Phần 6 – Phụ Lục

Phụ lục

PHỤ LỤC 

Nhắc lại câu chuyện của tỳ-kheo Kapila và các vị tỳ-kheo ác tánh khác đề cập trong bài Kinh Thừa Tự Pháp (Dhammadāyadā Sutta). Dưới đây là câu chuyện đầy đủ về tỳ-kheo Kapila trong chú giải Kinh Nipāta. 

Sau khi Đức Phật Ca-Diếp (Buddha Kassapa) nhập vô dư Niết-bàn trong tăng chúng lúc ấy có hai anh em tên là Sodhana và Kapila. Mẹ của họ, Sadhani và người em gái tên Tapa cũng gia nhập giáo hội tỳ-kheo ni. Người anh nghiên cứu giới luật trong năm năm, sau đó thực hành Pháp và trở thành một bậc A-la-hán. Người em hết lòng nghiên cứu kinh điển và trở thành một vị tỳ-kheo đa văn. 

Nhờ kiến thức về Pháp của mình, vị ấy có nhiều đồ chúng và được chu cấp tài vật một cách đầy đủ. Tự mãn với sở học của mình, vị ấy trở nên quá tự tin và kiêu ngạo. Vị ấy chống báng các vị tỳ-kheo khác trong mọi vấn đề và khi tăng chúng cố gắng thuyết phục vị ấy, vị ấy sẽ vặn lại bằng những lời lẽ lăng mạ. Người anh cố gắng làm cho vị ấy thấy ra điều phải trái nhưng vô ích và cuối cùng vị ấy bị các đồng phạm hạnh có giới bỏ rơi. 

Vị ấy không sống một cuộc đời giới hạnh, những người đi theo vị ấy cũng vậy. Một dịp nọ tại cuộc họp của chư tăng vị ấy thách thức xem ai có thể tụng đọc được Giới Bổn (pātimokkha). Không ai có thể làm được việc đó. Thấy vậy vị ấy nói, “Các vị có nghe Giới Bổn hay không nghe Giới Bổn cũng không thành vấn đề. Vì lẽ không gì là Giới Luật cả”, và vị ấy rời hộ chúng. Theo cách này, vị ấy đã làm nhiều điều tổn hại cho giáo pháp của Đức Phật Ca-diếp. 

Chính trong ngày hôm đó, Trưởng Lão Sodhana, anh của vị ấy nhập vô dư Niết-bàn. Còn về Kapila, vào lúc chết vị ấy bị đọa vào địa ngục A-tỳ, mẹ và em gái của vị ấy cũng vậy, do nghiệp mắng nhiếc các vị tỳ-kheo giới đức. 

Đến thời Đức Phật Gotama của chúng ta Kapila, do ác nghiệp còn dư sót, tái sanh làm một con cá lớn nơi một con sông gần thành Sá-vệ (Sāvatthi). Con cá có màu vàng rất đẹp nhưng miệng của nó luôn toát ra mùi xú uế. Một hôm, con cá bị người ta bắt và đem đến cho đức vua. Vua mang nó đến Đức Phật và hỏi ngài xem vì sao con cá có màu vàng đẹp mà miệng lại toát mùi hôi thối như vậy. Nhân đó Đức Phật nói về tiền kiếp của con cá này như là tỳ-kheo Kapila đa văn trong thời Đức Phật Kassapa. Đức Phật cũng nói cho vua biết Kapila này đã xỉ vả các vị tỳ-kheo không đồng thuận với ông ta như thế nào; và ông đã làm những điều tổn hại đến giáo pháp của Đức Phật Ca-diếp ra sao; và do quả của khẩu nghiệp ác vị ấy phải chịu tái sanh trong cõi súc sanh như hiện nay. Sở dĩ vị ấy có thân sắc vàng là vì những nỗ lực quảng bá giáo pháp của vị ấy và miệng có mùi hôi thối là do thói hay công kích các vị tỳ-kheo khác. 

Sau đó Đức Phật hỏi con cá: 

“Phải chăng ngươi là tỳ-kheo Kapila?” 

“Vâng, bạc Đức Thế Tôn, con là tỳ-kheo Kapila.” 

“Từ nơi đâu ngươi đến đây?” 

“Con đến từ địa ngục A-tỳ, bạch Đức Thế Tôn.” 

“Anh của ngươi hiện giờ ở đâu?” 

“Vị ấy đã nhập Vô Dư Niết-bàn rồi, bạch Đức Thế Tôn.” 

“Mẹ ngươi hiện ở đâu?” 

