Phần 19
2.3- Pháp-Hạnh Giữ-Giới Ba-La-Mật Bậc Thượng (Sīlaparamatthapāramī)
Tích Saṅkhapālajātaka (Xăng-khắ-pa-lá-cha-tá-ká)
Trong tích Saṅkhapālajātaka này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Đức Long-vương tên là Saṅkhapālanāgarājā tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc thượng (sīlaparamatthapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi, khi ấy, những người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đang thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla trong ngày giới.
Đức-Thế-Tôn ngự đến ngồi trên pháp tòa, rồi truyền bảo khuyến khích chư cận-sự-nam, cận-sự-nữ rằng:
– Này các con! Trong thời quá-khứ, Đức Long-vương tiền bối đã từ bỏ ngai vàng trong cõi Long-cung, tìm đến nơi yên tĩnh để thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla trong ngày giới hàng tháng.
Nghe Đức-Thế-Tôn truyền bảo như vậy, các cận-sự-nam, cận-sự-nữ đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi kính thỉnh Ngài thuyết giảng về tích Đức Long-vương tiền bối ấy.
Tích Saṅkhapālajātaka
Đức-Thế-Tôn thuyết giảng về tích Đức Long-vương Saṅkhapālajātaka được tóm lược như sau:
Trong thời quá-khứ, Đức-vua nước Magadha ngự tại kinh-thành Rājagaha. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Thái-tử của bà Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua nước Magadha. Đức-Bồ-tát tên là Thái-tử Duyyodhana.
Khi Đức-Bồ-tát Thái-tử Duyyodhana trưởng thành được Đức-vua truyền gửi đi học tại kinh-thành Takkasilā. Sau khi Đức-Bồ-tát Thái-tử học thành tài xong trở về nước Magadha.
Sau đó, Đức Phụ-vương làm lễ đăng quang truyền ngôi báu cho Đức-Bồ-tát Thái-tử Duyyodhana lên làm vua, ngự tại kinh-thành Rājagaha trị vì nước Magadha.
Đức Phụ-vương của Đức-vua Bồ-tát Duyyodhana, từ bỏ cung điện đi xuất gia trở thành đạo-sĩ trú tại vườn thượng uyển. Đức-vua Bồ-tát ngự đến hầu Đức Phụ-vương đạo-sĩ tại vườn thượng uyển mỗi ngày ba lần.
Hằng ngày, các quan, dân chúng đến hầu Đức đạo-sĩ tại vườn thượng uyển và họ đem theo những lễ vật đến cúng dường. Cho nên, những lễ vật càng nhiều, càng làm quấy rầy Đức đạo-sĩ, không thuận lợi cho việc thực-hành pháp-hành thiền-định, nên Đức đạo-sĩ suy nghĩ rằng:
“Ta trú tại vườn thượng uyển này không thuận lợi cho việc thực-hành pháp-hành thiền-định. Vậy, ta nên đi tìm nơi thanh vắng yên tịnh, để cho thuận lợi cho việc thực-hành pháp-hành thiền-định.”
Suy nghĩ như vậy, không muốn thông báo cho Đức-vua Duyyodhana biết, Đức đạo-sĩ rời khỏi vườn thượng uyển đi ra khỏi nước Magadha, sang nước Mahisaka đến chân núi Candaka, làm cốc lá nhỏ gần con sông Kaṇṇa-veṇṇā trú ngụ.
Con sông này bắt nguồn từ hồ nước lớn Saṅkhapāla. Đức đạo-sĩ thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới và chứng đắc các phép-thần-thông. Hằng ngày, Đức đạo-sĩ đi khất thực để nuôi mạng.
Đức Long-vương Saṅkhapāla cùng nhóm tùy tùng hộ giá đông đảo thỉnh thoảng xuất hiện đến hầu nghe Đức đạo-sĩ thuyết pháp.
Đức-vua Bồ-tát Duyyodhana truyền lệnh cho các quan dò hỏi để tìm chỗ ở của Đức Phụ-vương đạo-sĩ. Khi biết được chỗ ở của Đức đạo-sĩ, Đức-vua Bồ-tát Duyyodhana cùng các quan ngự đến thăm Đức Phụ-vương đạo-sĩ tại cốc lá nhỏ ở chân núi Candaka gần con sông Kaṇṇaveṇṇā. Khi ấy, Đức Long-vương Saṅkhapāla cùng với nhóm tùy tùng thuộc hạ đang ngồi nghe Đức đạo-sĩ thuyết pháp.
Nhìn thấy Đức-vua Bồ-tát Duyyodhana cùng các quan ngự đến, Đức Long-vương Saṅkhapāla đảnh lễ Đức đạo-sĩ, rồi cùng nhóm tuỳ tùng đông đảo xin phép trở về cõi long-cung chỗ ở của mình.
Đức-vua Bồ-tát Duyyodhana đảnh lễ Đức Phụ-vương đạo-sĩ, rồi ngồi một chỗ hợp lẽ, vấn an sức khoẻ của Đức Phụ-vương đạo-sĩ xong bạch hỏi rằng:
– Kính bạch Đức Phụ-vương, vừa rồi Đức-vua nước nào đã ngự đến đây nghe Đức Phụ-vương thuyết pháp vậy?
– Này Hoàng-nhi! Đức-vua ấy là Đức Long-vương Saṅkhapāla từ cõi long-cung, thỉnh thoảng ngự đến nghe Phụ-vương thuyết pháp.
Nghe Đức Phụ-vương truyền bảo như vậy, Đức-vua Bồ-tát Duyyodhana có ý nguyện muốn trở thành Đức Long-vương. Cho nên, sau khi hồi cung, Đức-vua Bồ-tát truyền lệnh lập ra bốn trại bố-thí tại 4 cửa thành để tế độ những người nghèo khổ, những khách qua đường, và giữ gìn ngũ-giới, thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, rồi phát-nguyện rằng:
“Do nhờ đại-thiện-nghiệp này, xin kiếp sau trở thành Đức Long-vương.”
