Phần 9 – Thọ Ưu Nên Tầm Cầu Hay Nên Tránh

Thọ ưu nên tầm cầu hay nên tránh.

Xả (upekkhā) thiện và xả bất thiện.

Sự tái sanh của đế thích (sakka).

Giới thu thúc theo giới bổn ba-la-đề-mộc xoa.

1. THỌ ƯU NÊN TẦM CẦU HAY NÊN TRÁNH 

Kinh đề cập hai loại thọ ưu, đó là thọ ưu dẫn đến bất thiện nghiệp (hành vi, lời nói hay ý nghĩ bất thiện) và thọ ưu dẫn đến thiện nghiệp. Loại trước chúng ta nên tránh và loại sau chúng ta nên chào đón. Tất nhiên không phải chúng ta cố ý đi tìm thọ ưu mà nó được ca ngợi bởi vì nó dẫn đến việc thực hành thiền định, thiền minh sát, thánh đạo và thánh quả mà thôi. 

Kinh Phân Biệt Sáu Xứ (Salāyatanavibhaṅga) nói cho chúng ta biết loại (thọ) ưu nào nên chào đón và loại thọ ưu nào nên tránh. Chúng ta thường ưu sầu khi không đạt được những điều khả lạc, đáng mong ước hay thiếu thốn những thứ ấy trong quá khứ. Chúng ta không vui khi biết mình phải đương đầu với những hiểm nguy trong tương lai hay khi chúng ta nghĩ đến những khổ đau chúng ta đã nếm trải trong quá khứ. Những cảm thọ ưu này không lợi ích gì cho chúng ta mà chỉ tạo ra đau khổ và những tư duy bất thiện mà thôi. 

Có thể nói những cảm thọ ưu này là chướng ngại cho các thiện nghiệp. Những ai nuôi dưỡng chúng không thể có được lòng tín thành trước hình ảnh Đức Phật. Ngay cả trong lúc tụng kinh, niệm phật tâm họ cũng bị phân tán đến nỗi không thể có được sự nhiệt thành và tập trung. Nếu quán niệm Phật là điều đáng làm thì một cái tâm an tịnh là rất cần thiết. Không có nó thời sẽ chỉ có những tư duy bất thiện. Vì thế chúng ta nên cố gắng để vượt qua những cảm thọ này. Tuy thế một số người dường như vẫn chào đón khổ ưu. Có thể họ sẽ không thích nếu bạn bảo họ đừng nên ưu sầu về sự mất mát người thân yêu của họ. Trái lại, họ sẽ biết ơn khi bạn nói một điều gì đó biện minh cho sự ưu sầu của họ. 

Chúng ta nên nhớ đến quy luật về nghiệp và những lời dạy của Đức Phật về quy luật này khi ngài nói rằng mọi việc xảy ra theo đúng nhân hay hành động chúng ta đã gieo và cố gắng chịu đựng những bất hạnh của mình một cách điềm tĩnh. Cách chữa tốt nhất trong một cuộc khủng hoảng như vậy là thực hành thiền chỉ và thiền minh sát. Nếu sầu, ưu, não làm cho chúng ta đau đớn trong lúc hành thiền chúng ta phải ghi nhận và loại trừ liền những trạng thái tâm bất thiện ấy. Đức Phật mô tả phương pháp thiền Tứ Niệm Xứ này như cách duy nhất để vượt qua sầu ưu và đoạn tận mọi khổ đau. Bao lâu chúng ta còn giữ được chánh niệm theo lời dạy trong kinh Tứ Niệm Xứ, chúng ta không bao giờ cảm thấy tuyệt vọng và nếu tuyệt vọng có phát sanh, nó sẽ diệt khi chúng ta tập trung sự chú ý của chúng ta vào nó. 

Có nhiều điều trong cuộc sống làm cho chúng ta không vui như ước vọng không thành, công danh ,thất bại, mất mát tài sản, v.v… Suy nghĩ ủ ê về những bất hạnh này sẽ dẫn chúng ta đến chỗ tuyệt vọng, tuy nhiên chúng ta nên vượt qua nó bằng cách dùng chánh niệm hay bằng phương pháp thiền quán đã được dạy ở đây, đó là quan sát liên tục sự phồng và xẹp của bụng, và oai nghi ngồi, v.v…. 

