khi trong tâm ta còn suy nghĩ đến những hành vi phạm giới như suy nghĩ đến sự giết hại, xâm phạm của cải của kẻ khác, xâm phạm tiết hạnh vợ con người, nói lời không thật, dùng chất say, rượu.
Như vậy để kiểm soát tâm, chúng ta cần phải bước bước kế tiếp là Thiền Định (samathi). Đức Phật dạy rằng: khi tâm đã được phát triển, vun bồi sẽ đem lại an vui hạnh phúc: “Này các thầy Tỳ Khưu, không có gì đem lại nhiều an vui hạnh phúc bằng một tâm đã được phát triển và vun bồi liên tục. Này các thầy Tỳ Khưu, khi tâm đã được phát triển và vun bồi thì tâm được an vui hạnh phúc”. Câu này có nghĩa là nếu chúng ta muốn được an vui hạnh phúc thì phải kiểm soát tâm, phát triển tâm, chúng ta phải liên tục vun bồi tâm.
Muốn phát triển tâm chúng ta phải hành thiền. Đức Phật đã khích lệ chư Tăng phát triển định tâm. Ngài nói rằng: một nhà Sư với tâm an định sẽ thấy rõ thực tướng của sự vật. Thấy sự vật như thật, hay đúng theo thực tướng của nó nghĩa là gì? Đó là nhà Sư thấy hay biết mắt là Vô Thường, thấy biết hình sắc là Vô Thường, thấy biết nhãn thức là Vô Thường. Nhà Sư biết sự tiếp xúc giữa mắt và hình sắc là Vô Thường (nhãn xúc). Tỳ Khưu thấy biết các Cảm Thọ khởi sinh khi có sự tiếp xúc cũng là Vô Thường.
Điều quan trọng ở đây là nếu chúng ta muốn hiểu sự vật đúng theo thực tướng của nó, nếu chúng ta muốn xuyên thấu vào bản chất của sự vật, nếu chúng ta muốn thấy rõ sự vật là Vô Thường v.v… chúng ta cần phải phát triển định tâm.
Trước khi phát triển định (samādhi) chúng ta cần hiểu định là gì, định có đặc tính như thế nào. Chữ samādhi được dịch là định tâm. Định tâm được định nghĩa là một sự chú tâm hay sự gom tâm, nhưng đây là sự phát triển tâm linh nên sự chú tâm này có đặc tính thiện. Vậy sự định tâm đây là chánh định chứ không phải tà định. Chữ samādhi có thể được chia làm hai phần là “sam” và “adhi”. “Adhi”có nghĩa là một vật gì được đặt lên hay đặt lên một chỗ. “Sam” có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất là vững, trọn vẹn nghĩa thứ hai là đúng. Như vậy samādhi có nghĩa là được đặt đúng và vững vàng, nhưng đặt là đặt cái gì? Đó là đặt tâm hay tâm sở. Đặt ở đâu? Trên một đề mục đơn độc.
Như vậy samādhi có nghĩa là một tâm sở làm nhiệm vụ đặt tâm và những tâm sở đi với nó trên một đối tượng. Chúng ta phải hiểu samādhi là một tâm sở đặt tâm vương và những tâm sở tương ưng một cách trọn vẹn, thăng bằng, đúng đắn trên đề mục đơn nhất đó. Chữ trọn vẹn có nghĩa là không để cho những tâm sở phân tán, tập trung các tâm sở lại một chỗ. Đúng có nghĩa là đặt đúng chỗ, không để cho chúng phân tán ra các đối tượng khác. Như vậy samādhi là giữ cho tâm vương và tâm sở gom tụ lại, không để cho chúng có cơ hội phân tán.
Đặt tính của samādhi là không phân tán, khi có samādhi thì tâm không bị phân tán. Tâm của bạn không chạy sang đối tượng khác mà ở trên đối tượng thiền. Như vậy đặc tính của samādhi là không phân tán. Khi tâm định trên đối tượng có nghĩa là nó không để cho những tâm sở tản mạn đi nơi khác.
Như vậy chức năng hay nhiệm vụ của định là loại trừ sự phân tán. Một khi tâm chỉ nằm trên một đối tượng thôi thì nó không bị lay động, không chạy chỗ này chỗ kia.
Như vậy biểu hiện của định tâm là không dao động, không lay động. Đôi khi định tâm được so sánh với một ngọn đèn được đặt ở nơi không có gió.
Nguyên nhân gần của sự định tâm là lạc (sukha). Sukha có nghĩa là hạnh phúc, thoải mái. Như vậy sukha hay hạnh phúc, thoải mái là một yếu tố rất cần thiết để đạt đến định tâm.
