Phần 8 – Thích Và Ghét

Thích và ghét.

Dục (chanda) là nhân của thích và ghét.

Chinh phục tham ái, v.v…

Thọ hỷ và thững tư duy bất thiện.

Hỷ thiện.

Minh sát quán.

1. THÍCH VÀ GHÉT 

“Bạch Đức Thế Tôn, nhân của ganh tị và bỏn xẻn là gì? Chúng ta cần phải loại trừ nhân gì để được giải thoát khỏi chúng?” 

Đức Phật trả lời: “Này Thiên Chủ! Ganh tỵ và bỏn xẻn là do những đối tượng của thích và ghét tạo ra. Nếu chúng ta không có những đối tượng này, chúng ta sẽ không có ganh tỵ và bỏn xẻn.” 

Cách đoạn tận khổ của Đạo Phật là loại trừ nhân (sanh khổ). Nó cũng giống như việc điều trị một chứng bệnh của một vị lương y tài giỏi vậy. Để chữa bệnh trước tiên vị lương y sẽ tìm ra nguyên nhân của chứng bệnh ấy và loại trừ nó. Đức Phật đã chỉ ra cho chúng ta thấy thích và ghét là nguyên nhân sanh ra khổ đau của nhân loại. 

Các đối tượng của yêu thích là những vật hữu tình và vô tình làm hài lòng chúng ta như đàn ông, đàn bà, cảnh sắc, âm thanh, v.v… và các đối tượng của ghét là những đối tượng không làm hài lòng chúng ta. Chúng ta ganh tị với những người chúng ta không thích nhưng họ lại có những cái giá trị giá hơn chúng ta. Bỏn xẻn làm cho chúng ta đau khổ khi chúng ta không muốn chia xẻ những vật chúng ta dính mắc với người khác. Vì thế ganh tỵ và bỏn xẻn có gốc rễ của chúng nơi những người đáng ghét và những đối tượng chúng ta yêu thích. Đối tượng của lòng ganh tỵ thường là người chúng ta ghét. Tuy nhiên, nếu người vượt trội hơn chúng ta tình cờ là người chúng ta yêu thích thì nó lại là nhân không phải cho ganh tỵ mà cho sự hoan hỷ. Một đứa con rạng rỡ hơn cha mẹ sẽ không kích thích lòng ganh tỵ nơi họ; trái lại họ sẽ cảm thấy tự hào về những đức tính ưu việt của nó. 

Người có tâm bỏn xẻn không muốn người khác có loại tài sản mà anh ta có, không muốn người khác sử dụng những vật dụng của anh ta và giao tiếp với những bạn bè của anh ta. Vì thế những người đàn ông hay đàn bà có tánh ganh tỵ thường không bằng lòng với việc vợ hay chồng mình có mối quan hệ thân thiết với những người khác phái hay thậm chí khó chịu khi thấy vợ hay chồng mình tham dự trong các cuộc nói chuyện thân thiện với họ. Tóm lại, bỏn xẻn (macchariya) là ước muốn được sở hữu quá đáng và chống đối bất kỳ sự tiếp xúc thân mật nào giữa những đối tượng họ yêu thích với người khác và vì thế nó có gốc ở thích và ghét. 

2. DỤC (CHANDA) LÀ NHÂN CỦA THÍCH VÀ GHÉT 

Đế-thích (Sakka) sau đó hỏi Phật về nguyên nhân của thích và ghét. Đức Phật nói rằng nguyên nhân của thích và ghét là dục. Dục (chanda) Đức Phật đề cập ở đây không phải là dục thiện mà là dục kết hợp với lạc và ái hay nói khác hơn đó là Ái Dục (taṇhā chanda). 