Thực hành chánh niệm là việc chính yếu đối với Đế Thích lúc này. Vì trong việc đương đầu với cái chết sắp xảy ra, cái chết chắc chắn sẽ đem lại sự mất mát về hạnh phúc và những dục lạc cõi trời của ông, Đế Thích rất sầu khổ. Vì thế lời dạy của Đức Phật cho ông mang tính thực tế và rất quan trọng. 

Đến đây tôi sẽ dẫn ra bản dịch của bài kinh Phân Biệt Sáu Xứ (Salāyatanavibhaṅga Sutta) nói về thọ ưu chúng ta nên chào đón. 

“Sau khi đã quan sát và nhận ra sự vô thường của sắc hiện tại (rūpa), nhận ra sự biến hoại và diệt mất của chúng, người hành thiền có được một tuệ giác thực sự vào bản chất của các pháp đúng như thực, đó là thấy được bản chất vô thường, khổ và vô ngã của chúng và từ đó khởi lên trong vị ấy ước muốn thành tựu mục đích của thánh đạo, đó là sự giải thoát cao quý và vô thượng. Vị ấy mong chờ cái ngày khi mà vị ấy đạt đến sự an trú của bậc thánh đã được giải thoát như vậy. Sự mong ước đạt đến thánh giải thoát này khiến vị ấy ưu sầu và thọ ưu này được gọi là nekkhammassita-domanassa hay ưu liên hệ xuất ly, nghĩa là ưu sầu do mong muốn được giải thoát. 

Những ai quán các hiện tượng tâm vật lý hay danh-sắc khi chúng khởi sanh từ sáu giác quan sẽ nhận ra sự vô thường, v.v… của chúng và chỉ với trí về pháp của bậc thánh do nghe đồn này thôi họ cũng có thể duy trì được việc hành thiền trong hy vọng đạt đến mục đích cuối cùng rồi vậy. Đây là ưu hay khổ tâm do mong muốn giải thoát phát sanh. 

Điều này cần được giải thích thêm như sau. Với người hành thiền không có kinh nghiệm về định, hay thiền chỉ sẽ bắt đầu với việc quán các hiện tượng danh sắc sanh khởi từ sáu giác quan. Tuy nhiên việc theo dõi tiến trình danh sắc này một cách thấu đáo không phải dễ. Vì thế sẽ là không ngoan để vị ấy bắt đầu với việc quán tứ đại như đã được đề nghị trong Thanh Tịnh Đạo, chẳng hạn quán yếu tố gió (vāyo dhātu) thể hiện nơi sự phồng xẹp của bụng, một phương pháp mà chúng tôi dạy ở trung tâm thiền này. 

Trong khi vị ấy chánh niệm về sự phồng và xẹp của bụng, vị ấy cũng phải ghi nhận bất cứ ý nghĩ nào (như ý định, ước muốn,…) bất cứ cảm thọ nào (như nóng, đau,…) hay sự tiếp xúc với bất cứ trần cảnh nào (thấy, nghe,…) xảy ra. Tuy nhiên bản chất thực của danh-sắc vẫn chưa rõ ràng khi định còn yếu. Với sự phát triển của định tâm được an tịnh, trong sạch, và thoát khỏi các triền cái (nivāranas). Từng ý nghĩ hay cảm thọ sanh lên sẽ được ghi nhận và loại trừ. Người hành thiền lúc đó ở trong giai đoạn gọi là Tâm thanh tịnh (Citta visuddhhi). Sau đó vị ấy biết rõ sự khác nhau giữa Danh nhận thức và Sắc được nhận thức. Đây là tuệ phân biệt danh sắc (nāmarūpaparicheda ñāṇa) và cũng là kiến tịnh (diṭṭhi visuddhi). Kế tiếp, người hành thiền có được sự phân biệt giữa nhân và quả (paccayapariggaha ñāṇa – tuệ phân biệt nhân quả) và thoát khỏi mọi hoài nghi (kankhāvitaravisuddhi-đoạn nghi thanh tịnh). 

Người hành thiền lúc đó hiểu được rằng mọi hiện tượng đều phải chịu vô thường, khổ và vô ngã. Đây là Tư duy Trí (sammasana-ñāṇa). Vị ấy nhanh chóng nhận ra sự tan hoại của mọi thứ đã sanh lên, đây là Sanh Diệt Trí (udayabbaya ñāṇa). 

