Phần 10 – Giới Thu Thúc Lục Căn

Giới thu thúc lục căn.

Chuyện trưởng lão mahātissa.

Câu chuyện về trưởng lão cittagutta.

Sự tự chế của ba vị trưởng lão.

Sātipaṭṭhāna: một đống lớn thiện nghiệp.

Sự khác biệt về quan kiến.

Thường kiến và đạo phật.

Đại thừa và thượng tọa bộ.

1. GIỚI THU THÚC LỤC CĂN

(INDRIYASAṀVARA-SĪLA) 

Đế-thích (Sakka) lại hỏi tiếp Đức Phật về việc một vị tỳ-kheo nên hành giới thu thúc lục căn (indriyasaṁvara-sīla) như thế nào. Indriya có nghĩa là kiềm chế hay kiểm soát và nó liên quan đến việc kiềm chế sáu giác quan — mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm. Đế-thích (Sakka) đã hỏi Đức Phật cách một người phải phòng hộ các căn hay giác quan này. 

Đức Phật nói về sự khác biệt giữa hai loại trần cảnh, đó là những trần cảnh cần được chấp nhận và những trần cảnh phải được loại trừ. Chúng ta chỉ nên chấp nhận những trần cảnh nào ngăn chặn nghiệp xấu và khuyến khích nghiệp tốt, và dĩ nhiên chúng ta phải loại trừ những trần cảnh nào ngăn chặn thiện thiệp. Chúng ta phải tránh nhìn vào những đối tượng khiến cho tham, sân,… sanh khởi. Nếu không thể tránh được, chúng ta phải ngừng suy nghĩ về chúng và áp dụng một loại quán nào đó để đối trị; hoặc chúng ta phải thực hiện việc ghi nhận về sự thấy đó và dứt khoát không để cho tâm lang thang vượt ra ngoài sự hay biết thuần tuý (chánh niệm). Đây là cách để loại trừ các trần cảnh bất thiện. 

Tương tự chúng ta không nên can dự vào các nghiệp bất thiện. Ngược lại chúng ta nên lắng nghe tụng kinh hay thuyết pháp vì điều này rõ ràng là nhân chính làm phát sanh thiện nghiệp. Phàm có âm thanh nào, nếu chúng ta chỉ tập trung trên cái nghe và ghi nhận bản chất vô thường, v.v… của nó thời nó sẽ góp phần vào sự phát triển của tuệ minh sát. 

Hương trần hay cảnh khí thường khiến cho nghiệp xấu sanh. Chỉ rất ít trường hợp nó dẫn đến thiện nghiệp, chẳng hạn như khi chúng ta ghi nhận mùi hương của những bông hoa cúng dường tại chánh điện liên quan đến tam tướng vô thường, khổ và vô ngã. Đối với cảnh vị cũng nên hiểu như thế. Mặc dù nếu không ăn uống chúng ta không thể sống được, nhưng chúng ta có thể tránh được những nghiệp xấu bằng cách ăn uống với chánh niệm. Và cũng là điều tốt nếu chúng ta có thể tránh được những món ăn quá ngon. Dĩ nhiên, chúng ta phải luôn luôn tránh bất kỳ loại thức ăn hay thức uống nào làm cho chúng ta say sưa. Cho dù chúng ta ăn những món ăn ngon chúng ta vẫn có thể tránh được phiền não nếu chúng ta không màng đến hay không khát khao hương vị của nó. Đây là sự kiềm chế các giác quan mà đối với người không chánh niệm không thể làm được. 

Sự xúc chạm của thân thể (thân xúc) cũng thường dẫn đến những nghiệp bất thiện. Dĩ nhiên chúng ta không thể tránh được tất cả mọi thân xúc. Nhưng chúng ta nên cố tránh đến mức có thể sự xúc chạm nam nữ vốn gây ra hỷ dục và sự dính mắc. Chúng ta nên kiềm chế các căn để nhờ đó chúng ta có thể tự tháo gỡ và quên được những cảm thọ thú vị hay đau khổ. Cách tốt nhất để có được sự kiềm chế hoàn toàn là, như trước đã nói, ghi nhận bản chất vô thường, khổ, vô ngã,…của tất cả mọi cảm thọ do xúc chạm sanh. Thiện nghiệp phát sanh do chánh niệm về cảm thọ do xúc chạm sanh hợp với bài kinh Đại Niệm Xứ. Những suy nghĩ lan man và phân biệt về đàn ông, đàn bà, người thù,… phải được tránh vì nó dẫn đến tham dục và sân hận,…Nếu những tư duy như vậy sanh khởi, chúng phải được thay thế bằng việc niệm tưởng ân đức Phật, niệm tưởng giới, … và sự sanh và diệt của cúng cũng cần được ghi nhận. 