Tóm lại,
Đặc tính của định là không phân tán.
Chức năng của định là loại trừ sự phân tán, Biểu hiểu của định là ổn định, không lay động. Nguyên nhân gần của định là lạc.
Có nhiều loại định tâm. Samatha hay samādhi là hai chữ đồng nghĩa với nhau. Samatha có nghĩa là samādhi hay samādhi có nghĩa là samatha. Samatha có nghĩa là khả năng làm cho an tịnh, khi vật gì làm cho tâm an tịnh gọi là samatha.
Trong Phật Giáo như các bạn biết có hai loại thiền là Thiền Định, samatha và Thiền Minh Sát, vipassanā, nhưng cả hai đều phải phát triển định tâm samatha. Trong Thiền Định (samatha) thì định tâm rất quan trọng, định tâm là yếu tố vượt trội.
Có hai loại định tâm trong Thiền Định là Cận Định và An Chỉ Định. Cận Định có nghĩa là sự định tâm gần với An Chỉ Định. Cận Định xảy ra trước khi có An Chỉ Định. Các tầng thiền, jhāna là sự định tâm khi thiền sinh đạt được tầng mức tâm cao hơn, tức là An Chỉ Định. Định tâm trong các tầng thiền mạnh hơn định tâm trong Cận Định.
Cả hai Cận Định và An Chỉ Định đều có khả năng chế ngự hay đè nén năm chướng ngại. Thiền Định có thể giúp bạn đạt được Cận Định và An Chỉ Định. Sau khi đạt được An Chỉ Định bạn có thể phát triển xa hơn để đạt được các loại thần thông (abhiñña).
Trong Phật Giáo, Thiền Định được dạy không chỉ nhằm mục tiêu để đạt được Cận Định hay An Chỉ Định mà thôi. Phật Giáo dạy rằng: hai loại định đạt được là để dùng làm căn bản cho Thiền Minh Sát (vipassanā). Như vậy Thiền Định không chỉ để đạt được tâm định mà thôi. Samatha được dạy như một căn bản, nền tảng cho Thiền Minh Sát (vipassanā).
Mục đích của những lời giáo huấn của Đức Phật là loại trừ phiền não. Muốn loại trừ phiền não cần phải thấy rõ thực tướng của sự vật. Chúng ta cần phải thấy chúng là Vô Thường, khổ, vô ngã, trống không, vô vị v.v… nhưng chỉ một mình Thiền Định (samatha) thôi thì không thể giúp chúng ta khám phá ra những đặc tính này của Vật Chất và Tâm.
Thiền Định tự nó không giúp chúng ta thấy rõ được thực tướng của sự vật, do đó không dẫn đến việc loại trừ phiền não. Sau khi bạn đã phát triển định tâm mạnh theo đường lối Thiền Định thì bạn có thể dùng định tâm hay các tầng thiền làm đối tượng cho Thiền Minh Sát. Khi đã dựa trên những đối tượng Thiền Định để hành Thiền Minh Sát, từ tầng mức minh sát này cho đến tầng mức minh sát khác, thì cuối cùng thiền sinh cũng đạt được mục tiêu tối hậu. Như vậy, Thiền Định, chính nó không dẫn đến loại trừ phiền não, nhưng đối với một số người, Thiền Định có thể là một công cụ đắc lực hỗ trợ cho Thiền Minh Sát.
Có bốn mươi đề mục để thực hành Thiền Định. Bạn có thể thực hành một trong những đề mục này. Các đề mục này được chia làm nhiều nhóm.
Nhóm đầu tiên là kasiṇa. Chữ kasiṇa rất khó dịch cho nên tốt nhất là để nguyên không dịch. Chữ kasiṇa có nghĩa là một khối, một tổng thể. Có nghĩa là bạn có thể đặt tâm mình vào toàn thể của đối tượng kasiṇa. Đức Phật dạy mười kasiṇa: đó là kasiṇa đất, kasiṇa nước, kasiṇa lửa, kasiṇa gió, kasiṇa xanh, kasiṇa vàng, kasiṇa đỏ, kasiṇa trắng, kasiṇa không gian, kasiṇa ánh sáng. Bốn kasiṇa đầu là bốn đại đất, nước, gió, lửa hay nói đến trong Phật Giáo.