Thật vậy, Đức-vua Bồ-tát Duyyodhana sau khi băng hà, do năng lực lời phát-nguyện, nên đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh làm kiếp Đức Long-vương Saṅkha-pāla trị vì cõi long cung, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung.
Qua một thời gian, Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkha-pāla cảm thấy nhàm chán những sự an-lạc trong ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục) mà muốn tái-sinh trở lại làm người trong cõi người, để thuận lợi tạo các pháp-hạnh ba-la-mật. Cho nên, Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla phát-nguyện thọ trì bát-giới uposathasīla tại cõi long cung.
Sau khi Đức-Bồ-tát Long-vương đã phát-nguyện thọ trì bát-giới uposathasīla xong rồi, nhưng không thể giữ gìn bát-giới uposathasīla cho được trong sạch hoàn toàn và đầy đủ được, bởi vì các hoàng-hậu, các long-nữ đến quấy rầy. Vì vậy, Đức-Bồ-tát Long-vương rời khỏi cõi long cung xuất hiện lên cõi người, tìm đến chỗ gò mối gần con sông Kaṇṇaveṇṇā để thọ trì bát-giới uposathasīla.
Sau khi thọ trì bát-giới uposathasīla, Đức-Bồ-tát Long-vương thành tâm phát-nguyện rằng:
“Tôi quyết tâm giữ gìn bát-giới uposathasīla cho được trong sạch hoàn toàn và đầy đủ trọn vẹn tám điều-giới, dù phải hy sinh sinh-mạng, tôi vẫn quyết tâm không để đứt điều-giới nào.
* Nếu những người nào cần đến da của tôi, thì những người ấy hãy lột da của tôi.
* Nếu những người nào cần đến thịt của tôi, thì những người ấy hãy lóc thịt của tôi.
* Nếu những người nào cần đến xương của tôi, thì những người ấy hãy lấy xương của tôi, v.v…
Dù cho thế nào tôi vẫn giữ gìn đại-thiện-tâm trong sạch, không để cho ác-tâm phát sinh, quyết tâm giữ gìn bát-giới uposathasīla cho được hoàn toàn trong sạch và đầy đủ trọn vẹn.”
Sau khi phát-nguyện xong, Đức-Bồ-tát Long-vương nằm khoanh tròn quanh gò mối ấy, thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla vào ngày 14, 15 và ngày 29, 30 cuối tháng đủ hằng tháng (nếu tháng thiếu thì vào ngày 28, 29). Đức-Bồ-tát Long-vương thường ngự trở về cõi long cung vào ngày hôm sau của những ngày giới.
Một hôm, sau khi đã thọ trì bát-giới uposathasīla xong, Đức-Bồ-tát Long-vương nằm khoanh tròn quanh gò mối, giữ gìn bát-giới uposathasīla. Khi ấy, nhóm 16 người con của những người thợ săn thú rừng mang khí giới dẫn nhau vào rừng săn thú. Hôm ấy, chúng nó không giết được con thú nào, dẫn nhau trở về tay không, đến gò mối, nhìn thấy Đức-Bồ-tát Long-vương đang nằm khoanh tròn quanh gò mối giữ gìn bát-giới uposathasīla; chúng nó bàn tính với nhau rằng:
– Chúng ta nên bắt con Long-vương này để ăn thịt, nhưng con Long-vương này to lớn có sức mạnh và có chất độc dữ dội. Nếu chúng ta đụng đến nó thì nó sẽ bò đi mất, cho nên chúng ta đồng phóng lao cùng một lúc, để làm cho nó bị thương mất sức lực, khi ấy chúng ta mới có thể tiến gần đến bắt nó được.
Bàn tính xong, bọn chúng mỗi đứa cầm lao phóng vào thân mình của Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla.
Đức-Bồ-Tát Hy Sinh Sinh-Mạng Giữ Gìn Giới
Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla nghĩ rằng:
“Hôm nay, lời phát-nguyện của ta sẽ được thành tựu, ta sẽ hy sinh sinh-mạng, để giữ gìn bát-giới uposathasīla cho được trong sạch hoàn toàn và đầy đủ trọn vẹn.”
Cho nên, Đức-Bồ-tát Long-vương nhẫn-nại chịu đựng nỗi đau đớn cùng cực mà không hề phát sinh tâm sân, quyết tâm giữ gìn bát-giới uposathasīla cho được trong sạch hoàn toàn và đầy đủ trọn vẹn tám điều-giới.
Nhìn thấy Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla vẫn nằm yên một chỗ, chúng tiến đến gần nắm cái đuôi đập mạnh xuống mặt đất, rồi chúng lấy lưỡi giáo đâm dài theo thân mình của Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla tám lỗ, lấy sợi dây mây xâu vào tám lỗ cột thành vòng và đâm vào lỗ mũi, xỏ dây mây vào lỗ mũi cột chặt. Chúng xỏ tám cái đòn vào tám vòng mây, mỗi bên tám đứa khiêng Đức-Bồ-tát Long-vương từ gò mối đi ra con đường.
Đức-Bồ-tát Long-vương vẫn nhắm đôi mắt, cái đầu gục xuống chạm đất, chúng khiêng kéo lê Đức-Bồ-tát Long-vương làm cho cái đầu bị chà xát trên mặt đường.
