Nội Dung Chính
Phần 11 – Mục Đích Tối Hậu
Mục đích tối hậu.
Sự thực hành của một ứng viên cho chức vụ sakka.
Sự hân hoan của đế thích (sakka).
MỤC ĐÍCH TỐI HẬU
Đế Thích (Sakka) rất hài lòng với câu trả lời của Đức Phật và ông đã hỏi câu hỏi khác: “Bạch Đức Thế Tôn, liệu những vị được gọi là Sa-môn-Bà-la-môn có thực sự đạt đến mục đích tối hậu của họ không? Việc hành thiền của họ có một cứu cánh thực sự không? Họ có sống đời phạm hạnh thực sự không? Họ thực sự có pháp tối hậu không?” Ở đây Mục đích tối hậu thực sự, cứu cánh thực sự đối với người hành thiền (iccantayogakekhami) và pháp tối hậu thực sự muốn nói tới Niết-Bàn. Đời phạm hạnh có nghĩa là sự thực hành minh sát và Thánh đạo. Nói cách khác, bằng bốn câu hỏi này Đế Thích (Sakka) muốn hỏi Đức Phật xem các vị Sa-môn-Bà-la-môn có thực hành thiền minh sát và bát thánh đạo không và liệu họ có đạt đến Niết Bàn hay không.
Đức Phật trả lời rằng không. Theo Đức Phật, chỉ các vị tỳ-kheo nào đã được giải thoát nhờ thực hành thánh đạo dẫn đến sự diệt tận mọi tham ái mới thành tựu cứu cánh tối hậu (Niết-Bàn), chấm dứt hành thiền, sống đời phạm hạnh và đạt đến Pháp tối hậu.
Ở đây, từ các vị tỳ-kheo trong lời tuyên bố của Đức Phật ám chỉ chư Phật Chánh Đẳng Giác, chư Phật Độc Giác, và chư thánh A-la-hán. Các vị A-la-hán đã đoạn trừ bốn lậu hoặc (āsavas) vốn làm sanh khởi một hiện hữu mới. Thực sự, nhờ bứng gốc các lậu hoặc các vị đã đạt đến cứu cánh tối hậu và Pháp tối hậu; và chiến thắng cuối cùng này của các vị là do thực hành bát thánh đạo.
Những ai vẫn chưa tự mình giải thoát khỏi các lậu hoặc qua thực hành bát thánh đạo thời còn rất xa Niết-Bàn. Họ tiếp tục bị tái sanh và khổ đau. Vì thế khi Phạm Thiên Baka thỉnh mời Đức Phật đến thăm cái mà ông xem như thiên đàng vĩnh cữu của ông, Đức Phật bảo ông đừng ảo tưởng về sự bất tử và đừng tự xem mình như không còn tham ái đối với bất cứ loại hiện hữu nào.
Đức Phật nói, “Sau khi đã thấy sự nguy hiểm trong mọi hiện hữu, dù cho đó là sự hiện hữu của một con người, một vị chư thiên, một vị Phạm thiên, hay thần dân của bốn cõi khổ… Ta không ca tụng bất cứ loại hiện hữu nào mà phản đối nó.”
Mọi hình thức hiện hữu đều phải chịu khổ. Khổ nhất là sanh trong bốn cõi thấp (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A-tu-la). Nhưng sự hiện hữu làm người cũng bị khổ bởi già, bịnh, chết. Chư thiên cũng phải chịu khổ do những tham muốn không thỏa mãn được của họ. Phạm thiên giới cũng không thoát khỏi cái khổ đi kèm theo sự suy nghĩ, dự định, và thay đổi không ngừng.
“Ta đã thấy những nguy hiểm trong mọi hình thức của hiện hữu; Ta cũng đã thấy sự hiện hữu của những người không muốn khổ và họ đã đi tìm sự diệt khổ. Vì thế ta không ca tụng tất cả mọi loại hiện hữu.”