Dục — chanda có năm loại, đó là., (1) dục hay ước muốn không thể thỏa mãn trong việc tìm kiếm các dục trần. Loại dục này là lực đẩy nằm đằng sau mọi hoạt động của người đàn ông trong mỗi kiếp sống. (2) dục hay ước muốn không thể thỏa mãn trong việc giành được các dục trần. Khi một ước muốn thành tựu, ước muốn khác liền sanh và vì vậy, theo cách này ước muốn giành được các dục trần không bao giờ đi đến chấm dứt. Thảo nào ngay cả những người giàu có bạc tỷ vẫn khao khát có được của cải và tiền bạc nhiều hơn nữa thay vì biết đủ với những gì mình có (3) dục hay ước muốn không thể thỏa mãn trong việc thọ hưởng những dục trần và những của cải vật chất. Những người thích phim ảnh, ca nhạc,… không bao giờ biết chán trong việc hưởng thụ chúng (4) dục hay ước muốn không thể thỏa mãn trong việc tích chứa vàng, bạc,… hay tích trữ tiền bạc bằng bất cứ hình nào để sử dụng khi cần thiết trong tương lai. (5) dục hay ước muốn không thể thỏa mãn của một số người muốn chia xẻ hay phân phát tiền bạc cho những người theo mình hay cho những người làm công cho mình. 

Năm loại dục này làm phát sanh thích và ghét. Các đối tượng và chúng sanh giúp hoàn thành ước muốn hay dục thì khiến cho thích sanh khởi trong khi các đối tượng và chúng sanh cản trở ước muốn ấy khiến ghét phát sanh. 

Kế đó Đế thích (Sakka) hỏi Đức Phật về nguồn gốc của thích. Đức Phật trả lời rằng dục là do tầm (vitakka) gây ra. Theo chú giải, tầm (vitakka) có nghĩa là nghĩ và quyết định. Đặc tính này của tầm có hai loại; một loại dựa trên dục hay ước muốn trong khi loại kia có nguồn gốc của nó ở đức tin. Nói cách khác, bạn suy nghĩ và quyết định khi bạn xem một đối tượng giác quan nào đó là một vật khả lạc, khả ý hoặc khi bạn xem một vật hữu tình như một người, hay một chúng sanh. Như vậy nếu bạn không có chánh niệm ngay khoảnh khắc thấy, nghe,…. Bạn sẽ nghĩ và quyết định và hành động này sẽ dẫn đến tham ái và chấp thủ. 

Kế tiếp Đế thích (Sakka) hỏi Đức Phật về nguyên nhân của tầm (vitakka). Đức Phật trả lời rằng tầm là do sự nhận thức có khuynh hướng khuếch đại hay còn gọi là chướng ngại tưởng (papañca-saññā). Có ba loại tưởng như vậy, đó là ái (taṇhā), mạn (māna) và kiến (diṭṭhi). Một người không chánh niệm thường trở thành miếng mồi cho một trong ba tác nhân của chướng ngại tưởng này. Người ấy khuếch đại mọi đối tượng giác quan mà người ấy nhận thức và nhớ lại do ái, mạn và ngã kiến. Giống như một bức hình nhỏ có thể được phóng lớn ra thế nào, mọi hình ảnh trong tâm hay ý nghĩ trong tâm cũng có thể được dùng để khuếch đại theo cách như vậy. 

3. CHINH PHỤC THAM ÁI, V.V… 

Vào lúc thấy, người ta chỉ thấy một cảnh sắc nhưng rồi sự suy nghĩ lại phát huy ái (taṇhā), mạn (māna) và kiến (diṭṭhi). Ái (taṇhā) làm cho đối tượng ấy trở nên thích ý và có khuynh hướng phóng đại nó. Mạn và kiến cũng vậy, mạn làm phát sanh sự tự cao tự đại và kiến làm phát sanh ảo tưởng về tự ngã. Sau đó mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc thấy đó nó sẽ đưa đến sự suy tầm và quyết định, hai yếu tố vốn tạo ra dục (chanda). Lại nữa, dục làm phát sanh thích và ghét khiến một người trở thành miếng mồi cho ganh tỵ và bỏn xẻn vốn tạo ra sự thất vọng và khổ đau của nhân loại. 

