Phần 5 – Sự Khiêm Tốn Của Trưởng Lão Xá-Lợi-Phất

Sự khiêm tốn của trưởng lão xá-lợi-phất

Kiêu hãnh (mada) và phóng dật (pamāda)

Đồ chúng, sự giàu sang, sắc đẹp, kiến thức và sự thông minh

Thâm niên, khổ hạnh, sức chịu đựng và danh tiếng

Các nguyên nhân khác của mada (kiêu hãnh)

Pamāda hay phóng dật

Sáu loại phóng dật

Hai cách thực hành

SỰ KHIÊM TỐN CỦA TRƯỞNG LÃO XÁ-LỢI-PHẤT 

Sự khiêm tốn của Trưởng Lão Xá-lợi-phất được xem là một bài học ở đây. 

Một lần nọ, Trưởng Lão Xá-lợi-phất và Trưởng Lão Mục-kiền-liên, hai vị đại đệ tử của Đức Phật, từ giã Đức Phật để lên đường du hành. Nhìn thấy Trưởng Lão Xá-lợi-phất có nhiều vị tỳ-kheo đi cùng, một vị sư nọ khởi tâm ganh tỵ. Vì thế vị ấy đã đi đến Đức Phật và vu khống rằng Xá-lợi-phất đã va quẹt vào người vị ấy và ra đi mà không một lời xin lỗi. Đức Phật biết rõ sự thực nhưng ngài vẫn cho người đi gọi Trưởng Lão đến và nói về lời phàn nàn của vị sư ấy. Xá-lợi-phất nói rằng việc làm như vậy đối với một người không có chánh niệm là điều có thể xảy ra. Nhưng ngài là người luôn luôn có chánh niệm về thân. Sau đó ngài kể lại sự kham nhẫn mà ngài đã thực hành bằng cách so sánh bản thân mình với một số vật. 

  1. Xá-lợi-phất ví mình giống như đất nơi người ta vất bỏ mọi loại rác rưởi, sạch lẫn không sạch. Đất tiếp nhận đủ mọi thứ đồ dơ uế như phân cứt, máu mủ, đờm dãi, v.v… nhưng không phàn nàn hay ghê tởm. Ngài đã thực hành sự kham nhẫn giống như đặc tính của đất vậy. 
  2. 3. 4. Lại nữa, giống như đồ rác rưởi người ta đem vất vào nước, hay vất vào lửa hay gió. Nước, lửa và gió không bao giờ phàn nàn hay tỏ vẻ ghê tởm. Xá-lợi-phất cũng thực hành sự kham nhẫn đến mức độ phi thường như vậy. 
  1. Xá-lợi-phất cũng ví mình như một miếng giẻ chùi chân. Tức là ngài lúc nào cũng nhẫn nại và không phàn nàn. 
  2. Xá-lợi-phất tiếp nhận thái độ của những người cùng đinh (Chiên-đà-la) – người thuộc giai cấp thấp hèn nhất của Ấn-Độ, đối với những người Bà-la-môn giai cấp cao. Khi một người cùng đinh đi vào làng, người ấy phải gõ xuống đường với một cây gậy nhỏ để báo cho những người khác biết mình đang đi đến, nhờ vậy người ta có thể tránh không để tiếp chạm với anh ta. Trưởng Lão Xá-lợi-phất nói rằng ngài có sự khiêm tốn gần đến mức tự hạ mình xuống giống như những người cùng đinh thấp hèn đó. 
  3. Xá-lợi-phất ví mình giống như con bò đực gãy sừng luôn luôn ngoan ngoãn không dám tấn công một ai cả. 
  4. Xá-lợi-phất ghê tởm tấm thân này của mình. Thái độ của ngài đối với thân không khác hơn thái độ của người thanh niên hay thanh nữ sau khi đã tắm rửa sạch sẽ và trang điểm đẹp đẽ sẽ không cảm thấy thích thú khi bị quàng vào cổ với xác một con thú thối tha vậy. 
  5. Xá-lợi-phất cảm thấy rằng mình đang mang cái gánh nặng của thân giống như chiếc bình đựng mỡ động vật có nhiều lỗ thủng đang rỉ chảy ra vậy. 

Khi Trưởng Lão Xá-lợi-phất nói với Đức Phật về sự kham nhẫn và kiêm tốn của mình như vậy, vị sư vu khống ngài vô cùng hối hận và đã xin lỗi Trưởng Lão về hành động sai lầm của mình. Trưởng Lão Xá-lợi-phất tha lỗi cho vị ấy và cũng xin vị ấy tha lỗi cho mình. 