Do ý thức được những nguy hiểm của hiện hữu, một số người trở thành những nhà tu khổ hạnh để đi tìm sự giải thoát. Nhưng họ không biết Niết Bàn cũng không biết bát thánh đạo, con đường dẫn đến Niết Bàn. Họ chỉ biết thiền định, loại thiền làm cho tâm vắng lặng và họ đã thực hành thiền định để đạt đến trạng thái ấy. Một số đạt đến các thiền sắc giới (rūpa jhāna) và tin rằng họ sẽ được thọ hưởng sự bất tử trong cõi phạm thiên sắc giới (rūpāvacarabrahma), cứu cánh của thiền này là vậy. Đối với một số khác thì sự sống vĩnh hằng sẽ được tìm thấy trong cõi vô tưởng (asaññā) của Phạm thiên sắc giới trong khi những số khác nữa thì cho rằng chỉ trong cõi vô sắc (arūpavacara) người ta mới được hưởng sự sống vĩnh hằng. Vì vậy họ cảm thấy thỏa mãn với thiền sắc giới và thiền vô sắc giới mà họ đạt đến.
Trái với những mong đợi của họ, những thiền giả này không hề bất tử trong cõi phạm thiên và sau khi chết cũng vậy, họ phải trở lui lại làm một vị chư thiên hay con người trong cõi dục giới, từ đó họ lại ra đi theo nghiệp của họ. Do quả của một ác nghiệp nào đó, họ có thể tự thấy mình trong các cõi khổ của địa ngục, ngạ quỷ,… Như vậy, mặc dù họ đi tìm sự diệt của hiện hữu, họ đã không thành tựu được mục đích của mình mà còn phải tiếp tục chịu khổ. Vì vậy Đức Phật không tán dương mọi loại hiện hữu.
Sự tái sanh hay tiếp tục hiện hữu trở lại là do tham ái đối với cuộc sống. Tham ái (taṇhā) này là đồng nghĩa với dục ách (kāmayoga) và hữu ách (bhavayoga). Đức Phật đã từ bỏ và chiến thắng được tham ái này.
Theo chú giải, tất cả Đế thích (Sakka) đặt ra mười bốn câu hỏi cho Đức Phật. Đế thích (Sakka) vô cùng hoan hỷ với những câu trả lời và sau khi bày tỏ sự cảm kích sâu xa của mình, ông tuyên bố quan niệm về tham ái (taṇhā) của mình như sau:
“Bạch Đức Thế Tôn, tham ái năng động là một chứng bệnh, nó giống như một ung nhọt, một mũi tên hay một cây gai cắm sâu trong thịt. Nó lôi cuốn các chúng sanh vào hiện hữu và vì thế họ phải sống một cách khốn khổ.
“Tham ái là năng động khi nó khát khao cái này cái nọ. Nó tự buộc mình vào các đối tượng khả lạc và khao khát được hưởng thụ chúng. Giống như chiếc lá xào xạc trong gió, nó luôn luôn trong trạng thái xôn xao, hiếu động, ham muốn và thèm khát. Taṇhā hay tham ái là một chứng bệnh kinh niên không thể chữa được tuy nhiên nó lại không cấp tính đến nỗi khiến người ta phải chết liền. Nó để người ta thoải mái khi nó hài lòng nhưng cho dù người ta có nhồi nhét các dục trần này nhiều bao nhiêu theo ý thích thì họ cũng không thể thỏa mãn được. Tham ái khát khao tất cả các dục trần và nó luôn tìm kiếm để được hưởng chúng mãi mãi.
“Tham ái đáng ghê tởm và khiếp sợ giống như một ung nhọt. Nó chẳng khác gì một cây gai đâm trong thịt. Cây gai bị che khuất trong thịt khiến chúng ta không thể nhận ra bất kỳ dấu hiệu nào của nó. Chúng ta không thể lấy nó ra và vì thế nó sẽ tiếp tục làm cho chúng ta đau đớn. Cũng vậy, dù biết rằng tham ái luôn gây phiền hà cho chúng ta nhưng để loại trừ nó là điều rất khó. Chúng ta lo lắng quá nhiều về người hay vật chúng ta mong muốn đến nỗi ban đêm chúng ta không thể ngủ được và do sự dính mắc vào cuộc sống chúng ta phải lang thang hết hiện hữu này đến hiện hữu khác, trong khi đó bản chất của mỗi kiếp sống lại tùy thuộc vào nghiệp của chúng ta.”