Có rất nhiều bài kinh chứa đựng những lời dạy của Đức Phật về sự chế ngự các căn (giác quan). Điển hình trong đó là lời khuyên sau: 

“Khi mắt thấy sắc (thấy một người đàn ông hay đàn bà), không nên nắm giữ tướng chung (nghĩ đến thể hình của người ấy). Không nên nắm giữ tướng riêng (tránh không ghi nhậ những nét riêng của người ấy như con mắt, chân mày, và các bộ phận khác) vì điều đó chắc chắn sẽ làm phát sanh các phiền não.” 

Đàn ông không nên nghĩ đến những nét tổng quát của đàn bà và ngược lại đàn bà cũng không nên nghĩ đến những nét tổng quát của người đàn ông. Vì sự suy nghĩ như vậy sẽ cung cấp nhiên liệu cho dục tham. Suy nghĩ đến những nét đặc trưng của người khác phái như tóc, miệng, ngực v.v… cũng vậy, dục tham sẽ phát sanh. Người hành thiền phải giữ được cái biết đơn thuần của sự thấy và tránh nghĩ về hình thể nói chung hay những bộ phận khác của một người. 

Đức Phật đã chỉ ra những ác bất thiện pháp phát sanh từ việc không kiềm chế các căn. “Ai không phòng hộ con mắt sẽ mãi mãi bị tham và sân phiền nhiễu,” Đức Phật nói. Tuy nhiên chế ngự các căn cũng phải được tu tập đúng cách. Người hành thiền không nên nhìn vào những đối tượng bất thiện (khả lạc hay bất khả lạc) mà vị ấy đã có lần thấy. Nếu tình cờ thấy, vị ấy không nên tác ý đến hình dáng, màu sắc,… hay cố gắng giữ không có ấn tượng về chúng. Vị ấy chỉ nên giữ cái biết đơn thuần về sự thấy và ghi nhớ trong tâm bản chất vô thường, khổ, …của chúng. 

Đối với các căn hay giác quan khác, đó là tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm và tâm suy nghĩ, cũng nên hiểu theo cách tương tự. Với sự phát triển của định, người hành thiền có thể tập trung trên tất cả hiện tượng tâm-vật lý hay danh-sắc theo cách này và nhận ra bản chất vô thường, khổ, và vô ngã của chúng nhờ đó các phiền não không có chỗ trống để sanh khởi. Đây là cách tốt nhất để kiềm chế các căn và nhờ sự kiềm chế này người hành thiền có thể đạt đến thánh đạo, thánh quả sau khi trải qua các giai đoạn tuệ minh sát nối tiếp nhau. Sự chứng đắc đạo quả A-la-hán theo cách này đã được mô tả trong Thanh Tịnh Đạo qua câu chuyện của ngài Trưởng Lão Mahātissa Thera. 

2. CHUYỆN TRƯỞNG LÃO MAHĀTISSA 

Trong khi đi đến kinh thành Anurādha để khất thực, Trưởng Lão Mahātissa gặp một người phụ nữ trên đường. Người phụ nữ này vừa cãi nhau với chồng và bỏ về nhà của cha mẹ mình. Cô trang điểm đẹp đẽ và khi nhìn thấy Trưởng Lão cô lớn tiếng cười một cách quyến rũ. Trưởng Lão là người thường quán thân bất tịnh vì thế lúc nhìn vào người phụ nữ này ngài chỉ thấy một bộ xương bất tịnh. Ngay tại chỗ đó ngài đắc sơ thiền và dùng thiền này làm nền tảng để hành minh sát ngài trở thành một bậc A-la-hán. Người chồng đi tìm vợ gặp Trưởng Lão anh ta hỏi xem ngài có thấy một người phụ nữ nào vừa đi qua đây không. Trưởng Lão trả lời, nữ nam gì ta không biết ta chỉ thấy có một bộ xương vừa đi trên con đường này thôi. 

Có lẽ vị Trưởng Lão đã hành thiền quán bất tịnh trong một thời gian khá lâu rồi. Kinh nghiệm của ngài là một bài học cho những người hành thiền, đừng cảm thấy thất vọng khi không đạt được tiến bộ gì. Nếu các bạn cứ kiên trì cố gắng đúng thời các bạn sẽ đắc tuệ giác thôi. 

3. CÂU CHUYỆN VỀ TRƯỞNG LÃO CITTAGUTTA 

Thanh Tịnh Đạo cũng dẫn chứng câu chuyện của một vị Trưởng Lão khác thực hành sự chế ngư các căn. 

