PHẦN GHI NHỚ 

Trong Pháp xa có sự ghi nhớ như người đánh xe, vì xe mà đi ngay thẳng được, không đụng chạm qua bên mặt bên trái, cứ theo con đường giữa mà đi, là do nhờ có người đánh xe hướng dẫn, mới đi được đến nơi đến chốn, thế nào, thì sự ghi nhớ có phận sự tiếp thức tỉnh, nhắc nhở cái tâm của hành giả phải trau dồi thân, khẩu, ý cho trong sạch mà thực hành theo con đường giữa là Bát chánh đạo, trực chỉ thẳng đến Niết-bàn.

Sự ghi nhớ phát sanh trong nhiều chỗ như nói về sức lực để tinh tấn hành đạo thì gọi là niệm lực (satibala), nói về căn bản các pháp hỗn hợp đồng phát sanh lên thì gọi là niệm căn (satindriya), còn nói về pháp thực hành cho được giác ngộ thì gọi là bồ đề niệm (satisambojjhaṅga).

Nói về pháp ghi nhớ các cảnh giới thí có ba điều là: nhớ rõ cảnh giới đưa đến cho mình; nhớ rõ biết nguyên nhân của pháp ác khi thực hành theo rồi thì không được sự tốt đẹp an vui, nhưng phải bị nhiều điều tai hại khổ não chẳng sai; nhớ rõ biết nguyên nhân của pháp thiện khi thực hành theo rồi thì được nhiều điều lợi ích và đưa đến cảnh yên vui, hạnh phúc.

Sự ghi nhớ rất cần yếu lắm, vì người hành động do thân, khẩu, ý mà lơ đễnh vô ý thì sự hành vi ấy thế nào cũng sai lầm và không đem lại sự tấn hóa được, trái lại phải bị nhiều sự tai hại rủi ro cũng như anh tài xế lái một chiếc xe, chỉ lơ đễnh vô ý một chút thì phải chịu không biết bao nhiêu điều tai hại, hoặc ví như ban đêm mà nhà quên không đóng cửa, thì có thể bị đạo tặc vào trộm lấy hết của cải chẳng sai.

Như người hành động do thân, khẩu, ý mà có sự ghi nhớ dè dặt thì sẽ được sự lợi ích và an vui, đúng như câu Phật ngôn: “Satiñca khvāhaṃ bhikkhave sabbatthikaṃ vadāmi: này các thầy tỳ kheo, sự ghi nhớ là một pháp có nhiều đức lành cao thượng có thể đem lại nhiều điều hạnh phúc cho ta”.

Sự ghi nhớ nói đây chủ ý nói về tứ niệm xứ: kāyā nupassanā satipaṭṭhāna – niệm thân; vedanā nupassanā satipaṭṭhāna – niệm thọ; cittā nupassanā satipaṭṭhāna – niệm tâm; dhammā nupassanā satipaṭṭhāna – niệm pháp. Sự ghi nhớ theo tứ niệm xứ là ghi nhớ rằng: “thân, thọ, tâm, pháp” là nơi để cho ta dùng làm căn cứ mà niệm tưởng cho phát sanh trí tuệ vậy thôi, chớ bốn pháp này cũng không phải là người, thú hay là vật chi cả, chỉ là vật rỗng không, cũng đều vô thường, khổ não, vô ngã, và ráng dứt bỏ không cho vui hay buồn phát sanh lên vì thân, thọ, tâm, pháp ấy.

Nguyên nhân để phát sanh sự ghi nhớ có bốn là: sati sampajjañña – sự ghi nhớ và biết mình; mutthassati puggala parivajjanatā – xa lánh người có tánh lầm lộn hay quên; upaṭṭhitassati puggala sevanatā – thân cận người có tánh luôn luôn ghi nhớ và biết mình; tadadhi muttatā – có tâm luôn luôn xu hướng theo sự ghi nhớ cho đầy đủ trong bốn oai nghi.