Ở giai đoạn này ước muốn giải thoát sẽ khởi lên trong người hành thiền. Vị ấy khát khao được đạt đến một giai đoạn nào đó trên thánh đạo và sẽ làm được điều này trong một thời gian nhất định. Nếu hy vọng của vị ấy không thành, vị ấy buồn rầu và thất vọng, một miếng mồi cho hoài nghi và ưu não. Nhưng vì lẽ thọ này có thể được dùng như một sự khích lệ cho vị ấy nỗ lực thêm nữa, nên nó được xem như trong cái rủi có cái may mặc dù người hành thiền không cố ý tìm kiếm nó. 

Tất nhiên, điều tốt nhất để người hành thiền làm là ngay từ ban đầu phải tiến tới không ngừng nhờ vậy các tuệ giác và kinh nghiệm sẽ cho vị ấy nhiều hỷ lạc hơn. Vì thế bài kinh nhấn mạnh trên thọ hỷ liên hệ đến xuất ly hơn thọ ưu xuất ly. Tuy thế, đối với người hành thiền không đạt được thành công trong kỳ hạn nhắm tới của mình sự thất vọng cũng là điều không thể tránh khỏi. 

Tại thiền viện này chúng tôi thường giải thích những giai đoạn tiếp nối nhau của tuệ giác cho một số thiền sinh có đủ tiêu chuẩn để giúp họ tự định giá những kinh nghiệm của mình. Chúng tôi hạn chế sự giảng dạy cho riêng một số người bởi vì nó không đáp ứng được mục đích như trường hợp những người không có kinh nghiệm hành thiền. Thực sự nó lợi ích cho những người hành thiền có kinh nghiệm chỉ ở mức tạo một cú hích cho họ nỗ lực thêm mà thôi. Những người hy vọng được nghe lời dạy của chúng tôi mà vẫn chưa đạt được đủ tuệ giác đã chán nản vì sự không hoàn thành được ước nguyện của mình. Nhưng sự chán nản này là tốt cho họ vì nó sẽ khiến họ vận dụng tinh tấn thêm nữa và dẫn đến những kinh nghiệm hợp theo lời dạy của chúng tôi và với kinh nghiệm này họ có thể tự định giá một cách hoan hỷ. 

Một số người hành thiền đã mất nhuệ khí bởi vì sự tập trung hay định của họ quá yếu ở lúc ban đầu nhưng sau đó họ đã tăng cường nỗ lực và đạt đến những tuệ giác phi thường hơn. Vì thế người hành thiền có thể lợi ích nhờ sự ưu não của họ ở giai đoạn này. Theo chú giải, chúng ta nên chào đón ưu não xuất phát từ việc không hoàn thành ước muốn của mình về sự xuất ly, về việc hành thiền, về quán niệm (anussati) và Jhāna (thiền định). Chúng ta nên sử dụng hiệu quả sự ưu, não hay tuyệt vọng về việc không có khả năng trở thành một vị tỳ-kheo, về việc hành thiền hay thậm chí nghe Pháp hay đi viếng chùa của mình. Câu chuyện về một nữ Phật tử ở Tích Lan có thể được dùng như một điển hình của sự sầu ưu thiện này. 

Cha mẹ của cô đi chùa, để con gái ở nhà vì cô đang có mang. Ngôi chùa nằm trên núi cách đó không xa lắm, vì cô có thể nhìn thấy ánh điện sáng và nghe tiếng tụng kinh của quý sư. Tâm cô chìm vào dòng suy nghĩ về nghiệp xấu đã khiến cô không thể đi chùa cùng cha mẹ nhưng rồi cô lại hân hoan về thiện nghiệp của những người hành hương tại ngôi chùa ấy. Sự hân hoan của cô biến thành Khinh Hỷ (ubbegapīti) và bất ngờ cô bay bồng lên hư không và đáp xuống trên sân chùa. Như vậy ưu thiện đã giúp tạo ra sự hoàn thành ước nguyện thiện của cô gái một cách kỳ diệu. 

