PHẦN HỖ THẸN VÀ GHÊ SỢ TỘI LỖI

Chỗ nói hổ thẹn (hiri) ví như gọng xe vì tất cả các pháp lành khác ở trong pháp xa đều do nhờ có sự hổ thẹn dẫn đầu rồi mới phát sanh lên sau, như cái gọng ở phía trước đầu hết thảy các món khác trong cái xe.

Hổ thẹn có liên lạc với sự ghê sợ, làm cho biết hổ ngươi điều tội lỗi, còn ghê sợ là pháp làm cho tởn, cho kinh khủng các điều tội lỗi. Hổ thẹn thì do bên trong mà phát sanh còn ghê sợ thì do bên ngoài. Hổ thẹn thì lấy ta làm gốc, ghê sợ thì lấy đời làm gốc (căn cứ). Đặc tính của hổ thẹn là sự cung kính khiêm nhường. Đặc tính của ghê sợ là sự kinh khủng, hãi hùng.

Chỗ nói sự hổ thẹn do bên trong mà phát sanh lên là do nhờ sự suy xét bốn nguyên nhân bên trong là: dòng giống (jāti) là suy xét rằng ta đây là dòng cao thượng quí phái không đáng làm điều tội lỗi, những điều xấu xa ấy chỉ có hạng người đê tiện họ mới làm; tuổi tác (vaya) là sự suy nghĩ rằng “ôi, ta đây tuổi đã già hoặc còn trung niên không đáng làm điều tội lỗi xấu xa chỉ có hạng thiếu niên tuổi trẻ họ mới làm điều tội lỗi ấy”; giá trị (surabhāva) là suy nghĩ rằng “ta đây là người có tên tuổi phẩm giá hoạt bát trong quần chúng, ta không đáng làm điều tội lỗi, chỉ có hạng người không giá trị họ mới làm điều tội lỗi xấu xa thôi; thông thái (bāhu sacca) là suy xét rằng “ta đây là người thông hiểu kinh luật nhiều, ta không nên làm điều tội lỗi xấu xa như hạng người ngu si dốt nát.

Khi nào tâm phát sanh lên muốn làm điều tội ác nhất là sát sanh, trộm cắp mà suy nghĩ kịp một trong bốn nguyên nhân nào thì cũng có thể phát sanh sự hổ thẹn để đè nén tâm không dám làm điều tội lỗi ấy. Còn ghê sợ thì do nhờ sự suy xét bên ngoài, mỗi khi muốn làm điều tội lỗi nào thì sợ công chúng họ cười chê biếm nhẻ rồi không dám làm điều tội lỗi ấy.

Còn hổ thẹn nhớ cho mình là cao thượng là mỗi khi muốn làm điều tội lỗi nào thì nhớ rằng “Ta đây là bậc xuất gia trong Phật pháp lại thông hiểu kinh luật nhiều không nên làm điều tội lỗi ấy”. Còn ghê sợ thì lấy thế gian làm lớn là khi muốn làm điều tội lỗi nào thì suy nghĩ rằng “Trong cõi thế gian này rộng lớn bao la thế nào cũng có bậc sa-môn, bà-la-môn hoặc Chư Thiên có nhãn thông, tha tâm thông có thể biết được tâm ta, nếu ta lén làm điều tội lỗi thì sợ các bậc ấy thấy được biết được sẽ biếm nhẻ chê bai ta chẳng sai, khi suy nghĩ như thế rồi phát tâm kinh khủng ghê sợ không dám làm điều tội ác.

Hổ thẹn thì yên trụ trong sự mắc cỡ hổ ngươi, còn ghê sợ thì yên trụ trong sự hãi hùng kinh khủng mà xa lánh điều tội lỗi, ví như hai khúc sắt, một khúc thì dính phẩn, một khúc thì đương cháy đỏ, người có trí khi đã suy xét tội lỗi của hai khúc sắt ấy rồi thì không dám cầm lấy khúc nào cả vì sợ lấm dơ và phỏng cháy chẳng sai.

