Phần 3

– CHƯƠNG IV: Atta có thể bị bỏ qua nhờ ghi nhận 

– CHƯƠNG V: Gánh nặng này nặng như thế nào 

   Ngạ quỷ xương 

   Ngạ quỷ thịt 

   Có rất nhiều loại ngạ quỷ 

   Chuyện những nữ ngạ quỷ tích cóp tài sản

CHƯƠNG IV. ATTA CÓ THỂ BỊ BỎ QUA NHỜ GHI NHẬN

Một số người nói rằng chỉ ghi nhận sự sanh và diệt của Danh-Sắc thôi thì không đủ. Họ thích đi vào mức chi tiết hơn và suy đoán xem hiện tượng Danh-Sắc này là gì. Thực ra những suy đoán như vậy không dựa trên trí có được do thực hành, mà chỉ là kiến thức do nghe hay kiến thức sách vở. Kiến thức ấy thuộc tri giác chứ không thuộc trí tuệ. Việc thực hành minh sát của chúng ta không liên quan đến sự tưởng tri đơn thuần mà đến minh sát trí, một loại trí chỉ có thể có được nhờ thực hành thực sự. Khi bạn tự thân quan sát mọi người đi qua cổng, bạn sẽ trực tiếp để ý thấy việc đi vô, đi ra của họ chứ không phải dựa vào người khác để biết gián tiếp việc vô ra ấy. Tương tự như vậy, nếu chính bạn quan sát và ghi nhận những gì xảy ra ở sáu căn môn, nhãn môn, nhĩ môn,… ý môn, bạn sẽ thực sự thấy cách danh và sắc sanh diệt như thế nào chứ không phải dụng tới tiến trình suy nghĩ. 

Lấy một ví dụ khác. Đặt một tấm gương ở ven đường. Tất cả người đi bộ và xe cộ sẽ được phản chiếu trong tấm gương đúng theo bản chất thực của chúng. Nếu bạn quan sát và ghi nhận chúng bạn sẽ thấy được chúng đúng như thực. Cũng vậy, nếu bạn quan sát và ghi nhận với chánh niệm mọi hiện tượng xuất hiện tại sáu căn môn, bạn sẽ để ý thấy các đối tượng giác quan (vốn không có tâm) đang sanh trong khi tâm (chủ thể nhận thức có tâm) đang nhận thức sự sanh này. Rồi cả đối tượng và chủ thể nhận thức đều diệt. Sau đó tiến trình được làm mới lại. Và người hành thiền sẽ nhận ra rằng đây là hiện tượng Danh-Sắc đang sanh và diệt. Danh và Sắc hay tâm, và thân, suy cho cùng, đều không trường cửu. Chúng không thường hằng. 

Khi bạn ghi nhận những hoạt động của Danh và Sắc bạn sẽ nhận ra bản chất thực của chúng. Sau khi đã biết được bản chất thực của chúng thì còn gì nữa để phải tư duy và suy xét? Vì thế, không phải chỉ tư duy đơn thuần về Danh và Sắc mà bạn phải thực sự ghi nhận cách chúng sanh và diệt như thế nào bạn mới biết được bản chất thực của các pháp. Và sau khi đã đối diện với chúng rồi bạn có cần phải bàn cãi về sự hiện hữu của chúng không? Thật không hợp lý nếu chỉ tụng đọc suông, “Sanh à! Diệt à!” mà không thực sự ghi nhận tiến trình sanh diệt của chúng. Trí có được do tư duy hay tụng đọc không phải là trí tuệ nội tại mà chỉ là kiến thức gián tiếp có được qua sách vở mà thôi. 

