Nội Dung Chính
Phần 2 – BÀI GIẢNG VỀ KINH THỪA TỰ PHÁP
Mở đầu
Giới thiệu bài kinh
Kinh thừa tự pháp (dhammadàyàda sutta)
Phần giảng giải
So sánh việc thừa tự tài vật
BÀI GIẢNG VỀ KINH THỪA TỰ PHÁP
(DHAMMADĀYĀDA SUTTA)
MỞ ĐẦU
Thāthana Yeikthā đã là một trung tâm thiền minh sát kể từ khi tôi đến đây năm 1949. Lúc đầu không có nhiều tòa nhà lắm. Có thể nói thiền viện nơi tôi ở trước đây là một nhà ăn tập thể không đủ lớn để cung cấp chỗ ở cho hơn bốn mươi vị sư một lần, với bốn chiếc cốc gỗ cá nhân, những khu ở của công nhân, đó là những tòa nhà duy nhất có mặt vào lúc ấy. Nơi tọa lạc của thính phòng hiện nay trước đây là một giảng đường tạm đã chứng kiến lễ khánh thành chính thức của trung tâm thiền vào tháng Chạp năm 1949.
Trung tâm bắt đầu với 25 thiền sinh. Những thiền sinh nữ được sắp xếp ở trong những căn nhà tranh trên bãi đất thấp của cơ ngơi thiền viện trong khi các thiền sinh nam được ở lại trong một tòa nhà tương tự trên vùng đất cao hơn. Về sau, con số các thiền sinh mỗi năm mỗi gia tăng. Nhiều tòa nhà mới được xây dựng; vào lúc viết bài này ít nhất đã có 300 thiền sinh thường trực, con số này thường tăng lên đến 1500 vào mùa hè và hiện giờ không còn đất trống cho những tòa nhà mới.
Bây giờ 21 năm đã trôi qua kể từ khi khánh thành trung tâm thiền tại Thāthana Yeikthā này. Năm 1950 tôi có nói với những đệ tử của tôi nên tổ chức một buổi họp hàng năm, tại buổi họp đó tất cả những thiền sinh đã từng hành thiền minh sát tại trung tâm này có thể hội ngộ cùng nhau để phục hồi lại niềm tin và sự nhiệt thành và để cho có sự tiếp xúc thân mật và đồng cảm lẫn nhau đưa đến hành động, lời nói và ý nghĩ thấm đượm tâm từ.
Lúc đó Ông U Thwin, người sáng lập trung tâm Thāthana Yeikthā đề nghị là tốt hơn nên làm cho buổi họp này cũng sẽ là một cơ hội để khuyến giáo và khích lệ lòng tin nơi mọi người. Tôi cũng có ý tưởng như vậy nhưng chưa dám nói điều đó với ai vì sợ bị chỉ trích là tự cao tự đại và tự tán dương mình. Vì thế thuận theo lời đề nghị của Ông U Thwin bây giờ chúng ta sẽ gọi đó là ngày khuyến giáo và cúng dường (pūjā) hàng năm.
Trách nhiệm của tôi là ban lời khuyến giáo đến các vị tỳ-kheo, các thiền sinh và nam nữ Phật tử có mặt trong dịp lễ này. Năm nay tôi dự định ban lời khuyến giáo trên căn bản của bài Kinh Thừa Tự Pháp (Dhamma-Dāyāda Sutta) vốn cũng là chủ đề bài giảng năm trước của tôi. Tôi muốn giảng lại về bài kinh này bởi vì nó là một lời dạy quan trọng của Đức Phật. Vua A-Dục (Asoka) đã từng cho khắc một số lời dạy của Đức Phật nhiều lần trên những tấm bia ký của ông bởi vì ông cho đó là những lời dạy sâu sắc và đáng suy xét một cách nghiêm túc. Tôi cũng vậy, dự định thuyết lại bài kinh Thừa Tự Pháp này bởi vì ý nghĩa sâu sắc của nó và vì sự liên quan đặc biệt của nó trong thời hiện đại. Nếu các vị tỳ-kheo và nam nữ Phật tử sống đúng theo bài kinh này, nó sẽ đem lại lợi ích cho họ và góp phần vào việc tuyền bá giáo pháp của Đức Phật.
GIỚI THIỆU BÀI KINH
Kinh Thừa Tự Pháp (Dhammadàyàda sutta)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Khi ở tại chỗ ấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”, –“Bạch Thế Tôn”, các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói:
— Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các Ngươi và Ta nghĩ: “Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật?”. Và này các Tỷ-kheo, nếu các Ngươi là những người thừa tự tài vật của Ta, không phải là những người thừa tự Pháp, thì không những các Ngươi trở thành những người mà người ta nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp”, mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp”.
Và này các Tỷ-kheo, nếu các Ngươi là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật, thời không những các Ngươi trở thành những người mà người ta nói: “Cả Thầy và trò là những người thừa tự Pháp, không phải là những người thừa tự tài vật”, mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: “Cả Thầy và trò đều là những người thừa tự Pháp, không phải là những người thừa tự tài vật”. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các Ngươi và Ta nghĩ: “Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật?”.
Này các Tỷ-kheo, ở đây, một thời Ta ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý, và còn lại đồ ăn tàn thực của Ta đáng được quăng bỏ. Khi ấy có hai Tỷ-kheo đến, đói lả và kiệt sức. Ta có thể nói với hai vị ấy: “Này các Tỷ-kheo, Ta ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý, và còn lại đồ ăn tàn thực này của Ta đáng được quăng bỏ. Nếu các Ngươi muốn, hãy ăn đi. Nếu các Ngươi không muốn ăn, Ta sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay Ta sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy”. Rồi một Tỷ-kheo có thể nghĩ như sau: “Nay Thế Tôn ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý; và đây là đồ ăn tàn thực của Thế Tôn, đáng được quăng bỏ. Nếu chúng ta không ăn, Thế Tôn sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy. Nhưng Thế Tôn có dạy như sau: “Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật”. Ðây là loại tài vật; món đồ ăn này, ta hãy không ăn loại đồ ăn này và trải qua đêm ngày hôm nay, bị đói lả và kiệt sức”. Rồi vị ấy không ăn loại đồ ăn này và trải qua đêm ngày ấy, đói lả và kiệt sức. Tỷ-kheo thứ hai nghĩ như sau: “Thế Tôn ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý; và đây là đồ ăn tàn thực của Thế Tôn, đáng được quăng bỏ. Nếu chúng ta không ăn, Thế Tôn sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy. Vậy ta hãy ăn loại đồ ăn này, trừ bỏ đói lả và kiệt sức, và trải qua đêm ngày hôm nay như vậy”. Rồi vị ấy ăn loại đồ ăn ấy, trừ bỏ đói lả và kiệt sức, và trải qua đêm ngày hôm ấy như vậy. Này các Tỷ-kheo, dầu cho Tỷ-kheo này, sau khi ăn loại đồ ăn ấy, trừ bỏ đói lả và kiệt sức, và trải qua đêm ngày hôm ấy như vậy, nhưng đối với Ta, Tỷ-kheo đầu tiên đáng được kính nể hơn, và đáng được tán thán hơn. Vì sao vậy? Vì như vậy sẽ đưa đến cho Tỷ-kheo ấy, trong một thời gian lâu ngày, ít dục, biết đủ, khổ hạnh, dễ nuôi dưỡng, tinh cần, tinh tấn. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Nói xong, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào tịnh xá. Lúc ấy, Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất), sau khi Thế Tôn đi chẳng bao lâu, liền gọi các Tỷ-kheo: “Này các Hiền giả Tỷ-kheo!” –“Thưa vâng Hiền giả”, các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sariputta. Tôn giả Sariputta nói:
“Này các Hiền giả, như thế nào vị Ðạo sư sống viễn ly mà các đệ tử không tùy học viễn ly? Và như thế nào vị Ðạo sư sống viễn ly và các đệ tử tùy học viễn ly?” –“Này Hiền giả, chúng tôi từ xa lại để được hiểu nghĩa lý câu nói này từ Tôn giả Sariputta. Lành thay, nếu Tôn giả Sariputta thuyết giảng nghĩa lý câu nói ấy. Sau khi được nghe Tôn giả Sariputta thuyết giảng, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì” –“Chư Hiền, vậy hãy nghe và khéo tác ý, ta sẽ giảng” –“Thưa vâng, Hiền giả”, những Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sariputta. Tôn giả Sariputta nói như sau:
— Này chư Hiền, ở đây vị Ðạo Sư sống viễn ly mà các đệ tử không tùy học viễn ly. Những pháp nào vị Ðạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ không từ bỏ, và họ sống trong sự đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.
Này chư Hiền, các Thượng Tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng bị quở trách. Vị Ðạo Sư sống viễn ly, các đệ tử không tùy học viễn ly. Ðó là trường hợp thứ nhất, các Thượng Tọa Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và những pháp nào vị Ðạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ không từ bỏ. Ðó là trường hợp thứ hai, các Thượng Tọa Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và họ sống đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly. Ðó là trường hợp thứ ba, các Thượng Tọa Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Này chư Hiền, các Thượng tọa Tỷ-kheo do ba trường hợp này đáng bị quở trách.
Này chư Hiền, các Trung tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng bị quở trách, … (như trên)…
Này chư Hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng bị quở trách. Vị Ðạo Sư sống viễn ly, các đệ tử không tùy học viễn ly. Ðó là trường hợp thứ nhất, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và những pháp nào vị Ðạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ không từ bỏ. Ðó là trường hợp thứ hai, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và họ sống đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly. Ðó là trường hợp thứ ba, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Này chư Hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo do ba trường hợp này, đáng bị quở trách.
Này chư Hiền, như vậy là những trường hợp vị Ðạo Sư sống viễn ly, các đệ tử không tùy học viễn ly.
Và như thế nào, vị Ðạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly? Này chư Hiền, vị Ðạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. Những pháp nào, vị Ðạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ; và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, họ bỏ rơi gánh nặng về đọa lạc và dẫn đầu về sống viễn ly.
Này chư Hiền, các Thượng tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng được tán thán. Vị Ðạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. Ðó là trường hợp thứ nhất, các Thượng Tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và những pháp nào vị Ðạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ. Ðó là trường hợp thứ hai, các Thượng tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, họ bỏ rơi gánh nặng về đọa lạc và dẫn đầu về sống viễn ly. Ðó là trường hợp thứ ba, các Thượng Tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Này chư Hiền, các Thượng tọa Tỷ-kheo do ba trường hợp này, đáng được tán thán.
Này chư Hiền, các Trung tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng được tán thán. … (như trên)…
Này chư Hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng được tán thán. Vị Ðạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. Ðó là trường hợp thứ nhất, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và những pháp nào vị Ðạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ. Ðó là trường hợp thứ hai, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, họ bỏ rơi gánh nặng về đọa lạc và dẫn đầu về viễn ly. Ðó là trường hợp thứ ba, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Này chư Hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo do ba trường hợp này, đáng được tán thán.
Này chư Hiền, như vậy là những trường hợp vị Ðạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly.
Ở đây, này chư Hiền, tham là ác pháp, và sân cũng là ác pháp, có một con đường Trung đạo diệt trừ tham và diệt trừ sân, khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Và này chư Hiền con đường Trung đạo ấy là gì – (con đường) khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Ðó là con đường Thánh tám ngành, tức là: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Này chư Hiền, đó là con đường Trung đạo, khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
Ở đây, này chư Hiền, phẫn nộ là ác pháp và hiềm hận cũng là ác pháp, giả dối là ác pháp và não hại cũng là ác pháp, tật đố là ác pháp và xan lẫn cũng là ác pháp, man trá là ác pháp và phản bội cũng là ác pháp, ngoan cố là ác pháp và bồng bột nông nổi cũng là ác pháp, mạn là ác pháp và tăng thượng mạn cũng là ác pháp, kiêu là ác pháp và phóng dật cũng là ác pháp. Có một con đường Trung đạo diệt trừ kiêu và diệt trừ phóng dật, khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Và này chư Hiền, con đường Trung đạo ấy là gì – (con đường) khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Ðó là con đường Thánh tám ngành, tức là: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Này chư Hiền, đó là con đường Trung đạo khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
Tôn giả Sariputta thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời giảng của Tôn giả Sariputta.
HT Thích Minh Châu dịch
PHẦN GIẢNG GIẢI
Kinh Thừa Tự Pháp được Đức Phật thuyết trong lúc ngài cư ngụ ở Kỳ Viên Tịnh Xá tại kinh thành Xá Vệ (Sāvatthi). Đức Phật thuyết kinh này bởi vì những ngày ấy một số vị Tỳ-kheo đã dính mắc thái quá vào các tài sản vật chất. Sự dính mắc như vậy đương nhiên sẽ dẫn đến những khiếm khuyết về giới, định, tuệ và bài kinh này đóng vai trò như thuốc giải độc cho tình trạng suy thoái tâm linh ấy.
Dhammadāyāda me bhikkhave bhavatha mā āmisadāyāda atthi me tumhesu anukampā ‘kinti me sāvakā dhammadāyāda bhaveyyum no āmisadāyāda.’
“Này các tỳ-kheo! Các ngươi nên là kẻ thừa tự Pháp từ Như Lai. Các ngươi không nên thỏa mãn với việc thừa tự tài vật.”
Ở đây Đức Phật bầy tỏ ước muốn của mình bằng những ngôn từ không thể lầm lẫn được và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thừa tự Pháp (Dhamma) giống như cha mẹ dặn dò con cái thân yêu của mình trước khi qua đời vậy. Một số người lo sợ lúc họ chết đi con cái của họ, do cảnh mẹ ghẻ con chồng, sẽ bị thiệt thòi trong vấn đề thừa kế. Vì thế họ áp dụng các biện pháp để phân chia đồng đều tài sản của họ hoặc lập những điều khoản bí mật cho những đứa con còn nhỏ của họ. Cũng vậy, Đức Phật đã khuyên dạy các hàng đệ tử của mình hãy thừa tự Pháp vốn là di sản quý báu nhất ngài dành cho họ. Mặc dù trong bài kinh Đức Phật gọi các vị tỳ-kheo, nhưng những chỉ giáo của ngài cũng hàm ý cho cả hàng tại gia cư sĩ có niềm tin tuyệt đối nơi ngài.
SO SÁNH VIỆC THỪA TỰ TÀI VẬT
Người ta thường tỏ ra rất sốt sắng khi được thừa hưởng những tài sản vật chất mà cha mẹ đã chết để lại. Không ai muốn hy sinh quyền lợi cho anh chị em của mình. Thực sự, mọi người bị ngọn lửa tham thiêu đốt đến nỗi cái chết của một người luôn có nghĩa là sự chấm dứt của mối quan hệ gia đình và bắt đầu những tranh chấp và thù hận giữa đám con cháu với nhau. Đây là một vấn đề được nhận thấy chung giữa người tại gia và cũng có thể nói như vậy đối với người xuất gia quá quan tâm đến việc thừa hưởng vật chất. Cái chết của một vị trưởng lão (sayādaw) nổi tiếng luôn luôn được theo sau bởi những cuộc tranh chấp giữa những người đệ tử vốn tuyên bố những tài sản mà ngài để lại được phân chia trên căn bản di chúc của ngài, hoặc trên sự thân cận hoặc quyền hợp pháp của tông môn bộ phái của ngài. Tất nhiên từ quan đểm của Luật Tạng những lời tuyên bố này có thể là hợp pháp hoặc không hợp pháp. Dưới thời thuộc địa Anh có rất nhiều những cuộc tranh cãi về quyền thừa kế tu viện và một số người Phật tử tại gia đã phải tiêu tốn rất nhiều tiền cho những vụ kiện tụng này đến nỗi cuối cùng họ phải lâm vào cảnh nghèo khó. Những cuộc chiến pháp lý này vẫn còn đang tranh đấu trong thời buổi hiện nay.
Có lần để đáp ứng lời thỉnh cầu của một nam cư sĩ nọ tôi đã phái một vị sư đi đến cư ngụ tại ngôi tu viện của ông ta. Sau một thời gian, một vị sư tại địa phương đó viết cho tôi một bức thơ, yêu cầu tôi triệu hồi vị sư tôi phái đến đó vì tu viện này được tuyên bố là một sở hữu của Tứ Phương Tăng (catusantaka) vào thời thầy của vị sư ấy. Vì thế tôi phải gởi một lá thư phúc đáp, nói rằng vị sư được phái tới đó không phải để sở hữu ngôi chùa mà để nâng cao tinh thần của người Phật từ địa phương, rằng chúng tôi luôn luôn thúc giục các đệ tử của chúng tôi không thừa tự tài vật mà thừa tự Pháp và những vấn đề liên quan đến chùa chiền, tu viện các vị chỉ nên bàn với người tại gia cư sĩ. Hiện giờ vị sư tôi phái đến đó đã đi qua một ngôi chùa khác; vị ấy từ chối lời mời của người cư sĩ mà ngôi chùa vẫn còn bỏ trống đó.
Một lần khác chúng tôi cũng được yêu cầu triệu hồi một vị sư chúng tôi đã gởi đến một ngôi chùa nọ theo lời thỉnh cầu của người dân địa phương. Tuy nhiên vị sư chủ chùa lại thực sự hoan nghênh vị sư chúng tôi gởi đến. Vì thế chúng tôi không dính dáng gì đến những cuộc tranh cãi vốn chỉ liên quan đến những người tại gia cư sĩ. Hơn nữa, chúng tôi cũng phải bỏ qua những trung tâm thiền bị cưỡng chiếm bằng vũ lực bởi những người không có khả năng dạy thiền minh sát. Chúng tôi không lo lắng về những vụ việc như vậy và để cho những người tại gia cư sĩ có liên quan hoàn toàn giải quyết. Nói chung, các cuộc tranh cãi về quyền sở hữu chùa chiền và thiền viện tràn lan ở khắp mọi nơi trên nước Miến. Trong nội dung Kinh Thừa Tự Pháp (Dhammadāyāda Sutta) tình trạng này nên được quan tâm sâu xa vì nó là một nguyên nhân khiến giáo pháp suy đồi và chúng tôi sợ rằng nó đã làm mất uy tín của Tăng Đoàn trong con mắt của người Phật tử tại gia.
Nhiều vị sư quá bận tâm tới việc theo đuổi vật thực, y áo, chùa chiền, tiền bạc, danh vọng, v.v… Một số cố gắng tìm kiếm những tài sản vật chất bằng mọi phương tiện có thể được cho dù phải vi phạm vào giới luật. Việc theo đuổi những tài sản vật chất điên rồ như vậy nói lên sự suy tàn trong việc thực hành pháp và vì thế nó đi ngược lại với lời dạy của Đức Phật.
Bây giờ chúng ta đi đến đoạn văn kinh Pāḷī tiếp theo —
Atthi me tumhesu anukampā – ‘ kinti me sāvakā dhammadāyādā bhaveyyuṃ, no āmisadāyādā ’ ti — Ta có lòng thương tưởng các Ngươi và Ta nghĩ: “Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật?”
Như vậy Đức Phật, vì lòng bi mẫn đã thúc giục các vị đệ tử của ngài chú trọng đến việc thừa tự Pháp. Điều đó không có nghĩa rằng ngài muốn họ từ chối những vật thực thích hợp, y phục thích hợp,… Những gì ngài cảnh báo họ cần phải đề phòng là đừng theo đuổi những thứ này với giá của đời phạm hạnh.
