Phần 1

– CHÁNH KINH  

– PHẦN I: GIỚI THIỆU  

– CHƯƠNG I: Phận sự hàng ngày của Đức Phật  

– I. Thứ nhất là Purebhatta Kicca  

– II. Thứ hai là Pacchabhatta Kicca  

– III. Thứ ba là Purimayāma Kicca  

– IV. Thứ tư là Majjhimayāma Kicca  

– V. Thứ năm là Pacchimayāma Kicca 

CHÁNH KINH 

Gánh Nặng (S.iii,25) 

– Ở Sàvatthi… 

– Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về gánh nặng, mang gánh nặng lên, đặt gánh nặng xuống. Hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng. 

– Này các Tỷ-kheo, thế nào là gánh nặng? Năm thủ uẩn là câu trả lời. Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là gánh nặng. 

– Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kẻ mang gánh nặng? Người là câu trả lời. Vị Tôn giả này có tên như thế này, dòng họ như thế này. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ mang gánh nặng! 

– Và này các Tỷ-kheo, thế nào là mang gánh nặng lên? Chính là tham ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, đi tìm hỷ lạc chỗ này, chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là mang gánh nặng lên. 

– Này các Tỷ-kheo, thế nào là đặt gánh nặng xuống? Ðây là sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn, sự từ bỏ, sự xả ly, sự giải thoát, sự không chấp thủ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đặt gánh nặng xuống. 

– Thế Tôn thuyết như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

Năm uẩn là gánh nặng, 

Kẻ gánh nặng là người; 

Mang lấy gánh nặng lên, 

Chính là khổ ở đời. 

Còn đặt gánh nặng xuống, 

Tức là lạc, không khổ, 

Ðặt gánh nặng xuống xong, 

Không mang thêm gánh khác. 

Nếu nhổ khát ái lên, 

Tận cùng đến gốc rễ, 

Không còn đói và khát, 

Ðược giải thoát tịnh lạc!

PHẦN I: GIỚI THIỆU 

Bốn tháng sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, Đại Hội Kết Tập kinh Điển lần Thứ Nhất do Tôn giả Mahākassapa triệu tập cùng với sự tham dự của 500 vị A-la-hán Tỳ-kheo tại động Sattapanni gần Thành Vương Xá (Rājagaha). Trong đại hội này Tôn giả Mahākassapa đã hỏi bài kinh Gánh Nặng (Bhāra sutta) này được Đức Phật thuyết ở đâu, và Tôn giả Anandā trả lời bằng cách nói như sau: 

“Evam me suttam……” (Tôi được nghe như vầy…). Sau đó ngài trùng tuyên nguyên văn bài kinh, “Một thời, Đức Thế Tôn cư ngụ tại Kỳ Viên tịnh xá, ngôi chùa do trưởng giả Cấp Cô Độc dâng cúng, tọa lạc tại Thành Xá-vệ do Vua Pasenadī Kosala cai trị. 

Xá-vệ là tổng hành dinh của hai nước Kāsi và Kosala. Thỉnh thoảng Đức Phật cư ngụ tại Trúc Lâm Tịnh Xá ở Vương Xá Thành, hoặc tại Núi Gijjhakuta (Kỳ-xà Quật hay Linh Thứu Sơn) gần Kinh Đô. Những dịp khác ngài sẽ cư ngụ tại Vesāli, hay Kosambi, hay Alavī, hay Kapilavatthu… Sở dĩ ngài thường xuyên thay đổi nơi cư trú, hết nơi này đến nơi khác, là vì ngài muốn thuyết giảng Pháp và Luật đến những người đáng được thuyết.

Trong khi Đức Phật đang cư trú tại Kỳ Viên Tịnh Xá như vậy, ngài gọi các vị Tỳ-kheo lại và nói: “Này các Tỳ-kheo!”

CHƯƠNG I: 

PHẬN SỰ HÀNG NGÀY CỦA ĐỨC PHẬT 

Tôi xin ra ngoài đề một chút để nói cho quý vị rõ về năm phận sự hàng ngày được Đức Phật thực hiện theo trình tự.

I. Thứ nhất là phận sự trước bữa ăn sáng (purebhatta kicca), tức phận sự được Đức Phật thực hiện giữa hừng đông và cuối bữa ăn sáng. 

