Phần 6 – KINH GÁNH NẶNG – CHƯƠNG I – CHƯƠNG II

KINH GÁNH NẶNG 

  CHƯƠNG I: Chấp nhận gánh nặng 

  CHƯƠNG II: Tham ái đói khát các dục trần 

     I. Chuyện long vương champeyya 

     II. Hoàng hậu upari

PHẦN VI

KINH GÁNH NẶNG

Ở phần thứ hai này tôi sẽ bàn đến Thủ Uẩn (upādānakkhandhā) như cái gánh nặng, và Người như cái mang gánh nặng. Nói khác hơn, nāma và rūpa (danh và sắc) là gánh nặng trong khi mỗi người trong chúng ta là kẻ mang gánh nặng. Hàng ngày chúng ta phục vụ cho cái thân năm uẩn của chúng ta bằng cách tắm rửa cho nó, mặc quần áo cho nó, cho nó ăn, cho nó tiêu khiển,… nói chung chúng ta phải chăm sóc nó trên mọi phương diện. Chúng ta luôn phải để ý đến sự khỏe mạnh và hạnh phúc của nó. Đến giờ, tôi hy vọng là quí vị đã nhận ra cái gánh nặng này nặng như thế nào. 

CHƯƠNG I: Chấp nhận gánh nặng

Biết nó là nặng tại sao người ta vẫn đeo mang cái gánh nặng này? Ai thúc đẩy họ mang nó? Một sự suy xét nghiêm túc sẽ cho chúng ta thấy rằng chẳng ai thúc đẩy ai mang nó cả. Chính nó thích mang nó mà thôi. Những ai tin vào đấng sáng tạo có thể nói rằng Thượng Đế hay Chúa bắt họ phải mang nó. Nếu là vậy, những người nghèo, người bệnh, người mù, người điếc và những người bị áp bức hẳn sẽ có nhiều lí do để cãi nhau với đấng sáng tạo. Theo lời dạy của Đức Phật thì chưa từng có ai áp đặt gánh nặng trên chúng ta cả. Chính bản thân người ấy thích đeo mang nó mà thôi.

Đức Phật nói: 

Này các Tỳ-kheo! Cái gì khiến chúng ta phải mang gánh nặng? Tham ái (taṇhā) khiến chúng ta phải mang gánh nặng này vậy. 

(Katamañca bhikkhave bhārādānaṁ? 

Yāyaṁ taṇhā…. Idaṁ vuccati bhikkhave bhārādānaṁ) 

CHƯƠNG II: Tham ái đói khát các dục trần

Taṇhā là tham ái hay tham muốn. Nó rất giống như sự đói khát vậy. Nó khao khát những đối tượng khả lạc, vừa ý và xinh đẹp. Nó không bao giờ biết thỏa mãn với những đối tượng ấy. Nó luôn luôn thèm khát chúng. Sau khi nhìn thấy một vật vừa lòng nó liền mong muốn được nhìn một vật khác. Nó thích nghe nhạc hay; nó thích ngửi mùi thơm; nó thích thưởng thức vị ngon; nó thích cảm giác sự xúc chạm vừa lòng; nó muốn nghĩ hay tưởng tượng đến những chủ đề thú vị. Nó chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn đối với những vật hấp dẫn các giác quan. Nó luôn luôn trong tình trạng khao khát mãnh liệt, và điều này đã trở thành nỗi ám ảnh của nó. 