Sự khiêm tốn của Trưởng Lão Xá-lợi-phất quả thực đáng để noi theo. Có lẽ có rất nhiều người trong chúng ta không thể thực hành đức khiêm tốn tới mức độ cao như ngài hoặc ngay cả không thể bỏ được thói ngã mạn thông thường một cách hoàn toàn. Nhưng tất cả chúng ta nên cố gắng để chế ngự loại tăng thượng mạn (atimāna) hay mạn thái quá này. 

KIÊU HÃNH (MADA) VÀ PHÓNG DẬT (PAMĀDA) 

Bây giờ chúng ta đi đến cặp phiền não cuối, đó là kiêu hãnh (mada) và phóng dật (pamāda) được đề cập trong bài pháp của Trưởng Lão Xá-lợi-phất. Mada có nghĩa là say sưa với kiêu hãnh và pamāda có nghĩa là sự không chú tâm chánh niệm hay phóng dật. Theo kinh điển Pāḷi (Khuddaka Vibhaṇga) thì có hai mươi bảy loại Kiêu Hãnh (mada). Nói khác hơn, người ta có thể trở nên say sưa với kiêu hãnh bắt nguồn từ một trong hai mươi bảy nét của một cuộc sống tốt đẹp. 

Nét thứ nhất là thọ sanh (jāti). Ở Ấn Độ từ thọ sanh này muốn nói tới hệ thống giai cấp. Có bốn giai cấp, đó là., giai cấp vua chúa hay quý tộc, giai cấp Bà-la-môn, giai cấp thương buôn và giai cấp nô lệ. Vua chúa và Bà-la-môn thường chất chứa niềm kiêu hãnh do dòng máu hoàng tộc hay do sự đa văn học rộng của họ và điều này luôn làm cho họ mù quáng và phi lý giống như một kẻ say rượu hay giống như một con voi đực vô cùng hung hăng và dữ tợn dưới ảnh hưởng của sự tiết ra các tuyến (dục) theo mùa của nó. 

Một số người trở thành miếng mồi cho sự kiêu hãnh do sự dính mắc vào dòng tộc, sức khỏe, tuổi trẻ, sự sống lâu của họ v.v…Đối với nhiều người thì sự kiêu hãnh về sức khỏe hay tuổi trẻ của họ là một chướng ngại cho việc thực hành minh sát vì nó làm cho họ không lưu tâm đến bản chất không thể biết trước được của sự chết 

Lại nữa, kiêu hãnh có thể có nguồn gốc của nó trong sự thủ đắc của cải. Một số người quá hão huyền với tài sản tích cóp của mình đến nỗi không quan tâm đến việc thực hành chánh niệm. Kiêu hãnh với những món quà mà người Phật tử dâng cúng có thể khiến một vị tu sĩ trở nên tự phụ đến nỗi lơ là cả việc thực hành Giới, Định, và Tuệ và điều này đã được nhấn mạnh rất nhiều trong Kinh Thừa Tự Pháp. 

Món quà mà người tại gia cư sĩ dâng cúng như một dấu hiệu của sự kính trọng đặc biệt được gọi là Sakkāra (tôn kính). Một vị tu sĩ thọ nhận của cúng dường kèm với lòng kính trọng sâu xa của người Phật tử này thường có khuynh hướng kiêu ngạo và tự phụ. Loại kiêu hãnh này đặc biệt liên quan đến các vị tu sĩ có tiếng tăm, như trụ trì, giáo thọ, v.v…những người luôn luôn trở nên ích kỷ và kiêu kỳ quá mức do quyền thế và địa vị lãnh đạo của họ. 

Thời Đức Phật có một vị đạo sư tên là Sañjaya (Sành-chạ-da). Ông có hai người đệ tử là Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Khi hai vị này đắc nhập lưu trong giáo pháp của Đức Phật, họ nói với thầy mình về ý định muốn gia nhập Tăng Đoàn của Đức Phật (Buddhist Saṅghā). Họ cũng khuyên thầy mình nên gia nhập tăng đoàn và thực hành Pháp. Tuy nhiên Sañjaya từ chối, ông nói rằng ông đã là một bậc đạo sư trong một thời gian quá lâu rồi, việc trở thành đệ tử của một vị thầy khác sẽ là điều nhục nhã cho ông. Hai vị khuyên thầy mình nên suy nghĩ kỹ về những gì ông sẽ phải làm vì rất nhiều người (trong số đệ tử của ông) sẽ bỏ rơi ông và tập hợp dưới trướng của Đức Phật, vì thế ông gần như không còn một người đệ tử nào cả. Lúc ấy Sañjaya nói rằng người ngu đông hơn người trí và như vậy người ngu tạo thành đa số của nhân loại sẽ đi đến với ông và chỉ một ít người có trí sẽ đi đến với Đức Phật mà thôi. Dường như ông biết rất rõ về sự ưu việt của Đức Phật nhưng không thể đi theo ngài vì tự hào về tài lãnh đạo của mình. Ngày nay cũng vậy, có một số vị thầy không thể tha thứ cho cái ý tưởng thực hành Pháp dưới sự hướng dẫn của một vị thầy khác. Đây là một hình thức của kiêu hãnh (mada) khiến người ta không thể trở thành kẻ thừa tự pháp được vậy. 