Trong câu trả lời cho Đế-thích (Sakka) Đức Phật đã giải thích rõ cách thực hành để chinh phục ái, mạn, và ảo kiến về tự ngã. Theo Đức Phật, có hai loại thọ hỷ và hai loại thọ ưu, đó là thọ hỷ hay thọ ưu chúng ta nên nuôi dưỡng và thọ hỷ hay thọ ưu chúng ta nên tránh. Kế tiếp có thọ trung tánh thuộc xả (upekkhā) mà chúng ta kinh nghiệm khi không vui cũng không buồn. Thọ xả cũng có hai loại, xả nên nuôi dưỡng và xả nên tránh. 

Nếu thọ hỷ, ưu hay xả nào đưa đến các trạng thái tâm thiện chúng ta nên nuôi dưỡng thọ ấy; còn nếu nó dẫn đến những trạng thái tâm bất thiện thời chúng ta nên tránh. Chú giải mô tả lời dạy này của Đức Phật như muốn nói đến việc thực hành thiền minh sát trên Thánh Đạo. 

Nguyên văn lời dạy của Đức Phật bằng Pāḷi có thể được dịch như sau: 

“Này Sakka, Ta dạy hai loại thọ hỷ, đó là thọ hỷ phải được nuôi dưỡng và thọ hỷ cần phải tránh. Nếu như ông biết rằng một thọ hỷ nào giúp ông phát triển được các trạng thái tâm thiện và ngăn cản những trạng thái tâm bất thiện ông nên nên nuôi dưỡng thọ ấy. Nếu ông biết rằng thọ hỷ nào làm cho những trạng thái tâm bất thiện phát sanh và ngăn cản những trạng thái tâm thiện thời ông nên tránh nó. Thọ hỷ có hai loại, một loại gắn liền với tầm (vitakka) và tứ (vicāra) và loại kia không liên quan đến tầm và tứ. Trong hai loại thọ hỷ này thọ hỷ không liên quan đến tầm và tứ thù thắng hơn.” 

4. THỌ HỶ VÀ THỮNG TƯ DUY BẤT THIỆN 

Thọ hỷ dẫn đến các tư duy bất thiện có gốc trong các dục trần. Hầu hết mọi người đều bận tâm đến các dục trần như quan hệ tình dục và ăn uống… Nếu họ đạt được những gì họ muốn, họ hoan hỷ nhưng sự hoan hỷ của họ chỉ dẫn đến tham muốn thêm nữa và cái gọi là hạnh phúc của nhiều người dường như được dựa trên tham muốn này. Nếu ước muốn của họ không được thỏa mãn, họ trở nên tuyệt vọng và đau khổ. Điều này đồng nghĩa với sự nảy sanh của những tư duy bất thiện vốn phát huy các tác nhân của sự khuếch đại, đó là ái, mạn, và tà kiến. Những cảm thọ hỷ mà chúng ta nên tránh đã được đề cập trong Kinh Phân Biệt Sáu Xứ (Salāyatanavibhaṅga Sutta) của Trung Bộ. Bài kinh so sánh các dục trần như những chỗ trú ngụ (xứ) của con người vì chúng giam cầm họ trong đó. Con người tìm được niềm vui thích từ sự tiếp xúc với các dục trần này hay từ sự hồi tưởng lại những lần tiếp xúc của họ với những dục trần ấy. Có sáu loại thọ hỷ bám rễ trong sáu đối tượng giác quan (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) và các căn tương ứng của chúng (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và tâm). 