Do đó, điều cốt yếu của thiền minh sát là tự mình ghi nhận mọi hiện tượng (pháp) khi chúng xảy ra. Nếu bạn ngẫm nghĩ về chúng, định sẽ không sanh. Không có định bạn không thể có sự thanh tịnh tâm. Khi bạn suy tư và suy xét trên triết lý của Danh Sắc, nếu nhờ đó mà bạn đạt đến sự thực thì tốt; nhưng nếu bạn bị những tà kiến lôi đi bạn sẽ phải trả giá. Chẳng hạn bạn có thể quán vô thường thành thường, hay vô ngã thành hữu ngã; lúc đó cái Tôi sẽ tự khẳng định. 

Tôi khuyên những người mới bắt đầu thực hành minh sát phải ghi nhận mọi sự mọi việc khi chúng xảy ra. Khi một người đi, họ nhấc chân lên, đưa tới trước, và bỏ chân xuống. Hãy ghi nhận từng tiến trình nhấc, đưa tới và bỏ chân xuống ấy. Mới đầu người sơ cơ có thể không phân biệt được tiến trình này với tiến trình khác. Tuy nhiên, càng về sau khi năng lực định mạnh mẽ hơn, họ có thể sẽ ghi nhận được không chỉ từng tiến trình mà cả cái tâm ghi nhận nó nữa. Khi người ấy nhấc chân lên, cái chân nhấc ấy là đối tượng để tâm ghi nhận. khi định hay sự tập trung của vị ấy mạnh hơn, vị ấy sẽ để ý thấy rõ rằng các đối tượng là một việc trong khi chủ thể, tâm ghi nhận, là một việc khác. Các đối tượng là Sắc (rūpa), trong khi Danh (nāma) là chủ thể ghi nhận. Theo cách tương tự, khi co chân, người ấy sẽ nhận ra rằng “Co” là một hiện tượng và “Cái Biết” (chân đang co ấy) là một hiện tượng khác. Theo cách này, danh được phân biệt rõ ràng với sắc. Trong mọi chuyển động mà người ấy làm người ấy có thể sẽ nhận ra hiện tượng “chuyển động” khác biệt với hiện tượng “biết”. Do đó, toàn bộ ý niệm về sự hiện hữu đều dựa trên Danh (nāma), cái biết và Sắc (rūpa) cái bị biết. Danh và Sắc đi vào hiện hữu chỉ trong chốc lát và diệt hay biến mất để rồi sát na kế xuất hiện lại. Sự nhận thức này được gọi là Danh Sắc Phân Tích Trí (nāmarūpapariccheda ñāṇa). 

Người ta có thể hỏi một mình trí này liệu có thể đóng góp gì vào sự đoạn trừ cái Tôi (atta) không. Tôi đã nói về điều này ở trước. Ngay cả khi một hành giả cảm thấy tin chắc về quy luật vô thường, khổ, và vô ngã, thì ý thức chấp ngã vẫn có thể sanh khởi nếu vị ấy ngưng hành thiền trước khi đạt đến Thánh Đạo. Sự xả ly chỉ xảy ra khi chuỗi minh sát trí tiếp theo sau danh sắc phân tích trí được chứng nghiệm đúng lúc hay khi Thánh Đạo trí cho quả. 

Trước đây tôi đã nói về sự dính mắc hay chấp thủ dựa trên tham ái và tà kiến đối với năm uẩn. Chúng ta dính mắc vào sắc mà chúng ta thấy bởi vì cảnh sắc ấy là vừa ý, kích thích chúng ta phát triển cái tôi (atta). Đây là sự chấp thủ vào Sắc. Cũng vậy, chúng ta chấp thủ vào thọ, tưởng, hành và thức theo cách đó. Áp dụng những nguyên tác chấp thủ này vào các căn môn (cửa giác quan) nơi đây mọi hiện tượng xảy ra, và chúng ta sẽ đi đến kết luận rằng tất cả Danh và Sắc tạo thành năm thủ uẩn (upādānakkhandhas) đều là gánh nặng đối với chúng ta.

CHƯƠNG V. GÁNH NẶNG NÀY NẶNG NHƯ THẾ NÀO?