Chú giải Kinh Đế Thích Vấn Đạo thì trích dẫn câu chuyện của Trưởng Lão Mahāsiva như một ví dụ về ưu thiện đưa đến chứng đắc đạo quả A-la-hán. Trưởng Lão Mahāsiva là một bậc thầy danh tiếng có rất nhiều đệ tử. Những người thực hành thiền minh sát dưới sự hướng dẫn của ngài đều trở thành bậc A-la-hán. Tuy nhiên một trong những người học trò của ngài là bậc A-la-hán đã thấy rằng thầy của mình vẫn chưa đạt đến mục đích tối thượng của đời phạm hạnh, nên đã đến để thỉnh cầu ngài cho một bài học về Pháp. Mahāsiva nói rằng ông không có thì giờ để dạy học nữa vì suốt cả ngày ông phải bận trả lời những câu hỏi của đệ tử, đoạn trừ hoài nghi,…cho họ. 

Vị A-la-hán lúc ấy mới nói, “Bạch ngài, ít nhất ngài cũng phải có thì giờ để quán Pháp vào buổi sáng chứ. Như hiện nay mà thấy ngài thậm chí còn không có thời gian để chết nữa vậy. Ngài là chỗ dựa của người khác nhưng lại không phải là chỗ dựa cho chính mình. Do đó con không cần bài học của ngài nữa.” Nói như vây xong, vị A-la-hán bay lên hư không và đi mất. 

Lúc này Mahāsiva hiểu ra rằng người đệ tử không phải đến để học Pháp mà chỉ để cảnh báo ngài về tính tự mãn mà thôi. Ngài tỉnh ngộ và sau đó âm thầm rời tu viện, rút vào một nơi thanh vắng để tích cực hành thiền. Tuy nhiên, bất chấp sự nỗ lực kiên trì và khó nhọc của mình ngài vẫn không có được chút tuệ giác phi thường nào và thậm chí sau nhiều năm ngài vẫn còn xa vời mục tiêu. Cuối cùng ngài trở nên vô cùng chán nản và bật khóc. Ngay lúc đó một vị thiên nữ xuất hiện và cũng khóc theo ngài. Vị Trưởng Lão hỏi nàng tại sao khóc, vị thiên nữ nói rằng nàng nghĩ nhờ khóc như vậy nàng có thể đắc được các tuệ giác!. 

Câu nói này đã đưa vị Trưởng Lão trở về với thực tế. Ngài tỉnh trí lại, bắt đầu thực hành chánh niệm và sau khi trải qua các giai đoạn tuệ giác nối tiếp nhau trên thánh đạo, cuối cùng ngài đạt đến đạo quả A-la-hán. Suy cho cùng tuệ giác là một kinh nghiệm mà dưới những hoàn cảnh thuận lợi người hành thiền có thể đạt đến chỉ trong một thời gian ngắn vậy thôi. Sự thất bại ban đầu của Trưởng Lão bất chấp những cố gắng tích cực của ngài có thể là do những tư duy suy luận bắt nguồn từ sự học rộng của ngài. 

Như vậy, ưu thúc đẩy ngài Trưởng Lão Mahāsiva ra sức nỗ lực thêm trên đạo lộ là một loại ưu thiện chúng ta nên chào đón. Kinh Đế Thích Vấn Đạo đề cập hai loại ưu thiện, một là ưu với tầm và tứ (vitakka vicāra) hay ưu do tư duy suy luận như trong trường hợp của ngài Mahāsiva và loại kia là ưu không tầm và tứ. Tuy nhiên trong thực tế mọi loại ưu đều gắn liền với suy tư (tầm tứ) và chúng ta nói về ưu không suy tư chỉ như phép ẩn dụ mà thôi. 

Tóm lại, ưu được xem là bất thiện khi nó làm phát sanh tham dục hay những vấn đề liên quan đến vật chất thế gian và vì thế chúng ta nên tránh những tư duy nào dẫn đến loại ưu như vậy. Nếu nó tự động khởi lên, chúng ta phải không nuôi dưỡng nó. Chúng ta nên gắn tâm trên các đối tượng khác ưu này sẽ tự biến mất. Ngược lại, ưu là thiện khi nó sanh khởi từ sự thất vọng về bất cứ nỗ lực nào nhằm thăng hoa đời sống phạm hạnh như nỗ lực để xuất gia tu tập, nỗ lực để đạt đến các tuệ giác, v.v… Chúng ta nên chào đón hay nuôi dưỡng những loại ưu như vậy vì nó có thể khích lệ sự tinh tấn dẫn đến tiến bộ trên thánh đạo. Tuy nhiên, cũng không nên cố ý tìm kiếm nó. Điều tốt nhất là làm sao để có được hỷ thiện trong cuộc tầm cầu giác ngộ này hơn là ưu. 