Còn sự biết mình (sampajjañña) là phải biết rõ trong khi thân, khẩu, ý đang hành vi có bốn điều là: satthaka sampajjañña – biết rõ chỗ có lợi ích cho tâm; sapāya sampajjañña – biết rõ chỗ có sự yên vui hay không; gocāra sampajjañña – biết rõ chỗ có nên đi hay không; asammoha sampajjañña – biết rõ không lầm lộn quên mình.

Nhưng trong chú giải nói sự ghi nhớ biết mình có bảy chỗ là: biết rõ ta đi tới hay đi lui; biết rõ ta đang ngó ngay hay ngó xéo hai bên; biết rõ sự co và ngay tay chân; biết rõ đang mặc y mang bát; biết rõ ta đang ăn, uống, nhai, nuốt; biết rõ ta đang đại tiện hay tiểu tiện; biết rõ ta đang đi đứng nằm ngồi, nói chuyện, làm thinh.

Sự ghi nhớ được thức tỉnh là do nhờ có sự biết mình trợ giúp, như Đại đức Xá-Lợi-Phất có nói: “Dvedhammā bahupakārā sati sampajjaññañca: hai pháp mà có nhiều sự lợi ích là ghi nhớ và biết mình vậy”.

Tâm mà không có sự ghi nhớ và biết mình gìn giữ trông nom thì nó buông lung theo cảnh giới tùy thích, dầu phải dầu quấy chi cũng cứ xu hướng theo, thì thường hay bị sai lầm và làm cho tai hại đến mình và kẻ khác, cũng như chiếc xe mà không có người hướng dẫn đánh đi, thì con ngựa cứ mang cái xe chạy càng, đụng chạm những vật này vật kia, làm cho cái xe phải hư hỏng và tai hại cho kẻ khác; nhưng nếu tâm mà nhờ có sự ghi nhớ và biết mình kềm thúc gìn giữ rồi thì biết lựa chọn cái nào tốt đẹp mới nương theo, cái điều nào xấu xa tội lỗi thì xa tránh.

Đặc tính của sự ghi nhớ có hai điều là: apilāpana lakkhaṇa – đặc tính nhắc nhở tâm luôn không cho quên; upaggahaṇa lakkhaṇa – đặc tính dắt dẫn tâm hay là dặn bảo tâm cho chắc chắn. Giải rằng: khi hành giả có sự ghi nhớ nhắc nhở tâm rồi thì biết rõ pháp thiện, pháp ác, pháp cao thượng, pháp thấp hèn, pháp trắng, pháp đen, pháp có nhiều đức lành, pháp dẫy đầy tội lỗi, rồi thân cận ưa thích pháp nào mà các bậc trí tuệ thường thân cận ưa thích và xa lánh các pháp đối phương, ví như ông quan coi kho tàng của vua, thường ông phải tâu cho vua hay rằng tài sản của nhà vua còn được bao nhiêu. Ngựa bao nhiêu, voi, xe, cộ, quân lính được bao nhiêu đều tâu rõ cho vua biết. Đặc tánh thứ nhì là dắt dẫn tâm nếu đã có trong tâm hành giả nào rồi thì người ấy biết rõ pháp nào lợi ích, pháp nào không lợi ích. Rồi xa lánh các pháp vô ích và dắt dẫn các pháp có lợi ích vào tâm cũng như người giữ cửa biết rõ kẻ nào tốt ngay thật, có lợi ích thì mới dắt vào chầu vua, còn người nào gian tà không đem lại sự lợi ích thì ngăn cản không cho vào.

Như có câu Phật ngôn rằng: “Satidovāriko yaṃ bhikkhave akusalaṃ pajjahāya kusalaṃ bhāveti: này các thầy tỳ khưu, sự ghi nhớ có đặc tánh dứt bỏ các pháp ác và làm cho tăng trưởng pháp thiện ví cũng như người giữ của vậy.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app