Khi tâm trú trên một đối tượng khả lạc, nó liền khởi lên ước muốn sở hữu đối tượng ấy. Tham muốn này chấp nhận cái gánh nặng mà chúng ta gọi là thân. Sự dính mắc vào các trần cảnh là Thủ (upādāna), yếu tố vốn cố gắng để hoàn thành ước muốn ấy. Chính thủ tạo ra những thiện nghiệp và bất thiện nghiệp. Khi một người cận kề cái chết những nghiệp này xuất hiện như những nghiệp tướng (kamma nimitta), tức những dấu hiệu kết hợp với nghiệp thiện hoặc ác đã làm trong quá khứ vạch rõ thú tướng (kamma gati), nơi họ sẽ thọ sanh do những nghiệp này dẫn đường. Khi người ta chấp thủ vào những tướng này, một ngũ uẩn mới sẽ sanh khởi sau khi chết do bởi sự chấp thủ ấy. Chúng ta có thể thấy rằng sáu giác quan, thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ đóng những vai trò của chúng trong việc tạo ra tham ái hay chấp thủ. Sự phát triển tham ái hay chấp thủ là đồng nghĩa với sự chấp nhận mang gánh nặng của thân. Do ái và thủ được kích động nghiệp hữu sanh và chính do nghiệp hữu năm uẩn mới sanh. Vì vậy chúng ta nói rằng ái và thủ tạo ra một hiện hữu mới hay nói theo thuật ngữ là bhava (hữu) sau cái chết của một người. Về bản chất của hữu (bhava), xem lại trong Pháp Duyên Sanh 

Tham ái bị lôi cuốn vào các trần cảnh mà nó tiếp xúc không có sự phân biệt giống như thuốc nhuộm bám chắc vào tấm vải được nhuộm vậy. Nó tự bám chặt vào các trần cảnh dù thích hợp hay không thích hợp. Nó thích thú mọi thứ nó thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm hay suy nghĩ về. Vì thế mà Kinh mô tả tham ái như sự thích thú trong các đối tượng. Nó không bao giờ cảm thấy chán với sự hưởng thụ. Nhìn từ quan điểm của một người ở địa vị cao trong cuộc sống người ta có thể cho rằng những người ở địa vị cao sẽ không thiên về những điều kiện sống của người hạ đẳng. Họ có thể cảm thấy nhàm chán hoặc ghê tởm những tình trạng sống hạ đẳng ấy. Tuy nhiên khi họ thực sự bị hạ thấp xuống họ có thể tìm được sự hứng thú trong cuộc sống mới của họ. Cũng vậy, nhìn từ cõi người này, chắc hẳn người ta sẽ nghĩ rằng những thân phận của giun dế hay rắn rết kia thật đáng ghê tởm hay đáng khinh. Ngay cả ý nghĩ cho rằng một người sẽ phải sanh ra từ bào thai của côn trùng hay rắn rít thôi cũng đã cảm thấy ghê rồi. Nhưng khi, do nghiệp quyết định, một người phải tái sanh làm con trùng hay con rắn, họ lại thấy cuộc sống làm loài vật này cực kỳ thú vị. Công việc của tham ái chính là tìm thấy hỷ lạc ở bất cứ chỗ nào nó đi đến. Vì thế Đức Phật cũng mô tả tham ái như một khuynh hướng thích thú, say mê trong bất kỳ cảnh trần nào và bất kỳ chỗ nào nó hiện hữu. Điều này là ví dụ điển hình trong những câu chuyện của Long Vương Campeyua, và Hoàng Hậu Upari.

1. Chuyện long vương champeyya 

Có lần, đức Bồ-tát tái sanh làm một người nghèo khổ sống bên bờ sông Campā. Lúc bấy giờ Vua nước Anga và Magadha theo phong tục mở tiệc để thể hiện lòng tôn kính đối với Long Vương Campeyya cư ngụ ở đáy sông Campā. Cư dân ở khắp mọi nơi đều đổ về tham dự lễ hội . Long Vương là Vua của loài rồng. Ngài xuất hiện giữa mọi người dưới hình thức của một con người cùng với đoàn tùy tùng rồng của mình cũng dưới lốt con người.

