Giảng Giải Kinh Gánh Nặng – Phần 4 – Chương Vi, Chương Vii, Chương Viii & Chương Ix

Phần 4

CHƯƠNG VI: Mang lấy gánh nặng  

– CHƯƠNG VII: Những thú vui trần tục dường như cũng làm cho gánh nặng nhẹ bớt  

– CHƯƠNG VIII: Nhận ra sự nặng nề của gánh nặng  

– CHƯƠNG IX: Ai mang gánh nặng  

   I. Câu trả lời của vajirā cho ma vương  

   II. Puggala (người) chỉ là một cái tên

CHƯƠNG VI – MANG LẤY GÁNH NẶNG

Thân năm uẩn này là một gánh nặng. Phục vụ nó tức là đang mang lấy gánh nặng. Khi chúng ta cho thân này ăn, cho thân này mặc là chúng ta đang mang lấy gánh nặng. Điều đó cũng có nghĩa rằng chúng ta là đầy tớ của sắc uẩn (rūpakkhandhā). Sau khi cho thân này ăn và mặc rồi chúng ta còn phải mong cho nó được khỏe mạnh và an vui cả về thể xác lẫn tinh thần nữa. Đây là cách chúng ta phục vụ cho thọ uẩn (vedanakkhandhā). Lại nữa chúng ta cũng phải làm sao để thân này được nếm trải những sắc đẹp, tiếng hay. Điều này liên quan đến thức (viññāṇa). Do đó chúng ta đang phục vụ cho thức uẩn (viññāṇakkhandhā). Ba gánh nặng này rất rõ ràng và ai cũng có thể nhận ra trong cuộc đời mình. Sắc Uẩn nói: Hãy nuôi tôi cho kỹ đấy. Hãy cho tôi những thứ mà tôi thích ăn; nếu không tôi sẽ tự làm cho mình ốm yếu đi cho mà xem. Hoặc tệ hơn, Tôi sẽ tự làm cho mình chết đi cho mà xem!” Lúc đó chúng ta sẽ phải cố gắng để làm vừa lòng nó. Rồi Thọ Uẩn cũng nói: “Hãy cho tôi những cảm giác thú vị; nếu không, tôi sẽ tự làm cho mình đau đớn, buồn rầu cho mà xem. Hoặc tệ hơn, Tôi sẽ làm cho mình chết đi cho mà xem!” Lúc đó chúng ta sẽ phải tìm kiếm những cảm thọ lạc để phục vụ cho những nhu cầu của nó. Thức Uẩn cũng sẽ nói: “Hãy cho tôi những cảnh đẹp. Hãy cho tôi những tiếng hay. Tôi muốn những đối tượng khả ái. Hãy đi tìm chúng cho tôi; nếu không tôi sẽ tự làm cho mình buồn khổ và ghê sợ cho mà xem. Và cuối cùng tôi sẽ chết cho mà xem!” Lúc đó chúng ta sẽ phải tuân theo lệnh của nó. Dường như rằng cả ba Uẩn này đe dọa chúng ta suốt cả đời. Vì thế chúng ta không thể không chiều theo những đòi hỏi của chúng; và sự phục tùng này là một gánh nặng lớn đối với chúng ta. 

Saṇkhārakkhandhā hay Hành Uẩn là một gánh nặng khác. Cuộc sống luôn luôn đòi hỏi chúng ta phải thỏa mãn những nhu cầu và những ước muốn hàng ngày của chúng ta và chính vì sự thỏa mãn này mà chúng ta phải năng động. Nói chung chúng ta phải làm việc suốt cả đời. Chu kỳ hoạt động này của con người nhận được sự khích lệ của ý chí và được thúc đẩy bởi tham ái. Các hành đưa ra những đòi hỏi mang tính đe dọa trên chúng ta mỗi ngày, điều này chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, nếu chúng không được thỏa mãn, rắc rối và thậm chí chết, sẽ xảy ra. Khi những ước muốn của con người không được thỏa mãn họ sẽ dùng tới tội ác. Gánh nặng của các Hành đặt trên chúng ta thật là nặng nề thay! Chính vì không thể mang nổi cái gánh nặng này trên đôi vai mà chúng ta đã tự phá hoại đạo đức để phạm vào những tội lỗi mang lại sự hổ thẹn cho chúng ta. Chúng ta phạm vào những tội ác phần lớn là vì chúng ta không mang nổi cái gánh nặng Hành Uẩn này. Khi kẻ phạm tội chết họ có thể bị đọa vào địa ngục hoặc tái sanh làm ngạ quỷ, súc sanh. Thậm chí nếu họ tái sanh lại làm người, những ác nghiệp ấy vẫn sẽ bám sát theo họ để trừng phạt khi có cơ hội. Họ có thể bị đoản thọ; có thể bị bức bách bởi bịnh hoạn suốt đời; họ có thể phải đối diện với cảnh nghèo đói, không bạn bè thân thích; họ có thể phải luôn luôn sống trong sự nguy hiểm hay phiền muộn, rắc rối vây quanh. 