*Thực hành kasiṇa đất: Khi thực hành kasiṇa đất thành công thì đầu tiên bạn sẽ đạt được upacāra samādhi (Cận Định). Nếu tiếp tục thực hành thì sẽ đạt được năm tầng thiền, từ tầng thiền thứ nhất đến tầng thiền thứ năm. Tất cả mười kasiṇa đều dẫn đến kết quả tương tự như vậy. Bạn có thể chọn một trong những kasiṇa đó để đạt được định tâm hay đạt được Cận Định và các tầng thiền.
Nếu muốn thực hành kasiṇa đất thì bạn phải làm một đĩa kasiṇa. Lấy đất sét có màu giống như màu mặt trời vào lúc bình minh, làm một đĩa có đường kính khoảng một gang tay và bốn ngón (độ chừng hai tấc rưỡi). Làm bề mặt của kasiṇa cho trơn láng và sạch sẽ rồi đặt trước mặt vừa tầm mắt bạn (không xa quá, không gần quá, không cao quá, không thấp quá). Để tâm vào toàn thể kasiṇa đó và niệm thầm “đất, đất, đất” cả ngàn ngàn lần. Thật ra là bạn làm cho mình nhớ kỹ cái đĩa đó. Đôi khi mở mắt ra nhìn, niệm “đất, đất, đất”, đôi khi nhắm mắt lại, cố gắng nhớ hình ảnh của cái đĩa đất trong tâm.
Do tinh tấn thực hành, một thời gian sau, ngay khi nhắm mắt lại bạn cũng thấy kasiṇa đất rõ ràng giống như đang mở mắt. Khi bạn có thể giữ được tướng hay hình ảnh của đĩa đất trong tâm thì bạn có thể không cần nhìn vào đĩa đất nữa mà chỉ chú tâm vào tướng hay hình ảnh của kasiṇa đất mà bạn nhớ trong tâm mình. Nếu tiếp tục chú ý vào hình ảnh hay tướng của kasiṇa trong tâm thì tướng đó càng ngày càng rõ và sắc nét hơn.
Thoạt đầu hình ảnh hay tướng của kasiṇa xuất hiện trong tâm hoàn toàn giống như một bản sao của đĩa kasiṇa. Ví dụ trên đĩa đó có vài chỗ lồi lõm hoặc màu sắc chỗ đậm chỗ nhạt khác nhau ta đều thấy rõ. Nghĩa là tướng kasiṇa đất trong tâm giống như đúc hình ảnh của đĩa đất bên ngoài. Khi việc hành thiền của bạn tiến bộ thì tướng kasiṇa đất trở nên sắc nét hơn và những dấu vết trên tướng đó mất hẳn. Tướng của kasiṇa đất trở nên trơn láng mịn màng và rõ ràng trong suốt giống như một cái đĩa có ánh sáng của mặt trăng hay mặt trời.
Thiền sinh tiếp tục chú tâm chánh niệm vào đề mục cho đến khi có một loại tâm khởi sinh. Loại tâm này có thể từ trước đến nay chưa bao giờ khởi sinh trong bạn, đó là tâm thiền jhāna. Khi tâm thiền xuất hiện thì trước đó định tâm của bạn rất tốt. Tâm bạn ở trên tướng của kasiṇa đất một thời gian lâu dài.
Thực tập các kasiṇa khác cũng tương tự như vậy. Muốn thực tập kasiṇa nước bạn có thể đổ một ít nước vào trong bình rồi nhìn vào nước đó. Nếu niệm về kasiṇa lửa thì bạn có thể đốt một đống lửa rồi nhìn lửa đó qua một lỗ tròn trên bức tường hoặc qua một lỗ trên một vật gì đó để khi bạn thấy lửa cũng có kích thước như của kasiṇa đất. Kasiṇa gió có hai cách. Thứ nhất là nhìn vào lá cây rung rinh do sức gió.
Thứ hai là ở trong một phòng kín, mở hé cửa sổ và để gió luồng vào, cảm nhận gió tiếp xúc với cơ thể.
Nếu muốn thiền trên kasiṇa xanh thì làm một cái đĩa rồi sơn màu xanh lên đó hoặc vẽ màu xanh lên trên một tờ giấy rồi lấy đó làm đề mục. Các màu khác cũng tương tự như vậy. Ở Miến Điện người ta dịch chữ nīla là kasiṇa nâu nên người ta làm kasiṇa màu nâu. Còn các nước khác dịch là màu xanh nên dùng kasiṇa xanh. Niệm kasiṇa không gian thì nhìn lên khoảng không trên bầu trời qua một lỗ tròn. Làm tương tự cho kasiṇa ánh sáng. Muốn thực hành kasiṇa nào thì thực hiện kasiṇa đó rồi tập trung tâm ý vào đề mục thiền cho đến khi đạt được Cận Định hay An Chỉ Định.