Trưởng Lão Cittagutta sống trong một hang động ở Tích Lan. Trên vách cao của hang động có những bức bích họa mô tả chuyện tiền thân của Đức Phật. Do luôn luôn phòng hộ các căn Trưởng Lão chẳng bao giờ nhìn lên và vì thế ngài hoàn toàn không hay biết gì đến những bức tranh này. 

Ngày nọ một số vị tỳ-kheo trẻ đến thăm hang động. Họ bị cuốn hút bởi những bức tranh và đã hỏi vị Trưởng Lão về vẻ đẹp của những bức tranh ấy. Vị Trưởng Lão nói rằng ngài chưa bao giờ để ý đến sự có mặt của những bức tranh ấy mặc dù ngài đã sống trong hang động hơn sáu mươi năm. Có thể nói câu trả lời của ngài là một sự quở trách gián tiếp đối với các vị sư khách vì sự thiếu chánh niệm nơi con mắt của họ. 

Có một cây Gangaw gần lối vào cửa hang. Vị Trưởng Lão chưa bao giờ nhìn lên và vì thế chỉ khi thấy những cánh hoa rơi rụng trên đất ngài mới biết rằng những bông hoa đã nở. Nghe đồn về đức độ của Trưởng Lão, vua đã thỉnh mời ngài đến hoàng cung. Bất chấp nhiều lần mời mọc, vị Trưởng Lão vẫn từ chối gặp đức vua. Về sau đức vua ra lệnh cấm các bà mẹ trong ngôi làng vị Trưởng Lão thường đi khất thực mỗi ngày không được cho con bú. Vì lòng bi mẫn đối với những đứa trẻ vị Trưởng Lão phải đi đến cung điện. 

Vua và hoàng hậu đến đảnh lễ Trưởng Lão. Vị Trưởng Lão chúc phúc cho từng người chỉ với một câu: “Cầu mong cho đức vua được an vui.” Các vị tỳ-kheo trẻ thấy vậy hỏi Trưởng Lão tại sao ngài lại gọi cả vua và hoàng hậu đều là “đức vua” thế. Trưởng Lão trả lời ngài không có sự phân biệt gì giữa vua và hoàng hậu cả. Đây là bài học cho những ai thực hành sự chế ngự các căn… 

Điều quan trọng nhất là phải tránh những cảnh sắc nào làm phát sanh phiền não và nếu những cảnh sắc này không thể tránh được, nên quán tính chất bất tịnh của chúng hay thực hành sự ghi nhận về cái thấy. Ở đây chúng ta nên ghi nhớ trong tâm câu trả lời của Đức Phật cho Tôn giả Ānandā vào đêm trước lúc diệt độ của ngài. Đêm đó ngài Ānandā đã hỏi Đức Phật rằng một vị tỳ-kheo nên cư xử thế nào khi đối diện với phụ nữ. Đức Phật nói rằng một vị tỳ-kheo nên tránh gặp phụ nữ. Nếu không thể tránh gặp thì không nên nói chuyện với họ. Nếu không thể tránh nói, nên giữ chánh niệm và tùy theo tuổi tác mà xem người nữ ấy như mẹ hay chị hay con gái của mình. 

Đây là cách hành thứ nhất được đề nghị trong Kinh Bhāradvāja của Tương Ưng Bộ Kinh để chiến thắng tham dục. Cách hành thứ hai cũng được đề cập tronh kinh ấy là quán tính chất bất tịnh của thân. Pháp hành thứ ba là chế ngự các căn. 

Lời dạy của Đức Phật cũng được áp dụng cho các đối tượng giác quan khác. Chúng ta nên tránh nghe những âm thanh như nghe ca hát,… chẳng hạn dẫn đến phiền não. Nếu chúng ta không thể tránh, chúng ta nên ghi nhận cái nghe ấy. Sự cần thiết phải chánh niệm ghi nhận như vậy là hiển nhiên đối với người hành thiền hay vị tỳ-kheo. Tuy nhiên ở đây Đức Phật đang nói với Đế Thích (Sakka) và các vị chư thiên khác. Chư thiên thường bị sa lầy trong các dục lạc và vì thế việc chế ngự các căn cho đến mức có thể là cần thiết đối với họ. Cũng có thể nói như vậy đối với người tại gia cư sĩ khi giữ bát-quan trai giới hay khi hành thiền. 