Cách để tránh những cảm thọ hỷ nhưng bất thiện này là phải có chánh niệm ngay khoảnh khắc thấy, nghe,… Nếu những tư duy tham dục khiến hỷ lạc sanh, người hành thiền phải ghi nhận và loại trừ chúng. Tuy nhiên đối với người mời bắt đầu hành thiền không dễ để theo kịp và ghi nhận được tất cả những tiến trình tâm này; vì thế vị ấy nên bắt đầu với đối tượng của sự tiếp xúc và hay biết về một trong các đại chủng, đó là đất, nước, lửa và gió (pathavī, āpo, tejo, và vāyo) của nó. 

Trong Kinh Đại Niệm Xứ Đức Phật dạy: “Gacchanto vā gacchāmīti pajānāti” (khi đi người hành thiền biết rõ ta đang đi). Lời dạy này muốn nói đến việc hay biết rõ ràng về sự đơ cứng và chuyển động của phong đại. Nghĩa là khi ghi nhận đi, người hành thiền cũng phải hay biết về sự đơ cứng và chuyển động (phong đại), sự cứng và mềm (địa đại) nơi chân và nơi thân, đồng thời ghi nhận sự ấm, lạnh và nhẹ (hỏa đại) cũng như sự nặng và rịn ướt (thủy đại – āpo dhātu) của chúng. Mặc dù thuỷ đại hay yếu tố nước không thể sờ thấy được nhưng có thể được biết qua sự tiếp xúc với các đại hay yếu tố khác vốn gắn liền với nó. 

Tại trung tâm thiền này người hành thiền bắt đầu với sự tiếp xúc và chuyển động ở bụng vốn được xem là rõ ràng nhất và dễ ghi nhận nhất trong lúc ngồi. Sự căng cứng và chuyển động ở bụng là những dấu hiệu của phong đại. Người hành thiền thực hành sự ghi nhận trạng thái phồng và xẹp của bụng này bằng ngôn ngữ thông thường của mình. Pháp hành này đã giúp cho rất nhiều hành giả đạt đến các tuệ minh sát và gặt hái nhiều tiến bộ trên thánh đạo. 

Lúc ban đầu người hành thiền phải quan sát liên tục trạng thái phồng và xẹp của bụng. Vị ấy ghi nhận bất kỳ sự kiện nào phát sinh trong lúc đang chú ý vào sự tập trung như vậy. Một cảm thọ hỷ có thể phát sanh nhưng nó sẽ biến mất khi được ghi nhận. Thường thì nó không xâm nhập nếu người hành thiền liên tục quan sát sự phồng và xẹp của bụng. Khi Đức Phật nói về hỷ bất thiện, điều đó có nghĩa rằng chúng ta nên tập trung trên danh-sắc (nāma-rūpa) để ngăn chặn hỷ dục và nếu hỷ dục này sanh chúng ta không nên nuôi dưỡng mà phải loại bỏ nó liền. 

5. HỶ THIỆN 

Kế tiếp, có hỷ thiện được Đức Phật mô tả trong Kinh Đại Niệm Xứ như sau. Sau khi đã nhận ra sự vô thường và biến hoại của sắc (rūpa), người hành thiền biết rằng tất cả sắc vị ấy thấy trước đây và những sắc vị ấy đang thấy đều phải chịu vô thường và khổ (dukkha). Trí minh sát này làm cho vị ấy hoan hỷ và sự hoan hỷ này có thể được mô tả như cảm thọ hỷ có gốc ở sự giải thoát khỏi tham dục. 

Đó là lời Đức Phật dạy trong kinh. Chú giải thêm rằng người hành thiền hoan hỷ vì vị ấy đã đạt đến tuệ giác thấy vô thường, v.v… như kết quả của chánh niệm về sáu trần cảnh của vị ấy. Sự hoan hỷ này là thiện và đáng mong ước. 