Saññākkhandhā, Tưởng Uẩn, cũng là một gánh nặng. Chính nhờ tưởng mà bạn có thể luyện tập khả năng nhớ của mình để lưu lại kiến thức và trí tuệ giúp bạn có thể phân biệt được tốt với xấu và loại trừ khỏi tâm những điều bất thiện do những đối tượng giác quan không vừa lòng tạo ra. Nếu những đòi hỏi của tâm cho những trần cảnh khả ý không được thỏa mãn, nó sẽ chỉ chọn cái ác chứ không làm điều gì tốt cho ai cả. Những hối tiếc và lo âu phát sanh do chúng ta không thể gánh vác nổi cái gánh nặng tưởng uẩn này. 

Vì những lý do kể trên Đức Phật tuyên bố năm thủ uẩn (upādānakkhandhā) là một gánh nặng. 

Chúng ta mang gánh nặng này không chỉ một lần, không phải chỉ một phút, không phải chỉ một giờ, không phải chỉ một ngày, không phải chỉ một năm, không phải chỉ một đời, không phải chỉ một chu kỳ thế gian, không phải chỉ một a-tăng-kỳ kiếp. Chúng ta mang gánh nặng từ khởi thủy của vòng luân hồi. Vòng luân hồi thì không có khởi đầu. Nó là vô tận. Chúng ta không cách gì biết được khi nào nó sẽ chấm dứt. Chung cuộc của vòng luân hồi chỉ có thể đạt đến bằng sự diệt tận các phiền não trong tâm, khi chúng ta đắc A-la-hán thánh đạo. Ngay cả các bậc Thánh A-la-hán, khi chưa Vô Dư Niết bàn, vẫn phải chịu đựng cái gánh nặng này. 

Do đó, các vị A-la-hán thường quán như vầy:

Ta sẽ còn mang cái gánh nặng năm uẩn khổ này trong bao lâu nữa đây? 

(Kīva ciraṃ nukkho ayaṁ dukkha bhāro vahitabbo?) 

Ngay cả các vị A-la-hán cũng phải chăm lo cho sự an nguy của các uẩn. Để cho nó ăn các vị phải đi khất thực hàng ngày. Để cho nó sạch các vị phải tắm. Để làm sạch sẽ bên trong các vị phải bài tiết. Hàng ngày các vị cũng phải thay đổi bốn oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi để giữ gìn sức khỏe. Các vị cũng phải ngủ đều đặn để phục hồi sức lực. Đó là những gánh nặng đè nặng trên các ngài khi còn mang tấm thân ngũ uẩn.

CHƯƠNG VII – NHỮNG VUI THÚ TRẦN TỤC DƯỜNG NHƯ CŨNG LÀM CHO GÁNH NẶNG NHẸ BỚT

Hàng phàm nhân (puthujjanas) luôn luôn bị tham ái ám ảnh bởi thế họ xem năm uẩn hay các hiện tượng thân và tâm này không phải là gánh nặng. Đối với họ cái gọi là gánh nặng này chẳng có gì gọi là nặng cả. Vì thế khi Đức Phật nói năm uẩn là gánh nặng có thể họ sẽ nghĩ Đức Phật đang vu oan cho nó vì theo họ chính năm uẩn này đã cho họ được hưởng thụ cuộc đời. Có những cảnh sắc đẹp để ngắm; có những âm thanh du dương để nghe; có thức ăn ngon để thưởng thức; những mùi thơm để ngửi; và có những sự xúc chạm về thân khả ý để cảm giác, và còn có những điều tốt đẹp để biết nữa. Dưới ảnh hưởng của tham ái, cuộc đời xem ra không có gì đáng chê trách cả. Vui thú với các trần cảnh khả ái, con người cảm thấy cái gánh nặng của họ là nhẹ. 