Nhóm thứ hai là mười asubha tức là hành thiền về mười loại tử thi để thấy sự dơ uế, gớm guốc của tử thi. Khi thấy sự ô trược, ô uế, đáng nhờm gớm của tử thi thì cũng thấy sự ô trược trong cơ thể mình. Có mười loại tử thi dùng để hành đề mục này.
Thiền niệm về tử thi trong thời đại này thực khó vì bây giờ chúng ta khó mà thấy được mười loại tử thi đó. Vào thời kỳ Đức Phật, các tử thi được đặt ở nghĩa địa cho thối rữa và bị chó, chim ăn. Vì thế vào thời đó người ta có thể thấy các giai đoạn hư hoại, trương sình khác nhau của một tử thi. Ngày nay chúng ta có thể thực hành đề mục thiền này bằng cách nhìn vào các bức hình hoặc bằng cách tưởng tượng các giai đoạn hư hoại khác nhau của tử thi trong những bức hình này. Sau đó chúng ta phải cố gắng phát triển cảm giác nhờm gớm, bất tịnh nơi tử thi trong bức hình cũng như trong cơ thể của chính chúng ta.
Nhưng thực hành thiền về sự ô trược, đáng nhờm gớm của các loại tử thi, chúng ta chỉ có thể đạt được Upacāra samādhi, Cận Định và chỉ đắc được đến Sơ Thiền của An Chỉ Định. Thực hành đề mục này, chúng ta không thể đạt nhị thiền, tam thiền, tứ thiền và ngũ thiền. Bởi vì niệm tử thi là một đề mục thiền thô và đề mục tử thi luôn luôn cần thiền chi “tầm” để giữ tâm trên đề mục nên chúng ta chỉ có thể đắc đến sơ thiền là tầng thiền có thiền chi “tầm” thôi.
Ngày nay chúng ta chỉ có thể tưởng tượng các tử thi bởi vì chúng ta không thể thấy trực tiếp chúng.
Có mười loại tử thi.
- Tử thi bị trương sình, nghĩa là tử thi trong giai đoại trương phìn
- Tử thi bầm, nghĩa là các tử thi trong giai đoạn chuyển sang màu đen và
- Tử thii bị mưng mủ, nghĩa là tử thi trong giai đoạn chảy mủ.
- Tử thi bị chặt tay, chặt chân hay tay chân đứt lìa. Tay chân đứt lìa do kẻ thù, do bị hành quyết v…
- Tử thi bị ăn, bị ăn bởi chó, chó rừng, chim v.v…
- Tử thi bị phân tán ra nhiều phần, bởi vì các phần của tử thi bị vứt rải rác khắp nơi sau khi thú ăn.
- Tử thi bị cắn xé và phân tán ra nhiều miếng. Các bộ phận của tử thi bị cắn xé và vứt rải rác nhiều nơi.
- Tử thi chỉ còn xương dính máu.
- Tử thi bị dòi bọ đục khoét và
- Bộ xương.
Tôi nghĩ ngày nay chúng ta có thể thấy bộ xương hay ít nhất là có thể mua một bộ xương bằng nhựa để hành thiền về sự Bất Tịnh của Tử Thi. Mặc dù không phải là một bộ xương thật, nhưng tôi nghĩ bộ xương bằng nhựa cũng giúp ích cho chúng ta. Mười loại thiền quán bất tịnh giúp chúng ta dứt bỏ sự dính mắc, sự chấp trước nơi thân.
Nhóm kế tiếp gọi là “mười anussati”, tức mười loại tùy niệm.
- Niệm Phật. “Niệm Phật” có nghĩa là niệm các ân đức của Đức Phật. Đức Phật có chín ân đức hay phẩm chất và các bạn có thể chọn một trong chín phẩm chất đó rồi chú tâm trên đó liên tục để phát triển tâm định.
- Niệm Pháp”. Nghĩa là niệm các phẩm chất của Pháp.
- Niệm Tăng. NiệmTăng có nghĩa là niệm các phẩm chất của Tăng.
- Niệm Giới. Nghĩa là niệm sự giữ giới thanh tịnh của chính mình. Để có thể thực hành đề mục thiền này, trước tiên bạn phải giữ giới trong sạch. Sau đó quán xét sự trong sạch của giới của mình. Trong khi niệm giới có thể nói “giới của tôi trong sạch, tôi không bị phạm một giới nào”.
