Phần 2
– CHƯƠNG II: Gánh nặng thật sự: Năm uẩn
– I. Gánh nặng năm uẩn là rất lớn
– II. Uẩn và năm thủ uẩn
– II.1 Tứ thủ
– 1. Dục Thủ (kāmupādāna)
– 2. Kiến Thủ (diṭṭhupādāna)
– 3. Giới Cấm Thủ (sīlabbatupādāna)
– 4. Ngã Luận Thủ (attavadupādāna)
– II.2 Chấp thủ phát sanh như thế nào
– II.3 Ngã luận thủ
– CHƯƠNG III: Loại trừ Atta
CHƯƠNG II
GÁNH NẶNG THỰC SỰ: NĂM UẨN
Khi các vị đệ tử đã ổn định sự chú tâm, Đức Phật mở đầu bài kinh với lời giới thiệu sau:
Thế nào, này các Tỳ-kheo, là gánh nặng? Năm thủ uẩn (upādānakkhandha) chính là gánh nặng. (Katamo ca Bhikkhave bhāro? Pañcupādānakkhandhā tissa vaccaniyaṁ).
Trong cuộc sống hàng ngày có lẽ chúng ta đã từng gặp những công nhân bốc vác tại các bến cảng hay những phu khuân vác ở những trạm xe lửa, mang vác những vật nặng từ nơi này đến nơi khác. Một số vật nặng đến nỗi người ta phải dùng đến cần cẩu. Một hình ảnh khá quen thuộc ở Miến Điện là hình ảnh một người công nhân vác những bao gạo. Người khỏe mạnh có thể vác nó hoặc thậm chí giữ nó trên vai được một thời gian dài, nhưng thực sự thời gian dài ở đây chỉ tính bằng phút. Anh ta không thể mang nó cả giờ, đừng nói gì tới cả ngày. Nếu anh ta cố giữ nó trên vai, có thể anh ta sẽ bị nó đè chết. Nhưng thật nhẹ nhõm biết bao khi anh ta quăng nó xuống! Bây giờ anh ta cảm thấy sung sướng rằng cuối cùng thì công việc đã xong.
Tuy nhiên đấy chỉ là gánh nặng bình thường mà một người có thể mang. Còn về gánh nặng năm uẩn mà chúng ta gọi là thân này thì sao? Khi chúng ta dính mắc vào năm uẩn, năm uẩn này đã bị chấp thủ vì thế nó trở thành năm thủ uẩn (upādānakkhandhas). Đây là một gánh nặng lớn.
- Gánh nặng năm uẩn là rất lớn
Những gì tôi muốn nói với các bạn chính là gánh nặng năm uẩn này, một gánh nặng được xem là nặng hơn bất kỳ gánh nặng nào khác mà những công nhân hàng ngày phải mang từ nơi này đến nơi khác. Con người bỏ ra không biết bao nhiêu thời gian để giữ cho cái thân này được khỏe mạnh. Để duy trì sức khỏe họ phải cho nó ăn hàng ngày. Một số người chỉ quan tâm giữ gìn sức khỏe cho thân họ thôi mà còn phải lo cho cả thân của những người khác, và điều này, không chỉ trong chốc lát, mà suốt cả cuộc đời. Ấy là chỉ nói đến mối liên hệ trong kiếp hiện tại thôi đấy. Trên thực tế, chúng ta đã mang gánh nặng của hiện hữu này qua vô lượng kiếp luân hồi. Chúng ta không thể nhấc nó khỏi vai chúng ta dù chỉ trong chốc lát.
Như vậy gánh nặng năm thủ uẩn này là gì? Đây là lời Đức Phật dạy:
Thế nào là năm thủ uẩn? Chúng cần phải được giải thích là:
Katame pañca?
Rūpupādānakkhandho,
vedanūpādānakkhandho,
saññupādānakkhandho,
saṅkhārupādānakkhandho,
viññanupādānakkhandho.
Ayaṁ vuccati bhikkhave bhāro.
Đó là:
Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.
Này các Tỳ-kheo , đây là năm gánh nặng
Năm thủ uẩn, ở trung tâm thiền Yeiktha này, đã được giảng nhiều lần rồi. Tuy nhiên, do thấy mọi hiện tượng của hiện hữu, về cơ bản, chỉ là năm thủ uẩn này. Vì thế, tôi sẽ giảng lại một cách tóm tắt về năm thủ uẩn ở đây.