Một người đàn ông rất yêu thương vợ, chắc chắn sẽ không nhìn thấy những lầm lỗi của vợ cho dù người hàng xóm có lưu ý anh về những khuyết điểm ấy. Từ trước đến nay anh chỉ biết rằng cô ta luôn luôn đáng yêu đối với anh. Cách cư xử của cô ta không có gì đáng chê trách cả. Vì thế anh không tin những gì người khác nói về lầm lỗi của cô ta. Cũng vậy, một người đã có sự ái luyến đối với năm uẩn có thể sẽ không bao giờ chấp nhận sự chỉ trích cho rằng nó là gánh nặng.

CHƯƠNG VIII – NHẬN RA SỰ NẶNG NỀ CỦA GÁNH NẶNG

Chỉ đến khi người ta về già, không thể đi lại như ý mình muốn, không thể tận hưởng những món ăn theo ý mình thích, không thể ngủ được nhiều như mình cần, và không thể thỏa mãn hết những những điều mình ước muốn, họ mới tin rằng cái gánh nặng năm uẩn này thực sự là nặng. Rồi khi họ ngã bệnh, niềm tin này càng tăng thêm và đến khi nhìn thấy bạn bè của họ gặp phải những nỗi đau khổ và phiền phức của tuổi già, sự nhận thức của họ về gánh nặng mới đi đến chỗ hoàn thiện hơn. 

Bậc A-la-hán là bậc đã diệt hết mọi tham ái. Vì thế đối với vị ấy việc quán trên gánh nặng này không còn cần thiết nữa. Trí hiểu biết về gánh nặng đến với vị ấy một cách tự nhiên. Tôi sẽ trở lại với câu chuyện người đàn ông rất yêu vợ ở trên. Thoạt tiên anh ta nghĩ rằng vợ mình không có gì đáng chê trách. Sau đó anh ta khám phá ra sự không chung thủy của nàng và cả mưu toan của nàng muốn hãm hại anh ta. Khi anh ta nhận ra thực trạng này, anh không cần phải nghe những lời cảnh báo của người khác về sự nguy hiểm sắp đổ xuống anh ta nữa. Theo cách tương tự, vị A-la-hán không cần ai cảnh báo về sự nặng nề của cái gánh nặng vị ấy đang mang. Vị ấy chỉ nghĩ đến việc vị ấy sẽ phải mang nó trong bao lâu nữa mà thôi. 

Vật nặng mà người phu khuân vác đội hay vác trên vai chắc chắn là rất nặng, nhưng anh ta chỉ mang nó trong chốc lát. Ngay khi anh ta cảm thấy nó sắp làm gãy lưng, anh ta liền quăng nó xuống và nghỉ ngơi. Còn cái gánh nặng năm uẩn này cưỡi trên lưng chúng ta suốt cả cuộc đời, hay nói đúng ra là suốt cả vòng luân hồi bất tận. Nó chỉ rơi khỏi đôi vai chúng ta khi chúng ta đắc đạo quả A-la-hán, diệt tận mọi phiền não trong tâm, và thậm chí chỉ sau khi chúng ta vô dư Niết Bàn, hay nói cách khác chỉ sau khi ngũ uẩn niết bàn nó mới thực sự chấm dứt. 

Do đó Đức Phật nói rằng gánh nặng năm thủ uẩn là gánh nặng nặng nhất vậy.

CHƯƠNG IX – AI MANG GÁNH NẶNG?

Này các Tỳ-kheo! Ai đang mang gánh nặng? Người là kẻ đang mang gánh nặng. Nó kêu bằng tên Tissa hay tên Datta, hay tên gì gì đó. Nó thuộc về dòng dõi Kanhayana hay Vacchayana, hay dòng dõi gì gì đó. 

Katamo ca Bhikkhave bhārahāro? 

