Phần 7

CHƯƠNG III: Ba loại ái (taṅhā)  

I. KĀMATAṄHĀ (Dục ái)  

1. Những khát vọng không thành  

2. Ăn năn  

3. Khổ được thấy trước bởi bậc trí và những người hành thiền  

II. Hữu ái (Bhavataṇhā)  

III. Phi hữa ái (Vibhavataṅhā) 

CHƯƠNG III: Ba loại ái (taṅhā)

Ái có ba loại, đó là: dục ái (kāmataṅhā), tham đắm các dục lạc thế gian; hữu ái (bhavataṅhā) tham đắm các dục lạc thế gian kết hợp với quan niệm về sự thường hằng, hay thường kiến; và phi hữu ái (vibhavataṅhā), tham đắm các dục lạc thế gian kết hợp với quan niệm của chủ nghĩa hư vô hay đoạn kiến. Ba loại ái này tiếp nhận và chấp nhận cái gánh nặng Thân gọi là các uẩn.

I. KĀMATAṄHĀ (Dục ái) 

Dục ái là khao khát những đối tượng đem lại những vui thích nhục dục. Những đối tượng này có thể bắt nguồn từ trong chính chúng ta hay trong những người khác. Khi những điều vui thích hay đẹp đẽ hấp dẫn chúng ta, ngay lập tức chúng ta phải nhận ra rằng tham ái đối với những vật đó đã hình thành trong chúng ta. Ở đây, những đối tượng giác quan xinh đẹp không chỉ có nghĩa là những đối tượng chính của sự vui thích và xinh đẹp. 

Khi chúng ta nói đến một cô gái đẹp hay một cậu trai đẹp chúng ta không chỉ nói đến cô gái hay cậu trai có ngoại hình xinh đẹp, mà còn muốn nói đến những vật phụ tùng của cái đẹp đó như áo quần, … Vì thế khi chúng ta nói tham ái đã hình thành, chúng ta không chỉ có ý nói tham ái đã phát triển đối với cảnh sắc và âm thanh thú vị, mà còn muốn nói đến những vật phụ tùng đi kèm với chúng. Khi chúng ta nói về sự khát khao mùi thơm, vị ngon, xúc chạm khả lạc và những hình ảnh tưởng tượng trong tâm. Khi chúng ta ao ước được tái sanh làm người, làm chư thiên, làm đàn ông, đàn bà, v.v… thì suy xét theo cách tương tự, mọi ao ước của chúng ta đều liên quan đến các dục lạc được trông đợi từ các dục trần sẽ xuất hiện ở sáu giác quan mà thôi. Sự phát triển của tham ái là do vô minh (avijja). Vô minh hay si mê, vừa che đậy bản chất thực của mọi hiện tượng, vừa để lộ ra mặt trái của sự thực, vì vậy nó góp phần vào sự xuất hiện của tà tư duy. Vì nó che đậy sự thực nên cái giả có điều kiện thuận lợi xuất hiện. Theo cách này vô minh cho thấy vô thường là thường, bất toại nguyện là toại nguyện và không có thực thể là có thực thể. Chính vì vậy vô ngã (anatta) bị lầm chấp là ngã (atta). Tương tự như vậy, bất thiện được xem là thiện, bất tịnh được xem là tịnh,…. 

Khi vô minh có mặt thì tham ái và chấp thủ sanh, và do tham ái này chúng ta cố gắng hết sức để hoàn thành khát vọng của chúng ta; và khi chúng ta ra sự nỗ lực để hoàn thành khát vọng ấy, nghiệp (kamma) và các hành (saṅkhāras) bắt đầu hoạt động. Chúng tạo ra các Uẩn mới. Vì thế, sau đời sống này chúng ta đi qua một đời sống khác trong một uẩn mới, tất cả là do tham ái được vô minh thúc đẩy. Cuối cùng chúng ta bị bỏ lại với gánh nặng phải mang.

