Nội Dung Chính
Phần 7 – Giảng Giải Kinh Đế Thích Vấn Đạo
Giảng giải Kinh Đế Thích Vấn Đạo.
Giới thiệu bài kinh.
Câu hỏi của sakka và câu trả lời của đức phật.
Bỏn xẻn (macchariya).
1. GIẢNG GIẢI KINH ĐẾ THÍCH VẤN ĐẠO
(SAKKA-PAÑHA SUTTA)
Sakka trong văn học Phật giáo là tên gọi vị chúa tể hay vua của chư thiên và pañha có nghĩa là hỏi. Như vậy Sakka-pañha sutta là bài kinh nói về sự thịnh vượng của các chúng sanh được Đức Phật thuyết trong hình thức trả lời câu hỏi của vua trời Đế Thích.
Sakka hỏi Đức Phật như sau: “Bạch Đức Thế Tôn, có những chư thiên, con người, a-tu-la, các loài rồng (nāgas), Càn-thát-bà (gandhabbas) các chúng sanh khác. Những chúng sanh này đều mong muốn được sống không có tranh cãi, không có những xung đột, hận thù và buồn giận lẫn nhau. Tuy thế họ lại không thoát khỏi những tai họa này. Những phiền não trói buộc (samyojana – kiết sử) nào khiến cho họ không thể hoàn thành được ước muốn của họ như vậy?”
Chư thiên ở đây hình như muốn tới các vị chư thiên ở cõi Tứ Đại Thiên Vương (Catumahārāja) và cõi Đạo Lợi (Tāvatiṁsā) vì những vị chư thiên này Sakka biết rất rõ. Thiên chúng a-tu-la lúc đầu là kẻ thù của chư thiên cõi Đạo Lợi vì họ thường chiến đấu với nhau như trong Kinh Dhajagga và các bản kinh khác đã đề cập. Trước đây A-tu-la sống ở cõi trời Đạo Lợi nhưng họ thường uống rượu say sưa, nên Sakka nhân lúc họ say rượu đã đẩy họ xuống chân núi Tu-Di (Meru). Nāgas hay Rồng là một loại mãng xà với năng lực thần thông có thể thực hiện những điều kỳ diệu. Càn-thát-bà (Gandhabba) là một loại chư thiên cõi Tứ Đại Thiên Vương xuất sắc về lãnh vực ca múa, âm nhạc và các hoạt động văn hóa khác của cõi chư thiên. Cũng có những Yakkha (Dạ-xoa), một loại chư thiên giống như yêu quái, súc vật và v.v…
Chư thiên, loài người và các chúng sanh khác thuộc cõi dục giới này đều có thiện ý. Họ muốn được thoát khỏi sân hận. Họ không muốn nuôi dưỡng oán thù và hành hạ lẫn nhau hay không muốn trở thành kẻ thù của nhau. Họ cũng không muốn bị bạc đãi hoặc bị tống tiền. Tóm lại, tất cả mọi chúng sanh đều khao khát một cuộc sống an toàn, bình yên, tự do và hạnh phúc. Tuy vậy, họ lại bị vây quanh với bao nguy hiểm, bất hạnh và đau khổ. Phiền não (kilesa) nào khiến cho tình trạng này xảy ra? Ngày nay chúng ta thường nghe những tiếng kêu gào cho hoà bình thế giới và sự thịnh vượng của nhân loại. Thế giới của chúng ta sẽ là một thế giới an vui, hạnh phúc nếu chúng ta thực hiện mục đích này. Nhưng sự thực thì những hy vọng của chúng ta chưa bao giờ trở thành hiện thực và điều này tất nhiên mới đặt ra câu hỏi về nguyên nhân thất bại của chúng ta.
Trong câu trả lời của ngài, Đức Phật đã mô tả Ganh Tỵ (Issā) và Bỏn Xẻn (Macchariyas) như hai phiền não dẫn đến tình cảnh bất hạnh của nhân loại.
Issā là ganh tỵ, nó tạo ra ác tâm đối với những người nổi trội hơn hay xuất sắc hơn chúng ta. Macchariya là bỏn xẻn, nó làm cho chúng ta cảm giác không sẵn lòng để thấy những người khác thành công như chúng ta. Chính hai phiền não Ganh Tỵ và Bỏn Xẻn này làm chúng ta thất vọng và khiến cho những tranh chấp, thù hằn, hiểm nguy và đau khổ phát sanh. Những ai ganh tỵ với một người vì tài sản của anh ta, vì ảnh hưởng của anh ta, hay vì anh ta có nhiều người theo và có địa vị xã hội cao sẽ cảm thấy đau khổ, cho dù lúc nào họ cũng nói về ước muốn bình yên nội tại của mình. Họ đau khổ bởi vì họ nuôi dưỡng những mưu đồ xấu với đối tượng mà họ ganh tỵ. Khỏi cần phải nói, chính cái mưu đồ xấu ấy sẽ trở thành kẻ thù của họ và ngược lại. Nhiều người đau khổ vì sự ganh tỵ của họ và chắc chắn thói ganh tị này sẽ khiến họ phải chịu đau khổ vô phương cứu chữa suốt những kiếp luân hồi của họ.