Puggalotissa vacanīyam, yvāyam āyasmā evam nāmo evam gottho, ayam vuccati bhikkhave bhārahāro. 

Có nghĩa rằng phu khuân vác là một Người (puggala) mang tên Tissa hay Datta, con cháu của gia tộc Kanhayana hay Vacchayana gì đó. Cũng giống những cái tên chúng ta thường gặp trong kinh điển như Kaccāyana, Mahākassapa, Kondaññā,… vậy 

Ở đây mặc dù Đức Phật đề cập từ āyasmā, có nghĩa là này ‘các Tỳ-kheo’. Nhưng những gì Đức Phật muốn nói là tất cả chúng sanh, bao gồm cả nam cư sĩ, nữ cư sĩ, … và thậm chí cả ngạ quỷ nữa. Vì lẽ tất cả mọi chúng sanh đều phải mang cái gánh nặng năm uẩn của chúng. Trong cách nói thông thường thì mọi người đều đang mang gánh nặng. 

Ở đây nếu như đã mặc nhiên công nhận, năm uẩn là gánh nặng và Người là phu mang vác (gánh nặng), câu hỏi phát sanh là liệu năm uẩn có khác biệt với Người hay không. Atta hay cái ngã, như Đức Phật nhìn nhận là puggala, cá nhân, người, chúng sanh, như vậy suy ra Người là một và năm uẩn là khác? Tất nhiên sự suy đoán này chỉ hé lộ cho thấy tính cách chấp ngã của người hỏi mà thôi. Giáo lý của Đức Phật về Vô Ngã (anatta) đã quá rõ như ánh sáng ban ngày. Nếu triết lý của Đức Phật là một triết lý hữu Ngã (atta) thời giáo lý của ngài sẽ không khác gì với những giáo lý đang lưu hành trong thời của ngài, trong trường hợp đó Đạo Phật không cần thiết phải có mặt trong cuộc đời này làm gì. Có một niềm tin ngoài Phật Giáo cho rằng năm uẩn là atta (tự ngã). Tuy nhiên, một niềm tin khác thì quả quyết rằng năm uẩn không phải là atta, mà atta hiện hữu như một thực thể vật chất riêng biệt ở một nơi nào đó. Đạo Phật phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của atta bất kể là nó có (hiện hữu) riêng biệt và khác biệt với năm uẩn hay không. Theo cách dùng phổ thông và thói quen Đức Phật sử dụng từ Người (puggala) hay chúng sanh (satta). Thỉnh thoảng cũng có khi ngài dùng những ẩn ý theo ngữ pháp như Chính Ta (atta) và Những Người Khác (para) nhằm phân biệt người này với người kia. Chẳng hạn, trong câu: attā hi attano nātho; ko hi paro natho (Ta là đấng cứu độ của ta; không một ai khác là đấng cứu độ của ta cả.), atta ở đây không mang nghĩa khái niệm triết lý mà chỉ đơn thuần như đại từ ‘Ta’ hay ‘Tôi’. Cũng có trường hợp dùng ‘atta’ khác, đó là atta được dùng như một đại từ nhân xưng trong câu nói như: attanaṁ eva paṭhamaṁ paṭirūpe nivesaye (Trước hết hãy tự đặt mình vào chỗ thích hợp). Cũng có những cách dùng khác như atta saraṇa (nương nhờ chính mình) và anaññā saraṇa (chớ nương tựa ai khác ngoài chính mình) ở đây atta và aññā được dùng như những đại danh từ. 

Theo Đức Phật có bốn loại người, đó là, người hành động vì lợi mình, không lợi người; người hành động vì lợi ích của cả hai; người hành động không vì lợi mình cũng không vì lợi người, và người hành động không vì lợi mình, mà vì lợi người. Ở đây, Đức Phật dùng những từ attahita (lợi mình) và parahita (lợi người), trong đó atta muốn nói đến ‘cái ta’ theo lối đại từ chứ không phải ‘cái ta’ theo triết lý. 

Những quan niệm sai lầm phát sanh theo hàm nghĩa của ngữ pháp; vì vậy đó là những tà kiến. Điều này được trình bày trong Bộ Luận Kathā Vatthu (Những Điểm Dị Biệt) và trong Kinh Anurādha của Tương Ưng. 