Đức-Bồ-Tát Long-Vương Saṅkhapāla Tạo Pháp-Hạnh Giữ-Giới Ba-La-Mật Bậc Thượng
Thật ra, Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla có nhiều oai lực và nhiều phép mầu biến hóa phi thường. Nếu khi ấy Đức-Bồ-tát Long-vương nổi giận thì phun lửa ra có thể làm thiêu hủy phạm vi rộng lớn, và chất độc vô cùng khủng khiếp của Đức-Bồ-tát Long-vương có thể tàn sát các đối phương một cách chớp nhoáng, còn nhóm 16 đứa con của những người thợ săn này có đáng gì đâu! Song vì Đức-Bồ-tát Long-vương đã có lời phát-nguyện bố-thí sinh-mạng để giữ gìn bát-giới uposathasīla gọi là tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc thượng, cho nên, Đức-Bồ-tát Long-vương nhẫn-nại chịu đựng nỗi đau đớn cho đến chết, mà không hề phát sinh tâm sân. Khi ấy, trưởng giả Āḷāra là một lái buôn giàu có trong kinh-thành Mithilā nước Videha, đang ngồi trên chiếc xe sang trọng dẫn đầu 500 cỗ xe chở hàng hóa đi bán xứ khác. Nhìn thấy nhóm 16 đứa con của các người thợ săn trong xóm nhà Paccanta, đang khiêng Đức-Bồ-tát Long-vương, Ông trưởng giả Āḷāra bước xuống xe đến hỏi chúng rằng:
– Này các ngươi! Các ngươi khiêng Đức Long-vương này đi đâu? Để làm gì?
– Kính thưa ông trưởng giả lái buôn, chúng tôi khiêng con Long-vương này về xóm nhà Paccanta của chúng tôi, rồi chúng tôi sẽ giết con Long-vương này để ăn thịt, thịt con Long-vương này ngon lắm!
Nghe chúng nói như vậy, ông trưởng giả Āḷāra lái buôn liền trao đổi với chúng nó rằng:
– Này các ngươi! Ta sẽ ban cho các ngươi mỗi người một gói vàng ròng, một chiếc xe bò chở đầy hàng hóa, vải, mền, còn ban cho vợ các ngươi những đồ trang sức quý giá nữa, với điều kiện là các ngươi hãy thả Đức Long-vương này được sống tự do, ngự trở về cõi long cung.
Tuy chúng nó thèm ăn thịt Đức-Bồ-tát Long-vương, nhưng khi nghe ông trưởng giả lái buôn giàu có ban cho nhiều của cải quý giá nhiều như vậy, cho nên, chúng nó đồng ý ngay.
Chúng đặt Đức-Bồ-tát Long-vương nằm xuống mặt đất, xin nhận tất cả số của cải từ ông trưởng giả Āḷāra lái buôn giàu có ban cho. Chúng đi được một đoạn đường, rồi đứng lại một nơi kín, bởi vì chúng nghĩ rằng:
“Con Long-vương ấy bị thương nặng như vậy, chắc chắn nó sẽ chết, chúng ta đứng chờ ở đây, rồi khiêng nó đem về ăn thịt.”
Sau khi nhóm 16 người con của các thợ săn đi rồi, ông trưởng giả Āḷāra lái buôn lấy con dao bén cắt từng sợi dây mây cột trên thân hình của Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla, nhẹ tay rút ra từng sợi dây, rồi thả Đức-Bồ-tát Long-vương được tự do, thóat khỏi chết.
Đức-Bồ-tát Long-vương đã bị nhiều thương tích nên sức yếu, bò đi một cách mệt nhọc, ông trưởng giả Āḷāra lái buôn đi theo sau tiễn đưa Đức-Bồ-tát Long-vương cho đến bờ sông Kaṇṇaveṇṇā. Bò xuống sông được một khoảng, Đức-Bồ-tát Long-vương ngẩng đầu lên cám ơn ông trưởng giả Āḷāra lái buôn đã cứu sống mình.
Đức-Bồ-tát Long-vương ngự trở về cõi long cung, liền sau đó, Đức-Bồ-tát Long-vương cùng với đoàn tùy tùng đông đảo xuất hiện lên cõi người tìm ông trưởng giả Āḷāra lái buôn.
Khi ấy, ông trưởng giả Āḷāra lái buôn vẫn đang còn đứng tại bờ sông Kaṇṇaveṇṇā, Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla liền tán dương ca tụng ân đức của ông trưởng giả Āḷāra lái buôn rằng:
– Kính thưa Ngài trưởng giả Āḷāra, Ngài như là cha mẹ của tôi, Ngài là người đã cứu sống tôi, Ngài là người bạn tốt của tôi. Tôi còn sống như thế này là nhờ ơn Ngài cứu sống.
Tôi thành tâm kính mời Ngài đến cõi long cung của tôi, nơi ấy có vật thực ngon lành, có đầy đủ các ngũ dục, có các cảnh đẹp như cõi Đức-vua-trời Vāsava (Sakka).
Nghe Đức-Bồ-tát Long-vương diễn tả cõi long cung, ông trưởng giả Āḷāra cũng muốn biết cõi long cung nên nhận lời mời ngay.
Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla thỉnh ông trưởng giả Āḷāra xuống tại long cung do oai lực của Đức-Bồ-tát Long-vương, rồi thỉnh ông trưởng giả lên ngồi trên ngai vàng, bởi vì ông trưởng giả Āḷāra được tôn là bậc đại-ân-nhân. Đức-Bồ-tát Long-vương kính dâng 300 bà Hoàng-hậu của mình để phục vụ ông trưởng giả Āḷāra.
Ông trưởng giả Āḷāra hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung suốt một năm. Sau đó, ông thưa với Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla rằng:
– Tâu Đức Long-vương Saṅkhapāla kính mến, Ngài đã ban cho tôi được hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung suốt một năm. Nay, tôi muốn xin từ giã Đức Long-vương trở lại cõi người, bởi vì, tôi có ý nguyện muốn xuất-gia trở thành đạo-sĩ.
Nghe ông trưởng già Āḷāra thưa như vậy, biết không thể thỉnh mời ở lại thêm được nữa, Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla dâng các thứ vật dụng cần thiết đến ông trưởng giả Āḷāra để xuất gia trở thành đạo-sĩ. Đức-Bồ-tát Long-vương cùng đoàn tùy tùng theo tiễn đưa ông trưởng giả Āḷāra từ cõi long cung trở lại cõi người.