Mùi thơm của hoa hay của các loại mỹ phẩm,… khiến cho phiền não sanh khởi cũng phải được xử lý theo cách tương tự. Thức ăn cũng thế, người hành thiền chỉ nên ăn sau khi đã chân chánh quán tưởng (rằng ta ăn không phải để vui thích mà chỉ để giữ gìn sức khỏe.) Các cảm thọ phát sanh khi nếm vị hoặc xúc chạm dẫn đến phiền não cũng cần phải tránh và nếu không thể tránh, chúng phải được xử lý theo cách đã nói. Ghi nhận khi đi, đứng, ngồi,…tạo thành chánh niệm về các cảm thọ do xúc chạm. 

Theo chú giải, việc thực hành khổ hạnh chỉ ngồi không nằm (nisajja dhutaṇga) là sự theo đuổi các cảm thọ thiện của xúc chạm. Nisajja dhutaṇga là pháp hành khổ hạnh của một số hành giả không nằm chỉ giữ oai nghi ngồi ngay cả khi ngủ. Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Đại Ca-diếp, và một số các vị đại đệ tử khác của Đức Phật đã hành pháp đầu đà này trong thời gian lâu dài, từ 12 năm như ngài Rāhula (La-hầu-la) đến 120 năm như ngài Mahākassapa (Đại Ca-diếp). Vì lẽ các ngài là những bậc thánh A-la-hán, nên mục đích của các ngài không phải để tạo phước mà để làm tấm gương cho hàng hậu thế. 

Người hành thiền nên kiên nhẫn ghi nhận các cảm thọ thiện của sự xúc chạm và thực hành minh sát, giữ sự hay biết trên các đối tượng giác quan. Khi vị ấy có những cảm thọ khổ ở thân, vị ấy không nên cựa quậy nhúc nhích mà vận dụng kham nhẫn đến mức có thể và tiếp tục quán các cảm thọ ấy đúng theo lời dạy trong kinh Đế Tích Sở Vấn này. 

Lại nữa người hành thiền không nên suy nghĩ về bất cứ điều gì có thể làm phát sanh tham hoặc sân; và vị ấy phải tránh suy nghĩ không chỉ đối với những cảnh pháp hay tư duy nảy sanh trong hiện tại mà còn cả đối với những cảnh pháp quá khứ cũng như tương lai. Bất cứ điều gì khởi lên người hành thiền nên ghi nhận chúng và loại trừ. 

4. SỰ TỰ CHẾ CỦA BA VỊ TRƯỞNG LÃO 

Chú giải đề cập đến câu chuyện về ba vị Trưởng Lão mà chúng ta nên noi gương trong việc nỗ lực loại trừ những tư duy bất thiện và thực hành chánh niệm của chúng ta. Ngày đầu tiên của mùa an cư họ nhắc nhở nhau và hứa sẽ không có những tư duy tham dục và sân hận trong suốt ba tháng. Đến ngày Tự Tứ (pavāranā), ngày đánh dấu sự kết thúc mùa an cư vị Trưởng Lão lớn hạ nhất hỏi vị Trưởng Lão nhỏ hạ nhất đã chế ngự tâm như thế nào suốt mùa an cư. Tự tứ là ngày các vị tỳ-kheo mời nhau chỉ những lầm lỗi hay những sai phạm về giới luật mà mình đã vô tình phạm phải trong suốt mùa an cư. Vị tỳ-kheo trẻ nói rằng vị ấy không để cho tâm của mình ra khỏi tu viện mà giữ nó trong giới hạn nơi trú ngụ. 

Dĩ nhiên, ý vị ấy muốn nói là nếu tâm lang thang trong lúc hành thiền, vị ấy chỉ giới hạn nó trong phạm vi tu viện, vị ấy không nghĩ đến bất cứ điều gì bên ngoài tu viện. Sự hoàn thành của vị ấy quả thực rất đáng tán dương bởi vì nói chung những người hành thiền thường không giữ vững được tâm trước khi tu tập định vì thế mà họ không thể ngăn được tâm lang thang khi hành chánh niệm. 

Vị Trưởng Lão tiếp tục hỏi vị tỳ-kheo thứ hai cũng câu hỏi ấy, và vị này trả lời rằng vị ấy thậm chí không cho phép tâm đi ra khỏi phòng của mình. Như vậy năng lực tập trung hay định lực của vị này đã được phát triển cao hơn năng lực định của vị tỳ-kheo trẻ trước. 

Sau đó hai vị tỳ-kheo trẻ cũng hỏi vị Trưởng Lão xem ngài đã kiểm soát tâm của mình như thế nào. Vị Trưởng Lão nói rằng ngài không cho phép tâm rời khỏi năm nội uẩn (khandhas). Điều này cho thấy rằng vị Trưởng Lão đã giới hạn sự chú tâm của mình vào các hiện tượng tâm – vật lý hay danh và sắc sanh khởi tại sáu căn vào khoảnh khắc thấy, nghe,… Khả năng tập trung hay định tâm của vị Trưởng Lão là phi thường nhất và có lẽ ngài đã là một bậc A-la-hán. Sự thành tựu của ba vị Trưởng Lão trong việc kiểm soát tâm quả thực là một nguồn cảm hứng cho các hành giả đang hành chánh niệm. 