1. Những khát vọng không thành 

Chúng ta luôn luôn muốn cái tốt nhất, nhưng hiếm khi chúng ta đạt được nó. Một người mong ước được trở thành một con người hay một vị chư thiên; nhưng thay vì trở thành những gì mình mong muốn người ấy có thể phải đi xuống bốn cõi thấp hay đi đến ngạ quỷ giới do sức mạnh của nghiệp. Hay người ấy cũng có thể tái sanh làm một con thú, như trâu, bò, gà, vịt hay một con côn trùng nào đó… Cuộc đời giống như đang đặt cược trong một cuộc rút thăm xổ số vậy. Mọi người đặt cược số tiền của mình vào xổ số hy vọng sẽ đoạt được giải nhất. Nhưng chỉ người may mắn nhất đoạt được. Những người còn lại phải hài lòng với những giải thấp hơn. Phần lớn ra đi với giải vài ngàn đồng. Người kém may mắn nhất chỉ rút được những con số không và chẳng được gì cả. Rõ ràng không phải mọi người đều được giải nhất. Tương tự như vậy, không phải mọi người ai cũng có thể trở thành người hay chư thiên. Chỉ ai có nghiệp tốt mới được tái sanh vào những cảnh giới cao ấy. Mà thiện nghiệp thì chỉ có thể thành tựu bằng việc thực hành bố thí, giữ giới, và hành thiền. Những người không tạo được những thiện pháp này không thể có được lối vào cõi người hay cõi chư thiên được; đã thế họ còn có thể phải bị đưa tới những cõi thấp như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh,… Phát nguồn của tất cả Uẩn mới là tham ái (taṇhā), tham ái vốn tìm thấy sự thích thú trong các đối tượng khả lạc; và do đó nó được nói là người chấp nhận gánh nặng. 

Mỗi lần chúng ta chấp nhận một trần cảnh đáng mong muốn, chúng ta đang chấp nhận cái gánh nặng năm uẩn. Sau khi đã chấp nhận nó, chúng ta phải mang nó và phải phục vụ nó trong bốn mươi năm, năm mươi năm hay một trăm năm cuộc đời của chúng ta giữa những gian truân và đau khổ không thể nói hết được. Trước đây, nếu chúng ta nhận ra điều này ắt hẳn chúng ta sẽ nhìn sự tham đắm vào các dục trần của chúng ta với sự ghê tởm rồi. Thực sự chúng ta sẽ còn khiếp sợ hơn nếu chúng ta biết trước rằng do tham ái này chúng ta sẽ phải tái sanh vào cõi súc sanh để mang cái gánh nặng ngũ uẩn của con vật, hay tệ hơn, chúng ta phải tái sanh vào cõi ngạ quỷ để mang cái gánh nặng năm uẩn của ngạ quỷ. Trước đây tôi đã nói cho quý vị biết về các ngạ quỷ phải chịu khổ do những ác nghiệp mà chúng phạm rồi. Nếu chúng ta biết trước rằng những tham muốn này cuối cùng sẽ dẫn chúng ta đến địa ngục ắt hẳn tất cả chúng ta sẽ ghê sợ hơn. 

Vua A-xà-thế có một tham muốn mãnh liệt đối với cuộc sống xa hoa của một vị vua. Do đó, ông đã giết chết cha của mình để soán ngôi. Do hậu quả của ác nghiệp này, ông bị ném vào địa ngục để chịu khổ trong vạc đồng sôi và bốn chàng thanh niên con nhà giàu, do những tham muốn nhục dục của họ, đã bị đưa xuống đó sau khi chết. Khi còn làm người bốn thanh niên này đã phạm tội tà dâm, bằng cách dùng tiền cám dỗ vợ của người khác để ngủ với họ. Lohakumbhī là một cái vạc kích thước rất lớn. Bốn tội nhân này đã bị luộc trong cái vạc nấu sắt nóng chảy (đồng sôi) này, lúc thì chìm xuống dưới đáy vạc lúc thì nổi lên trên mặt đồng sôi, rất nhiều lần như vậy. Mỗi lần chìm từ trên bề mặt xuống đáy vạc mất 30 ngàn năm, và phải mất 30 ngàn năm khác để trồi lên trên bề mặt trở lại. Vì thế, sau một đợt 60 ngàn năm, bốn chàng thanh niên này mới gặp lại nhau trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi trên bề mặt nước đồng sôi, và mỗi người cố tìm cách nói một điều gì đó về tình trạng đau khổ của họ. Nhưng mỗi người chỉ vừa nói lên được một vần thì phải chìm xuống dưới đáy trở lại. Những gì họ cố gắng muốn nói chỉ có thể được nghe và ghi lại như “Du, Sa, Na và So”. 