ĐỒ CHÚNG, SỰ GIÀU SANG, SẮC ĐẸP, KIẾN THỨC VÀ SỰ THÔNG MINH 

Bây giờ chúng ta sẽ bàn tiếp về năm nguyên nhân sanh kiêu hãnh khác, đó là., (1) có nhiều đồ chúng hay người đi theo mình, (2) nhiều của cải, (3) sắc đẹp, (4) kiến thức, và (5) trí thông minh sắc bén. Hai nguyên nhân đầu có lẽ không cần phải bàn chi tiết ở đây. Nguyên nhân thứ ba đặc biệt liên quan đến người nữ. 

Trong thời Đức Phật, Khema (Khê-ma), chánh cung hoàng hậu của vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) rất hãnh diện về sắc đẹp của mình. Bà không bao giờ đi đến gặp Đức Phật vì sợ rằng ngài sẽ hạ thấp nhan sắc của bà trong bài thuyết pháp của ngài. Nhưng khi bà đến thăm vườn Trúc, đức vua đã khéo sắp đặt cho cuộc viếng thăm của bà theo cách bà không thể tránh gặp Đức Phật được. Tại đó bà kinh ngạc khi thấy một cô gái cực kỳ xinh đẹp đứng kế bên Đức Phật. Ngay lúc ấy bà nhận ra rằng Đức Phật không xem thường những người phụ nữ đẹp. Vì cô gái này đẹp hơn bà rất nhiều và cô còn đang đứng hầu quạt cho Đức Phật. Thực tế thì cô gái ấy là một ảo ảnh do Đức Phật tạo ra. Khi Hoàng Hậu đang ngắm nhìn cô gái, Đức Phật dùng năng lực thần thông làm cho cô gái dần dần trở nên già nua, bịnh hoạn và chết đi. Ngay lúc ấy Hoàng Hậu nhận ra những mầm mống của sự phân hủy cũng cố hữu trong cơ thể mình và khi Đức Phật thuyết Pháp cho bà, bà đắc được đạo quả A-la-hán. Về sau bà trở thành bậc thượng thủ thanh văn nữ đệ tử của Đức Phật với sự xuất chúng về trí tuệ (trí tuệ đệ nhất). 

Một người phụ nữ khác tên là Janapadakalyāṇi cũng không đi đến đảnh lễ Đức Phật do kiêu hãnh về sắc đẹp của mình. Tuy nhiên cuối cùng cô buộc phải đến gặp Đức Phật, người cũng đã dẫn dắt cô đắc chứng A-la-hán thánh đạo theo cách tương tự (như với Hoàng Hậu Khema). Cô được gọi là Trường Lão Ni Nandā (Nandā Therī) và nhận được địa vị tối thắng về tu thiền trong giáo pháp của Đức Phật. Trước đây, trong chuyện tiền thân Đại Vương Kusa (Kusa Jataka), là công chúa Pabhavai xinh đẹp cô cũng bị sự kiêu hãnh này thống trị và tỏ ra khinh thường vua Kusa. 

Hai nguồn sanh Kiêu Hãnh khác là kiến thức thâm sâu và thông minh sắc sảo. Ở đây, kiến thức thâm sâu không có nghĩa là trí tuệ xuất phát từ việc hành thiền minh sát, vì người hành thiền đã đắc các tuệ minh sát sẽ không bao giờ có thái độ kiêu hãnh. Nó chỉ là kiến thức (sự hiểu biết) về các vấn đề thế gian, hay trí văn (suta), một loại trí có được do nghe hay học những lời dạy của Đức Phật. 