Chú giải ca ngợi việc quán pháp cùng với tâm từ (mettā),… Vì thế chúng ta nên tu tập tâm từ, bằng cách niệm thầm, “Cầu mong tất cả chúng sinh được thoát khỏi hiểm nguy” v.v… Hơn nữa, vì lẽ chú giải nói, “tâm từ, v.v…” chúng tôi cho rằng tất cả pháp (đối tượng của tâm) đều được chấp nhận cho việc tu tập minh sát (vipassanā). Tóm lại, minh sát quán dù thuộc bất cứ loại nào cũng đều đáng ca ngợi bởi vì nó có nghĩa là sự tích tạo những thiện nghiệp vậy. 

5. SĀTIPAṬṬHĀNA: MỘT ĐỐNG LỚN THIỆN NGHIỆP 

Trong số nhiều loại quán thì Đức Phật mô tả tứ niệm xứ (sātipaṭṭhāna) như tổng số cuối cùng của tất cả thiện pháp hay thiện nghiệp. Bố thí nhiều hoặc sống đời đạo đức có thể có nghĩa là một sự tích lũy lớn của các thiện nghiệp. Nhưng người bố thí hay người sống đời đạo đức ấy đôi khi cũng có thể bị những ý nghĩ bất xứng quấy rầy và, tất nhiên, lại càng không thể thực hành bố thí hay giữ giới một cách nghiêm ngặt cả ngày lẫn đêm được. Vì thế nếu bạn gọi dāna (bố thí) hay sīla (giữ giới) là một đống thiện pháp lớn là không đúng. 

Ngược lại, hành thiền minh sát đòi hỏi phải chánh niệm không ngừng về những hoạt động của thân, thọ, tâm, pháp hay những hoạt động thấy, nghe,… Trừ phi ngủ, những giờ thức buổi tối người hành thiền cũng phải có chánh niệm trong từng khoảnh khắc. Vị ấy phải ghi nhận cảm thọ sanh khởi nơi vị ấy, ít nhất mỗi giây một lần và điều này có nghĩa là vị ấy đã có được một thiện pháp trong khoảng thời gian đó. Như vậy trong một giờ vị ấy có 3600 thiện pháp hay nếu trừ bốn giờ ngủ ra vị ấy có được phước báu lên đến 720.000 thiện pháp trong một ngày. Phước sinh ra cho vị ấy mỗi khi đi, đứng, nằm, ngồi …Và thậm chí khi đi tiểu với chánh niệm vị ấy cũng có phước. Vì thế tứ niệm xứ (sātipaṭṭhāna) chắc chắn là một đống lớn thiện pháp nên được tu tập. 

6. SỰ KHÁC BIỆT VỀ QUAN KIẾN 

Bài pháp của Đức Phật làm cho Đế-thích (Sakka) rất hài lòng. Trước khi đi đến gặp Đức Phật, Đế-thích đã gặp các bậc thánh tự xưng khác và tìm hiểu về giáo lý của họ. Lúc đó ông thấy rằng họ chấp giữ những quan điểm rất khác nhau. Giờ đây khi ông đã đắc đạo quả nhập lưu sau khi nghe những lời dạy của Đức Phật, ông biết và thấy được Chân Diệu Pháp và vì vậy ông cũng biết và thấy được Chân Phật và Chân Tăng. Mọi hoài nghi của ông bây giờ đã tiêu tan. Mặc dù ông không nói điều ấy cho Đức Phật một cách dứt khoát nhưng nó đã được ngầm ý trong câu hỏi của ông cho Đức Phật. 

“Bạch Đức Thế Tôn, có phải tất cả những người tự gọi mình là Sa-môn bà-la-môn (samaṇabrahmaṇas) đều có chung những quan điểm? Có phải họ cùng sống chung một đời phạm hạnh? Có phải họ có cùng một mong cầu hay có chùng cùng một mục đích?” 

Tất nhiên Sakka đã biết câu trả lời cho những câu hỏi này. Ông hỏi chúng chỉ như một sự mở đầu cho câu hỏi của ông về những điều khác biệt của họ mà thôi. Đức Phật đã trả lời câu hỏi thứ hai của ông như sau: 

“Này Sakka! Trong thế gian này con người không có cùng một loại tính khí. Hay nói khác hơn tính khí của con người rất khác nhau. Họ suy nghĩ sai lầm và chấp chặt vào những quan điểm nào hợp với tính khí của họ một cách ám ảnh. Họ khăng khăng rằng chỉ những quan điểm của họ là đúng và tất cả những quan điểm khác đều sai. Do sự cố chấp này mà những bậc thánh tự xưng ấy có những quan điểm khác nhau. Họ đưa ra những hệ thống giá trị đạo đức khác nhau, họ có những mong cầu khác nhau và những mục đích khác nhau trong cuộc sống.” 