Người đàn ông nghèo, tức đức Bồ-tát, nhìn thấy Long Vương và đoàn tùy tùng trong vẻ huy hoàng của họ liền khởi tâm hoan hỷ cúng dường và nguyện được tái sanh làm rồng trong kiếp kế. Nhờ thế mà Bồ-tát được tái sanh làm rồng. Khi nhìn lại thân mình Bồ-tát cảm thấy ghê tởm. Ngài tự nghĩ: “Việc bố thí mà ta thực hiện lúc làm người lẽ ra đã cho quả thiện giúp ta được sanh vào cõi chư thiên, vào trong một trong sáu cõi trời dục giới như cõi Tứ Đại Thiên Vương, Đạo Lợi, Dạ-ma,…. Nhưng phước ấy đã không cho quả thiện do ta mong ước được tái sanh làm rồng mất rồi. Lỗi là do ta. Ta thà chết hơn là tiếp tục sống đời làm rồng như thế này.” Và ngài nghĩ đến chuyện tự tử. 

Tuy nhiên ngay lúc ấy Long nữ Sumanā xuất hiện ngay bên cạnh ngài. Sumanā ra hiệu cho các tiểu long nữ mở tiệc chiêu đãi tân Long Vương, từ đây được gọi là Long Vương Campeyya, vì đó là những gì Bồ-tát đã trở thành. Tất cả loài rồng, dưới lốt người xinh đẹp đã chiêu đãi Bồ-tát bằng những lời ca và vũ điệu tuyệt vời. Thấy cảnh này, tân Long Vương Campeyya trở lại với thực tế và tự nhủ trú xứ của mình cũng đâu thua gì trú xứ của các vị Chư Thiên và ngài lấy làm hả hê trong kiếp sống mới. Lúc này ngài đã hòa mình cùng với các long nữ chiêu đãi ngài. 

Sau một thời gian ngài quên mất cái cảm giác đầu tiên ngài ghét kiếp sống làm rồng này như thế nào. Tuy nhiên do là một vị Bồ-tát, ngài dần tỉnh ngộ và nhận ra tình trạng thực sự của mình hiện nay. Ngài liền vắt óc tìm cách thoát khỏi kiếp sống làm rồng hiện tại để trở lại với kiếp người. Ngài khám phá ra rằng cách duy nhất cho ngài là thực hành các pháp ba-la-mật như bố thí và giữ giới. Ngài sẽ làm điều này bằng cách đến thăm cõi người trong lốt một người đàn ông. 

Câu chuyện này dạy cho chúng ta bài học rằng Tham Ái (tìm thấy) thích thú trong bất kỳ tình trạng nào và ở bất cứ nơi đâu. Từ quan điểm của một con người, chúng ta có thể cho rằng đức Bồ-tát lẽ ra phải cảm thấy kiếp sống của một con rồng là đáng ghê tởm vì thân hình của con rồng vốn thường tạo ra sự ác cảm. Thực ra ngay từ đầu đức Bồ-tát đã cả thấy ghê tởm cái thân rồng của mình, nhưng khi được các long nữ chiêu đãi tận tình lúc ấy ngài mới có vẻ thích thú với kiếp sống mới của mình. Công việc của Tham Ái là như vậy, nó thúc đẩy ngài chấp nhận cái gánh nặng ngũ uẩn mới là một con rồng.

2. Hoàng hậu upari 

Ngày xưa, xưa lắm rồi, Vua Assaka lúc đó đang cai trị xứ Pātaliputta ở Kāsi. Chánh cung hoàng hậu của ngài là Upari. Theo truyền thống của các vị vua là phải chọn những thiếu nữ xinh đẹp nhất trong nước để làm hoàng hậu của họ, và vì thế, sự việc không thể chối cãi được rằng hoàng hậu là người cực kỳ xinh đẹp. Đức vua yêu say đắm hoàng hậu; nhưng tiếc thay hoàng hậu lại chết sớm. Trong ngôn ngữ của triều đình, cái chết của hoàng hậu được mô tả như “thăng thiên hay sanh lên cõi trời”, nhưng thực sự hoàng hậu không đi lên trên đó. Nàng tái sanh làm một con bọ hung. 

Đức vua vô cùng sầu khổ. Ngài cho ướp thi thể hoàng hậu bằng dầu mè trong một chiếc quan tài kính và đặt dưới giường ngủ của mình. Ngài từ chối ăn uống và than khóc hết ngày này sang ngày khác. Triều thần an ủi đức vua và nhắc cho ngài về quy luật tử sanh và vô thường; nhưng vua không màng đến chuyện gì khác ngoài nhìn vào thi thể tẩm ướp của hoàng hậu yêu dấu và than khóc suốt cả bảy ngày như vậy. 

Lúc bấy giờ đức Bồ-tát của chúng ta tái sanh làm một vị đạo sĩ có các năng lực thần thông. Một hôm ngài quan sát thế gian để thấy xem ai là người ngài có thể giải thoát cho họ khỏi những khổ đau của kiếp người bằng cách thuyết pháp cho họ nghe. Ngài thấy trong con mắt tâm của mình đức vua đang rất đau khổ, và biết rằng không một ai trên thế gian ngoài ngài có thể cứu đức vua khỏi tình trạng này, vì thế ngài đi đến khu Vườn Thượng Uyển, tại đây ngài gặp một người Bà-la-môn hầu cận của đức vua. Ngài hỏi thăm người này về đức vua. Khi được người kia kể về tình trạng đau khổ do mất hoàng hậu của đức vua như thế nào, ngài đề nghị rằng nếu đức vua chịu đến đây ngài sẽ tiết lộ số phận của hoàng hậu cho vua biết. Nghe thế, người bà-la-môn vội vã trở về hoàng cung và kể cho đức vua rằng “Môn tâu Hoàng thượng! Có một vị đạo sĩ quyền năng vừa đến Vườn Thượng Uyển, vị ấy có thiên nhãn và có thể nói cho hoàng thượng biết việc tái sanh của hoàng hậu và chỉ cho ngài biết hiện nay hoàng hậu đang ở đâu. Xin hoàng thượng hãy đến thăm vị ấy”. 

Đức vua vô cùng vui mừng, ngài lập tức cho chuẩn bị xa mã đi đến vườn Thượng Uyển, khi đến nơi, đức vua kính lễ theo đúng lẽ đạo đối với vị đạo sĩ. Sau đó đức vua hỏi: “Có thực là ngài có thể nói cho trẫm biết hoàng hậu hiện giờ ở đâu không?” 

“Tâu đại vương, đúng vậy” vị đạo sĩ nói, “Hoàng hậu của ngài, khi sống trong cõi người này, do quá kiêu mạn với dung sắc của mình, dành suốt cả ngày để chăm lo trau chuốt cho nó, nên quên làm những việc công đức như bố thí và giữ giới. Vì thế khi hoàng hậu chết, nàng bị giáng cấp xuống phải sanh làm một con bọ hung, hiện nay đang sống ở mạn nam của khu Vườn này.” 

Kiêu mạn được kết hợp với sự giàu sang, mối quan hệ gia đình, sự giáo dục, địa vị trong cuộc sống và sự xinh đẹp. Khi một người bị ám ảnh với kiêu mạn, họ quên mất lòng nhân từ, sự cung kính và phục vụ tha nhân để tạo phước cho mình. Trong Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt Đức Phật có nói rằng kiêu mạn thường hạ thấp giá trị của người kiêu mạn. Nếu một người khiêm tốn họ còn có thể mong ước được trở thành người thanh cao trong kiếp sau. Về trường hợp của Hoàng hậu Upari chúng ta có thể đoán chừng rằng do kiêu mạn có thể nàng đã xử sự một cách bất kính đối với những người đáng phải được tôn kính, và chính do cách cư xử xấu này nàng đã bị tái sanh làm một con bọ hung thấp kém. 