Suy xét kỹ, bạn sẽ nhận ra gánh nặng này nặng như thế nào. Khi một người được thụ thai trong bụng mẹ, năm uẩn liên hệ với nó phải được chăm sóc. Người mẹ phải dành cho nó mọi sự bảo vệ cần thiết để nó có thể được sinh ra một cách an toàn và phát triển tốt thành một con người. Người mẹ phải thận trọng trong mọi hoạt động hàng ngày của mình, phải ăn uống kiêng khem, ngủ nghỉ đầy đủ, v.v… Nếu người mẹ là Phật tử, bà sẽ làm những việc phước thiện vì đứa bé sắp sanh. 

Cuối cùng, khi đứa bé sanh ra, nó không thể tự lo cho nó mà người mẹ và những người lớn trong gia đình phải chăm sóc. Nó phải được cho bú sữa mẹ, phải được tắm rửa, vệ sinh và thay quần áo. Nó phải được ẵm bồng từ chỗ này đến chỗ khác. Như vậy, ít nhất cũng phải mất hai hay ba người để chăm lo cho cái gánh nặng năm uẩn bé nhỏ này. Tiện đây tôi nói để quý vị biết con cái đã nợ cha mẹ và thân quyến của chúng rất nhiều về công lao chăm sóc nhờ đó mà chúng được lớn khôn và trưởng thành. Vậy mà các thế hệ con cháu vô ơn lại nói rằng chúng sanh ra trong cuộc đời này là do dục vọng không kìm chế được của cha mẹ. Thật là những ý nghĩ đen tối biết bao! Nhân đích thực của gánh nặng hiện hữu này không phải cha mẹ, mà là nghiệp (kamma). Chính nghiệp được thổi bùng bởi những ngọn lửa phiền não trong tâm mà cái gánh nặng năm uẩn ấy bị ném vào thế gian hữu tình này. Nhân cha mẹ chỉ là phụ. Nếu cõi người không có cha mẹ, những người nghiệp xấu và phiền não sẽ chỉ tìm đường đi vào bốn cõi khổ mà thôi. 

Khi đứa bé lớn lên nó sẽ phải tự lo cho mình. Nó sẽ phải tự ăn uống mỗi ngày hai hoặc ba lần. Nếu thích ăn ngon nó sẽ phải nỗ lực để có được chúng. Nó phải tự tắm rửa, vệ sinh, đại tiểu tiện, thay quần áo, v.v… Để có được một thân thể khỏe mạnh nó sẽ phải rèn luyện thể chất hàng ngày, phải đi, đứng, co, duỗi, v.v… Mọi thứ nó phải tự làm lấy cho mình. Khi trời nóng nó phải tự làm cho mát, khi trời lạnh nó phải tự giữ cho ấm. Nó phải cẩn thận để giữ gìn sức khỏe. Khi đi nó phải để ý để không bị vấp ngã. Khi đi du hành xa nó phải nhận ra rằng mình không bị nguy hiểm. Bất chấp những cẩn thận tiên liệu này, đôi lúc nó cũng phải bị bịnh và sẽ phải điều trị thuốc men. Chăm sóc cho sự an nguy của năm uẩn này quả thực là một gánh nặng lớn. 

Gánh nặng lớn nhất đối với một chúng sanh là phải tự lo liệu cho mình. Trong trường hợp là con người, một số phải bương chải kiếm sống từ lúc tuổi mới mười hai mười ba, và vì mục đích nuôi mạng này mà chúng cần phải được đi học. Một số cố lắm thì học hết tiểu học và vì thế chúng chỉ được dùng như những kẻ tôi tớ. Những đứa may mắn được giáo dục tốt hơn sẽ được dùng trong những địa vị cao hơn; nhưng rồi chúng cũng phải đầu tắt mặt tối cả ngày chẳng có thời giờ nghỉ ngơi.