- Niệm Thí. Tức là bạn có thể lấy sự bố thí cúng dường của mình làm đề mục.
- Niệm Thiên. Thiên ở đây không có nghĩa là Chư Thiên mà chúng ta niệm tưởng đến những đức tính tốt đẹp của chư thiên như đức tin, sự rộng lượng, trí tuệ v… Khi niệm đến những đặc tính tốt của mình chúng ta lấy chư thiên làm khuôn mẫu hay nhân chứng. Tức là lấy chư thiên minh chứng, làm ví dụ điển hình. Chẳng hạn như nghĩ rằng: Chư Thiên đã có những đặc tính tốt đẹp như vậy. Muốn trở thành Chư Thiên thì trước đây vị đó phải có đức tin, lòng từ thiện, trí tuệ v.v… Và bây giờ ở trong tôi cũng có những đặc tính tốt đó. Như vậy khi niệm đề mục này bạn nghĩ đến những đặc tính tốt đẹp của Chư Thiên, rồi bạn nhìn những đặc tính tương tự như vậy trong chính bạn. Do đó Niệm Thiên thật ra không phải niệm về Chư Thiên mà niệm những đặc tính tốt đẹp của Chư Thiên.
- Niệm về Sự An Tịnh Tĩnh Lặng. Đó là niệm những đặc tính thanh tịnh an lạc của Niết Bàn. Thật ra niệm về sự an tịnh của Niết Bàn chỉ có thể thành công trọn vẹn khi người niệm đã Giác Ngộ. Tuy nhiên người chưa Giác Ngộ vẫn có thể thực tập đề mục này.
- Niệm Sự Chết. Sự sống thật bấp bênh, cái chết là điều chắc chắn.
- Niệm Ba Mươi Hai Thể Trược để thấy sự ô uế, bất tịnh của cơ thể.
- Niệm Hơi Thở. Niệm hơi thở là chánh niệm vào hơi thở vào hơi thở Hơi thở có thể dùng làm đề mục Thiền Định hay Thiền Minh Sát tùy theo cách thức thực hành của chúng ta.
Ngày nay, nhất là tại Miến Điện người ta hay dùng chuỗi hạt hay tràng hạt để niệm chín ân đức của Phật. Ở Trung Hoa và Việt Nam thì là mười ân đức. Mỗi lần niệm một Ân Đức Phật họ lần một hột. Ví dụ Ứng Cúng (Arahaṁ) lần một hột, Chánh Biến Tri lần một hột, Minh Hạnh Túc lần một hột… cho đến khi xong hết chuỗi hột. Mỗi chuỗi có 108 hột, có chín ân Đức Phật, niệm mười hai lần chín ân Đức Phật đó thì đủ 108 hột. Cũng có thể niệm từng chuỗi một của chín ân đức. Khởi đầu là Iti’pi so Bagava, sau đó Iti’pi so Arahaṁ … cho đến Iti’pi so Buddho thì đủ 108 hột.
Những người Việt Nam có thể niệm bằng tiếng Việt như sau: Kính lễ Đức Như Lai Ứng Cúng nguyện trừ tham sân si.
Kính lễ Đức Chánh Biến Tri nguyện trừ tham sân si. Kính lễ Đức Minh Hạnh Túc nguyện trừ tham sân si. Kính lễ Đức Thiện Thệ nguyện trừ tham sân si.
Kính lễ Đức Thế Gian Giải nguyện trừ tham sân si.
Kính lễ Đức Vô Thượng Sĩ nguyện trừ tham sân si.
Kính lễ Đức Điều Ngự Trượng Phu nguyện trừ tham sân si. Kính lễ Đức Thiên Nhân Sư nguyện trừ tham sân si.
Kính lễ Đức Phật nguyện trừ tham sân si.
Kính lễ Đức Thế Tôn nguyện trừ tham sân si.
Cứ niệm một chữ thì lần một hạt, niệm xong mười ân đức đó thì đủ 108 hạt.
Chú Giải nói thế nào về vấn đề niệm chuỗi hạt? Chú Giải chẳng đề cập đến niệm chuỗi hạt. Vậy thì khi niệm tưởng Ân Đức Phật bạn có thể dùng chuỗi hạt hay không thì tùy thích. Khi bạn niệm đến các Ân Đức của Phật thì bấy giờ tâm các bạn vắng bóng tham hay chấp thủ, không có sân và không có si. Tâm trở nên an tịnh, tĩnh lặng và bạn sẽ đạt được Cận Định. Mặc dù đạt được Cận Định, nhưng bạn không thể đắc các tầng thiền vì những Ân Đức của Đức Phật quá rộng lớn, quá sâu xa. Thêm vào đó, Đức Phật có rất nhiều phẩm tính, năng lực trụ tâm của các bạn không đủ mạnh để có thể tiến vào các tầng thiền.
