Phần 8 – CHƯƠNG IV

– CHƯƠNG IV: Quăng xuống gánh nặng 

– I. Minh sát 

– II. Quăng bỏ gánh nặng bằng thực hành minh sát 

– III. Một bậc thánh nhập lưu đã làm nhẹ bớt gánh nặng 

– IV. Gánh nặng cũng có thể được quăng đi ở những giai đoạn chứng đạo cao hơn 

CHƯƠNG IV

QUĂNG XUỐNG GÁNH NẶNG

I. Minh sát 

Đến đây Tôi sẽ giải thích về đề tài làm thế nào để quăng xuống gánh nặng, được xem là phần quan trọng nhất của bài kinh này. 

Đức Phật dạy: 

Này các Tỳ-kheo! Quăng xuống gánh nặng có nghĩa là gì? 

Nó có nghĩa là sự hủy diệt, từ bỏ, đoạn trừ, giải thoát và thoát ly hoàn toàn tham ái. 

(Katamañca bhikkhave bharanikkhepaṁ? Yo tassa yeva taṅhāya asesavirāganirodho cāgo, paṭinissaggo, mutti, anālayo, 

Idaṁ bhikkhave bhāranikkhepanaṁ) 

Ngay khi tham ái được đoạn trừ, gánh nặng sẽ rơi khỏi vai chúng ta. Sự đoạn trừ tham ái có thể được thực hiện nhờ áp dụng các minh sát trí và chứng đắc Thánh Đạo. Tham ái rút lui khỏi thánh đạo trí này khi bóng tối vô minh diệt, từ đó sẽ không còn nhân cho các Uẩn sanh khởi nữa. 

A-la-hán Thánh Đạo (Arahatta-magga) đoạn trừ hoàn toàn mọi hình thức của tham ái. Ở giai đoạn bất lai thánh đạo (anāgāmi-magga), tham ái đối với các dục lạc (kāmarāga) được dập tắt. Do vắng mặt loại dục ái này, một bậc thánh bất lai được giải thoát khỏi nghiệp hữu (kamma-bhava), tiến trình tích cực của sự trở thành hay tiến trình tạo nghiệp đưa đến tái sanh, vì thế vị ấy sẽ không tái sanh lại làm người hay chư thiên dục giới để gánh cái gánh nặng của năm uẩn của con người hay chư thiên nữa. Nhất lai thánh đạo (sakadāgāmi-magga) cũng có thể dập tắt hoàn toàn dục ái. Và cuối cùng vị ấy cũng có thể quăng xuống gánh nặng sau hai kiếp sống hoặc làm người hoặc làm chư thiên. Ở giai đoạn nhập lưu thánh đạo (sotāpatti-magga), thân kiến và hoài nghi đã bị dập tắt. Hai kiết sử này cũng là những hình thức của tham ái. Một khi hai kiết sử này được loại trừ, cơ hội cho các uẩn của bốn ác đạo sanh khởi sẽ không còn nữa. Vì thế một bậc thánh nhập lưu sẽ không bao giờ phải chịu khổ trong địa ngục…. Vị ấy chuẩn bị quăng xuống gánh nặng sau bảy kiếp tái sanh. 

Để minh họa những lợi ích mà một bậc thánh nhập lưu, người có thể tránh khỏi cái khổ do năm uẩn sanh, nhận được, Đức Phật đã dùng ẩn dụ về cát. Ngài lấy một ít cát đặt trên đầu móng tay và hỏi các vị Tỳ-kheo: “Cái nào là nhiều hơn… cát trên đầu ngón tay Như Lai hay cát của quả địa cầu này? Được các vị Tỳ-kheo trả lời rằng cát trên đầu ngón tay Thế Tôn là vô cùng nhỏ so với cát của quả địa cầu, Đức Phật nhắc nhở các vị Tỳ-kheo rằng cái khổ phát sanh do phải “tái sanh” trước khi một hành giả đạt đến trạng thái nhập lưu là không thể đếm được giống như cát của quả địa cầu; và rằng sau khi đạt đến đạo quả nhập lưu, cái khổ còn lại trong bảy kiếp tái sanh cuối cùng của vị ấy là vô cùng nhỏ, so với cái khổ mà họ đã gặp trước đây. Do đó Đức Phật thúc giục các hàng đệ tử của ngài hãy nỗ lực để chứng ngộ Tứ Thánh Đế ở trong tâm.