2. XẢ (UPEKKHĀ) THIỆN VÀ XẢ BẤT THIỆN 

Upekkhā hay xả là cảm giác không hỷ cũng không ưu. Nó sanh khởi thường hơn các loại thọ khác, hỷ và ưu là những trạng thái tâm chỉ thỉnh thoảng mới sanh. Tuy nhiên xả chỉ rõ ràng khi định lực có hiệu quả. Xả cũng có hai loại, đó là xả thiện dẫn đến các thiện nghiệp và xả bất thiện dẫn đến các nghiệp xấu. Kinh Phân Biệt Sáu Xứ đề cập đến sáu loại xả theo sự sanh khởi của chúng từ sáu giác quan, đó là, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. 

Xả bất thiện sanh khởi từ các giác quan nơi những người còn vô minh và rối ren được gọi là Xả Liên Hệ Đời Sống Gia Đình (gehasita upekkhā). Chúng ta cảm thấy hoan hỷ khi nhìn thấy một người hay vật vừa ý, cảm thấy không vui (ưu sầu) khi thấy một đối tượng không vừa ý. Nhưng chúng ta cũng có cảm thọ xả, không tốt cũng không xấu, khi thấy một người hay một vật mà chúng ta quen thấy hàng ngày. Chẳng hạn, khi chúng ta thấy một cái cây hay một cục đá cảm giác của chúng ta không vui cũng không buồn vậy. 

Trạng thái tâm này được thấy giữa những hàng phàm phu (puthujjana) khác với các bậc thánh hay thậm chí khác với những bậc thiện trí phàm phu hiểu biết về vô thường (anicca), v.v… Hàng phàm phu si mê ở đây chúng tôi muốn nói tới những người không biết gì về bản chất thực của các đối tượng giác quan. Xả bất thiện sanh khởi nơi hàng phàm phu si mê, những người, do không thực hành chánh niệm, chẳng những không biết đến vô thường, v.v… mà còn trung thành với ảo tưởng về sự thường hằng và tốt đẹp của mọi hiện tượng. 

Chú giải đưa chi tiết thêm về thọ xả bất thiện mà kẻ phàm phu chịu như sau. Người ấy không ở giai đoạn nhập lưu (sotāpanna) đánh dấu sự chiến thắng các phiền não đưa đến các cõi khổ, hoặc ở giai đoạn nhất lai (sakadāgāmi) bảo đảm thoát khỏi tham dục thô và sân hận, hoặc ở giai đoạn bất lai (anāgāmi) diệt hoàn toàn hai phiền não tham dục và sân này. Kẻ phàm phu với xả bất thiện không nằm ở một trong ba giai đoạn này và như vậy họ vẫn chưa trừ diệt được một phiền não nào cả. 

Kẻ phàm phu cũng không phải là một người đã vô hiệu hóa được quả của nghiệp. Chỉ có các bậc A-la-hán mới có thể vượt qua được những quả của nghiệp như tâm tục sanh (kiết sanh thức), v.v… Hai thuộc tính tiêu cực này, đó là vẫn có khuynh hướng về các phiền não và vẫn phải chịu tác động của luật nhân quả cho thấy rằng xả bất thiện chỉ sanh khởi nơi những kẻ phàm phu không phải Thánh. Tuy nhiên với từ puthujjana chú giải chỉ muốn nói đến những kẻ phàm phu không có trí tuệ minh sát. 

Người ấy được mô tả như một người không thấy những tai họa của si mê (moha). Do không hành chánh niệm người ấy không biết được sự thực và phát sanh ảo tưởng về một cái ngã thường hằng. Ảo tưởng này dẫn đến ái lạc, chấp thủ và cố gắng để hoàn thành ước nguyện của mình. Sự cố gắng này đến lượt nó làm phát sanh nghiệp tốt và nghiệp xấu đưa đến tái sanh với già, bịnh, chết và các khổ đau khác như hệ lụ của nó. 

