Pháp Xa – Tri Túc Như Dây Cột Cái Ách Với Cổ Thú

TRI TÚC NHƯ DÂY CỘT CÁI ÁCH VỚI CỔ THÚ

Trong pháp xa có tri túc là sự không tham muốn ví như sợi dây cột ách cho dính với cổ con thú, mới kéo cái xe đi được, giữ con thú cho dính với cái ách, cũng như tri túc để cột tất cả các pháp lành cho trụ trong thân tâm.

Sự tri túc, theo trong chú giải thì chính là sự ít tham muốn của các bậc xuất gia có ba trường hợp là: tri túc trong sự vui thích (sakasantosa) nghĩa là khi bốn món vật dụng, y, bát, chỗ ở, thuốc men phát sanh lên đến thầy tỳ khưu thì nên suy nghĩ rằng “trong lúc xuất gia thầy ta có dặn phải nuôi mạng sống bằng sự đi khất thực xin ăn, dầu người cho vật ngon hay dở, tốt hay xấu, cung kính hay không, mình cũng chẳng nên tỏ thái độ khen chê, hoặc bất bình trong khi đương thọ lãnh, là họ cho cách nào chẳng hạn cũng vui lòng thọ lãnh”; tri túc trong vật dụng đã được (santasantosa) là vật chi mà mình đã được rồi, dầu ít nhiều, tốt xấu cách nào, cũng không có ý muốn tìm thêm ngoài vật ấy ra, và ráng đè nén sự tham muốn quá độ, chỉ vui thích với vật dụng mà mình đã được ấy; tri túc bình đẳng (sama santosa) là trong khi tiếp xúc với nghịch cảnh, tâm cũng không tỏ vẻ bực tức, phiền muộn, hoặc khi tiếp xúc thuận cảnh, tâm cũng không mê thích quên mình, tâm luôn luôn quân bình vui thích trong mọi trường hợp.

Trong mỗi món vật dụng đều có ba hạng in nhau là: đắc lợi tri túc (yathā lābha santosa) là thầy tỳ kheo trong Giáo pháp khi đã được y rồi, dầu tốt hay xấu, cũng vẫn vui lòng dùng xài y ấy, dầu có ai đem y khác tốt hơn đến dâng, cũng không muốn lãnh nữa, chỉ vui thích với y mình đã có ấy thôi; sức khỏe tri túc (yathā bala santosa) là khi thầy tỳ kheo có bịnh hoặc y dày, nặng, sợ bịnh sẽ tăng lên, mới đem y dày tốt của mình mà đổi lấy y mỏng xấu hơn của vị khác để dùng tùy sức khỏe của mình khi có bệnh; phẩm hạnh tri túc (yathā sārūpa santosa) là thầy tỳ kheo mới tu còn nhỏ hạ mà được người dâng y quí giá tốt đẹp bèn nghĩ rằng “y này đáng cho các vị Đại đức có nhiều phước lành cao thượng thọ dụng, còn ta dây mới tu ít phước đức, không đáng mặc y quí giá này”, nghĩ như thế rồi đem bỏ y ấy cho vị khác, còn mình thì đi kiếm vải người bỏ nơi đống rác đem làm y mà mặc tùy theo phẩm hạnh của mình.

Mỗi món vật dụng đều có ba hạng tri túc trong bốn món vật dụng là: y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc chữa bệnh thành ra mười hai pháp tri túc, các bậc trí tuệ nên hiểu ba món vật dụng khác cũng tương tợ như sự tri túc trong y phục.

Sự tri túc không phải chỉ trong bốn món vật mà thôi, dầu thầy tỳ kheo có vui thích đến bát vật dụng (atthaparikkhara) là: 3 tấm y, 1 bình bát, 1 con dao cạo, 1 ống đựng kim, 1 sợi dây lưng, 1 bình lọc hay 1 vải lọc nước cũng gọi là tri túc vậy.

Thầy tỳ kheo nào có sự tri túc, khi muốn đi nơi nào cũng dễ dàng, vì chỉ có các món ấy dính theo mình mà thôi cũng như loài chim muốn bay đi đâu cũng tự do chỉ đem theo có cặp cánh là bận rộn. Thầy tỳ kheo ấy gọi là bậc tri túc, hay là bậc ít tham muốn, hoặc gọi là bậc không tham cũng được.