Vào lúc hừng đông những vị thị giả dâng cho ngài nước và cây chà răng. Khi ngài chà răng và rửa mặt xong ngài ngồi tĩnh tại một mình cho đến giờ đi bát, lúc đó ngài đắp y và lên đường rời khỏi tu viện. Thông thường ngài đi bộ giống như các vị Tỳ-kheo khác. Nhưng thỉnh thoảng ngài cũng thị hiện thần thông trong lúc đang lưu trú. Một cơn gió nhẹ, tác hành như cây chổi, quét dọn con đường ngài đi. Trên trời những giọt mưa rơi xuống tẩy sạch bụi trần. Những đám mây bung ra giống như một chiếc dù che mát cho ngài. Những đóa hoa rơi quanh khi ngài bước đi. Những chướng ngại vật và hầm hố tự động biến mất, và con đường trở nên phẳng lặng. Mỗi khi chân ngài chạm đất, những đóa hoa sen xòe ra như thể những chiếc gối đỡ lấy chân ngài. 

Khi ngài bước vào cổng thành hào quang sáu màu — xanh, vàng, đỏ, trắng, cam và dải ngũ sắc — phát ra từ nơi thân của ngài.

Voi, ngựa, chim muông các loài… phát ra những âm thanh ngọt ngào trong khi những nhạc công tấu lên những bản nhạc bằng nhạc cụ của mình. 

Đó là những phép lạ hay thần thông. Một số người đặt niềm tin nơi Đức Phật chỉ khi họ tận mắt chứng kiến ngài thực hiện những phép lạ như một đấng siêu nhiên. Niềm tin này dẫn họ đến con đường giải thoát khỏi những khổ đau của cuộc đời. Chính vì lợi ích của của những người này mà Đức Phật đã vận dụng các phép thần thông gọi là Pathāriya. Con người về bản chất rất khác nhau. Một số hiểu được pháp (dhamma) khi nó được giải thích theo cách đơn giản và bình thường. Tuy nhiên, một số khác lại thích cách thuyết gảng có phần trình diễn các phép thần thông tạo ra những hiện tượng kì lạ và phi thường. Tôi biết một bà tín nữ nọ rất thích những điều phi thường. Có lần bà đảnh lễ một bức tượng Phật và cầu xin, “Xin Đức Phật hiện xuống và ngự trên đầu con với tấm y vàng, bình bát nạm ngọc và cây tích trượng dát nhiều loại châu báu.” Nghe được lời cầu nguyện này, người anh trai đã trách mắng bà. Ông nói: “Bà thật là quá khó tính và câu nệ hình thức. Liệu Đức Phật có phải thực hiện hết các thần thông để làm vừa lòng bà không? Tôi mà là Phật tôi sẽ chẳng bao giờ nghe lời thỉnh cầu của bà! 

Có lần một người phụ nữ phương tây nói với tôi rằng bà nghĩ việc sùng bái các ngôi tháp hoặc tượng Phật để tưởng nhớ ngài bằng một lẵng hoa hay những vật tự tạo bằng giấy, bằng nhựa, vàng lá và đá quý thật rườm rà và dư thừa. Bà nói “Nếu Đức Phật sống ở thời đại chúng ta ngài sẽ từ chối nhận những sự cúng dường như vậy.” Điều này cho thấy sự khác biệt về bản tính hay cách suy nghĩ của mỗi người khác nhau như thế nào. Tôi nghĩ chính vì Đức Phật muốn độ những người bị hấp dẫn bởi những hiện tượng kỳ lạ không cưỡng lại được này mà ngài đã thị hiện thần thông. 

Khi dân chúng nhìn thấy những phép lạ, ngay lập tức họ biết rằng Đức Phật đang trên đường đi khất thực đến các con đường hay khu vực họ ở. Họ liền ăn mặc tề chỉnh và cúng dường hương, hoa đến ngài. Sau đó họ thỉnh một số vị sư trong đoàn (cùng đi với ngài) tùy theo khả năng bố thí và cúng dường vật thực của họ. 

Sau khi thọ thực xong, Đức Phật thuyết pháp hợp theo căn cơ của thính chúng, có khi một số được an lập trong Tam Quy, một số thọ trì ngũ giới. Thậm chí có số đắc các đạo quả nhập lưu, nhất lai, bất lai, hoặc a-la-hán. 

Thuyết pháp xong, Đức Phật trở về chùa. Ngài nghỉ trong giảng đường một lúc chờ cho các vị tỳ-kheo đi khất thực trở về. Khi ngài được thông báo rằng tất cả đã về hết và thọ thực xong, ngài lui về hương thất (Gandhakuti) sau khi làm xong phận sự purebhatta kicca (phận sự trước bữa ăn sáng) của ngài.