 

II. Quăng bỏ gánh nặng bằng thực hành minh sát 

Từ trước đến đây tôi đã chỉ cho mọi người thấy gánh nặng có thể được đặt xuống nhờ đắc bốn thánh đạo. Nhưng để đắc các thánh đạo này bạn phải có trí tuệ thuộc thiền minh sát. Vì thế, nếu bạn chọn việc vứt bỏ gánh nặng bạn phải cố gắng để có trí này. 

Khi bạn không ghi nhận những gì bạn thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm hay suy nghĩ, bạn sẽ không biết bản chất thực của các đối tượng giác quan. Trí hiểu biết của bạn về chúng sẽ mang tính hời hợt và do đó là lầm lẫn. Bạn có thể sẽ xem những gì vô thường là thường, những gì khổ là lạc, và những gì không có thực chất là có thực chất. Nói cách khác, bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu rõ được khái niệm về vô thường (anicca), khổ (dukkha), và vô ngã (anatta). Không hiểu rõ các pháp như vậy là vô minh (avijjā). Chính vô minh lôi cuốn chúng ta sa lầy vào các dục trần khả ái, cũng như chấp trước vào cái tôi của chúng ta. Đây là bản chất của tham ái; và mỗi lần tham ái ngẩng cái đầu của nó lên, chúng ta phải chấp nhận mang cái gánh nặng của năm uẩn. Duyên ái (taṇhā) thủ (upādāna) sanh, và thủ sẽ kích hoạt nghiệp (kamma) và hành (saṅkhāra), từ đó một ngũ uẩn mới đi vào hiện hữu. 

Giây phút bạn xao lãng việc thực hành thiền minh sát và không ghi nhận các đối tượng giác quan, tham ái sẽ ngóc cái đầu của nó lên. Nó có thể sanh cùng với cái thấy hay nghe, hay nó có thể nằm yên một thời gian chờ cho những điều kiện thích hợp để sẵn sàng ngóc dậy. Đó là lý do vì sao chúng ta phải nắm bắt ngay khoảnh khắc tâm tiếp xúc với các đối tượng giác quan; vì nếu chúng ta quên làm như vậy, tham ái, đi cùng với vô minh sẽ thắng thế. Trong trường hợp ấy chúng ta sẽ phải chấp nhận mang ngũ uẩn mới và làm theo sự sai bảo của nó. Bởi thế chúng ta phải ngăn chặn cơ hội tự khẳng định mình của nó bằng cách ghi nhận sự sanh và diệt của danh và sắc khi chúng ta thấy hay nghe một điều gì. Khi chúng ta ghi nhận mọi hiện tượng xảy ra theo cách này khả năng tập trung của chúng ta sẽ được phát triển tốt và trở nên mạnh mẽ hơn, nhờ vậy chúng ta có thể nhận ra bản chất thực của chúng. Lúc đó chúng ta sẽ hiểu rằng cái biết đối tượng là danh (nāma), khác biệt với sắc (rūpa), đối tượng được biết, và rằng danh sanh lại ngay sau khi nó diệt, cả sắc cũng vậy. Ngược lại danh và sắc này cũng diệt ngay khi sanh. Cả hai đều nằm trong trạng thái trôi chảy không ngừng. Khi bạn quan sát trạng thái sanh diệt này bạn sẽ hiểu ra rằng chẳng có gì trong thế gian này là thường hằng cả, và do đó bạn cũng nhận ra tất cả pháp đều phải chịu sự chi phối của quy luật vô thường. Cái gì phải bị sanh diệt thì không phải là lạc để có thể cho rằng nó đem lại sự thỏa mãn, và vì thế tình trạng bất toại nguyện này là Khổ. 

Tất cả pháp xảy ra theo đường lối tự nhiên của chúng, cái ta (atta) hay tự ngã không kiểm soát hay làm chủ được chúng. Điều này được gọi là không có thực chất hay vô ngã (anatta). Hiểu được danh sắc phải chịu sự chi phối của quy luật vô thường, khổ và vô ngã như vậy có nghĩa là bạn đã có minh (vijja). Minh biểu thị cho sự giác ngộ. Vì thế có thể nói rằng thiền minh sát giúp chúng ta có được ánh sáng của trí tuệ sau khi đã xua tan bóng tối vô minh. Ở giai đoạn này chúng ta có thể vứt bỏ quan niệm sai lầm cho rằng những gì khả ái, khả lạc đều đáng mong muốn. Tham ái bị xua tan ngay sát-na chúng ta ghi nhận cảnh sắc và âm thanh xuất hiện ở tâm chúng ta. Bởi vì, trong khi chúng ta đang ghi nhận như vậy, không thể có cơ hội nào cho tham ái hay dục vọng nổi lên. Ngay cả sau đó, khi chúng ta cố gắng để nhớ lại những gì chúng ta đã thấy hay nghe, nó cũng không thể tự làm cho nó được cảm giác. 