Còn macchariya hay bỏn xẻn sẽ đưa đến xung đột bất chấp mong ước của bạn là muốn tránh nó. Bạn bực mình khi thấy ai đó lấy hay sử dụng tài sản của bạn. Bạn tức tối vì sự quan hệ mật thiết giữa người bạn yêu thương với người khác; điều này được nhận thấy rõ ở các cặp vợ chồng. Các viên chức chính phủ thường không vui khi họ phải đối diện với viễn cảnh quyền lực của họ bị chuyển giao sang người khác. Vì thế bỏn xẻn làm phát sanh thù hận, hiểm nguy, lo lắng và đau khổ.
Có thể tóm tắt câu trả lời của Đức Phật như sau: nhân căn để của ganh tỵ và bỏn xẻn là những trần cảnh chúng ta thích hay không thích và những suy nghĩ lan man của chúng ta về chúng. Cách chữa là cố gắng quan sát mọi hiện tượng phát sanh từ sáu giác quan, tránh những tư duy bất thiện và nuôi dưỡng những tư duy thiện.
Như vậy, đây là cốt lõi của bài kinh.
2. GIỚI THIỆU BÀI KINH
Phần giới thiệu của bài kinh sẽ nói cho chúng ta biết bài kinh này được thuyết ở đâu, lý do thuyết kinh, thuyết cho ai, và ai là người thuyết. Vì thế nó được dùng để xác nhận tính xác thực của giáo pháp Đức Phật. Không có nó nguồn gốc của bài kinh sẽ bị đặt nghi vấn như trong trường hợp của Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka), vốn không có phần giới thiệu như vậy.
Vi-Diệu-Pháp (Abhidhamma) được Đức Phật thuyết trên cõi trời Đạo Lợi (Tāvatimsā). Tại đó, hàng ngày Đức Phật đi xuống Hy-mã-lạp-sơn (Himalayan) khất thực và nghỉ trưa, để lại Hoá Thân (Nimmitta Buddha) của ngài tiếp tục thuyết pháp một cách đều đặn. Đức Phật thuật lại cho Trưởng Lão Xá-lợi-phất phần tóm tắt của Vi-Diệu-Pháp mà ngài đã giảng trong ngày hôm đó (trên cõi trời). Rồi bậc tướng quân chánh pháp lại giảng nó cho năm trăm vị đệ tử của ngài. Do đó, Vi-Diệu-Pháp (Abhidhamma) được người ta gán cho là của ngài Xá-lợi-phất, tuy nhiên như chú giải nói, vì ngài được nghe nó từ nơi Đức Phật, nên nó vẫn là lời dạy của Đức Phật. Tạng Vi-Diệu-Pháp (Abhidhamma Piṭaka) không có phần giới thiệu như “Evaṁ me sutaṁ — Tôi nghe như vầy”. Vì vậy theo chú giải, một số người không chấp nhận nó như lời dạy chính thống của Đức Phật.
Để hàng hậu thế không có sự hoài nghi về tính xác thực của giáo pháp Đức Phật, hầu hết các bậc thánh tham dự kỳ Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Nhất đã chấp nhận những lời giới thiệu dựa trên phần vấn đáp giữa các bậc Trưởng Lão lãnh đạo của đại hội. Với những ngoại lệ là Dhamma Pāda (Pháp Cú) và một vài bản kinh khác.
Phần giới thiệu của bài Kinh Đế Thích Vấn Đạo (Sakka-Pañha Sutta) quả là tuyệt vời, nó làm cho bản kinh có được ấn tượng sâu sắc và nhấn mạnh đến cốt lõi của lời dạy Đức Phật. Để ghi lại một sự kiện quan trọng như vậy, Đại Trưởng Lão Ca-diếp đã hỏi Tôn-giả Anandā bài kinh này được thuyết ở đâu, thuyết cho ai và nhân duyên bài kinh được thuyết, Tôn-giả Anandā đã trả lời như sau:
Một lần nọ Đức Phật đang trú ngụ trong một hang động nằm ở phía đông kinh thành Vương Xá (Rājagaha) của nước Ma-kiệt-đà. Lúc bấy giờ thiên chủ Đế-Thích (Sakka) đến tìm gặp Đức Phật. Đế-Thích đã từng thấy Đức Phật trong cái đêm ngài thành đạo và một lần khác tại Kỳ-Viên Tịnh Xá ở Sāvatthi (Xá-vệ). Vì lúc ấy, về phương diện tâm linh, Đế-Thích vẫn chưa chín muồi, Đức Phật không cho ông cơ hội hỏi đạo. Hôm nay Đế-Thích quyết định đi gặp Đức Phật cùng với đoàn chư thiên tuỳ tùng của mình vì ông hy vọng được nghe pháp mà (ông nghĩ) Đức Phật có thể thuyết giảng đến một người nào đó đáng được giải thoát trong số những tuỳ tùng của ông. Tuy nhiên phần lớn thì chính do nỗi sợ chết đã đánh thức ước muốn mãnh liệt muốn đi gặp Đức Phật mà thôi. Do biết được ngày tận mạng của mình đang đến gần nên Đế-Thích nôn nóng muốn có một chỗ dựa cho sự giải thoát của mình.