Khi đức Vua nghe điều này ngài không thể nào tin được. Vì thế vị đạo sĩ nói rằng ông có thể triệu con bọ hung đến trước mặt đức Vua và cho nó nói chuyện với đức Vua được. 

Vị đạo sĩ liền dùng thần thông gọi con bọ hung đến, tức thời hai con bọ hung, một đực một cái, hiện ra từ đống phân. Chỉ vào hai con bọ hung vị đạo sĩ nói , “Tâu Đại Vương! Xin ngài hãy nhìn vào con bọ hung cái đang bám theo con bọ hung đực là chồng của nó đi. Nó chính là hoàng hậu của ngài đó. Bây giờ cô nàng đã bỏ ngài để yêu thương người chồng hiện tại của nàng rồi. Hãy nhìn kỹ nó xem. Chồng nó đi đâu nó bám theo đấy đúng không.”

Đức vua vẫn không thể nào tin được. Tất nhiên đối với những người không tin luật nhân quả và pháp duyên sanh sẽ không thể nào chấp nhận việc một người từng là hoàng hậu cõi người lại có thể đi xuống thấp đến nỗi trở thành một con bọ hung trong kiếp sau được. Ngay cả vào những ngày mà Giáo Pháp của Đức Phật vẫn còn thịnh hành này, có những người chủ trương rằng một khi bạn đã là người, bạn không thể nào bị tái sanh vào cõi thấp kém hơn cõi người được. Ngoài thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật, có nhiều người chủ trương quan niệm tương tự như quan niệm của những người ngoại đạo hiện nay. Theo lời dạy của Đức Phật thì, bao lâu một người chưa đạt đến trạng thái của một bậc Thánh, dù ở cõi cao họ vẫn có thể đi xuống bốn cõi khổ thấp hơn. Kể cả khi họ là vua của chư thiên, điều đó cũng không khác đi được. Cách tái sanh của một người sau khi chết tùy thuộc vào việc họ có sự ghi nhớ vào lúc cận tử như thế nào. Nếu tâm của một người hướng đến thiện pháp (kusala dhamma) khi chết, họ có thể tái sanh làm người hoặc một vị chư thiên, dù có thể thấp hơn địa vị của họ hiện tại. Và ngược lại một người khi chết tâm nhớ đến những bất thiện pháp họ sẽ phải tái sanh vào bốn cõi khổ. Có câu chuyện kể về Trưởng lão Tissa. Khi sắp chết tâm ngài dính mắc vào tấm y mới ngài đang mặc. Kết quả là ngài phải tái sanh làm con rệp lấy tấm y đó làm nhà của ngài. Câu chuyện khác về một con cóc được tái sanh lên cõi trời Đạo Lợi làm một vị chư thiên, vì khi chết nó được nghe pháp âm của Đức Phật. Nhưng có lẽ đức Vua chưa từng được nghe về những câu chuyện như vậy nên ngài không thể tin những gì vị đạo sĩ nói. 

Do lẽ đó, vị đạo sĩ phải sắp xếp để con bọ hung cái tự nói về mình. Bằng năng lực thần thông vị đạo sĩ sắp đặt cuộc đối thoại sau và đồng thời cũng làm cho đức vua hiểu được những gì đang diễn ra. 

Đạo sĩ: Nghe ta hỏi này bọ hung cái. Ngươi là gì trong kiếp trước? 

Bọ hung cái: Con là Upari, chánh cung hoàng hậu của vua Assaka. 

Đạo sĩ: Này bọ hung, ngươi yêu Assaka hay yêu người chồng hiện tại? 

Bọ hung cái: Khi con là người, con cảm thấy hạnh phúc với chồng con, đức vua Assaka, chúng con thường hưởng những lạc thú của cuộc đời ngay trong khu vườn này. Nhưng hiện nay con đang sống cuộc sống mới của loài bọ hung. Vì thế vua Assaka không liên quan gì đến con lúc này. 