Vì thế, có thể nói rằng trong sát-na tâm ấy chúng ta hoàn toàn không có cảm giác về tham ái. Như vậy khi thiện pháp (kusala dhamma) có mặt tham ái không thể sanh; hay nói khác hơn ngay sát na ghi nhận hoặc ngay cả sau đó (sau khi ghi nhận) tham ái không thể sanh do nhờ thiện pháp minh sát vậy. 

Sự vứt bỏ tham ái mỗi lần chúng ta ghi nhận hiện tượng sanh và diệt của danh sắc đồng nghĩa với việc chúng ta đã quăng xuống gánh nặng của năm uẩn. Vì sự ghi nhận này soi sáng cho chúng ta thấy những thực tại vô thường, khổ và vô ngã của các pháp; và chính trí ấy làm cho chúng ta cảm thấy dễ dàng quăng xuống gánh nặng. Khi bạn ghi nhận sự phồng lên và xẹp xuống của bụng, hay ghi nhận những chuyển động như ngồi, đứng, co, duỗi, là bạn đang nhìn vào bên trong tự thân mình. Khi bạn nhận ra sự diễn tiến, theo từng giai đoạn, của những hoạt động trong thân mình này, tham ái đối với các cảm thọ lạc không thể sanh khởi. Nhưng nếu bạn không thể nắm bắt được bản chất thực của mọi hiện tượng (danh-sắc), bạn sẽ bị đánh lừa bởi khái niệm cho rằng cái đang phồng và xẹp này chính là bụng của mình. Ý nghĩ “Đây là bụng tôi”, suy cho cùng, là một ảo tưởng. Do ảo tưởng này, người ta cảm thấy “Hễ cái gì của tôi là vừa ý.” Từ đó dẫn họ đến chỗ làm mọi chuyện cũng vì lợi ích của cái họ cho là của ta. Và vì thế Nghiệp (kamma) và Hành (saṇkhāra) bắt đầu hoạt động. Chính do hai yếu tố đang hoạt hóa này các Uẩn mới phát sinh. Chúng phát sinh như thế nào? Chúng phát sanh do mưu đồ của tham ái. Khi bạn quên ghi nhân sự sanh diệt của danh và sắc, bạn cảm thấy dễ chịu với ý niệm cho rằng chính bụng của ta đang làm việc. Ngay khi ý niệm này xuất hiện, tham ái đã có mặt. Khi bạn hành thiền trên các hiện tượng danh và sắc, tham ái sẽ biến mất, vì thế chúng tôi mới nói vứt bỏ tham ái có nghĩa là đặt xuống gánh nặng. 

Đôi lúc sự thất niệm xảy ra nhanh đến nỗi, khi bạn đang hành thiền và ghi nhận các hiện tượng phồng xẹp của bụng, bạn có thể rơi vào sự suy nghĩ. Sự suy nghĩ này dẫn đến những ý định và mong muốn tất yếu của nó. Chẳng hạn, khi bạn đang suy nghĩ về một điều gì đó, sự tình có thể xảy ra là bạn sẽ muốn làm một cái gì đó, hay muốn có một cái gì đó. Dù cho những ý định của bạn có được thực hiện hay không, dù cho những mong muốn của bạn có được hoàn thành hay không, nó sẽ không thành vấn đề bao lâu bạn còn cảm thấy hài lòng với việc suy nghĩ về chúng. Những suy nghĩ như vậy mang lại sự thích thú đến nỗi ngay cả những hành giả đang hành thiền cũng không thích lời (thiền sư) đề nghị là bạn phải ghi nhận hiện tượng suy nghĩ đang xuất hiện trong lúc quán sự phồng xẹp của bụng. Nhưng trong pháp hành những suy nghĩ của tâm cũng phải được ghi nhận. Vì, nếu bạn không ghi nhận sự suy nghĩ của mình, có thể bạn đã phát triển tâm tham đối với nó, hài lòng với ý niệm cho rằng chính bạn là người đang suy nghĩ. Đây là cách ý niệm về cái tôi hay tự ngã xen vào. Một khi ý niệm này đã nắm chặt lấy bạn, bạn sẽ nỗ lực chỉ vì lợi ích của “bản ngã”. Lúc đó Nghiệp và Hành sẽ bắt đầu hoạt động và hai yếu tố này sẽ làm cho ngũ uẩn mới phát sanh. Vì thế, bất cứ khi nào bạn quên không ghi nhận những gì bạn đang suy nghĩ về, là bạn đang chấp nhận gánh nặng ngũ uẩn mới. 