Khi một vị trời sắp chết, có năm dấu hiệu xuất hiện: (1) vòng hoa trên đầu héo úa. (2) y phục trở nên dơ bẩn và sờn mòn. (3) Chư thiên thường không ra mồ hôi, nhưng khi sắp chết thì mồ hôi từ nơi nách đổ ra. (4) Vẻ trẻ trung của họ nhường chỗ cho những dấu hiệu của tuổi già. Và (5) Trong tuần lễ cuối của kiếp chư thiên họ trở nên chán sống. Sau khi thấy năm tướng này xuất hiện, Sakka nghĩ đến cái chết sắp xảy ra của mình và cảm thấy chán nản. Để vượt qua tình trạng chán nản này ông quyết định đi gặp Đức Phật để được nghe Pháp. Và ngay lập tức ông xuất hiện cùng với đoàn tuỳ tùng của mình gần nơi cư ngụ của Đức Phật.
Theo chú giải bộ Thanh Tịnh Đạo thì Đế Thích (Sakka) và đoàn tuỳ tùng của ông chỉ mất thời gian không hơn một cái co duỗi tay để di chuyển từ cõi trời Đạo Lợi đến xứ Ma-kiệt-đà. Như Mahātikas nói, các hiện tượng sanh ở nơi nào thì diệt tại nơi ấy. Chúng không diệt ở nơi khác. Người hành thiền quan sát sự co và duỗi (của chân tay) theo phương pháp Tứ Niệm Xứ sẽ biết rõ sự diệt của hiện tượng vài lần trong một khoảnh khắc. Ví như hiện tượng tâm vật lý sanh và diệt tức thời như thế nào, các vị chư thiên cũng đi đến xứ Ma-kiệt-đà qua dòng sanh diệt nối tiếp nhau của danh-sắc trong một phần giây như vậy. Điều này là do năng lực thần thông của chư thiên gọi là kammajiddhi (thần thông do nghiệp sanh), loại thần thông cho chư thiên một tốc độ nhanh hơn tốc độ của hoả tiễn hay phi thuyền thời hiện đại.
Đế Thích (Sakka) trước tiên muốn tìm sự cho phép của Đức Phật cho cuộc viếng thăm của mình. Vì thế ông bảo thiên tử Pañcasikha đi trước và khám phá xem liệu Đức Phật có đồng ý tiếp đón ông hay không. Trong lời nói của Đế Thích (Sakka) có từ ‘pasadeyyāsi’ mà nghĩa đen của nó là ‘làm cho một người vui thích’. Theo chú giải, câu đó có nghĩa là ‘làm hài lòng một người và tìm sự đồng ý của họ’. Đây là một thành ngữ Pāḷi mà những người Ấn cổ thường sử dụng trong cách nói lịch thiệp của họ. Nó hơi giống như câu nói của chó rừng với thớt voi trong tác phẩm “Hitopadesa” tiếng Sanskrit. Trong tác phẩm ấy chó rừng nói, “Thưa Chủ! Làm ơn hãy có con mắt sáng suốt”, có nghĩa là “Xin ngài hãy vui lòng giúp tôi hay xin ngài hãy cho tôi một ân huệ”.
Như vậy, làm đúng theo yêu cầu của Thiên chủ Đế-thích, Pañcasikha đã đi đến chỗ cư ngụ của Đức Phật và kính cẩn đứng cách Đức Thế Tôn ở một khoảng thích hợp, ông chơi cây đàn Hạc của mình và hát những bài ca ca ngợi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng và các bậc thánh A-la-hán. Chắc hẳn là Đức Phật sẽ không tán thành cái cách thể hiện sự kính trọng ngài với những bài hát và âm nhạc của vị thiên tử này hơn gì sự tán thành của ngài đối với một số Phật tử Miến thời hiện đại đã làm khi tụng những bài kinh Pāḷi một cách du dương, tổ chức những lễ hội hoành tráng ở chùa tháp, giết các con vật để đãi ăn trong các dịp lễ, và v.v… những cách thực hành làm tổn hại đến Phật Giáo. Tuy nhiên Đức Phật không nói gì, vì ngài biết rằng cuộc đối thoại của ngài với thiên chủ Đế-thích sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người. Một số bài ca của Pañcasikha là sự tiêu biểu của nhục dục. Vì những bài ca ấy nói lên sự đam mê đắm đuối của ông đối với một nàng thiên nữ xinh đẹp, người đã khiến cho ông gần như điên dại.
Sự thất tình của ông chỉ ra cho thấy rằng cõi trời không bảo đảm thoả mãn hết mọi ước vọng của ông và đời sống của một vị thiên tử không phải lúc nào cũng là một thảm hoa hồng dễ chịu, thoải mái. Những bài ca của ông còn chứa đựng những ám chỉ đến Đức Phật, bậc Ứng Cúng (Arahant) và những thiện sự mà ngài đã làm trên thế gian. Ông vói về đức bồ tát như người luôn luôn có chánh niệm, an trú trong thiền và khuynh hướng về Niết Bàn.