Tất nhiên những đứa được sinh ra trong cuộc đời này với nhiều thiện nghiệp quá khứ sẽ không cảm giác được cái gánh nặng này. Người được sinh ra với thiện nghiệp thù thắng, ngay từ tấm bé cơm ăn áo mặc đã có cha mẹ chúng lo, và cả một sự giáo dục tốt nhất khi chúng lớn lên. Thậm chí khi chúng trưởng thành cha mẹ vẫn tiếp tục cho chúng mọi sự hỗ trợ cần thiết để trở thành một người có địa vị nhằm hoàn thành những ước nguyện của chúng. Một người may mắn như vậy có thể sẽ không biết cái gánh nặng của cuộc đời là thế nào. 

Những đứa trẻ nghiệp quá khứ không tốt chẳng bao giờ biết đến cuộc sống sung túc là gì. Ngay khi còn bé chúng chỉ biết có đói, không được ăn những gì chúng muốn ăn hay mặc những gì chúng thích mặc. Đến tuổi trưởng thành cố lắm chúng cũng chỉ kiếm vừa đủ ăn. Một số thậm chí khẩu phần ăn hàng ngày còn không đủ hoặc phải đi vay mượn hàng xóm mới có cái ăn. Một số phải dậy từ sớm tinh mơ để giã gạo nấu cơm. Nếu bạn muốn biết thêm về nững mảnh đời bất hạnh này, hãy đi đến những khu ở của người nghèo để hỏi thăm. 

Miến Điện là một miền đất phong phú, vì thế những điều kiện ở đây không đến nỗi tệ như những nước không sản xuất lúa gạo. Gạo ở Miến luôn được dự trữ để sẵn sàng phân phát cho người dân vào những lúc đói kém. Có thể nói bao lâu con người còn văn minh, những vấn đề sẽ ít hơn. Đối với thế giới loài vật, tìm kiếm thức ăn là một vấn nạn rất lớn. Chẳng hạn như những động vật ăn cỏ, khi cỏ và rau còn dồi dào thì không có gì khó khăn. Nhưng ở những nơi nước khan hiếm và rau cỏ thưa thớt, những con vật khốn khổ này thấy việc đi tìm thức ăn của chúng là một gánh nặng rất lớn. Đối với động vật ăn thịt, bức tranh có khác. Loài thú ăn thịt thường rình rập những con vật yếu hơn để giết thịt. Trong một thế giới mà ở đây luật rừng mạnh hiếp yếu thắng thế, cuộc sống là một bể khổ đích thực. Con mạnh luôn luôn nghĩ đến việc giết những con khác là điều khó lường. Vì trong khi một con vật đang cố gắng để giết những con khác, bản thân nó cũng có thể bị giết lại. Khi nó chết, nó chết với tâm bất thiện, chết với một tâm ác bị ám ảnh với sân hận. Với tâm này nó sẽ hướng đến một sự hiện hữu xấu trong tương lai. Làm thế nào nó có thể mong đợi một nơi tái sanh tốt hơn khi nó chết với những ý nghĩ khó chịu của sân hận và thù nghịch này được? Chắc chắn nó sẽ bị kéo xuống một nơi thấp hèn hơn mà thôi. Do vậy, Đức Phật nói một khi người ta đã tái sanh vào loài súc sanh rồi, sẽ rất khó cho họ để được tái sanh lại trong thế giới loài người. Tất cả những điều này cho thấy cái gánh nặng trong việc tìm kiếm thức ăn do có năm uẩn nặng biết chừng nào. 