Bởi vậy các đề mục tùy niệm Phật, Pháp, Tăng… chỉ giúp các bạn đạt đến Cận Định mà thôi. Gọi là Cận Định vì nó ở ngưỡng cửa sắp bước vào An Chỉ Định. Thật ra không thể nói đây là Cận Định bởi vì nó không có các tầng thiền ở đây. Vì không có các tầng thiền nên nó không thật sự là Cận Định, chỉ gọi là Cận Định khi nó có thể từ Cận Định tiến vào An Chỉ Định, nhưng ở đây chỉ đến ngang tầng mức đó là chấm dứt nên không thể gọi là Cận Định.
Khi bạn thực hành đề mục ba mươi hai thể trược chẳng hạn thì bạn đạt Cận Định, từ Cận Định đắc tầng thiền thứ nhất. Cận Định này có khả năng dẫn đến tầng thiền thứ nhất nên Cận Định ở đây mới thật sự gọi là Cận Định. Niệm hơi thở có thể đưa đến Cận Định và tất cả các tầng thiền.
Nhóm tiếp theo là appanamañña (Tứ Vô Lượng Tâm). Chữ vô lượng ở đây có nghĩa là không có giới hạn. Tứ vô lượng tâm còn được gọi là bốn phạm trú (bốn nơi ở của Phạm thiên). Khi bạn niệm một trong bốn đề mục trên thì bạn đang sống như một vị Phạm thiên. Bởi vậy mới được gọi là “Phạm trú – sống như một vị Phạm thiên”.
Đầu tiên là mettā (tâm từ ái) có nghĩa là mong muốn tất cả chúng sinh đều được an lạc hạnh phúc. Thứ hai là karuṇā (tâm bi mẫn) có nghĩa là ước muốn loại trừ, xua tan những đau khổ của chúng sinh. Thứ ba là muditā (tâm hoan hỉ) hoan hỉ, hạnh phúc trước sự thành công, hạnh phúc của kẻ khác. Thứ tư là upekkhā (tâm xả). Tâm xả là tâm cao thượng nhất trong bốn loại tâm kể trên. Khi niệm tâm xả bạn không cảm thấy có tâm từ, tâm bi và tâm hỉ. Tâm bạn ở trạng thái trung tính, không bị lay động bởi đối tượng vừa lòng hay không vừa lòng, không bị lay động trước đau khổ hay hạnh phúc. Người có tâm xả cố gắng giúp đỡ mọi người, mọi loài; nhưng biết rõ mỗi chúng sanh đều có Nghiệp riêng của họ nên mặc dù luôn luôn giúp đỡ chúng sanh, nhưng nếu chúng sanh không đủ duyên để hưởng những gì mình giúp, thì họ vẫn an nhiên tự tại
Bốn đề mục thiền trên được gọi là vô lượng vì đối tượng của nó là vô lượng chúng sinh, không có giới hạn. Chẳng hạn như khi bạn thực hành niệm tâm từ, bạn phải rải tâm từ đến tất cả chúng sinh. Khi thực hành tâm bi, bạn có ước mong tất cả chúng sinh thoát khỏi đau khổ. Khi thực hành tâm hỉ, bạn hoan hỉ, hài lòng đến sự thành công, hạnh phúc của tất cả chúng sinh. Với tâm xả, bạn phải quân bình, thanh thản trước mọi thăng trầm của chúng sinh.
Như vậy, tứ vô lượng tâm đều lấy chúng sinh làm đối tượng và chúng sinh được lấy làm đối tượng phải là tất cả chúng sinh không giới hạn. Đó là lý do tại sao gọi là vô lượng tâm.
Khi thực hành thiền từ ái, đầu tiên phải rải tâm từ cho chính mình rồi rải hay hướng tâm từ đến thầy tổ, cha mẹ… Cuối cùng đến tất cả chúng sinh không giới hạn. Khi chúng ta nói “nguyện cho thầy tổ tôi có đầy đủ sức khỏe, bình an hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng” tức là ta đã giới hạn rải tâm từ chỉ cho thầy tổ. Cũng vậy rải tâm từ cho một nhóm người nào đó là ta cũng giới hạn trong số người đó thôi v.v… Bởi vậy, khi niệm tâm từ, chúng ta không dừng ở đó mà ta mở trải rộng tâm từ lần lần từ thầy tổ đến cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, bạn bè, những người không quen biết, những người không có thiện cảm với ta… cho đến khi rải đều tâm từ đến tất cả chúng sinh.