Ông trưởng giả Āḷāra đi vào rừng núi Himavanta (Hy-mã-lạp-sơn) xuất gia trở thành đạo-sĩ, hành đạo suốt thời gian lâu.
Về sau, vị đạo-sĩ Āḷāra đi ra khỏi rừng núi Himavanta du hành đến kinh-thành Bārāṇasī, nghỉ tại vườn thượng uyển của Đức-vua Bārāṇasī. Buổi sáng, vị đạo-sĩ đi vào kinh-thành khất thực, đi ngang qua cửa cung điện của Đức-vua Bārāṇasī.
Khi ấy, Đức-vua Bārāṇasī nhìn thấy vị đạo-sĩ Āḷāra với dáng đi nghiêm chỉnh, liền phát sinh đức-tin nơi vị đạo-sĩ. Đức-vua truyền lệnh các quan đi thỉnh mời vị đạo-sĩ vào cung điện. Đức-vua thỉnh vị đạo-sĩ ngồi trên chỗ cao quý, còn Đức-vua ngồi chỗ thấp, rồi đảnh lễ vị đạo-sĩ. Đức-vua tự tay cúng dường những món vật thực ngon lành. chặt chẽ và ngay ngắn
Sau khi vị đạo-sĩ Āḷāra độ vật thực xong, Đức-vua đảnh lễ vị đạo-sĩ rồi ngồi một chỗ hợp lẽ bèn bạch rằng:
– Kính bạch vị đạo-sĩ, Ngài có sắc thân đẹp đẽ, có đôi mắt trong sáng, Trẫm nghĩ rằng:
Ngài thuộc dòng dõi cao quý hoặc gia đình giàu sang phú quý. Vậy do nguyên nhân nào mà Ngài từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành vị đạo-sĩ như vậy? Thưa Ngài.
Nghe Đức-vua hỏi như vậy, vị đạo-sĩ Āḷāra tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, Bậc cao thượng trong thần dân thiên hạ, do trước đây bần đạo tận mắt nhìn thấy cõi long-cung của Đức Long-vương Saṅkhapāla, và bần đạo cũng đã hưởng mọi sự an-lạc tại cõi long-cung ấy.
Cõi long-cung là quả được phát sinh do đại-thiện-nghiệp của Đức Long-vương. Đó là nguyên nhân mà bần đạo tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, cho nên, bần đạo từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, để được thuận lợi thực-hành mọi thiện-nghiệp.
Nghe vị đạo-sĩ tâu như vậy, Đức-vua Bārāṇasī bạch hỏi rằng:
– Kính bạch vị đạo-sĩ cao quý, Trẫm tin chắc chắn rằng Ngài không nói dối vì mục đích nào khác.
Vậy, Trẫm xin Ngài tường thuật lại sự thật cho Trẫm nghe, do nguyên nhân nào mà Ngài tận mắt nhìn thấy cõi long-cung và Ngài đã hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long-cung ấy, để cho Trẫm cũng tin nơi nghiệp và quả của nghiệp.
Vị đạo-sĩ tường thuật lại rằng:
– Tâu Đại-vương, trước khi trở thành đạo-sĩ như thế này, bần đạo vốn là một người lái buôn giàu có ở kinh-thành Mithilā trong nước Videha. Một hôm, bần đạo ngồi trên chiếc xe dẫn đầu 500 cỗ xe chở đầy hàng hóa đem bán xứ khác. Trên đường đi, bần đạo gặp nhóm 16 người con của những người thợ săn đang khiêng Đức Long-vương Saṅkhapāla có thân hình to lớn, bần đạo bèn hỏi chúng nó rằng:
“- Này các ngươi! Các ngươi khiêng Đức Long-vương có thân hình to lớn này đi đâu? Để làm gì?”
Chúng nó thưa rằng:
“- Kính thưa ông trưởng giả lái buôn, chúng tôi khiêng con Long-vương này về xóm nhà Paccanta của chúng tôi, rồi chúng tôi sẽ giết nó để ăn thịt, thịt con Long-vương này ngon lắm!”
– Tâu Đại-vương, khi nghe chúng nó nói vậy, bần đạo nhìn thấy Đức Long-vương Saṅkhapāla đau đớn, kiệt sức vì bị nhiều thương tích, liền phát sinh tâm bi muốn cứu giúp Đức Long-vương thóat khỏi tai nạn, khỏi bị giết chết, nên bần đạo xin trao đổi với chúng nó rằng:
“Ta sẽ ban cho các ngươi mỗi người một gói vàng ròng, một chiếc xe bò chở đầy hàng hóa, vải, mền,… còn ban cho vợ các ngươi những đồ trang sức quý giá nữa, với điều kiện là các ngươi hãy thả Đức Long-vương này được sống tự do, ngự trở về cõi long cung.”
Tuy chúng nó thèm ăn thịt Đức Long-vương, nhưng khi nghe bần đạo ban cho chúng nó nhiều của cải quý giá như vậy, cho nên, chúng đồng ý ngay.
Chúng nó đặt Đức Long-vương nằm xuống mặt đất, rồi nhận tất cả của cải mà bần đạo đã ban cho. Chúng nó vui mừng sung sướng trở về nhà.
Bần đạo tự tay cắt từng sợi dây mây xâu qua thân mình của Đức Long-vương, nhẹ tay rút từng sợi dây mây ra khỏi thân mình của Đức Long-vương. Khi ấy, Đức Long-vương Saṅkhapāla được hoàn toàn tự do, bò về hướng đông đến con sông Kaṇṇaveṇṇā một cách vất vả vì đau đớn và kiệt sức.
Bần đạo đi theo sau tiễn đưa Đức Long-vương cho đến bờ sông Kaṇṇaveṇṇā. Đức Long-vương Saṅkhapāla bò xuống nước một khoảng rồi ngẩng đầu lên cám ơn, rồi từ giã bần đạo ngự trở về cõi long-cung.
– Tâu Đại-vương, sau khi trở về cõi long-cung không lâu, Đức Long-vương Saṅkhapāla cùng đoàn tùy tùng đông đảo xuất hiện lên cõi người tìm bần đạo. Khi ấy, bần đạo đang còn ở bờ sông Kaṇṇaveṇṇā, Đức Long-vương đứng trước bần đạo nói những lời dịu dàng ngọt ngào nghe êm tai rằng:
“Kính thưa Ngài Āḷāra, Ngài như là cha mẹ của tôi, Ngài thật sự là người bạn tốt thân thiết nhất của tôi. Sở dĩ tôi còn sống đến bây giờ là nhờ ơn Ngài đã cứu sống.
Kính thưa Ngài Āḷāra, tôi thành kính mời Ngài đến thăm cõi long cung của tôi. Ngài có thể hưởng được mọi sự an-lạc trong cõi long cung, cũng như cõi trời của Đức-vua Vāsava (Sakka), cõi Tam-thập-tam-thiên.”
– Tâu Đại-vương, bần đạo đã nhận lời mời, rồi Đức Long-vương mời bần đạo xuống cõi long-cung do oai lực của Đức Long-vương.
Cõi long-cung thật là kỳ diệu, những lâu đài toàn là bằng vàng nguy nga lộng lẫy, được trang hoàng bằng các thứ ngọc như ngọc maṇi, ngọc bích,… có nhiều hồ nước xinh đẹp, các long-nam, long-nữ đều có vẻ đẹp kiều diễm từng đoàn đờn ca hát múa hát vui vẻ.
– Tâu Đại-vương, Đức Long-vương dẫn bần đạo lên lâu đài bằng vàng nguy nga lộng lẫy, được trang hoàng bằng các thứ ngọc, mời bần đạo ngồi trên ngai vàng, rồi Đức Long-vương thưa rằng:
“Kính thưa Ngài Āḷāra, tôi kính trọng Ngài như cha mẹ của tôi, tôi xin kính nhường ngôi báu này cho Ngài, và cũng xin nhường 300 hoàng-hậu của tôi đến phục vụ, hầu hạ Ngài”.
– Tâu Đại-vương, bần đạo hưởng mọi sự an-lạc tại cõi long-cung được một năm. Trong dịp ấy, bần đạo có đàm thoại với Đức Long-vương Saṅkhapāla.
Nay, bần đạo xin thuật lại cuộc đàm thoại ấy:
– “Tâu Đức Long-vương Saṅkhapāla, Ngài có được cõi long cung này bằng cách nào? Chính Ngài tự tạo nên hay là chư-thiên hóa ra rồi ban cho Ngài?
Đức Long-vương Saṅkhapāla truyền bảo rằng:
– Kính thưa Ngài Āḷāra, Trẫm có được cõi long cung này không phải Trẫm tự tạo nên, cũng không phải do chư-thiên hóa ra rồi ban cho Trẫm. Sự thật, Trẫm đang hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung này, đó là quả của đại-thiện-nghiệp mà tiền-kiếp của Trẫm đã tạo.
– Tâu Đức Long-vương, đại-thiện-nghiệp mà tiền-kiếp của Ngài đã tạo như thế nào? Nay, kiếp hiện-tại, Ngài được hưởng mọi sự an-lạc trong cõi-long cung to lớn đẹp đẽ như thế này?
– Kính thưa Ngài Āḷāra, tiền-kiếp của Trẫm là Đức-vua Duyyodhana ngự tại kinh-thành Rājagaha trị vì nước Magadha, có nhiều quyền lực.
Một hôm, Trẫm suy xét thấy rõ sinh-mạng con người là ngắn ngủi, vô thường, luôn luôn có sự biến đổi, Trẫm tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, muốn làm phước-thiện bố-thí, cho nên, Trẫm truyền lệnh xây dựng bốn trại bố-thí tại bốn cửa kinh-thành, Trẫm truyền lệnh xuất tiền của trong kho đem bố-thí đến những người nghèo khổ.
Mỗi ngày, Trẫm tự mình đến trại bố-thí, ban của cải tiền bạc đến những người nghèo khổ.
Hằng ngày, thỉnh mời các Sa-môn, Bà-la-môn đến cung điện, Trẫm tự tay dâng lễ cúng dường những món vật thực, và các thứ vật dụng cần thiết đến các Sa-môn, Bà-la-môn một cách cung kính.
Đó là đại-thiện-nghiệp mà tiền-kiếp của Trẫm đã tạo cho đến trọn kiếp ấy. Lúc lâm chung, Trẫm phát sinh tâm mong muốn trở thành Đức Long-vương trong cõi long-cung, cho nên, sau khi Trẫm băng hà, tâm tham-ái dắt dẫn đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh làm Đức Long-vương tên Saṅkhapāla trong cõi long-cung này.
– Tâu Đức Long-vương Saṅkhapāla, Ngài có sức mạnh phi thường, có phép-thần-thông biến hóa, có chất độc khủng khiếp, còn nhóm 16 người con những người thợ săn kia không có sức mạnh, không có phép thuật gì. Tại sao Ngài lại để nhóm 16 đứa trẻ ấy hành hạ Ngài, rồi chúng định giết Ngài, để ăn thịt như vậy?
– Kính thưa Ngài Āḷāra, thật ra, Trẫm có sức mạnh phi thường, có phép-thần-thông biến hóa, có chất độc khủng khiếp, còn nhóm 16 đứa trẻ kia không có sức mạnh hơn Trẫm, chúng cũng không có phép thuật gì, nhưng vì hôm ấy là ngày giới uposathasīla mà Trẫm đã thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla, để cho được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn tám điều-giới ấy, dù phải hy sinh sinh-mạng của Trẫm, chứ không để phạm giới, không để đứt giới. Cho nên, Trẫm nhẫn-nại chịu đựng bao nhiêu nỗi khổ thân mà không hề phát sinh tâm sân, nhẫn-nại chịu đựng để bát-giới uposathasīla của Trẫm không bị ô nhiễm, không bị đứt.