Theo Chú Giải, cô nàng còn đi xa hơn thế và thêm vào:

“Trong kiếp hiện tại này thậm chí con còn muốn cắt cổ đức vua Assaka để lấy máu rửa chân cho người chồng yêu dấu của con hiện nay nữa đấy.” 

Hoàng hậu cũ đã quá độc ác phải không? Điều này có thể là do cô nàng đang cố gắng làm vui lòng con bọ hung đực, là chồng hiện tại của cô nàng. Nhưng trong cuộc sống của chúng ta cũng có rất nhiều trường hợp tương tự như trường hợp này. Khi một gia đình tan vỡ, người vợ ly dị người chồng đầu tiên và lấy một người chồng khác. Trong trường hợp này, người vợ buộc phải yêu thương và chăm sóc người chồng hiện tại chứ không có bất kỳ sự quan tâm nào đối với người chồng cũ nữa. 

Sau đây là bản dịch của Chú Giải liên quan đến câu trả lời của con bọ hung cái. 

“Khi còn làm hoàng hậu, con rất yêu thương đức vua Assaka. Con thường cùng đức vua dạo chơi ở mạn nam của khu vườn này, hưởng mọi tiện nghi và xa hoa của cuộc sống như một bà hoàng yêu quý của đức vua. Nhưng những khổ đau và hạnh phúc trong kiếp sống làm bọ hung này vượt xa những khổ đau và hạnh phúc trong kiếp trước của con. Vì thế con yêu thương ông chồng hiện nay của con, dù ông ấy chỉ là một con bọ hung thấp hèn, hơn con đã yêu đức vua trước đây.” 

Sau khi được nghe những lời nói cay nghiệt nhất này của con bọ hung cái, vua Assaka trở nên cực kỳ phẫn uất. “Ta đã yêu thương và chiều chuộng nàng nhiều đến mức ngay cả khi nàng chết ta cũng không thể rời ra được thi thể của nàng; thế mà giờ đây nàng lại cay độc và tàn ác với ta.” Vì thế, ngay lập tức đức vua ra lệnh cho quan quân đem quăng bỏ thi thể của hoàng hậu. Từ đó đức vua chọn một thị nữ xinh đẹp khác làm hoàng hậu. Sau khi khuyên nhủ đức vua xong, bậc đạo sĩ quay trở về Núi Himavuntā. 

Hoàng hậu Upari, khi còn làm người, có lẽ chưa từng bao giờ nuôi dưỡng ý nghĩ sẽ có một ngày nào đó được sanh ra từ bào thai của một con bọ hung mà không có những cảm giác ghê tởm; nhưng khi nghiệp vận hành, nàng trở thành một con bọ hung và cảm thấy thích thú với các Uẩn mà nàng đang mang, không những thế nàng còn xem nó là cao cấp hơn các uẩn của đức vua Assaka. Đó là lý do tại sao Kinh nói Tham Ái (taṇhā) tìm thấy thích thú trong bất kỳ hoàn cảnh nào và ở bất kỳ nơi đâu nó làm việc. 

Chó thích thú trong cuộc sống làm chó, heo thích thú trong cuộc sống làm heo, gà thích thú trong cuộc sống làm gà, và giòi bọ thích thú trong cuộc sống làm giòi bọ. Trong cuộc sống làm người của chúng ta cũng vậy, có trường hợp những người ở địa vị cao bất ngờ sa cơ lỡ vận phải làm người nghèo khó. Họ không những chịu đựng được hoàn cảnh mới do nghiệp lực xấu ném vào mà còn thấy thích thú trong đó. Bị mê hoặc với môi trường mới và cảm thấy rất hạnh phúc với số phận mới, một số thanh niên hư hỏng thích lối sống thấp hèn đã chống lại quyền lực của cha mẹ, từ chối quay về với môi trường trước đây của chúng bất chấp sự khẩn cầu của cha mẹ. Điều này là do mưu đồ của tham ái vậy.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app