Phần 4 – Thực Hành Để Giác Ngộ

Thực hành để giác ngộ

Chánh tinh tấn

Chánh niệm

Chánh định

Makkha (vô ơn) và palāsa (tự phụ)

Tự phụ, ganh tỵ và bỏn xẻn

Xảo trá (māyā) và đạo đức giả (sātheyya)

Cứng đầu (thambha) và hợm hĩnh (sarambha)

Mạn (māna) và tăng thượng mạn (atimāna)

THỰC HÀNH ĐỂ GIÁC NGỘ 

Một số người tin rằng có thể đoạn trừ tham và sân nhờ như lý tác ý. Tất nhiên như lý tác ý đôi khi cũng hữu ích trong việc chế ngự tham sân nhưng chỉ có thực hành minh sát đạo (vipassanā magga) mới có thể giúp chúng ta bứng gốc hai phiền não chính này. Vì vậy, ngay cả bản thân đức Bồ-tát cũng phải quán năm thủ uẩn và hành thiền minh sát. Chính việc tiến triển của tuệ minh sát đã dẫn đến sự giải thoát khỏi mọi phiền não và chứng đắc A-la-hán thánh đạo và Phật Quả. Điều này được xác nhận trong Kinh Mahāpadāna của Trường Bộ, ở đây bài kinh nói rằng đức Bồ-tát, người mà về sau trở thành Đức Phật Tỳ-bà-thi (Vipassi Buddha), đã quán năm thủ uẩn ngay trước lúc rạng đông. 

Ở đây Thủ Uẩn (Upādānakkhandhā) có nghĩa là danh-sắc (nāma rūpa) hay hợp thể tâm-thân và chính sự không chánh niệm về tiến trình danh-sắc này làm phát sanh ảo tưởng về sự thường hằng, … và sự chấp thủ vào nó kể như hệ quả. Tiến trình danh-sắc đã được các vị Bồ-tát quán ngay trước khi đắc toàn giác và trở thành một vị Phật. 

Vì thế chúng ta nên ghi nhớ trong tâm rằng mỗi vị Bồ-tát đều thực hành minh sát đạo để đắc bốn đạo, bốn quả và trở thành một vị Phật (Buddha). Điều này cũng là vậy đối với các vị đệ tử của Đức Phật. Nghĩa là các vị đạt đến nhập lưu đạo, nhất lai đạo, bất lai đạo và A-la-hán thánh đạo chỉ sau khi đã quán năm thủ uẩn và phát triển các tuệ minh sát. 

Tại trung tâm thiền này người hành thiền hay biết được bản chất của danh-sắc trong lúc ghi nhận những chuyển động của thân, các trạng thái tâm cũng như các cảm thọ, …. hợp theo Kinh Đại Niệm Xứ. Với sự phát triển của định họ có được tuệ minh sát thực sự. Những tuệ giác này bao hàm sự tu tập chánh kiến và các minh sát đạo khác, do đó chúng loại trừ sự sanh khởi của tham sân và các phiền não khác. 

Vì vậy những người hành chánh niệm đối với những gì họ đang làm hay nói hay cảm thọ hay suy nghĩ là những người đệ tử đích thực của Đức Phật. Họ có thể là vị sư hay người thế tục cư sĩ nhưng họ xứng đáng được ngợi khen bất kể giới tính hay tuổi tác của họ là gì. Vì họ là những người thừa tự Pháp đúng với lời khuyên của Đức Phật. Bát Chánh Đạo tạo thành đối tượng của pháp hành minh sát có thể được chia thành ba nhóm, đó là, tuệ đạo (paññā magga) gồm chánh kiến và chánh tư duy, giới đạo (sīla magga) gồm chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng, và định đạo (samādhi magga) gồm chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. 

CHÁNH TINH TẤN 

Chánh tinh tấn (sammappadhāna) có bốn loại: (1) Tinh tấn ngăn những bất thiện pháp chưa sanh, (2) tinh tấn đoạn trừ những trạng thái tâm bất thiện đã sanh bằng các tuệ minh sát và tuệ đạo, (3) tinh tấn tu tấp những trạng thái tâm thiện, nhất là các trạng thái tâm minh sát và tâm đạo và (4) tinh tấn duy trì và phát triển những trạng thái tâm thiện đã sanh cho đến khi chứng đắc A-la-hán thánh quả. Người ta chỉ có thể vận dụng bốn loại tinh tấn này qua việc thực hành thiền minh sát. 

CHÁNH NIỆM 

Chánh niệm (sammāsati) được Đức Phật giải thích dưới dạng Niệm Xứ (satipaṭṭhāna), đó là, niệm thân (kāyānupassanā), niệm thọ (vedanānupassanā), niệm tâm (cittānupassanā) và niệm các pháp (dhammānupassanā), như dục tham, sắc, sắc trần, v.v…, Như thế người hành thiền chỉ có thể trau dồi được chánh niệm khi vị ấy hành thiền tứ niệm xứ mà thôi. 