Hổ thẹn có đặc tính là sự cung kính khiêm nhường có bốn điều là: đại tộc quán (jāti mahatta paccavekkhaṇa) là suy nghĩ rằng ta đây sanh ra nơi dòng giống cao thượng quí phái, khi muốn làm điều tội lỗi chi mà nhớ đến giống mình rồi phát tâm cung kính dòng giống mình mà thôi làm điều tội ác, còn như nếu sanh ra nơi dòng giống đê hèn thì suy nghĩ rằng “Cũng vì kiếp trước ta làm nhiều điều tội lỗi nên phải sanh vào dòng ti tiện thấp hèn, vậy ta không nên làm điều tội ác nữa”; đại giác quán (satthu mahatta paccavekkhaṇa) là suy xét đến Đức Phật là trọng, mỗi khi muốn làm điều tội ác nào thì nên nhớ đến đức Chánh giác mà nghĩ rằng “Ta đây có nhiều hạnh phúc được gặp Phật là một bậc cao thượng quí báu không ai sánh bằng, ta lại được nghe Giáo pháp của Ngài thì là may mắn biết dường nào, vậy ta phải ráng làm điều lành không nên làm điều tội ác”; đại di sản quán (dāyajja mahatta paccavekkhaṇa) là suy xét một gia tài lớn của Đức Phật để lại cho ta, khi muốn làm điều tội lỗi nào thì nên nghĩ rằng “Ta đây là thiện nam hay tín nữ đã thọ trì ngũ giới hay là bát quan trai giới, hay là bậc sa di, tỳ kheo, vậy ta phải cố ráng gìn giữ gia tài là lời di huấn của Ngài để lại rồi không dám làm tội lỗi”; đồng đạo quán (sabrahmacārī mahatta paccavekkhaṇa) là suy xét đến bậc cùng hành một đạo triết hạnh như ta, mỗi khi muốn làm điều tội lỗi nào thì nên nghĩ rằng “Ta đây là bậc hành đạo cao thượng các vị khác cũng hành đạo như ta mà sao họ ráng giữ gìn giới luật tinh nghiêm trong sạch còn ta lại nỡ nào lén lút làm điều tội lỗi không nên”.

Đặc tính của sự ghê sợ là kinh khủng hãi hùng có bốn điều: kinh ngã khiển (attānuvāda bhaya) là sợ ta tự quở trách lấy ta, mỗi khi muốn làm điều tội ác nào do thân, khẩu, ý thì nên suy xét rằng “Nếu ta lén làm điều tội lỗi thì lương tâm sẽ bị cắn rứt quở phạt chẳng sai”; kinh nhơn khiển (parānuvāda bhaya) là sợ người khác quở trách ta, mỗi khi muốn làm điều tội lỗi nào thì nên suy nghĩ rằng “Nếu ta làm điều tội lỗi xấu xa thì người khác họ sẽ chê bai quở trách ta chẳng sai”; kinh hình phạt (daṇḍa bhaya) là hoảng sợ hình phạt của luật nước, mỗi khi muốn làm điều tội lỗi nào thì nên suy nghĩ rằng “Những người bị hình phạt nặng nề của luật nước vì họ làm điều tội lỗi, nếu ta đây lén làm điều tội lỗi nào thì cũng sẽ bị hình phạt như thế chẳng sai”; kinh ác đạo (duggati bhaya) là ghê sợ phải sa vào bốn đường khổ là: súc sanh, atula, ngạ quỷ, địa ngục, mỗi khi muốn làm điều tội lỗi nào thì nên suy nghĩ rằng “Nếu ta mà làm điều tội lỗi khi ta chết thì thế nào cũng phải sa vào một trong bốn đường khổ chẳng sai”, khi nghĩ một trong bốn điều này rồi thì sợ sệt không dám làm điều tội lỗi.

Hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi mà phát sanh lên trong thân tâm người nào rồi thì người ấy gọi là bậc thiện trí thức hoặc là bậc đã gìn giữ theo “Thế pháp” và “Thiên pháp” vậy.

Như có câu kệ ngôn rằng “Hiriottappa sampannā sukkadhamma samahitā santo sappurisā loke devadhammati vuccare: các bậc thiện trí thức có đầy đủ hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi là người thường trụ trong pháp thiện, là người có tâm yên tịnh, các bậc trí tuệ gọi người ấy là bậc thường gìn giữ Thiên pháp vậy (là pháp của các bậc Chư Thiên).

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app