Thông minh sắc sảo (paṭibhanañāṇa — biện tài trí), trí giúp người ta dễ dàng ứng khẩu (trong trả lời hay viết văn) hay trí khéo léo trong việc chọn lựa ngôn từ khiến cho bài nói chuyện hay bài viết của mình sáng sủa, chính xác và hiệu quả hơn. Nhờ sự thông minh sắc sảo này người ta cũng có thể tranh luận một cách thuyết phục và xử trí được tức thời các vấn đề. Trí thông minh sắc sảo và sự tháo vát này có thể là nhân sanh kiêu hãnh. 

THÂM NIÊN, KHỔ HẠNH, SỨC CHỊU ĐỰNG VÀ DANH TIẾNG 

Các nguyên nhân kế tiếp cho sự kiêu hãnh, với trường hợp của các vị tu sĩ là thâm niên trong tăng chúng và đối với người thế tục là thâm niên trong phục vụ chính phủ hay thái độ hống hách đối với thuộc cấp của mình, hành khổ hạnh, sức chịu đựng của cơ thể, như khả năng đi bộ nhiều giờ liền, danh tiếng (yasa) và sự thành tựu (iddhi). 

Nguyên nhân thứ tư trong số đó là yasa — danh tiếng, yasa nghĩa đen là có nhiều người theo nhưng ở đây tôi nghĩ nó chỉ muốn nói tới danh tiếng hay sự nổi tiếng. Như vậy một vị tu sĩ có thể kiêu căng tự phụ khi vị ấy có được sự nổi tiếng, chẳng hạn như là bậc thông thuộc Tam Tạng, hay một bậc Pháp sư hay một bậc Thiền sư. Kiêu hãnh thái quá có thể làm hư một viên chức chính phủ hay một vị tu sĩ. Nguyên nhân kiêu hãnh cuối cùng trong nhóm này là iddhi — sự thành tựu, iddhi không có nghĩa là thần thông như người ta thường hiểu về từ này nhưng sự thành tựu hay thành công lạ thường có thể làm phát sanh sự kiêu hãnh. 

CÁC NGUYÊN NHÂN KHÁC CỦA MADA (KIÊU HÃNH) 

Năm nguyên nhân khác của mada hay kiêu hãnh là giới, thiền, kiến thức đặc biệt hay sự khéo léo, một ngoại hình cao ráo và cân xứng. Kiêu hãnh có thể bắt nguồn từ sự chấp giới. Những người có giới trong sạch đôi khi nói năng một cách xấc xược với những người không giữ giới. Tuy nhiên, sẽ không phải là mada nếu một người nhấn mạnh đến sự trong sạch của giới với ý tốt và không có bất kỳ dấu hiệu nào của thái độ dạy đời (cho rằng mình đạo đức hơn) người khác. Nguyên nhân khác của mada là sự chứng đắc một mức độ thiền định cao nào đó (như đắc cận định hoặc an chỉ định — upacāra samādhi, hay appānajhāna samādhi). Một người hành thiền đắc được những mức độ định này đôi khi có thể trở nên kiêu hãnh và nói với sự khinh thường những người không đắc. Một số người có thể không đắc được cận định (upacāra) là do thiếu sự nỗ lực liên tục và chính bổn phận của người thiền sự là phải đặc biệt chú ý đến người hành thiền như vậy tuy nhiên bổn phận này không liên quan gì đến sự kiêu hãnh hay mada. Những người đắc sát-na định minh sát (vipassanā khaṇika samādhi) thực thụ không có khuynh hướng kiêu hãnh. Lại nữa, ngày nay những người chứng đắc được các bậc thiền định rất hiếm và những trường hợp kiêu mạn thái quá do chấp vào thiền chứng như vậy hầu như cũng không có. 

Mặt khác một người cũng có thể bị kiêu hãnh thống trị do khả năng nổi trội trong một ngành học truyền thống hay trong một lãnh vực học thuật nào đó. Lại nữa, một người có thân hình cao mét bảy, mét tám, hay có một thân hình không quá thấp hay quá cao, cũng có thể là nguyên nhân sanh ra kiêu hãnh. Một người có thân hình cân đối hàm ý có chiều cao trung bình và cân nặng trung bình hay người ấy có một thân hình hoàn toàn không có những khuyết điểm, đây cũng được cho là những nguyên nhân làm phát sanh kiêu hãnh. Như vậy có cả thảy 27 nguyên nhân phát sanh kiêu hãnh (mada) cản trở tiến bộ tâm linh của một người. Thảo nào, việc thực hành minh sát không hấp dẫn đối với những người tự mãn với sự phù phiếm của sức khỏe, giàu sang, học thức, tài lãnh đạo của họ không có gì đáng ngạc nhiên lắm. Một số người tin rằng đời sống giới hạnh của họ hay việc sử dụng chuỗi hột thường xuyên của họ sẽ xóa bỏ sự cần thiết phải hành chánh niệm. Tuy nhiên trong thực tế tất cả các hình thức khác nhau của kiêu hãnh và kiêu mạn này đều có hại cho tiến bộ tâm linh và vì vậy chúng cần phải được loại bỏ chúng bằng sự suy quán với chánh niệm. 