Kẻ phàm phu không thấy những tai họa này của ảo tưởng và cũng không có trí. Trí có hai loại, đó là trí hiểu biết về lời dạy của Đức Phật qua những bài giảng pháp, v.v… và trí dựa trên kinh nghiệm qua việc hành thiền và minh sát trên chánh đạo. Cả hai loại trí này đều xa lạ đối với kẻ phàm phu và vì thế người ấy có xả (upekkhā) do ảo tưởng sanh. Các đối tượng giác quan không khiến người ấy hỷ hoặc ưu nhưng người ấy vẫn đắm chìm trong thế giới của các giác quan. Chính vì thế nó mới được gọi là Gehisita-upekkhā (xả liên hệ đời sống gia đình), ở đây geha có nghĩa là căn nhà của các giác quan. Nói cách khác, kẻ phàm phu không bỏ được thế giới hiện tượng hay thế giới của các giác quan và vẫn mù mịt về bản chất thực của nó, đó là vẫn không biết gì về bản chất vô thường, khổ và vô ngã… của các hiện tượng. 

Ngượi lại với xả bất thiện là xả thiện mà chú giải đã giải thích chi tiết trên căn bản của bài kinh Phân Biệt Sáu Xứ. Xả này được đặt tên là Xả Định Hướng Xuất Ly (nekkhammasita upekkhā). Xả này có sáu loại dựa vào sáu giác quan. Nhờ chánh niệm về sự diệt của các đối tượng giác quan (trần cảnh), người hành thiền hiểu được rằng mọi hiệ tượng đều phải chịu vô thường, khổ và hoại diệt. Trí minh sát vào thực tại của thế gian này dẫn đến xả (upekkhā) giúp người hành thiền từ bỏ được thế giới của các giác quan và tự giải thoát mình khỏi những chấp thủ. Và rồi người ấy lãnh đạm (cs thái độ xả) đối với các trần cảnh khả lạc cũng như bất khả lạc. 

Đối với người hành thiền có chánh niệm và đã phát triển được sự định tâm, mọi hiện tượng sanh lên chỉ để diệt tức thời. Thường thường, các bản kinh nhấn mạnh đến sự thực sanh diệt này trước hết ở các cảnh sắc (đối tượng của sự thấy) tuy nhiên trong thực tế nó rõ ràng trước tiên ở các đối tượng của xúc và tư duy. Nếu trong khi đang chú tâm vào sự phồng và xẹp của bụng bất cứ tư duy hay ý nghĩ nào sanh, nó diệt ngay lập tức khi tâm gắn trên nó. Với sự phát triển của định người hành thiền biết rõ được sự phồng và xẹp một cách tách biệt và sau đó cái biết của vị ấy mở rộng đến sự biến mất nối tiếp nhau của phồng và xẹp. Ở giai đoạn Diệt Trí (bhaṇgañāṇa) vị ấy thấy bụng, tay, v.v… không như những vật chất vững chắc mà như những hiện tượng diệt không ngừng và tức thời. 

Với sự phát triển của Diệt Trí sự biến diệt không ngừng của các hiện tượng trở nên rõ ràng hơn đến nỗi người hành thiền cuối cùng nhận thức rõ được quy luật của vô thường. Biết được bản chất của danh-sắc đúng như chúng thực sự là như vậy, vị ấy không hoan hỷ cũng không ưu sầu mà vẫn chỉ có sự hay biết về các đối tượng giác quan. Sự hay biết lướt nhanh này dẫn đến một loại Xả được thể hiện rõ hơn khi các tuệ minh sát, Diệt Trí và Hành Xả Trí, vụt qua tâm. 

Ở giai đoạn này trên đạo lộ người hành thiền không thích cũng không ghét khi nhìn thấy những đối tượng khả ý hoặc không khả ý. Như vậy vị ấy vượt qua sự chấp thủ đối với sắc, thinh,… Xả (upekkhā) của vị ấy cũng vượt qua dục giới và trong thực tế nó có nghĩa là sự giải thoát và là mục tiêu của việc thực hành minh sát. 

Người hành thiền nên tìm kiếm loại xả thiện định hướng minh sát này. Nó được xem là kinh nghiệm đầu tiên ở giai đoạn tuệ sanh diệt (udayabbaya ñāṇa) cao cấp và dễ thấy nhất ở giai đoạn hành xả trí (saṅkhārupekkhā ñāṇa). Theo kinh điển thỉ xả có hai loại, đó là xả với tầm và tứ và xả không tầm không tứ. Trong thực tế tất cả xả xuất hiện trong lúc quán đều liên hệ đến tầm và tứ nhưng trong khi đang quan sát tâm dục giới và tâm sơ thiền thì nó được gọi là xả có tầm và tứ còn xả xuất hiện trong lúc an trú nhị thiền thì được gọi là xả không tầm không tứ vậy thôi. Trong hai loại xả, xả không tầm và tứ cao thượng hơn. 