Ở đây thiền (jhāna) có nghĩa là quan sát và đối tượng mà nó quan sát có thể là đối tượng thuộc thiền định hay nó cũng có thể là bản chất vô thường, khổ, và vô ngã của thân và tâm. Sau khi từ bỏ lối tu khổ hạnh (tự hành hạ thân xác mình) đức bồ-tát đành phải sử dụng lại pháp niệm hơi thở và đắc thiền. Những thiền chứng này tập trung trên một đối tượng duy nhất và có thể kéo dài nhiều giờ. Nhờ sức mạnh của thiền đức bồ-tát, trong canh đầu của đêm khi ngồi dưới cây Bồ Đề, đã đắc được trí nhớ về các tiền kiếp hay túc mạng thông trí (pubbenivāsañāṇa). Canh giữa ngài đắc thiên nhãn thông (dibba-cakkhu) cho ngài khả năng thấy sự diệt và sanh của tất cả chúng sanh trong vũ trụ. Trong canh cuối của đêm đức bồ-tát quán pháp duyên sanh và đắc được trí thể nhập sâu vào sự sanh và diệt của danh-sắc trong khi thấy, nghe, v.v… Sự chánh niệm liên tục về bản chất của hiện hữu này là một dấu hiệu của trí tuệ sung mãn nhưng điều này dường như thiên tử Pañcasikha không biết rõ. Vị ấy chỉ biết rằng đức bồ-tát không ngừng quán niệm và khuynh hướng về sự bất tử (amata) của Niết-bàn. Từ Amata xuất phát từ chữ amrita của Sanskrit vốn có nghĩa là sự bất tử và vì thế Amata muốn nói đến sự bất tử của Niết-bàn.
Khi được Đức Phật hỏi về nguồn gốc của những bài ca này, thiên tử Pañcasikha nói rằng ông đã soạn chúng như những dạ khúc để hát cho nàng thiên nữ yêu dấu của mình nghe. Nàng thiên nữ này rất hài lòng với những bài hát ca ngợi Đức Phật của ông đến độ nàng cho phép ông được ở lại bên nàng một ngày, một đặc ân mà nàng không ban cho ông lần thứ hai. Buồn phiền và thất vọng vì mối tình không được đáp trả của mình, thiên tử Pañcasikha đã trút hết cảm xúc của mình vào những bài ca. Về điều này, có lẽ chư thiên cũng không khác với con người bình thường vốn bị tham dục áp đảo quá mức đến nỗi không thể nào suy nghĩ một cách sáng suốt được.
Có lần đệ tử của một vị Sayādaw nổi tiếng nọ rời bỏ tăng đoàn (hoàn tục) để theo đuổi việc yêu đương với một cô gái. Bạn đồng phạm hạnh của vị ấy ai cũng khiển trách cặp đôi nhưng Sayādaw khuyên họ như sau: “Các người không nên trách họ. Họ lâm vào tình trạng này là do sức ép của tham ái. Vì thế nếu có trách thì nên trách tâm tham ái của họ.” Đây quả thực là một lời dạy thực tế.
Khi Pañcasikha, nhân danh chủ nhân của mình (tức thiên chủ Đế Thích-Sakka) đảnh lễ Đức Phật, Đức Phật đã cầu chúc cho Sakka được thân tâm an lạc. Sở dĩ Đức Phật nói lời cầu chúc này là vì tất cả chúng sanh đều muốn được sống an vui, hạnh phúc. Có thể nói đây là cách Đức Phật chúc phúc cho những người đảnh lễ ngài. Mặc dù khi bày tỏ sự tôn kính của mình thông qua Pañcasikha, trong ngôn từ của Đế-thích không có lời cầu xin nào cả. Nhưng theo ngôn ngữ Pāḷi những từ abhivādeti (kính lễ) abhivandati (thi lễ) vandati (đảnh lễ) chúng ta ngầm hiểu rằng Đế-thích đã trông đợi được Đức Phật bảo đảm về sự an vui, hạnh phúc rồi. Nói khác hơn, Đế-thích hy vọng rằng Đức Phật sẽ nói, “Cầu mong cho ngươi được an vui, hạnh phúc!”
Đối với các thí chủ khác Đức Phật cũng chúc phúc theo cách như vậy. Điều này khiến chúng ta phải suy gẫm về cách bố thí trong thời hiện đại, đó là người ta chỉ cầu nguyện sao cho được nhiều phước báu mà thôi. Người thí chủ cầu nguyện rất nhiều thứ nhưng lời cầu nguyện của họ luôn luôn trái ngược với lời chúc phúc ngắn gọn của vị sư hành lễ. Thực sự thì sau khi đã bầy tỏ lòng thành kính đối với Tam Bảo, người thí chủ không cần thiết phải nói thêm điều gì nữa cả. Không phải rằng có điều gì đó khiến họ không nên cầu xin. Mà sẽ có sự không hợp lý giữa lời cầu nguyện và phước báu. Vì lẽ thông thường vị sư đã đề cập hết tất cả những lợi ích mà người làm điều thiện có được rồi, tất cả cái mà người thí chủ cần phải làm là bầy tỏ ước muốn có được chúng mà thôi. Khi đảnh lễ Đức Phật, Đế-thích không cầu xin điều gì nhưng ông đã được bảo đảm về những lợi ích xứng đáng như Kinh nói:
Abhivādanasīlissa,
Niccaṃ vuḍḍhāpacāyino,
Cattāro dhammā vaḍḍhanti,
Āyu vaṇṇo sukhaṃ balaṃ.