Sau khi đưa ra những lời nhận xét như vậy xong, Đế-thích (Sakka) nói rằng nhờ được nghe bài pháp của Đức Phật giờ đây ông đã thoát khỏi mọi hoài nghi. Ông đã đạt đến đạt đến giai đoạn thứ nhất của thánh đạo (đắc nhập lưu) và tất nhiên với nhập lưu đạo này ông đã loại trừ được sự có thể phải rơi vào bốn ác đạo của ông sau khi chết. Ông đã được bảo đảm về sự tái sanh an vui và bây giờ ông có thể đạt đến các giai đoạn tuệ giác cao hơn khác không cần lệ thuộc vào ai.
SỰ THỰC HÀNH CỦA MỘT ỨNG VIÊN CHO CHỨC VỤ SAKKA
Chú giải đề cập đến bảy phận sự của một người nguyện trở thành Đế-thích (Sakka). Bảy phận sự này được giải thích rõ trong Tương Ưng, Thiên Có Kệ (Sagāthāvagga Samyutta) như sau:
(1) Cho đến trọn đời, vị ấy hiếu dưỡng cha mẹ. (2) cho đến trọn đời vị ấy kính trọng các bậc trưởng thượng trong thân quyến. (3) Cho đến trọng đời vị ấy nói lời dịu ngọt. (4) Cho đến trọn đời vị ấy không bao giờ nói xấu người khác. (5) Cho đến trọn đời, vị ấy quán xuyến gia đình với tâm không ganh tị và bỏn xẻn. (6) Cho đến trọn đời vị ấy nói lời chân thật. (7) Cho đến trọn đời, vị ấy thấy rằng mình không bao giờ phẫn nộ. Nếu có lúc nào đó vị ấy phẫn nộ, vị ấy sẽ nhanh chóng loại trừ nó.
Còn về Đế-thích (Sakka), người có cuộc đối thoại với Đức Phật trong Kinh Đế Thích Sở Vấn (Sakkapañhā Sutta) này, chú giải bài kinh đưa ra một sự giải thích về tiền kiếp của ông như sau: Trong tiền kiếp Đế-thích là thanh niên Māgha sống trong ngôi làng Macala của xứ Ma-kiệt-đà (Magadha) rất lâu trước khi Đức Phật xuất hiện.
Māgha là lãnh đạo của nhóm ba mươi thanh niên chuyên đi sửa đường và cầu cống, xây dựng nhà nghỉ và làm các thiện sự khác chung với nhau vì lợi ích của cộng đồng. Người trưởng làng ghét những chàng thanh niên làm việc xã hội này bởi vì ông không trong sạch, trước đây khi những chàng thanh niên này còn rượu chè và làm các việc phi pháp khác ông thường moi được tiền của họ nhưng bây giờ họ đã hoàn toàn tự nguyện cống hiến cho việc phục vụ xã hội, nguồn lợi tức bất hợp pháp của ông kể như chấm dứt. Vì thế ông đi đến đức vua và cáo gian những thanh niên này. Không điều tra kỹ lưỡng, đức vua ra lệnh bắt họ và xử tử bằng cách cho voi giày.
Trước sự việc ấy Māgha nói với những người bạn của mình, “Những bất hạnh xảy đến với tất cả chúng sanh đang sa lầy trong vòn tử sanh luân hồi chỉ là điều tự nhiên thôi các bạn ạ. Nơi nương nhờ đích thực của con người trong thế gian này là nói lời chân thực. Vì thế tất cả chúng ta nên long trọng tuyên bố: “Nếu chúng tôi quả thực là những tên trộm cắp, hãy để cho voi giày xéo chúng tôi. Nếu chúng tôi không phải thì voi này sẽ không giẫm đạp chúng tôi được.”
Những người bạn của Māgha làm theo lời khuyên của chàng. Khi ấy con voi thậm chí đã không dám đến gần họ mà còn rống lớn tiếng bỏ chạy. Đám quân lính dùng giáo,… thúc và đâm vào con vật nhưng vô ích. Vì thế nhóm thanh niên được đưa tới trước đức vua. Được đức vua hỏi cớ sự, Māgha nói rằng chính lời cầu xin năng lực của sự chân thật (sacca) đã giúp họ đẩy lùi được con voi. Chàng cũng nói với đức vua về những gì họ làm trước đây và việc người trưởng làng, do lòng tham lam thúc đẩy, đã cáo gian họ như thế nào.