Như vậy, chúng ta thấy việc kiếm sống lây lất qua ngày thôi cũng đã là một gánh nặng! Có những người hiền lương kiếm sống đúng theo chánh mạng. Họ chọn nghề nông hay nghề buôn bán, hoặc chọn làm những công việc quản lý được xem như những nghề vô tội không gây tổn hại cho người khác. Những người như vậy thường không gặp phải khổ đau nhiều trong vòng luân hồi, và gánh nặng của sự hiện hữu có vẻ như không nặng lắm đối với họ. Vì thế chúng ta nên biết sợ việc kiếm sống bằng những phượng tiện bất lương, bất công, bất chánh… Những kẻ theo chủ nghĩa cơ hội, biếng nhác thường cố gắng để làm giàu càng nhanh càng tốt sẽ không e ngại thâu tóm tài sản của người khác bằng những phương tiện bẩn thỉu, xấu xa. Vì mục đích ích kỷ của họ, họ sẽ không phản đối việc sát sanh, trộm cắp, hay lừa đảo. Trong khi những người dân lương thiện phải làm đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm được dăm ba chục ngàn một ngày, những kẻ chụp giựt này dễ dàng kiếm hàng trăm, hàng ngàn đồng nhờ lừa đảo hay bằng những phương tiện tương tự. Họ sẽ không do dự khi phạm tội giết người, trộm cắp, lừa đảo hay tham ô để làm giàu. Đây là cách kiếm sống bằng những phương tiện vô đạo đức. Tuy nhiên tội ác nào cũng phải trả quả, không chỉ trong đời này mà cả đời sau nữa. Ác nghiệp tạo ra ác quả, như chúng ta có thể thấy qua những câu chuyện về Ngạ Quỷ (petas) mà Ngài Mục-kiền-liên thuật lại. 

Ngạ quỷ xương 

Thời Đức Phật, có lần Tôn giả Mục-kiền-liên và Tôn giả Lakkhaṇa cùng trú ngụ tại Núi Linh Thứu, phía bắc Kinh Thành Vương Xá. Một hôm cả hai vị cùng (bay) xuống núi để đi khất thực trong kinh thành. Trên đường đi Tôn giả Mục-kiền-liên, với thiên nhãn thông, thấy một ngạ quỷ chỉ toàn là xương. Ngạ quỷ này đang kêu gào thảm thiết khi bị những con quạ, diều hâu và kên kên mổ vào thịt và ruột gan nằm trong hốc xương của thân nó để ăn thịt. Lúc đó ý nghĩ này khởi lên nơi ngài, (may quá) mọi nghiệp và phiền não đã được dập tắt trong ta, do đó sẽ không còn cơ hội nào trong tương lai để ta phải bị đau khổ giống như ngạ quỷ mà ta thấy này nữa. Ý nghĩ này làm cho ngài ngập tràn sự thoả mãn, và vì thế ngài mỉm cười. Các vị A-la-hán khi vui không bao giờ cười lớn, và thông thường thì các ngài không bao giờ cười trừ phi có một lý do đặc biệt nào đó. Tôn giả Lakkhaṇa thấy sự việc này bèn hỏi Trưởng lão tại sao ngài lại cười. Tôn giả Mục-kiền-liên nói với vị ấy rằng hãy hỏi điều này khi cả hai diện kiến Đức Thế Tôn. 

Sau khi đi khất thực trở về, hai vị cùng đi đến ngôi chùa nơi Đức Phật đang cư ngụ. Sau đó Tôn giả Lakkhaṇa bạch hỏi lại vị Trưởng lão lý do tại sao ngài cười. 

Tôn giả Mục-kiền-liên trả lời: “Trong lúc hai huynh đệ chúng ta từ trên núi đi xuống, huynh có nhìn thấy một ngạ quỷ bay ngang qua hư không, phía sau là những con quạ, diều hâu và kên kên đang đuổi theo và mổ vào thịt và ruột gan nằm trong hốc xương của nó. Ngạ quỷ ấy kêu la rất đau đớn. Khi nhìn thấy cảnh tượng này huynh tự nghĩ sao lại có thể có một sinh vật như thế này nhỉ.”

Nghe đến đây, Đức Phật xen vào để giải thích sự hiện hữu của ngạ quỷ. 