Cả 4 Pháp chúc mừng là: Sống lâu, Sắc đẹp, An vui, Sức mạnh, hằng thêm đến người, là người năng nghiêng mình lễ bái, cúng dường đến Tam-Bảo và có lòng tôn kính các bậc tu hành tinh tấn nhứt là bậc trì Giới, và bậc Trưởng lão… vì thế nó cũng sẽ cho quả tương tự như những thí chủ chỉ cầu nguyện cho được sống lâu, sức khoẻ, sự an vui, và vị sư nên chúc phúc cho họ sao cho phù hợp. Vị sư không nên hành động giống như một người ra lệnh cho sự hoàn thành những ước nguyện của thí chủ mà chỉ như một người đóng góp (vào sự thành tựu) của họ mà thôi.
Sau đó Đế-thích và đoàn tuỳ tùng của ông đi đến đảnh lễ Đức Phật. Đế-thích nói rằng mặc dù ông rất muốn diện kiến Đức Phật, nhưng ông không thể làm được điều đó vì quá bận rộn với các công việc của thiên chúng. Ông kể với Đức Phật về sự trải nghiệm của ông hợp với những gì ông đã được nghe trước đó. Người ta nói rằng dân số chư thiên tăng khi có một vị Phật xuất hiện. Bây giờ ông mới thấy điều này là đúng. Sau sự kiện Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển Pháp Luân một số người bắt đầu giữ ngũ giới, một số thực hành bố thí và hầu hết trong họ đều sanh lên thiên giới sau khi chết. Thậm chí những người chỉ có niềm tin nơi Đức Phật thì ít nhất cũng được bảo đảm tái sanh thiên giới. Đây là một quan điểm mà vị Phạm Thiên đã phát biểu và Đức Phật không phản bác.
Tin nơi Đức Phật cũng có nghĩa là tin nơi Pháp và Tăng và như vậy nó bảo đảm một sự bảo vệ (người đó) không bị tái sanh trong bốn ác đạo. Hơn nữa, ngay cả bố thí đến các vị đệ tử của Đức Phật cũng tạo được thiện nghiệp có trọng lượng hơn các hành động bố thí khác. Như vậy một vị thiên là đệ tử tại gia của Đức Phật trong kiếp trước cúng dường một muỗng cơm đến một bậc A-la-hán vẫn có quyền lực hơn vị thiên khác khi còn ở cõi thế gian nuôi ăn miễn phí rất nhiều người và trong suốt nhiều năm.
Trong số khoảng một trăm triệu người sống ở thung lũng sông Hằng, ngôi nhà đầu tiên của Đạo Phật, ước chừng tám mươi triệu người có thể từng là Phật tử. Ngoại trừ các bậc A-la-hán và những vị ở giai đoạn Bất-lai (anāgāmi), phần lớn những Phật tử này có thể đã tái sanh thiên giới. Có lẽ điều này đã giải thích được tại sao dân số chư thiên lại tăng trưởng vào những ngày ấy.
Kế đó Đế-thích thuật lại câu chuyện của Gopaka. Một nàng công chúa ở kinh thành Xá-Vệ tên là Gopaka có đức tin lớn nơi Đức Phật và thọ trì ngũ giới một cách nghiêm túc. Nàng nhàm chán thân nữ và ước muốn được làm người nam. Sau khi chết nàng trở thành con trai của vua trời Đế-thích với tên là Gopaka.
Một hôm Gopaka nhìn thấy ba vị Càn-thát-bà (Gandhabbas – bộ chúng chư thiên thuộc cõi Tứ Đại Thiên Vương rất thích âm nhạc) đi đến cõi trời Đạo Lợi để giải khuây cho vua trời Đế-thích. Gopaka phát hiện ra trước đây khi ở cõi người họ là những vị tỳ-kheo mà ông hộ độ. Ông tự hỏi tại sao bây giờ họ lại phải tái sanh làm những chư thiên cấp thấp như vầy bất chấp họ đã từng tận tâm tu tập thánh đạo trong những kiếp sống trước, trong khi bản thân ông, chỉ là một người phụ nữ trong kiếp quá khứ ấy, nhờ giới hạnh và đức tin mà nay ông trở thành con trai của vua trời Đế Thích (Sakka). Được nhắc nhở, ba vị Càn-thát-bà lúc đó liền nhớ lại những kiếp sống quá khứ của mình. Họ nhận ra rằng sở dĩ họ phải tái sanh trong lớp chư thiên thấp kém này là do lòng khao khát muốn được sanh về cõi của chư thiên Càn-thát-bà của họ. Hai trong ba vị ngay tại chỗ ấy hành thiền và đắc đạo quả bất lai. Tuy nhiên, vị còn lại không thể vượt qua được ái dục và vì thế vị ấy vẫn mắc kẹt trong kiếp sống chư thiên thấp thỏi của mình.