3. SỰ TÁI SANH CỦA ĐẾ THÍCH (SAKKA) 

Trong bất kỳ trường hợp nào cũng vậy, mục đích chính của việc thực hành minh sát là để tìm kiếm và trau dồi loại xả gắn liền với Hành Xả Trí. Để đạt được mục đích này chúng ta nên tránh dục hỷ và tầm cầu hỷ thiện trong những nghiệp lành và thiền quán. Cũng vậy chúng ta nên chào đón ưu thiện xuất phát từ sự thất vọng trên thánh đạo và tránh ưu bất thiện. Tương tự, chúng ta nên tránh xả bất thiện thuộc dục giới và tầm cầu xả thiện thuộc thánh đạo. 

Ở đây sự nhấn mạnh được đặt trên phương diện tích cực của thực hành. Nói cách khác, chúng ta nên tập trung trên hỷ thiện, ưu thiện và xả thiện. Vì sự trau dồi những trạng thái tâm thiện này có nghĩa là sự diệt trừ của những đối pháp tiêu cực hay bất thiện của chúng. 

Chúng ta cũng nên diệt ưu thiện bằng hỷ thiện. Điều này hàm ý rằng nếu chúng ta chán nản do không đạt được tiến bộ nhiều trên thánh đạo, chúng ta phải vượt qua sự chán nản này bằng cách vận dụng tinh tấn thêm nữa để đắc các tuệ minh sát. Cũng vậy hỷ thiện phải được loại trừ bằng xả thiện. Xả thiện thuộc minh sát này là cái chí thiện của đời phạm hạnh. Tuy nhiên không nên loại trừ hoàn toàn hỷ trong thiền minh sát vì với hỷ thiền minh sát này sẽ tạo thành căn bản cho những đạo quả đi chung với ba bậc thiền đầu tiên. Hơn nữa, người hành thiền nếu không đắc thiền (định) thời không thể đắc (tâm) đạo tứ thiền đi cùng với xả được. Vị ấy chỉ có thể đắc ba thiền đầu cùng sanh với hỷ. Thường thì vị ấy đắc đạo quả do nhờ minh sát thuận thứ với hỷ. Chính vì vậy Đức Phật nhấn mạnh hỷ thuộc minh sát như trạng thái tâm cao nhất. 

Như vậy tuệ hành xả (saṅkhārupekkhā ñāṇa) đi cùng với hỷ hoặc với xả chỉ là một bước rút khỏi thánh đạo và thánh quả. Nếu người hành thiền không thỏa mãn với tuệ hành xả này vị ấy thường đắc đạo quả trong vòn bốn hoặc năm ngày. Vì thế xả cùng với hỷ xuất ly là những pháp phải được tầm cầu vì nó dẫn đến đời sống phạm hạnh ở mức minh sát đạo. 

Do đó, người hành thiền nên xem ưu thiện kém quan trọng hơn hỷ thiện và thậm chí hỷ thiện không quan trọng bằng xả cho đến khi vị ấy đạt đến tuệ hành xả (saṅkhārupekkhā ñāṇa). Điều này có nghĩa là cho đến khi chứng đắc bốn giai đoạn trên thánh đạo và dập tắt hoàn toàn ái, mạn, kiến. Tóm lại, Đức Phật nói với Đế thích (Sakka): “Này Thiên chủ! Vị tỳ-kheo tránh các bất thiện pháp và tìm kiếm các thiện pháp là đã thực hành con đường trung đạo của đời phạm hạnh dẫn đến Niết-bàn, dập tắt hoàn toàn mọi phiền não.” 

Trong khi theo dõi bài pháp của Đức Phật, Đế thích (Sakka) quan sát các trạng thái tâm của mình, trau dồi hỷ thiện và xả thiện, phát triển trí tuệ minh sát và trở thành một bậc thánh nhập lưu. Sự chứng đắc này được theo sau bởi cái chết và tái sanh tức thời của ông như một thiên chủ Đế Thích mới. Ông chỉ đạt đến giai đoạn thứ nhất trên thánh đạo vì tiềm lực tinh thần còn hạn chế của ông. 