“Này các Tỳ-kheo! Các vị đệ tử của Như Lai có con mắt trí tuệ. Quả thực các vị có thấy những chúng sinh như vậy, việc thấy này đã minh chứng cho sự hiện hữu của hàng ngạ quỷ. Bản thân Như Lai cũng đã từng thấy các chúng sanh này trước đây khi thành đạo dưới cội Bồ Đề. Nhưng Như Lai chưa bao giờ nói về điều ấy; bởi vì có thể có những người không tin sẽ hoài nghi sự thực. Sự hoài nghi của họ sẽ tạo ra bất thiện nghiệp, sẽ tạo ra quả bất thiện. Vì thế Như Lai tránh không nói gì về điều đó. Thực sự ngạ quỷ mà Mục-kiền-liên gặp, một trong những kiếp trước, là người đồ tể. Do nghiệp bất thiện này y đã bị thiêu đốt trong địa ngục hàng triệu năm. Quả dư sót của nghiệp bất thiện này vẫn tiếp tục hành hạ y. Vì thế trong kiếp hiện tại y đã tái sanh làm ngạ quỷ với thân hình chỉ toàn là xương.” 

Ở đây Đức Phật có nói đến con mắt trí tuệ qua đó Tôn-giả Mục-kiền-liên thấy được ngạ quỷ. Từ điều này chúng ta suy ra rằng người bình thường không thể thấy được những chúng sanh ấy. Chỉ các vị A-la-hán có năng lực thần thông mới có thể thấy chúng. Khoa học ngày nay không chứng minh được sự hiện hữu của hàng ngạ quỷ. Tuy nhiên thiếu chứng cứ khoa học không phải là yếu tố quyết định để kết luận rằng chúng không hiện hữu. 

Sự kiện Đức Phật tránh không đề cập đến bất cứ điều gì về ngạ quỷ mà ngài đã thấy, sợ rằng điều này sẽ khiến cho những người hoài nghi khởi lên những ý nghĩ bất thiện cũng đáng lưu ý ở đây. Ý nghĩ bất thiện sẽ dẫn đến phản ứng bất thiện. Vì thế, chỉ khi Tôn-giả Mục-kiền-liên đưa ra bằng chứng hỗ trợ cho sự hiện hữu của ngạ quỷ, Đức Phật mới tiết lộ nó cho các vị đệ tử của ngài biết. Những sự chỉ trích và tranh cãi nảy sanh từ việc thiếu chứng cứ xác đáng sẽ tạo ra những hoài nghi mà điều này chỉ khiến cho những bất thiện pháp sanh khởi mở đường cho (kẻ ấy) đi vào bốn ác đạo mà thôi. 

Liên quan đến câu chuyện này, những gì tôi muốn nhấn mạnh ở đây là ngạ quỷ, một kẻ đồ tể (trước đây), đã giết rất nhiều trâu bò chỉ để sinh sống, nghĩa là chỉ để cho cái thân năm uẩn của ông ta được ăn, được mặc. Nhưng ông phải trả giá cho việc làm ấy với sự khổ đau ở địa ngục trong hàng triệu kiếp. Thậm chí khi ông thoát khỏi cái khổ địa ngục, ông còn bị lũ quạ, diều hâu, và kên kên hành hạ do ác nghiệp dư sót của ông vẫn tiếp tục vận hành vậy. Cái gánh nặng năm uẩn của người ấy nặng như thế nào có thể là một ví dụ tốt nhất để chúng ta tưởng tượng. 

Ngạ quỷ thịt 

Một lần khác, Tôn giả Mục-kiền-liên gặp một ngạ quỷ mà thân hình của nó chỉ toàn là thịt. Nó cũng bị lũ quạ, diều hâu và kên kên hành hạ bằng cách mổ vào thân để ăn thịt. Ngạ quỷ này vừa chạy vừa kêu la trong sự đau đớn cùng cực. Trước mặt Đức Thế Tôn, tôn giả Lakkhaṇa cũng hỏi ngài Mục-kiền-liên về việc này. Đức Phật giải thích cho vị ấy biết về sự hiện hữu của thế giới ngạ quỷ giống như cách ngài đã giảng lần trước. Ngài nói, ngạ quỷ thịt này, một trong những kiếp trước, cũng là đồ tể ở Rājagaha. Sau khi chết ông ta bị thiêu đốt trong địa ngục trong hàng triệu năm, sau khi thoát khỏi địa ngục, do ác nghiệp còn dư sót, ông trở thành một ngạ quỷ và bị hành hạ bởi lũ quạ, diều hâu và kên kên như vậy. 