- Uẩn và năm thủ uẩn
Khandhā hay Uẩn có nghĩa là một nhóm hay một tập hợp. Tất cả mọi hiện tượng (danh-sắc) quá khứ, hiện tại và vị lai, được tập hợp vào năm uẩn. Lời tuyên bố này sau đó được giải thích thêm như sau: khi một hiện tượng phát sanh, sắc (rūpa) đòi hỏi phải có. Sắc này đã hiện hữu trong quá khứ. Nó vẫn ở đây trong hiện tại và sẽ tiếp tục hiện hữu trong tương lai. Nó ở bên trong chúng ta cũng như bên ngoài chúng ta. Nó có thể là thô hoặc tế. Phẩm chất của nó có thể là cao quý hay hạ liệt. Nó có thể ở gần hay xa. Tất cả sắc này được liệt vào nhóm Sắc (rūpa) và chúng ta đặt tên là Sắc Uẩn (rūpakkhandha), tức sự tập hợp của các yếu tố và các thuộc tính của vật chất tạo thành cái chúng ta gọi là thân. Tương tự, khi thọ, tưởng, hành, và thức được tập hợp lại, chúng lần lượt được gọi là thọ uẩn (vedanakkhandhā), tưởng uẩn (saññakkhandhā), hành uẩn (saṅkhārakkhandhā), và thức uẩn (viññanakkhandhā). Cả năm nhóm này họp lại gọi là Khandha hay Uẩn. Ở đây một số người lý luận rằng một mình sắc (rūpa) không thể gọi là một Uẩn (khandha), vì Khandha là một từ tập hợp chỉ tất cả năm nhóm. Tuy nhiên, trên thực tế những thành phần cấu tạo của các uẩn cũng có thể gọi một cách riêng rẽ là khandha hay uẩn được. Vì thế sắc là khandha (uẩn), thọ là khandha, tưởng là khandha, hành là khandha và thức là khandha. Nhưng có một pháp duy nhất không được tập hợp vào hay phân loại theo cách đã định rõ ở đây. Pháp đó là Niết-bàn (Nibbāna). Niết-bàn là pháp Độc Nhất, không có quá khứ, không có hiện tại và vị lai. Có thể nói Niết Bàn là phi thời gian.
Upādāna là chấp thủ hay bị tham ái (taṇhā) và tà kiến (diṭṭhi) bám víu mãnh liệt. Do đó Thủ biểu thị cho một mức độ dính mắc mạnh mẽ. Như vậy, được gọi là thủ uẩn (upādānakkhandha) là bởi vì chúng tạo thành những đối tượng của sự dính mắc. Vào sát-na chứng đắc Đạo-Quả, tâm siêu thế phát triển. Có tám tâm siêu thế. Tám tâm này cùng với các tâm sở đồng sanh thuộc Thánh Đạo và Thánh Quả cũng được gọi là Uẩn (khandha), nhưng chúng không được xem như Thủ Uẩn. Trong năm uẩn, sắc uẩn liên quan đến vật chất trong khi bốn uẩn còn lại — thọ, tưởng, hành và thức thuộc về Danh Uẩn (nāmakkhandhā). Thủ uẩn hàm chứa mọi sự dính mắc vào năm uẩn. Trong bài kinh Gánh Nặng này, do chú trọng luận bàn về Gánh Nặng, chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến những pháp thế gian (lokiya), loại trừ các pháp siêu thế (lokuttara); và vì vậy cả Sắc Uẩn và Danh Uẩn sẽ được bàn đến. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng Khandha được nhấn mạnh ở đây là upādānakkhamdha hay Năm Thủ Uẩn.