“Bà ấy đang trong đại địa ngục, bạch Đức Thế Tôn.” 

“Em gái ngươi ở đâu?” 

“Cô ấy cũng đang trong đại địa ngục, bạch Đức Thế Tôn.” 

“Bây giờ ngươi sẽ đi đâu?” 

“Con sẽ đi đến địa ngục A-tỳ lại, bạch Đức Thế Tôn.” 

Rồi con cá chết và rơi vào địa ngục A-tỳ. Những người được nghe câu chuyện này cảm thấy vô cùng kinh hãi. Sau đó Đức Phật thuyết bài kinh Kapila bắt đầu với bài kệ sau. 

Dhamma cāriyam brahmacāriyam 

Etadahu vasuttamam 

Pabbajitopi ce hoti 

Agara anagāriyam. 

Kinh Kapila gồm mười bài kệ (gāthās) và cốt tủy của lời dạy Đức Phật trong kinh có thể tóm tắt như sau. 

Đức Phật dạy mười thiện nghiệp và bát chánh đạo kể như thánh pháp. Cho dù một người đã từ bỏ đời sống của người gia chủ và sống đời không gia đình của một vị tỳ-kheo, nếu vị ấy nói năng thô lỗ và thích thú trong việc hành hạ các chúng sanh khác, đời sống của người ấy cũng là vô ích và thấp hèn, nó chỉ đưa đến sự tăng trưởng của các phiền não. 

Vị tỳ-kheo còn ưa thích tranh luận với người khác là vẫn còn chìm đắm trong vô minh. Vị ấy không thể hiểu rõ giá trị hay thưởng thức được chân diệu pháp mà những bậc đa văn thuyết giảng. Do vô minh người ấy không biết rằng sự công kích thô lỗ các bậc A-la-hán, những vị đã chứng đắc đạo quả, cãi lại họ, cho rằng họ không biết gì là một phiền não đưa đến địa ngục. 

Vị tỳ-kheo mù quáng làm các điều ác như vậy sẽ đọa xuống bốn cõi khổ, trải qua vô lượng kiếp trong tối tăm, ảm đạm và phải chịu đựng rất nhiều khổ đau. Ví như một cái hố lớn chất chứa phân dơ nhiều năm sẽ khó làm cho sạch lại được như thế nào, cũng vậy, một vị tỳ-kheo chất chứa đầy tội lỗi giống như Kapila sẽ rất khó để thanh lọc hết mọi bất tịnh của mình. 

Vì thế người xuất gia phải nhìn nhận vị tỳ-kheo giống như Kapila là người khuynh hướng về các dục lạc, luôn nghĩ đến tham dục, làm những điều ác và có liên hệ mật thiết với những phụ nữ phóng đãng, và cố gắng tránh xa những người như vậy. Chúng ta nên đoàn kết lại để loại trừ những vị sư đồi bại, những vị sư hay gây chuyện rắc rối và tồi tệ như Kapila. 

Sau khi loại trừ những vị sư đáng chê trách, những vị sư được cho là có tâm địa độc ác và sở hành ác, chúng ta nên tạo thành một cộng đồng các vị sư hiền thiện sống chung với nhau và thực hành pháp chúng với nhau trên căn bản của tình đoàn kết, hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau. Theo cách này chúng ta sẽ đạt được các tuệ minh sát đầy đủ và cuối cùng đạt đến đạo quả A-la-hán và Niết-bàn đoạn tận mọi khổ đau. 

Đây là nội dung đầy đủ của lời Đức Phật dạy trong kinh Kapila. Theo chú giải, sau khi nghe xong bài pháp những người đem con cá đến đều xin gia nhập tăng đoàn, thực hành pháp và không bao lâu thì chứng đắc đạo quả A-la-hán. 

Pāpabhikkhu sutta, Nidāna vagga, Saṁyutta nikāya 

Lần nọ, khi Đức Phật đang trú tại Trúc Lâm Tịnh Xá ở Rājagaha (Vương Xá), lúc bấy giờ Tôn Giả Mục Kiền Liên và Tôn Giả Lắc-khá-ná (Lakkhana) sống trên đỉnh núi Gich-chá-kut-tá (Gijjhakutta). Một hôm hai vị Tôn Giả ấy xuống núi để đi vào Kinh Thành khất thực. Tại một nơi nọ trên đường đi Tôn Giả Mục Kiền Liên mỉm cười. Tôn Giả Lắc-khá-ná (Lakkhana) bèn hỏi lí do tại sao. Mục Kiền Liên nói rằng giờ chưa phải thời để trả lời câu hỏi này và nói thêm câu hỏi ấy nên được hỏi trước mặt Đức Thế Tôn. 