Chú giải mô tả bốn loại hỷ thiện; (1) hỷ do sự từ bỏ các tục sự (các vấn đề thế gian), (2) hỷ kết hợp với việc thực hành minh sát, (3) hỷ dựa trên việc quán niệm ân đức Phật, v.v… và (4) hỷ xuất phát từ sự an trú trong sơ thiền, v.v… 

Một số người cảm thấy hoan hỷ khi họ nghĩ về việc từ bỏ các tục sự, nghĩ đến việc xuất gia làm tỳ -kheo, được thực hành giới luật, hành thiền định, thiền minh sát,… Hỷ này là thiện vì lẽ nó liên quan đến sự từ bỏ hay xuất ly khỏi đời sống thế tục. Những cảm thọ hỷ mà chúng ta có khi nghe pháp hay khi chúng ta đi đến một trung tâm thiền để hành thiền minh sát cũng thuộc loại này. 

Hỷ dựa trên thiền minh sát có thể là hỷ phát sanh trong lúc chúng ta đang chánh niệm. Đặc biệt, hỷ cao nhất là hỷ kết hợp với sự xuất hiện của tuệ sanh-diệt (udayabbhaya-udayabbhaya ñāṇa), tức là khi người hành thiền phát sanh trí tuệ thấy rõ sự sanh và diệt của các hiện tượng danh-sắc. 

Hỷ mà chúng ta có khi chúng ta quán niệm ân đức Phật, Pháp, Tăng,… là rất hiển nhiên. Chú giải nói rằng sự tập trung trên hỷ phát sanh từ việc quán niệm ân đức Phật, Pháp, Tăng, hay từ việc niệm giới, niệm sự giải thoát (sự an tịnh của Niết-bàn) và niệm thiên (các chúng sanh cõi trời) vẫn có thể tạo ra đạo trí và quả trí. Thậm chí đạo quả A-la-hán cũng có thể được đạt đến nếu người hành thiền ghi nhận và quán xét trên sự biến diệt của hỷ (pīti) do sáu tùy niệm này sanh. Pīti ở đây muốn nói tới hỷ và rõ ràng hỷ xuất phát từ sáu tùy niệm này là hỷ thiện và đối với hỷ dựa trên ba thiền chứng (sơ thiền, nhị thiền và tam thiền) hoặc các cận định của chúng cũng vậy. 

Trong bốn loại xuất ly (nekkhamma), sự xuất ly để gia nhập tăng đoàn có nghĩa là sự giải thoát khỏi những trói buộc của đời sống hôn nhân và với việc thực hành minh sát cũng vậy vì lẽ nó đối nghịch lại với đời sống hôn nhân và các dục trần. Do đó, chú giải Itivuttaka (Phật Thuyết Như Vậy) mô tả sự Xuất Gia, Sơ Thiền, Niết-Bàn, Minh Sát tất cả Thiện Pháp là Nekkhamma (Xuất Ly). 

Hỷ được biểu thị bằng Tầm (vitakka) và Tứ (vicāra) có hai loại, đó là hỷ lạc (sukha) kết hợp với cận định (upacārasamādhi) và hỷ lạc kết hợp với sơ thiền. Và, như đã nói ở trước, có các loại hỷ thuộc thế gian, đó là, hỷ đối với sự xuất gia, hỷ phát sanh từ việc thực hành minh sát, hỷ do quán niệm ân đức Phật,…. Lại nữa, chúng ta còn có bốn loại hỷ siêu thế đi cùng với bốn đạo của sơ thiền (sơ đạo sơ thiền, nhị đạo sơ thiền, tam đạo sơ thiền và tứ đạo sơ thiền). 

Thù thắng nhất trong các loại hỷ này là những hỷ không liên quan đến tầm và tứ. Những thọ hỷ này là những thuộc tính của nhị thiền được biểu thị bằng hỷ, lạc và nhất tâm, của tam thiền được biểu thị bằng lạc và nhất tâm. Tuy nhiên những hỷ thuộc thiền định này vẫn là hỷ lạc thế gian. Tương tự như vậy, hỷ xuất phát từ bốn đạo siêu thế cũng như nhị thiền và tam thiền thoát khỏi tầm và tứ là những hỷ thiện. Hỷ của nhị thiền và tam thiền này là những hỷ cao cấp hơn hỷ của sơ thiền và hỷ phối hợp với những tư duy thiện trong dục giới; hỷ của minh sát xuất phát từ chánh niệm, tỉnh giác cũng cao cấp hơn hỷ của nhị thiền và tam thiền. 