Chàng thanh niên đầu tiên thốt lên được vần “Du”, ý muốn nói rằng trong lúc anh còn là người anh đã không hành pháp bố thí và giữ giới mà dành cả cuộc đời mình làm điều ác. Ngay khi anh vừa mới bắt đầu muốn nói lên những điều ấy thì anh bị kéo xuống đáy vạc. 

Chàng thanh niên thứ hai bắt đầu phát ra được chữ “Sa” muốn nói rằng anh đã phải ở hơn sáu mươi ngàn năm dưới địa ngục và tự hỏi không biết bao giờ mới được thoát khỏi nơi đây. Cũng như chàng thanh niên thứ nhất, anh chỉ có thể thốt lên được một vần là đã bị kéo xuống đáy trở lại. 

Chàng thanh niên thứ ba cũng chỉ vừa đủ thời gian để nói lên âm “Na” thì đã bị chìm xuống. Anh muốn nói rằng anh và các bạn anh không thể thấy được chỗ tận cùng của khổ đau vì trong kiếp sống làm người, bọn anh đã không làm được gì ngoài những điều ác. 

Chàng thanh niên cuối cùng la lên được âm “So” và chìm xuống đáy, ý anh muốn bày tỏ sự hối tiếc của mình và hứa rằng nếu thoát khỏi địa ngục anh sẽ hành pháp bố thí và giữ giới để tạo phước.

2. Ăn năn 

Chắc chắn bốn chàng thanh niên trên rất ăn năn. Nhưng điều đó không ích lợi gì cả vì những hối tiếc ấy đến sau khi điều ác đã phạm và đã tạo ra quả rồi. Vì thế Đức Phật luôn luôn bắt chúng ta phải có sự ghi nhớ (chánh niệm) sớm hơn. 

Này các Tỳ-kheo! Hãy ghi nhớ trong tâm điều này. Đó là các thầy phải luôn luôn thận trọng cảnh giác chớ để cảm thấy hối tiếc chỉ sau khi đã phạm vào những điều ác. Ta đã cảnh tỉnh các thầy rất nhiều lần về điều này. 

Thực vậy, bạn phải luôn thận trọng cảnh giác, không được quên mình trong hiện tại. Bạn dễ bị thất niệm khi lang thang trong sự xa hoa của các dục lạc. Do đó Đức Phật cảnh báo chúng ta không nên để cho tâm chạy theo các dục lạc này. Chỉ khi bạn đã về già, hay khi bạn cận kề cái chết, hoặc khi bạn đã bị đọa vào bốn cõi khổ—địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la, bạn mới cảm thấy hối tiếc vì đã không thực hành pháp khi bạn còn khỏe mạnh tráng kiện trong kiếp sống làm người. Nhưng lúc đó thì đã quá trễ. Hối tiếc cũng vô ích vì trong những hoàn cảnh kể trên bạn sẽ không thể làm được điều gì để sửa đổi được. Hiện tại bạn đang có cơ hội để thực hành minh sát, hãy thực hành ngay đi. 