PAMĀDA HAY PHÓNG DẬT 

Ác pháp cuối cùng chúng ta phải vượt qua để tiến bộ trên đạo lộ giải thoát là phóng dật (pamāda). Pamāda được mô tả trong Khuddaka Vibhaṇga như không chánh niệm dẫn đến mất tự chủ về hành vi, lời nói và ý nghĩ . Phóng dật được xem là ác pháp tồi tệ nhất và thô lậu nhất trong các loại ác pháp. Sát sanh, trộm cắp, tà dâm tạo thành phóng dật về thân trong khi nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô lỗ, và nói lời vô ích tạo thành phóng dật về khẩu và chính phóng dật về ý đưa đến thèm muốn tài sản của người khác, âm mưu hại mạng người khác hay chấp nhận những tà kiến như tà kiến phủ nhận quy luật của nghiệp hay nhân quả. 

 Như vậy pamāda dẫn chúng ta đến chỗ làm điều ác về thân, khẩu và ý. Phóng dật có nghĩa là buông thả tâm thay vì kiềm chế nó, cũng như tháo dây cột con bò để cho nó đi tìm thức ăn theo ý muốn vậy. Thuốc giải cho phóng dật là nghiêm trì giới luật. Việc kiên trì thực hành thiền định sẽ ngăn được phóng dật trong ý nghĩ, trong khi thực hành thiền minh sát, với mỗi hoạt động ghi nhận có nghĩa là người hành thiền đã diệt hoàn toàn tâm phóng dật đối với đối tượng ghi nhận. 

Trên Thánh đạo phóng dật được bứng gốc khi người hành thiền thành tựu những tiến bộ liên tiếp từ giai đoạn này đến giai đoạn khác. Như vậy ở giai đoạn nhập lưu, tâm phóng dật bất thiện đưa đến việc phạm giới một cách trắng trợn hoàn toàn bị tiêu diệt. Kế đến, bất lai đạo (anāgāmi magga) tạo ra sự diệt hoàn toàn của những tâm phóng dật làm phát sanh những tư duy bất thiện như tư duy tham dục, tư duy sân hận, và với sự chứng đắc A-la-hán thánh đạo bảo đảm sự diệt hoàn toàn của các tâm phóng dật còn lại khác như phóng dật tạo ra hữu ái (mong muốn tái sanh). Tuy nhiên trong chú giải Kinh Vattha của Trung Bộ thì nói rằng người hành thiền ở giai đoạn bất lai (anāgāmi) đã vượt qua được bốn phiền não, đó là, sân hận, phẫn nộ, hiểm độc và phóng dật. Như vậy, theo bản chú giải này, những phiền não vẫn còn nấn ná trong bậc thánh A-na-hàm như hữu ái, ngã mạn, vô minh, v.v… không thuộc vào phạm trù Phóng Dật (pamāda). 

Vì thế, để diệt hoàn toàn những phiền não phối hợp với phóng dật nhất thiết chúng ta phải thực hành bát chánh đạo cho đến khi chứng đắc đạo quả bất lai (anāgāmi magga) vậy. 

Pamāda, như đã định nghĩa, là không có sự chế ngự đối với năm giác quan. Nói cách khác, chính pamāda hay phóng dật nghĩ đến các trần cảnh, chính phóng dật khát khao hay thích thú trong các trần cảnh ấy. Vì thế, Đức Phật chỉ dạy các vị tỳ-kheo không thọ dụng bốn nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, đó là y áo, vật thực, thuốc trị bịnh và chỗ trú ngụ hay cốc liêu, để thỏa mãn lòng dục mà thọ dụng chỉ để bảo tồn sự sống. Biện pháp chữa trị hiệu quả cho phóng dật là thực hành thiền chỉ và thiền minh sát. 