Do tính khí khác nhau mà người này khác với người kia về khuynh hướng và sở thích lên quan đến màu sắc, âm thanh, áo quần, và v.v… Cũng vậy, họ nói về những niềm tin mà họ đã chấp nhận trên căn bản của sự chấp thủ và suy luận. Một số ấp ủ niềm tin về sự bất tử của linh hồn. Họ nói rằng linh hồn hay tự ngã (atta) tồn tại vĩnh hằng, nghĩa là nó không bị hủy diệt giống như thân xác vật lý thô. Đây là thường kiến (sassata diṭṭhi). Quan điểm này rất hấp dẫn quần chúng và về cơ bản nó không khác với những tôn giáo dạy rằng con người do Thượng Đế tạo ra, rằng sau khi chết những người Ngài (Thượng Đế) thích sẽ được cứu rỗi lên thiên đàng còn những người Ngài không thích sẽ bị kết tội xuống địa ngục đời đời. Rồi thì có đoạn kiến (uccheda diṭṭhi) phủ nhận kiếp sống tương lai và khăng khăng về sự diệt hoàn toàn của một cá nhân sau khi chết. Đây là giáo lý của những tôn giáo tuyên bố sự độc quyền của chân lý và bác tất cả mọi giáo thuyết khác là hư ngụy. Sự cố chấp như vậy là nguyên nhân sanh ra những dị biệt về đức tin, đời sống phạm hạnh, ước nguyện và mục đích của cuộc sống. 

7. THƯỜNG KIẾN VÀ ĐẠO PHẬT 

Theo Đạo Phật, một người chết sẽ tái sanh, sự hiện hữu mới do nghiệp của người ấy tạo điều kiện hay quyết định. Điều này đặt ra câu hỏi liệu giáo lý tái sanh của Đạo Phật có hơi hướm thường kiến không. Có thể nói giáo lý của Đạo Phật khác xa với quan niệm về một cái ngã thường hằng. Vì Đạo Phật phủ nhận cái thực thể-tôi này và chỉ nhìn nhận tiến trình liên quan đến sự sanh và diệt không ngừng của mọi hiện tượng tâm-vật lý hay danh và sắc mà thôi. Khi tâm-tái sanh diệt, tâm hữu phần (bhavaṅga citta) liền sanh và rồi nó cũng sẽ diệt nối tiếp theo nhau hết tâm này đến tâm khác. Với tâm hữu phần luôn luôn trong trạng thái trôi chảy này, các tâm suy nghĩ đến cảnh sắc, thinh,…. sanh khởi. Tâm suy nghĩ này được theo sau bởi nhãn thức, nhĩ thức, v.v… Khi những tâm này diệt, tâm hữu phần sẽ xảy ra. Theo cách này hai dòng tâm — tâm bhavaṅga và tâm bình thường cứ luân phiên trôi chảy và vào lúc chết Tâm Tử, hay tâm hữu phần cuối cùng của kiếp sống đó diệt. Sự diệt của tâm tử được định danh là chết, và do đó nó có nghĩa là sự chấm dứt của tiến trình danh-sắc không tâm mới nào sanh nữa. 

Liền sau sự diệt của tâm tử, tâm tục sanh, do nghiệp làm duyên, sẽ sanh, tâm này đánh dấu sự khởi đầu của một hiện hữu mới. Như vậy sự tái sanh không liên quan gì với cái thực thể-tôi hay sự di chuyển của danh sắc (nāma-rūpa) trong kiếp sống trước. Với sự diệt của tâm mới này, dòng hữu phần sẽ sanh lên và trôi chảy liên tục như trong kiếp sống trước. Cái gọi là người là đại diện cho danh-sắc không tiêu biểu cho bất kỳ cái tôi hay tự ngã nào. Sự thực này có thể được những người hành thiền minh sát thấy rõ trong lúc hành. 