Nghe xong sự việc này, đức vua không những đã lập tức trả tự do cho các chàng thanh niên và còn ban cho họ những món quà trong đó có cả sự sở hữu vĩnh viễn ngôi làng Macala nữa. Từ đó các chàng thanh niên càng hiến mình cho việc phụng sự xã hội một cách nhiệt thình và mãnh liệt hơn nữa và cho đến lúc chết Māgha trở thành vua trời Đế Thích (Sakka) và ba mươi ba người bạn đồng hành cũng trở thành những vị thiên tử trong cõi trời Tam Thập Tam hay Đạo Lợi của chàng.
Trên đây là sự giải thích tóm tắt về những thiện nghiệp của Māgha dẫn chàng đến tái sanh làm vua trời Đế Thích (Sakka) hiện nay. Trong câu chuyện này có một điều chúng ta cần lưu ý. Việc thực hiện các thiện sự của nhóm Māgha không phải do trí hiểu biết thấu đáo về Phật Pháp của họ. Có lẽ họ chỉ được nghe nói rằng làm điều thiện sẽ gặt hái quả thiện và chính lời dạy đơn giản này đã thúc đẩy Māgha làm những điều thiện và trở thành vua trời Đế Thích (Sakka) mà thôi, và chỉ sau khi được nghe bài pháp của Đức Phật, ông mới đạt đến đạo quả nhập lưu.
Điều này cho thấy rằng một người trong lúc đang làm những thiện sự có thể không có đạo-quả hay Niết-Bàn trong tâm, nhưng nếu người đó tin vào Nghiệp và làm điều thiện một cách chân thành, do kết quả ấy người đó sẽ được tái sanh vào cõi nhân loại hay chư thiên với khuynh hướng bẩm sinh hiền thiện (Tihetupatisandhika: người tam nhân hay người tái sanh với ba nhân cao thượng, đó là vô tham, vô sân, và vô si). Do khuynh hướng bẩm sinh này họ có thể đắc các tuệ giác đặc biệt sau khi nghe và thực hành pháp. Vì thế khi chúng ta làm những việc thiện hành động của chúng ta nên dựa trên niềm tin vào nghiệp và quả của nghiệp. Tất nhiên, điều tốt nhất vẫn là làm thiện với hy vọng đạt đến Đạo Quả Niết-Bàn vậy.
SỰ HÂN HOAN CỦA ĐẾ THÍCH (SAKKA)
Khi Đế Thích (Sakka) bầy tỏ sự hân hoan của mình vì đã chứng được quả vị nhập lưu, Đức Phật hỏi xem ông có từng bao giờ trải nghiệm một sự hân hoan như vậy trước đây không. Đế Thích (Sakka) trả lời như sau: “Bạch Đức Thế Tôn có lần, khi con chiến thắng trong trận chiến với các A-tu-la (Asūras) con đã rất hoan hỷ. Nhưng sự hoan hỷ đối với chiến thắng ấy có nguồn gốc từ sự va chạm của vũ khí. Nó không liên quan gì đến sự diệt trừ si mê. Nó không dẫn đến thắng trí giác ngộ, hay Niết-Bàn. Nhưng giờ đây sự hoan hỷ của con đối với việc chứng đắc nhập lưu không phải do va chạm vũ khí. Nó liên hệ đến sự diệt trừ si mê và xả ly. Nó cũng sẽ dẫn đến sự giác ngộ, và Niết-Bàn.”
Đế-thích (Sakka) nói tiếp rằng ông rất đỗi hoan hỷ bởi vì sáu lợi ích sẽ đổ dồn về cho ông:
(1) Điều thứ nhất làm ông hoan hỷ là chứng đắc nhập lưu và sự tái sanh trở lại làm Đế-thích (Sakka) của ông. Lần đầu tiên ông trở thành vua của chư thiên là nhờ những thiện nghiệp trong tiền kiếp làm thanh niên Māgha. Kiếp làm Đế-thích (Sakka) đầu tiên này kéo dài ba mươi sáu triệu năm tính theo cõi người. Rồi do thấy cái chết sắp xảy đến, ông đi nghe pháp. Trong khi đang nghe bài pháp của Đức Phật nói về xả thiện (upekkhā) ông thực hành minh sát và đạt đến giai đoạn thứ nhất trên thánh đạo (đắc nhập lưu). Đế Thích (Sakka) quá đỗi hoan hỷ do được giải thoát vĩnh viễn khỏi bốn cõi khổ và triển vọng được hưởng hạnh phúc thiên giới trong ba mươi sáu triệu năm nữa.
(2) Khi thọ mạng trong cõi chư thiên chấm dứt ông chắc chắn sẽ được tái sanh trong một gia đình nào đó ở cõi nhân loại theo sự chọn lựa của ông. Chú giải nói rằng tuổi thọ trong cõi nhân loại hiện đang giảm, cứ mỗi trăm năm giảm một tuổi. Từ thời Đức Phật đến nay đã trôi qua 2,500 năm và như vậy chúng ta phải thừa nhận rằng tuổi thọ cõi người đã giảm bớt 25 tuổi rồi. Sự giả định này là hợp lý vì ngày nay chỉ một ít người là sống đến 75 tuổi.
6.500 năm nữa thọ mạng của con người rất có thể sẽ giảm xuống còn 10 tuổi. Chú giải nói rằng vào lúc đó các món ăn ngon trong cõi nhân loại như bơ, mật ong, v.v…sẽ biến mất. Các loại gạo ngon sẽ trở thành chuyện của quá khứ, các loại hạt kém chất lượng sẽ trở thành lương thực chính của con người.
Người ta sẽ không còn kiêng tránh sát sanh, trộm cắp và các nghiệp bất thiện khác. Những hành động vô nhân sẽ tràn lan và không ai còn chút ý thức nào về giá trị đạo đức nữa. Những người không kính trọng cha mẹ, không kính trọng các bậc huynh trưởng trong quyến thuộc hay không kính trọng các bậc sa môn giới đức thì sẽ được nhiều người tán dương và nể vì. Ngay cả ngày nay, ở một số nơi chúng ta cũng đã thấy con người có khuynh hướng bất kính như vậy đối với các giá trị truyền thống. Hơn nữa, những hiện tượng loạn dâm như quan hệ giữa cha con, mẹ con và anh chị em ruột lẫn nhau và đời sống đạo đức của nhân loại sẽ suy đồi đến mức không khác gì súc vật.
Con người sẽ trở nên cực kỳ ác độc, hung hăng và đầy sát khí với nhau, mối quan hệ cha mẹ, con cái cũng sẽ như vậy. Những cuộc loạn đả tàn sát trong gia đình sẽ là đặc trưng của các mối quan hệ cá nhân giữa anh em và chị em. Khi con người lầm nhau là súc vật, sẽ xảy ra những cuộc xung đột vũ trang được theo sau bởi một cuộc thảm sát dẫn đến sự hủy diệt lẫn nhau. Lúc đó những vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ dễ dàng được tạo ra. Và khả năng xảy ra của một cuộc tàn sát hàng loạt như vậy dường như không còn xa lắm do con người thời nay đã tạo ra được những loại vũ khí nguyên tử vậy.
Cuối cùng, sự hủy diệt lẫn nhau sẽ đưa nhân loại đến bờ vực của diệt vong. Chỉ những người không muốn giết hay bị giết và tìm nơi ẩn náu trong rừng sâu mới thoát kiếp nạn. Tuy nhiên, số ít những người sống sót này cũng không dễ gì gặp được nhau. Chỉ sau khi trải qua một cuộc hành trình dài trong rừng sâu họ mới gặp được nhau và chính nhờ thế họ sẽ biết yêu thương nhau hơn và tránh xa việc sát sanh cũng như các ác nghiệp khác. Khi con người biết tránh các ác nghiệp như vậy tuổi thọ của nhân loại sẽ tăng dần lên. Con người sẽ lại biết làm điều lành, tránh điều ác và hưởng thụ cuộc sống dài lâu. Vì sự tái sanh của Đế Thích (Sakka) trong cõi nhân loại sẽ chỉ xảy ra trong thời kỳ tiến bộ ấy, cho nên ông phải kết thân với những người hiền là vậy.
Đế Thích (Sakka) nói rằng ông sẽ nhập thai trong bụng mẹ không bị rối loạn. Điều này cho thấy những gì xảy ra một cách tự nhiên đối với một bậc thánh nhập lưu khi chuyển di từ hiện hữu này sang hiện hữu khác. Rõ ràng tâm của vị trời rất trong sáng và thanh thản vào lúc chết bởi vì vị ấy chết không có sự đau đớn. Cũng vậy, vị ấy sẽ không bị rối loạn khi ở trong bào thai người mẹ ở cõi nhân loại. Bậc thánh nhập lưu ở cõi người cũng chết với tâm không rối loạn. Vị ấy có thể bị đau đớn với cái đau thể xác nhưng tâm vị ấy vẫn trong sáng và bình thường. Dù vị ấy không thể nói, nhưng thường vị ấy chết với tâm không bị rối loạn và tối mê. Đế-thích (Sakka) vui mừng vì vị ấy biết mình sẽ chết một cách bình yên và chuyển sang cõi người để được tái sanh vào một gia đình cao quý theo sự chọn lựa của vị ấy.
(3) Đế-thích (Sakka) nói rằng nhờ sống theo lời dạy của Đức Phật ông có được rất nhiều niềm vui.
Nếu thọ mạng của cõi người cứ giảm mỗi trăm năm một tuổi, vào cuối của 90 thế kỷ nữa nó sẽ chỉ còn 10 tuổi mà thôi. Giả sử một phần lớn của loài người bị quét sạch bởi một cuộc chiến tranh hạt nhân, Đế Thích sẽ chỉ còn 9000 tuổi và ông sẽ sống hơn 35 triệu năm khác. Lúc ấy tuổi thọ trung bình của loài người sẽ là hàng trăm ngàn tuổi.
Dựa vào lời tiên đoán, giáo pháp của Đức Phật tồn tại khoảng 5000 năm và một sự hủy diệt lớn do xung đột toàn cầu sẽ xảy ra vào lúc tuổi thọ con người còn 10 tuổi, người ta cho rằng Đạo Phật sẽ bị diệt vong vào thời gian đó. Sẽ không còn ai nhớ đến Phật Pháp (Buddha-Dhamma) cũng như sẽ không còn kinh điển và những cuốn sách pháp nữa. Có thể những bài kinh trong Kinh Tạng (Piṭaka) được khắc trên đá ở Miến Điện vẫn tồn tại song sẽ không còn ai biết thuyết giảng pháp. Nhưng vì Đế-thích (Sakka) đã là một bậc thánh Nhập Lưu, Pháp vẫn sẽ còn rõ rệt trong ký ức của ông cũng như với trường hợp của các vị thánh khác. Do đó, mặc dầu lúc đó đa số mọi người không còn ai biết đến Đạo Phật, song Phật Pháp vẫn sẽ tiếp tục là một nguồn lực sống trong cuộc đời của người là hậu thân của Đế-thích. Người ấy sẽ giữ ngũ giới, hiểu được bản chất vô thường, khổ và vô ngã ở mức nhập lưu và thắng phục được một số phiền não. Nói cách khác, vị ấy sẽ vẫn tiếp tục là một người đệ tử tận trung, tận lực của Đức Phật.