Một người hành thiền có quan sát những gì mình đang suy nghĩ sẽ luôn nhớ sự thực rằng suy nghĩ này không biểu thị cho cái ngã (atta) của ta, nó chỉ là một hiện tượng xảy đến một cách tự nhiên. Khi vị ấy ghi nhận “suy nghĩ, suy nghĩ” hoạt động của suy nghĩ này sẽ chấm dứt. Khi vị ấy ghi nhận “ý định, ý định,” hay “ước muốn, ước muốn,” những ý định, và ước muốn ấy sẽ biến mất. Và vị ấy sẽ nhận ra những suy nghĩ, ý định và ước muốn này trước đó không có, chúng chỉ vừa xuất hiện, và rồi sau đó chúng sẽ biến mất. Vị ấy sẽ đi đến chỗ biết những điều này bằng trực giác, không cần thực hiện những nỗ lực để biết chúng. Vị ấy không còn thấy thích thú trong những suy nghĩ, tính toán và ước muốn của mình nữa, và nhờ vậy vị ấy trở nên xả ly đối với chúng, không nhìn nhận chúng như những sản phẩm của bản ngã. Điều này báo hiệu sự hủy diệt của tham ái (taṇhā); và khi tham ái không còn hiện hữu, các Uẩn phát sinh từ nó cũng sẽ chấm dứt. Vì thế, bất cứ khi nào bạn ghi nhận sự suy nghĩ của mình, bạn đang quăng bỏ gánh nặng. Vấn đề này sẽ được sáng tỏ khi tôi giải thích về Hoại Diệt Trí (bhaṇga ñāṇa) ngay sau đây. 

Một hành giả đã đạt đến Hoại Diệt Trí sẽ thấy rằng cả hai — đối tượng (sắc), và tâm (danh) cái ghi nhận sắc — đều lần lượt tan hoại ngay khi chúng vừa sanh. Khi vị ấy ghi nhận sự phồng lên của bụng, thì sự phồng lên cùng với tâm ghi nhận đã tan hoại trong tiến trình quan sát của vị ấy. Chúng không bao giờ giữ nguyên không thay đổi. Bạn không thể thấy được những hình ảnh của chúng, vì chúng không đưa ra một dấu hiệu nào về sự hiện diện của chúng cả. Sự hiện hữu của chúng chỉ thoáng qua, nên chúng là vô thường. Vì vậy tuyệt đối không có lý do gì để bạn cảm thấy thích thú trong các uẩn và xem nó như “thân của tôi” hay “bụng tôi” hay “tâm của tôi”. Do lẽ đó tham ái không thể phát triển. Khi tham ái không sanh, các yếu tố ái (taṅhā), thủ (upādāna), hữu (bhava) không thể kích hoạt tiến trình trở thành hay tái sanh được. Khi ghi nhận các hiện tượng khác, như sự xẹp xuống của bụng, hay sự co, duỗi của tay chân, vị ấy sẽ cảm thấy rằng đối tượng bị biết, Sắc (rūpa), và chủ thể nhận biết, Danh (nāma), tan hoại cùng nhau, không để lại chút dấu vết nào về hình dạng và thực chất của chúng. Tất cả đều thoáng qua. Do đó những hiện tượng này không thể được nhận thức như “bụng của tôi, tay của tôi, chân của tôi, hay thân của tôi”. Ngay đó, tham ái bị hủy diệt. Với sự diệt của tham ái, thủ, nghiệp và hành không thể hoạt động. Với sự chấm dứt của những hoạt động này, các Uẩn không thể sanh. Và theo cách này gánh nặng được quăng xuống. 