Dù là tu sĩ hay người tại gia cư sĩ, chúng ta nên nghiêm túc suy xét những lời này của Đức Phật và thực hành đúng theo lời khuyên dạy của ngài. Hiện tại chúng ta đang hưởng thụ cuộc sống, nhưng trong bao lâu? Bỏ qua giai đoạn niên thiếu và lúc tuổi già, thời gian còn lại khoảng bốn mươi hay năm mươi năm gì đó là thời gian chúng ta phục vụ các uẩn này. Nếu trong khoảng thời gian phục vụ đó, cuộc đời chúng ta không có những thiện nghiệp hỗ trợ, chắc chắn chúng ta sẽ chỉ tích tạo được những điều phi phước và những bất thiện nghiệp này sẽ hướng chúng ta đến bốn cõi khổ. Bốn chàng thanh niên con nhà giàu đã chìm xuống đáy địa ngục khi vừa kêu lên được mấy vần “du, sa, na, so,” và phải chịu khổ hàng ngàn, hàng ngàn năm ở dưới đó. Những bất thiện nghiệp có thể hướng chúng ta đến cái số phận giống như số phận mà bốn tội nhân này đã gặp. Quý vị cũng phải nhớ đến cái số phận của những ngạ quỷ mà tôi đã có dịp nói đến ở trước. Những ngạ quỷ này — hiện vẫn còn đang chịu khổ trong địa ngục hoặc trong cảnh giới ngạ quỷ — đã chiều theo những tham muốn của các uẩn mà quên làm những phước sự như bố thí và giữ giới. Nếu như, trong suốt kiếp hiện tại này, chúng ta không lo thực hành pháp đế chứng ngộ đạo quả, mà nhân nhượng cho những tham muốn nhục dục, ai có thể bảo đảm rằng chúng ta sẽ không đi đến bốn cõi khổ sau khi chết ? Lúc này là cơ hội để chúng ta gặt hái những lợi ích của Phật Pháp vì giáo pháp của ngài vẫn còn đang hưng thịnh. Hãy nắm lấy cơ hội này bằng cách kính trọng và thực hành pháp bố thí, trì giới và tu thiền nhất là thiền minh sát. Liên quan tới điều này, có một bài kệ do một vị Sayadaw lão luyện sáng tác như sau: 

Hỡi này thân ngũ uẩn! Ta chẳng phải là nô lệ của ngươi cũng chẳng phải là tay sai của ngươi. 

Sau khi gặt hái những lợi ích trong giáo pháp của Đức Phật, Ta sẽ không còn nuôi dưỡng hay chăm sóc ngươi nữa đâu. 

Trước thời Đức Phật, khi giáo pháp của ngài vẫn chưa được truyền bá, người ta nuôi dưỡng thân theo mệnh lệnh của nó. Nhưng khi Đức Phật dạy rằng thân ngũ uẩn này là một gánh nặng đối với họ, rằng gánh nặng này là rất nặng, rằng ngũ uẩn này cho dù có được nuôi dưỡng như thế nào nó cũng không bao giờ biết thỏa mãn, rằng chúng chẳng bao giờ có thể là chỗ dựa của chúng ta trong những cơn khủng hoảng, vì chúng là vô thường, rằng nuôi dưỡng chúng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải chịu những khổ đau không kể xiết trong bốn cõi khổ suốt vòng luân hồi này, mọi người đã ngưng không còn chiều theo những tham muốn của chúng và chuyển tâm sang việc thực hành pháp. Tại sao họ lại ngưng được như vậy? Bài kệ thứ hai sẽ là câu trả lời. 

Ta đã nuôi dưỡng ngươi vậy mà ta vẫn phải chịu những thống khổ không sao kể hết trong vòng luân hồi bất tận này. 