CHÁNH ĐỊNH 

Chánh Định Đạo (sammā-samādhi magga) được Đức Phật mô tả như bốn bậc thiền. Vì vậy nó bao gồm bốn pādakajjhāna, tức bậc thiền dùng làm căn bản cho việc thực hành minh sát, trong đó sát na định minh sát (vipassanā khaṇika samādhi) được xem là đồng nghĩa với sơ thiền về phương diện đặc tính và sự giải thoát tạm thời khỏi các triền cái của nó và bốn định đạo (magga samādhi). 

Việc thực hành Chỉ Quán (samatha vipassanā) là cần thiết đối với ba định đạo (samādhi maggas). Không có nó, nói về Bát Chánh Đạo sẽ ít có ý nghĩa. Bát Chánh Đạo chỉ được tìm thấy trong giáo pháp của Đức Phật, không tôn giáo hay hệ thống tư tưởng nào tách rời khỏi con đường bát chánh này có thể nêu ra bốn Thánh Đế bảo đảm diệt tận mọi phiền não. Như vậy, những ai không biết con đường này không thể có đạo quả nhập lưu, nhất lai, bất lai hay A-la-hán được. Đây là những gì Đức Phật nói với du sĩ ngoại đạo Subhadda vào cái đêm trước khi ngài Bát-niết-bàn (Parinibbāna). 

“Yasmim kho Subhadda dhammavinaye ariyo aṭṭhaṇgiko maggo na upalabbhati dutiyopi tattha samaṇo na upalabbhati tatiyopi tattha samaṇo ni upalabbhati catutthopi tattha samaṇo na upalabbhati” (Kinh Đại Bát-niết-bàn – MahāParinibbāna Sutta, Dīgha Nikāya) 

Những lời này thể hiện lời dạy cuối cùng của Đức Phật chúng ta nên ghi nhớ trong tâm và hiểu đúng như sau: 

“Có những bài kinh: Dhammacakkapavattana Sutta (Kinh Chuyển Pháp Luân), Anattalakkhana Sutta (Kinh Vô Ngã Tướng), Mahāsatipaṭṭhāna (Đại Niệm xứ Kinh) và những bài kinh khác chứa đựng những lời dạy của ta về Pháp. Cũng có những giới luật như Pārajika (Bất Cộng Trụ), Saṇghadisesa (Tăng Tàn), Pācittiya (Ba-dật-đề hay Ưng Đối trị). Những kinh và luật này tạo thành lời dạy của ta. Chỉ những ai sống theo những lời dạy này mới tận tâm với Bát Chánh Đạo và chỉ những ai nhiệt tâm thực hành Bát Chánh Đạo mới có thể đạt đến các giai đoạn nhập lưu, nhất lai, bất lai và A-la-hán thánh quả vốn bảo đảm sự diệt tận của mọi phiền não. Những Bậc Thánh ấy chỉ được tìm thấy trong số các đệ tử của ta. Các tôn giáo và bộ phái khác không có các bậc thánh giải thoát viên mãn như vậy trong số các đệ tử của họ.” 

Vì thế, dù bạn tự gọi mình là một Phật tử, bạn vẫn không thể đạt đến các giai đoạn trên thánh đạo nếu bạn không quán tiến trình danh-sắc và thực hành Bát Chánh Đạo đúng theo lời dạy của Đức Phật. Không thực hành như vậy bạn sẽ không thể trở thành thậm chí một bậc thánh nhập lưu, người chắc chắn đã giải thoát khỏi bốn cõi khổ. 

Trong kinh Thừa Tự Pháp Trưởng Lão Xá-lợi-phất đã giải thích rõ mười sáu hay tám cặp phiền não. Ở trên tôi đã nói về cặp thứ nhất, đó là tham và sân. Cặp thứ hai là kodha (phẫn nộ) và upanāha (hiềm hận). Hai pháp này cũng ngấm ngầm trong Sân. Theo các bản chú giải, việc theo đuổi các tài sản vật chất (tài vật) dẫn đến tham. Nếu tham không đạt được mục đích của nó, sân hận phát sanh và nếu nó được thỏa mãn, tham với vật khác sẽ sanh. Sự không thỏa mãn của tham khiến chúng ta buồn khổ. Sân tạo ra thù hận đối với người không cho chúng ta thứ gì đó hay đối với người chúng ta không thích. Nó truyền lực tham vào chín tâm bất thiện có gốc ở tham. Chín tâm bất thiện đó là: (1) do tham mà theo đuổi (2) được vật nó theo đuổi (3) quyết định cách sử dụng nó (4) thích thú trong quyết định ấy (5) dính mắc thái quá vào nó (6) chấp thủ vào đối tượng (7) bỏn xẻn (8) canh giữ đối tượng (9) tranh cãi, xung đột vũ trang, nói xấu và lường gạt phát sanh do cần phải canh giữ tài sản của mình. 

Lại nữa, Kodha là phẫn nộ và độc ác trong khi Upanāha có nghĩa là hiểm độc. Trạng thái tâm bất thiện này bắt đầu với phẫn nộ rồi sau đó dẫn đến ác tâm. Nếu một người không đạt được tài vật mà mình tìm kiếm, họ sẽ trút nỗi giận của mình lên bất cứ người nào đạt được nó (kodha) và nếu sự tức giận này được khơi lại nó trở thành hiểm độc (Upanāha). Thật không dễ hiểu những sự khác biệt này theo giải thích trong chú giải. 

Nói chung, chỉ cần nói rằng tất cả các loại khao khát và thích thú đều có thể được xem như Lobha (Tham) và tất cả các loại tức bực, thất vọng, ác ý đều là Dosa (Sân). Đặc biệt ở đây Kodha có nghĩa là sự tức giận trong khi Upanāha là một từ Pāḷi tiêu biểu cho sự hiểm độc. Cả hai Kodha và Upanāha đều là những hình thức đặc biệt của Sân và cả hai đều có nghĩa là phẫn nộ và hiềm hận phát sanh từ việc theo đuổi các tài sản vật chất hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác. 

Tất nhiên phẫn nộ và hiềm hận là những pháp thấp hèn và hạ liệt. Chúng ta phẫn nộ khi đương đầu với một đối tượng giác quan hay cảnh trần không đáng ưa nào đó. Phẫn nộ giống như con rắn hổ phùng mang và rít lên khi bị khiêu khích vậy. Ngay cả những người có cách cư xử tử tế và nhã nhặn đôi khi cũng nhạy cảm đến độ bộc lộ ra những cảm xúc của họ khi nghe những lời nói công kích. Một sự bột phát của tính khí như vậy có thể trở thành nguyên nhân cho sự hổ thẹn và hối tiếc về sau. Nó cũng có thể phải trả giá bằng việc mất đi tình bạn của một người nào đó và làm tổn thương thanh danh của họ. 

Một số người còn có thể nuôi dưỡng ác cảm đối với người đã xúc phạm họ. Chúng ta có thể oán giận một người chỉ bởi vì chúng ta nghĩ rằng (1) hắn đã gây nguy hiểm cho những lợi ích của ta trong quá khứ, hay (2) nó đang gây nguy hiểm cho lợi ích của ta trong hiện tại hoặc (3) nó sẽ gây nguy hiểm cho những lợi ích của ta trong tương lai. Đối với thân quyến hay với một người chúng ta yêu thương chúng ta cũng có thể chấp giữ một niềm tin tương tự như vậy. Lại nữa chúng ta có thể tin rằng người này đã làm điều có lợi cho kẻ thù của chúng ta trong quá khứ, hay đang làm điều lợi ích cho kẻ thù của chúng ta trong hiện tại, hay họ sẽ làm điều lợi ích cho kẻ thù của chúng ta trong tương lai. Vì thế cả thảy có chín lý do cho sự thù hận của chúng ta. 

Lại nữa, có số người bộc lộ sự khó chịu của họ mà không có bất kỳ lí do gì để biện minh cho việc ấy. Có thể họ sẽ bực mình với ông trời, với gió, mưa, hay những vật vô tình nào khác do một sự thất vọng hay rủi ro nào đó đang xảy ra cho họ. Như vậy, có khi một gốc cây ngáng đường làm họ vấp ngã họ sẽ nguyền rủa cái gốc cây vô tri ấy và thậm chí có người còn bộc lộ sự hận thù bằng cách đá hay đánh đập vào cái gốc cây ấy nữa. Đây là một tướng xấu của sự cáu kỉnh thô, một tướng tiêu biểu của đa số những người nóng tính và được Pāḷi đặt tên là aṭṭhanakopa (phi xứ phẫn nộ), tức sự phẫn nộ không đúng chỗ hay phi lý. Nó là một pháp thấp hèn, hạ tiện và làm giảm thanh danh của một người. 

Cách để diệt tận gốc phẫn nộ và hiềm hận này là con đường trung đạo hay bát chánh đạo. Có một số điều chúng ta có thể làm để vượt qua hai pháp thấp hèn này. Nếu, vì một lý do nào đó, chúng ta trở nên phẫn nộ, chúng ta không nên để cho phẫn nộ này tìm lối thoát ra bằng lời nói hay hành động. Chúng ta cũng nên suy xét đến những tai họa của phẫn nộ. Nếu suy xét như vậy mà không loại trừ được phẫn nộ, chúng ta nên nhớ rằng người đang làm hay nói điều gì đó công kích chúng ta chỉ là danh-sắc (nāma-rūpa) vốn cũng đã diệt cùng với danh sắc tạm thời của chúng ta vào lúc tâm sân sanh khởi nơi chúng ta. Hơn nữa, chính anh ta là người sẽ phải chịu khổ đau cho hành động và lời nói bất thiện của anh ta. Nếu chúng ta phạm tội, chúng ta cũng sẽ phải chịu khổ giống như anh ta vậy. 

Một cách tốt hơn nữa để vượt qua phẫn nộ là ghi nhận nó. Pháp hành này là cách của Bát chánh đạo. Tuy nhiên cách tốt nhất vẫn là chỉ là ghi nhận “nghe, nghe” khi chúng ta nghe một lời công kích, nhờ vậy loại trừ được sự sanh khởi của phẫn nộ. Vì thế người hành thiền nên cố gắng luôn giữ chánh niệm về mọi hiện tượng tâm – vật lý vào lúc thấy, nghe, v.v… để ngăn chặn sự sanh khởi của phiền não từ những ấn tượng của giác quan. Nếu một sự thực hành như vậy vẫn không hiệu quả, chúng ta sẽ phải loại trừ phẫn nộ bằng cách suy xét hay chánh niệm về cảm xúc. 

Nếu phẫn nộ quá mãnh liệt đến độ thể hiện rõ ràng trên nét mặt hay qua sự phản ứng bằng lời nói, chúng ta nên kìm hãm nó lại bằng cách suy xét hay quán các hiện tượng danh – sắc (nāma-rūpa) ngay tại khoảnh khắc ấy. Không bóp chết nó ngay từ trong trứng nước phiền não này thường sẽ dẫn đến những cách cư xử thiếu văn hóa, như hăm dọa, xỉ vả và những bột phát về cảm xúc khác đáng hổ thẹn đối với chúng ta và làm tổn thương tình bạn đối với người khác. Phẫn nộ luôn luôn làm khổ sở những người thân thiết với chúng ta và thường thì chính những người bạn thân hay quyến thuộc của chúng ta mới giúp chúng ta vượt qua cơn khủng hoảng này. Vì thế nếu có ai làm hay nói điều gì đó công kích chúng ta, chúng ta nên tập kham nhẫn chịu đựng vì những gì tốt đẹp người ấy đã làm cho chúng ta trong quá khứ. Chúng ta nên ghi nhận những lời nói khó nghe ấy và thực hành sự tự chế. Có lần một thiền sinh kia nói với tôi rằng anh đã giữ được sự mát mẻ và bình tĩnh nhờ chánh niệm khi bị người cha vợ chỉ trích. Điều này hợp với lời dạy của Đức Phật: “sute suta mattaṁ bhavissati — Khi nghe, hãy gắn tâm trên chỉ cái nghe.” 

MAKKHA (VÔ ƠN) VÀ PALĀSA (TỰ PHỤ) 

Cặp ác tâm thứ ba là makkha và palāsa. Makkha (vô ơn) là không tỏ lòng biết ơn đối với người đã giúp đỡ mình. Không có gì phải hoài nghi về sự hàm ơn sâu xa mà chúng ta mắc nợ các đấng sinh thành của chúng ta cả. Tuy thế một số người trẻ ngày nay chẳng những đã không sẵn lòng nói lên sự biết ơn của họ mà còn cho rằng phận sự của cha mẹ là phải chăm lo cho con cái hay sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ đối với họ là nhờ những thiện nghiệp của họ trong quá khứ. Một số thì phủ nhận sự hàm ơn của họ với các thầy cô giáo hay các bậc lớn tuổi đã giúp cho sự tiến bộ về mặt tri thức của họ và cho rằng họ được thành công là nhờ nỗ lực tự thân của họ. Thực sự, chúng ta nên biết ơn một người cho dù sự đóng góp mà họ đã làm vì sự an vui và hạnh phúc của chúng ta có nhỏ nhoi đến thế nào chăng nữa và tùy theo khả năng của mình hãy làm một điều gì đó để đền đáp lại sự phục vụ của họ. Theo Đức Phật, cho dù có tận tụy phục vụ cha mẹ suốt cả đời với hết cả tấm lòng của chúng ta thì cũng sẽ không đủ để xóa bỏ được món nợ sanh thành dưỡng dục mà chúng ta nợ cha mẹ. Tuy nhiên, kinh nói rằng nếu cha mẹ không may là người không có đức tin hay không phải là người theo Phật, chúng ta có thể trả món nợ ấy bằng cách làm một điều gì đó, như hướng dẫn cha mẹ quy y Tam Bảo, giữ ngũ giới, thực hành bố thí, … vì sự an vui và hạnh phúc tinh thần của họ được. Bởi thế các bậc đạo sư cổ xưa đã mô tả sự hàm ơn cha mẹ là vô lượng, vô biên vậy. 

Những người quá bận tâm tới việc theo đuổi hạnh phúc vật chất thường không lưu tâm đến sự biết ơn đối với các vị thầy của mình. Thời Đức Phật vị tỳ-kheo Kokālika đã cố gắng để thủ đắc các tài sản vật chất bằng cách lợi dụng sự giao tiếp của mình với hai vị thượng thủ thanh văn là Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Về sau, do ông không đạt được mục đích ông mong đợi, ông đã quay qua vu khống hai vị ân nhân của mình một cách lố bịch. Ông ta làm thinh như không nghe thấy những lời khuyến giáo của Đức Phật và vì thế đã phải trả giá xứng đáng cho những ác nghiệp của ông ta. Theo Tương Ưng Bộ kinh (Samyutta Nikāya), Kokālika đã chết do một căn bệnh khủng khiếp và bị đọa xuống địa ngục A-tỳ (Avīci). Hành động giết cha để soán ngôi của thái tử A-xà-thế cũng là một trường hợp của sự vô ơn trắng trợn (makkha). Ngày nay có những người, do lòng tham ác của mình, sẽ không do dự để làm điều xấu với các bậc thầy tổ hay ân nhân của họ. 

Chúng ta nên nhận biết được lòng biết ơn của chúng ta đối với tha nhân và cố gắng đáp trả lại các bậc ân nhân của chúng ta bằng mọi cách có thể được. Thời Đức Phật, bà-la-môn già Radha muốn gia nhập Tăng Đoàn nhưng không không có vị sư nào nhận trách nhiệm thọ giới cho ông ta. Sau đó theo chỉ dẫn của Đức Phật Trưởng Lão Xá-lợi-phất đã xuất gia cho vị bà-la-môn này như sự trả ơn cho muỗng cháo mà có lần ông đã cúng dường cho ngài. Ý thức về lòng biết ơn của Trưởng Lão Xá-lợi-phất rất đáng tán dương và đáng để làm gương. Cho dù chúng ta không thể báo đáp được hành động tốt của người khác chúng ta cũng đừng làm điều xấu đối với họ, nói khác hơn chúng ta đừng bao giờ lấy oán trả ân. Nếu chúng ta có bị lôi cuốn vào thói vô ơn này chúng ta cũng nên loại trừ cảm giác bất thiện ấy ngay lập tức bằng cách suy quán hay thực hành chánh niệm. 

TỰ PHỤ, GANH TỴ VÀ BỎN XẺN 

Một ác tâm khác là tự phụ (palāsa), mong muốn xem mình ngang tầm với những người bình thường, hay siêu việt hơn về trí tuệ. Một số người đưa ra những tuyên bố quá đáng về giới hạnh, sự uyên thâm giáo pháp hay sự chứng đắc này nọ của mình và tự xếp mình ngang hàng hoặc thậm chí cao hơn những người thực sự có những thuộc tính ấy. Tất nhiên, không khó để họ tìm được những người theo mình trong số những người nhẹ dạ, cả tin. Ở Ấn-Độ cổ xưa có những vị đạo sư lừa đảo tự khoe mình đã đạt đến sự giác ngộ và trí tuệ của một vị Phật và họ không khó để đạt được lòng tin của những kẻ ngu dốt. Tính khoe khoang tự phụ này là một ác tâm dứt khoát, chúng ta nên cố gắng để đánh bại nó bằng việc thực hành trung đạo hay bát chánh đạo. 

Cặp ác tâm kế tiếp ngài Xá-lợi-phất vạch mặt là ganh tỵ (issā) và bỏn xẻn (macchariya). Khuynh hướng chung của con người là hay ganh tỵ với người khác về sự giàu sang, diện mạo, giáo dục, chức quyền, tài lãnh đạo hay những thuộc tính đáng khen ngợi khác. Chúng ta ôm lòng bỏn xẻn khi chúng ta không muốn thấy ai đó có cái giống như cái chúng ta có hoặc khi chúng ta không muốn những người khác có cái chúng ta thích. 

Có năm loại bỏn xẻn (1) Bỏn xẻn về chỗ ở (Āvāsavamacchariya). Điều này đặc biệt liên quan đến các vị sư. Chính sự bỏn xẻn về chỗ ở này khiến các vị sư muốn độc quyền một ngôi chùa và từ chối quyền cư trú trong ngôi chùa ấy của các vị sư hiền thiện khác. Tuy nhiên sẽ không phải là bỏn xẻn chỗ ở nếu chúng ta từ chối nhận các vị sư ác tánh hay những vị sư hay gây gỗ. Đối với những khu nhà có ý định dành cho các hành giả tại thiền viện cũng nên hiểu như vậy. (2) Bỏn xẻn về quyến thuộc hay đệ tử (Kulamacchariya). Chính bỏn xẻn thân quyến này đòi hỏi sự quan tâm riêng đến những đệ tử của mình và phật ý khi thấy họ liên hệ với các vị sư khác. Về phần người tại gia cư sĩ thì loại bỏn xẻn này được thể hiện ở thái độ không muốn chia xẻ với ai những bạn bè hay quyến thuộc của mình. Tuy nhiên sẽ không bị buộc tội là bỏn xẻn nếu một người muốn bạn bè hay người thân của mình không quan hệ với những kẻ ngu si hay những người vô đạo đức. (3) Bỏn xẻn về lợi lộc (Lābhamacchariya) là muốn sở hữu những tài vật cho riêng mình không chia xẻ với người khác. Tuy nhiên sẽ không phải là bỏn xẻn về lợi lộc nếu bạn từ chối cho đến các vị sư ác giới hay từ chối cho một vật mà bạn không thể có đủ khả năng để bỏ nó như trong trường hợp của tỳ-kheo ni Uppalavaṇṇa, người đã từ chối lời yêu cầu của Udayi xin chiếc y nội của cô. (4) Bỏn xẻn về dung sắc (Vaṇṇamacchariya), nghĩa là muốn thấy những người khác không có những phẩm chất đáng được ngưỡng mộ như sắc đẹp mà mình có. (5) Bỏn xẻn về pháp (Dhamma macchariya) là không sẵn lòng chia xẻ sự hiểu biết của mình về Pháp với người khác. 

Cả năm loại bỏn xẻn này đều dẫn đến các cõi khổ và thọ lãnh những quả nghiệp xấu sau khi chết. Ganh tỵ và bỏn xẻn đã không đáp ứng được mục đích hữu ích mà ngược lại chúng còn làm cho người ta đau khổ trong đời này và đời sau. Trong Kinh Đế Thích Sở Vấn (Sakapañhā Sutta) của Trường Bộ, vua trời Đế Thích có hỏi Đức Phật tại sao con người không thể thoát khỏi những sự hiểm nguy và đau khổ mặc dù họ ao ước được sống hạnh phúc, bình yên và an ổn. Đức Phật nói rằng hoàn cảnh bất hạnh của các chúng sanh là do hai phiền não ghanh tỵ và bỏn xẻn này mà ra. 

 Không có gì phải hoài nghi về sự thực trong lời tuyên bố của Đức Phật. Do hai ác tâm này mà con người đấu tranh, loạn tranh lẫn nhau và họ tự làm cho mình bất hạnh và đau khổ. Trong hai ác pháp này bỏn xẻn (macchariya) được thấy rất rõ trong cách hành xử của các con chó. Khi một miếng thịt được quăng cho hai con chó đang vui đùa, chúng sẽ cắn xé lẫn nhau, do bị chiếm lĩnh bởi sự bỏn xẻn muốn sở hữu độc quyền miếng ăn. Không cần phải giải thích tỉ mỉ ở đây vì hai ác pháp này đã được chúng tôi mô tả khá chi tiết trong hai cuốn: Giảng Giải Kinh Đế Thích Sở Vấn và Kinh Đoạn Giảm rồi. (Xem Lại Bản Dịch Kinh Đoạn Giảm). 

Mặc dù vậy chúng tôi cũng muốn nêu ra đây những hậu quả tai hại mà hai ác pháp này có thể gây ra trên Phật Giáo Miến Điện. Những vị tỳ-kheo chỉ thích sở hữu tài sản vật chất không muốn chia xẻ phạm vi ảnh hưởng của họ với những người vượt trội hơn họ ở một phương diện nào đó. Như trường hợp một ngôi chùa ở đây không có trụ trì, việc nói những người cư sĩ bổ nhiệm một vị sư có học, nghiêm trì giới luật và hành thiền minh sát hoàn toàn tùy thuộc vào họ. Nhưng thực tế là hầu hết trong họ đều không muốn một người như vậy sống chung vì họ khư khư muốn giữ lấy những đệ tử của mình và đố kỵ với những người giỏi hơn họ về phương diện pháp học cũng như pháp hành. Nếu chúng ta có lòng tôn kính giáo pháp của Đức Phật, bổn phận của chúng ta là phải chào đón và ủng hộ toàn tâm toàn ý đối với những ai có thể đóng góp vào việc nâng cao tinh thần của con người một cách hiệu quả. 

Theo chú giải Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya), những ai thực hành chánh niệm một cách tín thành và kiên định sẽ đạt đến đạo quả nhập lưu khi tuệ minh sát của họ phát triển tốt. Đạo quả nhập lưu bảo đảm cho sự diệt hoàn toàn của sáu phiền não bao gồm ganh tỵ và bỏn xẻn. Sự chứng đắc này có nghĩa là sự giải thoát hoàn toàn khỏi những nguy hiểm của bốn cõi khổ, và cũng bảo đảm sự chứng đắc cuối cùng của đạo quả A-la-hán và Niết-Bàn sau khi tái sanh tối đa bảy kiếp trong nhân giới và thiên giới. Vì thế chúng tôi thường thúc giục những đệ tử của mình hãy là kẻ thừa tự pháp bằng cách cố gắng để chứng đắc ít nhất đạo quả nhập lưu. 