Như vậy khi thực hành thiền từ ái, tâm ta phải hướng đến tất cả chúng sinh không trừ một ai. Khi rải tâm bi, tâm hỉ, tâm xả cũng vậy.
Khi thực hành ba vô lượng tâm đầu tiên, bạn có thể đạt từ mức Cận Định cho đến tầng thiền thứ tư. Khi thực hành tâm xả bạn có thể đạt từ Cận Định cho đến tầng thiền thứ năm.
Khi hành thiền niệm tâm từ bạn niệm “nguyện cho tất cả chúng sinh có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng”. Khi niệm tâm bi bạn đọc “nguyện cho tất cả chúng sinh thoát khỏi đau khổ”. Như vậy đối tượng của tâm từ là chúng sinh an vui, đối tượng của tâm bi là chúng sinh đau khổ. Khi niệm tâm hỉ lấy đối tượng là chúng sinh được thành công hạnh phúc. Bởi vì lấy sự thành công hạnh phúc làm đối tượng nên bạn nói “nguyện cho sự thành công hạnh phúc của chúng sinh được bền vững lâu dài”. Khi thực hành thiền tâm xả bạn phải niệm như thế nào? Trong tiếng Pāḷi có câu “kammassaka” có nghĩa là Nghiệp là gia tài của chúng sinh. Có nghĩa là bạn có thể giúp đỡ cho chúng sinh theo năng lực của bạn, nhưng nếu bạn không làm được điều đó thì bạn phải chấp nhận. Bởi thế khi niệm về tâm xả bạn đọc “chúng sinh có Nghiệp là gia tài của họ, họ đau khổ hay hạnh phúc tùy theo Nghiệp của họ”. Không ai có thể can thiệp vào Nghiệp của người khác.
Nhóm tiếp theo là quán tưởng về thực phẩm bất tịnh. Sau khi thành đạo, Đức Phật nghĩ đến việc giáo hóa chúng sinh, nhưng Ngài thấy giáo pháp của Ngài giống như đi ngược dòng nước nên Ngài không muốn dạy. Bởi vậy khi thực hành quán tưởng thực phẩm ô trược thì không ai muốn thực hành điều này.
Do đó khi đi vào tiệm ăn, đừng nói tôi thưởng thức thức ăn. Có lần nọ trong một khóa thiền, một thị giả người Mỹ đáng lẽ nói với tôi “Chúc Ngài ngon miệng” hay “Mời Ngài thưởng thức thức ăn”, nhưng vị này không nói, bởi vì vị này biết rằng: Đức Phật nói đừng thưởng thức thức ăn. Bạn phải phát triển sự quán tưởng về thực phẩm bất tịnh nhằm mục đích loại trừ tâm Tham Ái thức ăn.
Niệm tưởng về vật thực ô trược có thể thực hành bằng nhiều cách. Chẳng hạn như nghĩ rằng: bạn phải cố gắng biết bao khi có được thức ăn. Đối với người bình thường, không phải là nhà Sư thì bạn phải nấu, khi nấu là khổ. Đối với nhà Sư phải đi khất thực, phải đi nhiều nhà, mỗi chỗ nhận một ít thức ăn. Khi đi, nhà Sư phải coi chừng chó, ngựa, bò, xe cộ v.v…
Khi bạn ăn, thực phẩm được trộn với nước miếng, đưa xuống dạ dày. Nếu bạn lấy ra khỏi miệng một miếng thức ăn đã nhai rồi thì bạn sẽ không muốn ăn lại. Như vậy, vào lúc nhai thực phẩm trở thành ô trược, nhưng vì bạn không thấy thực phẩm trong miệng nên bạn sẵn sàng nuốt xuống. Khi lấy thức ăn ra khỏi miệng, ngay cả nhìn nó bạn còn không muốn nhìn, và cũng không dám cho ai thấy. Như vậy, quán tưởng thực phẩm bất tịnh có thể phát triển bằng nhiều cách.