Nāhaṁ dāso bhaṭo tuyhaṁ 

Nāhaṁ posemi dāni taṁ 

Tvameva poseno dukkhaṁ 

Patto vaṭṭe anappakaṁ 

Thế đấy, chúng ta đã chiều theo những ước vọng và tham muốn của thân chúng ta. Khi chúng ta được lệnh đi, chúng ta đi; khi chúng ta được lệnh nói, chúng ta nói; khi chúng ta được lệnh đi tìm thức ăn cho chúng, chúng ta đi tìm thức ăn. Theo cách này chúng ta đã làm đầy tớ cho thân của chúng ta. Có lẽ khi làm đầy tớ, chúng ta đã hoàn tất những nhiệm vụ của chúng ta một cách trung thành và chính đáng. Mặc dù làm những công việc này rất mệt mỏi; nhưng chúng ta nghĩ nó không tạo ác nghiệp. Vì thế việc phục vụ ấy có thể là đúng. Nhưng nếu, trong quá trình phục vụ cho cái thân của chúng ta, chúng ta phải làm điều ác, như kiếm sống bằng những phương tiện bất lương, chúng ta cũng sẽ phải làm. Và tất nhiên chúng ta sẽ phải bị trôi lăn trong vòng luân hồi bất tận, chịu cái khổ của bốn ác đạo. Chẳng hạn, để duy trì sự sống chúng ta có thể phải dùng đến sát sanh, hay cướp bóc, hay trộm cắp, hay lừa đảo, v.v… Hoặc có thể chúng ta phải vu khống người khác, hay tham gia vào những chiến dịch tuyên truyền dối trá chống lại người khác, chỉ để trục lợi từ việc tạo ra bất hòa giữa họ mà thôi. Tất cả những việc làm này là akusala dhamma (bất thiện pháp), vốn lót đường cho chúng ta đi đến địa ngục. Cho dù có may mắn được tái sanh lại làm người hay chư thiên chúng ta cũng sẽ phải chịu khổ bất chấp sự hiện hữu ở các cõi ấy là thuận lợi.

3. Khổ được thấy trước bởi bậc trí và những người hành thiền 

Những khổ đau nhiều loại vừa kể chỉ liên quan đến những kẻ phàm phu bình thường. Đối với bậc trí và người hành thiền thì ngay cả cuộc sống hạnh phúc rõ ràng của con người, của chư thiên, và phạm thiên cũng được xem như phải chịu khổ (dukkha). Trong cõi nhân loại này, mặc dù một người có thể cảm giác rằng mình đang rất hạnh phúc, người ấy cũng thực sự bị chất nặng bởi năm uẩn, cái mà họ phải cho nó ăn và nuôi dưỡng suốt cả cuộc đời mình. Điều này tự nó là khổ.Và cái khổ sẽ rõ ràng hơn khi bạn ngã bệnh. Lúc đó những người không có quan hệ gì với bạn sẽ chẳng ai lo lắng chăm sóc cho bạn. Tất nhiên bạn có thể trả tiền để mướn một y tá hay vú nuôi chăm sóc cho mình; nhưng ngay cả như vậy cũng không có gì chắc chắn rằng cô ta có thể chăm sóc bạn mỗi ngày và trong một thời gian lâu dài được, dù bạn có tiếp tục trả cho cô ta những món tiền lớn hơn. Khi chúng ta nói về đời sống của chư thiên có lẽ chúng ta không thể nói với sự chắc chắn được vì chúng ta chưa bao giờ thấy họ. Họ cũng sẽ có cái khổ (dukkha) của việc thỏa mãn những ham muốn dục lạc của họ. Vua của chư thiên nghe đồn là có rất nhiều thiên nữ hầu hạ. Nhưng có lẽ thiên vương không bao giờ có thể thỏa mãn hết những tham muốn của họ. Và khi họ không được thỏa mãn, khổ đau tất nhiên sẽ nhiều hơn. Phạm thiên là những chúng sinh giới đức trong sạch, không sống trong sự hưởng dục. Nhưng ngay cả như vậy họ cũng sẽ có những rắc rối với các hành (saṅkhāras) của họ, vì họ luôn luôn phải bận rộn suy nghĩ chuyện này chuyện kia để giết thời gian khi họ còn mang gánh nặng của các uẩn. Người có trí hay người hành thiền sẽ xem những vấn đề này là khổ (dukkha). Nếu bạn ngồi suốt cả ngày không làm điều gì cả bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi. Nếu bạn cứ phải ngồi trầm ngâm suy nghĩ suốt cả tháng trời như vậy bạn sẽ cảm thấy đau khổ. Vậy thì chúng ta sẽ nói như thế nào về các vị Phạm thiên ngồi suốt cả trăm năm hay cả ngàn năm chẳng làm gì cả ngoại trừ trầm ngâm suy nghĩ ? Đây là Hành Khổ (saṅkhāra dukkha) … cái khổ của việc đắm chìm trong những hoạt động của tâm (tâm hành). Khi một vị Phạm thiên chết vị ấy sẽ quay trở lại cõi nhân loại vốn đang chờ vị ấy với tất cả những khổ đau kèm theo của kiếp người. Khi những hoàn cảnh không thuận lợi xuất hiện ngay cả một vị Phạm thiên cũng có thể phải tái sanh làm một con vật hay một ngạ quỷ, hay trong trường hợp xấu nhất vị ấy vẫn có thể phải đi xuống địa ngục như thường. Vì thế, từ quan điểm của một bậc trí hay một hành giả thì tái sanh làm Phạm thiên cũng không phải là điều đáng thèm muốn, vì Phạm thiên cũng phải mang cái gánh nặng của năm uẩn vốn báo trước sự khổ (dukkha). Vì lý do đó, vào cái đêm trước khi viên tịch (parinibbāna) các bậc thánh A-la-hán thường quán: 