Ở đây, tái sanh làm một vị thiên Càn-thát-bà là do chấp thủ vào một kiếp sống trước nào đó cùng loại như vậy đặc biệt là khi chúng ta xem nó là xứng đáng. Người ta có thể phải tái sanh trở lại nơi quê hương của họ hoặc nơi một môi trường có một ảnh hưởng đặc biệt đối với họ. Về phương diện này, ba vị sư vừa đề cập cũng không ngoại lệ. Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra), người rất sùng kính Đức Phật và đã cúng dường thức ăn đến tăng chúng suốt ba mươi bảy năm một cách hào phóng nhưng sau khi chết ông lại trở thành thuộc cấp của một vị thiên tử ở cõi Tứ Đại Thiên Vương (Catumahārāja). Lẽ ra ông có thể đạt đến một cảnh giới chư thiên cao hơn nhưng vì sự chấp thủ vào những kiếp sống trước mà ông phải chịu tái sanh như vậy. Điều này cho phép chúng ta chắc chắn về sự cần thiết phải vượt qua sự chấp thủ vào địa phương hay nơi sanh quán của mình.
Hai vị chư thiên đắc thiền nhờ suy gẫm trên pháp họ đã hành trong những kiếp sống quá khứ và nhờ thiền này họ đạt đến đạo quả A-na-hàm. Như vậy nếu bạn hành thiền nhưng không thành công bạn cũng không nên chán nản vì sự nỗ lực kiên trì này chắc chắn sẽ dẫn đến tái sanh thiên giới. Ở đó bạn được bảo đảm có được sự chứng nghiệm tâm linh đặc biệt nếu bạn nhớ lại và tiếp tục thực hành pháp (dhamma) mà bạn đã hành trong những kiếp quá khứ. Vì, như trong Tăng Chi Kinh (Aṇguttara nikāya) có nói, thân của một vị chư thiên rất thanh tịnh và toả sáng, và pháp mà vị ấy đã hành trong kiếp sống trước sẽ trở nên rõ ràng đối với vị ấy. Nó có thể mất nhiều thời gian để vị ấy nhớ lại nhưng khi đã nhớ rồi thì sự chứng đắc trí tuệ minh sát sẽ tức thời theo sau. Một số có thể quên pháp do các lạc thú cõi trời. Nhưng là chư thiên, thân và tâm của họ rất linh lợi và một khi họ đã chuyển sự chú tâm của họ sang pháp nhờ suy gẫm hay nhờ nghe một bài pháp, họ có thể hiểu và đạt đến tuệ giác chỉ trong một thời gian ngắn. Như vậy nếu một người hành thiền đã nỗ lực để có kinh nghiệm tâm linh trong kiếp hiện tại nhưng không thành tựu, chắc chắn họ sẽ đắc nó trong cõi chư thiên.
Do cõi trời có rất nhiều dục lạc, những vị đã đạt đến giai đoạn Bất-lai (anāgāmi) không thể ở lại đó được vì thế ngay lập tức họ liền chuyển lên cõi Phạm thiên. Đối với Đế Thích (Sakka), sự di chuyển của hai vị chư thiên lên cõi Phạm thiên diễn ra ngay dưới mắt ông và gây ấn tượng thực sự. Khi Đế Thích (Sakka) nghe xong lời giải thích của Gopaka, ông muốn được chia xẻ kinh nghiệm tâm linh của họ liền. Hơn nữa những dấu hiệu về sự chết sắp xảy ra cũng kích động thêm ước muốn sống đời sống của một vị Phạm Thiên trong ông. Nếu được nghe Pháp, cho dù không đắc được tuệ giác nào, ông vẫn có thể có một kiếp sống tương lai tốt hơn. Nghe pháp thực sự là điều tốt nhất mà một vị chư thiên có thể làm khi sắp ra đi (chết).
3. CÂU HỎI CỦA SAKKA VÀ CÂU TRẢ LỜI CỦA ĐỨC PHẬT
Trước tiên Đế Thích (Sakka) xin phép Đức Phật để được hỏi những câu hỏi. Thông thường đối với một người có văn hoá khi muốn hỏi điều gì cần phải xin phép trước. Sau đó Đế Thích (Sakka) đã hỏi câu hỏi sau:
“Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả chúng sanh đều mong muốn không có sân hận, không có ác tâm. Họ không muốn tranh cãi hay bị ngược đãi. Họ đều cầu mong được sống hạnh phúc, được sống an ổn, bình yên và tự do. Tuy thế họ lại không thoát khỏi hiểm nguy và đau khổ. Cái gì là nhân của tình trạng này?”
Đức Phật trả lời: “Này thiên chủ! Mọi chúng sanh đều khao khát được sống hạnh phúc, an ổn, bình yên và tự do. Tuy vậy họ lại không thoát khỏi sân hận, xung đột, hiểm nguy và khổ đau. Tình trạng bất hạnh này của các chúng sanh là do phiền não ganh tị (issā) và bỏn xẻn (macchariya) mà ra”.
Đặc tính của Issā hay ganh tị là ghét sự thành công và hạnh phúc của người khác cái vốn làm cho họ sanh khởi ác tâm và huỷ diệt. Những ước muốn ác này làm cho người ôm ấp chúng phải chịu khổ đau ngay trong hiện tại cũng như trong những kiếp sống tương lai. Tất nhiên chúng cũng đem đến khổ đau cho người bị ganh tị. Chính thói ganh tị này đã gây ra nhiều khổ đau cho thế gian. Người có tâm ganh tị không thích nhìn thấy hạnh phúc của những người thành công. Vì thế đặc tính của ganh tị là không thích hạnh phúc của người khác, nhiệm vụ (rasa) của nó là khiến cho người ganh tị buồn khổ và sự thể hiện của nó là nghĩ cách (paccupaṭṭhāna) nhắm mắt (làm ngơ) trước thành công và hạnh phúc của người khác.