Kế đến, có sự thực hành quán thọ (vedanā) hay ghi nhận các cảm thọ khi chúng khởi sanh. Bạn có thể cảm thấy mệt, hay cảm thấy nóng, đau khi đang ngồi thiền. Hãy ghi nhận tất cả những cảm thọ này. Khi bạn đang ghi nhận sự sanh và diệt của các hiện tượng Danh và Sắc, bạn sẽ thấy chúng biến mất cùng nhau. Tập trung trên cảm giác nóng ở một phần nào đó trên thân bạn. Người bình thường sẽ nghĩ rằng cảm giác nóng này xảy ra liên tục. Nhưng khi bạn ghi nhận cảm giác nóng này đúng theo phương pháp thiền quán, bạn sẽ thấy rằng sự nóng này xảy ra như một chuỗi cảm giác nóng, lúc sanh, lúc diệt, rồi lúc sanh và lúc diệt trở lại. Có những chỗ ngắt trong chuỗi cảm thọ. Đối với một hành giả minh sát chỗ ngắt rất rõ ràng nhưng đối với một người bình thường toàn bộ chuỗi cảm thọ dường như liên tục không có chỗ ngắt nào cả. Điều này không chỉ áp dụng cho các đối tượng giác quan tạo ra các cảm thọ mà còn cả với tâm quan sát chúng nữa. Trong sát-na này tâm nhận ra cảm thọ và rồi sự nhận thức ấy liền diệt. Kế tiếp, sát-na khác sanh khi tâm nối tâm trước nhận ra cảm thọ mới xuất hiện và sự nhận thức này cũng diệt hay biến mất như trước. Sự việc này cứ tiếp tục không ngừng cho đến bao lâu cảm thọ còn kéo dài. 

Cảm giác nóng đang được quan sát không phải là “ta”. Tâm ghi nhận cảm giác nóng này cũng không phải là “ta”. Cái gì không phải là “ta” thì cũng không phải là cái để thích thú. Ngay khi ý nghĩ này phát sanh, tham ái liền diệt. Với sự diệt của tham ái (taṇhā) và các pháp đồng sanh của nó, thủ, nghiệp và hành, cũng ngưng hoạt động. Khi những hoạt động điều hành này vắng mặt các Uẩn mới không thể khởi lên. Vì thế mỗi lần bạn ghi nhận các cảm thọ sanh khởi, bạn đang quăng bỏ gánh nặng. Điều này được nói liên quan đến các cảm thọ lạc. Nhưng phải lưu ý rằng đối với các cảm thọ khổ hoặc cảm thọ bất lạc bất khổ bạn cũng phải cố gắng nhận xét như vậy. Khi bạn thực hành việc ghi nhận các hiện tượng này, bạn sẽ nhận ra rằng các cảm thọ không xảy ra liên tục, mà mỗi phần của chúng cứ sanh lên rồi diệt, sanh lên rồi diệt, …. trong bao lâu cảm thọ kéo dài. Trong ví dụ về sự nóng ở trên, cảm giác nóng có thể được chia thành nhiều phần, hay nhiều sát-na nối tiếp nhau. Khi một người ghi nhận thọ khổ (dukkha vedanā), thọ lạc (sukha vedanā) và thọ xả (adukkhamasukha vedanā) họ sẽ tách ra khỏi ý niệm về một cái ‘Ta’ thường hằng hay cái “Ta” đang cảm thọ lạc. Sự tách bạch này sẽ khiến cho thủ, nghiệp và hành chấm dứt và cuối cùng, gánh nặng được nhấc khỏi vai họ. Với sự diệt của các Uẩn, già, bệnh, và chết sẽ không thể khởi sanh. Bóng gió về điều này Đức Phật dạy rằng người hành thiền sẽ trốn khỏi tử thần ngay khi vị ấy đặt gánh nặng xuống. 

Yathā pubbulakaṁ passe, 

Yathā passe marīcikaṁ; 

Evaṁ lokhaṁ avekkhataṁ, 

Maccurājā na passi. 

Cũng như nhìn bong bóng, 

Cũng như nhìn ảo ảnh, 

Hãy nhìn đời rỗng không (như vậy), 

Tử thần không thấy được. 

(Ai nhìn đời (thế gian của năm uẩn) như bong bóng nước hay như ảo ảnh, rỗng không thực chất, Tử Thần sẽ không thấy được người ấy. ) 