“Này Anurādha! Ông nghĩ thế nào: Sắc (rūpa) là một chúng sanh?” 

“Bạch Đức Thế Tôn, Rūpa không phải là một chúng sanh.” 

“Thọ (vedanā), … Tưởng (saññā) … , Thức (viññāṇa) là một chúng sanh? 

“Thưa không, bạch Đức Thế Tôn, chúng không phải là một chúng sanh.” 

Cách vấn đáp này cho thấy không có ai để chúng ta có thể gọi là một người hay một chúng sanh dù có liên hệ với năm uẩn của người ấy hay không. Trong Kinh Đức Phật tuyên bố rằng giáo lý của ngài chỉ liên quan đến khổ (dukkha) và sự giải thoát khỏi những khổ đau do năm uẩn tạo ra, chứ ngài không thuyết về sự hiện hữu vĩnh hằng của cá nhân (puggala), của chúng sanh (satta) hay của tự ngã (atta).

I. Câu trả lời của vajirā cho ma vương 

Ma vương hỏi: 

Do ai, hữu tình này, Ðược sanh, được tạo tác? Người tạo hữu tình này, Hiện nay ở tại đâu? Từ đâu hữu tình sanh? Ði đâu hữu tình diệt? 

“Ai tạo ra các chúng sanh? Đấng Sáng Tạo hiện ở đâu? Từ đâu hữu tình sanh? Về đâu hữu tình diệt? 

Trước những câu hỏi này Trưởng lão Ni Vajirā, một bậc thánh A-la-hán, đã trả lời như sau: 

1- Này Ma Vương, ông nghĩ cái gì là một chúng sanh? Những gì ông nghĩ là tà kiến, hay không phải là tà kiến? Cái thường được nghĩ như một chúng sanh thực sự chỉ là một đống các Uẩn (khanddha) nằm trong trạng thái thay đổi không ngừng, hay gọi cách khác là các Hành (saṅkhāras). Ông không thể tìm thấy một chúng sanh nào trong các Hành ấy. 

2- Tôi sẽ cho ông một thí dụ. Khi bánh xe, trục xe và các bộ phận khác được lắp ráp lại, sự tập hợp (của các bộ phận) này được biết đến bằng từ chiếc xe. Cũng vậy, khi năm thành phần —sắc (rūpa), thọ (vedanā), tưởng (saññā), hành (saṅkhāra), thức (viññāṇa) — tập hợp lại với nhau. Sự tập hợp ấy được định danh là một chúng sanh. 

3- Thực sự, chỉ có khổ được sanh, khổ tồn tại, và khổ diệt, ngoài khổ không gì sanh, ngoài khổ không gì diệt. 

Khi chúng ta nói một người nào đó sanh, cách diễn đạt ấy không phải muốn nói đến một cá nhân con người, mà nói đến cái khổ cố hữu trong năm uẩn. Như vậy, những gì được gọi là ‘người’ thực chất không phải là ‘người’ mà (là) một gánh khổ. Cũng vậy, những gì diệt cũng chỉ là gánh khổ nằm cố hữu trong năm uẩn diệt chứ không phải người. 

Vì thế, trong bài Kinh Gánh Nặng này, khi Đức Phật nói kẻ mang gánh nặng là người, cách diễn đạt ấy chỉ chiều theo cách dùng chung của thế gian mà thôi. Bằng từ ‘người’ Đức Phật muốn nói tới năm uẩn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng có ‘người’ ngoài năm uẩn.

II. Puggala (người) chỉ là một cái tên 

Khi một vật được đặt tên, việc đặt tên này gọi là paññatta hay chế định. Từ người (puggala) chỉ được dùng cho những mục đích thuật ngữ, tức dùng như một tên gọi cho năm uẩn. Như vậy nó chỉ là một cái tên. Để làm cho mọi vật được hiểu chúng ta phải cần đến cách dùng chế định (paññatta) này. Nếu chúng ta nói rằng gánh nặng năm uẩn này được mang bởi năm uẩn, nói thế sẽ quá trừu tượng, và rất ít người hiểu được ý nghĩa mà nó chuyên chở.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app