Về phần thiện tín thì nên tri túc trong tình dục theo ngũ trần, là chỉ vui thích với vợ con mình mà thôi, chớ không có ý muốn được người thiếp khác nữa.

Sự tri túc là một đức tánh sẽ đem lại những điều lợi ích và an vui cho tất cả Chư Thiên và nhân loại, cũng như có câu Phật ngôn rằng “Sakacittaṃdamaya mānena itaritarena santuṭṭhena lūkhena pica santuṭṭhena nāññaṃ paṭṭhera sabahuṃ itaritarena santuṭṭhī sāmaññaṃ paripūrati: Thầy tỳ kheo khi đã dạy dỗ tâm mình được rồi là bậc có tri túc trong tứ vật dụng dầu tốt xấu, dở ngon, ít nhiều chi, tâm cũng không mong mỏi được món khác, chỉ vui thích và điều độ với vật mà mình đã được”.

Sự tri túc này theo trong chú giải bộ kinh Hạnh phúc (Maṅgalasutta) có bốn điều tri túc (là sự ít khoe khoang hay là ham muốn):

Paccāya santosa – tri túc trong bốn món vật dụng như đã giải.

Pariyatti santosa – tri túc trong pháp học là kinh luật mình hiểu biết. Như thầy tỳ khưu thông hiểu tạng kinh, tạng luật hoặc tạng luận, một trong tạng nào, hoặc thông suốt cả nhị tạng hay tam tạng, nhưng khi đi chỗ nào không có ai biết mình là người thông hiểu nhiều kinh luật, mình cũng không có ý muốn khoe khoang cho người biết, trừ phi khi nào có người biết rồi hoặc họ hỏi thì mới tùy tiện mà trả lời thôi, như ông sa di Revata Kumāra thông hiểu cả tam tạng, có một hạ ông nhập một chỗ, mà không ai biết ông là bậc thông hiểu kinh luật nên họ không hề khi nào hỏi kinh hay là thỉnh ông thuyết pháp nói đạo chi cả, nhưng ông cũng không khi nào tỏ vẻ cho họ biết mình là một vị pháp sư, đến khi ra hạ có Đức Phật và Đại đức Xá-Lợi-Phất tới chỗ ông, người trong xứ mới thỉnh Đại đức Xá-Lợi-Phất thuyết pháp, ngài biểu thỉnh ông sa di, ai nấy đều ngạc nhiên khi nghe ông Revata thuyết pháp rất hay, nhưng trái lại họ bất bình, phiền ông sao nhập hạ ở đây lâu rồi mà không cho họ biết, nhân cớ ấy Đức Phật bèn giảng cho biết rằng: ông là một bậc có tri túc trong pháp học rất cao thượng vậy.

Dhūtaṅga santosa – tri túc trong pháp đầu đà là thầy tỳ khưu khi đã nguyện pháp đầu đà nào rồi thì không hề có ý muốn khoe khoang cho ai biết, dầu cho các bậc xuất gia đồng đạo với nhau cũng không nên cho biết, như có hai thầy tỳ khưu là anh em ruột, một hôm ông em đi khất thực, được món ăn cao quí muốn để dâng cho ông anh, nhưng ông anh đã đi bát về thọ thực đã xong rồi, ông em không biết ông anh đã nguyện giữ đầu đà ăn một bữa, đem vật thực ấy lại cố nài cho ông anh ăn, ông anh không lãnh mà ăn nữa, ông em bèn nói hay là ông anh đã nguyện pháp đầu đà ăn một bữa thôi, ông anh mới nghĩ rằng “Nếu ta không lãnh mà ăn nữa thì em ta sẽ biết ta là người giữ pháp đầu đà, vậy ta lấy ăn đừng cho em ta biết được rồi sau sẽ nguyện lại”, nghĩ xong ông lãnh thọ thực như thường vì không muốn cho em biết mình nguyện đầu đà.

Pativedha santosa – tri túc trong pháp đã giác ngộ là thầy tỳ kheo ít sự khoe khoang ham muốn dầu mình đã đắc thiền hữu sắc hoặc vô sắc, hay là đã đắc đạo quả Niết-bàn rồi nhưng rất tri túc không cho ai biết mình đã đắc pháp cao thượng, dầu cho bậc xuất gia đồng đạo mình cũng không có ý muốn khoe khoang cho hay.

Sự tri túc là một pháp lành để làm cho bậc xuất gia được đầy đủ những đức tánh cao thượng vậy.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app