Bong bóng nước sẽ bể ngay sau khi vừa hình thành. Ảo ảnh gợi lên một hình ảnh về thực tại nhưng xem xét kỹ những hình ảnh ấy sẽ biến mất. Tuyệt đối không có thực chất trong hai thứ ấy. Đây chỉ là kiến thức phổ thông. Khi chúng ta biết được bản chất thực của chúng, chúng ta cũng biết bản chất thực của các hiện tượng. Khi một người hành thiền có được tri kiến này qua việc quan sát sự hoại diệt của các uẩn, vị ấy sẽ khám phá ra rằng đối tượng được biết và tâm biết đều nằm trong trạng thái trôi chảy, lúc sanh, lúc diệt, không ngừng. Vị ấy biết chúng là vô thường. Không có cốt lõi hay thực chất nào trong chúng để đáng được gọi là “của tôi” cả. Chúng chỉ biểu thị cho tiến trình trở thành và tan hoại mà thôi. Tử Thần không thể khám phá ra người có sự hiểu biết này. Người ấy được nói là đã giải thoát khỏi ảo tưởng về cái “tôi”, hay “của Tôi” ngay khoảnh khắc thực hành thiền minh sát. Khi, nhờ thực hành minh sát, người ấy đạt đến A-la-hán thánh đạo, vị ấy sẽ được giải thoát khỏi nó vĩnh viễn. 

Phép ẩn dụ mà Đức Phật dùng trong bài kệ này cho rằng tử thần không thể khám phá ra người hành thiền thấy cuộc đời rỗng không phù hợp với câu nói trong Kinh Gánh Nặng cho rằng khi tham ái (taṇhā) không có cơ hội sanh khởi, người ấy có thể quăng xuống gánh nặng khỏi vai họ. Ở đây tử thần được nhân cách hóa với ý định kích thích sự sợ hãi mà thôi. Ngay khoảnh khắc người hành thiền loại trừ vô minh, ái, thủ, hành và nghiệp, người ấy được bảo là đã đặt xuống gánh nặng trong khoảnh khắc đặc biệt ấy. 

III. Một bậc thánh nhập lưu đã làm nhẹ bớt gánh nặng 

Với sự thành thục và hoàn thiện dần dần của minh sát trí dẫn đến sự chứng đắc nhập lưu thánh đạo, về mặt tinh thần, người hành thiền có thể nhận thức Niết-bàn, ở đây danh, sắc và các hành bị diệt hoàn toàn. Vị ấy thực sự có thể cảm nhận được cảm giác bình yên cùng với sự chấm dứt của các hành (saṇkhāra) vốn làm duyên cho các đối tượng giác quan và thiền. Nơi đây mọi hiện tượng dừng lại, chỉ còn sự bình yên tuyệt đối. Vị ấy được giải thoát khỏi cái ảo tưởng về tự ngã vốn xem thân và tâm này là tự ngã (atta) hay một chúng sinh (satta). Vị ấy nhận ra cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm hay suy nghĩ chỉ do các uẩn danh và sắc tạo thành. Sự co, duỗi hay chuyển động biểu thị cho những hoạt động của ngũ uẩn. Mọi thân hành, khẩu hành, và tâm hành đều phát sinh trong cùng ngũ uẩn ấy. Trước khi thiền, hành giả có thể nghĩ rằng mọi hoạt động và cách cư xử ấy là chính mình, vì thế vị ấy khẳng định: “Chính tôi là người thấy, hay Tôi thấy, Tôi nghe.” Vị ấy đã lầm tưởng các hiện tượng danh, sắc là một thực thể sống cư trú bên trong vị ấy. Giờ đây, sau khi đã được soi sáng bởi nhập lưu trí, ảo tưởng về tự ngã biến mất, và vị ấy nhận ra rằng tất cả những cái thấy, nghe, … chỉ là sự thể hiện của danh và sắc luôn luôn sanh và diệt. Điều này mô tả tiến trình diệt của thân kiến hay ảo tưởng về tự ngã (sakkāyadiṭṭhi). 

Khoảnh khắc ảo tưởng về tự ngã này diệt, trí tuệ được mở ra; và người hành thiền xua tan mọi hoài nghi về sự hiện thực của Tam Bảo — Phật, Pháp, Tăng, về tính thiêng liêng của tam học — giới, định, tuệ, và về điều học (sikkhā). Ở đây, để ngắn gọn, tôi sẽ bỏ điều học qua một bên, nhưng phải nhớ rằng một khi người hành thiền đã được an lập trong Tam Quy, thì một cách tự nhiên, vị ấy đã có niềm tin trong điều học. Trong việc tu tập Đạo Lộ, thì giới, định, và tuệ là quan trọng tột bậc. Một vị Tỳ-kheo trong Tăng có nghĩa là người đang thực hành tam học. 