Ta sẽ còn phải gánh cái gánh nặng của năm uẩn vốn là khổ này trong bao lâu nữa đây?

II. BHAVATAṆHĀ (Hữu ái) 

Ở trên tôi đã đề cập đến dục ái (kāma taṅhā), kế tiếp tôi sẽ nói về Hữu Ái. Có hai quan niệm sai lầm về sự sống mà hàng phàm nhân thường chấp giữ. Một được gọi là Thường Kiến (sassata diṭṭhi), và hai là Đoạn Kiến (uccheda-diṭṭhi). Hữu ái phát sanh kết hợp với thường kiến cho rằng dục lạc là bất khả hoại vì lẽ linh hồn sẽ tiếp tục tồn tại vĩnh hằng. Phần vật chất của thể xác có thể bị hủy hoại, nhưng phần tinh thần của nó sẽ di chuyển từ thân này đến thân khác, làm phát sanh một kiếp sống mới. Vũ trụ này có thể bị hủy hoại, nhưng linh hồn sẽ tiếp tục sống. Linh hồn là thường hằng, là bất diệt. Quan niệm này được xem là phổ biến nhất ngoài giáo pháp của Đức Phật. Một số người chủ trương quan niệm này cho rằng khi một người chết, họ được đưa lên thiên đàng và ở đây họ sống vĩnh hằng, hay phải xuống địa ngục đời đời, theo ý Chúa. Một số khác thì tin rằng linh hồn sẽ di chuyển từ thân này sang thân khác và tự làm mới lại theo sự vận hành của nghiệp họ đã làm. Số khác nữa thì tin rằng sự sống được tiền định và cố định không thể thay đổi được, nó sẽ tiếp tục vĩnh hằng như vậy theo sự tiền định. Nói tóm lại, tin vào sự thường hằng của linh hồn là thường kiến (sassasa diṭṭhi). Theo quan niệm này, sự sống được ví giống như một con chim nhảy từ cây này sang cây khác khi cái cây già thứ nhất nó đậu mục nát. Cũng vậy, khi thân này chết, linh hồn đi ra khỏi nó để đến một thân mới khác. 

Dưới ảnh hưởng của Hữu Ái (bhava taṅhā) được hỗ trợ bởi ý niệm về sự vĩnh hằng, con người lấy làm hài lòng với ý nghĩ cho rằng cái tôi hay cái ngã (atta) thường xuyên đi theo mình. Họ cảm thấy như cái đang hiện hữu đây chính là họ, và tin rằng những gì họ đang được hưởng họ cũng sẽ được hưởng trong các kiếp sống tương lai. Chính vì vậy sự dính mắc của họ vào những gì họ thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trong suốt cuộc luân hồi này. Họ không chỉ thích thú trong các dục trần họ hưởng thụ trong kiếp hiện tại mà còn thích thú trong cả những cái mà họ hy vọng sẽ được hưởng trong kiếp sau. Họ muốn hưởng thụ cuộc sống hiện tại và họ cũng mong muốn được tiếp tục hưởng nó trong những kiếp lai sanh. Sau khi đã được sống một kiếp sống hạnh phúc như một con người, họ thậm chí còn đi xa hơn thế nữa, đó là hy vọng được hưởng các lạc thú của cõi trời như một vị chư thiên. Lòng tham cứ tăng trưởng mãi như vậy. Có những người thích kiếp nào sinh ra cũng được làm người nam trong khi những người khác lại nguyện được làm người nữ. Tất cả những khao khát này là công việc của hữu ái (bhava taṅḥā). Con người không biết rằng sự mong mỏi những dục trần mà họ đã từng được hưởng thụ và chấp đắm vào chúng ấy có nghĩa là họ đã chấp nhận mang cái gánh nặng của năm uẩn. Do đó, Hữu Ái chính là sự khát khao các dục lạc cộng với niềm tin cho 