II. Phận sự thứ hai là pacchabhatta kicca (phận sự sau bữa trưa), phận sự được ngài thực hiện sau bữa ăn trưa. 

Khi ngài sắp bước vào hương thất, ngài rửa chân và tại đó ngài khuyến giáo các vị đệ tử như vầy: 

Này các tỳ-kheo! Hãy sống thận trọng; và chuyên cần nỗ lực. Sanh trong thời kỳ Đức Phật xuất hiện trên thế gian này là điều khó; sanh làm người là khó; đạt được sự hoàn thành là khó; được xuất gia là khó; có được cơ hội nghe chánh pháp là khó. 

Sau khi Đức Phật nhập diệt những lời dạy của ngài vẫn còn được lưu truyền; vì thế chúng ta đang sống trong thời kỳ có Giáo Pháp của Đức Phật. Cơ hội này rất khó gặp. Những ai đã có được nó nên sống thận trọng để cố gắng hoàn thành giới, định và tuệ. Ở đây Đức Phật có đề cập đến sự hoàn thành (sampatti), điều này cần phải được làm cho sáng tỏ. Sống ở một nơi thích hợp để thực hành Pháp đưa đến Đạo Quả, có đầy đủ hảo tướng, niềm tin mãnh liệt nơi Tam Bảo, sanh trong thời kỳ thịnh vượng, sung túc về vật thực, khỏe mạnh để hành pháp… được xem là những điều kiện cần phải được thỏa mãn để đạt đến sự hoàn thành (sampatti). 

Sau khi khuyến giáo, nhắc nhở các vị Tỳ-kheo về năm điều khó, Đức Phật ấn định những đề tài thiền (kammaṭṭhāna) phù hợp với căn tánh của những người hỏi xin. Khi đã nhận được những chỉ dẫn này các vị Tỳ-kheo trở về các khu rừng để hành thiền dưới gốc cây hay những nơi thích hợp khác. 

Đức Phật cũng lui về hương phòng, và nếu muốn, ngài nằm xuống bên hông phải để nghỉ ngơi. Khi đã thư giãn xong Đức Phật ngồi dậy và quan sát trong con mắt tâm của ngài tình trạng thế gian với trí biết thượng hạ căn cơ của các chúng sanh (indriyaparopariyatta ñāṇa), đây là một loại trí tuệ biết rõ mức độ phát triển cao thấp về các căn tinh thần của các chúng sanh, và trí biết những khuynh hướng và dục vọng ngủ ngầm nơi họ (āsayānusayañāṇa). Hai loại trí này thường được gọi là “Phật Nhãn”. Ngài nhìn vào thế gian để thấy xem có chúng sanh dễ dạy nào đã chín mùi cho sự giải thoát khỏi khổ đau của kiếp nhân sinh không. Khi một người dễ dạy (veneyya) như vậy sắp đến với ngài, ngài chờ người ấy; nhưng khi người ấy ở một nơi xa xôi nào đó, ngài sẽ dùng thần thông để đi đến họ. Những phận sự này được ngài thực hiện trong suốt giai đoạn hai của buổi chiều. Trong giai đoạn ba dân chúng từ những khu phố hay những khu dân cư mà trước đây Đức Phật đã đi khất thực, sẽ ăn mặc đẹp đẽ và cầm theo hương hoa cùng nhau đi đến tịnh xá. Ở Thành Vương Xá họ thường đi đến Trúc Lâm Tịnh Xá; Ở Tỳ-xá-ly (Vesālī), thì đến Đại Lâm Tịnh Xá (Mahāvanna); ở Xá-vệ thì đến Đông Viên Tịnh Xá (Pubbārāma). Tất nhiên khi bài Kinh Gánh Nặng (Bhāra Sutta) này được thuyết tại thì mọi người đều ở Kỳ Viên Tự. Khi hàng trăm, hàng ngàn người đã tụ tập lại, thông thường Đức Phật sẽ đi vào Chánh Pháp Đường (Dhammasāla) và thuyết những bài pháp thích hợp. Lúc bấy giờ tất cả các vị Tỳ-kheo không bịnh hay không bất khả dụng đều đến tham dự cùng với những người tại gia cư sĩ. Và các vị Tỳ-kheo Ni cũng đến. Do đó thính chúng bao giờ cũng gồm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ni, nam cư sĩ và nữ cư sĩ. Tuy nhiên thói quen của Đức Phật bao giờ cũng dành ưu tiên cho các vị sư, vì thế ngài luôn luôn gọi ‘Này các Tỳ-kheo’ trước. 

Như trường hợp hiện nay, khi Đức Phật sắp thuyết bài Kinh Gánh Nặng, ngài gọi các vị Tỳ-kheo trước. Sau đó các vị Tỳ-kheo kính cẩn đáp lại, “Bạch Đức Thế Tôn!” 

Kế đó Đức Phật tiếp tục thuyết giảng bài kinh, sau khi thuyết xong các vị Tỳ-kheo và nam nữ cư sĩ sẽ đảnh lễ bậc Đạo Sư và giải tán. 

III. Phận sự thứ ba là Purimayāma Kicca, tức những phận sự làm vào buổi tối. 

Đức Phật sẽ tắm nếu ngài muốn và sau đó ngồi một mình trên bồ đoàn trong hương thất. Các vị Tỳ-kheo lúc này sẽ thỉnh cầu ngài giải thích một số điểm gút mắc nào đó liên quan đến vấn đề tôn giáo, hoặc chỉ dẫn thêm về những đề tài thiền, hoặc chỉ xin ngài thuyết giảng. Đức Phật thường dùng thời giờ để thỏa mãn những yêu cầu của các vị Tỳ-kheo cho đến khoảng 10 giờ đêm.

IV. Phận sự thứ tư là Majjhimayāma Kicca hay phận sự lúc nửa đêm. 

Nửa đêm, các vị chư thiên và phạm thiên từ mười ngàn thế giới đi đến Đức Phật và hỏi ngài những câu hỏi. Tương Ưng Bộ Kinh, Phẩm Có Kệ (Sagātha) có ghi lại những câu trả lời của Đức Phật cho những câu hỏi này. Thông thường, phận sự thứ tư sẽ kéo dài khoảng hai tiếng, như vậy có nghĩa là đến khoảng 2 giờ sáng.

V. Phận sự thứ năm là Pacchimayāma Kicca, hay phận sự vào canh cuối của đêm. 

Phận sự này kéo dài khoảng ba giờ. Giờ đầu, Đức Phật đi kinh hành quanh hành lang để duy trì sức khỏe. Chỉ có giờ thứ hai ngài mới ngủ, và giấc ngủ của ngài kéo dài khoảng một giờ. Khi Đức Phật thức dậy vào giờ thứ ba, ngài sẽ quan sát thế gian và mở rộng võng trí của ngài (net of knowledge) trùm khắp mọi nơi như ngài đã làm trong phận sự thứ nhất để thấy xem có người nào đã chín mùi cho sự giải thoát không. 

Như vậy chúng ta thấy, thực tế Đức Phật không có thời giờ dành cho những chuyện thế gian. Ngài luôn luôn bận rộn với năm phận sự này. Có lẽ ngài đã thuyết bài kinh Gánh Nặng trong thời gian thực hiện những phận sự vào buổi tối; tuy nhiên tôi lại nghĩ rằng vì bài kinh liên quan đến bốn loại thính chúng, Tỳ-kheo và cư sĩ của cả hai giới, nên có thể ngài đã thuyết bài kinh này vào buổi chiều. Chúng ta cũng cần phải nhớ rằng, mặc dù tứ chúng cùng có mặt, bài kinh vẫn chủ yếu nhắm đến các vị Tỳ-kheo, vì lẽ phần giới thiệu bắt đầu với những từ, “Này các Tỳ-kheo!” Vì thế chúng ta tìm thấy đoạn văn kinh sau: 

Này các Tỳ-kheo! Như Lai sẽ nói cho các vị biết về gánh nặng, về người mang gánh nặng, về việc vận chuyển gánh nặng và về việc đặt xuống gánh nặng. Hãy lắng nghe và khéo tác ý. Như Lai sẽ nói về những điều ấy ngay bây giờ. 

Như vậy Đức Phật đã chỉ thị các vị Tỳ-kheo phải khéo tác ý đến bài pháp của ngài liên quan đến gánh nặng, người mang gánh nặng, việc vận chuyển gánh nặng và việc đặt xuống gánh nặng, trong đó việc nhấn mạnh đến khéo tác ý của Đức Phật rất đáng lưu ý. Chẳng lợi ích gì cho người không khéo lắng nghe. Chỉ những ai chú tâm vào những điều ngài dạy mới có thể có được sự giác ngộ đạo quả. Mở đầu bài kinh, sự nhấn mạnh của ngài đặt ở chỗ quăng bỏ gánh nặng làm cho người ta nhẹ nhõm và an vui nhiều như thế nào. 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app