Ở đây người ta có thể hỏi tại sao hai ngạ quỷ này lại khác nhau, một toàn là xương và một toàn là thịt. Ác nghiệp họ làm giống nhau nhưng số phận của họ lại hoàn toàn khác; tại sao có sự khác nhau này? Khi tâm tử (cuti) sanh khởi, một tướng hay dấu hiệu liên quan đến một nghiệp thiện hoặc bất thiện đã làm trong kiếp sống, gọi là kamma nghiệp tướng (kamma nimitta) sẽ tự xuất hiện tại ý môn của người sắp chết (người đời thường giải thích hiện tượng này là điềm báo chỉ có người sắp chết mới thấy). Tướng cận tử mà người đồ tể thứ nhất thấy không giống với tướng cận tử của người thứ hai. Ác nghiệp của họ giống nhau, điều này không có gì hoài nghi, nhưng tướng cận tử họ thấy là khác. Có thể người thứ nhất chỉ thấy những khúc xương vì nghề của ông ta là lạng thịt ra khỏi xương và xếp lại thành đống. Đống xương này có thể đã xuất hiện như nghiệp tướng (kamma nimitta) tại ý môn của ông ta vào lúc lâm chung. Vì thế khi ông ta tái sanh làm ngạ quỷ người ông ta chỉ toàn là xương. Trường hợp của người thứ hai, có thể nghề của ông là chỉ lựa những miếng thịt không xương và chất lại thành đống. Và đây là hình ảnh mà ông thấy vào lúc cận tử. Vì thế ông mới tái sanh làm ngạ quỷ thịt. 

Có rất nhiều loại ngạ quỷ 

Sau đó nhiều lần Tôn giả Mục-kiền-liên còn thấy các loại ngạ quỷ khác nữa. Có ngạ quỷ thịt-bằm mà Đức Phật nói người này từng là thợ săn trong kiếp quá khứ. Rồi có loại ngạ quỷ không da, thân đầy máu, từng là kẻ giết dê mổ cừu. Ngạ quỷ rậm tóc, tóc giống như những lưỡi kiếm bay quanh người và đâm nó gục ngã. Cách vận hành của Nghiệp rất kỳ lạ. Ở đây những lưỡi kiếm không thể được xem như sản phẩm mà ngạ quỷ tạo ra. Mà chúng là do nghiệp bất thiện tạo ra. Các con quạ, kên kên, diều hâu hành hạ ngạ quỷ cũng là kết quả của nghiệp bất thiện. Cũng có thể đoán chừng rằng những lưỡi kiếm và chim ấy chỉ là ảo ảnh phát sanh hợp theo nghiệp riêng của chúng để trừng phạt kẻ làm ác vậy thôi. 

Tôn giảMục-kiền-liên còn thấy một loại ngạ quỷ với lông giống như những cây xiên ló ra khỏi thân. Những cây xiên ấy thỉnh thoảng bay vào hư không và trút xuống mình ngạ quỷ như mưa. Nghe nói, ngạ quỷ này một trong những kiếp trước là một người thợ săn. Có loại ngạ quỷ khác lông lại giống như những mũi tên mọc trên thân mình. Một trong những tiền kiếp trước y là người chuyên hành hạ tội nhân bằng những mũi tên.