III. VIBHAVATAṄHĀ (Phi hữu ái) 

Ngắn gọn, uccheda-diṭṭhi (đoạn kiến) là tin không có đời sau. Mọi thứ đều diệt vong sau khi chết. Đây là giáo thuyết do Ajita, một trong những ngoại đạo sư cùng thời với Đức Phật giảng dạy và rất thịnh hành thời ấy. Giáo thuyết này cho rằng: 

Một cá nhân do tứ đại — đất, nước, lửa, gió — tạo thành. Khi họ chết, địa đại trở về với đất lớn; thủy đại chảy vào biển nước; hỏa đại chuyển thành hơi nóng; phong đại trở về với khối không khí. Tất cả các giác quan… Thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ… biến mất vào trong hư không. Khi một cá nhân, dù họ là người trí hay kẻ ngu, chết, thân xác bị hủy hoại diệt mất. Chẳng còn lại gì sau khi chết cả. 

Trong khi cư trú trong thân, địa đại tự thể hiện dưới hình thức cứng hoặc mềm; nhưng khi thân này chết, nó lìa bỏ thân để hòa nhập lại với đất bên ngoài. Nói cách khác, địa đại trong thân chết sẽ chuyển thành chất đất (pathavī rūpa), từ đó cây cỏ mọc lên. Theo cách tương tự, thủy đại trong thân chết được cho là sự ẩm ướt và lưu chảy của chất nước. 

Những người theo thuyết hư vô của trường phái Ajita này không nhìn nhận sự hiện hữu của thức. Tất cả các căn thấy, nghe,… là do vật chất tạo thành. Vì thế khi đề cập đến các căn này họ dùng từ Indriya, căn hay giác quan. Theo họ, khi một người chết, vật chất bị hủy diệt, các căn của người ấy tan rã vào hư không. Bất kể người nào chết, dù là trí hay ngu, sự sống của họ bị “cắt đứt” hay chấm dứt. Khi một người ngu chết, sẽ không có tái sanh nên người ấy không cần phải có những day dứt hay hối tiếc về những ác nghiệp của mình, cũng giống như người trí bình thản trước những thiện nghiệp của họ vậy. 

Tóm lại, đây là cách suy nghĩ của Ajita. Tất nhiên, giáo lý của ông hấp dẫn đối với những người thích làm điều ác, và cảm thấy khó chịu khi làm điều thiện. Vì giáo lý này mặc nhiên công nhận không có sự sống sau khi chết, nó có thể bị vặn lại là có sự sống trước khi chết chăng? Nếu nói rằng có, nó có thể bị hỏi thêm: “Sự sống trước khi chết là gì?” Câu trả lời, theo phương châm lý luận của Ajita và những người cùng quan điểm với ông thì sự sống trước khi chết là atta (bản ngã) hay satta (chúng sinh). Điều này gợi ý rằng, bất chấp quan niệm của họ là chỉ có tứ đại, atta hay satta vẫn hiện hữu. Đây là sự chấp thủ vào bản ngã thuần tịnh và đơn giản. Những người chủ trương đoạn kiến ước định rằng con người không nên phí thì giờ làm điều thiện cho những kiếp lai sanh (vì sẽ không có sự sống sau khi chết), thay vào đó hãy dành hết thì giờ để hưởng thụ kiếp sống hiện tại, kiếp sống duy nhất con người có. 