II.1 Tứ thủ
Chấp thủ được thể hiện theo bốn cách:
(1) Dục Thủ (kāmupādāna)
(2) Kiến Thủ (diṭṭhupādāna)
(3) Giới Cấm Thủ (sīlabbatupādāna)
(4) Ngã Luận Thủ (attavadupādāna)
- Dục Thủ (kāmupādāna)
Dính mắc hay chấp thủ vào các dục trần là dục thủ. Cảm thọ lạc phát sanh khi chúng ta tiếp xúc với các dục trần. Do những cảm thọ lạc này, một ước muốn hưởng thụ khởi lên trong chúng ta. Sau đó chúng ta dính mắc vào các dục trần ấy. Sự dính mắc này có thể liên hệ với các cảm thọ kích thích bên trong chúng ta, hay cũng có thể là do các cảm thọ từ bên ngòai thúc đẩy. Khi một người nam khát khao một người nữ, hoặc ngược lại, đây là sự hấp dẫn giữa các giới tính. Đây là một ví dụ về sự chấp đắm mãnh liệt. Chúng ta khát khao những cảm thọ lạc mà chúng ta xúc chạm trong hiện tại cũng như những cảm thọ lạc mà chúng ta hy vọng sẽ được xúc chạm trong tương lai. Chúng ta mong muốn có được những điều khó có, và khi chúng ta có được những điều không dễ gì có ấy, chúng ta không thể chia tay với nó. Đây là sự dính mắc vào Dục Hữu (kāmabhava), sự hiện hữu trong cõi dục. Tuy nhiên những khát khao của chúng ta không dừng lại ở đó. Chúng muốn vượt qua cả danh uẩn lẫn sắc uẩn. Khi chúng ta dính mắc vào chúng, trong chúng ta đã phát triển một sự chấp thủ vào Sắc Hữu (rūpabhava), tức sự hiện hữu trong cõi thiền sắc giới, và Vô Sắc Hữu (arūpabhava), tức sự hiện hữu trong cõi thiền vô sắc. Chúng cũng là Dục Thủ (kāmupādāna).
- Kiến Thủ (diṭṭhupādāna)
Dính mắc hay chấp thủ vào các tà kiến, vào các niềm tin sai lạc là Kiến Thủ. Nói chung chúng ta bị lôi cuốn vào các ý thức hệ. Vì vậy việc chúng ta, bằng cách này hay cách khác, bị dính mắc vào ý thức hệ này hay ý thức hệ nọ, ở mức độ vừa phải hay mãnh liệt, là điều không có gì bất thường cả. Tuy nhiên, ở đây trong trường hợp đặc biệt này, chúng ta chỉ quan tâm đến những ý thức hệ nay niềm tin sai lầm. Có những niềm tin sai lầm về đạo đức và về sự hiện hữu của một cái ngã hay linh hồn. Đầu tiên, tôi sẽ để qua một bên hai loại niềm tin sai lạc này vì nó sẽ được bàn đến riêng rẽ ở phần sau. Niềm tin cho rằng không có nghiệp (kamma), dù là nghiệp thiện hay bất thiện, không có kết quả của nghiệp, và không có đời sau được xếp vào loại Kiến Thủ (diṭṭhupādāna).
- Giới Cấm Thủ (sīlabbatupādāna)
Dính mắc hay chấp thủ vào các pháp hành không đưa đến sự chấm dứt sanh tử luân hồi và chứng đắc Niết-bàn là Giới Cấm Thủ (sīlabbatupādāna). Sīlabbata có nghĩa là thực hiện những nghi lễ không phù hợp với đạo lộ thanh tịnh. Nó bao gồm cả việc thực hành hạnh con bò và hạnh con chó xuất phát từ niềm tin cho rằng nhờ ăn ở, cư xử giống như bò và chó như vậy một người sẽ đạt được sự giải thoát khỏi khổ; những niềm tin tương tự khác liên quan đến việc tôn thờ các con vật như thờ bò, thờ chó, thờ chư thiên, thờ ngọc hoàng thượng đế, thờ phạm thiên, hay thờ các đấng quyền năng đại loại như vậy với quan niệm sẽ được giải thoát khỏi những thống khổ của kiếp người, đều được sắp vào Giới Cấm Thủ. Lại nữa niềm tin cho rằng mọi tội lỗi của con người sẽ được cứu chuộc nếu họ tắm trong nước sông Hằng hay thực hiện các nghi lễ hiến tế súc vật là một ví dụ khác về Giới Cấm Thủ. Nói tóm lại, tất cả những giáo điều và pháp hành ngoài Bát Chánh Đạo không thể được xem như những thiện nghiệp dẫn đến sự chấm dứt mọi hình thức của khổ đau.
- Ngã Luận Thủ (attavadupādāna)
Dính mắc hay chấp thủ vào ý niệm về tự ngã được gọi là Ngã Luận Thủ (attavādupādāna). Có rất nhiều lý thuyết về nguồn gốc của sự sống. Một số lý thuyết liên hệ đến niềm tin cho rằng có một mẩu vật chất-sống cư trú trong thân. Con người tồn tại khi vật thể này đang còn sống, nhưng sự sống của con người sẽ chấm dứt ngay khi nó chết. Cách suy nghĩ này là Đoạn Kiến (ucchedadiṭṭhi), một quan niệm cho rằng sự hiện hữu chấm dứt hoàn toàn cùng với sự chết, hay nói cách khác chết là hết. Đây cũng là chủ thuyết hư vô (nihilism). Một ý thức hệ khác là Thường Kiến (sassatadiṭṭhi), cho rằng bản ngã hay linh hồn bất khả hoại, và vì thế nó tồn tại vĩnh hằng, vào lúc chết tự nó sẽ di chuyển vào một cái thân khác. Đây là chủ thuyết bất diệt hay còn gọi là Thường Kiến.
Trong những phân tích cùng tột, tứ thủ này có thể được rút lại còn tham ái (taṇhā) và tà kiến (diṭṭhi), trong đó dục thủ thuộc về tham ái, và ba thủ còn lại — kiến thủ, giới cấm thủ và ngã luận thủ — thuộc tà kiến. Dục thủ dựa trên các dục trần trong khi kiến thủ, giới cấm thủ, và ngã luận thủ dựa trên tà tư duy.
II.2 Chấp thủ phát sanh như thế nào
Do các giác quan (căn), sự dính mắc vào các dục trần (cảnh) phát sanh. Khi các căn sắc bén chúng làm cho các đối tượng thể hiện rõ ràng hơn. Như khi con mắt thấy một đối tượng rõ ràng, khi tai nghe tiếng hay, mũi ngửi mùi thơm, lưỡi nếm vị ngon, thân cảm giác một sự xúc chạm mềm mại, thọ lạc phát sanh; và sự dính mắc hay chấp thủ không chỉ đối với thân của chúng ta mà cả đối với thân người khác nữa sẽ phát triển. Chúng ta bị những nét đẹp riêng của mình cũng như những nét đẹp của người khác hấp dẫn. Chúng ta lấy làm hài lòng với cách thực hiện những chuyển động co, duỗi, ngồi, đứng, v.v… của chúng ta. Chính do sự chấp thủ vào thân và tâm này của chúng ta mà những khái niệm “Cái này là Tôi, cái này là của tôi; đây là chồng tôi; đây là vợ tôi; đây là con trai, con gái của tôi, v.v…” phát sanh trong chúng ta. Sự chấp thủ này được gọi là Dục Thủ (kāmupādāna).
Khi các căn tiếp xúc với các trần, cảm thọ phát sanh, và chúng ta chấp thủ vào các cảm thọ ấy. Những cảm thọ, dù lạc hay khổ, này đều bắt nguồn từ thân, và cá nhân hưởng thụ hay không hưởng thụ những cảm thọ này thường quả quyết, “Chính tôi cảm thọ; chính tôi nghe; tôi thấy.” Khi người ấy khỏe mạnh, người ấy nói, “Tôi khỏe.” Khi người ấy ốm đau, người ấy nói, “Tôi không được khỏe.” Khi người ấy cảm thấy khó chịu hay không thoải mái, người ấy nói, “Tôi đang khổ.” hay “Tôi có một nỗi khổ.” Khi người ấy đang trong tâm trạng buồn về công việc làm ăn, người ấy nói, “Tôi đang gặp khó khăn; Tôi đang gặp nguy hiểm; Tôi đang buồn; Tôi đang thất vọng.” Trong mọi trường hợp, người ấy đều nghĩ rằng cái “Tôi” hay cái “Ngã” có dính líu trong đó. Nói cách khác, người ấy nghĩ rằng mọi cảm thọ mà vị ấy trải nghiệm là của người ấy, và do đó chúng tạo thành cái “Tôi” hay “Tự Ngã”. Đây là lý do vì sao chấp thủ vào cảm thọ phát sanh và vì sao chúng được hiểu như cái tôi hay tự ngã.
Saṅkhāra hay Hành quyết định cách cư xử của thân và tâm chúng ta. Mặc dù mọi hành động của chúng ta là do Hành làm duyên, nhưng người ta vẫn nghĩ rằng chính họ là người làm những điều ấy. Vì thế họ nói, “Tôi ngồi; Tôi đứng; Tôi tưởng; Tôi giận; Tôi bị lôi cuốn vào việc ấy; Tôi không có đức tin; Tôi là kẻ ngu si; Tôi là người trí; Tôi có lòng bi mẫn; …” Tất cả điều này cho thấy rằng họ xem bốn danh uẩn (thọ, tưởng, hành, thức) là “cái tôi” hay “tự ngã” của họ. Đây là cách chấp thủ vào hành phát sanh.
Khi một người thấy một vật thì ngay lập tức người ấy nhận ra nó. Người ấy nói, “Tôi biết cái đó,”. Như vậy ý niệm “Tôi” đã phát sanh trong người ấy. “Tôi thấy”; “Tôi nghe”; “Tôi nếm”; “Tôi ngửi”; “Tôi sờ chạm”; “Tôi suy xét”. Người ấy đánh đồng chính mình với cái “Ngã” hay cái “Tôi” của người ấy như thế. Đây là cách chấp thủ vào thức (viññāṇa) phát sanh.
Dính mắc hay chấp giữ là Thủ — “upādāna”; những đối tượng của chấp thủ là thủ uẩn — “upādānakkhandhā”. Khái niệm, “cái này là Tôi”, “cái này là Của Tôi” thuộc về Thủ Uẩn. Khi một người đến một cửa hiệu và thấy nhiều loại quần áo và giầy dép vừa ý, một ước muốn được mặc chúng khởi lên trong tâm người ấy. Rồi người ấy tưởng tượng ra mình được mặc chúng. Ngay lúc ấy người ấy nghĩ rằng mình là chủ nhân của chúng. Trong trường hợp này Tham Ái (taṇhā) kể như đã phát triển trong họ. Khoảnh khắc một người cảm nghe vui mừng với ý nghĩ mình sẽ là chủ sở hữu của vật mình mong ước, người ấy cần phải nhận ra rằng tham ái đang làm việc. Như vậy tham ái làm cho ý thức về sự chấp thủ mãnh liệt thêm.
Sắc uẩn là toàn bộ thân vật lý từ đỉnh đầu đến ngón chân của chúng ta. Xem bất kỳ một bộ phận nào của thân là ta hay của ta là chấp thủ. Bạn chỉ cần kéo tóc của ai đó, ngay lập tức người ấy sẽ phản kháng, “Đừng có kéo tóc tôi!” và liền gây gỗ vì bị kéo tóc như vậy. Chính vì người ấy đã xem “tóc là Tôi” hay “Tóc là của tôi”. Người ấy nghĩ tất cả mọi vật tạo thành thân thể của vị ấy là vị ấy. Đây là sự chấp thủ vào Sắc (Rūpupādānakkhandho).
II.3 Ngã luận thủ
(Chấp Thủ Vào Ý Niệm Về Tự Ngã)
Những ai chưa từng có kinh nghiệm về hành thiền quán trên bản chất của danh sắc (nāma-rūpa), sẽ thừa nhận một cách vội vã rằng thân người là một thực thể sống đích thực gọi là atta hay bản ngã. Thậm chí trong số những người đã có kinh nghiệm về thiền quán cũng vậy, rất nhiều người không phân biệt được danh với sắc. Do đó, họ xem có một thực thể sống hay linh hồn cư trú trong thân. Đây là sự chấp thủ vào ý niệm về tự ngã hay Ngã Luận Thủ. Người này khó có thể thoát khỏi kiến chấp ấy. Ngay cả đối với những người đã biết được tính chất phi cá tính con người của danh và sắc cũng không thể gỡ mình ra khỏi cái khái niệm này hoàn toàn, mặc dù phải thừa nhận rằng họ biết những gì được xem như Tự Ngã chỉ là một sự nhân cách hóa của danh và sắc mà thôi. Nếu có một cái gì đó giống như sự xả ly đối với chúng mà có thể bạn khám phá ra, sự xả ly ấy không thể được xem như phát sanh từ sự tự tin mà chỉ là một sự chấp nhận theo truyền thống về giáo pháp mà thôi. Đó là kiến thức thông thường chứ không phải tuệ minh sát vốn tỏ lộ sự thực về danh và sắc.
Nếu một hành giả hành minh sát thấy được bản chất thực của các hiện tượng tâm vật lý (danh – sắc) sanh và diệt, tự ngã (atta) sẽ không bao giờ được xác nhận. Nhưng, ngay cả như thế, nếu người ấy lưỡng lự hành Thánh Đạo, nó có thể xuất hiện trở lại. Ý niệm về tự ngã chỉ hoàn toàn diệt khi vị ấy thực sự bước vào giai đoạn Nhập Lưu Thánh Đạo.