Phóng dật dưới hình thức đắm chìm trong các tư duy tham dục không đến nỗi thô như phóng dật bộc lộ ra dưới hình thức vi phạm những giới căn bản (sát sanh, trộm cắp, tà dâm,…). Những biện pháp ngăn ngừa phóng dật đối với các dục trần là như lý tác ý, chánh niệm liên tục và tự chế. Điều tốt nhất để làm là ghi nhận liên tục tiến trình danh-sắc như phồng và xẹp, v.v… 

Thiếu nghiêm túc trong thực hành minh sát chắc chắn sẽ làm phát sanh phóng dật dưới hình thức phạm giới, tư duy tham dục, phóng tâm. Người hành thiền không thể thoát khỏi phóng dật nếu vị ấy không mạnh mẽ, kiên quyết, và kiên trì trong pháp hành. Chính phóng dật (làm cho) thiền không hăng hái, lúc hành lúc không, hành ít ngỉ nhiều hay buông lơi tinh tấn hay từ bỏ việc thực hành hay không thực hành liên tục và kiên trì. 

SÁU LOẠI PHÓNG DẬT 

Đến đây người đọc đã có một khái niệm nào đó về Pamāda mà chúng tôi có thể mô tả như sau. (1) Pamāda hay phóng dật trong hình thức vi tế nhất và yếu nhất của nó chúng ta có thể nhận dạng được là tâm thỉnh thoảng lang thang (phóng tâm) và quên ghi nhận. (2) Ít vi tế hơn là loại Phong Dật khiến chúng ta lơ đễnh để cho một số cảnh trần (đối tượng của giác quan) thoát khỏi sự chú ý của chúng ta. (3) Tệ hại hơn là loại Phong Dật dẫn đến những tư duy tham dục. (4) Tác hại hơn là loại phóng dật khiến chúng ta đắm chìm trong các dục lạc. (5) Nguy hiểm hơn nữa là loại Phóng Dật tạo ra ước muốn sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối hay những điều ác khác. (6) Tồi tệ nhất là loại phóng dật tìm được sự bộc lộ ra bằng hành động ác hay lời nói ác. 

Mỗi người Phật tử nên cố gắng để được giải thoát khỏi hai loại Phóng Dật sau cùng này. Loại phóng dật thứ tư phải được vượt qua bởi các vị tỳ-kheo và những người tại gia cư sĩ thực hành minh sát. Người hành thiền nên luôn luôn giữ chánh niệm và ngăn ngừa loại phóng dật thứ ba, đó là những tư duy tham dục. Nếu những tư duy tham dục sanh khởi trong lúc đang hành chánh niệm, chúng phải được ghi nhận và loại trừ ngay lập tức. Còn về những người hành thiền miên mật để đạt đến các thánh đạo và thánh quả thì nên cố gắng cho đến khi được thoát khỏi hai loại phóng dật vi tế đầu tiên. 

Ghi nhận liên tục tiến trình thân-tâm trên căn bản từ sát-na này đến sát-na khác và thực hành các pháp minh sát đạo (vipassanā magga dhammas) dẫn đến đạo quả nhập lưu vốn bảo đảm sự diệt hoàn toàn của sáu phiền não, đó là., vô ơn, tự phụ, ganh tỵ, bỏn xẻn, xảo trá và đạo đức giả. Ở giai đoạn bất lai đạo sân (dosa hay vyāpāda), phẫn nộ, hiểm độc và không chánh niệm bị diệt hoàn toàn. Cuối cùng ở giai đoạn A-la-hán thánh đạo tham, cứng đầu, hợm hĩnh, mạn, tăng thượng mạn và kiêu hãnh bị bứng gốc. Sự diệt hoàn toàn của mười sáu phiền não này vào lúc chứng đắc thánh đạo được mô tả trong chú giải bài kinh Vatthùpama sutta (Kinh Ví Dụ Tấm Vải) của Trung Bộ và những lời dạy khác của Đức Phật. 

Theo chú giải của bài kinh này thì Phóng Dật bị diệt hoàn toàn ở Bất Lai Đạo nhưng vẫn còn những phiền não, như chấp thủ vào cuộc sống (ái sắc, ái vô sắc), vô minh, ngã mạn đối với những gì mình thực sự có và các phiền não khác. Vì thế người hành thiền sẽ phải tiếp tục thực hành bát chánh đạo cho đến khi đắc chứng A-la-hán thánh đạo bảo đảm sự diệt hoàn toàn của tất cả phiền não. Chỉ lúc đó người hành thiền hay vị tỳ-kheo mới trở thành kẻ thừa tự pháp xứng đáng theo lời dạy của Đức Phật. 