Với sự diệt của thân kiến và hoài nghi, các phiền não (kilesa) cũng được đoạn trừ. Phiền não bao gồm tham, sân, si và những phiền não mà do chúng một người không phải thánh nhập lưu phải tái sanh liên tục, và vị đã đắc nhập lưu thì không hơn bảy kiếp. 

Bất kỳ ai không thực hành trọn vẹn hoặc thực hành được một phần nào đó của thiền minh sát sẽ không thể đạt đến Đạo Quả, và do đó, người ấy có thể phải chịu khổ trong bốn ác đạo như kết quả của những nghiệp bất thiện họ đã làm. Nếu vị ấy là một bậc tiểu nhập lưu (cūḷa sotappana), vị ấy có thể tránh được địa ngục trong kiếp kế; nhưng trong kiếp thứ ba có thể người ấy lại bị tóm bắt vào vòng xoáy của Luân Hồi, trải qua những lần tái sanh bất tận như con người và chư thiên bình thường vậy. Tuy nhiên nếu bất kỳ một kiếp nào đó trong số những kiếp sống ấy, sau khi có cơ hội gặt hái những lợi ích từ giáo pháp của Đức Phật, người ấy thực hành thiền minh sát, người ấy vẫn có thể ước nguyện đạt đến Đạo Quả trong một thời gian ngắn khoảng vài kiếp tương lai, mặc dù người ấy đã lỡ cơ hội trong kiếp hiện tại này. Điều này có nghĩa rằng một giới hạn đã được đặt ra cho sự tái sanh của người ấy. Đây là những lợi ích mà một người hành thiền minh sát nhận được vượt xa những người không hành thiền. Ngược lại vô minh và tham ái ngăn kẻ phàm phu không cho họ giới hạn con số của những kiếp sống mà họ phải đi đến trong suốt vòng Luân Hồi như vậy. Đây là những gì Đức Phật nói: 

Này các Tỳ-kheo! Không thể quan niệm được là vòng luân hồi này. Do vô minh che đậy và tham ái trói buộc các chúng sinh phải hiện hữu liên tục. Họ phải trải qua hết kiếp sống này đến kiếp sống khác trong luân hồi mà khởi điểm của nó không ai có thể biết được. 

Sự hiểu biết bình thường về cái thấy, nghe, … do năm uẩn hay sự kết hợp của danh và sắc tạo thành không phải là sự hiểu biết đúng như thực. Sự hiểu biết ấy là vô minh (avijjā). Nó tạo ra sự dối trá về tính thường hằng của các pháp thấy và nghe. Nó lừa chúng ta vào chỗ tin rằng một đối tượng nào đó là thiện, là tốt và khả ái. Nó khiến chúng ta cố chấp vào ý niệm về tự ngã. Vì thế chúng ta nghĩ “đó là Tôi”, “đó là nó”, “đó là một chúng sinh”. Nó che đậy bản chất thực của các Uẩn, và vì thế chúng ta bị dẫn dắt vào ý nghĩ cho rằng các pháp là thường, lạc, ngã, tịnh, từ đó chúng ta bị dính mắc vào chúng. Đây là cách tham ái làm việc cấu kết với vô minh. Nó cũng giống như một sợi dây trói buộc. Khi một con vật bị trói buộc, nó chỉ có thể di chuyển nhiều lắm là bằng chiều dài của sợi dây cho phép, không thể vượt qua giới hạn đó được. Tương tự như vậy là các chúng sinh bị trói buộc vào tham ái, họ chỉ loanh quanh trong giới hạn của tham ái chứ không thể đi ra khỏi nó được. Họ sẽ phải tái sanh đi tái sanh lại không ngừng trong những hình thức khác nhau hay trong các Uẩn khác nhau. Bởi vì họ không thể trốn thoát khỏi các uẩn, không thể trốn thoát khỏi luân hồi. Thực sự, ngay cả nghĩ về việc trốn thoát đó họ cũng không thể. Vì thế các Uẩn cứ sanh đi sanh lại trong hàng tỷ, hàng tỷ kiếp của quả địa cầu, và chúng bắt đầu sanh từ khi nào cũng chẳng ai biết. Các uẩn cứ tiếp tục sanh cho đến khi một người chứng đắc nhập lưu thánh đạo. Khi nhập lưu đạo được chứng đắc, người ta có thể ước đoán rằng các uẩn mới chỉ còn sanh tối đa bảy kiếp, sau bảy kiếp chúng sẽ không còn “trở thành” nữa. Sự bình yên vĩnh hằng cuối cùng sẽ được thiết lập. Đây là cách làm thế nào để đặt gánh nặng xuống. 