Nhưng quán tưởng vừa vừa thôi chứ quán tưởng quá mức thì khi mới nhai bạn đã nhả ra rồi và không thể nào ăn được. Khi hành thiền quán tưởng về sự ô trược của thực phẩm thì bạn đạt được kết quả gì? Bạn chỉ đạt được Cận Định thôi, không thể đạt được các tầng thiền vì định tâm vào thức ăn ô trược không đủ mạnh để đạt được các tầng thiền. Bởi vì trong khi hành thiền này, bạn nghĩ đến nhiều khía cạnh bất tịnh của thực phẩm nên tâm không thể tập trung mạnh mẽ nên không thể đạt được các tầng thiền.
Nhóm tiếp theo là phân tích tứ đại. Với đề mục thiền này, bạn có thể lấy các bộ phận trong cơ thể như tóc, lông, móng, răng, da v.v… để thấy các yếu tố tứ đại. Có ba mươi hai thành phần trong cơ thể, trong đó có hai mươi thành phần thuộc yếu tố đất, mười hai thành phần thuộc yếu tố nước. Trước tiên bạn phải hiểu tứ đại là gì, sau đó bạn cố gắng hiểu những bộ phận nào trong cơ thể có những đặc tính của đất, của nước v.v… Chẳng hạn như bạn có cảm giác về sự cứng thì bạn có thể kết luận đây là yếu tố đất. Khi bạn cảm thấy sự dính hút hay ướt thì bạn có thể kết luận đây là yếu tố nước v.v… Do đó hãy cố gắng thấy các yếu tố này bất kỳ nơi nào trong cơ thể.
Khi bạn thấy được các yếu tố trong cơ thể thì bạn sẽ mất đi ý niệm về sự toàn khối của cơ thể. Thực hành như thế cũng có thể giúp bạn thấy được bản chất vô ngã của sự vật. Hành thiền phân tích tứ đại có thể giúp bạn đạt được Cận Định, nhưng không đạt được các tầng thiền. Vì hiểu rõ được tứ đại là điều không phải dễ dàng, rất khó khăn để hiểu rõ được tứ đại do những đặc tính này thật là thâm sâu nên định tâm không đủ mạnh để đạt đến các tầng thiền.
Cuối cùng là nhóm vô sắc tức là bốn tầng thiền vô sắc. Nếu bạn không nghiên cứu, học Vi Diệu Pháp thì bạn không thể nào hiểu được thế nào là vô sắc. Bởi vậy bạn phải học Abidhamma (Vi Diệu Pháp) để hiểu vô sắc. Thực hành thiền vô sắc giúp bạn đạt được các tầng thiền vô sắc. Thiền sinh phải vượt qua trạng thái hữu sắc (thực hành xong tầng thiền hữu sắc) và tập trung vào đề mục không vô biên xứ, thức vô biên xứ v.v… Đối với người không biết Vi Diệu Pháp trước thì thật khó hiểu. Tôi không đề cập nhiều đến vấn đề này.
Trên đây là bốn mươi đề mục Thiền Định. Nếu muốn thì bạn có thể thực hành một hoặc một số trong những đề mục này. Trong số bốn mươi đề mục, có bốn đề mục Đức Phật gọi là “bảo vệ”, chúng bảo vệ chư Tăng tránh phiền não xâm nhập. Bốn đề mục đó là: Niệm Ân Đức Phật, Niệm Sự Chết, Niệm Tâm Từ và niệm Tử Thi.
Theo Chú Giải thì bốn mươi đề mục Thiền Định có thể tìm thấy trong các tôn giáo khác và trong các thời đại khác. Nhưng Thiền Minh Sát vipassana chỉ được tìm thấy trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật được truyền bá, có nghĩa là chỉ Đức Phật mới dạy Thiền Minh Sát. Thiền Định thì nhiều vị thầy khác vẫn có thể dạy được. Do đó,Thiền Định là lối thiền phổ thông của các học thuyết và tôn giáo khác.
Mặc dù chúng ta chú trọng đến Thiền Minh Sát, nhưng ta không thể nói Thiền Định không có giá trị gì. Thiền Định có chỗ đứng riêng trên con đường phát triển tâm linh. Vì Thiền Định có giá trị riêng nên Đức Phật có giảng dạy Thiền Định, nhưng cần nhớ một điều rằng: không phải mục đích của chúng ta chỉ là thực hành Thiền Định. Chúng ta có thể hành Thiền Định khi nào có thể, nhưng chúng ta phải chuyển sang hành Thiền Minh Sát để loại trừ phiền não.
Mục đích của tất cả Phật Tử là loại trừ phiền não, và bởi vì chỉ có Thiền Minh Sát mới đạt được mục đích này nên Thiền Minh Sát là mục tiêu chính. Nếu muốn biết nhiều hơn về Thiền Định thì bạn hãy đọc cuốn Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga).