Nội Dung Chính
- Phần 5
- CHƯƠNG X – CHẾ ĐỊNH và CHÂN ĐẾ
- I. Để giải thích về Tàm (hiri) và (Úy) ottappa, hay sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi
- II. Để chỉ cho mọi người thấy các chúng sanh có nghiệp là tài sản riêng của họ
- III. Để mô tả những nghiệp nổi bật của con người
- IV. Để giải thích về tính chất vô gián và bất hoàn của loại cực trọng nghiệp
- V. Để khuyến khích việc thực hành các Phạm Trú (Brahma Vihāra)
- VI. Để tiết lộ bản chất của thần túc thông, trí nhớ các tiền kiếp của mình và của mọi người (pubbenivāsana ñāṇa)
- VII. Để giải thích về thanh tịnh thí (dakkhiṇavisuddhi)
- VIII. Ngôn ngữ quy ước
- CHƯƠNG X – CHẾ ĐỊNH và CHÂN ĐẾ
Phần 5
CHƯƠNG X: Chế định và chân đế
I. Để giải thích về Tàm (hiri) và (Úy) ottappa, hay sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi
II. Để chỉ cho mọi người thấy các chúng sanh có nghiệp là tài sản riêng của họ
III. Để mô tả những nghiệp nổi bật của con người
IV. Để giải thích về tính chất vô gián và bất hoàn của loại cực trọng nghiệp
V. Để khuyến khích việc thực hành các Phạm Trú (Brahma Vihāra)
VI. Để tiết lộ bản chất của thần túc thông, trí nhớ các tiền kiếp của mình và của mọi người (pubbenivāsana ñāṇa)
VII. Để giải thích về thanh tịnh thí (dakkhiṇavisuddhi)
1. Thanh tịnh thí
2. Cá nhân thí
Phước phát sanh do cá nhân thí
3. Tăng thí
4. Cái vẻ giống vipassanā trong việc bố thí
VIII. Ngôn ngữ quy ước
CHƯƠNG X – CHẾ ĐỊNH và CHÂN ĐẾ
Có hai cách thuyết giảng Phật pháp, đó là, thuyết theo chân đế (paramattha desanā) và thuyết theo chế định (paññatta desanā), cách đầu liên quan đến kiến thức trừu tượng trong khi cách sau liên quan đến kiến thức thông thường hay kiến thức phổ thông cầu viện đến sự nhận thức qua đó các vật được biết theo tên gọi của chúng. Khi chúng ta luận về Vô Thường (anicca), Khổ (dukkha), đặc tính của các vật chất chính (tứ đại), hay khi chúng ta luận về Đế (sacca), về niệm xứ (satipaṭṭhāna), và căn xứ (āyatana), chúng ta quan tâm đến những chủ đề trừu tượng. Khi chúng ta nói về đàn ông, đàn bà, chư thiên, …. chúng ta quan tâm đến những chủ đề hàng ngày mà con người ta thường đề cập đến bằng những cái tên. Có những người nhờ sự chỉ dẫn bằng phương tiện chế định (paññatta) mà thấy được ánh sáng của Pháp, trong khi có những người được giác ngộ nhờ phương tiện chân đế (paramattha). Một vị giáo sư biết nhiều ngôn ngữ sẽ giải thích những vấn đề cho học trò người Anh của mình bằng tiếng Anh, học trò người Ấn bằng tiếng Ấn, và học trò người Miến bằng tiếng Miến. Đức Phật cũng vậy, ai cần phải hiểu bằng phương tiện chế định ngài dạy bằng chế định, ai cần phải hiểu bằng phương tiện chân đế ngài dạy bằng chân đế.
Có tám lý do tại sao Đức Phật phải dùng những cái tên trong cách dùng thông thường và dạy đạo theo cách chế định, đó là, (1) để giải thích về Tàm (hiri) và (Úy) ottappa, hay sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi; (2) để chỉ cho mọi người thấy các chúng sanh có nghiệp là tài sản riêng của họ; (3) để mô tả những nghiệp nổi bật của con người; (4) để giải thích về tính chất vô gián và bất hoàn của loại cực trọng nghiệp; (5) để khuyến khích việc thực hành các Phạm Trú (Brahma Vihāra); (6) để tiết lộ bản chất của thần túc thông, trí nhớ các tiền kiếp của mình và của mọi người (pubbenivāsana ñāṇa); (7) để giải thích về thanh tịnh thí (dakkhiṇavisuddhi); và (8) để hành động theo đúng lời nói.
Giải thích:
I. Để giải thích về Tàm (hiri) và (Úy) ottappa, hay sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi
Khi chúng ta nói các uẩn hổ thẹn hay ghê sợ tội lỗi, có thể chẳng ai hiểu chúng ta muốn nói gì; nhưng khi chúng ta nói cô gái ấy biết hổ thẹn hay ghê sợ tội lỗi, mọi người đều hiểu những gì chúng ta muốn nói. Vì thế khi Đức Phật muốn nhấn mạnh đến việc tu tập hai pháp hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, ngài dùng cách nói thông thường.
II. Để chỉ cho mọi người thấy các chúng sanh có nghiệp là tài sản riêng của họ
Khi chúng ta nói các uẩn có nghiệp là tài sản riêng của chúng, ý nghĩa của câu nói này khá hàm hồ. Nhưng khi chúng ta nói những điều thiện hay ác mà các chúng sanh làm sẽ tạo ra những thiện nghiệp hoặc ác nghiệp, do đó những nghiệp này là tài sản riêng của họ. Cũng vậy, khi giải thích về nghiệp Đức Phật dùng ngôn ngữ thông thường.
III. Để mô tả những nghiệp nổi bật của con người
Khi chúng ta nói các uẩn xây dựng nhà cửa hay chùa chiền, ý nghĩa sẽ chẳng rõ ràng. Vì thế khi chúng ta muốn nói đến việc xây dựng chùa Kỳ-Viên của ông Cấp-cô-độc, chúng ta phải dùng tên để nói về ông ấy chứ không dùng các uẩn. Lúc đó mọi người sẽ hiểu ý nghĩa một cách rõ ràng. Đức Phật dùng những tên riêng là vì thế.
IV. Để giải thích về tính chất vô gián và bất hoàn của loại cực trọng nghiệp
Khi chúng ta nói các uẩn giết cha mẹ của chúng, sẽ chẳng ai hiểu được những gì chúng ta muốn nói. Tuy nhiên mọi người sẽ hiểu khi chúng ta nói rằng đứa con trai đã giết mẹ của nó hay đức vua A-xà-thế đã giết cha, vua Tần-bà-sa-la. Những ác nghiệp này lập tức tóm lấy kẻ giết mẹ, giết cha ngay khoảnh khắc chúng chết. Và sự vận hành của nghiệp này được nói là không thể cứu vãn được. Về bản chất nó là loại ác nghiệp tồi tệ nhất trong các ác nghiệp, và được gọi là Vô Gián Nghiệp (ānantarika kamma) vì nó không cho phép ngừng lại để nghỉ. Do đó, khi giải thích về loại nghiệp này Đức Phật phải dùng ngôn ngữ thông thường để mọi người hiểu.
Vô Gián Nghiệp đã tóm chặt lấy vua A-xà-thế bởi vì ông đã giết cha của mình. Vì thế, mặc dù vua có cơ hội nghe Đức Phật thuyết pháp, ông vẫn không gặt hái được chút sáng tỏ nào trong Pháp ấy. Vô gián nghiệp đã đóng vai trò như một chướng ngại đối với sự chứng Đạo, và vì thế ông được xem như một sự nguy hiểm đối với Đạo (maggānantara). Sau khi chết ông đi thẳng đến địa ngục đồng sôi (Lohakumbhī) để chịu khổ trong đó, mất đi cơ hội tái sanh cõi trời. Vì thế, ông cũng được xem như sự nguy hiểm đối với cõi chư thiên (saggantarāya).
V. Để khuyến khích việc thực hành các Phạm Trú (Brahma Vihāra)
Khi chúng ta nói các uẩn gửi những lời chúc lành sống lâu và hạnh phúc của họ đến các uẩn khác thì sẽ chẳng ai hiểu điều đó có nghĩa là gì. Vì thế chúng ta nói các vị sư và cư sĩ chúc các vị sư và cư sĩ khác được an vui và giải thoát khỏi khổ đau của kiếp người. Đức Phật dạy các vị đệ tử của ngài thực hành bốn Phạm Trú — từ, bi, hỷ, và xả. Sự an trú trong việc thực hành này gọi là Phạm Trú. Khi Đức Phật muốn giảng giải Bốn Phạm Trú này ngài dùng cách thuyết giảng theo chế định (paññatta desanā). Ở đây, những người không biết về phương pháp luận của Đức Phật trong việc dạy pháp có suy nghĩ cho rằng cách thuyết giảng theo chân đế tốt hơn và do đó đã rải tâm từ không phải đến các cá nhân mà đến các uẩn. Cần phải nhớ rằng trong việc thực hành bốn phạm trú không chỉ những danh từ chung, như tất cả chúng sanh (sabba satta) được dùng mà cả những danh từ riêng, như tất cả nam nhân (sabba purisa), tất cả nữ nhân (sabba itthiyo), v.v… được dùng. Khi rải tâm từ đến những người khác bạn phải hướng tâm hay hướng sự chú ý đến người nhận như các cá nhân, chứ không phải đến danh và sắc của họ. Danh và sắc là những khái niệm trừu tượng, chúng xuất hiện cũng giống như gỗ đá; và nếu sự tình là vậy, rải tâm từ đến những vật vô tri phỏng có lợi ích gì? Chính vì thế điều cần ghi nhớ là khi bạn đang hành bốn phạm trú bạn phải nhận ra cá nhân những người mà tâm bạn đang chăm chú vào.
VI. Để tiết lộ bản chất của thần túc thông, trí nhớ các tiền kiếp của mình và của mọi người (pubbenivāsana ñāṇa)
Nếu chúng ta nói rằng các Uẩn của chúng ta có thể nhớ được các kiếp sống quá khứ, chẳng ai hiểu điều đó có nghĩa là gì. Vì thế chúng ta phải nói Đức Phật nhớ được điều này, các vị A-la-hán nhớ được điều nọ. Do đó, khi Đức Phật muốn nói một điều gì đó liên quan đến những việc xảy ra ở quá khứ nhờ vận dụng Trí Nhớ Tiền Kiếp hay Túc Mạng Thông (pubbenivāsana ñāṇa), Đức Phật sẽ dùng cách thuyết theo chế định.
VII. Để giải thích về thanh tịnh thí (dakkhiṇavisuddhi)
Nếu chúng ta nói chúng ta đang cúng dường đến các uẩn, điều đó sẽ thực là mơ hồ. Một Uẩn bố thí thức ăn cho một Uẩn khác. Một uẩn bố thí y phục đến một uẩn khác. Các uẩn sẽ bố thí như thế nào và các uẩn sẽ thọ nhận ra sao? Uẩn nào tạo phước, uẩn nào thọ nhận phước. Sắc uẩn nào là thiện sắc uẩn nào là bất thiện? Nếu chúng ta liên kết với những thứ trừu tượng nhầm lẫn chắc chắn sẽ phát sanh. Do đó Đức Phật nói đến người bố thí và người thọ nhận như những cá nhân.
1. Thanh tịnh thí
Nhân tiện tôi sẽ nói cho quý vị hiểu về sự thanh tịnh thí (dakkhinavisuddhi). Thanh tịnh thí có bốn loại, như sau:
(a) Khi một người có giới bố thí đến một người không có giới, người bố thí được phước, Bố thí được xem là thanh tịnh.
(b) Khi một người không có giới bố thí đến một người có giới, bố thí ấy vẫn thanh tịnh nhờ thái độ của người thọ nhận. Do đó, người bố thí cũng được phước; và phước ấy có khi còn lớn hơn (trường hợp trên).
(c) Khi cả hai, người bố thí và người thọ thí, đều không có giới, bố thí ấy không thanh tịnh, và hành động bố thí cũng không có kết quả. Thậm chí khi người bố thí chia phước (hồi hướng phước) đến các ngạ quỷ, ngạ quỷ không thể nhận được và do không nhận được chúng sẽ không thoát khỏi kiếp ngạ qủy.
(d) Khi cả hai, người bố thí và người thọ thí, đều có giới đức trong sạch, vật thí cũng thanh tịnh, và phước báu phát sanh từ việc bố thí này sẽ rất lớn.
Bố thí còn được phân thành cá nhân thí và tăng thí như sau:
2. Cá nhân thí
Có 14 loại bố thí hợp theo 14 loại người thọ nhận. Đó là:
- Đức Phật Chánh Đẳng Giác;
- Đức Phật Độc Giác;
- Bậc A-la-hán
- Bậc đang nỗ lực để đạt đến Đạo Quả A-la-hán;
- Bậc Thánh A-na-hàm;
- Bậc đang nỗ lực để đạt đến Đạo Quả A-na-hàm;
- Bậc Thánh Tư-đà-hàm;
- Bậc đang nỗ lực để đạt đến Đạo Quả Tư-đà-hàm;
- Bậc Thánh Nhập Lưu;
- Bậc đang nỗ lực để đạt đến Đạo Quả Nhập Lưu
(Ở đây, tất cả những người đang đi theo con đường của Đức Phật đều được xem như những người đang cố gắng để đạt tới Đạo Quả Nhập Lưu; và do đó trong nhóm này có thể bao gồm tất cả, từ những người mới thọ trì Tam Quy đến những người đang bước trên Thánh Đạo. Điều này phù hợp với những gì Chú Giải nói.)
- Người đắc thiền và có năng lực thần thông, ngay cả khi người này phát triển những năng lực ấy ngoài Phật Giáo (Buddhasāsanā), tức người hành theo ngoại đạo.
- Người có đầy đủ giới hạnh, kể cả khi họ là người ngoài Phật Giáo.
- Người Không có giới.
- Con vật.
Phước phát sanh do cá nhân thí
- Bố thí đến những con vật có thể tích lũy phước được một trăm lần.
- Bố thí đến những người không có giới có thể tích lũy phước được một ngàn lần.
- Bố thí đến những người đang hành giới, dù cho là người ngoài Giáo Pháp của Đức Phật, vẫn có thể tích lũy phước được một ngàn lần, trong suốt một ngàn kiếp.
- Bố thí đến những người có thần thông, kể cả những người ngoài Phật Giáo, có thể tích lũy phước được triệu – triệu kiếp.
- Phước cúng dường đến những người có tiềm năng trở thành Thánh Nhập Lưu, có thể tích lũy được phước trong vô lượng kiếp. Những cúng dường như vậy có thể được xếp theo địa vị của người thọ nhận, và tất nhiên phước tạo được cũng tăng theo địa vị của họ. Chẳng hạn, bố thí đến những người có ngũ giới, người bố thí có thể được hưởng nhiều phước hơn (bố thí đến) người chỉ thọ trì Tam Quy, v.v…
Theo đó, người thọ nhận được xếp theo thứ tự phước mà họ tạo ra:
Người trú trong tám giới
Người trú trong mười giới
Người đang hành thiền Định
Người đang hành thiền minh sát
Người cư sĩ đang hành giới
Vị sư đang hành giới
Vị sư đang hành thiền định, và
Vị sư đang hành thiền minh sát một cách chuyên cần và đúng pháp.
Người đắc tuệ minh sát theo thứ tự từng giai đoạn họ đạt đến.
Người đang nỗ lực đạt đến giai đoạn Nhập Lưu, và v.v…
Về lý thuyết, bạn sẽ nhận được phước cao nhất khi cúng dường đến một hành giả (yogi) đang bước đi trên Thánh Đạo. Nhưng do khoảng thời gian của cái thoáng Thánh Đạo ấy chỉ kéo dài một sát na tâm (tâm đạo chỉ kéo dài một sát-na), nên cúng dường vào sát-na đặc biệt ấy là bất khả. Tuy nhiên, bạn có thể có được lợi ích lớn nhất nhờ cúng dường đến một thiện trí phàm phu (kalyāna puthujjhana), người đã đạt đến giai đoạn trí an lập trong xả đối với tất cả pháp hữu vi, tức đạt đến tầng tuệ thứ chín trong tu tập minh sát, thường được gọi là hành xả trí (saṇkhārupekhā ñāṇa).
- đến 14: Tầm cỡ của những phước báu nhận được từ việc cúng dường đến bậc thánh nhập lưu, nhất lai, bất lai và A-la-hán chỉ có thể hình dung ra hơn là mô tả. Bởi vì chúng có thể kéo dài cả a-tăng-kỳ kiếp (asaṇkheyya, được biểu thị bằng một con số 1 theo sau bởi 14 con số không).
3. Tăng thí
Những cúng dường đến Đức Phật và các vị sư trong tăng đoàn được gọi là Tăng Thí (saṇghikha dāna) và có bảy loại:
- Cúng dường vật thực và tứ vật dụng (những nhu cầu cần thiết được giới luật cho phép) đến Đức Phật và chư Tỳ-kheo cả hai phái (tăng và ni) sẽ tích tạo được phước thiện cao nhất.
- Kế đến là loại cúng dường được làm đến chư Tỳ-kheo (cả hai phái) sau khi Đức Phật nhập diệt. Ở đây Tăng có nghĩa là tất cả các vị Tỳ-kheo thuộc cả hai phái có mặt tại chỗ cúng dường dù có được thỉnh mời hay không.
- Thứ ba theo thứ tự cao thấp là những cúng dường được làm đến chư Tỳ-kheo tăng. Ngày nay các thí chủ hảo tâm thường có thói quen thỉnh hết cả chư tăng trong một ngôi chùa thọ nhận vật cúng dường. Việc làm như thế thuộc vào nhóm này.
- Thứ tư là những cúng dường được làm đến chư Tỳ-kheo ni. Do ngày nay không còn Tỳ-kheo ni nữa nên những cúng dường loại này là bất khả.
- Thứ năm là những cúng dường mà thí chủ làm bằng cách thỉnh một số vị sư giới hạn nào đó cả hai phái trong tăng (tăng và ni). Cúng dường này hiện nay cũng là bất khả vì không còn Tỳ-kheo ni nữa.
- Thứ sáu trong thứ tự này là những cúng dường mà thí chủ làm bằng cách thỉnh một số các vị Tỳ-kheo nào đó trong Tăng. Việc cúng dường này hiện nay rất phổ biến. Thí chủ sẽ đi đến gặp vị trụ trì của một ngôi chùa nào đó và thỉnh mời một số vị sư đến tại tư gia của mình để thực hiện việc cúng dường, qua đó người ấy có thể hướng tâm cung kính đến toàn thể Tăng Chúng mà các vị sư được mời này đại diện. Cần lưu ý rằng, trong loại cúng dường này thí chủ phải không có những mục đích cá nhân, như chọn một vị sư hay chọn các vị sư nào đó theo ý mình, mà phải hướng đến toàn thể Tăng Chúng. Vị trụ trì của ngôi chùa sẽ phái các vị sư trong chùa của mình, hoặc theo thứ tự hạ lạp hoặc bằng cách bốc thăm (ai trúng thì đi). Trong số các vị sư ấy có thể có những người mà thí chủ không thích cung kính. Dù không thích thí chủ vẫn phải tỏ lòng tôn kính đến tất cả quý sư như những người đại diện của Tăng. Cũng như khi một người cúng dường hương hoa đến một bức tượng Phật, bức tượng chỉ phục vụ mục đích kéo sự chú tâm cung kính của người ấy đến Đức Phật mà thôi. Thực sự tâm họ không phải đặt trên bức tượng mà đặt trên Đức Phật. Như vậy bức tượng chỉ có một mục đích là giúp họ hướng tâm đến Đức Phật. Tương tự, các vị Tỳ-kheo đến nhà thí chủ để thọ thí cũng chỉ là những người đại diện, và hình ảnh của họ giúp kéo tâm của thí chủ hướng đến sự hiện hữu của các vị đệ tử Phật, những người mà thực sự họ muốn cúng dường. Hay có thể nói, sự hiện diện của các vị sư chỉ đóng vai trò như một phương tiện nhờ đó thí chủ có được sự chú tâm đến sự kiện rằng mình đang cúng dường đến tăng chúng đệ tử của Đức Phật. Chính với ý nghĩa này mà tăng thí được xem là phước điền cao thượng vậy.
Về việc sử dụng những cúng dường này, chỉ các vị sư ở cận kề (nhà thí chủ) mới có thể sử dụng chúng, theo như giới luật cho phép. Khi một thí chủ dâng cúng vật thực đến một vị sư đang đi khất thực và nói “Saṇghassa dhemi,” (con xin cúng dường đến Tăng), cúng dường này là Tăng Thí (saṅghika dāna) vì ý định của thí chủ là (muốn cúng dường) đến toàn thể Tăng Chúng. Tuy nhiên nếu vị sự thọ nhận cúng dường ấy nói, “Mayhaṃ papunāti” (vật thực ấy đã đến tay tôi) thì kể như nó thuộc về vị ấy, và vị ấy có thể một mình sử dụng nó. Nhưng có một câu tục ngữ liên quan đến đặc ân này. Khi bạn cúng dường ánh sáng đến hình tượng Đức Phật, bạn thực sự đã dâng nó đến Đức Phật sống trong quá khứ. Ánh sáng của những thiện nghiệp này của bạn sẽ tỏa chiếu khắp mọi nơi. Nghĩa là nó bao trùm hết tất cả. Song ánh sáng mà bạn cúng dường đến hình tượng Đức Phật chỉ có thể tỏa ra những tia sáng của nó quanh khu vực cây đèn mà thôi. Nếu vị Tỳ-kheo đang nói mang tất cả vật thực mà vị ấy nhận được suốt buổi đi khất thực về chùa, các vị sư đồng trú mỗi người đều được một phần đúng như tác ý cúng dường, theo quan điểm của Luật (Vinaya), thì đó là Tăng Thí. Trong trường hợp này cả hai, thí chủ và người thọ nhận, đều được lợi ích. Điều quan trọng là bạn nên biết cách tạo phước cúng dường (dāna).
- Thứ bảy trong thứ tự này là những cúng dường mà thí chủ thực hiện bằng cách thỉnh mời một số vị Tỳ-kheo ni nào đó. Thường thì người đứng đầu ni chúng sẽ quyết định ai sẽ nhận được lời mời. Tuy nhiên những cúng dường như vậy hiện nay không còn khả dĩ vì những lí do đã nói ở trên.
Về Tăng Thí, như Đức Phật đã nói:
Này Ānanda! Ta chưa bao giờ nói rằng bố thí đến các cá nhân đem lại nhiều lợi ích hơn bố thí đến Tăng Chúng.