XẢO TRÁ (MĀYĀ) VÀ ĐẠO ĐỨC GIẢ (SĀTHEYYA) 

Cặp phiền não kế tiếp chúng ta phải bàn đến là Xảo Trá (Māyā) và Đạo Đức Giả (Sātheyya). Māyā có nghĩa là mánh khóe chúng ta sử dụng để che dấu những lầm lỗi và làm ra vẻ ta đây là người vô tội. Sātheyya có nghĩa là đạo đức giả hay khoe khoang những phẩm chất mà mình không thực sự có. Có những dạng đạo đức giả trong tôn giáo, họ làm ra vẻ ta đây là người đa văn, học rộng hay làm như ta đây cống hiến cả đời cho việc thực hành khổ hạnh hay ta có những năng lực thần thông hay ta đã đạt đến những tuệ giác cao trong thiền minh sát. Họ dùng đến những mưu mẹo và thủ đoạn để làm cho những kẻ ngu mê ấn tượng. Có lần một vị sư nọ đang thuyết pháp bỗng nói “Nầy! cái cô ở đằng kia! Hãy coi chừng nhá! Chớ có để cho tâm lang thang như thế!” Tất nhiên hầu hết những người đang nghe pháp đều không có sự tập trung nhưng mọi người nữ trong pháp đường đều nghĩ rằng vị sư đang nói tới mình và lời cảnh tỉnh này có tác dụng làm tăng thêm đức tin của họ nơi vị ấy vì nó cho họ ấn tượng rằng vị ấy biết được tâm của họ bằng năng lực thần thông. 

Cách để vượt qua hai ác pháp xảo trá và đạo đức giả này là thực hành Bát Chánh Đạo. Những người không thực hành chánh niệm có thể sẽ che dấu những khuyết điểm của mình và trở nên kiêu căng tự phụ. Hai nhược điểm về nhân cách này đặc biệt được tìm thấy giữa những người có tâm xảo trá như tàn tích từ những thói quen trong các kiếp quá khứ của họ. Dẫu sao, đối với người hành thiền đã quyết tâm hướng đến giải thoát Niết-bàn thì việc loại trừ chúng vẫn là điều cần thiết. Thực vậy, không có tâm xảo trá và đạo đức giả là điều kiện thiết yếu mà Đức Phật đòi hỏi những người đệ tử của mình phải có khi ngài tuyên bố như sau: 

Etu viññu puriso asatho amayavi ujujātiko ahamanusasami ahaṃ dhammaṃ desemi

Những ai không lừa đảo và tự phu, những ai có trí và chân thật hãy đến với ta. Ta sẽ dạy dỗ người ấy. Nếu người ấy nghe theo những lời chỉ dạy của ta, người ấy chắc chắn sẽ đắc A-la-hán Thánh Quả, mục đích của đời phạm hạnh, trong thời gian ít nhất là bảy ngày và nhiều nhất là bảy năm. 

Vị thiền sư có thể hướng dẫn người hành thiền một cách hiệu quả chỉ khi họ không có tâm dối trá và kiêu căng tự phụ. Vị thầy không thể làm gì được cho sự tiến bộ tâm linh của thiền sinh bao lâu họ còn dối trá và che dấu những lỗi lầm của mình như ưa thích nói chuyện và ngủ nghỉ thay vì chuyên cần thực hành. Chắc chắn vị thầy không thể nào hướng dẫn một cách thích hợp cho một người hành thiền như vậy được cũng như vị bác sĩ không thể chữa lành bịnh cho một bệnh nhân cứ khăng khăng là mình không bịnh. Và vị thầy cũng không thể giúp gì được cho người hành thiền lúc nào cũng làm ra vẻ ta đang hành tốt và đã đắc được các tuệ minh sát. Một người hành thiền giả dối như vậy sẽ không đạt được những tiến bộ tâm linh cũng giống như một bịnh nhân lúc nào cũng làm ra vẻ như ta đã bình phục rồi vậy. 

Vì thế người hành thiền nên theo dõi tiến trình tâm của mình với chánh niệm và cẩn thận đề phòng tâm xảo trá và đạo đức giả này. Khi định phát triển và chứng đắc tuệ sanh diệt (udayabbhaya) tâm sẽ thoát khỏi hai ác pháp ấy. Có lần một người phụ nữ nọ, trong mối quan hệ với chồng, bị áp bức và đối xử tệ bạc đã thực hành chánh niệm và cảm thấy hối hận. Cô thú nhận những khuyết điểm của mình và thề sẽ từ bỏ chúng. Như vậy thực hành chánh niệm và bát chánh đạo được xem là rất hữu ích trong nỗ lực vượt qua những phiền não gây ra khổ đau, làm xói mòn đạo đức và kéo dài vòng luân hồi của chúng ta. 

CỨNG ĐẦU (THAMBHA) VÀ HỢM HĨNH (SARAMBHA) 

Cặp ác tâm kế tiếp mà chúng ta phải chiếu cố đến là Cứng Đầu và Hợm Hĩnh. Thambha có nghĩa là cứng đầu hay không có lòng kính trọng đối với những người và vật đáng kính trọng. Một số người có thái độ miễn cưỡng khi tỏ lòng tôn kính đối với các hình tượng Phật, điện thờ, những người lớn tuổi, …. hoặc bằng cử chỉ hoặc bằng lời nói. Ác pháp khác là Hợm Hĩnh (sarambha). Hợm hĩnh là mong muốn làm một việc không thích hợp nào đó chỉ để chứng tỏ mình nổi trội hơn người khác. Điều này được thấy rõ trong trường hợp một người sử dụng đồng tiền của mình một cách rất ngông cuồng chỉ để nổi trội hơn người khác về phương diện bố thí. Tuy nhiên sẽ không phải là hợm hĩnh nếu những động cơ khiến một người bố thí, giữ giới hay hành thiền là trong sạch, thành thực và không ích kỷ cho dù những việc làm tương tự của người khác không sánh bằng họ. Vì những đặc tính của Sarambha hay hợm hĩnh là tự phụ, không thành thực và ích kỷ và như vậy nó không thể bị lầm lẫn với ước muốn cố gắng hết mình để sống đời phạm hạnh. 