Pháp (Dhamma) mà người đệ tử Phật nên tầm cầu có hai loại, đó là tối hậu pháp và phương tiện pháp, và Đức Phật thúc giục các đệ tử của ngài hãy coi trọng cả hai. Theo chú giải, tối hậu pháp bao gồm bốn loại Đạo (magga) — nhập lưu đạo (sotāpanna magga), nhất lai đạo (sakadāgāmi magga), bất lai đạo (anāgāmi magga) A-la-hán đạo (arahatta magga), bốn loại quả tương ứng của bốn đạo và niết-bàn. Đây là chín pháp siêu thế mà người ta chỉ có thể chứng đắc y cứ trên căn bản giáo pháp của Đức Phật. Ở đây, sự chứng đắc bốn đạo cũng có nghĩa là sự chứng đắc bốn quả và Niết-bàn. Có nghĩa là một người chứng đạo thứ nhất cũng chứng quả thứ nhất và lúc đó họ đã ở trên ngưỡng của Niết-bàn. Vị hành giả ở giai đoạn này hoàn toàn được giải thoát khỏi những phiền não đưa đến bốn cõi khổ. Vị ấy sẽ được tái sanh trong nhân giới hoặc thiên giới và sẽ không phải đối diện với bịnh, tử và các thống khổ khác trong hơn bảy kiếp tái sanh. Vì thế Đức Phật thường thúc giục các đệ tử của ngài hãy nỗ lực để chứng đắc chí ít cũng cấp độ thấp nhất của di sản giáo pháp này.
Khi vị hành giả đắc đạo quả nhất lai (sakadāgāmi) vị ấy chỉ phải chịu tái sanh trong nhân giới và thiên giới không hơn hai kiếp. Và khi vị ấy chứng đắc đạo quả bất lai (anāgāmi), vị ấy chắc chắn được giải thoát hoàn toàn khỏi mọi loại khổ cố hữu trong các cõi nhân thiên. Sau khi chết vị ấy sẽ tái sanh vào cõi Phạm thiên (tịnh cư thiên). Khi một hành giả chứng đắc đạo quả A-la-hán vị ấy diệt tận mọi loại khổ và Đức Phật thúc giục các vị đệ tử hãy thực hành pháp cho đến khi chứng đắc mục đích tối hậu này.
Di sản pháp tối hậu này chủ yếu dành cho các vị sư. Đối với người tại gia cư sĩ không thể sống trọn vẹn theo giáo pháp của ngài, thời có phương tiện pháp hay tuần tự pháp (pariyāya dhamma) vốn được chú giải mô tả như bố thí, giữ ngũ giới suốt đời, thọ trì bát quan trai giới, cúng dường hương hoa tưởng nhớ Đức Phật tại các ngôi tháp, nghe pháp, v.v… Do làm những thiện sự này họ được tái sanh trong các cõi nhân thiên ở đây nhờ nghe pháp cuối cùng họ chứng đắc Niết-bàn. Nói cách khác, tuần tự pháp là một phương tiện để chứng đắc tối hậu pháp.
Vì thế mọi người con Phật có niềm tin và lòng nhiệt thành nên cố gắng để đạt đến bốn đạo, bốn quả và Niết-bàn trong kiếp sống này. Nếu người ấy không thể đạt đến mục đích này, người ấy nên thực hành bố thí, trì giới,…, không phải chỉ để đạt đến hạnh phúc trong các cõi nhân thiên, mà còn để chứng đắc Niết-bàn. Nói khác hơn, người ấy nên tầm cầu hai loại tài sản — tối hậu pháp và phương tiện pháp.
Tuy nhiên, Đức Phật không muốn các đệ tử của ngài chạy theo những tài sản vật chất. Ở đây tài sản vật chất không phải là đối tượng của sự chấp thủ có hai loại. Loại thứ nhất là bốn món vật dụng thiết yếu của vị sư — vật thực, y áo, thuốc trị bệnh, và chỗ ở. Khi một người gia nhập Tăng đoàn, họ được bảo đảm về bốn món vật dụng này. Họ có thể kiếm được chúng một cách dễ dàng. Ngày nay một vị sư thậm chí có thể nhận được những loại dược phẩm ngoại quốc mặc dù điều này đối với người bình thường khó có thể kiếm được. Một số tu viện to lớn và tiện nghi hơn những nơi ở tồi tàn của đa số dân thường. Những món vật dụng này dễ dàng có được là do đức tin của người Phật tử nhưng Đức Phật không muốn các vị sư bị dính mắc vào chúng. Tuy nhiên cũng có những vị sư đã cố gắng bằng mọi cách đi tìm để có được những món vật dụng này. Một số làm bộ như ta đây là bậc A-la-hán và một số công bố những năng lực huyền bí mà họ nói nó cho họ khả năng làm tăng trưởng tài lộc của những ai theo họ. Lợi dụng người Phật tử vì mục đích ích kỷ theo cách này là một sự vi phạm trắng trợn những giới luật của vị Tỳ-kheo.
Tài sản vật chất dưới hình thức bốn món vật dụng thiết yếu của cuộc sống chỉ liên quan đến các vị Tỳ-kheo. Còn đối với người tại gia, có một loại tài vật khác trong hình thức của cuộc sống cao sang hơn ở cõi chư thiên cũng như nhân loại. Nhiều người thực hành pháp bố thí, giữ giới,… với hy vọng đạt được hạnh phúc cõi trời hay được tái sanh cao quý hơn trong cõi người. Đương nhiên, những hành động bố thí, giữ giới và tu thiền như vậy sẽ không đưa đến đạo quả và niết bàn. Nó cũng sẽ không bảo đảm cho họ được thoát khỏi vĩnh viễn những hiểm nguy của bốn cõi khổ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A-tu-la). Trái lại, ước muốn tái sanh cao quý trong cõi nhân thiên dục giới có nghĩa là chúng ta còn chấp thủ vào tài sản vật chất có hại cho đời phạm hạnh và vì thế chúng ta có thể phải rơi vào các cõi khổ nơi đây các bất thiện nghiệp sẽ chôn vùi chúng ta.
Cho dù, nhờ thiện nghiệp chúng ta đạt được sự tái sanh cao quý trong cõi nhân thiên, chúng ta chắc chắn cũng phải bị già, bịnh, và chết chi phối. Vì vậy, loại tài sản vật chất thứ hai cũng là thấp hèn, không đáng mong ước và không đáng để nỗ lực cho. Bởi lẽ đó, đánh giá quá cao hạnh phúc thế gian đối với người tại gia còn không nên huống nữa là bốn món vật dụng đối với vị Tỳ-kheo.
Vì lòng bi mẫn Đức Phật đã cảnh báo các đệ tử của ngài không nên để cho những tài sản vật chất này cám dỗ. Vì ngài thấy được rằng do dính mắc vào những tài sản vật chất này mà một số vị Tỳ-kheo đã bị đọa lạc vào bốn cõi khổ như trường hợp của vị Tỳ-kheo Kapila trong thời Đức Phật Ca-diếp (Kassapa Buddha), người do tham lam phải chịu khổ rất nhiều trong địa ngục như thế nào. Đức Phật cũng biết về những hệ lụy khổ đau của tuổi già và các bất hạnh khác do tích chứa kể cả đối với những người có làm được những thiện nghiệp nhưng khát khao các dục lạc. Ngài cũng biết các vị Trưởng Lão như Đại Ca Diếp, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên và các vị đệ tử khác đã đắc được các thần thông và trí tuệ nhờ thực hành pháp một cách nghiêm túc. Không thừa tự Pháp chúng ta không thể ngăn chặn được sự tái sanh với tất cả khổ đau kèm theo của nó.
Có thể nói khổ là tình trạng cố hữu trong mọi hiện hữu và nó được thể hiện dưới hình thức của già, bịnh, chết. Ở đây, chúng ta không cần phải nhắc lại cái khổ của tuổi già vốn đang quấy rầy những người lớn tuổi chung quanh chúng ta nữa làm gì. Bịnh tật là một tai họa chung cho tất cả chúng sanh và các bịnh viện thì lúc nào cũng đầy ắp những người bịnh mà nỗi đau của họ chỉ làm khuấy động lòng trắc ẩn của chúng ta. Ngay cả một người suốt đời hoàn toàn khỏe mạnh cuối cùng cũng phải đối diện với một loại bệnh khổ nào đó trước khi chết. Cái chết cũng là một điều không thể tránh khỏi trong các cõi chư thiên. Nếu chúng ta không nỗ lực để đạt đến đạo quả và Niết-bàn, chúng ta sẽ mắc vào những tai họa triền miên hết kiếp này đến kiếp khác và ngoài ra còn có những hiểm nguy tiềm tàng của việc phải tái sanh trong các cõi khổ nữa.
Theo chú giải, bốn cõi khổ — địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a-tu-la giống như những nơi ở riêng cho những người không có chánh niệm. Ở đây không có chánh niệm nghĩa là không phòng hộ bản thân để phạm vào các ác nghiệp bằng lời nói, hành động và ý nghĩ, hoặc để bị tham đắm thái quá trong các dục lạc. Nó cũng có nghĩa là không làm những điều thiện như bố thí, giữ giới và hành thiền. Nói chung, chúng ta thường sống ở nhà mặc dù thỉnh thoảng chúng ta cũng có một đôi ngày sống ở nơi khác. Cũng vậy, người không có chánh niệm thường dùng hầu hết thời gian của mình trong các cõi khổ. Sự tái sanh của họ trong cõi trời hoặc cõi người là điều hiếm hoi cũng giống như lâu lâu chúng ta mới đến thăm nhà của người khác vậy. Đây thường là số phận chung của con người. Đức Phật rất quan tâm đến tương lai của hàng đệ tử và vì vậy ngài luôn nhấn đi nhấn lại sự cần thiết của việc thừa tự Pháp.
Đức Phật cũng nói rằng ngài và các đệ tử của ngài sẽ bị người khác chỉ trích nếu họ (các đệ tử của ngài) chỉ quan tâm tới tài vật và không sống đúng theo pháp. Chẳng hạn, nếu hành vi cư xử của con cái chúng ta có nhiều điều đáng chê trách, xã hội sẽ lên án chúng ta. Cũng vậy, công chúng trong thời Đức Phật sẽ buộc ngài phải chịu trách nhiệm về những khuyết điểm của những đệ tử. Có lẽ họ sẽ nói rằng dù ngài tuyên bố là bậc Chánh Đẳng Giác nhưng ngài lại không thể dạy dỗ những đệ tử của ngài một cách hiệu quả. Trái lại, nếu các đệ tử của ngài toàn tâm toàn ý với pháp, Đức Phật chắc chắn sẽ nhận được sự tán dương của mọi người.
Thực sự không dễ để một người trở thành đệ tử chân chánh của Đức Phật. Nhiều người có niềm tin vững vàng nơi Đức Phật. Một số thậm chí đã gia nhập tăng đoàn và dành trọn thời gian và năng lực của họ cho đời phạm hạnh. Nhưng bất chấp mọi sự tôn thờ Đức Phật của họ, bất chấp sự nhiệt tâm và chân thật của họ trong việc thực hành bố thí và trì giới,… họ luôn có thể phải rơi xuống bốn cõi khổ. Vì chỉ có di sản tối hậu dưới hình thức đạo-quả và Niết-bàn mới bảo đảm được sự giải thoát đích thực. Vì vậy quan tâm sâu sắc của Đức Phật chính là vì hạnh phúc tinh thần của người đệ tử.