Khi một người bị ganh tỵ thống trị họ không muốn thấy người khác phát đạt, thành công, đẹp người, có kiến thức hay được thăng quan tiến chức. Ganh tỵ quả thực là một thói xấu không làm lợi cho người nuôi dưỡng nó về bất cứ phương diện nào. Nó chỉ cung cấp một mảnh đất mầu mỡ cho các ác nghiệp phát triển và làm cho người ta sầu khổ. Một người có quyền lực sẽ tìm mọi cách để huỷ hoại người mà anh ta ganh tỵ và do làm như vậy anh ta đã biến họ thành kẻ thù của mình và người này có thể sẽ đáp trả lại anh ta một cách tương xứng. Cho dù không bị trả thù, anh ta chắc chắn cũng sẽ phải chịu khổ trong đời sau.
Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt (Cūḷakammavibhaṇga Sutta) tóm tắt những quả nghiệp của ganh tỵ như sẽ là người bất lực (liệt dương) và không có quyền thế, không có ai theo. Một số người đàn ông hay đàn bà không muốn nghe bất cứ điều gì về vận may tốt đẹp của người khác, về sự giàu có, sung túc, thông minh, tài hùng biện, có sức khoẻ tốt hay được nhiều người khâm phục… của người khác. Họ thường nói hay làm điều gì đó gây thiệt hại cho lợi ích của người này. Sự truyền bá giáo pháp trong thời hiện đại đôi khi cũng bị thúc đẩy bởi thói ganh tỵ này. Người mà lòng đầy ganh tỵ sẽ phải chịu khổ trong địa ngục trong nhiều kiếp và sau khi thoát khỏi đó nếu họ được tái sanh lại làm người, họ sẽ là người sanh trưởng thấp hèn chỉ có vài người theo và ít tiếng tăm.
Trái lại, người hoan hỷ với vận may của người khác tâm thường không sân hận. Họ luôn vui vẻ khi thấy hay nghe nói đến sự thành công của người khác. Với hết sức mình, họ giúp cổ suý cho sự an vui và hạnh phúc của người khác, nhờ đó họ tạo được nhiều thiện nghiệp. Sau khi chết họ được sanh lên cõi chư thiên thọ hưởng một cuộc sống hạnh phúc và khi trở lại cõi nhân loại họ là người có quyền lực và đông đảo người theo. Vì vậy người ước nguyện được thành công trong đời này và đời sau nên khắc phục tánh ganh tỵ và tu tập tâm hỷ (mudutā) hay nói khác hơn, nên trau dồi tâm hoan hỷ với sự thành công và hạnh phúc của người khác.
4. BỎN XẺN (MACCHARIYA)
Macchariya là bỏn xẻn hay keo kiết tới mức giữ kín những vật sở hữu của mình. Nó không muốn người khác có liên quan gì đến những vật mà nó chấp giữ. Macchariya được biểu thị đặc tính bằng tình trạng cực kỳ ích kỷ, không muốn chia xẻ với người khác. Có năm loại bỏn xẻn liên hệ đến (1) trú xứ, (2) bạn bè và quyến thuộc, (3) lợi lộc vật chất, (4) những thuộc tính đáng ca ngợi và (6) pháp.
Loại bỏn xẻn thứ nhất — Bỏn xẻn về trú xứ, thường được thấy nơi một số vị sư không muốn cho các vị sư có tư cách hay giới đức khác sống chung trong ngôi chùa của họ. Loại bỏn xẻn thứ hai — bỏn xẻn về bạn bè và người thân thiết, một vị sư có thể không muốn những Phật tử của mình cúng dường đến các vị sư khác. Do sân hận của họ, những vị sư có tâm ganh tị như vậy sẽ phải chịu nhiều khổ đau sau khi chết.
Bỏn xẻn về dung sắc (Vaṇṇa macchariya) — là ước muốn có được độc quyền một phẩm chất đặc biệt nào đó, như ngoại hình xinh đẹp,… và khó chịu với những ai có những phẩm chất như mình. Làm người xấu xí là quả nghiệp của loại bỏn xẻn này. Lại nữa, bỏn xẻn về pháp (dhamma-macchariya) là khó chịu với một người vì sự hiểu biết của họ hoặc không muốn chia xẻ kiến thức về pháp của mình với họ. Loại bỏn xẻn này có thể khiến cho một người trở thành kẻ khờ khạo hay ngốc ngếch trong đời sau. Như vậy bỏn xẻn — không muốn chia xẻ những thành công của mình với người khác, khiến một người không vui, nghèo hèn, không người thân thích và phải chịu nhiều khổ đau sau khi chết.
Bỏn xẻn về trú xứ (Āvāsa-maccharriya) phần lớn liên quan đến các vị sư, những người có khuynh hướng xem chùa chiền, hay tu viện của tăng như nhà riêng của mình. Còn đối với người cư sĩ cũng vậy, khuynh hướng xem những công trình tôn giáo như chùa chiền, thiền viện, v.v… như nhà của mình. Bỏn xẻn về bạn bè và quyến thuộc (kulamacchariya), loại bỏn xẻn này thường chi phối các vị sư nào không muốn cho đệ tử của mình giao tiếp thân mật với các vị tỳ-kheo khác. Một số vị sư thậm chí còn cấm các đệ tử của mình không cho gặp các vị sư khác hay nghe những bài giảng pháp của họ. Còn về người tại gia thì chính loại bỏn xẻn này làm cho họ khăng khăng lòng trung thành tuyệt đối, không gì chia cắt của người đệ tử với thầy của mình.