Vì vậy, Trẫm chịu để cho nhóm 16 đứa trẻ hành hạ Trẫm, rồi chúng nó định giết Trẫm để ăn thịt. Nhưng may mắn, Trẫm được Ngài đến kịp cứu sống.
– Kính thưa Ngài trưởng giả Āḷāra, Trẫm xuất hiện lên cõi người, để thọ trì bát-giới uposathasīla vào những ngày giới uposathasīla hằng tháng. Đó là ngày 14, 15 và ngày 29, 30 cuối tháng đủ (nếu tháng thiếu vào ngày 28, 29 cuối tháng).
Trong ngày bát-giới ấy, sau khi đã thọ trì bát-giới uposathasīla xong, Trẫm đang nằm khoanh vòng quanh gò mối, để giữ gìn bát-giới uposathasīla.
Nhóm 16 đứa con những người thợ săn thú vào rừng săn thú không được con thú nào, khi chúng trở về, nhìn thấy Trẫm nằm khoanh vòng quanh gò mối, chúng nó mỗi đứa cầm lao phóng vào thân hình Trẫm, làm cho Trẫm kiệt sức, chúng nó xông vào đâm vào thân hình của Trẫm 8 lỗ, rồi lấy dây mây xâu, dùng đòn khiêng ra đường. Khi ấy, Ngài gặp chúng nó, Ngài đã bỏ ra nhiều của cải ra để cứu mạng sống cho Trẫm.
– Tâu Đức Long-vương, Ngài là bậc có sức mạnh phi thường, có thần thông tự nhiên, có địa vị Đức Long-vương cao cả, trị vì trong cõi long-cung này, hưởng mọi sự an-lạc.
Vậy, thấy sự lợi ích nào mà Ngài xuất hiện lên cõi người, để thọ trì rồi giữ gìn bát-giới uposathasīla, để cho nhóm 16 đứa trẻ hành hạ Ngài và định giết để ăn thịt như vậy?
– Thưa Ngài trưởng giả Āḷāra, Trẫm xuất hiện lên cõi người, để thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla, không phải mong muốn được nhiều của cải tài sản, cũng không phải muốn được sống lâu. Thật ra, Trẫm thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla, vì có ý nguyện tha thiết muốn được tái-sinh trở lại làm người. Vì vậy, Trẫm nhẫn-nại chịu đựng bao nhiêu nỗi khổ, chỉ quyết tâm giữ gìn bát-giới uposathasīla cho được hoàn toàn trong sạnh và trọn vẹn 8 điều-giới mà thôi.
– Tâu Đức Long-vương, tái-sinh làm người trong cõi người cao thượng như thế nào mà Ngài muốn được tái-sinh làm người như vậy?
– Thưa Ngài trưởng giả Āḷāra, tái-sinh làm người trong cõi người rất cao thượng, bởi vì chỉ có con người mới có cơ hội tạo đầy đủ các pháp-hạnh ba-la-mật mà thôi. Chỉ có con người mới có khả năng trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, hoặc trở thành Đức-Phật Độc-Giác, hoặc trở thành bậc Thánh Tối-thượng Thanh-văn-giác, hoặc trở thành bậc Thánh Đại-Thanh-văn-giác mà thôi.
Ngoài con người trong cõi người ra, chúng-sinh trong các cõi khác không thể có được những địa vị cao cả ấy. Nếu Trẫm được tái-sinh trở lại làm người, thì Trẫm sẽ tạo các pháp hành ba-la-mật cho sớm được đầy đủ trọn vẹn.
– Tâu Đức Long-vương, tôi đã từ giã cõi người đến cõi long cung này được một năm rồi. Ngài đã ban cho tôi nhiều ân huệ, tôi đã hưởng được mọi sự an-lạc trong cõi long cung này. Tôi chân thành cảm ơn Ngài, các Hoàng-hậu, các cung phi, các hoàng-tử, các công-chúa cùng các long-nam, long-nữ đã tận tình lo lắng cho tôi rất chu đáo. Tôi thành kính tri ân quý vị.
Bây giờ, tôi xin phép từ giã cõi long cung để trở lại cõi người.
Nghe tâu như vậy, Đức Long-vương hỏi tôi rằng:
– Thưa Ngài trưởng giả Āḷāra, các hoàng-hậu, các cung phi, các hoàng-tử, các công-chúa và các thuộc hạ của tôi, có ai đã hầu hạ phục vụ Ngài không tận tình, hoặc đã làm điều gì để cho Ngài phật ý hay không?
– Tâu Đức Long-vương, các hoàng-hậu, các cung phi, các hoàng-tử, các công-chúa và các thuộc hạ của Ngài đã tận tình lo lắng cho tôi rất chu đáo, họ xem tôi như người thân quyến, nhờ Ngài có lòng thương yêu tôi.
Biết không thể thỉnh mời tôi ở lâu được nữa, Đức Long-vương thưa rằng:
– Kính thưa Ngài trưởng giả Āḷāra, đây là viên ngọc maṇi, báu vật của Trẫm, nó có khả năng đặc biệt giúp Trẫm thành tựu được những thứ của cải như ý.
Bây giờ Trẫm xin kính biếu viên ngọc maṇi này đến Ngài, người ân nhân, người bạn thân thiết nhất của Trẫm.
Kính xin Ngài hoan hỷ thọ nhận viên ngọc maṇi nầy, nó sẽ giúp Ngài thành tựu được những thứ của cải như ý.
Sau khi thành tựu của cải ấy xong, xin Ngài gìn giữ viên ngọc maṇi này bằng cách đặt vào trong bình nước ở trong nhà.
Khi nghe Đức Long-vương thưa như vậy, bần đạo tâu rằng:
– Tâu Đức Long-vương Saṅkhapāla, tôi chân thành cảm ơn Ngài, tôi không muốn các thứ của cải nào khác nữa, khi tôi trở về cõi người, tôi sẽ xuất gia trở thành đạo-sĩ.
Vậy, kính xin Ngài chỉ cần ban cho tôi những thứ vật dụng cần thiết của vị đạo-sĩ mà thôi.”
Sau khi Đức Long-vương Saṅkhapāla ban cho tôi những thứ vật dụng cần thiết của vị đạo-sĩ, rồi Ngài cùng đoàn tùy tùng tiễn đưa tôi trở về cõi người.
– Tâu Đại-vương, bần đạo đã thuật lại cuộc đàm thoại giữa bần đạo với Đức Long-vương Saṅkhapāla như vậy.
Vị đạo-sĩ Āḷāra tâu tiếp với Đức-vua Bārāṇasī rằng:
– Tâu Đại-vương, bần đạo nhận thức thấy rõ sự an-lạc trong cõi người đều là vô thường, vì có sự sinh sự diệt là thường, luôn luôn biến đổi, bần đạo thấy rõ tội lỗi trong ngũ dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục), tin nơi nghiệp và quả của nghiệp. Cho nên, bần đạo từ bỏ nhà, bỏ của cải, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ.
– Tâu Đại-vương, những trái cây già chín, những trái cây còn non đều rụng cả, cũng như người già lẫn những người trẻ cũng đều từ bỏ thân này (chết), rồi tái-sinh kiếp sau như thế nào đều tùy thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.
Bần đạo nhận thức thấy rõ quả báu tốt của sự xuất gia trở thành đạo-sĩ. Cho nên, bần đạo bỏ nhà, bỏ của cải tài sản, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ.
Lắng nghe vị đạo-sĩ Āḷāra thuật lại những sự thật trong cõi long-cung, cuộc đàm thoại giữa trưởng giả Āḷāra (khi chưa trở thành đạo-sĩ) với Đức Long-vương Saṅkhapāla tại cõi long-cung như vậy, Đức-vua Bārāṇasī tán dương ca tụng rằng:
– Kính bạch đạo-sĩ Āḷāra, Ngài là bậc thiện-trí, bậc đa văn túc trí, bậc có trí-tuệ sáng suốt, tin nơi nghiệp và quả của nghiệp. Những người nào có duyên lành được gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, lắng nghe lời chỉ dạy của bậc thiện-trí, những người ấy chắc chắn có được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài ngay trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp vị-lai.
– Kính bạch Ngài đạo-sĩ Āḷāra, Trẫm có diễm phúc được gần gũi thân cận với Ngài, lắng nghe lời dạy của Ngài, và Ngài đã thuật lại những sự thật mà Ngài đã chứng kiến trong cõi long-cung, đặc biệt cuộc đàm thoại giữa Ngài với Đức Long-vương Saṅkhapāla. Trẫm phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ trong lời dạy của Ngài, Trẫm sẽ cố gắng tinh-tấn thực-hành mọi đại-thiện-nghiệp như bố-thí, giữ-giới, … cho đến trọn đời.
Khi ấy, vị đạo-sĩ Āḷāra tâu với Đức-vua Bārāṇasī rằng:
– Tâu Đại-vương, thật vậy, những người nào có duyên lành gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, bậc đa văn túc trí, lắng nghe lời dạy của bậc thiện-trí, những người ấy chắc chắn sẽ được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài ngay trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp vị-lai.
Vị đạo-sĩ Āḷāra trú tại vườn thượng uyển của Đức-vua Bārāṇasī suốt bốn tháng mùa mưa xong. Sau đó, Vị đạo-sĩ trở lại rừng núi Himavanta, tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-định với đề mục tứ vô lượng tâm cho đến trọn đời. Sau khi vị đạo-sĩ Āḷāra chết, sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh lên cõi trời sắc-giới phạm thiên.
Đức-vua Bārāṇasī tinh-tấn thực-hành mọi đại-thiện-nghiệp như bố-thí, giữ-giới, … cho đến trọn đời.
Sau khi Đức-vua băng hà, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh trong cõi thiện-giới: cõi người, sáu cõi trời dục-giới.
Đức-Bồ-tát Long-vương Saṅkhapāla giữ gìn ngũ-giới và thọ trì bát-giới uposalasīla trong những ngày giới hằng tháng cho đến trọn đời.
Sau khi Đức-Bồ-tát Long-vương băng hà, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh làm người như ý nguyện.
Đức-Phật thuyết bài kệ:
“Sūlehi vijjhiyantopi, koṭiyantopi sattīhi. Bhojaputte na kuppāmi, esā me sīlapāramī”.
Ý nghĩa:
Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla, tiền-kiếp của Như-Lai, dù bị nhóm con của những người thợ săn, đâm bằng những lưỡi giáo vào thân mình, dù bị xâu bằng những sợi dây mây khiêng đi, Đức-Bồ-tát vẫn không hề phát sinh tâm sân, Để giữ gìn bát-giới cho được trong sạch và trọn vẹn. Đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc thượng của tiền-kiếp Như-Lai.
Đức-Phật thuyết tích Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkha-pāla, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama xong, các cận-sự-nam, cận-sự-nữ đang thọ trì giữ gìn bát-giới uposalasīla vô cùng hoan hỷ, tinh-tấn thực-hành giữ bát-giới uposala-sīla trong những ngày giới hàng tháng cho đến trọn đời.
Tích Saṅkhapālajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại
Tích Saṅkhapālajātaka này, Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc thượng trong thời quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Saṅkhapālajātaka này liên quan đến kiếp hiện-tại như sau:
– Đức Phụ-vương đạo-sĩ, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa.
– Đức-vua Bārāṇasī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.
– Vị Đạo-sĩ Āḷāra, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
– Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.
Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật
Tóm lược tích Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc thượng, ngoài ra, còn có chín pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng đồng thời thành tựu như sau:
– Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla quyết định hy sinh sinh-mạng để giữ giới, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla quyết định từ bỏ ngai vàng cõi long-cung, lánh xa ngũ-dục, đó là pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla suy xét đúng đắn, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla có đức nhẫn-nại chịu đựng khổ đau mà không phát sinh tâm sân, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla giữ gìn lời chân-thật thọ trì bát-giới, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla phát-nguyện: “người nào cần lấy da,…” đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla có tâm-từ với nhóm 16 người con của những người thợ săn, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla giữ tâm bình thản trong sự khổ và trong nhóm con của những người thợ săn, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.
Đó là 9 pháp-hạnh ba-la-mật phụ khác cũng đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc thượng ấy.
Nhận Xét Về Tích Đức-Bồ-Tát Long-Vương Saṇkhapāla
Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc thượng là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo cho được đầy đủ để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).
Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật đó là tác-ý tâm-sở trong đại-thiện-tâm và ba tiết-chế tâm-sở trong đại-thiện-tâm giữ gìn các điều-giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, để cho thân và khẩu được thanh-tịnh.
Nếu Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác gìn giữ giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, dám hy sinh sinh-mạng chứ không để phạm điều-giới thì gọi là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc thượng.
Đức Long-vương hay còn gọi Rồng Chúa là loài chúng-sinh đặc biệt có nhiều phép-thần-thông tự nhiên do quả của nghiệp (kammavipāka iddhi). Do đó, Đức Long-vương có thể biến hóa ra thành người, hoặc thành loài chúng-sinh nào theo khả năng của mình.
Long-vương có cõi riêng gọi là cõi long-cung, có cung điện, lâu đài, v.v… toàn bằng vàng bạc, các thứ ngọc quý báu… phát sinh do quả của đại-thiện-nghiệp kiếp trước.
Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla trị vì cõi long-cung, có 300 Hoàng-hậu, có nhiều hoàng-tử, công-chúa, có các quan trong triều đình tại long-cung.
Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla rời khỏi cõi long-cung, lánh xa sự an-lạc của ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục), xuất hiện lên cõi người để thọ trì và giữ gìn bát-giới uposalasīla cho được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn tám điều-giới, trong những ngày giới hằng tháng.
Một hôm, Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla bị nhóm 16 người con của những người thợ săn, đâm mũi giáo vào thân mình, rồi xâu bằng sợi dây mây khiêng về xóm nhà, chúng có ý định giết Đức-Bồ-tát Long-vương để ăn thịt. Đức-Bồ-tát Long-vương có đức nhẫn-nại chịu đựng bao nhiêu nỗi khổ cùng cực và chấp nhận hy sinh sinh-mạng, mà không hề phát sinh tâm sân hận, chỉ có đại-thiện-tâm trong sạch để giữ gìn bát-giới uposalasīla cho được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn, với ý nguyện tha thiết muốn tái-sinh trở lại làm người.
Kiếp làm người cao quý như thế nào, mà Đức-Bồ-tát Long-vương Saṇkhapāla có ý nguyện tha thiết muốn tái-sinh trở lại làm người như vậy?
Trong tam-giới gồm có 31 cõi chúng-sinh: 11 cõi dục-giới, 16 cõi sắc-giới và 4 cõi vô-sắc-giới. Trong 31 cõi chúng-sinh, con người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này có nhiều điều thuận lợi hơn các chúng-sinh trong các cõi khác như sau:
* Chư Đức-Bồ-tát trong cõi người này có nhiều cơ-hội tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng, còn các cõi khác không có cơ-hội thuận lợi như cõi người này.
* Chư Đức-Bồ-tát trong cõi người này có khả năng thực-hành phạm-hạnh cao-thượng, có cơ-hội tạo đầy đủ các pháp-hạnh ba-la-mật theo ý nguyện của mình, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác hoặc Đức-Phật Độc-Giác hoặc Bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng Thanh-văn-giác hoặc Bậc Thánh A-ra-hán Đại-Thanh-văn-giác hoặc Đức-vua Chuyển-luân Thánh-vương theo ý nguyện của mình, còn các chúng-sinh ở cõi khác không thể được.
Đức Long-vương cùng các long-nam, long-nữ đều có phép-thần-thông tự nhiên do quả của nghiệp (kamma-vipāka iddhi), có khả năng biến hóa thành người, thành chư-thiên, v.v… nhưng vốn là hạng chúng-sinh vô-nhân (không có ba thiện-nhân: vô-tham, vô-sân, vô-si), nên không thể chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, không thể trở thành bậc Thánh-nhân được.
Dòng giống long (rồng) tuy có khả năng biến hóa ra thành người, hoặc thành các loài chúng-sinh khác, nhưng nếu có một trong năm trường-hợp này thì tự nhiên trở lại kiếp con long của mình như trước.
Năm trường hợp như sau:
1- Thời-kỳ tái-sinh kiếp long.
2- Khi lột lớp da cũ thay bằng lớp da mới.
3- Khi hành dâm cùng với loài long khác phái.
4- Khi nằm ngủ say.
5- Khi chuyển kiếp long (chết).
Đó là 5 trường hợp của tất cả loài long (rồng).
Đức-Phật dạy: “Được sinh làm người là điều khó…”
Nay, chúng ta hiện đang là kiếp người có những cơ hội tốt thuận lợi, để thực-hành mọi thiện-pháp từ dục-giới thiện-pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện-pháp, cho siêu-tam-giới thiện-pháp tuỳ theo khả năng của mình, nhất là cố gắng tinh-tấn tạo các pháp-hạnh ba-la-mật cho sớm đầy đủ trọn vẹn, để làm duyên hỗ trợ cho pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.
(Xong pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc thượng)