Sự tái sanh của Đế thích (Sakka) cho thấy rằng nhờ nghe pháp một vị thiên tử sắp chết có thể gặt hái được rất nhiều lợi ích. Nhờ chánh niệm trên những cảm xúc thiện người hành thiền có thể đạt được tiến bộ đáng kể trên thánh đạo và cảm xúc phổ biến nhất trong số đó là hỷ thiện. Trưởng Lão Phussadeva ở Tích Lan đã trở thành một bậc A-la-hán sau khi quán thọ hỷ sanh khởi trong tâm vị ấy khi nhìn một bức tượng Phật. Hoàng hậu của đức vua Asoka cũng vậy, đạt đến đạo quả Nhập Lưu sau khi quán thọ hỷ tuôn trào trong bà khi nghe tiếng hót của một con chim mà âm thanh của nó giống như những lời bình phẩm vậy. Người hành thiền thậm chí có thể đắc đạo quả A-la-hán trong khi tùy quán về bố thí (dāna) và giới (sīla) cũng như về sự vô thường của hỷ thiện xuất phát từ việc thực hành của họ. 

Vào lúc chứng đắc nhập lưu, Đế thích (Sakka) hoàn toàn thoát khỏi hoài nghi và ảo tưởng về một thực thể-tôi (thân kiến). Sự giải thoát của một bậc thánh nhập lưu mà hiện tại vị ấy đang hưởng khác với sự giải thoát vị ấy kinh nghiệm trước đây vốn dựa trên tri kiến và tư duy. 

4. GIỚI THU THÚC THEO GIỚI BỔN BA-LA-ĐỀ-MỘC XOA 

(PĀTIMOKKHASAṀVARA-SĪLA) 

Kế tiếp Đế thích (Sakka) hỏi Đức Phật về sự liên hệ của giới với đời sống phạm hạnh. “Bạch Đức Thế Tôn, thế nào là sự thực hành giới bảo vệ một người khỏi (sa vào) bốn ác đạo hay khỏi những thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp bất thiện?” 

Đức Phật dạy có hai loại nghiệp, đó là thiện nghiệp và bất thiện nghiệp. Ngài cũng xếp lời nói và sự nuôi mạng theo cách tương tự. Bất cứ hành động, lời nói hay sự nuôi mạng nào góp phần vào nghiệp tốt thì đó là thiện và bất cứ hành động, lời nói và sự nuôi mạng nào góp phần vào nghiệp xấu là bất thiện. Thân hành bất thiện gồm sát sanh, trộm cắp và tà dâm. Sự kiêng tránh những thân hành này tạo thành thiện nghiệp. Đây là những giới luật dành cho người tại gia cư sĩ và còn có nhiều giới khác mà vị tỳ-kheo phải giữ theo những lời dạy trong Tạng Luật (Vinaya Piṭaka). 

Khẩu hành bất thiện gồm nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô lỗ, xỉ vả và nói lời vô ích. Khẩu hành thiện có nghĩa là tránh những lời nói bất thiện này. Nuôi mạng bằng thân hành bất thiện và khẩu hành bất thiện là sự nuôi mạng bất chánh. Nuôi mạng chân chánh là sự nuôi mạng không liên quan đến thân hành và khẩu hành bất thiện. Tóm lại, đối với người tại gia cư sĩ sự giữ nghiêm ngũ giới bảo đảm cho giới được thanh tịnh. Một số người có thể nói rằng ngũ giới chỉ nói đến tránh nói dối chứ dứt khoát không bắt phải tránh ba loại tà ngữ và tà mạng khác. Tuy nhiên, phải nhớ rằng tránh nói dối hàm ý phải tránh luôn ba loại lời nói bất thiện vì lẽ để hoàn thành những ác khẩu này đòi hỏi người ta phải thốt ra những lời nói dối vậy. Cũng vậy chúng ta tránh tà mạng là chúng ta phải tránh sát sanh, v.v… vì ngũ giới cấm không được sát sanh, v.v… để nuôi mạng hay vì bất cứ lý do nào khác. Vì thế, có thể tóm lại là ngũ giới tạo thành giới bổn (pātimokkha sīla) cho người tại gia cư sĩ. 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app