Tôn giả cũng có lần gặp ngạ quỷ Kumbhaṇda đang đau khổ với cái bìu dái to bằng cái bình nước của mình. Tiền kiếp trước ông là một tay thẩm phán xảo quyệt chuyên nhận của đút lót. Ngạ quỷ này không thể nào che đậy được sự hổ thẹn của mình, khi ngồi nó phải ngồi trên cái bộ phận (sinh dục) nặng nề ấy, khi đi nó cũng phải mang theo, và lúc nào cũng phải chạy thoát thân để tránh sự quấy rầy của lũ quạ, diều, kên kên. 

Cũng có một ngạ quỷ nữ mà trong tiền kiếp phạm tội tà dâm. Thân thể của nó không có lớp da bảo vệ. Một nữ ngạ quả khác rất xấu xí. Trước đây nó từng là một thầy phù thủy chuyên truyền bá sự mê tín và tà kiến. Có nhưng nam nữ ngạ quỷ mang hình tướng người tu, trong tiền kiếp họ từng là những tu sĩ chuyên hưởng thụ. Y áo của họ bốc cháy. Và tu viện của họ cũng bốc cháy. 

Tất cả những chúng sanh này bị đọa vào ngạ quỷ giới là do trong khi làm người họ đã làm những điều không thích hợp chỉ để cung phụng cho năm uẩn danh và sắc của họ. Chính vì lý do này mà tôi nói rằng gánh nặng năm uẩn là vô cùng nặng. Có rất nhiều câu chuyện tương tự về ngạ quỷ; tuy nhiên tôi sẽ giới hạn lại bằng câu chuyện cuối cùng về các nữ ngạ quỷ, những người mà trong tiền kiếp đã kiếm sống bằng những phương tiện làm ăn gian lận. 

Chuyện những nữ ngạ quỷ tích cóp tài sản 

Thời Đức Phật có bốn người phụ nữ ở Rājagaha (Thành Vương Xá) buôn bán gạo, dầu, bơ, mật ong, … bằng những phương tiện gian lận như dùng cân điêu, thước thiếu. Khi chết, cả bốn người đều trở thành ngạ quỷ gần thông hào ngoại vi Thành Phố, trong khi đó bốn người chồng của họ vẫn còn sống và lấy vợ khác, phung phí những của cải mà họ để lại. Một đêm nọ bốn ngạ quỷ này gặp nhau, nhắc lại chuyện quá khứ, và than thở cho số phận hiện nay của họ. Tiếng than van, ai oán của họ được những người dân trong kinh thành nghe thấy và họ cho đó là những âm thanh quái dị báo trước điềm gỡ. Để ngăn ngừa điều bất tường, người dân trong kinh thành cùng nhau dâng cúng vật thực đến Đức Phật và các đệ tử của ngài đồng thời kể lại những nỗi lo sợ của họ. Bậc Đạo Sư an ủi họ và nói: 

“Này các thiện tín! Sẽ không có sự nguy hiểm nào xảy đến cho các người do nghe những âm thanh kinh dị đó đâu. Những âm thanh đó chỉ là tiếng khóc than của bốn nữ ngạ quỷ đang phải sống trong tình cảnh đau khổ do kết quả của ác nghiệp mà họ đã làm trước đây. Họ đang than vãn cho số phận của họ bằng những lời kể lể rằng khi làm người trong những kiếp quá khứ họ đã tích cóp của cải bằng những phương tiện gian lận và rằng khi họ chết những tài sản bất chính ấy lại bị những kẻ khác chiếm đoạt. Bản thân họ đã không được hưởng mà còn phải chịu khổ đau trong thế giới ngạ quỷ như thế này.” 

Qua câu chuyện này chúng ta thấy bốn người nữ trong kiếp sống làm người đã cố gắng tích cóp của cải bằng những phương tiện bất chính chỉ để phục vụ cho cái gánh nặng năm uẩn của họ. Khi chết đi họ đã không thực hiện được mục đích hưởng thụ cuộc sống của mình mà còn phải chịu khổ đau trong cảnh giới ngạ quỷ. Quả thực nặng thay là cái gánh nặng thân này!

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app