Đạo Phật không phải thường kiến luận (sassata vāda) vì đạo Phật dạy rằng chính tham ái đưa đến tái sanh. Khi người hành thiền đạt đến đạo quả A-la-hán, họ hoàn toàn thoát khỏi tham ái và những phiền não khác. Bậc A-la-hán không chấp thủ vào bất cứ trần cảnh nào khi lìa đời và điều này ngăn chặn sự sanh khởi của danh-sắc (nāma-rūpa) mới. Tuy nhiên Đạo Phật cũng không dạy luận thuyết đoạn kiến (uccheda vāda). Vì đoạn kiến cho rằng chết là hết. Đạo Phật bác bỏ cái ngã hay linh hồn thường hằng và chỉ nhìn nhận có một tiến trình danh-sắc luôn luôn trôi chảy. Vào lúc chết của bậc A-la-hán chỉ có tiến trình danh-sắc này diệt chứ không phải linh hồn. Sự diệt xảy ra qua việc hành thiền minh sát, pháp hành vốn bảo đảm chấm dứt mọi tham ái đối với đời sống. 

8. ĐẠI THỪA VÀ THƯỢNG TỌA BỘ 

(MAHĀYĀNA VÀ THERAVĀDA) 

Hiện nay nhân loại có bốn tôn giáo lớn. Sự khác nhau của các tôn giáo là do tính khí của các tín đồ trong tôn giáo ấy, cũng như sự đa dạng về quan điểm giữa những người trong cùng một tôn giáo là do như vậy. Có hai trường phái Phật giáo, đó là, Thượng Tọa Bộ (Theravāda) và Đại Thừa (Mahāyāna), và hai bộ phái đã có những quan niệm khác nhau trong hơn hai ngàn năm qua. Điều này là do sự khác biệt trong khuynh hướng của những tín đồ trong mỗi trường phái. 

Giáo lý căn bản của Phật Giáo Đại Thừa là chỉ sau khi đắc Phật quả tất cả chúng sinh mới thành tựu sự giải thoát hoàn toàn khỏi luân hồi. Là một bậc A-la-hán hay Độc Giác Phật không có nghĩa là đã giải thoát hoàn toàn. Sau khi thành Phật, một tín đồ Đại Thừa không nhập Niết Bàn một mình. Vị ấy chỉ thọ hưởng sự an lạc của Niết Bàn cùng với các chúng sinh khác, nghĩa là, chỉ Niết Bàn sau khi tất cả chúng sinh khác đã thành Phật. 

Đây là một sự bác bỏ gián tiếp lợi ích cá nhân, tuy nhiên quan niệm này hoàn toàn không thể đứng vững. Vì nếu chư Phật ai cũng trì hoãn nhập Niết Bàn và chờ cho đến khi tất cả chúng sinh khác đều đắc thành Phật Quả hết, thì trong một thời gian dài như vậy các ngài sống ở đâu và sống như thế nào? Các loài côn trùng và các hình thức thấp kém của sự sống là vô số kể và như vậy Đức Phật phải chờ và phải chịu già, bịnh, chết cho đến khi chúng sanh thấp kém nhất được giải thoát sao? Quan niệm này của Đại Thừa không có chút ý nghĩa gì cả, tuy vậy nó vẫn được một số người chấp nhận bởi vì nó thích hợp với tính khí của họ. 

Quan niệm này khác biệt với giáo lý Thượng Tọa Bộ (Theravāda), vốn được xem như chánh pháp dựa trên những lời dạy của Đức Phật trong kinh tạng Pāḷi. Theo Thượng Tọa Bộ thì trong số những vị hành giả đạt đến giai đoạn cuối trên thánh đạo có những vị phát nguyện là thanh văn đệ tử (sāvaka) của Đức Phật. Sau khi nhập vô dư niết bàn các vị A-la-hán này không còn danh-sắc để tái sanh nữa và đây là sự chấm dứt luân hồi khổ của họ. Các vị không cần phải chờ ai và cũng không thể làm được điều đó. Đối với chư Phật Độc Giác (Paccekabuddhas) và chư Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddhas) cũng vậy. Quan niệm này của Thượng Tọa Bộ (Theravāda) là hoàn toàn hợp lý. 

Người Phật tử Đại Thừa đồng nhất Niết Bàn với cõi Cực Lạc (Sukhavatī). Họ mô tả nó như một cõi thiên đường và nói rằng vì chư Phật và tất cả chúng sinh sống ở đó trong an lạc vĩnh hằng, hoàn toàn thoát khỏi già, bịnh, và chết. Về bản chất cõi Cực Lạc (Sukhavatī) này không khác với cõi trời được những người tin vào bất tử tôn vinh. Niềm tin này có lẽ dựa trên những bài viết của những người tìm cách truyền bá quan niệm về sự thường hằng (thường kiến luận) giữa những người Phật tử. 

Từ quan niệm này, về sau nhiều bộ phái Đại Thừa phát sanh và điều này cũng là do tính khí khác nhau của những người đi theo họ. 