Bỏn xẻn về lợi lộc vật chất (lābha-macchariya) của một số vị sư được thể hiện ở chỗ muốn có độc quyền về các thứ vật dụng và từ chối chia xẻ chúng cho các vị sư có giới hạnh khác. Câu chuyện về Trưởng Lão Losakatissa được xem như một ví dụ về cái khổ luân hồi do ác nghiệp này.
Thời Đức Phật Ca-diếp (Kassapa Buddha) có một vị sư sống ở ngôi làng nọ. Vị ấy dựa vào một người Phật tử để có các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Ngày kia có một vị khách tăng đi đến trọ lại qua đêm trong ngôi chùa của Losaka. Sợ rằng lòng kính trọng của người thí chủ đối với vị tăng khách có thể trở thành một mối đe doạ cho sự an ổn của mình, Losaka đã tìm mọi cách để tống khứ vị tăng khách này đi. Khi người thí chủ thỉnh mời hai vị đến nhà thọ thực, Losaka đã đi đến đó một mình và khi quay trở về ông vứt bỏ phần ăn mà người thí chủ dâng cúng cho vị tăng khách bên vệ đường. Do ác nghiệp này, vào lúc chết Losaka đã phải chịu khổ hàng ngàn kiếp trong địa ngục và từ địa ngục ông chuyển đến cõi súc sanh, nơi đây ông phải chịu cảnh đói khát cực kỳ trong rất nhiều kiếp.
Trong kiếp cuối của mình Losaka tái sanh trong ngôi làng của những người đánh cá ở xứ Kosala. Từ lúc còn nằm trong bào thai bao nhiêu bất hạnh đã đổ ập xuống những người dân làng và cha mẹ ông. Cuối cùng sự day dứt của cái đói khiến người mẹ tuyệt vọng đến mức bà phải bỏ trốn đứa con thơ khi nó đi ra ngoài xin ăn. Lần nọ Trưởng Lão Xá-lợi-phất nhìn thấy đứa bé đang đói khát. Động lòng bi mẫn, Trưởng Lão đưa Losaka về chùa và cho xuất gia. Vài năm sau ông xuất gia tỳ-kheo và được gọi là tỳ-kheo Losakatissa. Losaka là người thiếu may mắn đến nỗi chẳng bao giờ có được một bữa ăn thoả thích dù có mặt tại một buổi trai tăng lớn. Tất cả cái ông nhận được chỉ đủ để duy trì sự sống.
Thậm chí ác nghiệp này còn đeo bám cho đến tận lúc Losaka đắc đạo quả A-la-hán. Không lâu trước khi Losaka nhập vô dư niết-bàn (parinibbāna), Trưởng Lão Xá-lợi-phất đã dẫn ông đi vào kinh thành Xá-vệ để xem xem ông có được một bữa ăn thỏa thích trong ngày cuối cùng của cuộc đời hay không. Kinh nói rằng hôm ấy không một ai cúng dường chút thức ăn nào cho Trưởng Lão cả. Vì thế, ngài phải cho đệ tử của mình đi về nhà nghỉ. Sau đó các vị Tỳ-kheo khác cúng dường thức ăn đến Trưởng Lão và ngài gởi một phần về cho Losaka tuy nhiên những người mang thức ăn đã ăn nó dọc đường. Cuối cùng chính Trưởng Lão phải mang thức ăn về và tự tay giữ lấy bình bát trong khi Losaka ăn nó. Theo cách đó Losaka được ăn bữa ăn cuối cùng của mình và rồi nhập Niết-bàn ngay trong ngày hôm ấy.
Chắc chắn câu chuyện này không khiến chúng ta hoài nghi chút nào về quả nghiệp đáng sợ của lòng bỏn xẻn. Cũng có nhiều loại bỏn xẻn gây đau khổ cho người tại gia cư sĩ, chẳng hạn, bỏn xẻn về lợi lộc (lābha-macchariya) trong trường hợp của người muốn độc quyền một công việc làm ăn sinh lợi nào đó, bỏn xẻn về dung sắc (vaṇṇa-macchariya) của những người không thừa nhận những cái tốt, đẹp của người khác, bỏn xẻn pháp (dhamma-macchariya) của những người không muốn chia xẻ kiến thức của mình cho bất kỳ ai.
Lời tuyên bố của Đức Phật quy những bất hạnh của nhân loại cho ganh tị và bỏn xẻn có liên quan trực tiếp đến Đế Thích (Sakka). Vì, do cái chết của ông đang đến gần Đế Thích (Sakka) cảm thấy rất đau khổ trước viễn cảnh những người vợ của ông sẽ rơi vào tay của người kế vị và rồi ông chợt nghĩ đến người sau này sẽ chói sáng hơn ông. Vì thế, từ kinh nghiệm này ông hiểu được sự thực trong câu trả lời của Đức Phật và ông lại hỏi một câu khác.