Sau khi đi khất thực xong, hai vị Tôn Giả đi đến Đức Phật. Rồi trước mặt Đức Phật Tôn Giả Lắc-khá-ná (Lakkhana) đã hỏi câu hỏi trước trở lại và Mục Kiền Liên trả lời như sau: 

“Khi tôi từ trên núi đi xuống, tôi nhìn thấy một vị tỳ-kheo đi ngang qua hư không. Y của vị tỳ-kheo ấy đang bốc cháy, bình bát và toàn thân vị ấy cũng vậy. Vị ấy gào la trong đau đớn. Thực sự vị ấy là một ngạ quỷ và lúc nhìn thấy vị ấy tôi rất đỗi kinh ngạc khi biết rằng một chúng sanh như vậy có hiện hữu.” 

Ở đây, Tôn Giả Mục Kiền Liên bị chấn động mạnh với lòng bi mẫn, ngài thương xót cho vị tỳ-kheo ngạ quỷ cũng như những chúng sanh khác được cho là sẽ phải chịu cái khổ như vậy bao lâu họ còn luẩn quẩn trong vòng luân hồi này. Ngài mỉm cười bởi vì ngài biết rằng ngài đã chấm dứt được tất cả những khổ đau ấy. 

Kế đó Đức Phật nói như sau: “Này các tỳ-kheo, những đệ tử của ta có nhiều trí tuệ có thể thấy được những chúng sanh như vậy. Các vị ấy có thể đưa ra một lời giải thích được minh chứng bằng chính mắt mình để ủng hộ cho lời dạy của ta. Vào cái đêm thành đạo ta đã thấy những chúng sanh này. Nhưng ta không nói cho ai biết về điều đó vì sự tiết lộ của ta sẽ làm cho những kẻ hoài nghi bị tổn hại. Này các tỳ-kheo, ngạ quỷ đó là một ác tỳ-kheo trong thời Đức Phật Ca-diếp (Kassapa Buddha). Do quả của ác nghiệp mà vị ấy làm vị ấy đã phải chịu khổ trong địa ngục rất nhiều kiếp. Do quả dư sót của ác nghiệp, vị ấy bây giờ đang chịu đau khổ với thân hình bốc cháy như vậy.” 

*** Chú giải giải thích từ Pāpabhikkhu (Ác Tỳ-Kheo):

Pāpabhikkhu hay ác tỳ-kheo là một vị sư lạm dụng bốn nhu yếu phẩm của cuộc sống, đó là., thực phẩm, chỗ trú ngụ, y phục và thuốc trị bịnh do người cư sĩ tin rằng nhờ cúng dường đến các vị sư giới đức như vầy họ sẽ được lợi ích. Trong khi đó những ác tỳ-kheo này không thực hành sự chế ngự thân và khẩu; đã thâu nhận những món vật dụng ấy bằng mọi cách và buông thả cho những khuynh hướng xấu của mình. Do đó, vào lúc chết họ phải chịu khổ trong địa ngục và đến thời kỳ của Đức Phật Gotama hiện tại họ tái sanh trong cõi ngạ quỷ (peta) dưới hình thức một vị sư. 

Cũng có thể nói tương tự như vậy với các ngạ quỷ là tỳ-kheo ni hư hỏng hay sa di hư hỏng trong các kiếp trước. Câu chuyện về những ngạ quỷ này được tìm thấy trong Tương Ưng Bộ Kinh và Tạng Luật (Vinaya Piṭaka). Những ngạ quỷ này là vô hình ngay cả đối với một bậc A-la-hán như Tôn Giả Lắc-khá-ná (Lakkhana). Có lẽ có rất nhiều ngạ quỷ vì có nhiều vị tỳ-kheo và tỳ-kheo ni hư hỏng trong thời kỳ Đức Phật Ca-Diếp. Họ phải chịu khổ trong địa ngục và rồi trở thành những ngạ quỷ bởi vì họ đã phỉ báng các vị sư giới đức và không sống đúng theo lời dạy của Đức Phật trong những kiếp trước. 

Vì thế thực hành để trở thành kẻ thừa tự pháp đích thực dưới hình thức đạo quả và Niết-bàn hay ít nhất cũng là kẻ thừa tự pháp hạng hai dưới hình thức giữ giới và bố thí là hết sức quan trọng. 

Cầu mong cho tất cả mọi người có thể thực hành giới, định, và tuệ một cách tín thành và đạt được địa vị của kẻ thừa tự pháp đúng nghĩa. 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app