Chú giải cũng cho chúng ta biết Thượng Tọa Bộ đã tách thành mười tám bộ phái như thế nào. Liên quan đến lời dạy của Đức Phật, ở Miến Điện ngày nay có những quan niệm rất khác nhau. Sự kiện Đức Phật nhấn mạnh đến tam học — giới (sīla), định (samādhi), và tuệ (paññā) bao gồm bát chánh đạo và tứ thánh đế là không có gì phải hoài nghi. Tuy nhiên một số cho rằng không cần thiết phải hành thiền minh sát (vipassanā), vì họ có thể tu theo cách cứu độ dễ dàng của họ. Một số loại bỏ giới (sīla) như không dính dáng gì đến mục đích của Đạo Phật, một quan niệm được những người không quan tâm đến việc giữ giới chia sẻ. Sở dĩ họ nói lên những quan niệm ấy là vì họ không chấp nhận lời dạy (của Đức Phật) trong Kinh Đế Thích Sở Vấn và các bản kinh khác. 

Lời dạy của Đức Phật cho du sĩ ngoại đạo Subhadda cung cấp cho chúng ta một tiêu chuẩn để quyết định xem một giáo lý nào đó có phải là chánh pháp để thắng phục phiền não hay không. Ý chính của lời dạy này được tìm thấy trong Kinh Đại Niết Bàn như sau: “Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát Thánh đạo, thời ở đây không có đệ nhất Sa-môn, ở đây cũng không có đệ nhị Sa-môn, cũng không có đệ tam Sa-môn, cũng không có đệ tứ Sa-môn. Này Subhadda trong pháp luật nào có Bát Thánh đạo, thời ở đây có đệ nhất Sa-môn, cũng có đệ nhị Sa-môn, cũng có đệ tam Sa-môn, ở đấy cũng có đệ tứ Sa-môn. Này Subhadda, chính trong pháp luật này có Bát Thánh Ðạo, thời này Subhadda, ở đây có đệ nhất Sa-môn, ở đây cũng có đệ nhị Sa-môn, cũng có đệ tam Sa-môn, cũng có đệ tứ Sa-môn. Những hệ thống ngoại đạo khác đều không có những Sa-môn. Này Subhadda, nếu những vị Tỷ-kheo này sống chơn chánh, thời đời này không vắng những vị A-la-hán.” Bát chánh đạo chỉ được thấy trong Pháp và Luật của Đức Phật và vì thế chỉ Pháp và Luật này mới làm cho một người trở thành bậc nhập lưu, nhất lai, v.v…Chúng ta có thể xét đoán một giáo pháp theo tiêu chuẩn này và thấy xem nó có phù hợp với lời dạy của Đức Phật hay không. 

Tuy nhiên sự thực thì hầu hết mọi người vẫn chấp nhận những giáo pháp nào phù hợp với khuynh hướng của họ. Có số Phật tử tin rằng giới của họ là giới của bậc thánh vì họ xem những gì họ đang hành là thánh giới (Ariyasīla). Một số thì chỉ muốn làm người hoặc chư thiên để được thọ hưởng cuộc sống. Họ không thích thú với cái viễn cảnh của sự chấm dứt tiến trình danh sắc (nāmarūpa) và khổ. Một số còn không muốn tái sanh trong cõi Phạm Thiên không có các dục lạc. Họ thích tái sanh trong cõi dục giới hơn. Một số khao khát sự đổi mới của cả danh lẫn sắc nhưng có số chỉ muốn đổi mới một trong hai thứ này thôi. Trái lại bậc trí nhận thức được những tai họa của sự tái sanh luân hồi và cố gằng đi tìm sự diệt của cả danh lẫn sắc. 

Một số tin vào sự an lạc vĩnh hằng nơi thiên giới hoặc sự hủy diệt hoàn toàn sau khi chết là số phận của họ. Đối với một số thì mục đích cuối cùng của họ là cõi vô tưởng (asaññā) mà họ tin là thoát khỏi mọi khổ đau. Số khác xem cõi vô sắc (arūpa) như mục đích tối hậu của họ trong khi có số lại cho rằng mục đích của họ là làm sao phân biệt rõ ràng giữa atta (linh hồn hay tự ngã) và hợp thể dạm-sắc. Những mục đích khác nhau này tùy thuộc vào những tính khí khác nhau của những người theo đuổi chúng. Trong thực tế mục đích tối hậu của cuộc sống này là Niết Bàn của bậc thánh A-la-hán mà vốn có nghĩa là sự diệt hoàn toàn của tiến trình danh-sắc sau khi bát-niết-bàn (parinibbāna) do diệt hoàn toàn mọi phiền não vậy. 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app