Tham ái xuất phát từ quan niệm Phi Hữu Ái (vibhavataṅhā) này thúc đẩy con người lao vào hưởng thụ các dục lạc trong khi còn sống vì mọi thứ sẽ tàn lụi sau khi chết. Lẽ đương nhiên, hệ tư tưởng này có một sức hấp dẫn rất lớn đối với những người thích làm điều ác, ngại làm các điều thiện như bố thí, giữ giới, tu thiền. Vì không có gì xảy ra sau khi chết, nên không cần thiết phải tạo trữ phước thiện. Những người say mê quan niệm này sẽ không thích ý niệm cho rằng cuộc sống luôn luôn đổi mới và rằng quả của thiện nghiệp cũng như ác nghiệp sẽ đi theo dấu vết của họ. Nếu không có đời sống mới xảy ra sau khi chết, mọi ác nghiệp của họ sẽ chấm dứt cùng với cái chết của họ, và họ sẽ không phải chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả thiện ác nào. 

Thực sự những ác nghiệp mà họ làm sẽ bị xóa sạch sau khi họ chết và xuất ra khỏi họ như một con cừu vô tội, Phi Hữu Ái luôn luôn tìm được sự thỏa mãn trong những ý niệm về sự hủy diệt hoàn toàn như vậy. Bị ám ảnh bởi quan niệm này một người luôn luôn khao khát hưởng thụ những lạc thú của cuộc đời, không chút kềm chế khi làm điều tội lỗi. Tuy nhiên sự chấp nhận những dục lạc trong kiếp hiện tại cũng có nghĩa là sự chấp nhận các uẩn sẽ sanh khởi trong kiếp sống tương lai. 

Những hành động ác họ tích tạo trong kiếp này là những bất thiện nghiệp mà khi lâm chung họ sẽ bám vào, và do những ác nghiệp ấy, các uẩn mới sẽ phát sanh. Vì bao lâu tham ái còn tồn tại, sự hiện hữu mới là điều không thể tránh khỏi bất kể quan niệm của họ là thường kiến hay đoạn kiến. Y học khuyên rằng người bệnh không nên dùng những thực phẩm không thích hợp đối với sức khỏe của mình; nhưng bệnh nhân không chịu tiết chế và ăn những thứ bị cấm. Kết quả là tình trạng sức khỏe của họ trở nên tồi tệ hơn, thậm chí có thể phải chết. Người bị khổ sở với Đoạn Kiến cũng giống như người bệnh đó vậy. Mặc dù họ tin không có đời sau, nhưng lòng tham đối với những dục trần của họ mãnh liệt đến nỗi họ sẽ “trở thành” hay tái sanh trở lại, bất kể triết lý của họ nói gì. Sự hiện hữu mới sẽ khó lòng giữ cho anh ta ở trong trạng thái tốt đẹp được vì anh ta chưa bao giờ làm một việc thiện nào trước đây. 

Mỗi ác nghiệp đều tạo ra một ác quả (hay có thể nói mỗi hành động ác đều có một phản ứng xấu đối nghịch lại). Triết lý của anh ta từ đầu đến cuối chỉ là sự thỏa mãn những tham muốn vị kỷ bất chấp những hậu quả bất lợi cho người khác. Ai chết mặc ai miễn sao ta sống là được rồi, anh ta nghĩ như vậy. Anh ta không hề có những day dứt của hối tiếc về những hành động đã làm tổn hại đến người khác của anh ta. Do anh ta chỉ tạo những nghiệp xấu theo cách này, anh sẽ không có hy vọng gì ngoại trừ những kiếp sống hạ liệt và khổ đau trong tương lai suốt vòng luân hồi này. 

Lập lại một lần nữa, Phi Hữu Ái là tham ái đối với những dục trần trong cuộc sống mà vốn được tin là không có đời sau. Một người, bị khổ sở với loại tham ái này thường thỏa sức đắm chìm trong các dục lạc. Khái niệm hạnh phúc, theo họ nghĩ, giống như những thứ khác sẽ tàn lụi với cái chết, con người sẽ không phải chịu trách nhiệm về những hành động thiện ác trong cuộc đời của mình. 

Tôi sẽ tóm lại những gì đã được nêu ra từ trước đến nay: 

Cái gì là gánh nặng? Năm uẩn là gánh nặng. 

Ai mang gánh nặng? “Người” do năm uẩn tạo thành mang gánh nặng. 

Ai chấp nhận vận chuyển gánh nặng này? Tham ái (taṅhā) chấp nhận vận chuyển gánh nặng này.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app