Một bậc thánh nhập lưu (sotāpanna) trong cõi vô sắc (arūpa) chắc chắn sẽ không quên hành chánh niệm. Vị ấy có thể quán tiến trình tâm của mình và đắc đạo quả A-la-hán. Trong thời kỳ của Đức Phật kế tiếp, có thể vị ấy vẫn sống trong cõi Phạm thiên sắc giới, nhưng do là đệ tử của Đức Phật trước vị ấy sẽ trở thành một bậc A-la-hán và nhập Niết Bàn tại đó (chứ không phải tái sanh xuống cõi người để gặp Đức Phật ấy rồi mới đắc đạo quả A-la-hán). Nói khác hơn, những bậc thánh nhập lưu này sẽ không hành thiền minh sát như những đệ tử của vị Phật kế tiếp. Bằng chứng là ở cõi Tịnh Cư (Suddhavāsa) nơi đây một số vị thánh đệ tử cũ của sáu vị Phật trước đây đã tự nhận dạng mình trong cuộc viếng thăm của Đức Phật Gotama. Vì thế sẽ thật vô nghĩa khi nguyện đắc đạo quả A-la-hán dưới sự hướng dẫn của vị Phật khác nếu bạn đã đắc Nhập Lưu trên căn bản giáo pháp của Đức Phật trước.
Đế-thích (Sakka) cũng nói rằng trong lúc sống theo Phật Pháp, ông sẽ luôn luôn giữ chánh niệm, và sau này cũng thế ông sẽ tiếp tục hành chánh niệm như hiện nay ông đang hành. Triển vọng này sẽ cho ông thật nhiều an lạc vì nhờ đó ông được bảo đảm về sự chứng đắc các tuệ giác khác theo tuần tự.
(4) Đế-thích (Sakka) nói, “Bạch Đức Thế Tôn, nếu do chân chánh hành thiền minh sát, con đạt đến Sambodhi, con sẽ cố gắng và quán để đạt đến các tuệ giác cao hơn. Sambodhi mà con đạt đến khi là một con người sẽ đánh dấu kiếp cuối làm người của con.”
Ở đây, Sambodhi có nghĩa là ba giai đoạn tuệ giác cao hơn. Nhưng sau đó Đế-thích nói rằng ông sẽ làm vua của chư thiên trở lại, rồi sau khi đắc đạo quả A-na-hàm (anāgāmi) trong kiếp hiện tại ấy, ông sẽ tái sanh trong cõi Tịnh Cư Thiên (Suddhāvāsā) và cuối cùng đắc đạo quả A-la-hán ở cõi Sắc Cứu Cánh (akaniṭṭha). Do lời tuyên bố này của Đế-thích các nhà chú giải cho rằng sambodhi mà ông muốn nói chính là tuệ giác của bậc thánh nhất lai (Sakadāgāmi).
Như vậy Đế-thích (Sakka) sẽ đạt đến đạo quả nhất lai khi ông chuyển đến hay tái sanh trong cõi người. Đây sẽ là kiếp sống cuối cùng phải bị già, bịnh, chết và những thống khổ khác trong cõi người của ông. Và đây cũng là lý do thứ tư vì sao ông hoan hỷ.
(5) Đế-thích (Sakka) nói rằng sau khi chết ở cõi người, ông sẽ trở thành một vị thiên tử tối thượng (uttamo-deva) trong thiên giới.
Theo chú giải, ông sẽ trở thành một vị thiên chủ trong cõi trời Tavatimsā (Đạo Lợi hay Tam Thập Tam Thiên). Vì thế nếu ông phải trải qua một lần sanh làm người duy nhất, thọ mạng cõi người ấy phải ngang bằng với thọ mạng của chư thiên cõi Đạo Lợi. Nói cách khác, hậu thân của Đế-thích (Sakka) trên cõi đất phải thọ như một Đế-thích (Sakka) nắm giữ chức vụ thiên chủ vậy, nghĩa là ông phải sống tới 36 triệu năm.
Như một sự chọn lựa, thánh nhập lưu Đế-thích (Sakka) có thể phải trải qua vài lần tái sanh. Trong trường hợp đó chúng ta phải hiểu như thế nào về bảy lần sanh của một bậc nhập lưu? Ở đây những lần tái sanh của Đế-thích (Sakka) trong cõi người nên được hiểu theo cùng nghĩa như sự tái sanh của người đã đắc a-na-hàm phải chịu một lần tái sanh duy nhất vậy. Vị ấy có thể phải tái sanh đến năm lần trong cõi Tịnh Cư. Nhưng vì điều này chỉ xảy ra trong cõi sắc giới và không liên quan gì đến các cõi dục hay vô sắc, nên chúng ta có thể nói rằng vị ấy chỉ tái sanh một lần duy nhất. Cũng vậy, Đế-thích (Sakka) có thể sẽ có nhiều lần tái sanh dưới dạng thụ thai trong cõi người nhưng vì những lần tái sanh của ông được giới hạn trong cõi người, nên nó cũng có thể được xem như một lần tái sanh duy nhất trên cõi đất mà thôi.