Hai ác pháp Cứng Đầu và Hợm Hĩnh này thường không xuất hiện đối với vị hành giả tu tập minh sát một cách thành thực và chuyên cần. Tuy nhiên chúng chỉ thực sự diệt ở giai đoạn A-la-hán và vì thế người hành thiền cũng nên thường xuyên đề phòng chúng. 

MẠN (MĀNA) VÀ TĂNG THƯỢNG MẠN (ATIMĀNA) 

Cặp phiền não kế tiếp đáng được chú ý là Mạn và Tăng Thượng Mạn. Māna (mạn) là sự tự kiêu hay tự cao tự đại mà nguồn gốc của nó có thể là về gia tộc, sự giàu sang, nhan sắc, trí thông minh hay kẻ hầu người hạ. Mạn có ba loại, đó là: (1) Seyyamāna (ngã thắng mạn, hay ta hơn người) là ý thức về sự ưu việt hơn người khác về gia tộc, địa vị xã hội,… của mình. Sự ý thức này có thể đúng hoặc sai. Ý thức sai được trừ diệt ở giai đoạn nhập lưu và ý thức đúng ở giai đoạn A-la-hán trên thánh đạo. (2) Sadisamāna (ngã đẳng mạn, hay ta bằng người), là ý thức về sự bình đẳng với người khác. Ý thức này cũng có thể đúng hoặc sai và ý thức sai được trừ diệt ở giai đoạn nhập lưu còn ý thức đúng chỉ được trừ diệt ở giai đoạn A-la-hán. (3) Hīnamāna (ngã liệt mạn, hay ta kém người) là ý thức về sự thua kém người khác trên phương diện nào đó. Đây là một cảm giác được hình thành không phải trên căn bản của sự khiêm tốn hay kính trọng người khác mà do tính tự phụ và tự kiêu. Mỉa mai thay nó lại làm cho một người tỏ ra ngang ngạnh và khinh bỉ những gì mà người thuộc tầng lớp cao hơn có thể nghĩ về họ vì lẽ người ta xem họ hoàn toàn xa lạ đối với người ta vậy. Anh ta tự phụ bởi vì anh ta nghĩ rằng với kiểu sống không bị cấm đoán của mình anh ta được hưởng nhiều tự do hơn những người ưu việt hơn anh ta về những phương diện nào đó. Và ở đây cũng vậy một người có thể vượt qua được ý thức sai về sự hạ liệt ở giai đoạn nhập lưu và ý thức đúng ở giai đoạn A-la-hán trên thánh đạo. 

Loại Mạn khác là Tăng Thượng Mạn (atimāna) vốn có nghĩa là tự phụ thái quá. Mới đầu có thể một người chỉ tự xem mình ngang bằng với người khác nhưng sau đó niềm tin này có thể phát triển thành tăng thượng mạn đưa anh ta tới chỗ có một quan niệm quá cường điệu về bản thân mình. Tự phụ thái quá luôn là nét-cá tính của các quan chức chính phủ, các bậc thầy tôn giáo, các nhà lãnh đạo và những người tự phụ về quyền uy của mình, về những phẩm chất đặc biệt của mình, về sự thiện xảo, về khả năng hay sự thành tựu của mình trong một số lãnh vực nào đó. Tất nhiên sự tự phụ thái quá này khiến cho họ kiêu căng, ngạo mạn trong các mỗi quan hệ giữa các cá nhân. Họ thường để lộ sự tự phụ quá mức này trong các cuộc nói chuyện và trong các tác phẩm của họ. 

Loại tự phụ hay ngã mạn này thậm chí cũng gây bối rối cho một số người hành thiền khi họ đạt được những mức độ tâm linh nào đó như đắc được tuệ sanh diệt (udayabbaya ñāṇa) chẳng hạn. Lúc đó họ có thể nghĩ là mình đang đạt được những tiến bộ tâm linh cao hơn thầy của mình. Vì thế chúng ta nên thực hành minh sát để khắc phục thói ngã mạn sai lầm này ở giai đoạn nhập lưu và nên cố gắng đạt đến đạo quả A-la-hán để loại trừ tính tự phụ mà chúng ta có thể tìm được sự biện minh nhờ những phẩm chất đặc biệt nào đó chúng ta thực sự có. 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app