Việc thực hành bát chánh đạo là tuyệt đối cần thiết để diệt trừ kiêu mạn và phóng dật. Việc thực hành này đòi hỏi phải có sự quán chiếu liên tục tiến trình thân-tâm hay năm thủ uẩn sanh khởi từ mỗi hoạt động thấy, nghe,… Với sự phát triển của chánh định (sammā samādhi) hay sát-na định minh sát (vipassanākhaṇika samādhi) khi thực hành như vậy, người hành thiền có được cái nhìn sáng suốt để phân biệt giữa danh (nāma) — tâm ghi nhận và sắc (rūpa) — đối tượng được ghi nhận, cũng như bản chất vô thường của các hiện tượng. Cái nhìn thấu suốt này không phải kiến thức bình thường mà nó là trí tuệ thể nhập và phi thường. Mỗi khoảnh khắc có cái nhìn thấu suốt như vậy có nghĩa là các phiền não đã được tiêu diệt tạm thời và cuối cùng minh sát trí liên quan đến nhập lưu đạo sẽ sanh khởi, và Niết-bàn được chứng ngộ. 

Vị tỳ-kheo hay hành giả có được những tuệ minh sát như vậy và vượt qua được những phiền não như vậy xứng đáng được khen ngợi bất kể chỗ đứng của họ trong tăng là gì. Họ đã trở thành những kẻ thừa tự pháp đích thực. Trưởng Lão Xá-lợi-phất – vị thượng thủ đệ tử của Đức Phật, nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc thừa tự pháp nhưng điều khó hiểu là chúng ta sẽ thừa tự pháp dưới dạng đạo, quả và Niết-bàn như thế nào nếu chúng ta không biết cách thực hành bát chánh đạo hợp với những lời dạy trong kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattana Sutta), Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna sutta), Kinh Đại Bổn (Mahāpadāna sutta), v.v… Nhưng khi tôi thực hành minh sát trên căn bản của những lời dạy này tôi thấy việc thực hành rất rõ ràng đối vớitôi và cũng không khó để dạy nó. Những ai thực hành theo những chỉ dẫn của tôi một cách tín thành sẽ thấy pháp hành này thực sự lợi ích. 

Thực hành bát chánh đạo cũng giống như uống một viên thuốc quý để điều trị các chững bệnh ác hiểm. Thuốc quý giúp chúng ta vượt qua nhiều loại bịnh như thế nào, thực hành bát chánh đạo cũng giúp chúng ta loại trừ những loại phiền não khác nhau như vậy. Trước tiên chúng ta phải thực hành đạo đi trước (pubbabhāga magga) hay minh sát đạo (vipassanā magga). Việc thực hành này chỉ hiệu quả nếu chúng ta ghi nhận tiến trình danh-sắc dưới dạng thủ uẩn (upādānakkhandhā) trên căn bản từ sát-na này đến sát-na khác. Thực hành như vậy sẽ dẫn đến cái nhìn thấu suốt (minh sát trí) vào bản chất thực của tâm và vật chất hay danh-sắc, đó là bản chất vô thường, bất toại nguyện, v.v… của chúng. Những minh sát trí sanh khởi theo cách này tạo thành các minh sát đạo (vipassanā maggas) như chánh kiến, chánh tư duy,…. Đây là đạo đi trước dẫn đến Thánh Đạo. Khi minh sát đạo đã được khéo thiết lập, thánh đạo thuộc bát chánh đạo sẽ khởi sanh. 

HAI CÁCH THỰC HÀNH 

Chú giải mô tả hai cách thực hành bát chánh đạo. Có số hành giả thực hành minh sát định hướng-tịnh chỉ (samatha-oriented vipassanā) trong khi số hành giả khác thực hành thiền chỉ định hướng minh sát (vipassanā-oriented samatha). Một số người tu tập cận định (upacāra samādhi) hay an chỉ định (appanāsamādhi) trước khi hành minh sát. Đây là Chỉ (samatha). Nói cách khác, thực hành bát chánh đạo có hai loại: (1) Hành minh sát đạo sau khi đã đạt đến định của thiền chỉ và (2) Hành minh sát đạo mà trước không cố gắng để đắc định của thiền chỉ. Định của thiền chỉ là an chỉ định (appāna) hay jhāna samādhi (tức định của một bậc thiền nào đó), trong khi upacāra là cận định hay định đi trước định của bậc thiền nhờ đó người hành thiền có được sự an tịnh đến điểm thoát khỏi mọi triền cái (nīvarana). 