Đế-thích (Sakka) rất hoan hỷ với viễn cảnh được đạt đến giai đoạn Nhất Lai (Sakadāgāmi) như một con người và sau đó tái sanh làm một vị thiên chủ trên cõi Tam Thập Tam Thiên.
(6) Đế thích (Sakka) nói, Sắc Cứu Cánh thiên (akanitthā), được gọi như vậy là vì ở đó các vị thiên có đầy đủ quyền lực, hạnh phúc, tuổi thọ, và v.v… Họ là những chư thiên cao quý nhất. Con sẽ có kiếp cuối của mình trong cõi thù thắng ấy.”
Akanitthā (sắc cứu cánh thiên) là cõi cao nhất nhất trong năm cõi Tịnh Cư. Mặc dù những cư dân ở đó được gọi là chư thiên, nhưng thực sự họ là những Phạm Thiên (Brahmas). Có thể đoán chừng là ở đó có rất nhiều Phạm Thiên vì mỗi vị Phạm Thiên được bảo là có nhiều tùy tùng của họ nữa. Đế thích (Sakka) sẽ là một vị thánh nhất lai trên cõi đất, sau đó ông trở thành thánh bất lai trên cõi chư thiên và rồi ông sẽ chuyển đến cõi vô phiền, cõi thấp nhất trong năm cõi Tịnh Cư. Sau khi đi qua các cõi chư thiên khác nhau, ông sẽ đến cõi Phạm thiên Sắc Cứu Cánh và đắc Niết Bàn tại đó.
Theo chú giải, Đế thích (Sakka) sẽ sống ở cõi Phạm thiên 31,000 kiếp (kappas). Ngoài Đế thích (Sakka), còn có hai người khác, đó là trưởng giả Cấp-cô-độc (Anāthapindika) và bà Visākhā, những đại đệ tử tại gia của Đức Phật là những người sẽ thọ hưởng tuổi thọ như nhau trong cõi Phạm thiên. Như vây, về phương diện tuổi thọ, và những phẩm chất cao quý khác của cuộc sống Đế thích (Sakka), Cấp-cô-độc và Vi-sa-kha không có người đồng đẳng trong số những chúng sanh phải bị trôi lăn trong luân hồi này.
Do đó, nguyên nhân thứ sáu khiến Đế thích (Sakka) hoan hỷ là viễn cảnh sẽ đắc Niết Bàn trong cõi Phạm thiên Akanitthā (sắc cứu cánh thiên) vậy. Kế tiếp Đế thích (Sakka) kết luận lời tuyên bố của mình cho Đức Phật như sau:
“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay con xin đảnh lễ ngài như các chư thiên đã làm như vậy với đấng Phạm Thiên. Bạch Đức Thế Tôn, ngài là vị Phật chân chánh (sambuddha) duy nhất, Ngài là bậc đạo sư chân chánh có thể chỉ dạy cho chư thiên và loài người vì hạnh phúc của họ. Trong thế giới Phạm thiên, chư thiên và loài người ngài không có ai đồng đẳng.
Rồi Đế thích (Sakka) đọc lên ba lần: Namo tassa bhagavato arahato sammā-sambuddhassa (Thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, bậc ứng cúng, chánh biến tri) và sung sướng đảnh lễ Đức Phật. Ở đây Arahato có nghĩa là “đáng tôn kính và cúng dường” và Sammāsambuddha có nghĩa là bậc đã từ mình tuệ tri tứ thánh đế.
Đến đây kết thúc bài kinh Đế Thích Vấn Đạo. Bài kinh đã soi sáng cho rất nhiều chúng sanh như nó đã soi sáng cho Đế thích (Sakka) và nhiều chư thiên khác, và những ai nghiên cứu và áp dụng những lời Đức Phật dạy trong bài kinh này chắc chắn sẽ đạt đến các tuệ giác phi thường trên Thánh Đạo.