Có một sự khẳng định cho rằng nếu một người muốn hành thiền rốt ráo, trước hết họ phải loại trừ ý niệm về tự ngã. Tôi không cho điều đó là khả thi. Vì khi ý niệm về tự ngã được loại trừ, người ấy đã trở thành bậc thánh Nhập Lưu. Do đó, sự khẳng định vừa đề cập chẳng khác gì muốn nói rằng người ta có thể trở thành Thánh Nhập Lưu mà không cần phải hành thiền minh sát vậy. Thực sự, sự xả ly chỉ được thành tựu nhờ hành thiền minh sát. Kinh điển có nói rằng chỉ khi danh và sắc được phân biệt đúng theo bản chất của chúng, Kiến Tịnh mới được hoàn thành. Chấp ngã là đi ngược lại với Pháp (dhamma). Tôi cho rằng sự xung khắc này không phổ biến trong số những người thực sự có lòng kính trọng đối với Pháp đã được Đức Phật tuyên thuyết. Và chính do không có sự chấp ngã này giữa những người Phật tử nên thiền minh sát có thể được thực hành.
Thời Đức Phật, những người có quan điểm cực đoan về ý niệm tự ngã đã đi đến Đức Phật để nghe ngóng xem ngài nói gì về nó. Khi họ chăm chú lắng nghe bài pháp, họ buông bỏ hoàn toàn được quan niệm cố chấp của mình về tự ngã và chứng đắc đạo quả. Điều này cho thấy, không phải họ đã từ bỏ những quan niệm cố chấp của mình về tự ngã trước khi đi đến Đức Phật. Mà chỉ sau khi lắng nghe Pháp họ thấy ra sự thực của nó và rồi chứng đắc đạo quả.
CHƯƠNG III
LOẠI TRỪ ATTA
Những người có lòng tin, sau khi đã thu thập được một số kiến thức nào đó về những pháp căn bản liên quan đến Danh-Sắc và tính chất vô thường, khổ, vô ngã của chúng, nên bắt tay vào việc hành thiền minh sát. Việc thực hành này đòi hỏi phải ghi nhận (với chánh niệm) danh sắc trong trạng thái trôi chảy liên tục tại sáu cửa giác quan đúng theo những chỉ dẫn trong Kinh Đại Niệm Xứ. Ghi nhận những gì mắt thấy; ghi nhận những gì tai nghe; ghi nhận những gì mũi ngửi; ghi nhận những gì lưỡi nếm; ghi nhận những gì thân xúc chạm; ghi nhận những gì tâm suy nghĩ; và lúc đó bạn sẽ biết được những gì cần biết hợp với mức độ Ba-la-mật mà bạn đã tạo.
Khi một hành giả hành chánh niệm, năng lực định của vị ấy sẽ trở nên mạnh mẽ và tâm được thanh tịnh. Nhờ vậy vị ấy có thể phân biệt được danh, tâm — cái hay biết, và sắc, thân —cái bị tâm biết. Lúc đó vị ấy sẽ nhận ra sự vắng mặt của cái gọi là atta hay tự ngã hay “Tôi”. Sự ghi nhận liên tục sẽ đưa vị ấy đến chỗ biết các nhân và quả của Danh và Sắc. Cuối cùng, ý niệm về tự ngã sẽ bị diệt trừ hoàn toàn. Trước khi thực hành chánh niệm (thiền minh sát) có thể vị ấy sẽ tự hỏi không biết cái “tôi” này đã từng hiện hữu trong quá khứ, vẫn đang hiện hữu trong hiện tại và sẽ tiếp tục hiện hữu trong tương lai? Sau khi hành thiền minh sát những hoài nghi như vậy sẽ được giải quyết vì bản chất thực của mọi hiện tượng (danh-sắc) đã được tỏ ngộ.
Nếu hành giả tiếp tục ghi nhận, hành giả sẽ thấy các đối tượng giác quan cùng với tâm ghi nhận (tâm hướng đến các đối tượng giác quan ấy) sẽ biến mất. Tất cả đều vô thường. Chúng chỉ sanh lên và rồi diệt theo đường lối tự nhiên của chúng. Cái gì không thường là bất toại nguyện (khổ). Cái gì vô thường và bất toại nguyện là không có thực chất (vô ngã). Vậy thì, có gì ở đó để chấp là “Tôi”, “của Tôi”? Mọi hiện tượng đều nằm trong trạng thái trôi chảy, sanh lên rồi diệt. Minh quán trên những vấn đề này, một người có thể, với niềm tin vững chắc của mình, loại trừ được ảo tưởng về Tự Ngã (atta).