Đối với một số người hành thiền một trong hai loại định này tạo thành căn bản cho việc hành minh sát. Thực hành minh sát đòi hỏi phải có trí hiểu biết về danh-sắc, mối tương quan nhân-quả của chúng, sự tan hoại, vô thường của chúng, v.v… Cuối cùng trí này sẽ làm phát sanh các thánh đạo như nhập lưu, nhất lai, bất lai đạo, ….và trên thánh đạo này các kiết sử (samyojanas) và những phiền não tùy miên sẽ được diệt trừ dần dần cho đến khi diệt hoàn toàn ở A-la-hán thánh đạo. 

Chú giải cũng mô tả một loại pháp hành minh sát thuần túy để đắc Thánh Đạo. Pháp hành này không bao hàm hai loại định của thiền chỉ mà liên quan đến việc quán các uẩn, hay tiến trình danh-sắc dưới hình thức các đặc tính của chúng, đó là., vô thường, khổ và vô ngã. Việc quán các đặc tính này sẽ dẫn đến các giai đoạn minh sát trí khác nhau như trí phân biệt giữa danh và sắc. v.v… Điều này có nghĩa là người hành thiền có được Kiến Tịnh (diṭṭhivisuddhi) vốn thường phát sanh từ Tâm Tịnh (cittavisuddhi). Ở đây sự thanh tịnh của tâm hàm ý sự giải thoát khỏi các triền cái và như vậy mặc dù pháp hành minh sát này bỏ qua hai loại định của thiền chỉ nó vẫn phải dựa trên những gì chúng ta gọi là sát-na định minh sát (vipassanā khaṇika samādhi). Vì thế, mặc dù người hành thiền có thể bỏ qua hai loại định của thiền chỉ, song vị ấy không thể làm như vậy với sát-na định minh sát vốn được xem là tuyệt đối cần thiết cho việc thực hành minh sát. 

Chú giải cũng đề cập đến trạng thái nhất tâm xuất phát từ sự chú ý đến các đối tượng giác quan thích đáng. Ở đây những đối tượng giác quan thích đáng có nghĩa là các hiện tượng tâm và vật lý tạo thành những đối tượng của sự minh quán. Pháp hành minh sát loại bỏ các đối tượng bên ngoài vốn không liên quan đến cái nhìn thấu suốt vào bản chất vô thường, khổ, v.v… và dẫn đến sự suy nghĩ và tư duy lan man. 

Với sự phát triển của Định, người hành thiền không còn thấy tâm mình lang thang nữa. Tâm ghi nhận và đối tượng ghi nhận được điều chỉnh một cách hoàn hảo. Không có tâm nào thoát khỏi sự ghi nhận của vị ấy. Có thể nói lúc này tâm trở thành một chuỗi tâm ghi nhận. Các đối tượng ghi nhận có thể thay đổi nhưng chúng vẫn hòa điệu với tâm ghi nhận. Ở những khoảnh khắc (tâm ghi nhận và đối tượng ghi nhận làm việc hiệu quả) như vậy các triền cái bị diệt hoàn toàn và sự an tịnh được gọi là sát-na định minh sát phát sanh. 

Trên căn của định hay sự thanh tịnh tâm (citta visuddhi) này việc hành chánh niệm dần dần sẽ dẫn đến cái nhìn thấu suốt vào sự phân biệt giữa danh và sắc hay gọi theo thuật ngữ Pāḷi là nāmarūpaparicchedañāṇa (danh-sắc phân biệt trí), kế đến là cái nhìn thấu suốt vào mối quan hệ nhân và quả (paccayapariggahañāṇa nhân duyên phân biệt trí); và sau đó là cái nhìn thấu suốt vào tiến trình sanh và diệt hay sự bắt đầu và chấm dứt của mọi hiện tượng cùng với bản chất vô thường, khổ, vô ngã của chúng. 

Cách thực hành này bắt đầu với việc quán danh-sắc dưới dạng các đặc tính như vô thường, khổ, vô ngã,… của chúng. Do đó trong pháp hành này minh sát trí sanh khởi trước và định hay sát-na định minh sát xuất hiện nối theo sau nó. Nói cách khác, trong pháp hành này vipassanā (minh sát) được ưu tiên hơn định (samatha). 

Vì vậy tầm quan trọng của việc thực hành thiền minh sát là điều rất khó để nói hết được. Vì chỉ có thực hành minh sát mới dẫn đến sự chứng đắc các thánh đạo, thánh quả và Niết-bàn khiến cho chúng ta trở thành kẻ thừa tự Pháp đích thực của Đức Phật. 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app