Trong Niddesa, đoạn văn kinh sau đây được đề cập: 

Do nhờ nhập lưu đạo, sự tích chứa các nghiệp, phước hoặc phi phước, sẽ đi đến chấm dứt, và với sự chấm dứt này, tất cả danh (nāma) và sắc (rūpa) lẽ ra sẽ sanh vô hạn định suốt vòng luân hồi này nếu không đắc đạo, sẽ bị hủy diệt và bị tiêu diệt hoàn toàn sau bảy kiếp tái sanh. 

Giống như bệnh được chữa lành là nhờ uống thuốc, sự chứng Đạo (nhập lưu) cũng sẽ cứu vị ấy khỏi vô số kiếp tái sanh, điều mà lẽ ra vị ấy phải trải qua nếu không chứng Đạo. Giờ đây, không hơn bảy kiếp nữa vị ấy sẽ thoát khỏi cái vòng tái sanh bất tận của luân hồi. Điều này chỉ cho thấy gánh nặng được lấy đi hay được quăng bỏ bằng nhập lưu đạo như thế nào.

IV. Gánh nặng cũng có thể được quăng đi ở những giai đoạn chứng đạo cao hơn 

Với sự chứng nhất lai đạo trí (sakkādāgāmi magga), một người sẽ quăng bỏ được gánh nặng ở cuối kiếp kế, vì họ chỉ còn tái sanh lại duy nhất một lần. Tuy nhiên bậc thánh bất lai (anāgāmi) có thể khỏi phải tái sanh trong kiếp cuối cùng hiện tại của vị ấy, hoặc trong cõi Sắc Giới hoặc trong cõi Vô Sắc. Sự hiện hữu không thể được tính như các kiếp sống, vì trong cõi Sắc Giới một người có thể tái sanh tối đa năm lần trong năm cõi Tịnh Cư (suddhāvāsā). Còn cõi Vô Sắc có bốn, vì thế một người có thể sẽ phải tái sanh bốn lần trong bốn cõi ấy. Sự giải thích này cũng áp dụng cho những tham chiếu được thực hiện liên quan đến các bậc nhất lai và nhập lưu. Nghĩa là chúng chỉ liên quan đến các cõi hữu chứ không liên quan đến tái sanh. Điều này được giải thích trong Mula Tikā và là vấn đề bàn luận của các học giả. 

Với sự chứng đắc của A-la-hán Thánh Đạo trí (arahatta magga ñāṇa), bậc A-la-hán sau khi bát-niết bàn (parinibbāna) không còn tái sanh lại nữa, tất cả các uẩn đã bị diệt hoàn toàn. Loại bát niết bàn này được mô tả là vô dư y niết bàn (anupadisesa parinibbāna), ở đây vô dư y có nghĩa là không có gì (thuộc năm uẩn) còn lại. 

Vì thế, Đức Phật dạy như sau: 

Này các tỳ-kheo! Khi tham ái bị đoạn diệt hoàn toàn, không còn dư tàn, khi ái được hoàn toàn từ bỏ, hoàn toàn vứt bỏ, hoàn toàn giải phóng hay giải thoát, và khi nó được xả ly, một sự hủy diệt như vậy có nghĩa là đã quăng xuống gánh nặng của năm thủ uẩn (upādānakkhandhās). 

Như vậy sự diệt của tham ái có nghĩa là quăng bỏ gánh nặng.

Nếu một người không ghi nhận các trần cảnh (đối tượng giác quan) xuất hiện ở sáu căn môn khi họ thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm hay suy nghĩ, thời tham ái cấu kết với vô minh sẽ chiếm được thế thượng phong trong lúc ấy. Cho phép tham ái sanh có nghĩa là chấp nhận gánh nặng. Khi một người ghi nhận những gì đang xảy ra ở sáu căn môn, họ sẽ biết rõ hiện thực của vô thường, khổ và vô ngã; và sự hiểu biết về tính vô thường,… này sẽ xua tan tham ái trong lúc đó. Vì vậy mỗi sát-na ghi nhận các hiện tượng có nghĩa là chúng ta đang quăng xuống gánh nặng trong lúc ấy. Khi một người thành tựu bốn thánh đạo, họ đã hủy diệt hoàn toàn tham ái. Do đó nếu bạn thực lòng muốn từ bỏ gánh nặng, bạn phải hành thiền minh sát, loại thiền vốn dẫn bạn đến sự chứng đắc các Thánh Đạo.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app