Trong Chú giải, các vị luận sư cũng nói rằng bố thí đến các vị sư bình thường mà tăng chúng chỉ định hợp theo giới luật, như những người đại diện cho họ cũng tích tạo được phước nhiều hơn cá nhân thí đến một bậc thánh A-la-hán. Vì thế cúng dường đến tăng luôn được xem là cúng dường cao nhất.
Chính vì muốn nhấn mạnh đến sự thanh tịnh và cao quý của việc bố thí đến Tăng mà Đức Phật đã dạy trong hình thức Chế Định Thuyết (paññātta desanā) đối với người thọ thí bằng tên riêng của họ. Từ trước đến đây chúng tôi đã đề cập bốn loại thanh tịnh thí, mười bốn loại cá nhân thí và bảy loại tăng thí. Khi nói về những loại thí này chúng ta phải nhớ rằng hình thức thuyết theo chân đế (paramaṭṭha desanā) không được dùng và do đó không đề cập chút nào đến Uẩn, Xứ,…ở đây. Chỉ các cá nhân được nói đến. Đây là điểm đáng lưu ý đối với người bố thí cũng như người thọ thí khi làm phước sự.
4. Cái vẻ giống vipassanā trong việc bố thí
Sở dĩ tôi nhấn mạnh tới điểm này cốt chỉ để nhắc cho quý vị nhớ về sự sai lầm khi để cho cái vẻ bề ngoài giống như Minh Sát lẫn lộn trong việc bố thí. Một số người thích nghĩ rằng hành bố thí chung với hành minh sát sẽ có kết quả tốt hơn. Vì thế trong lúc bố thí định thức sau được dùng:
“Ta, người bố thí chỉ là một khối các Uẩn, do danh sắc tạo thành, thực hiện việc cúng dường này đến người thọ nhận, cũng chỉ là một khối các uẩn, còn vật thí này cũng là một khối các uẩn, phải bị chi phối bởi quy luật vô thường, khổ và vô ngã.”
Tất nhiên cách thức này không hợp với lời dạy của Đức Phật và phi lý. Bố thí (dāna) được thực hiện là vì muốn tạo phước chứ không phải được thực hiện vì thiền minh sát. Nếu tâm một người khuynh hướng về thiền minh sát, họ không cần thiết phải đi bố thí. Họ nên rút vào một nơi tĩnh mịch nào đó và hành minh sát, khi định lực của họ có đủ sức mạnh, nó sẽ cho họ lợi ích lớn nhất. Lúc đó họ sẽ có được thiện nghiệp minh sát (vipassanā kusala), hay phước xuất phát từ thiền minh sát. Có một trời khác biệt giữa việc hành minh sát đúng và chỉ hành đôi ba phút minh sát trong lúc bố thí. Cái được xem là quan trọng trong việc bố thí là hãy tự làm cho mình xứng đáng với sự tích tạo thiện nghiệp bố thí bằng cách bố thí với sự chân thật trong mục đích. Đó là lý do vì sao chúng tôi luôn luôn khích lệ người bố thí hãy hoan hỷ trong những thiện sự của họ. Phước nhận được từ việc bố thí sẽ được nhân lên nhiều lần nếu người bố thí quán tưởng đến giới đức của người thọ nhận hay sự hữu ích và đúng pháp của những vật mình đem bố thí. Sự quán tưởng như vậy làm cho tâm họ hoan hỷ hơn nhờ đó hiệu quả tích lũy của phước mà họ nhận được sẽ nhiều hơn. Nếu người ấy quán trên các Uẩn của người thọ nhận và nhận ra thực tánh của chúng, họ sẽ không thể phân biệt được giữa sự giới hạnh và không giới hạnh hay sự thánh thiện và đáng kinh của người thọ nhận, vì, những phẩm chất này phát xuất từ các uẩn vốn hoàn toàn trừu tượng. Lại nữa, nếu người ấy quán trên các uẩn liên hệ đến vật thí và nhận ra thực tánh của chúng, thời tất cả những gì người ấy đem bố thí sẽ là vô dụng giống như đá sỏi, như vậy thì còn gì nữa để cho người ấy hoan hỷ? Không có sự hoan hỷ thì thiện nghiệp bố thí (dāna kusala) của người ấy kể như thất bại.