Có thể, sự luận bàn về các loại hỷ — hỷ có tầm và tứ và hỷ không tầm không tứ — này vượt ra ngoài sự hiểu biết của những người có ít kiến thức về kinh điển. Nói chung, chỉ những người đã đắc các thiền chứng mới có thể hiểu được nó một cách thấu đáo mà thôi. 

Theo chú giải, khi Sakka (Đế Thích) hỏi Đức Phật cách làm thế nào để chế ngự dục tham, ngã mạn, và tà kiến là ông đang hỏi Đức Phật về việc thực hành minh sát trên thánh đạo. Đức Phật nhấn mạnh đến các cảm thọ hỷ lạc thiện, khổ ưu thiện và xả thiện như thuốc chữa. Đối với người bình thường điều này có vẻ khó hiểu nhưng câu trả lời của Đức Phật thực sự thích đáng với câu hỏi. 

Đối với các vị chư thiên thì tâm rõ rệt hơn sắc và trong số các yếu tố của tâm hay tâm sở thì Thọ rõ rệt hơn các tâm sở khác. Vì thế Đức Phật bảo Sakka hãy quan sát các cảm thọ (vedanā). Nhiều trong số những lời dạy của Đức Phật về thiền minh sát thì quán sắc được ưu tiên hơn quán tâm (danh). Điều này cũng đúng đối với kinh Đế Thích Vấn Đạo này nhưng ở đây Sắc (rūpa) lại không được đề cập vì lẽ nó đã được hàm chứa trong quán thọ. 

6. MINH SÁT QUÁN 

Mục đích của việc thực hành minh sát là ghi nhận tất cả mọi hiện tượng tâm-vật lý hay danh và sắc phát sanh từ sự tiếp xúc với các trần cảnh. Nó đòi hỏi phải có sự nỗ lực để thấy, theo kinh nghiệm, mọi hiện tượng danh-sắc cùng với những đặc tính vô thường, khổ, vô ngã,…của chúng đúng như chúng thực sự là. Mới đầu người hành thiền không thể tập trung trên mọi tiến trình danh-sắc được và vì thế vị ấy nên bắt đầu với một vài sự kiện hiển nhiên mà thôi. Chẳng hạn, khi đi vị ấy phải ghi nhận “đi”, “đi”, v.v… Vị ấy phải quan sát mọi hoạt động của thân. Thông thường, bằng cách này vị ấy sẽ hay biết được về phong đại (yếu tố gió — vāyo dhātu) và các đại chủng khác. Điều này phù hợp với lời dạy trong Kinh Đại Niệm Xứ: Gacchanto vā gacchāmīti pạānāti — khi đi vị ấy biết ta đang đi. 

Nếu chỉ tập trung vào một oai nghi, chẳng hạn như chỉ tập trung vào một mình oai nghi ngồi thôi, người hành thiền thường có khuynh hướng sao nhãng, vì thế để giữ cho vị ấy có chánh niệm, tỉnh giác tốt hơn, chúng tôi hướng dẫn họ tập trung trên sự phồng và xẹp của bụng. Với sự phát triển của định, bất cứ khi nào vị ấy tập trung trên sự phồng và xẹp vị ấy sẽ biết được yếu tố gió (sự đơ cứng và chuyển động). Sau đó sự phân biệt giữa phồng hay xẹp và tâm ghi nhận, giữa nhấc chân và tâm ghi nhận v.v… sẽ trở nên rõ ràng với vị ấy. Tuệ phân biệt vào danh-sắc này được gọi là nāmarūpapariccheda-ñāṇa (tuệ phân biệt danh-sắc). 