Người ta có thể lý luận, như một số người thực sự đã lý luận cho rằng, vì thiền minh sát cao quý hơn việc bố thí, miệt mài hành thiền chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là đi bố thí. Cách lý luận như vậy quả thực hợp lý. Một khi mọi lo nghĩ liên quan đến việc bố thí đã được diệt trừ, người ta sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung vào việc hành thiền. Trong thực tế bố thí được thực hiện không phải vì những mục đích của thiền minh sát mà là để tạo phước. Nếu sự tình là vậy, tốt hơn hết thí chủ nên quán trên hành động bố thí của mình để có được sự hoan hỷ trong việc làm phước và hoan hỷ với kết quả mà phước ấy được tích tạo.
Vì thế khi muốn giảng dạy về thanh tịnh thí cho hàng đệ tử Đức Phật đã dùng cách thuyết theo chế định, tức nêu đích danh các cá nhân chứ không nói đến các uẩn.
Bây giờ tôi sẽ nói đến lý do thứ tám tại sao Đức Phật dùng cách Thuyết theo Chế Định (paññatta desanā). Ai có thể hiểu được nhiều hơn Đức Phật về những vấn đề như: mọi hiện hữu đều là các hiện tượng danh và sắc luôn luôn sanh và diệt và rằng các pháp hữu vì đều nằm trong trạng thái trôi chảy không ngừng? Vào những dịp thích hợp Đức Phật sẽ dạy như thế. Tuy nhiên ngài không bao giờ bác bỏ cách dùng phổ thông. Có những từ như: mẹ, cha, con trai, con gái, đàn ông, đàn bà, chư thiên, Tỳ-kheo, v.v… những từ này được dùng trong cách nói hàng ngày; và Đức Phật cũng nói bằng thứ ngôn ngữ mà người đương thời sử dụng.
VIII. Ngôn ngữ quy ước
Suy cho cùng thì Puggala Paññātti (nhân chế định) cũng chỉ là ngôn ngữ quy ước. Khi chúng ta nói rằng đây là một con người, một chúng sinh, một người đàn ông hay một người đàn bà, chúng ta là người có óc thực tế, vì tất cả nhân loại đều chấp nhận những mô tả đưa ra ấy. Sự thực được quy định theo sự đồng lòng chung của công luận là sự thực chế định (sammuti saccā). Nói cách khác đó là sự thực đã được chấp nhận bởi ngôn ngữ quy ước của nhân loại; và vì thế đó không phải là lời nói dối. Trong bài kinh ‘Gánh Nặng’ (Bhāra Sutta) này, do không muốn bỏ quy ước, Đức Phật đã ám chỉ cái mang gánh nặng là một người.
Tóm lại, gánh nặng là năm uẩn, cái vốn chúng ta xem như “Tôi” hay “Của Tôi” và cái mang gánh nặng là người do năm uẩn tạo thành.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng năm uẩn không thể được quan niệm như một thực thể tách biệt với người. Điều này đã được giải thích rộng rãi trước đây.
Một số người có thể không đồng ý với lời tuyên bố xác nhận rằng năm uẩn vừa là gánh nặng và vừa là người mang gánh nặng. Trong trường hợp này, vui lòng xem gánh nặng như năm uẩn vốn mong muốn hạnh phúc và khỏe mạnh còn người mang gánh nặng là năm uẩn vốn thực sự đang dốc sức để hiện thực hóa hạnh phúc và sự khỏe mạnh đó.
Đến đây gánh nặng và người mang gánh nặng có thể đã được nhận ra, điều duy nhất còn lại cần phải suy xét là làm thế nào để vứt bỏ cái gánh nặng ấy. Ở phần sau chúng tôi sẽ bàn đến chủ đề này.