Với sự phát triển thêm của định, người hành thiền biết rằng sở dĩ vị ấy co tay là vì có ước muốn co, sở dĩ thấy là vì có mắt và đối tượng được thấy; biết là vì có đối tượng được biết, không biết vì vị ấy không có chánh niệm; thích một cái gì đó bởi vì vị ấy có vô minh; vị ấy tìm kiếm sự thỏa mãn lòng dục là vì tham ái; và những kết quả tốt và xấu sẽ theo sau những hành động của vị ấy, v.v… Đây là tuệ phân biệt nhân quả (paccayappariggaha ñāṇa). 

Tuệ này được theo sau bởi tuệ thẩm sát tam tướng (sammāsana ñāṇa — 思惟智, Hán dịch Tư Duy Trí), có nghĩa là minh sát vào tính chất vô thường, khổ và vô ngã của các hiện tượng danh-sắc, một loại trí do suy xét trên sự danh diệt của danh-sắc sanh. 

Kế tiếp người hành thiền biết rõ rằng mọi thứ sanh và diệt cực nhanh. Lúc này sự nhận thức của vị ấy nhạy bén đến mức không gì có thể thoát khỏi sự chú ý của vị ấy. Vị ấy có khuynh hướng thấy ánh sáng và cảm giác cực kỳ hoan hỷ. Đây là thọ hỷ sanh cùng với tuệ thấy sự sanh diệt (udayabbaya ñāṇa) của dòng danh-sắc. Nó vượt xa mọi loại hỷ khác và được mô tả như một trạng thái tâm chúng ta nên tiếp đón. Kinh Pháp cú nói hỷ lạc (rati) sung mãn này chỉ phát sanh đối với người hành thiền quán pháp, tức quán dòng danh – sắc trôi chảy một cách đúng đắn. Vị ấy có được sự hoan hỷ và trạng thái tâm này được gọi là Bất Tử (amata) bởi vì nó là điềm đi trước của Niết bàn mà người hành thiền chắc chắn sẽ đạt đến nếu vị ấy nỗ lực với niềm tin, ý chí và sự chuyên cần. 

Hân hoan và hỷ được gọi là pāmojja và pīti trong Pāḷi. Pāmojja là sự hân hoan sanh khởi cùng với sự sanh khởi của Tư Duy Trí (sammasana ñāṇā) trong khi pīti có nghĩa là hỷ cùng sanh với Sanh Diệt Trí (udayabbaya ñāṇa), sự nhận biết cực nhanh về trạng thái sanh và diệt của danh-sắc. Tuệ này phát triển khi người hành thiền chánh niệm ghi nhận sự phồng và xẹp của bụng hay các cảm thọ ở thân hay trong khi sự chú ý của vị ấy được tập trung trên những chuyển động của thân. Lúc này vị ấy hiếm khi bị những cái đau không thể chịu đựng được. Nếu cái đau có thỉnh thoảng xuất hiện, nó cũng lập tức biến mất khi vị ấy ghi nhận nó và rồi vị ấy cảm thấy rất hân hoan. Sự hân hoan này sẽ tiếp tục tăng cường độ bao lâu vị ấy còn chánh niệm về sự sanh diệt cực nhanh của mọi hiện tượng danh-sắc. 

Như trong ba thiền đầu, người hành thiền cảm thấy rất hỷ lạc khi đạt đến Sanh Diệt Trí. Vị ấy mô tả hỷ lạc ở giai đoạn này như một trải nghiệm không thể tả được, một loại hỷ lạc vượt xa mọi trạng thái tâm tương tự. Trong Kinh Đế Thích Vấn Đạo hỷ lạc này được gọi là Sevitabbasomanassa (應依止喜 — ứng y chỉ hỷ), nghĩa là hỷ lạc mà chúng ta nên nương tựa hay tầm cầu. 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app